Bá Nha quê ở Sinh Đô nước Sở được bổ làm quan đại phu ở nước Tấn. Vâng lệnh triều định, đi sứ đến nước Sở quê hương của mình. Ở đây, ông được người cùng quê đón tiếp nồng nhiệt, nhưng ông chỉ lưu lại một thời gian ngắn. Sau khi cáo vua Sở lui về Tấn, ông đã dùng thuyền để về nước Tấn. Thuyền đến sông Hán Dương, cảnh đẹp non nước hữu tình đã làm ông lưu luyến và cũng tai nơi này, Bá nha đã gặp Chung tử Kỳ. Từ chỗ coi khinh chú tiều phu này, đến chỗ phục tài cầm kỳ và sự am hiểu âm nhạc của Tử Kỳ, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Vì chữ hiếu,Tử Kỳ không thể cùng Bá Nha về chốn kinh thành và đành chia tay hẹn ngày gặp lại.
Một năm sau Bá Nha trở lại chốn cũ, non nước cảnh vật vẫn còn đấy, nhưng người bạn tâm đắc của ông thì không. Tử Kỳ đã chết, chỉ còn nấm mồ bên bờ sông. Trước mồ bạn, Bá Nha gảy đàn và đọc một bài từ bi ai. Đọc xong, ông lấy hết sức đập đàn vỡ tan tành vì cho rằng từ nay không còn ai có thể hiểu hết ý nhạc trong tiếng đàn của ông.
"Bá Nha - Tử Kỳ" đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân gần như một thành ngữ chân chính. Trước hết nó phản ảnh sự tri âm trong thưởng thức âm nhạc. Có người chơi đàn mà không có người biết thưởng thức như Chung Tử Kỳ thì khác nào "đàn gảy tai trâu".
Về sau, ý nghĩa của từ Bá Nha - Tử Kỳ được hiểu rộng ra hơn. Dùng để đề cập đến sự đồng điệu, đồng cảm ở mức cao độ giữa con người với nhau trong mọi lĩnh vực.
Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
"Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".