ác cụ già đang hồi xuống sức luôn luôn thấy mùa đông năm nay lạnh hơn hẳn các mùa đông trước. Má Bảy cũng nghĩ như thế. Nhưng vì má nhớ rất rõ những năm trời giá rét mà người má ấm, nên má vẫn tin rằng sẽ có những mùa đông sau đỡ lạnh hơn bây giờ.
Ngồi thu hình bên bếp lửa tàn, má nhớ thằng Tùy, thằng Son. Một đứa con nuôi đi xa. Một đứa con đẻ đã mất. Hai đứa dần dần trở về trước mắt má, chập chờn rồi sắc nét. Đêm tối lùi xa. Căn bếp thu nhỏ lại, vừa đựng đầy ánh đèn sáng bốc lên. Má thấy mình đứng dậy, mở to hai mắt, kêu:
- Tùy, con về đó hả con?
Thằng Tùy nở cái miệng rộng đến mang tai, nói giọng Bắc pha Nam trọ trẹ:
- Dạ, con đây má!
Hồi đầu tiếng súng đánh Tây, má Bảy vào hội mẹ chị binh sĩ giữa cái tuổi dở dang, "gọi chị thì nhẹ, gọi mẹ thì nặng". Bộ đội về đóng Đồng Dừa, nhiều người gọi má bằng chị, sau thấy Hai Son con má đã lớn mới đổi gọi bằng mẹ, cứ lúng túng tức cười lạ.
Trong đại đội đầu tiên về đây có Tùy, một chiến sĩ trẻ, béo lùn, nhanh miệng lại nhanh cả chân tay, quê ở Phú Thọ, hay khoe "Phú Thọ lắm cọ lắm chè". Tùy theo bộ đội Nam tiến, mới đánh trận đầu đã bị thương ở vai. Má nâng giấc nó hơn một tháng mới lành, được thêm một đứa con nuôi bộ đội. Ba con má quấn lấy anh cả Tùy, nhất con Sâm hết nhại giọng Bắc lại đòi cõng đi tắm sông, hễ anh đi vắng là nó ngẩn người ra chê cơm.
Khi Tùy trở về đơn vị, thằng Hai Son mới mười sáu tuổi cứ xách gói áo quần đi liều theo anh nó. Má khóc nhưng không giữ con. May sao Son được nhận vào bộ đội làm liên lạc, đội mũ sắt trông như cái nấm. Đại đội lớn lên, đánh Đông dẹp Bắc, ngày càng xa cái làng nhỏ Đồng Dừa. Hai đứa con gửi thư và giấy khen về cho má, ba bốn tháng một lần. Thằng Son đánh mấy trận lớn trên Tây Nguyên, hi sinh khi lấy đồn Tây. Anh em trong đơn vị ghé thăm má đều tấm tắc: "Ẳnh đánh giặc gan số một mà tánh nết quý hóa lạ. Mồ mả của ảnh đồng bào Thượng giữ kỹ lắm, không để mọc một ngọn cỏ. Trước họ cúng thì khấn ma, bây giờ cứ anh Son mà khấn". Má nghe vậy cũng đỡ nhớ con, và mừng cho nó nhắm mắt đi còn để lại tiếng thơm về sau.
Rồi Tùy cũng về, mang theo tấm huân chương sao bạc có cuống xanh của Son. Hồi đó mặt trận đã tràn đến Đồng Mè. Pháp đóng đồn bên cái ga phá sập, bắn súng cối túi bụi lên xóm má ở. Đơn vị của Tùy được phái về chống càn và xây dựng du kích ở đây. Sau một đêm kể chuyện về Hai Son, sáng ra Tùy gói tất cả huân chương và giấy khen của Son đem chôn giấu, rủ anh em dỡ nhà má đem vùi ao bùn.
