Tòa báo L’Indépendance là một căn nhà Tây vuông vắn theo kiến trúc cổ, bên ngoài lớp tường gióng sắt lại có dãy dâm bụt cành với lá um tùm leo lên trên rồi xõa xuống, lởm chởm lôi thôi như một cái đầu của người tóc để nửa năm chưa xén. Ở vào một phố vắng như Hàng Cỏ, nhà báo đã vắng vẻ sẵn, lại càng tiêu điều hơn. Nếu không có cái bảng lớn quét sơn trắng kẻ chữ đỏ, khách qua phố phải cho đó là chỗ dưỡng lão của một nhà triết học có tuổi cao. Trông vào sân, ít khi thấy bóng người, mà ai qua đó có tò mò chậm đá chân thì mới nghe thấy tiếng lách tách của một cái máy chữ nhàn việc.
Tiết Hằng trả tiền xe rồi đến cổng bấm chuông. Mãi không thấy người ra, nàng đi đi lại lại, ra vẻ nóng ruột lắm. Lúc đó đã xế chiều, dãy đèn điện ngoài đường đã bật sáng quắc mà trong báo quán vẫn thấy tối âm thầm…
Việt Anh lúc này có tại đây hay đi đâu? Sao nàng đã sắp ra bệnh viện, chỉ còn dăm bảy ngày là về quê mà hai ba hôm nay, Anh không thấy đến với nàng?
Sự bứt dứt của một con hổ mới bị nhốt cũi thế nào thì lòng bâng khuâng của Hằng lúc này cũng vậy. Nàng đau đớn vì thấy như trong tình yêu kia cứ có điều gì lừa nàng. Chồng chết, người nhân tình xem ý lại ra chiều muốn đổi thay. Do lẽ gì, mấy bữa nay, những lời ăn tiếng nói của Việt Anh khiến nàng phải lạ? Cái tính gay gắt đó không tỏ hẳn sự phai lạt, nhưng cũng không tỏ rõ những sự ỏe họe của ái tình.
Hơn nữa, trong đời vẫn có hạng đàn ông khi yêu một người đàn bà nào là chỉ vì cái thích cướp lấy của một người đàn ông khác. Lòng ghen ghét nhỏ nhen vẫn thúc giục tới cái thú chiếm đoạt, nên sau khi chẳng còn phải nhọc lòng nghĩ cách chiếm đoạt thì ái tình ló dần dần cái bộ mặt đáng ghét là sự thờ ơ.
Thế thì tại Việt Anh thờ ơ hay bởi có điều gì não lòng chàng? Không! Cần phải biết cho rõ trắng đen chứ Hằng không còn can đảm nhẫn nại mãi thế được. Lần này là nàng phải hỏi cho ra.
– Thưa bà hỏi gì?
Hằng quay lại, cũng hơi giật mình. Thấy người hỏi nàng ra vẻ là người thư ký nhà báo mà lại vừa tủm tỉm cười một cách tinh quái, nàng sinh nghi. Vô phép như vậy, họ coi nàng là hạng người thế nào? Ra oai, nàng lên giọng đài các hỏi xuống:
– Ông Việt Anh!
Người thư ký vẫn tủm tỉm:
– Thế quý hiệu bà là gì? Hay là bà có sẵn danh thiếp không?
– Madame Việt Anh!
Tức thì người thư ký biến sắc mặt, vừa ngạc nhiên vừa ra ý hối hận, cắm cổ vội vào. Vài phút lại chạy ra kéo cánh cửa, vẻ sợ hãi. Xong quay vào dẫn Hằng qua mấy buồng giấy rồi trỏ cái thang gác mà rằng:
– Ông chủ tôi ở trên gác, mời bà cứ lên.
Hằng lên đến nơi thì Anh vừa hé cánh cửa.
Chàng như vừa ngủ dậy, thẫn thờ đón áo khoác của Hằng cất đi rồi trỏ ghế cho nàng ngồi.
– Tôi vừa dậy, toan rửa mặt xong thì đi thăm mình…
Anh nói vậy nhưng vẫn mải cất mấy cuốn sách vào tủ, gập đống báo chí bỏ lên bàn giấy, và dọn dẹp bộ quần áo, cái mũ, đâu vào đấy đã, chứ không vội nhìn đến mặt người yêu. Còn về phần Hằng thì, cho lời Anh vừa nói là để thoái thác nói dối nên nàng không đáp. Ừ thì bữa nay đã định đến, nhưng cả mấy ngày hôm trước thì sao…?
– Tôi đi rửa mặt một lát đã nhé?
Anh nói xong ra ngoài phòng một cách vội vàng. Hằng nhìn theo, thấy phản chiếu từ một miếng kính cửa, mặt chàng hốc hác, dưới mắt hãy còn ngấn lệ. Thế là quả tim nàng bắt đầu thình lình đập. Nàng hổ thẹn vì những ý nghĩ không tốt mấy hôm nay, khiến nàng hóa ra đề phòng và nỡ nghi hoặc tình quân, người đáng chỉ hưởng toàn mọi sự yêu đương!
