Trong tiếng Việt, tồn tại cả hai dạng “giàu vì bạn, sang vì vợ” và “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhiều người cho rằng đây là hai biến thể của một câu tục ngữ duy nhất. Theo huớng này, hoặc thừa nhận biến thể này là đúng và phủ nhận biến thể kia, hoặc ngược lại. Trong tiếng Việt, tồn tại cả hai dạng “giàu vì bạn, sang vì vợ” và “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhiều người cho rằng đây là hai biến thể của một câu tục ngữ duy nhất. Theo huớng này, hoặc thừa nhận biến thể này là đúng và phủ nhận biến thể kia, hoặc ngược lại. Kì thực thì đây là hai câu tục ngữ riêng biệt, bởi vì hình thức và ý nghĩa của chúng có sự phân biệt rạch ròi.
Ở câu tục ngữ “giàu vì bạn, sang vì vợ”, ý nghĩa được toát là sự đúc kết một kinh nghiệm lâu đời về cách ứng xử của nguời con trai trước bạn bè và người vợ của mình. Bao giờ cũng vậy, hễ gặp bạn bè, dù nghèo khó thật, chàng vẫn tỏ ra giàu có và hào phóng. Còn đối với vợ, chàng tỏ ra mình là người sang trọng, có tài được nhiều người kính phục. Một số người có cách hiểu khác về câu tục ngữ này. Theo họ, câu tục ngữ này ý nói: nhờ có bạn bè và người vợ tốt mà chàng trai mới trở nên giàu sang. Do vậy, chàng trai cần phải quý trọng bạn bè và vợ con. Sự tồn tại cả hai cách hiểu phổ biến đối với câu tục ngữ này có thể tìm thấy cách giải thích, ở cách hiểu từ vì. Ở cách hiểu thứ nhất, vì được hiểu trong nghĩa mục đích; còn ở cách hiểu thứ hai, vì được hiểu theo nghĩa nguyên nhân.
Cũng là cách ứng xử với bạn bè và người vợ, nhưng ở câu tục ngữ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Câu tục ngữ này trước hết phê phán những kẻ hay thay lòng đổi dạ. Khi nghèo khó thì anh còn biết chơi với bạn nghèo. Khi giàu có, hắn ta sợ bạn nghèo làm phiền nên bỏ bạn cũ để tìm đến bọn giàu kết bạn mong được lợi lộc, chí ít thì cũng ''có đi có lại'' và được tiếng là sánh vai với các bậc đàn anh giàu có trong thiên hạ. Lại nữa, khi anh ta chưa có địa vị, người vợ của mình là tất cả. Nhưng trớ trêu thay, khi đạt được địa vị cao hơn, hắn ta nghĩ ngay tới một người vợ tương xứng hơn với mình. Sự phụ bạc đối với bạn bè, vợ con của bọn người sống bạc bẽo, hợm đời, trưởng giả này không phải là hiếm. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm thực tế qua nhiều thế kỉ và đồng thời cũng là lời kết án đối với lối sống của những hạng người như vậy.
Rõ ràng là hai câu: “giàu vì bạn, sang vì vợ” và ''giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là hai câu tục ngữ riêng biệt. Mỗi câu biểu thị một ý nghĩ riêng, đúc kết một chân lý riêng và bài học được rút ra qua đó cũng rất riêng.