Gia Đình Má Bảy

CHƯƠNG 22

Docsach24.com

ao lạy mày!

- Ngó coi kỳ chưa? Mặt nó cắt không ra giọt máu, Tết nhứt tao đánh cho chút má hồng mà nó làm như tao lột da!

- Người ta cười chết...

- Các chị văn công đánh phấn thoa son người ta cũng cười à? Mất lập trường à? Phản động à?>

- Du kích khác, văn công khác...

- Thôi mặc kệ. Mày kiêng son phấn thì cứ bôi lọ nồi đen thui, mặc bộ đồ xanh rách vai rách đít của ông Sỏi đó, đi cà nhúc cà nhắc lên sân khấu: "Thưa bà con cô bác, cầm quân đàn bà đánh giặc là tôi đây ạ!".

Các cô vây quanh Sâm cười lăn lộn trong khi Trấu vẫn hùng hổ giơ mảnh giấy bao hương đỏ thấm nước, đòi xoa lên mặt Sâm.

Đội múa đang tập ngoài sân đập phên gọi chõ vào:

- Khép bớt mấy cái loa binh vận lại, để người ta sửa soạn lên sân khấu!

- Đây cũng sắp lên sân khấu như ai!

Sâm đã chịu ngồi yên để Trấu vẽ mặt. Được thể, các cô xúm vào như cùng dán một cái đầu lân chơi Tết:

- Bôi môi nữa mày.

- Lấy than kẻ lông mày dài ra mới xinh.

- Đứa nào có bông tai? Bông nở, không thì bông búp cũng được.

- Trời ơi đất hỡi, ngày Tết mà nó cứ đánh cái áo vá! Mày có cởi ra lập tức không Sâm?... Khép cửa cho nó chút bay.

Sâm bị giằng co xô đẩy, nhấc cằm, kéo tai, lột áo, trong khi Mại cứẩn nha bôi dầu thơm chải tóc cho Sâm, tết hai cái đuôi sam thật đều, buộc hai nơ lụa trắng. Trấu chạy ra sân: "Cho mượn cái gương". Miệng nói tay giật, Trấu nhảy vào nhà giữa tiếng phản đối í ới.

- Mày coi vừa bụng chưa?

Sâm nhìn vào gương, bỗng muốn quay đầu xem ai soi trong ấy. Sâm thật rồi. Nhưng, chết chưa, sao mà... đẹp hẳn lên vậy? Sao Sâm giống các chị văn công vậy? Trống ngực Sâm đập vội. Sâm hồi hộp mỉm cười trong gương, muốn ngắm mình một tí nữa nhưng lại sợ các bạn giễu. Còn Trấu chỉ ngại Sâm chê:

- Ưng sửa chỗ nào tao sửa luôn.

- Không, không...

Sâm biết gì mà sửa. Ngay tóc của Sâm, không có má mắng hằng ngày là ổ quạ, Sâm cũng quên gỡ chải. Hễ xốc lọt được mười ngón tay coi như đạt yêu cầu. Lần đầu làm đỏm, Sâm lo bà con cười, lo anh Bê nghĩ Sâm ưa tô vẽ, lo đủ thứ. Thà quen diện như Mại người ta lại ít để ý.

Mại reo: "Cô dâu xinh như mộng". Mại ghé môi định hôn Sâm, bị Trấu túm tóc giữ lại: "Đừng làm lem nhem của tao". Như Trấu vừa sơn xong cánh cửa, cấm trẻ em mó vao.

- Sao rầu rầu vậy Sâm! Người ta đi học vài tháng chớ đâu xa mà buồn?

Sâm chỉ cãi yếu ớt:

- Bậy. Tao đang sợ lên mâm đây nè> - Mày đứng đây diễn thuyết tụi tao nghe thử. "Thưa toàn thể đồng bào!". Giơ trái đấm vầy nè.

- Chịu. Cứng lưỡi lắm. Phải chi còn con Ngọ...

Sâm cắn môi. Lỡ rồi. Chị em im bặt cả. Thù đã trả nhưng vết thương chưa thành sẹo. Trấu tránh không quay ra đèn, nói nghèn nghẹn:

- Mất nó... thì mày phải nói hay như nó. Thôi để con Sâm nghĩ, tụi mình ra dượt lại lần nữa. Con Mại phát loa kêu thiếu nhi là vừa.

Các cô kéo ra sân. Sâm thắt nịt đạn và đeo súng vào người, đứng vào góc nhà tối, tập nói: "Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa hết thảy bà con cô bác...". Sao cứ mụ đi thế này. Không sợ địch mà lại sợ ta!

Sâm ngẩn ra một lúc, rồi cầm đèn vào buồng, móc cái gương con trong bao đạn ra soi lại. Cô gái trong gương đẹp thật, nhưng cứ sao sao ấy. Sâm lấy khăn lau bớt má hồng, mày đen, môi đỏ, cởi đôi bông tai bỏ túi, nhoẻn cười với mình. Đúng Sâm đây rồi, hết ngờ ngợ. Tối nay, mồng hai Tết, Sâm sẽ lên trước mít tinh toàn xã, thay mặt xã đội lãnh phần thưởng chống càn và hứa hẹn đôi điều.

Lâu nay Hai Ngọ thường được chị em cử lên nói trước đồng bào. Bây giờ Sâm phải thay Ngọ...

Mìn của Ngọ nổ, rồi Ngọ trúng đạn ngắc ngoải. Tưởng chừng Ngọ đã đánh xong phần mình. Nhưng bọn địch quá dại còn hành hạ thân Ngọ. Chiếc M.113 kéo lê đống xương thịt của Ngọ và vạch một đường dây máu băng qua đất Kỳ Bường, đã kéo về sở chỉ huy sư đoàn một quả mìn lớ còn nguyên sợi dây giật. Chạy nhanh hơn xe là cái tin cô gái rất hiền ấy bị giặc giết rất ác. Đồng bào và chiến sĩ khóc Ngọ không lâu: nước mắt càng nóng càng khô nhanh. Trong đợt tiến công đêm ấy và mấy ngày tiếp sau, có những đơn vị quân "áo beo" đáng lẽ chưa bị đánh cũng phải ăn đạn nhào lăn, có những tên Mỹ chân dài có thể chạy thoát vẫn bị dao phay dao chuối của các má bủa vào đầu. Tắt thở lâu rồi, Ngọ còn giết thêm giặc.

Những xác rằn ri chất đống và những gánh súng giúp chị em du kích khuây đau xót. Họ bớt nghĩ đến cái chết của Ngọ để nhớ nhiều đến Ngọ khi còn sống.

