Cờ là biểu tượng cho một quốc gia, một dân tộc, một tổ chức, một ngành nghề thậm chí còn là tín hiệu cho một mệnh lệnh. Cờ thường được làm bằng vải, nhưng cũng có khi bằng lông chim, lông thú, đôi khi còn được làm bằng cành cây giống như cờ bằng bông lau của Đinh Bộ Lĩnh ngày trước.
Cờ lông công trong thành ngữ “chạy như cờ lông công” là cờ làm bằng lông con công. Đây là loại cờ hiệu của những người lính trạm xưa kia, thường dùng khi chạy công văn hoả tốc.
Ngày nay, ngoài việc truyền đạt các mệnh lệnh, công văn bằng các vô tuyến, hữu tuyến, người đưa tin còn được sử dụng các phương tiện giao thông khác như máy bay, ô tô, xe lửa...
Nhưng ngày xưa, công việc này chỉ được thực hiện nhờ sức người và sức ngựa. Vì vậy, nhà nước phong kiến mới đặt ra các trạm và tuyển mộ các loại lính trạm, phu trạm. Từ trạm nọ đến trạm kia là một cung đường. Thông thường, người lính trạm khi chạy công văn hoả tốc phải vượt hai đến ba cung đường trong một ngày. Người đời nhìn thấy cờ hiệu lông công của những người lính trạm ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Bao giờ họ cũng vội vàng, tất tưởi, người chạy đi, kẻ chạy lại, cả người cả ngựa đều đẫm mồ hôi. Công văn vừa chuyển đi, lại có công văn đến. Sự đan chéo, liên tục của các công văn, mệnh lệnh tạo nên sự đan chéo, dồn dập của những cờ hiệu lông công. Vì vậy, “chạy như cờ lông công” trước hết được hiểu là “chạy rối rít, chạy loạn xạ”; “Liên lạc vẫn chạy như cờ lông công mang lệnh dồn dập của tiểu đoàn” (Trần Đăng “Truyện và ký sự”).
Nhưng có lẽ cũng từ một thực tế là những người mang cờ hiệu lông công mặc dù chạy ngược chạy xuôi rối rít nhưng chẳng phải là để vận chuyển hàng hoá nặng nhọc gì, với con mắt người đời đấy là một việc làm không cần thiết. Còn tính khẩn cấp của công văn lại cũng chẳng liên quan gì đến họ.
Có thể vì lẽ đó mà thành ngữ “chạy như cờ lông công” còn có một sắc thái nghĩa nữa là “chạy rông, chạy rối rít, chạy không đạt kết quả gì”.
“Thưa ông bà... từ sáng đến giờ tôi chạy cứ như cờ lông công đấy thôi ạ!” (Lộng Chương. “Quẫn”).