Đợt thu đông ấy đạn bay lẫn trong mưa và bom nổ chen tiếng sấm, nhưng má Bảy và các con thấy ấm vui quá. Bộ đội không chê nghèo chật, đến ngủ đầy gian lều nhỏ của má. Đêm nào đem con Sâm đi đái khuya, má cũng phải bế xốc nó, tìm chỗ đặt chân giữa súng mìn và người trải tơi lá nằm la liệt. Tư Sỏi tập bắn từ dạo ấy, nó bắn các bin rất khá. Sáng sáng nó chống bè đi học bên kia sông Nhỡn, hễ được điểm cao thì anh Tùy thưởng nó một viên đạn các bin, cho đi theo bắn tỉa đồn Tây dưới Đồng Mè. Má Bảy gánh cơm cho anh em đánh càn, đạn xẹt qua cằm hớt mất chút thịt, bây giờ còn cái sẹo trắng bằng đầu đũa. Đã thế má còn bị Tùy cự nự: "Thiếu gì trai tráng mà má giành phần tiếp tế? Má ra chỗ súng đạn, anh em thêm lo cho má, phải trông chừng má không đánh giặc được". Má biết nó kiếm cớ thế thôi, lần sau má cứ đi Tùy đành chịu. Chẳng biết có phải lây tính của con nuôi không mà má đi nhanh, cười to, nói vội, má trẻ cả người lẫn nết. Mỗi lần bộ đội mở liên hoan mừng thắng trậ má cũng lên hò mấy câu văn nghệ như ai.
Rồi một mùa đông khác đến. Cũng vào lúc bụi tre bắt đầu đưa võng trong gió bấc, đại đội của Tùy lại kéo qua Đồng Dừa. Anh em từ trên Tây Nguyên về, sắp xuống tàu đi tập kết. Tùy nói:
- Chúng con dỡ nhà của má, bây giờ phải dựng đền.
Má can không nổi. Tùy và mươi anh em xoay trần, lội ao vớt cột kèo lên, dựng lại cái nhà gỗ của má. Tùy còn mua lá dừa nước về đánh, lợp mái nhà thật dày. Tùy ngồi vắt vẻo trên nóc nhà, bó lạt gài thắt lưng, tay buộc mà miệng cứ bô bô:
- Chà, xem cái nhà biết tay thợ khéo. Gỗ xoàng thôi, cơ mà đường bào nét đục cứ sắc như dao cạo, các cậu thấy không? Hồi mồ ma ông cụ là thợ cả đấy nhé. Cái anh lá dừa nước này ngoài Bắc chả có đâu. Vừa bền vừa khó bén lửa, đắt hơn tranh một tẹo cơ mà rẻ hơn ngói... Chúng con lợp dày, sau này con về cưới vợ không phải lợp lại, nhé má nhé. Đang tuyên bố hứa hẹn, mái nhà nó chơi ác nó đái trên đầu cô dâu chú rể, chán ơi là chán...
Tùy cố đùa cho má vui. Má cố cười để con khỏi buồn.
Các má dặn nhau khi tiễn đưa phải nén nước mắt. Sỏi đi học vắng. Má đem Sâm đi gửi nhà hàng xóm kẻo nó khóc lăn ra không dỗ được. Má nói với anh em những lời khuyến khích, và tự hẹn chia tay xong sẽ khóc cho thỏa. Thế nhưng, sau khi bóng áo xita xám cuối cùng đi khuất, má chỉ lặng lẽ ngồi xuống gốc đa, không khóc. Má nhìn những dấu dép cao su đủ cỡ in trên đường lầy và nghĩ, bằng tất cả sức mạnh của ý nghĩ, rằng phải có một ngày các dấu dép ấy quay ngược chiều, trở về với má. Những xoáy lốc trong má đã dịu lúc nào má không rõ. Giữa những trận chống càn, lúc nguy hiểm đến gần nhấ lúc má vụt trở nên gan góc nhất, tỉnh nhất. Tám năm đánh giặc đã luyện cho má cái thói quen vùng lên chống cự để cứu con, cứu mình.
Giặc sắp đến.
Má đợi chúng đến với cái bình tĩnh của Tùy và Son khi hai con má rủ nhau xuống chặn đánh bọn Tây trắng Tây đen từ Đồng Mè càn lên. Má với bà con không có súng, nhưng có sức mạnh của bốn ngàn người thù giặc, theo Đảng.
Trên bót Đồng Mè lại treo hai lá cờ Pháp và ba que. Ít lâu sau cờ Pháp kéo xuống, cờ ba que để nguyên. Hình Bảo Đại rớt xuống, hình Diệm ngoi lên. Khắp nơi hiện ra những hình vẽ hai bàn tay túm nhau trên cái nền đầy sọc như áo tù của cờ Mỹ, nhũng mũi tên đỏ in hằn hai chữ đen "Bắc tiến!".