Cô gái hai mươi tuổi ấy không có gì nổi bật để được người ta chú ý từ phút mới gặp. Thế nhưng giữa chị em, Ngọ cứ tự nhiên được xem như người chị cả, bởi Ngọ sớm biết chăm lo cho bầy em nhỏ, cho các bạn, cho đoàn thể mà không hề nghĩ đến mình. Đời Ngọ giản dị và ấm người như một tấm vải ta, dệt bằng sợi ngang của những hi sinh nho nhỏ hằng ngày ghép vào sợi dọc của sức vươn lên ngày mai. Ngọ đi rồi, các đồng chí chung quanh mới thấy hết những gì Ngọ để lại. Trong mỗi thành tích lớn nhỏ của tuổi trẻ Kỳ Bường đều có dấu tay vun đắp của Ngọ. Cô bạn thân nhất trao lại cho Sâm cái nết chín chắn của con chim đầu đàn. Sỏi - người Ngọ chớm yêu - đã nhận nhiều lời khuyên dịu hiền. Và tất cả chị em sẽ không quên những câu dặn ghé tai bỗng từ nay biến thành trăng trối.

Sâm biết Ngọ không thích ai buồn vì mình. Phải ngừng sống giữa tuổi đôi mươi, từ khung ảnh trên bàn thờ, Ngọ vẫn ngửng đôi mắt tươi tỉnh nhìn các đồng chí đến thăm, ngắm cuộc sống đang lên dào dạt. Ngọ không già nữa: Ngọ cứ trẻ vui thế mãi. Mỗi lần thắp nén hương trước ảnh Ngọ, Sâm hay nhủ thầm: "Mày biết không, tao làm đúng như mày dặn, chỉ sửa một chút vầy nè...". Sau phút nao nao, Sâm lại mỉm cười với ảnh bạni thù phải trả tiếp cho Ngọ, Sâm đã đúc nó thành một viên đạn nằm gọn trong tim, không để nó chảy tràn theo nước mắt nữa. Những người đã hi sinh muốn chúng ta cười để thắng giặc, và cùng cười với chúng ta trong chiến thắng.

Đợt đồng khởi và đánh lớn của tỉnh đã nện gãy xương sống trận càn. Như kiến tránh lụt, quân địch ùn ùn chạy về giữ quận giữ tỉnh, bỏ xác M.113 và trực thăng, bỏ cả các "ấp chiến lược" điển hình và không điển hình đang xây dở. Vùng giải phóng mở rộng thênh thang, có mấy nơi từ biên giới Lào tỏa đến biển Đông. Kỳ Bường đã ăn một cái Tết vui chưa từng thấy.

Chị em nữ thanh niên đến cất cho má Bảy một ngôi nhà mới hai gian hai chái trên nền cũ. Má gạt đi: "Thời buổi này cái nhà coi như nắm tro bón ruộng!". Các cô cãi hết hơi. Rằng làm luôn cái trụ sở để chị em đến họp. Rằng nhà má ở cận đường. Rằng nay mai con Sâm lấy chồng nó ở ngoài bụi à. Rằng má nặng về tiêu cực. Gì gì nữa. Mạnh cô nào cô ấy nói dựng đứng lên, chẳng có cái cớ nào đứng thật vững cả, nhưng cái nhà cứ mọc lên chắc chân hơn mọi lý lẽ của má và các cô gái Đồng Dừa. Má sợ phiền chị em nên nói vậy, chứ má cũng thích có nhà rộng một chút để anh em bộ đội ghé thăm má có chỗ ăn ngủ cho vui. Trên cái nền cũ sém đen, ngôi nhà hiện lên như một lời thách thức ném vào mặt kẻ thù.

Sâm được kết nạp vào Đảng giữa đêm giao thừa.

Chi bộ bận việc rối mù, đến mười một giờ đêm mới họp lại làm lễ được, nhân tiện cùng nhau đón xuân luôn. Anh Dõng phó bí thư huyện ủy về dự. Ngọ được truy nhận đảng viên. Rồi đến Sâm, Chuân, Sỏi, và hai đồng chí nữa lần lượt lên trước cờ.> Anh Bê đọc bản nhận xét của chi bộ về mỗi người. Sâm rối ruột chỉ nghe lõm bõm, hình như phần Sâm không có lỗi gì nặng. Cái đầu óc chim sẻ suýt nữa làm hỏng hết. Sâm đã học đi nhẩm lại lời thề chẳng biết bao nhiêu lần, đến khi đứng dậy bỗng quên sạch ráo, may quá mươi giây sau Sâm nhớ lại được cả. Kể ra không kịp nhớ Sâm cũng nói được, bởi lâu nay Sâm không nghĩ và làm gì ngoài những điều muốn hứa hẹn, nhưng nói vậy chắc lủng củng lắm, các anh chị cười chết. Lại thêm vết thương ở ngực Sâm phá quấy. Sâm đã băng cẩn thận, vào họp một lúc nó chơi ác ngấm ra ướt áo cánh trắng. Sâm xấu hổ cứ phải ngồi chỗ khuất và cầm mũ che ngực. Lúc bước lên Sâm đành bỏ cái mũ ra.

Trước lá cờ búa liềm thấm máu người anh ruột, giữa những đôi mắt rưng rưng, cô du kích bần nông đã nói lời thề thiêng liêng nhất trong đời với một mảng máu loang đỏ trên trái tim, dâng lên Đảng lòng trung thành được tôi trong nhiều thứ lửa. Cô về chỗ mình giữa hàng đồng chí. Cô thở một hơi thật dài sau nhũng phút không thở, bỗng thấy vỗ trong lồng ngực mười chín tuổi những đôi cánh én lâng lâng của mùa xuân vừa bước tới. Rộn ràng tiếng pháo Hà Nội mừng cô lớn lên thành người cộng sản.

Chi bộ ngừng họp, vây quanh máy thu thanh nghe Bác chúc Tết. Sâm cười ngẩn ngơ, tưởng Bác dặn riêng mình. Sâm nắn nót chép thơ Bác vào trang trắng chừa sẵn trên đầu cuốn sổ thơ đã đầy sáu chục trang. Nghĩ một lát, Sâm đề thêm dưới góc trang: "Kỷ niệm ngày sanh thứ hai". Sâm ngửng lên, bắt gặp anh Bê đang nhìn Sâm tủm tỉm, khẽ gật đầu.

Sau buổi lễ, anh Dõng đọc mấy nghị quyết về cán bộ. Tư Sỏi được về tiểu đoàn của tỉnh cùng với bốn mươi thanh niên tòng quân trong đợt ba. (Sỏi cười một cái cười đến mang tai. Năn nỉ mãi!). Sâm và Chuân cùng lên xã đội phó. (Cả hai cùng giật thót. Làm ăn sao đây...) Ủy ban tỉnh điều chị Ơn về làm công tác tôn giáo. (Chị Năm Tân gãi mũi, lo thiếu người thay chị Ơn trong Ủy ban Mặt trận xã). Cuối cùng là bức thư hỏa tốc của tỉnh ủy vừa đến cách nửa giờ, rút đồng chí Bê đi nhận công tác mới, rất gấp. Cả chi bộ đều sững sờ.