Nhưng mà… tại sao lại có điều gì có thể làm chàng đau khổ được? Hằng thần người ra mải nghĩ ngợi, chợt tầm mắt đặt đến một mẩu giấy xanh nhỏ, bên cạnh cái bồ giấy lộn, dưới gầm bàn. Tò mò, nàng nhặt lên thì đó là một mẩu thư có chữ ngòng nghèo non nớt của đàn bà, mấy dòng, ngay ngắn:
Phải, tôi vẫn biết đã từ lâu là tôi chỉ là cái đồ chơi chốc lát của anh mà thôi. Con khốn nạn này đời nào lại dám cầu cái lòng yêu chân thật của anh, một người có tư cách lấy vợ giàu như bà góa Đào Quân, nguyên Vũ Thị Tiết Hằng! Nhưng anh phải biết…
Mẩu giấy chỉ có thế nhưng Tiết Hằng đã thừa đoán nổi mọi chuyện đã xảy ra. Nàng cũng chẳng cần bới tìm nốt những mẩu khác chắc còn nằm trong sọt giấy. Rồi nàng mỉm cười, tự nghĩ thầm: “Nếu chỉ vì những lời khích bác chẳng đáng kể như thế này mà chàng phải bận lòng thì chàng thật là điên!”.
Đến đây Việt Anh đã quay vào. Hằng vội bỏ túi mảnh giấy. Nàng thấy sung sướng lắm; nguyên do bao nhiêu sự khó hiểu của Việt Anh nàng đã khám phá ra nổi! Nhất là một lá thư như vậy mà bị vứt vào sọt thì cái ân ái của Anh với ả nào đấy cũng không bền gì. Một chứng cớ rõ rệt: Anh đã xé giấy, chỉ còn nghĩ đến nàng, thì cần gì nàng còn ghen ai?
– Mình!
Hằng đứng lên chắn lối Anh, cười lả lơi nhìn chàng một cách âu yếm hết sức. Im lặng, Anh vịn tay vào cả hai vai Hằng thì Hằng lim dim cặp mắt, ngửa cổ trên ngực chàng như mời một cái hôn nồng nàn mà nàng vẫn ước ao. Nhưng Việt Anh chỉ để cặp môi lên trán người vợ sắp cưới, kính cẩn nhiều hơn âu yếm. Sau cả đôi ríu nhau ra ngồi ghế trường.
– Mình bắt tôi chờ mình suốt cả mấy ngày hôm nay!
– Mấy bữa tôi bận quá, lại hơi mệt…
– Mình cũng mệt à? Thế bây giờ ra sao?
– Cũng gần khỏi.
– Hình như mình thức đêm nhiều?
– Phải, tôi có ngủ được đâu!
– À, thế vừa rồi Huỳnh Đức có đến với mình không?
– Có.
– Anh ấy có nói gì là đáng để ý không?
– Không, Đức chỉ tỏ lời mừng tôi, mừng cho vợ chồng chúng ta, thế thôi. Nhưng phải tinh ý lắm mới có thể nhận thấy Đức thường cười gằn… Cái vui gượng… Chắc Đức đau khổ lắm!
Hằng hấp tấp hỏi nữa:
– Đau khổ lắm? Sao mình biết được?
Anh cười nhạt:
– Làm gì tôi lại không biết! Cảnh Đức bây giờ là cảnh tôi khi xưa, lúc đến mừng Quân sắp cưới mình. Tôi đã đau khổ mãi, cho nên nay tôi cũng biết cho người khác cái nỗi đau khổ… Có lẽ để một người đau khổ thế cũng là không phải, khốn nỗi Việt Anh nghèo, Huỳnh Đức giàu, nên Việt Anh không thương.
– Thế là phải. Mình thương mình chưa xong còn công đâu thương ai nữa!
Anh, vẫn ra vẻ phẫn:
– Chính thế. Mình thương mình cũng chưa xong…
Hằng vuốt mớ tóc rối loạn trên đầu Anh, tha thiết hỏi chàng:
– Mình vẫn có điều gì buồn à?
Anh lắc đầu một cách vụng dại.
– Không!
– Thế thì mình tươi cười lên nào! Mình thử nhìn tôi mà cười một cái cho tôi xem nào!
– Nhưng mà tôi có gì buồn đâu? Hay là tôi sướng quá mà rối trí đó.
– Không phải! Khi Tiết Hằng chưa là một quả phụ, mình lại chưa đến nỗi có cái bộ mặt đưa ma như ngày nay. Tất mình có điều gì… điều gì lo buồn mà muốn giấu tôi. Nhưng mà làm sao lại phải giấu? Còn việc gì phải giấu nhau nữa!
Anh hơi gắt:
– Thì tôi cam đoan không có gì giấu Hằng rồi cơ mà!
Hằng khẽ hỏi:
– Lâu nay tôi không biết công việc làm ăn của mình ra sao… Có nói cho tôi rõ bao giờ! Hay mình buồn bực vì thiếu thốn đồng tiền?