Trong cái năm đầu địch còn bối rối, cảnh sống ở Thạch Bường chưa thay đổi bao nhiêu. Bọn quận về lựa người bất mãn với kháng chiến để lập hội đồng hương chính xã. Lạ nước lạ cái, chúng đơm trúng những người chẳng thơm thảo gì với chúng cả. Lão Hạnh làm đại diện hội đồng sợ nông dân một phép. Bà con đều biết anh Sảo là cái anh giả vờ chứ không bất mãn bất mèo gì, làm cảnh sát trưởng cho địch mà lại đứng ra kêu gọi dân làng ký kiến nghị đòi hiệp thương giữa hai miền. Cái tên Thạch Bường của kháng chiến bị buộc phải đổi, hội đồng xã giằng co mãi rồi đổi nó thành Kỳ Bường.
Dẹp xong các phe phái tranh ăn, Mỹ - Diệm rảnh tay bắt đầu làm dữ. Sau cuộc biểu tình hơn hai ngàn người lên tỉnh đòi hiệp thương, chúng bắt ngay hội đồng xã. Lão Hạnh mới thấy người khác bị đòn đã khai tan hoang. Lão càng khai càng bị đánh, càng bị đánh càng khai lung tung, giá hỏi cụ tổ tám đời có theo cộng sản không, chắc lão cũng nhận rằng có. Anh Sảo chửi địch sa sả trước khi bị cắt tiết giữaợ. Địch bắt hơn hai trăm người trong xã, nhét chật cái trường học và mấy nhà ngói quanh chợ. Bọn công an quận đánh như bổ củi suốt nửa tháng chưa khắp mỗi người một lượt. Má Bảy chỉ bị tra một trận nhẹ: mười lăm phút treo ngón tay, đánh bằng roi ba cạnh. Chúng thả má vì không đủ chỗ giam hết những người "can tội ký hiệp thương".
Má về nhà buổi sáng thì chập choạng tối anh Sáu Dõng đến thăm. Dõng là thầy học lớp bốn của Sỏi rồi của Sâm. Anh đánh tiếng từ ngoài ngõ:
- Bà này kỳ quá, có mấy chục bạc học phí mà để người ta cưỡi ngựa tàu cau đi đòi phát ngán!
Nghe má Bảy kể một lát, anh hỏi ỡm ờ:
- Chín năm đi học, hai năm đi thi, bây giờ má thi nữa hay thôi?
Má "hứ" một tiếng, đáp ngay:
- Anh còn dạy học, tôi còn dám thi. Một chữ cũng thi, hai chữ cũng thi. Trường nhứt không đậu thì trường nhì trường ba!
Sau đó, Dõng thỉnh thoảng đưa một người "bà con" đến gửi ở hầm bí mật nhà má, đào hồi kháng chiến chưa lộ. Bác Hai Công, anh Sáu, chị Liên, anh Thắng, toàn người lạ. Họ ở nhà má năm bảy ngày, đi nơi khác và không thấy trở lại. Riêng bác Hai Công về sau có tin bị bắt. Địch làm lễ chiến thắng to lắm, nói bác là tỉnh ủy viên "Việt cộng nằm vùng". Thằng Phổ tự tay mổ bụng bác, đem về phơi xác một tuần giữa chợ quận. Má khóc suốt mấy đêm, mỗi bữa xới một chén cơm để lên bàn thờ quải cơm cho bác. Có lúc anh Dõng đi Sài Gòn, Đà Nẵng, má lại chặt lá chuối để trên bờ rào làm ám hiệu cho anh chị em trở lại với má. Chặt gần trụi m bụi chuối vẫn không thấy ai về.
Ngày hẹn tổng tuyển cử sắp đến. Rải rác nhiều nơi đã hiện ra truyền đơn, biểu ngữ của ta. Dõng đang sửa soạn một đợt đấu tranh lớn thì một cơ sở bị đánh dữ đã khai ra anh. Dõng kịp chạy thoát lên núi. Địch xăm nhà anh suốt bốn ngày, đào được rất nhiều cờ may tay, biểu ngữ và áp phích với nhiều nét chữ khác nhau. Chúng biết trong xã còn nhiều cơ sở ta, quyết đánh một trận cho trốc gốc. Cuộc khủng bố ấy ghê gớm gấp trăm lần dạo "bể hiệp thương".