Anh Dõng gãi mái tóc bàn chải mới cắt để "ăn nói với bà con thị xã", tần ngần thêm:

- Đồng chí Bê đi đâu, chi bộ ta không cần biết làm gì. Có điều nên đi thiệt êm. Các đồng chí cứ nói là lên học trên khu để bà con đỡ tiễn đưa. Qua vài tháng sẽ đưa tin cấp trên lấy luôn, công tác vùng núi. Về sau, thỉnh thoảng đồng chí ấy sẽ gửi thơ nhờ chi bộ ta giúp đỡ một số việc à, ví dụ như... đưa người về đây mở lớp huấn luyện, đặt nơi liên lạc, lấy cơ sở hợp pháp đi đây đi đó... Các đồng chí phải hết sức giúp, đừng đợi ý kiến của huyện mà trễ...

Các đồng chí mỉm cười, nhìn Bê thương thương. Họ đoán ra Bê sắp nhận việc gì. Đồng chí bí thư trẻ tuổi đã gắn với chi bộ và nhân dân đến cái mức nhiều người ngạc nhiên khi nghe nhắc rằng Bê mới về Kỳ Bường chưa đầy một mùa đông, lại chưa từng ở Kỳ Bường bao giờ. Lòng mến phục đã tạo cho Bê thời gian và máu mủ.

Bê phải đi ngay sau cuộc họp, chiều mồng hai Tết mới trở lại để bàn giao, kiểm điểm. Bị vây giữa những tiếng xuýt xoa thăm hỏi, Bê chỉ kịp rỉ vội vào tai Sâm: "Đợi anh tối mồng hai".

Trong hai ngày Tết, Sâm bận tíu tít, nhưng từng lúc cái ý nghĩ "anh Bê đi xa", chợt nhói lên, và Sâm ngây người ra mất một hồi. Rồi hai cái ngày chống chếnh cầu treo ấy cũng qua. Sâm vừa dự họp gấp với chi bộ để góp ý với anh Bê. Nghe anh tự phê mà Sâm phực, cái gì cũng thiếu sót cả, y như bài kinh của chị Ơn "lỗi tại tôi mọi bề". Chị Năm ghi biên bản, phải dồn cho "ông ấy" gần hai trang ưu điểm nữa để ông ấy chừa cái tật công người tội ta...

Ngoài ngõ, chị Năm chợt gọi vào giữa lúc Sâm đứng trong buồng diễn thuyết với muỗi và chị em tập múa ngoài sân:

- Vô coi được không các ả?

Tiếng Trấu rất oai:

- Chị vô được. Đàn ông cấm vô.

- Ghê chưa! Đàn ông như bác Chín vô được không, a đồng chí Kim Hương?

Trấu đã bớt oai:

- Bác Chín nào chị?

Chị Năm cười:

- Tụi nó quên anh rồi. Thôi đi trớt, anh Chín.

- Chết cha... dạ thưa bác!

Các cô ùa ra ngõ đón bác Chín Chuyền, kẻo bác vào: "Bọn cháu múa bác coi, hễ sai bác bày". Bác cười khà: "Tao chỉ biết múa đũa hai đầu thôi... Nhà đi đâu hết?". Sâm vội tập tễnh chạy ra sân, chen tới:

- Má cháu đi thăm bộ đội, anh Tư ở với du kích, một mình cháu thường trực >

Tất cả kéo nhau xuống chợ Đồng Trầu dự liên hoan.

Gió bấc thổi thông thốc trên đường ôtô. Các cô mặc áo mỏng để thay áo quần múa cho nhanh, co ro kêu lạnh. Bác Chín khuyên các cô chạy một hơi cho ấm, để Sâm đi sau với bác.

- Tao bây giờ phải đợi trực thăng đậu trên lưng tao mới chạy được. Chuẩn bị nè, hai, ba!

Các cô bay vù như chim sẻ, cười vang đường, trong khi đại bác ở quận bắt đầu bắn. Mỗi loạt bốn phát, "brù-ù-ùm". Đạn chớp trên đường Một. Địch cố giữ mấy cái cầu còn sót, cũng muốn phá Tết của đồng bào luôn thể. Có tin chúng đang rút quân các nơi để càn Kỳ Bường sau Tết, lần này sẽ đóng đồn trên dãy gò Chà Là.

Sâm níu tay bác Chín, cố đi không nhúc nhắc. Bác hỏi rất kỹ chuyện Sâm đánh xe, cứu Ngọ và bị bắt. Ban đầu Sâm sợ bác hỏi đố để trêu chơi nên cứ lựa lời. Sau Sâm hăng lên, kể thả cửa. Khi bác buột miệng nói: "Anh hùng lắm!", Sâm giật mình nín tắp. Khoe với ai còn được, lại dám khoe với bác Chín, người mà ai cũng gọi là "hột gạo trên sàng của miền Nam"!

Mảng sáng hình quả trứng của đèn pin lăn qua lăn lại. Bác bỗng chiếu đèn xuống chân Sâm:

- Dép cháu đâu?

- Dạ, xe ăn mất chưa kịp mua.

- Áo ai mà rộng>

Bị soi gần, Sâm vội né đầu để bác khỏi thấy những chỗ tô vẽ trên mặt chưa lau hết:

- Áo con Mại. Nó cứ bắt cháu thay...

- Áo cháu đâu? Một áo đen, hai áo trắng?

Sâm nghĩ: "Tài nhớ như bác Chín mới làm cách mạng được chớ, có đâu tệ như mình...". Sâm lại nói như các anh bộ đội:

- Dạ, một cái dính máu, một cái lửa ăn, một cái thằng Châu ăn.

- Cuốn vở chép thơ của cháu còn không, hay cái gì ăn?

Sâm cười:

- Dạ còn. Cháu cưng nó nhứt mà. Cháu mới chép thơ Bác Hồ, mà tay cháu còn cứng, chữ xấu bằng nhau con gà bới. Bác có tập thơ nào cho cháu mượn nghe bác. Cháu gần thuộc cái kịch thơ rồi, ra giêng cháu đóng cô chèo đò bác coi. Bậy cái cháu hay quên lắm. Có hai trăm câu mà cứ học đầu quên đuôi hoài.

Bác Chín nắm bàn tay Sâm chặt hơn:

- Để bác gửi cho cháu. Cháu cần gì nữa nói bác kiếm.

- Dạ không.

- Cháu đừng ngại. Cháu đánh giỏi, ủy ban tỉnh muốn thưởng mà chưa biết cháu ưng thứ gì, biểu bác hỏi cháu. Nghĩ thử co>

- À cái thứ lựu đạn lửa đánh xe thiệt sướng. Bọn cháu tìm miết không ra. Bác hỏi đâu có, bác xin giùm cháu ít trái. Hay là đổi đạn trăm lẻ năm, bọn cháu đào được cả chục...

Sâm không giấu được thèm thuồng trong giọng nói.

