So sánh:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”
(ca dao)
Hơn thế nữa, áo gấm còn biểu trưng cho sự thành đạt trong học hành, thi cử. Những người học trò sau các kỳ thi hương, thi hội trở về quê (vinh quy bái tổ) đều mặc áo gấm để tỏ rõ sự thành đạt, công thành doanh toại của mình trước họ hàng làng nước. Nhân dân ta hay nói: áo gấm mặc về chính là nói về sự đỗ đạt trong thi cử, một mong ước chính đáng của những người lều chõng đi thi.
“Cũng đừng áy náy lòng quê
Bao giờ áo gấm mặc về mới thôi”
(Phan Trần)
Áo gấm chỉ mặc ban ngày mới được mọi người nhận thấy sự rực rỡ của nó. Đối với người giàu có, sự rực rỡ của áo gấm phô bày cho thiên hạ biết anh ta thuộc hạng người lắm tiền, nhiều của. Đối với các chàng học trò sau khi thi trở về, áo gấm, mách bảo cho mọi người về sự đỗ đạt của anh ta. Ấy thế mà mặc áo gấm ban đêm, đi trên đường làng thuở trước với khung cảnh tối tăm mù mịt như thế thì ai hay biết, ai phân biệt gấm vóc với các thứ vải khác được. Trong Hán sử (Trung Quốc) có câu “Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành” (Giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm). Thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt với hai nghĩa: (1) Của quý mà không dùng đúng lúc, đúng chỗ thì cũng hoài phí (giống như mặc chiếc áo gấm - loại áo may bằng vải gấm, biểu tượng cho sự giàu sang trước đây mà đi trong đêm thì ai nhìn thấy được, nên nó cũng giống như mọi áo may bằng vải thường khác mà thôi). (2) Lối khoe khoang phô trương sự giàu có một cách kệch cỡm, không phải lối, không tương hợp với hoàn cảnh hay chính con người đó.
Những điều phân tích, luận giải ở trên cũng cho thấy, đối lập với thành ngữ áo gấm đi đêm là thành ngữ áo gấm ban ngày. Cũng vậy, trái với gấm đêm (dạng rút gọn của áo gấm đi đêm) là gấm ngày (dạng rút gọn của áo gấm ban ngày):
“Vẻ vang rực rỡ gấm ngày
Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên”
(Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)