Công an, công dân vụ, cán bộ tố cộng, lính bảo an và dân vệ về đóng chật Kỳ Bường. Ngoài đường và ở chợ Đồng Trầu chỉ còn thấy lính và trẻ em. Trẻ em xách cơm cho người lớn bị bắt. Trẻ em đi mua rượu, đường, thuốc "trật đả hoàn" về đổ cho cha mẹ anh chị bị tra. Rồi cũng các em ấy tự đi mua vải trắng về bịt ngang trán, đi theo quan tài ra bãi tha ma đã đầy những mả mới đất đỏ. Dưới vành khăn tang, những đôi mắt tròn hạt nhãn đã sớm biết tự giữ cho khô để nhìn cho hết, nhớ cho hết.
Từ đó, đến quãng tháng sáu âm lịch, có đến ngót năm mươi gia đình trong xã cùng làm giỗ trong vòng bốn năm ngày. Các cụ già ở Kỳ Bường nhớ từ khi quy dân lập ấp đến nay chưa có cái giỗ chung nào to như vậy.
Má Bảy và Tư Sỏi bị bắt. Roi ba cạnh, bình điện, rồi nước vôi, nước ớt, nước xà phòng. Hai má con không khai gì hết. Thiếu chứng cớ, địch vẫn giam má mười một tháng ở quận. Chúng chỉ thả má khi nhà giam quá chật. Gia đình má bị xếp vào "tình nghi can cứu loại A", phải quản thúc tại thôn.
Chỉ chưa đầy một năm tù không án mà tóc má Bảy đang đen đã trở bạc màu tiêu muối. Răng má rụng bốn cái. Lưng má còng xuống. Mắtốn sắc nay ngả đục lờ. Các ông bà mắt kém gặp lại má đã lầm với người khác. Má già đi nhanh quá.
Một tấm bảng gỗ đề chữ đen "gia đình cô lập" được treo trước ngõ để đón má. Hai con vừa cười vừa khóc, thì thào kể đủ chuyện. Sau "cải cách điền địa", số ruộng trâu má được tạm cấp hồi kháng chiến về tay thằng Phổ cảnh sát trưởng hết. Hắn thấy con má cày cấy được nên để cho cấy rẽ, nuôi rẽ, còn kể ơn mãi. Hễ nghe troốg mõ báo động, các gia đình loại A phải chạy ra vây bắt cán bộ trước tiên, ai chậm sẽ bị đòn tại chỗ. Lại thêm hai gia đình nữa bị bắt vì tội "tiếp tế Việt cộng". Nghe nói anh Dõng thường về ban đêm.
Má Bảy ngồi chụm lửa nồi cám heo, nghe con nói. Đến cái tin cuối cùng, má chớp mắt, nghĩ: "Anh em mình vẫn hoạt động...". Nhưng ý nghĩ ấy chỉ lóe thành chấm sáng yếu ớt chứ không bốc nóng trong má nữa.
Tư Sỏi hỏi:
- Làm sao liên lạc được với các ảnh, má?
Má lặng im một lúc. Mắt không nhìn con, má khẽ lắc đầu, ngập ngừng:
- Để vắng vắng đã. Tụi nó làm quá tay...
Má thấy ngấm mệt rồi. Má tưởng sẽ được yên lành nếu má ngừng làm cách mạng ít lâu.
Bốn năm. Năm năm. Sáu năm...
Những tháng đầu tiên dưới roi đòn Mỹ - Diệm đi qua rất chậm, đầy tiếng thét tiếng rít, như chiếc xe gỗ mới đóng vừa bò vừa nghiến trục. Rồi thời gian trôi nhanh dần. Chiếc xe trơn bánh cứ bị đẩy xuống dốc. Thỉnh thoảng nó chồm lên, vật mình chống cự, lại bị xô đi tiếp.
Ai đã qua Kỳ Bường hồi kháng chiến, trở lại đây sau sáu năm ngừng bắn, sẽ khó đoán được dân Kỳ Bường sướng hay khổ hơn xưa.