Một lần nữa, nỗi khát khao ngày nào lại đến với anh cán bộ tóc trắng. "Phải chi mình có một đứa con như thế này... Nó đi công tác với mình. Nó cặm cụi viết thư với dòng mở đầu "Thưa ba của con", kèm ba cái dấu than tô đậm. Rồi nó sẽ thay mình, vượt xa mình, bày thêm cho mình bao nhiêu cái mới mà đôi mắt già không kịp nhìn thấy...".

Anh Chín lơ đãng bóp mạnh cổ tay Sâm. Anh không biết tay Sâm còn đau, càng không biết lúc này Sâm đang mỉm cười vì một ý nghĩ mà Sâm thấy là lẩn thẩn nhưng thú vị: "Mình có ba đây nè. Mình đang đi chơi với ba mình, thích không!".

*

Thằng Túc rướn lên xem. Cây súng tre bắn hạt bời lời đeo bên hông nó chọc vào vai má Bảy. Má gỡ súng cầm hộ nó.

Anh Đa ngồi bên vợ ngỡ ngàng nhìn quanh. Anh mới trốn về được tối hôm qua, mang theo một súng Garăng mới tinh. Màu sơmi trắng làm da mặt anh nổi đen thêm, trông dữ dữ. Suốt ngày nay, ngoài lúc chào hỏi và cảm ơn bà con đến mừng, anh chỉ lo dỗ thằng Túc để nó chịu nhận ba nó. Nó không ưa lính ngụy. Cầm kẹo xong nó bỏ chạy ra sân d lấp ló. Bây giờ trong đám đông nó vẫn tránh anh, luồn sang ngồi giữa má Bảy và má nó. Chị Đa an ủi chồng: " Tại nó còn lạ". Nhưng chị biết hễ gặp bộ đội giải phóng là nó sán vào mu tay kéo áo, chẳng kể lạ quen.

Anh Đa thì thào hỏi vợ:

- Bà Năm... là đại diện xã phải không?

Túc ngứa miệng bật nói:

- Hứ, chủ tịch chớ đại diện!

Chị Đa phát nó một cái: "Con nhà vô phép!". Nó vùng vằng:

- Con biết con mới nói chớ. Đại diện là tề điệp ác ôn, ngụy quyền Sài Gòn, tay sai...

- Thôi, thôi, con nói đúng, con giỏi.

Anh Đa nhận lỗi nó mới chịu im.

Sau một lát, anh lại hỏi vợ nhỏ hơn:

- Cô Út Sâm làm gì mà lên vậy?

- Chỉ huy du kích xã. Gan số một đó.

Túc thấy cần chừa cho má nó, tuy biết nhưng chưa thạo cho lắm:

- Xã đội phó. Anh Tư đi, chị Út với anh Chuân thay. Thiếu nhi bây giờ chị Mại phụ trách. Chị Mại tiến bộ hơn hồi xưa.

Nó không chịu gọi chú Tư, cô Út, bởi trong thiếu nhi không ai gọi thế cả. Chị Đa không dám chỉnh, sợ nó cãi ồn.

Trên sân khấu, Sâm đang nhận giấy khen của tỉnh gửi cho Kỳ Bường và cây trung liên đen bóng, giải thưởng chống càn. Túc thấy ba nó chịu nghe lời nên qua ngồi giữa ba má. Nó giảng: "Hễ đâm băng dưới bụng, để nằm đầu ngoẹo một bên là trung liên Barờ của Mỹ. Tụi ngụy đi ăn cướp gà heo hay vác thứ đó". Anh Đa nín thít. Chị Đa đưa tay vuốt tóc con, mỉm cười.

Má Bảy bằng lòng khi nhận ra Sâm chải chuốt hơn mọi ngày. Má vốn kỹ tính, Sâm lại quá xuềnh xoàng. Má mắng con, nhưng cũng biết cái thời nhìn người qua áo không còn nữa.

Đội nữ du kích hôm qua đến đập đất 1 nhà má, bàn luôn với Sâm: "Phải đấu ông Sỏi một trận thất kinh, cho bớt ăn hiếp em gái". Má Bảy ngồi dưới bếp, nghe Sâm can: "Chi bộ và du kích nói gắt, ảnh biết sai rồi. Thanh niên mà không hề ăn chơi, thương má thương em như ảnh cũng ít có. Hễ thương không phải cách thì tụi mình khuyên nhủ, đừng làm quá mà tội nghiệp ảnh. Không gì ảnh cũng dẫn đầu giết giặc trong xã mình. Bà con tin ảnh lắm...". Một lần nữa má lại tự hỏi: mới biết Cách mạng có vài tháng, sao Sâm đã khôn đều mọi mặt như vậy?

Sâm nói trên kia, tiếng trong và to nghe quân sự ra dáng:

- Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa hết thảy bà con cô bác. Phần thưởng của tỉnh hôm nay là thưởng chung cho cả xã Kỳ Bường ta chống càn giỏi, diệt địch nhiều. Anh chị du kích chúng tôi...

Một bà ngồi bên, từ Kỳ Hải lên chơi, bỗng quay lại hỏi má Bảy:

- Con nhà ai vậy bác?

Má đáp vội để nghe Sâm nói:

- Đâu trên chiến khu mới về.

- Hèn gì. Kỳ Bường mới khởi trước tụi tôi chẳng bao lâu, làm gì đã tiến bộ mau vậy. Nghe đồn một mình chị đó dám rượt cả bầy thiết xa, đánh hơn cả tiểu đoàn áo beo...

Tiếng vỗ tay ran ran tiễn Sâm đi vào. Một cậu nào hét đùa như xem văn công: "Yêu cầu làm lại!" Đồng bào cười ồ. Má tiếc không được nghe con nói hết, lại vui vui khi đón tiếng tốt về con từ xa đến. Má ít ưa những người bô bô khoe của khoe con, nhưng má vẫn thích nghe người khác khen con má. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

Đến Huỳnh, Bính và số anh em binh biến nội ứng bước ra sân khấu. Những tiếng hể chối tai đầu chợ ngày nào nay lại thấy dễ mến. Trong chiến công của họ, tên má Bảy phải giữ kín để má còn tìm gặp những Huỳnh và Bính khác nữa. Anh Đa ghé tai vợ nói gì rất hăng.

Rồi đến Tư Sỏi và anh em tòng quân. Sỏi ném ra trước từng câu chắc nịch, ném cả cái đầu theo. Hoan hô, hoan hô. Mươi ngày nữa anh em lên đường. Hết giặc gần đến giặc xa, đi tìm mà đánh.

Con má đấy.> Má là gốc tạo nên hoa nên trái. Má còn là củi tự đốt mình để các con bốc thành ngọn lửa. Hai Son đi rồi, đến lượt Tư Sỏi. Út Sâm cũng vắng nhà nhiều hơn. Con má lần lượt rời má. Đi đi các con. Má đã ủ các con dưới cánh lâu rồi, bây giờ được gió các con cứ bay. Càng đi xa các con càng biết thương má, càng gần má. Và tới đâu các con cũng sống trong nhà mình, bởi cái gia đình nhỏ của má mở rộng theo đường đời của mỗi đứa con - con đẻ, con nuôi, cả những con bộ đội không biết tên đã ghé qua thăm má, mang theo của má một nắm cơm và ít nhiều thương nhớ.

