Do đâu thành ngữ có nghĩa như trên? Điều này, nguyên do là ở chỗ hàng tôm và hàng cá đích thực ở chợ. Vào những ngày tư, ngày rằm hay ngày tết, khi nhu cầu về thức ăn của người ta tăng lên thì hàng tôm, hàng cá (và cả hàng thịt nữa) thường đông khách, chủ yếu là các bà, các cô, kẻ mua nguời bán tấp nập, kẻ bớt một, người thêm hai, cứ là “ồn ào như vỡ chợ”. Rồi thì sự “mua tranh bán cướp" tất yếu xảy ra câu chuyện “hàng tôm” tranh khách của “hàng cá” còn “hàng cá” lại muốn cướp khách của “hàng tôm”. Và cuối cùng họ đôi co, cãi lộn, quen thói “tanh tưởi”, họ trút tất cả ra ở chợ! Hàng tôm hàng cá là như vậy. Hoá ra là, quy luật cạnh tranh của thị trường đời nào cũng có! Thành ngữ hàng tôm hàng cá chỉ sự đanh đá, cãi vã, lắm điều trong cách xử sự nhỏ nhen thô lậu, thường là của đàn bà con gái khi tranh chấp một quyền lợi gì đó. Từ nét nghĩa cơ bản trên, ý nghĩa thành ngữ được mở rộng: “nó còn chỉ một lối chơi" không đẹp, một cách xử sự nhỏ nhen trong quan hệ giữa người với người trong cuộc sống.
Đôi khi thành ngữ hàng tôm hàng cá được dùng để chỉ một lối mua bán theo kiểu chợ búa của hàng tôm hàng cá.
Trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ khá Ií thú, gần nghĩa với hàng tôm hàng cá là hàng thịt nguýt hàng cá và trâu buộc ghét trâu ăn.
Song, hai thành ngữ hàng thịt nguýt hàng cá và trâu buộc ghét trâu ăn chỉ mang nét nghĩa “ghen ăn tức ở” chứ không có nét nghĩa biểu thị sự cãi lộn, đanh đá, lắm điều hay đối xử thô lậu, nhỏ nhen. Xem ra hai thành ngữ sau có sắc thái mát mẻ hơn hàng tôm hàng cá.