Thoạt nhìn, xóm làng có vẻ giàu đẹp hẳn ra. Quốc lộ số 1, rồi đường sắt Xuyên Việt được nối lại, xe lửa sớm chiều hú gọi khách nghe vui tai. Con đường tỉnh chạy về phía Tây Nguyên, băng qua cả ba thôn của Kỳ Bường, được mở rộng, rải đá, xây cầu mới. Những thứ hàng Mỹ, Pháp, Nhật, hồi trước không bói đâu ra, nay kìn kìn đổ về chợ Đồng Trầu, bán rẻ như cá ươn. Đồng Trầu phình ra khá nhanh, thành một thị trấn nhỏ với những mái ngói mới san sát. Trụ sở hội đồng, chợ, trường học, nhà y tế, nhà thờ Thiên chúa giáo, chùa Phật giáo, đền miếu, quán rượu, tiệm tạp hóa, tất cả chen chỗ nhau mọc lên đỏ tươi, trắng lốp. Khi lập khu trù mật, hội đồng xã chỉ cần cho khoanh hai lớp rào kẽm gai và dựng một chuỗi tháp canh là xong việc.
Nhiều gia đình giàu bốc lên: địa chủ được lấy lại ruộng và tăng tô, nhà buôn phất năm bảy chuyến hàng ngoại, bọn tề vét bổng lộc trong các "chiến dịch tố cộng" và các vụ thuế. Số này đua nhau làm giàu thêm. Bỏ vốn mua máy xát gạo, máy dập ngói, xe lam hay thuyền máy chở hàng, chỉ một năm sau đã trả xong tiền mua máy khấu dần và thubộn bề. Chung quanh khu trù mật, ôtô suốt ngày toe toe giành đường với xe đạp gắn máy, mùi xăng không lấn nổi mùi nước hoa từ những áo quần nilông lòe loẹt bốc lên. Xã Kỳ Bường thường được bọn tỉnh, quận đưa khách về thăm. Chúng dạo một vòng quanh chợ, khen là xã xuất sắc "diệt cộng kiến quốc", thưởng thêm cho cái giấy khen treo giữa trụ sở. Mỗi năm một lần, hội đồng xã cộng tất cả các khoản tiệc tùng, bổ xuống đầu mỗi cử tri thêm bốn năm chục bạc thuế.
Đi sâu vào các ngõ xóm, khách sẽ thấy cảnh giàu sang ấy vắng hơn, nhưng đường sá nhà cửa vẫn gọn sạch, ưa nhìn.
Ngôi nhà gỗ lợp lá dừa nước của má Bảy được sửa sang luôn, mỗi năm quét vôi trắng hai lượt vào dịp Tết nguyên đán và "Tết cộng hòa" 26 tháng 10. Trước nhà dựng một cổng chào gỗ mang tấm bảng tôn to kẻ khẩu hiệu "diệt cộng là yêu nước", giá chợ 25 đồng, hội đồng mua giúp với giá bốn chục. Với dãy chè tàu xén vuông đằng trước và dãy dừa cao nghiêng đầu che mát mé sau, trông cơ ngơi nhà má cũng ra chiều dư dật.
Vào trong nhà, khách mới ngờ ngợ thấy hình như gia đình này có vỏ không ruột. Ba gian nhà rỗng tuếch, chỉ kê một cái án thư què làm bàn thờ và một bộ phản nứt nẻ. Cột kèo mọt nát, nhả bụi trắng đầy đất. Các thứ cờ ba sọc, ảnh "Ngô tổng thống", nhãn thuốc ghẻ ông Tiên, bìa lịch in hình "bà Nhu" thăm dân nghèo, những tranh con gái hở hang cắt trong báo ảnh "Thế giới tự do", tất cả gieo nhiều mảng màu vui mắt nhưng không che được hết những chỗ rách rưới trong nhà. Mấy cái áo quần dài và đồ lót phụ nữ bằng nilông màu, được treo ở một góc nhà có vẻ kín đáo nhưng khách ngồi chơi dễ trông thấy, cãi nhau rõ rệt với cái bồ bị chuột cắn rách đáy mà không đổ nắm thóc nào ra đất. Nếu xuống bếp lật vung nồi cơm ra xem, khách sẽ thấy toàn khoai khô mốc xỉn, trên hấp một chén mắm lạo xạo muối trắng. Khách chỉ còn biết chê gia đình này nhịn ăn mà mặc, mà ở.
Đúng như vậy thật.