Sỏi và Sâm thức một đêm, hỏi má đủ thứ để làm lý lịch. Má phải khai với con cả một cuộc đời. Con má ghi từng khúc một. Tên cha: Trần Sành. Tên mẹ: Nguyễn Thị Lượm.

Tên mẹ: Nguyễn Thị Lượm...

Tiếng xôn xao chung quanh lặng dần. ánh đèn lùi xa thành chấm sao nhấp nháy. Trời đêm lừ lừ sa xuống. cô Lượm, người bạn gái xấu số, đến trước mặt má. Đôi mắt rầu, cái bóng nhỏ run rẩy.

Không hiểu vì sao má cứ nhớ Lượm như nhớ một cô bạn gái rất thân. Ngót bốn mươi năm nay bà con gọi má là chị Sành, rồi bà Bảy Son. Tên má chìm dưới tên chồng, tên con đầu. Thời con gái rất ngắn của má tự nhiên tách rời khỏi má, dạt bềnh bồng như một cụm bèo xa bờ, mang theo bông hoa độc nhất bị gãy cuống.

Cô Bảy Lượm, thợ cấy xứ chợ Đồng Trầu, có bộ mặt rất giống Út Sâm nhưng hiền hơn, rám nắng hơn, răng đen nhức. Cô mặc cái áo dài vải ta nhuộm chàm, đổi vai nối tay, hai tà vén giắt thắt lưng cùng với khăn ăn trầu. Mắt cô quanh năm nhìn xuống đôi chân xéo lấm. Ai hỏi cô mới nói, không bao giờ dám nói to bằng người hỏi.

Một câu hát ghẹo bay qua nước bạc:

Đói lòng ăn một thúng sim

Uống đôi thùng nước đi tìm người thương.

Anh Hai Mận. Những lời ướm lòng êm như bàn tay vuốt má. Tình yêu đến trong tiếng chày và tiếng hát đẫm trăng. Cô thợ cấy đi ở mướn cười thổn thức trong giấc ngủ ngắn hai canh. Hạnh phúc sủi lên trong chiêm bao, bay óng ánh như bọt xà phòng rồi vỡ nhanh với tiếng gà gáy, không đủ gây vui nhưng có thừa để lưu lại trọn một ngày nuối tiếc.

Rồi cha thằng Phổ hiếp cô. Mẹ thằng Phổ đánh cô một trận đòn ghen. Cha cô đánh cô một trận giữ tiếng với hàng xóm. Cô nhảy xuống giếng, người ta vớt lên. Tỉnh lại, cô thấy mình là vợ anh Sành cày ruộng và làm mộc. Thỉnh thoảng anh đánh cô một trận để chiều ông cậu bà thím nào đó. Cô chỉ khóc khi vắng người. Nước mắt ban ngày rơi xuống bùn, ban đêm gieo chấm sẫm trên thành khung cửi.

Chị Sành ăn ở trọn đạo với người chồng nghèo. Chỉ một năm sau, với đứa con đầu lòng, chị biến thành chị Son. Ôm con trên tay, cười với chồng, có lúc chị tưởng cuộc đời đã chịu làm lành với chị.

- Chà, chà, anh em bộ đội diễn cái kịch nông dân thiệt là thấm tới ruột gan! Coi kìa bác!

Một bầy con vây quanh chị Son, há miệng khóc đói. Thằng Hai Son lên chín, chơi ròng, nghe ai bày về nói với chị: "Ai biểu má nhà nghèo ăn tro mò trấu mà rán đẻ cho nhiều?". Nó nói, nó cười rồi nó quên. Chị Son rợn người dựng tóc, nghĩ đến ma quái nhập vào cửi chị, báo oán chị. Chị nhịn trầu cau để dành xu chia cho các bà lão ăn mày ngoài cổng chợ, thắp hương ở miếu âm hồn, vái bốn phương xin cho con đừng bỏ chị. Nhưng con chị vẫn đi. Chưa lớn chúng đã đi. Con Ba Sắt khóc ngằn ngặt một đêm rồi chết, nó chê nghèo không ở. Chị sẩy thai đứa em thằng Sỏi. Nó không chịu ra đời trong năm mất mùa.

- Con lên đây má. Chị Mại dặn hễ múa Tây Nguyên xong bọn con tới đầu nhà kia.

- Múa hát gì mà lùi xùi quá vậy con?

- Con làm đồng bào ở ấp chiến lược. Ở với tụi nó đâu có mặc lành. Bà cầm cây súng nghe bà.

- Ờ, bà cầm.

Cái mông dính đất của thằng Túc loáng qua trước mặt má Bảy. Má ngửng lên, ngắm sáu cô Tây Nguyên khỏe đẹp đang trỉa rẫy, đuổi chim, gài bẫy thỏ, bắn súng. Thép súng, giấy vàng bạc dán váy và mắt các cô cùng thi lóng lánh.

Rồi dòng nhớ lại trôi chậm dưới trán má, sẫm dần, đắng dần. Trong đêm đặc quánh như hồ, chị Son để mả chồng nằm lại phía sau, thất thểu gánh một gánh con đi qua truông vắng. Chị đói, mệt, sợ run. Có lúc chị ngửa cổ thét một tiếng kêu trời. Trong tiếng vang, trời chỉ biết nhắc lại nỗi khổ của chị vài lần rồi im. Chị lại kéo lê cuộc đời gánh nặng đi đêm giữa hai hàng bóng đen giơ vuốt.

Chị Son đâm liều. Chị làm cái việc không bao giờ dám nghĩ tới: chị xách dao phay đi lấy huyện. Trong cái ngày cờ đỏ mọc trên ngọn tre như những mặt trời nhìn không chói mắt, bà con đều liều như chị. Người đàn bà góa cúi đầu nói khẽ ấy giơ nắm tay ngang tai chàoờ, hát "Tiến quân ca", vung dao phay hét: "Việt Minh muôn năm!". Mở mắt tỉnh ra, chị bỗng thấy mình hết tê dại, bạn mình đông, đời còn vui, và những cái bóng lông lá đã lùi xa. Những ngày tiếp sau đó níu tay nhau hiện ra trước mắt chị thêm sáng. Có ánh sáng mặt trời và còn cả chớp sáng của súng bom. Nhưng gì thì gì, đêm đen cũng bị xé nát.

- Ngó coi bác, đóng thằng Mỹ dễ kinh chưa! Khiếp!

- Đừng sợ. Đừng sợ gì hết.

