Giã Từ Bóng Tối

- 5 -

Docsach24.com
inh đã suy nghĩ kỹ, chị nhận phần lỗi về mình. Ừ! Tại sao chị chuẩn bị chu đáo mọi điều mà quên đi một điều quan trọng: xin phép mẹ chồng trước khi khởi đầu dạy Tâm kia chứ? Việc đó nào có khó khăn chi? Chị biết rằng bà chỉ kiếm cớ để ngăn cản việc chị làm, vậy thì tốt nhất là xin phép bà xem sao? Minh tin là bà sẽ không viện lý do gì ngăn chị dạy Tâm, chị đã có đủ mọi câu trả lời để bênh vực con bé trước mặt bà, những lý do thích đáng, bà không bẻ được.

Vì thế, hôm sau, chị lễ phép khởi đầu bằng cách hỏi thăm sức khỏe bà đêm qua, về cái lưng và các bắp thịt thì bà không ngờ vực gì cả. Sau vài câu qua lại giữa hai người, bà lại có cớ để phàn nàn về Tâm:

- Con quỷ cái thiệt tệ! Biểu nó xoa bóp cho mạ một tị, chưa chi nó đã ngủ gục rồi! Cái quân chi mà mê muội, chỉ biết ăn với ngủ, như heo...

- Thưa mạ, nó là con nít còn mê ăn, mê ngủ, với lại nó làm việc cả ngày...

- Con nói răng như Phật Sống... nuôi nó mà nó không làm việc thì nuôi làm chi?

- Thưa mạ - Minh vẫn dịu dàng - con thấy nó cũng tội, hồi con bằng tuổi nó, con có biết chi đâu...

- Chuyện! - bà mẹ chồng cười nửa miệng - con so bì dại dột! Hắn làm răng mà bì được với con...

- Dạ, con thấy nó làm việc giỏi lắm. Trong nhà mẹ con, hai người ở mà mẹ con và em con còn phải phụ...

- Ạ! Nói chi dân trong nớ? Họ sung sướng quen rồi...

- Thưa mạ, con muốn thưa mạ một chuyện...

- Chuyện chi? Con cứ nói đi!

- Thưa, con muốn xin mạ cho phép con dạy em Tâm học...

Bà Phủ bật lên như cái lò xo:

- Học hành chi con nớ? Nó tối đen như đêm ba mươi... dạy chi cho mệt...

- Thưa mạ, không sao, hễ con dạy thử mà thấy nó tối thì thôi, không can gì.

- Mạ sợ con mệt, con có thai, phải nghỉ ngơi, không nên làm việc nhiều...

- Thưa mạ, không can chi, con khỏe mạnh lắm.

- Thì giờ mô mà dạy với học?

- Thưa mạ, con chỉ đi dạy buổi sáng, chiều rảnh...

Bà Phủ đành phải nói thẳng:

- Nhưng hắn có rảnh đâu? Buổi chiều thì có chuyện cơm nước... buổi tối...

- Thưa mạ, không can chi: con sẽ giúp nó rửa bát buổi tối để nó đi gánh nước sớm. Mỗi bữa con dạy một vài giờ...

- Mạ có tuổi rồi, dạo ni trời lạnh, có đêm nhức nhối không ngủ được, mạ tính tối biểu hắn đấm bóp vài cái, chừ con bày chuyện học hành...

- Thưa mạ, không hại gì, nó có thể đấm bóp cho mạ sau khi học...

- Học xong thì khuya quá...

- Thưa mạ, nếu vậy, nó xoa bóp cho mạ trước khi học, có được không? Hay là con xoa bóp cho mạ cũng được?

- Thôi! Thôi! (bà Phủ xua tay) ai lại bắt con, mạ không muốn...

- Thưa mạ, có sao đâu? Con xoa bóp cho mạ là thường chứ?

Bà Phủ có vẻ đăm chiêu, ngần ngừ. Minh tấn công:

- Thưa mạ, mạ bằng lòng chứ? Thưa, không mất thì giờ đâu. Nó biết chữ cũng có lợi cho mình, con thấy mỗi lần nó đi chợ hay mạ sai đi công việc gì, mạ hao hơi dặn dò cực quá...

Sau cùng, bà đành nhượng bộ, giọng bà yếu ớt:

- Thôi được! Tùy con đó.

Đoạn bà cao giọng gọi Tâm lên, chính thức, xác nhận rằng nó được phép học hành chi thì học. Bà không quên kèm theo một câu dài ngoẵng đầy đe dọa:

- Liệu răng thì liệu, miễn lo xong công việc trong nhà, đừng để heo gà đói, cây cảnh khô thì thôi. Đừng có nhác việc, đổ thừa tại mắc học mà chết đòn chừ, đó!