Hơn ai hết, má Bảy biết những cái lố lăng rởm đời trong ngôi nhà còn đượm hơi tay người chồng nghèo và đứa con nuôi bộ đội. Má xấu hổ không muốn nhìn nhà mình nữa. Má chỉ ra vào dưới bếp cho đỡ ngứa mắt.
Cũng như số đông bà con Kỳ Bường, gia đình má Bảy tựa hồ đã vào khuôn vào phép, yên phận làm ăn dưới chế độ mới. Hễ hàng xóm đánh mõ la làng má cũng đánh mõ la làng, con má xách gậy, dây, đèn gió ra khua hờ các bụi cây. Má tập cho con giữ miệng: không hát nghêu ngao những bài kháng chiến, gọi bọn tề bằng ông, vào lớp tố cộng thì "thủ khẩu như bình". Trăm thứ đóng góp má chạy tiền nộp đủ, không để bị lôi đi học "lớp ù lì". Má sắm đủ đồng phục, súng gỗ, huy hiệu cho con đi tập trận hàng tháng với thanh niên cộng hòa.
Bọn cộng tác viên công an theo rình mãi không thấy nhà má có gì đáng ngờ. Tấm bảng gỗ "gia đình cô lập" được thu lại sau khi má chịu quyên một ngàn đồng vào quỹ nuôi dân vệ. Gia đình má xuống loại B: không phải đi ngủ tập trung buổi tối, được phép đi lại trong phạm vi xã, xâu thuế và học tố cộng giảm bớt chút ít. Má thở phào một cái, ngỡ rằng từ nay sẽ dễ sống hơn.
Thế nhưng má Bảy vẫn cứ nghèo thêm, cực thêm. Má không mở miệng than nghèo, vì thằng Ba Phổ nói như dao chém đá:
- Kêu túng thiếu thì lên dinh điền Cao nguyên mặc sức làm giàu, đừng ở đây phơi đói phơi rách ra mà xấu mặt quốc gia. Không muốn đi cũng trói giải đi. Con đau không chịu uống thuốc, cha mẹ phải cạy răng mà đổ.
Nhờ khéo giấu cảnh nghèo nên má Bả không phải đi di dân như bốn mươi ba gia đình bần cố nông khác trong xã. Cái nghèo đè trên gia đình má đã nặng, má càng che đậy sơn phết nó càng đè nặng thêm, như người cõng cái cối đá sụn vai mà phải gượng đi thẳng lưng, không dám thở mạnh.
Tiếng loa ngày nào báo tin thắng trận, nay hết gọi học tố cộng lại thúc đi xâu, nộp thuế. Quanh năm suốt tháng nó xoi xói vào tai những lời hung ác: "... sẽ bị trừng trị nghiêm khắc... sẽ bị xử theo luật 10/59... sẽ bị coi như phản quốc...". Cả nhà má đổ đi làm xâu, đóng thuế. Khi xây trụ sở xã, má bán heo nộp ba trăm bạc, Tư Sỏi đi làm nửa tháng công, để rồi cả hai má con đến cái trụ sở ấy quỳ "sám hối" và chịu đòn, chịu chửi. Cái chợ và con đường tỉnh cũng có bàn tay của ba má con xây đắp mất mấy tháng. Sau đó má gánh củi đi bán phải mất thêm hai đồng thuế chợ, một đồng thuế cầu đường, cộng với cái nạn bị ôtô nhà binh tưới bùn trên người hoặc thốc bụi vào mặt. Má góp công của dựng trường học, nhà y tế. Con má không đủ tiền trả học phí phải chịu dốt. Má chưa bao giờ xin được một viên thuốc ở nhà y tế, nơi chỉ chữa cho bọn cầm quyền và cầm súng để chúng khỏe hơn, đánh người được dài hơi hơn. Má bán lưng cho trời xây nên cảnh giàu sang, nhưng cái khối sang giàu kia không tới phần má hưởng, lại chồng chất ngày thêm nặng trên đầu má. Thế đứng của giặc càng vững, chúng càng tham, càng hung hãn.