Má Bảy không biết mình nghĩ thầm hay nói thành tiếng. Mấy năm gần đây má bắt đầu mắc cái tật nói một mình của các bà lão, cùng một lần với cái răng đầu tiên rụng trong chén cơm và câu má giỡn để con khỏi lo: "Già còn răng, ăn hết con hết cháu. Tao trông nó rụng cho hết, để sót ba cái răng long cứ phải nhai mớm mớm, bực ghê". Má nói với các con đây. Dân mình khổ mãi vì các thứ giặc nước giặc làng rồi. Đừng sợ tụi nó. Má đã từng sợ nhiều, má biết. Mình cúi lưng thì nó cưỡi, thẳng lưng lên thì nó nhào, nhớ vậy mà ở đời các con ạ. Má uống cạn bình cay đắng mới học được bấy nhiêu dặn các con. Phải truyền kiếp cho nhau cái bài học ấy như dòng thép nấu lỏng pha vào sữa mẹ nuôi con, khiến mỗi đứa trẻ lớn lên đều biết cầm súng đạn để được sống cho nên thân người.

Bà con cười rầm một loạt.

Trên sân khấu, một thằng đeo cái mũi giấy to bằng bắp chuối đang giãy cái chân xóc chông và vái cô du kích, khóc như xe nổ máy. Má bật cười. Cái kịch ấy mười mấy năm qua má đã xem nhiều lần trên mặt ván cũng như trên mặt đất, sắp tới còn được xem vô khối, lần nào cũng vui mắt cả.

*

Út Sâm bước xuống đất mé sau sân khấu. Chị em du kích xúm lại đọc cái giấy khen. Năm sáu cô tóc quăn áo dài kéo đến, đòi gặp "chị chỉ huy mặt trận" để xin nhập ngũ. Một anh bộ đội hớt hải chen vào, tần ngần nhìn Sâm rồi tiu nghỉu lảng đi mất: lại một anh xa nhà lâu đang tìm em gái hoặc cô hàng xóm năm xưa.

Chị Năm kéo tay Sâm, nháy mắt ra hiệu, nói to:

- Đồng chí Sâm ra ngoài kia có việc gấp. Xin lỗi bà con nghe.

Sâm luống cuống đi theo chị Năm. Còn việc gì nữa. Anh Bê lên đường ngay đêm nay, đang đợi gặp Sâm. Chia tay. Dặn dò. Hứa hẹn. Hứa với anh sao đây? Cái khăn thêu định tặng anh đâu rồi? Sâm rối ruột quá.

Bên ngoài đám đông hình vòng cung vây quanh sân khấu, có những nhóm năm ba bóng đen tách ra ngồi trên bãi cỏ, nói rì rầm, cười khúc khích. Nhiều cặp giống nhau bởi cùng có một nòng súng nhô bên mũ tai bèo và một nón lá đặt ngửa trắng mờ. Mẹ con, anh em, nhiều nhất là vợ chồng và người yêu đến tìm nhau ở cái cửa khẩu này của vùng giải phóng, gieo trên đất Kỳ Bường vào xuân không biết bao nhiêu giọt nước mắt và nụ cười.

Đến ven bãi đá bóng, chị Năm và Sâm ngồi xuống cạnh một gốc dừa to lỗ chỗ vết đạn. ánh đèn măng sông tỏa đến đây biến thành ánh trăng xanh nhạt, chỉủ tô màu chứ không soi sáng. Sâm không dám ngó chị Năm. Chung quanh cái gì cũng yên, cũng vui. Đêm thở nhẹ. Các vì sao liếc nháy nhau. Giun dế mở hội hát đối đáp. Lá dừa giao những ngón tay thân thiết. Sâm ngồi im, phập phồng đợi một tiếng chân bước lại.

Chị Năm nói khẽ:

- Anh Bê đi rồi.

Sâm ngớ ngẩn gật đầu. Rồi Sâm vụt hiểu. Mặt đất từ từ đưa võng. Sâm phải vịn tay vào gốc dừa, nhắm mắt cho đỡ chóng mặt.

- Ẳnh ngồi đây đợi em miết. Sau cậu giao liên tới thúc, ảnh phải đi. Anh gửi tặng em cái này.

Sâm giơ tay hú họa, cầm một gói gì mềm. Đi rồi à? Nghĩa là từ nay Sâm đi họp sẽ không thấy anh, Sâm không còn gặp anh trong những quãng hào ngập khói, Sâm không thể nhắn anh về lấy cái áo vá xong... Sao lại thế được nhỉ? Sâm chưa tin anh Bê có thể biến đi gọn gàng như vậy.

-...Các đồng chí cứ than thở hoài. Hồi khó nhứt thì ảnh về đây đắp đập be bờ, tới nay đỡ đỡ một chút lại phải đi xa. Anh có tâm sự với chị. Chuyện em. Anh nói vầy nè: "Chẳng biết Sâm nghĩ sao, chớ phần tôi thì còn một hơi thở tôi còn thương Sâm, nhớ Sâm".

Sâm tức quá. Nước mắt vòng quanh mi bỗng trào xuống má nóng hổi. "Chẳng biết Sâm nghĩ sao". Nói vậy mà nghe được! Không nghĩ mà mấy lần em đi tìm anh, mà em để anh cầm tay! Ừ, em chưa ngỏ với anh một lời nào gắn bó. Nhưng anh phải tự hiểu chớ. Hay anh còn đợi nhũng lời thương yêu có ghi biên bản?... Không, lỗi tại em cả. Anh nghi là phải. Đừng giận em nghe anh. Em dại, em mắc cỡ, em chỉ trêu anh mà không dám nói yêu anh, để bây giờ anh đi mà còn băn khoăn. Tội nghiệp chưa!

Chị Năm an ủi Sâm. Sâm lặng thinh nghe chị. Cuộc đời chị là lời an ủi thấm thía nhất. Chị lấy chồng đã hơn mười năm, chỉ được ở với chồng trong hai lần anh ghé thăm nhà, chín ngày tất cả. Chưa ai thấy chị buồn bao giờ... Sâm len lén đưa khăn thấm nước mắt.

Anh Bính, anh Bê rút vào bóng tối. Sắp hiện ra anh Nhung thợ nguội trong một thành phố nào đó ngập lính giặc. Anh về với bà con công nhân, những người nhào nặn sắt thép trong đôi bàn tay cứng hơn sắt thép, bấy nhiêu năm nay đánh giặc trong ruột chúng. Anh sẽ làm lại từ đầu những việc anh làm tại Kỳ Bường. Công việc của người thợ xây nhà. Anh khuân từng hòn đá đắp nền. Anh xây tường lợp mái, nâng niu quét vôi tươi, sơn màu thắm. Đến một tối nào đó, anh sẽ nhìn qua cửa sổ những khuôn mặt vui xúm quanh mâm cơm mừng nhà mới, và lặng lẽ ra đi một lần nữa như đêm nay anh ra đi giữa đám hội tưng bừng của Kỳ Bường giải phóng.

Chị Năm vẫn kể:

- Ẳnh nói: "Nhắm chừng còn lâu tôi mới gặp lại Sâm. Hễ Sâm tưởng tới tôi, chờ tôi, thì coi như lần này tôi đi tiền trạm"...

