Dạo bước chốn hồng trần, cười ngắm cõi đời trôi nổi, chẳng qua chỉ là một áng khói mây. Nhưng thật sự mấy ai có thể hờ hững quên nhau, quên đi danh lợi, quên đi tình cảm, quên đi mọi thứ mình từng có?
Dạo bước chốn hồng trần, cười ngắm cõi đời trôi nổi, chẳng qua chỉ là một áng khói mây. Nhưng thật sự mấy ai có thể hờ hững quên nhau, quên đi danh lợi, quên đi tình cảm, quên đi mọi thứ mình từng có? Khi một ngày kia, bạn muốn bình yên sinh tồn trên đời, từ đó sống những ngày không phiền nhiễu, phải chăng như vậy, thì có thể sổ toẹt những hết thảy những rối ren trong dĩ vãng? Người từng yêu, có thể vứt bỏ, lỗi đã phạm, có thể tha thứ, lời hứa đã trao, có thể không nhất thiết thực hiện.
Chết là giải thoát, sống là gánh vác. Có người nói cái chết của Sangye Gyatso, là vì một người đàn bà, một người đàn bà từng bị y cự tuyệt. Người đàn bà này vì yêu sinh hận, lúc y rơi vào nguy hiểm, quyết liệt vung đao thay y kết liễu tất cả. Còn tôi cũng bằng lòng thêm vào một đoạn chuyện đẹp đẽ cho cái chết của Sangye Gyatso, tô vẽ sắc thái tình cảm cho cuộc sống chính trị hai mươi năm của y. Có lẽ cái chết như thế cũng là đẹp đẽ. Cái chết của anh hùng nên là trên chiến trường, da ngựa bọc thây. Anh hùng còn có một cách chết khác, chính là chết dưới kiếm của hồng nhan, làm quỷ cũng phong lưu.
Trên mảnh đất tình ca lan tỏa khắp trời ấy, dù cốt cách cứng rắn, cũng khó tránh mềm lòng trước phong hoa tuyết nguyệt. Trên cao nguyên, những con người đa tình kia mỗi ngày hát lại tình ca của Tsangyang Gyatso, cô gái xinh đẹp, chàng trai anh dũng, kể cả sư sãi trong cung Potala cũng bị tiếng hát ban đêm hấp dẫn, thường quên lật giở quyển sách kinh trên tay. Trước khi Sangye Gyatso xuống tay với Lha-bzang Khan, phải chăng vì đã nghe tình ca của Tsangyang Gyatso, mà có cảm ngộ mới đối với đời người? Phải chăng y nhớ tới cô gái thời trẻ đã phụ bạc mà sinh lòng tiếc nuối và áy náy, do đó muốn nhanh chóng kết thúc tất cả?
Cái chết của vị anh hùng trên thảo nguyên Sangye Gyatso khiến tôi cảm thấy xót xa. Dù sự nắm quyền của y thay đổi số phận một đời của Tsangyang Gyatso, nhưng y lại hiểu được đạo lý nước đầy thì tràn, thịnh cực tất suy. Vào lúc bản thân lừng lẫy nhất, y lựa chọn kiên quyết quay người, hoàn toàn bất chấp lãnh thổ mà y đã tốn tâm lực cả đời xây dựng nên. Lẽ nào y đã xem nhẹ chuyện cái chết của y sẽ đem đến một nạn hủy diệt mới cho Tsangyang Gyatso, hơn nữa chính quyền Tây Tạng sẽ rơi vào trong tay Lha-bzang Khan? Thật sự cam tâm như vậy ư? Nghiệp bá ngàn xưa đều sẽ cùng chìm xuống theo mặt trời lặn, mây khói tan biến, còn có gì không cam tâm?
Còn Lha-bzang Khan ngùn ngụt ý chí chiến đấu, bị thắng lợi và vui sướng bao bọc, làm sao chấp nhận được việc không đắp xong núi đất chỉ vì thiếu một sọt đất vào lúc này. Y trừ đi mối hiểm họa lớn âm ỉ khó đối phó là Đệ Ba Sangye Gyatso, có thể nói giống như trút bỏ gánh nặng, còn con cờ nhỏ Tsangyang Gyatso, đối với y đã không còn giá trị lợi dụng, Tsangyang Gyatso lúc này đã trở thành hòn đá ngáng chân Lha-bzang Khan một mình nắm lấy quyền lực chính trị Tây Tạng. Vị Phật sống trẻ tuổi, thân thể bạc nhược, làm sao cản nổi muôn ngàn người ngựa của Lha-bzang Khan? Muốn trừ đi Tsangyang Gyatso, đối với Lha-bzang Khan, thật chẳng tốn mảy may sức lực.
Ngài không sợ, ngồi nghiêm trang trên ngai Phật cao ngất, lần đầu tiên Tsangyang Gyatso cảm thấy mình thật giống Phật, hiền từ, ôn hòa, an lành, điềm tĩnh, thương xót. Khách hành hương đến cung Potala vẫn nườm nượp không ngớt, họ sẽ không vì cái chết của Sangye Gyatso mà rời bỏ Phật, không vì thói phóng đãng đa tình của Phật sống mà mất đi lòng kính trọng với Ngài. Họ càng không tin lời đơm đặt Lha-bzang Khan tung ra, không tin người viết những câu thơ tình cảm sâu đậm như vậy lại là Phật sống giả mạo. Chúng sinh thương tiếc Tsangyang Gyatso nặng tình và bi thương, Ngài có gút mắc tình cảm giống như dân thường, cam nguyện lưu lạc xuống nhân gian, cùng sống chết với cõi phàm, hướng đến tự do, theo đuổi tình yêu. Do đó, Tsangyang Gyatso chính là vị Phật sống chí cao vô thượng trong lòng họ, dù chuyện đời thay đổi ra sao, họ đều ủng hộ, kính yêu Ngài đến chết.
Nhưng những người hành hương lương thiện làm sao chống nổi Lha-bzang Khan hung mãnh bạo ngược? Y quyết chí phải giành được chính quyền Tây Tạng thèm muốn đã lâu, giờ đây bất cứ ai cũng không thể ngăn cản quyết định của y. Thử hỏi, ai có thể khiến nước lũ vỡ bờ dừng bước trong chớp mắt? Dù lúc này để y dùng sinh mạng đánh đổi, y cũng không tiếc. Từ xưa đến nay, biết bao người vì một cây quyền trượng, một chiếc ngai báu, một khối ngọc tỷ[1] tan xương nát thịt, máu tung ba thước mà không hề nuối tiếc. Dục vọng quyền lực là độc dược, trước khi nhiễm độc, có thể bạn còn trong sạch, sau khi nhiễm rồi, nó sẽ xâm nhập vào xương tủy bạn, cả tư tưởng cũng bị ăn mòn.
[1] Ngọc tỷ truyền quốc là ấn triện của hoàng đế Trung Quốc, bắt đầu từ thời nhà Tần, được truyền qua nhiều triều đại, tượng trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế, cũng được coi là quốc bảo. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của mình, các vua chúa dù là cướp ngôi hay được nhường ngôi, thường tìm cách chiếm cho được ngọc tỷ.