Số trẻ mới lớn lên có đôi đứa lầm, chứ những người như má không lầm. Trong cái chế độ mạnh vì gạo bạo vì tiền này không chút gì là của má cả. Ruộng trâu má chúng cướp gần hết. Chúng làm cho má cùng kiệt nhưng cấm má không được lộ cảnh đói rách. Cái nhà quét vôi mới, mấy bộ quần áo trơn láng, những mâm giỗ chồng ba lớp đĩa mời từ đại diện xã đến liên gia trưởng tới ăn, tất cả đều không phải của má, mà của cái bọn bắt má chưng diện đãi đằng như vậy mới tha cho má khỏi bị đày biệt xứ. Rồi đến hai đứa con. "Còn nhỏ là con cha mẹ, lớn lên là con chánh phủ", đồng nói vậy. Cái chính phủ ấy đang lăm le bắt nghiến hai giọt máu của má, một đứa sẽ cầm súng, một đứa làm nhà thổ. Má ước sao có thể ghìm con cái lại như người ta hãm cây chanh lùn, không cho chúng lớn lên để khỏi mất dần từng đứa. Đến chút của riêng cuối cùng là cái mạng má cũng không còn thuộc về má nữa. Giặc muốn đánh giết má lúc nào cũng được. Chúng chỉ để má sống vì cần tá điền.
Má đã mất tất cả.
Sau nhiều lần bị địch vùi dập, má muốn được yên thân một tí để nuôi con. Má già rồi. Hai con lớn lên sẽ làm cách mạng thay má, trả thù cho má. Trăm ngàn cái khổ hằng ngày trút trên đôi vai yếu dần, má đều cắn răng chịu, đưa vai ra che đỡ cho con. Má ăn củ khoai dính vài hạt cơm, làm hùng hục như trâu lăn, tranh cấy rẽ từng thước ruộng nhà giàu bỏ chó ỉa, giành giật từng xu để trút ra mua những ngày sống tạm cho con.
Đùng một cái, đất sụt dưới chân má. Tư Sỏi tuyên thệ, lãnh súng. Dù vì tiền hay vì ép buộc, nó cũng mang cái nhục vào gia đình má, nó sẽ bắn lại anh em mình.
Nếu trong nhà má lâu nay có tiếng nói và hơi thở của Đảng, chắc chắn Sỏi không làm như vậy. Nó sẽ thoát ly theo anh Dõng hoặc làm công tác anh giao. Nhưng má đã ngăn con khi nó muốn tìm Cách mạng. Chao ôi, tại sao má lại tưởng sẽ được yên lành khi vắng cán bộ trong nhà?
Má không kịp nghĩ nhiều, chỉ choáng váng như bị đấm vào trán. Hai bả vai và xương sống nổi đau nhức.
Lâu nay má thường có những cơn buồn u uất khiến má mau già và đổi nết đi. Má không cười nữa. Những nét buồn hằn mãi trên mặt má thành một loạt nếp nhăn mới. Dáng đi của má trở nên chậm, mệt, rầu rĩ như chim sẻ mồ côi. Mỗi khi giật mình, má hay kêu líu lưỡi: "Ớ ông trùm ông xã, ông xã ông trùm!". Con cháu hay ghẹo má vì cái tật ấy, chúng nhớ hồi trước má không mấy khi nói nhịu.
Với cái tin dữ vừa nghe, một cơn buồn mới lại đến, nó làm cho má mụ người hẳn.
Sâm bước vội qua cửa, giơ cây đèn lên quá đầu cho đỡ chói, hỏi theo điều mình đoán:
- Má ngủ rồi hả má?
Hỏi xong, Sâm cũng vừa trông thấy má ngồi cạnh bếp, không động đậy Mấy cái bã trầu nằm như trám rụng bên chân má. Sâm nghĩ ngay: "Làm sao cho má khuây một lát, má mới ngủ được". Sâm kéo cái đòn ngồi xuống cạnh má:
- Có chuyện hay lắm, má ơi!
Má từ từ quay đầu lại, chớp đôi mắt đục của người ngái ngủ:
- Gì đó Út?
- Ly kỳ, gay cấn. Má cười con mới nói. Cười đi má!
Sâm kê cằm trên vai má, cầm đuôi tóc mình xoi vào cổ má, cù cho má cười. Má không cười, nhưng tỉnh ra hẳn.
