Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hẳn không quên hình ảnh chị Dậu chạy ra ngõ hú gọi ba hồn bảy vía anh Dậu “về với vợ con” trong khi anh bị bọn cường hào đánh trói nằm bất tỉnh nhân sự trong nhà. Còn trong dân gian, theo mê tín, khi xem bói bài tây hoặc chữa bệnh bằng mẹo, người ta thường bắt buộc phải tráo quân bài hoặc làm một động tác quy ước nào đó bảy lần (với nam) và chín lần (với nữ). Ấy là do “đàn ông có bảy vía, đàn bà có chín vía”, theo sự mê tín của dân gian.
Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.
Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía và ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?
Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.
Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.
Trở lại với thành ngữ trên, do có nguồn gốc tôn giáo như vậy, mỗi khi gặp một trường hợp “bất tỉnh nhân sự”, cần “cấp cứu” trong khi không có thầy thuốc, người Việt, theo thói quen mê tín, thường hú gọi hồn vía người ấy quay về, đừng bỏ phần xác mà ra đi theo ma quỷ!