Về xuất xứ, câu thành ngữ trên bắt nguồn từ chuyện con cà cuống.
Cà cuống, tên khoa học là belortone indica là một giống côn trùng thuộc bộ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ruộng lúa. Ở con đực, cơ thể có chứa tinh dầu trong đôi tuyến đặc biệt nằm ở khoang bụng dưới phía đuôi. Chất tinh dầu này, tên hoá học là veleriant amil, không độc, có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn của người Việt
Theo nghĩa đen, câu thành ngữ trên nói về một thực tế là: con cà cuống cho dù chết thì ở đằng đuôi (đít) chất cay của tinh dầu quý kia vẫn còn. Song, trong đời sống tiếng Việt, câu thành ngữ trên không dùng với nghĩa đen, chỉ dùng với nghĩa bóng: nó chỉ những kẻ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai rành rành của mình. Thí dụ:
“Thằng cha khụng khiệng đi khỏi, ba anh em nhìn nhau phì cười:
- Rõ cà cuống chết đến đít còn cay” (Nguyễn Đình Thi. “Vỡ bờ”)
Vì sao câu thành ngữ có nghĩa như trên? Suy nghĩ kĩ tìm ra được câu trả lời khá lí thú là: quá trình hình thành nghĩa bóng của thành ngữ trên chính là quá trình sáng tạo tinh tế trong cách dùng từ và lối chơi chữ đồng âm của dân gian. Thật thế, câu thành ngữ khởi thuỷ là dựa vào một hiện tượng có thật: cà cuống - chết – đít còn cay. Thế rồi dân gian chỉ thêm vào giữa các từ của câu tiếng Việt miêu tả hiện tượng ấy một chữ đến mà làm thay đổi cục diện của thế trận ngôn từ: cà cuống chết (đến) đít còn cay. Tự nhiên, các chữ khô cứng của phán đoán miêu tả hiện thực cà cuống - chết – đít còn cay như động đậy, sống dậy, có hồn và chắp dính với nhau theo một mạch liên kết, một “hoá trị” khác: cà cuống - chết đến đít – còn cay: Rõ ràng là ở đây không nói chuyện về con cà cuống nữa, mà đã có chuyện về nhân sinh, về con người, ở chỗ “chết đến đít – còn cay”. “Chết đến đít là cách nói quen thuộc của dân gian diễn tả sự nguy ngập, khó tránh khỏi, ở đây là “sự thất bại” “sự sai trái” đối lập với “phải” và cay ở đây không phải là “vị cay” nữa mà là “cay cú” ăn thua. Sự phối hợp giữa các thành viên (từ) trong thế trận ngôn từ cùng với sự chơi chữ đã đem lại cho câu thành ngữ trên một hiệu quả bất ngờ. Và lập tức nó được hiểu theo nghĩa bóng mà thôi, như ta đã biết.
Câu thành ngữ trên còn được dùng ở dạng biến thể khác là: “Cà cuống chết đến ức còn cay”. Thí dụ:
“Thằng địch rất ngoan cố xảo quyệt. Thua keo này nó bày keo khác. Cà cuống chết đến ức còn cay. Mỗi ngày ta cần nghiên cứu cách đánh mới”. (Nhiều tác giả “Gương chiến đấu của thanh thiếu niên miền
Có lẽ, đó là do người ta tưởng lầm rằng tuyến cay của cà cuống ở trên ức nó. Tuy nhiên, cách nói thứ hai nhẹ hơn, kém sâu cay hơn trong việc lột tả ý nghĩa đã nêu.