Cũng như nhiều thành ngữ khác trong tiếng Việt, thành ngữ dở dở ương ương được hình thành bằng ghép láy hai từ dở và ương đi liền nhau.
Nếu chấp nhận rằng có một sự chuyển nghĩa từ dở trong khế dở (khế không ra ngọt mà cũng không ra chua) đến dở trong dở người từ ương trong ổi ương đến ương trong ương gàn, ương ngạnh v.v… thì cũng có thể chấp nhận có hai cách giải thích của thành ngữ dở dở ương ương.
Với nghĩa gốc, dở là ở trạng thái chưa xong, chưa kết thúc; còn ương biểu thị cái trạng thái của trái cây gần chín, cái trạng thái chưa chín hẳn, nhưng cũng chẳng còn xanh nữa! Có thể nói dở và ương đều có một nét nghĩa chung là ở trạng thái, chưa kết thúc của quá trình, ở trạng thái nửa vời, không ra thế nọ mà cũng chẳng ra thế kia. Từ đó, với nghĩa bóng, nghĩa rộng, thành ngữ dở dở ương ương thường được dùng để biểu thị tính cách của những người khôn chẳng ra khôn mà dại chẳng ra dại. Dĩ nhiên cái tính cách, phẩm chất này lại thường thể hiện ở cách nói năng, cách ứng xử, thí dụ:
“Ấy cũng chỉ vì trên đầu có hai thứ tóc nên mới ăn nói dở dở ương ương như thế”. (Tạp chí văn nghệ quân đội 1-1967).
“Gọi là Đạo Khùng vì ông dở dở ương ương lúc cười nói huyên thuyên, lúc im hơi lặng tiếng, khi thì đon đả hỏi chuyện khách viếng thăm, vui vẻ trả lời các câu hỏi, lúc lì lì hoặc gắt gỏng, xua đuổi người đến thỉnh cầu như xua tà” (Khoa học bịp).
Với nghĩa chuyển, dở được dùng để biểu thị tính khí không bình thường, được biểu hiện bằng những hành vi ngớ ngẩn, còn ương là “gàn”, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai” (Từ điển tiếng Việt, 1988). Như vậy thì việc giải thích dở dở ương ương là thành ngữ biểu thị tính cách của con người không bình thường, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại cũng là cách giải thích có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, thì nghĩa của dở dở ương ương được hình thành từ nghĩa chuyển của dở và ương, chứ không phải từ nghĩa gốc của hai từ này.