Và bà cũng không quên nhắc lại với Minh:

- Con muốn dạy thì mạ không ngăn cấm chi, mà mạ cho con hay trước: hắn tối thui, tối đen, dạy không vô, đừng có tiếc công cố dạy chi cho mệt, nghe?

- Dạ, mạ yên tâm, con liệu không xong thì con nghỉ liền.

Điều mong mỏi của bà Phủ không đúng với sự thực: mỗi bận bà hỏi Minh về sự học của Tâm, bà đều nghe những lời trái với ước muốn của bà.

Bằng giọng hả hê, Minh nói:

- Thưa mạ, Tâm nó học được lắm. Dạy đâu nhớ đó. Tiếc là nó học quá chậm...

Bà mẹ chồng chộp ngay lấy những lời đó, nói một thôi, một hồi:

- Đó, mạ nói có sai đâu, nó ở trong nhà ni mười mấy năm trời, mạ biết rõ mà, con rùa làm sao thì hắn y như rứa...

- Dạ, mạ hiểu lầm, con nói nó học quá chậm là ý con nói nó lớn quá mới được học, chớ không phải con muốn nói nó học chậm hiểu đâu, thưa mạ!

- Sớm muộn, mau chậm chi rồi cũng rứa thôi. Bộ con muốn hắn học đến đâu mà kêu chậm trễ?

Minh lúng túng chưa biết trả lời thế nào cho xuôi thì bà tiếp:

- Con nói hắn đã biết đọc, biết viết rồi, phải không? Liệu nghỉ được chưa?

- Dạ, thưa mạ, viết đọc thì được rồi, mà con thấy nó khá sáng dạ nên muốn dạy thêm...

- Con tính dạy chi đây?

Giọng bà chua hơn giấm. Minh cố dằn lòng, nhỏ nhẹ:

- Thưa mạ, con tính dạy nó làm toán...

- Trời ơi! Để chi? Con chưa dạy hắn làm toán mà hắn đã biết ăn bớt tiền chợ rồi tề! Hắn biết làm toán chắc là cái rổ chợ trống trơn quá!

Minh làm như không nghe những lời mỉa mai của mẹ chồng:

- Dạ, biết toán cũng có nhiều cái lợi. Mạ sai nó đi lấy tiền hụi, người ta đóng thiếu nó biết liền... mạ nghĩ coi...

Việc gì phải nghĩ ngợi lôi thôi! Bà biết từ khuya ấy chớ! Nhưng người đàn bà ích kỷ này chỉ muốn dìm đứa cháu da đen trong cái tối tăm ngu đần của một đêm ba mươi, như thể bọn thống trị muốn dân nhược tiểu dốt nát, tối tăm để dễ bề thống trị, thế thôi.

Bà ân hận đã nhượng bộ nàng dâu nhiều điều trong những ngày qua. Bây giờ thì quá muộn. Bà liếc mắt vào cái bụng lum lúp của Minh, lái câu chuyện qua hướng khác:

- Tháng sáu con nằm chỗ, phải không?

- Thưa mạ, chắc vậy.

- Con phải dành thì giờ lo cho cháu nhỏ... mạ thấy con cứ quan tâm có mỗi chuyện dạy con Tâm...

- Thưa mạ, không đâu. Con dành cho nó đôi chút thì giờ...

- Áo tã cháu đã đủ chưa?

- Thưa mạ, con đã lo đủ cả... con may sắm từ tháng trước...

- Dâu mạ giỏi quá!

- Thưa, mạ thương con, mạ dạy vậy chớ mẹ con vẫn nói con là vô lo...

- Minh nì, mạ có chuyện muốn bàn với con, mà mạ cứ ngài ngại...

Giọng bà Phủ nghiêm nghị làm Minh buồn cười nhưng cố nén, chị đã nhiều lần được nghe những chuyện mà bà làm ra vẻ quan trọng, rốt cuộc những chuyện ấy chả có gì đáng gọi là quan trọng cả. Tuy nhiên, Minh vẫn giữ vẻ mặt cho hợp với lời bà:

- Thưa mạ, có chuyện gì xin mạ cứ cho con biết...

- Chắc con chưa rõ phong tục ngoài ni nên con cho là lạ... Xứ con quen với phong tục tây phương, nhưng mà, con nợ: nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, con có học hành, con biết...