Sâm mỉm cười, chớp vội đôi mắt còn ướt. Phải đấy, anh đi tiền trạm cho chúng mình. Anh dẫn em theo Cách mạng lâu nay. Bây giờ em đi một mình được rồi, anh rời em, vượt lên trước. Sau một ngày mang nặng leo dốc, có phút nào ấm người bằng lúc gặp lại anh tiền trạm tươi cười ra đón? Anh sẽ đón em giữa thành phố giải phóng. Sâm và Nhung gặp nhau khi hai nửa nước đoàn tụ. Vợ chồng chị Năm sum họp. Anh Tùy về thăm má, các em. cả nước chúng ta đạp xác giặc mà đến với nhau. Em cũng đang cầm súng, mở đường mà đến với đây.

Chị Năm trêu:

- Còn chút nước mắt nào, khóc hết cho nhẹ. Hồi xưa tôi cũng như cô, hỏi đến thì nguýt thì nguẩy, người ta đi mất mới hoảng tam tinh. Thôi lau mặt đi. Ngồi một chút cho bớt đỏ con mắt rồi vô.

Sâm xấu hổ, cúi xuống mở cái gói chị Năm đưa. Tấm dù ngụy trang vá nhiều chỗ bọc lấy cái còi xe lam mạ kền. Sâm bật cười khẽ. Ẳnh nhắc Sâm nhớ anh Bê dù hồi bí mật, anh Bê còi cùng chống càn với Sâm đây mà. Anh chàng tinh lắm... Sâm táy máy quấn tấm dù quanh cổ, đưa cái còi lên miệng, và không hiểu vì sao một tiếng toe bật ra. Chị Năm giật mình:

- Ý, đừng! Bà con tưởng báo động tàu bay, tắt hết đèn bây giờ. Ta vô hè.

Đi mấy bước, chị Năm dừng lại, nhìn thẳng vào mắt Sâm:

- Em buồn không?

Sâm lắc đầu. Thật Sâm không buồn nữa, chỉ thấy tràn ngập thương yêu, tự hào, hi vọng.

- Chị hỏi thiệt: em có thương ảnh không?

Sâm sững người. Thì ra từ nãy đến giờ Sâm chỉ nghĩ miên man mà chưa hề thốt ra một tiếng, trừ tiếng còi thổi nghịch! Chị Năm còn không hiểu, làm sao anh Bê biết Sâm là của anh trọn vẹn?

Sâm nói nghiêm trang: - Dạ, em thương ảnh. Hễ em còn nghĩ đến Đảng là em còn chờ ảnh.

Đối với Sâm, đó là lời hứa cao nhất của tình yêu.

*

Trong cái đêm mồng hai rạng mồng ba Tết này, chưng hửng nhất hẳn là các chú gà trống. Dậy gáy nửa đêm đã thấy trong nhà ấm lửa đỏ đèn, đến khi gáy đầu vẫn thấy đỏ đèn ấm lửa! Lại còn ồn ào gấp mấy đêm giao thừa nữa. Ấy là bởi sau cuộc vui các cánh quân chính trị sửa soạn lên đường ngay để kịp đến thị xã lúc bảy giờ sáng, và tất cả bà con ở nhà sẽ "nổi trống địa đạo", kéo nhau đi bổ những nhát cuốc đầu tiên xây dựng làng hầm. Rễ có ăn sâu xuống đất, cành mới vươn được xa ngoài rào.

Má Bảy đang xới cơm vào cái mo lột nhúng nước để nắm mang theo, chợt trông thấy cái quai xoong mà Bê tán lại rất chắc. Má lại ngửng lên nhìn cái ống lương khô mà Bê tự gò bằng đura máy bay. Hai cân thịt nạc, bốn chai nước mắm ngon, má nén đầy một ống lương khô để Bê mang về núi ăn trong mấy tháng học. Bê đi gấp, không kịp ghé lấy. Má thở dài. Má thương Bê và bực với Sâm.

Mười hai bà mụ nặn lầm con gái má thành đàn ông hay sao ấy. Sâm không ưng Bê làm con rể má thì thôi, nó còn không chịu Bê làm con nuôi má. Vắng mặt Bê nó nhắc nó khen luôn, mà động gặp Bê nó lại châm chọc không kịp thở. Nghĩ thương thằng nhỏ, hễ có Sâm ở đấy thì từ lúa cấy đến lúa gặt không dám mở miệng. Lớp trẻ bây giờ kỳ lắm. Hồi má còn con gái, bị cấm trăm đường mà thợ cày thợ cấy vẫn mượn tiếng hát chèo đò, câu hò giã gạo để hiểu bụng nhau. Thời buổi này thật khác. Sâm và Bê không biết qua một lời ví von đối đáp, cứ cãi lý với nhau cả ngày như bửa củi, thủ hỏi làm sao chúng nó mến nhau cho được!

Gần đây, chị em đến nhà má hay giỡn xa gần:

- Bác nuôi heo cho Út Sâm chưa bác?

- Nó báo cáo rồi: ngắn sáu hai, dài sáu ba.

- Cùng lắm thì non sáu ba, già sáu tư.

- Ẳnh không thưa với bác à? Tại con Sâm nó "bưng kín miệng bình" đó bác. Nó cầm duyên người ta, thiệt ác.

Má thấy Sâm chỉ cười xòa, không bỏ chạy hoặc đấm bạn thùm thụp. Vậy là không có gì. Trẻ thương con, già thương cháu. Má cần một đứa cháu dễ ghét như con chó để bồng cho sướng cái tuổi già. Coi bộ Tư Sỏi còn bay nhảy nhiều, má chờ đợi đứa cháu ngoại trước. Ước gì má được một thằng tròn đầu tròn đít, mang khuôn mặt của Bê và Sâm đúc chung lại, bò lổm ngổm theo má: "A bà, a bà bà bà...".

Chị Đa hoa cây củi than đỏ, tất tả bước vào.

- Kêu bà con xong rồi bác. Bác đưa các thứ tôi xách.

Má Bảy xếp mo cơm và chai nước vào giỏ của chị Đa, cùng gói bông băng và ve dầu khuynh diệp: - Chị bữa nay khỏi đem con đi gửi, mặc sức xông xáo hè.

- Dạ. Ẳnh nói nhỏ với tôi: "Mình đi vắng, con nó mới chịu theo tôi". Thương lắm bác ạ.

Chị Đa hớn hở ra mặt.

