Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà cũng có kẻ chẳng muốn làm, chỉ chực chờ ăn. Hắn ta nổi tiếng lười biếng. Cái danh ''đại lãn'' quả là rất xứng đáng. Đại Lãn chờ sung há chẳng phải là một sự kiện nổi tiếng đó sao? Một ngày nọ, hắn đến bên một cây sung to. Chao ôi, bao nhiêu là quả chín! Lại nữa, thỉnh thoảng một quả rơi xuống bên gốc cây. Hắn nghĩ ngay ra một diệu kế. Cần phải nằm ngửa, há to miệng, thế nào cũng có quả rơi đúng miệng. Lúc đó, hắn sẽ nhai ngon lành, mà chẳng cần phải hoài công leo trèo, hái lượm gì… Nhiều quả sung lần lượt rơi chung quanh mình, nhưng chẳng có một quả nào rơi vào miệng hắn. Vừa đói, vừa mệt, hắn đành nuốt nước bọt thất vọng đứng dậy. Thành ngữ ''Há miệng chờ sung'' hay “Đại Lãn chờ sung'' chắc là xuất phát từ câu chuyện này.
Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung'', nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may. Thí dụ: ''Và những kẻ nhụt chí sinh ra há miệng chờ sung, nằm trong buồng riêng quan Tàu chờ thời như Nguyễn Hải Thần” (Tô Hoài. “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”).