Minh lơ đãng nghe lời bà Phủ, chị không rõ chuyện gì mà bà rào đón kỹ càng đến mức này? Nhập gia tùy tục? Thì chị đã chẳng tùy đủ trăm thứ chuyện đó ư? Bây giờ đến chuyện gì nữa đây? Chị bắt đầu lắng tai, giọng bà mất cái vẻ chua chát thường ngày:

-... Con đừng nghĩ rằng mạ vẽ chuyện, chẳng qua mạ thương con, thương cháu nên mạ mới nói, từ khi con về đây con biết cách cư xử của mạ rồi: mạ thương con như thương con gái...

- Dạ, con cảm ơn mạ đã thương con... có điều gì xin mạ cứ dạy, con xin nghe...

- Thì cũng chuyện con Tâm. Mạ không cấm đoán con dạy nó học, nhưng mà cái thai ngày một lớn, mạ không muốn ảnh hưởng xấu đến con con trong bụng...

Minh mở to hai mắt, ngạc nhiên. Chị không thể tin được là chị dạy Tâm học mà ảnh hưởng xấu đến cái bào thai trong bụng chị. Nhìn sắc mặt Minh, bà Phủ bất bình, đổi giọng:

- Con đừng tưởng chuyện chơi, mạ nói thiệt đó: con cứ nhìn con Tâm cả ngày, rồi in trí, lỡ ra con sinh cháu đen như lọ thì mạ buồn lắm, Minh nợ!

Minh phải cố gắng để khỏi bật lên cười. Bà Phủ vẫn nghiêm giọng:

- Mạ biết con nghĩ chi rồi, con cho là mạ phản khoa học, là cổ hủ chớ chi? Không mô, hồi xưa, nói hồi xưa chớ cách đây không lâu lắm, có một người đẻ đứa con như tây, làm gia đình nghi ngờ, mà thiệt ra thì có chi mô: chị ta mới theo đạo, suốt ngày ngắm nhìn hình Đức Mẹ treo trên bàn thờ...

- Thưa mạ... mạ quá lo xa, con sẽ không sinh ra đứa cháu đen đâu mà mạ sợ, dù trai hay gái, con cam đoan nó giống anh Hùng hay giống mạ cho xem...

Minh nói với giọng cầu hòa vui vẻ, nhưng bà Phủ vẫn khăng khăng:

- Hồi mạ có mang lũ nhỏ nhà ni, ngày đêm mạ nhìn hình Đức Phật Quan Âm... con đừng cười, cả đất Thừa Thiên này, ai cũng như mạ hết: khi có thai nếu là người theo Công giáo thì nhìn hình Đức Mẹ, Phật giáo thì ngắm hình Phật Quan Âm... Đừng nói chi đến chuyện người xấu xí, tật nguyền, những con vật ô uế như con heo, con dê cũng không dám nhìn. Con thỏ là vật đại kỵ đó, Minh nợ!

- Thưa mạ, nhưng em Tâm nó chỉ đen chớ có tật nguyền xấu xí chi đâu? Dù sao, con nghĩ nó cũng là con cháu trong nhà...

- Con còn trẻ quá, con chưa hiểu hết chuyện đời. Trước khi thương người khác, con phải biết thương thân...

Cứ nhùng nhằng, nhũng nhẵng kiểu đó, bà Phủ tìm đủ mọi cách, nêu đủ mọi lý do để dâu bà đừng gần gũi con mọi đen vốn là cháu ruột chồng bà, nhưng vô ích. Minh giữ thái độ lễ phép với bà ta là không săn sóc Tâm, song sự thực, chị chỉ làm theo ý bà khi bà có mặt.

Bà Phủ đã phải nói thẳng với con trai, mà rồi Hùng cũng không ngăn cản được Minh - vả lại, anh thấy vợ mình có làm chi bậy bạ đâu mà ngăn cản?

Thấm thoát, bụng Minh ngày càng to, Tâm càng tiến bộ trong sự học hành. Nó tỏ ra thông minh, đôi khi rất bất ngờ, làm Minh đâm lúng túng, tự hỏi sự cố gắng của mình để kéo con bé ra khỏi tình trạng tối tăm dốt nát là một điều tốt hay xấu? Là thực sự giúp nó thoát dần khổ nhục hay càng làm cho nó sáng suốt để thấm thía khổ nhục hơn?

Một hôm, Tâm nói với Minh bằng giọng buồn rầu:

- Chị ơi! Em thấy nhiều câu em học trong sách khác xa với chuyện ngoài đời...

Minh cười:

- Sách dạy ta nên làm lành lánh dữ, nghĩ tốt cho người khác, siêng năng, cần kiệm...

- Thì đúng vậy, cái đó em không dám cãi, mà chị nghĩ coi, sách viết: chim có tổ, người có tông, con có cha, nhà có nóc, cây có cội, nước có nguồn, mấy cái đó sai bét, vì nhà có nóc, chim có tổ thì đúng, còn em, em không tông tích, không mẹ cha, sống nhờ cậu mợ... chị thấy rõ mà!