Chị được cử làm tổ phó một tổ đấu tranh chính trị. Chị làm công tác với cái sốt sắng hơi rối rít của những người lần đầu lãnh việc lớn. Rồi chồng chị về. Qua những lúc thủ thỉ với chồng, chị sửng sốt khi thấy mình hiểu Cách mạng hơn chồng nhiều quá, phải giảng cho chồng nhiều quá. Ngày trước anh hay đánh chị, chửi chị là ngu, đần, ăn hại. Bây giờ ấy à, cho vàng anh cũng không dám nói nặng một câu làm thuốc! Qua một mùa đồng khởi, chẳng những nhà chị thêm ruộng, thêm trâu, mà riêng chị cũng khôn lớn hẳn tuy chị không tự biết. Người ngồi trên thuyền chỉ biết mình đi xa khi nhìn lại tảng đá trên bờ. Chị chia lòng biết ơn nồng nàn của chị ra hai phần: phần lớn giành cho Cách mạng, còn phần kia để riêng cho má Bảy. Má không nhận mặc má, chị cứ nhất định đền ơn má bằng trăm nghìn sự săn đón nho nhỏ của con đối với mẹ.

Má vùi lửa, tắt đèn, ra sân. Má không cần đuốc, cũng không cần ngửng đầu, nhìn khoảng trời sao kẹp giữa hai hàng bóng tre để nhận ra lối đi trong các ngõ xóm đen kịt. Má quen đất quen làng đến cái mức có thể nhắm mắt bước thuộc lòng, chỉ ngửi mùi cũng phân biệt từng gốc cây. Con tắc kè trên ngọn dừa vội chậc chậc lưỡi, rồi buông dõng dạc sau lưng má: "Cắc... kè!". Tiếng nó vang to như loa gọi ra quân, mỗi lúc một gấp, và chấm dứt bằng một chuỗi cười giòn giã. Nó chào tiễn má. Bom đạn đến mấy nó vẫn cứ sống. Nó có cái sức sống kỳ lạ của đất Kỳ Bường đang kéo da non trên những hố bom đỏ loét. Xuống đến Đồng Trầu, má rẽ vào đưa cho Sâm mấy thang thuốc nam chữa đòn của ông Nhâm biếu. Ông thường khoe: "Cả họ nhà tôi mắc cái tật hay đánh lộn với lính tuần, không mất giống cũng nhờ mấy bài thuốc gia truyền này đó bà". Sâm uống thử một thang, thấy hay. Ông vừa cắt thêm ba thang nữa, mất cả một buổi đi tìm cho đủ các vị thuốc.

Cán bộ xã đang họp ở nhà anh Trưng, soát lại lần nữa cái kế hoạch bước một "toàn dân làm địa đạo". Má Bảy dòm qua cửa, vừa lúc Sâm bắt đầu nói. Sâm cầm một viên đạn Garăng, chỉ cái đầu đạn nhọn như bút chì vào tấm bản đồ trải trên bàn, trầm giọng:

- Ý anh Trưng nên đào qua gần cây đa âm hồn, khỏi lo đụng mạch nước. Tôi e phía đó đánh địch không lợi. Đề nghị cho bà con Đồng Dừa đào xéo qua phía bến sông hay hơn. Đánh xe xong ta rút rất dễ, mà đón đánh trực thăng đổ bộ bãi sông cũng tiện. Cứ như mấy trận vừa rồi...

Những cặp mắt chung quanh chăm chăm nhìn theo viên đạn trên tay Sâm. Anh Chín Chuyền gật gù. Tư Sỏi thì thào với Chuân. Anh Dõng bóp trán nghĩ lung lắm. Má Bảy biết Sâm đang nói những điều hay, quan trọng, được mọi người chú ý. Má chỉ tiếc kiểu ngồi của con gái má chưa thật ngay ngắn, cái mũ tai bèo đính vải dù trên đầu Sâm lại cụp vành xuống che lấp một bên tai, trông hơi bướng.

Má xuống bếp gửi mấy thang thuốc gói lá chuối tươi cho chị Trưng. Ra đến ngõ, má quay nhìn vào, chợt mỉm cười ánh đèn chiếu trên tấm phên tre chưa trát đất làm nổi lên một rừng lá tre vàng óng, xếp đều đặn. Bóng Sâm in giữa nền lá tre ấy. Má nhận ra ngay mái tóc hơi lượn sóng tự nhiên, cái mũi dọc dừa, cái cằm búp sen, những nét ưa nhìn của má truyền lại cho con. Đầu và vai Sâm nổi lung linh rất to, chật cả tấm phên, như khoe rằng con má đã lớn lên với cái lớn một ngày bằng hai mươi năm của Cách mạng.

Cánh quân chính trị của Đồng Dừa kéo đến xóm Ga lúc trời mới hửng.

Thỉnh thoảng má Bảy lại bảo cô Mại truyền lên trước giục đi nhanh. Má sợ bà con chậm hơn đồng bào Kỳ Minh đã thách thi đua với Kỳ Bường và nhiều lần vượt Kỳ Bường. Với lại sau một đêm thức trắng má thấy ngấm mệt. Má trông mau đến đường Một để họp chung cả ba thôn, xếp hàng tư, căng biểu ngữ kéo về thị xã, nơi những cái đèn dù cuối cùng đang lấc láo dòm quanh. Má sẽ khỏe lại khi chung quanh má dội tiếng chân rầm rập, tiếng loa, tiếng hô khẩu hiệu. Khi cuộc giao chiến bắt đầu, đạn bay qua tai và gậy quất trên nón sẽ làm cho má bừng bừng sung sức.

Qua một cửa sổ sáng đèn, má gọi Mại hỏi giờ. Mại đưa cái đồng hồ nhỏ xíu lên soi:

- Năm giờ kém mười. Còn sớm chán bác à.

- Vậy chớ các bà Kỳ Minh sắp sửa vô thị xã rồi đó.

Ông Nhâm từ mé sau tới, chen một câu ngang phè:

- Lật đật cũng tới bến giang, lang thang cũng tới bến đò. Bà này bước chân ra là như đi chữa cháy!

Ông nói vậy nhưng hối hả vượt lên trên. Bởi chưa quên mình là anh Hai Mận ngày xưa, nên ông thích nói ngang để má Bảy cãi cho vui. Má không kịp cãi, chỉ cởi khăn trùm đầu ra buộc lại theo kiểu đã hẹn để báo tin "bắt đầu tấn công".

Gà gáy nhì, đánh thức nốt mấy nhà còn ngủ. Sáng rồi. Nhiều chấm máy bay ló ra ù ù phía Kỳ Ân. Pháo bầy bắt đầu tuôn từng loạt đạn như súng máy. Trước mặt má Bảy, người người nối nhau kéo về hướng Đông đang nối mây mào gà. Từ tuổi mười hai má luôn dậy sớm nấu cơm nên thạo xem trời. Má đoán hôm nay sẽ nắng ráo. Má không nghĩ gì thêm về những buổi sáng đã đến trong nửa thế kỷ của đời má. Khi tiếng gà đầu tiên gọi vang vang trên xóm, những người nghèo khổ như má Bảy thức tỉnh trước hết, tự tay đốt lên từng ngọn lửa nhỏ trong đêm đen; rồi những chấm sáng rải rác ấy họp lại làm nên ánh rạng đông đỏ chói, mở đầu cho ngày nắng đẹp trên trái đất và trong mỗi cuộc đời.

3-1963 - 5-1968

1

Xông đất.