Khuôn mặt trắng hồng của con sáng rực. Trăng rằm vừa mọc bên má. Như mọi lần Sâm làm nũng, má lần tay gỡ mấy sợi tóc rối trên trán con, nhân đấy nựng mặt con một chút và ngắm con cười với mình. Cũng thành thói quen, má tìm một câu nào đấy dặn dò con, để Sâm và mọi người biết rằng má lo dạy bảo chứ không phải nuôi con chả chớt với con:
- Lấy khăn quấn cổ đi Út. Dầm mưa cả ngày rồi.
Sâm biết không cần để ý đến những lời dặn lấy lệ ấy. Sâm ghé tai má, thì thào:
- Thầy Dõng về, má ơi!
- Đâu, ảnh ở đâu?
- Là thầy về trên Kỳ Sơn kia. Bác Nhâm lên đó mua tre, nghe đủ hết. Chính thầy bắn chết thằng cảnh sát trưởng Kỳ Sơn, rồi đứng nói trong mít tinh. Ai cũng nói thầy mập trắng ra, coi còn trẻ hơn hồi ở nhà nữa.
- Có bộ đội mình về không
- Nghe nói thầy đi với hai ba người nữa, mang súng hết. Mai con đi thăm thầy, nghe má?
Sâm định hễ má không ừ thì hờn luôn. Nghe tin ở đâu có Cách mạng về, Sâm cũng nao nức muốn chạy đi tìm, nhưng lần nào má cũng gạt đi: "Mày con nít biết gì. Đi rồi bị đòn lại khai bậy, chết lây hàng xóm". Tháng trước Sâm lén má đi với hai cô bạn lên Kỳ Lâm xem cờ Cách mạng, lên đến nơi cờ đã bị gỡ mất, về còn bị má mắng.
Má nhai giập miếng trầu mới hỏi:
- Đi với ai?
- Với con Ngọ. Bác Nhâm dặn con Ngọ lên tìm họ hàng trên đó, người ta chỉ chỗ thầy Dõng cho... Để con mượn cái bao bố, cái cân, con giả hỏi mua chè khô, à mà con mua chè luôn chớ sao lại giả. Con qua chị Đa mượn bao nghe má. Lấy xe đạp con Mại, hai đứa đèo nhau...
Sâm nhổm lên chực chạy. Má níu tay Sâm:
- Làm gì như kiến đốt đít vậy. Con đi thì đi, mà phải nghe lời con Ngọ, ăn nói ý tứ như nó mới được. Bàn trước với con Ngọ thiệt kỹ, hễ tụi nó chặn bắt thì đối đáp cho khớp nhau. Cộng tác viên mới tố giác nhà mình một lần nữa đó. Nay mai không chừng nó bắt má đi tố cộng lớp A trên quận...
Má nhìn thẳng vào mắt Sâm. Bàn tay má tự dưng bóp cánh tay Sâm rất mạnh, hơi run. Má nói thong thả:
- Có điều anh con nó đã... như vậy, con phải rán tìm được anh Dõng cho má. Tụi nó đồn ảnh chết, má chưa tin mà sao cứ nóng ruột hoài. Con mời ảnh về th một chút, má trông lắm. Con nói bấy nhiêu thôi, đừng hở ra chuyện anh Tư lãnh súng, nhớ chưa?
- Dạ nhớ.
Sâm hối hả chạy sang nhà chị Đa.
Má Bảy lên giường nằm, đợi con về ngủ chung cho ấm. Đầu óc má trở lại êm ả. Còn Cách mạng, còn anh Dõng, Tư Sỏi không thể sa ngã theo giặc được.
Nhưng đến khi Sâm nằm bên má, chơi nghịch lùa hai bàn tay lạnh vào người má, má bỗng thấy xốn xang thế nào. Nhất trưởng nam nhì gái út, má cũng có thương riêng Út Sâm hơn một chút. Mười tám năm qua má che cho con, chưa một mảnh bom hay ngọn roi nào rơi trên da thịt mơn mởn của Sâm. Hôm nay má phải giao cho con một việc nguy hiểm. Sâm đi không ai để ý. Còn má muốn ra khỏi xã phải làm đơn xin hội đồng, đút thêm trăm bạc, còn bị chúng nó ghi vào hồ sơ...
Má thì thầm:
- Út ơi, ngủ chưa?
Sâm nói như đang nhai bột:
- Ngủ đi má.
Sâm gác chân lên chân má, ngáy đều. Má chép miệng: "Thôi đành!".