Minh thất sắc, xúc động đến nghẹn lời, hết sức cố gắng mà không thể nói một câu an ủi đứa trẻ mồ côi bạc phước. Chị thầm nhủ: con bé này thông minh quá! Nhưng rồi chị tự cãi với mình: nó cũng tầm thường thôi, không thông minh xuất sắc chi lắm, vì nó lớn tuổi rồi nên nó hiểu...

Chị thở dài một cái, dịu dàng nói với Tâm:

- Em nói cũng có cái đúng mà cũng có cái sai, em cũng có cha, có mẹ như tất cả mọi người chớ sao lại không cha, không mẹ? Bằng cớ là em ở trong nhà này, mẹ em là em ruột của cậu Phủ đây...

- Dạ, thì em có mẹ, em chỉ biết sơ sơ như vậy thôi, chớ cũng không nhớ rõ mặt mẹ em, còn cha em đâu? Em có cha không? Em không biết được, không ai cho em biết rõ chút gì về cha em. Trong nhà này, không ai thèm nhắc đến cha em, mà nếu có một người nào nói đến, thì nói bằng giọng khinh miệt như thể cha em là hạng tồi tệ... như cha em không phải là người... Em chỉ biết chắc một điều: cha em cũng đen kịt như em, phải vậy không, chị Minh?

- Em thương cha em không?

- Thưa chị, không! Em ghét cha em...

- Không nên, em không nên ghét cha em...

- Cha em đã bỏ em cho người ta hành hạ...

Giọng phẫn uất, Tâm tiếp:

- Cha em có thương em đâu mà chị biểu em thương cha em? Cha em...

- Em đừng nghĩ vậy, cha nào lại không thương con mình? Có lẽ vì hoàn cảnh bắt buộc, hay là cha em gặp tai nạn gì đó không thể gần em, cả mẹ cũng vậy. Hai người không muốn bỏ em đâu. Đừng oán trách mẹ cha, mang tội lắm đó, em Tâm!

Tâm im lặng nghe không cãi lại, dáng bộ ủ rũ làm Minh ái ngại. Chị định xoay câu chuyện sang hướng khác, thì đột ngột, nó hỏi chị:

- Người da đen xấu lắm phải không chị?

- Ai nói với em như vậy, hả Tâm? Xấu về cái gì? Em muốn nói bề ngoài hả?

- Mợ nói, coi bộ mợ là biết liền, em thấy con chó còn được mợ thương hơn...

- Bậy! Em nghĩ bậy! Người da đen hay da vàng, da trắng cũng là người, cũng có tình cảm tốt đẹp, cũng yêu thương gia đình, con cái, cũng... tóm lại, da mầu gì cũng là người hết. Trong trời đất có nhiều hạng người, có người tâm địa xấu, có người tâm địa tốt, tốt hay xấu là tùy tâm tính bản chất chớ không phải tại ở mầu da. Nhưng theo chị hiểu thì người da đen chưa được văn minh tiến bộ, họ sống gần thiên nhiên hơn và cũng thật thà hơn...

Minh ngừng lại, chị nghĩ rằng Tâm không đủ sức để hiểu những lời chị nói. Ngẩng nhìn, chị thấy Tâm lắng tai nghe, nét mặt rạng rỡ, sung sướng và Minh tin rằng có thể nó không thấu đáo lời mình nhưng nó cảm nhận bằng thứ giác quan tinh tế thuộc ngoài vòng kiểm soát của trí khôn. Những lời chị nói cũng giống như những giọt sương đêm rót vào cái đài hoa bị phơi nắng suốt ngày!

Chao! Giúp cho con bé khốn khổ này tin tưởng vào điều thiện, vào lẽ phải, giúp cho nó có chút tự trọng, đạt tới mức có một phẩm cách và giữ gìn phẩm cách đó là một điều khó khăn và cần thiết; có lẽ theo chị, còn cần thiết và đáng khuyến khích hơn là cầu nguyện cho chính bản thân mình.

- Chị có cho là tụi da đen bị Trời phạt không?

- Ai nói vậy?

- Mợ! Mợ nói Trời phạt tụi da đen đời đời kiếp kiếp...

- Đừng tin những lời đó, mợ là một người xưa có nhiều thành kiến...

- Thành kiến là cái gì, hả chị Minh?

Chị Minh chưa kịp trả lời Tâm thì có tiếng chó sủa ran ngoài ngõ, bà Cử về chơi. Thế là câu chuyện bị cắt ngang.