– Tiền thì bao giờ cũng thiếu, chẳng vì thế mà đến nỗi buồn bực được!
Anh nói xong có ngay những nét hớn hở tươi cười. Rồi thêm:
– Nỡm thật! Tôi sướng quá hóa lẫn.
– Việt Anh! Tôi yêu mình, yêu mình một cách hằn học nữa!
Thấy Hằng có những ngôn ngữ cử chỉ rất đáng cảm. Anh ôm nàng vào lòng, nhìn vào cặp mắt nàng đăm đăm. Dưới bóng điện xanh, khuôn mặt trái xoan trắng nõn nà với cặp môi chúm chím nụ hồng như là những tiếng gọi tha thiết của một sức mạnh huyền bí. Việt Anh ôm rõ chặt người yêu vào ngực mình.
Trong một phút vũ trụ đã hầu bị quên…
Chợt Anh bỏ Hằng ra, đứng thẳng lên mà rằng:
– Không! Không thể như thế được!
Rồi trước cái ngạc nhiên đến sợ hãi của Hằng, chàng để tay lên trán, đứng thừ ra hồi lâu mãi đến khi chợt nhớ ra rằng không nên gieo mãi sự ngờ vực vào óc người yêu, chàng mới lại cố ra vẻ tự nhiên, dịu dàng ngồi xuống ghế và nói:
– Cái ngày ta phải nóng lòng chờ đợi chỉ còn vài tháng là đến, vài tháng nữa thôi. Tôi sẽ đẹp duyên với vị hôn thê chớ chẳng phải với một người tình nhân theo thói thường. Tôi muốn không đến nỗi sờm sỡ. Kính yêu chớ không phải chỉ yêu mà thôi.
Hằng cười nhạt:
– Sự cẩn thận ấy về phần mình thật lạ lùng lắm đấy. Tôi thật sự không ngờ.
Anh vặn lại:
– Có gì là lạ?
Hằng so vai, nhìn Anh mà cười rũ rượi:
– Không có gì lạ? Ồ sao mà mình thông minh và nhớ lâu thế nhỉ? Khi Hằng là gái có chồng thì mình hết sức tìm mọi cách chinh phục lấy… phần hồn. Tinh thần lòng yêu, mình có rồi mình cũng chưa thỏa, mình còn bao nhiêu lần lăm le chiếm cái xác thịt nữa. Đến bây giờ thì Hằng đã phó thác cả thân Hằng cho mình như cho một người chồng, thì mình lại đảo ngược các địa vị, mình lại dùng cái từ bi của một nhà tu hành mà lên giọng đạo đức: “Kính yêu chớ không phải chỉ yêu mà thôi!”. Như thế, bảo lại không lạ à?
Việt Anh so vai đứng lên hát ầm ĩ, lại rún rẩy theo lối Maurice Chevalier:
Elle a des pelits télons
Que je lalais à talon
Ton! Ton! Ton! Tontaine!
– Mình hóa dại hay sao?
Anh ngừng hát, ngạc nhiên rằng:
– Hóa dại? Mình cấm cả tôi lộ sự vui sướng ra à?
Hằng lắc đầu một hồi:
– Không! Không! Mình không sướng! Thế không tỏ ra cái sướng! Việt Anh! Mình nên biết rằng nhiều lần mình bắt tôi lo. Mình vốn không phải là người như thế. Chưa bao giờ tôi thấy mình có những cử chỉ ấy. Mình đau khổ điều gì, hở Anh?
– Anh là kẻ rất sướng! Mà có lẽ hiện nay sướng nhất đời!
– Sao lại vẫn cái giọng lạ lùng nó vẫn tố cáo sự chua chát lẩn bên trong? Mình hãy nhìn thẳng vào mặt tôi mà nhắc lại thế tôi xem nào?
Anh thẳng người, nghiêm giọng:
– À, mình quá thật! Vì lẽ gì, những lời căn vặn vô ý thức đến bực ấy? Dễ thường tôi là một đứa có tội gì trước mặt mình là một quan tòa chăng? Tôi cấm mình hỏi mãi như thế đấy!
Hằng cũng to tiếng không kém bạn:
– Vì lẽ gì? Vì lẽ gì? Vì tôi đau đớn khi tôi phải nghi ngờ rằng người mà tôi yêu dấu vẫn cứ có một điều gì nói dối tôi. Đây này, mình đã muốn không nói thì để tôi nói cho mà biết: trước khi yêu tôi, hoặc trong khi nói là yêu tôi, chỉ yêu một mình tôi, ít ra… ông cũng có năm bảy cô nhân ngãi rồi.
Anh cười sằng sặc:
– À! Ghê thật. Ấy là chưa lấy nhau mà máu ghen đã đến thế.
– Phải, vì ông đã nói dối, vì ông là kẻ hèn. Một con đĩ nào đó đã mỉa mai ông. Do thế ông đau đớn. Hay là ông hối hận gì chăng?
Việt Anh đưa mắt đến sọt giấy rồi gật gù. Nhưng chàng vẫn thản nhiên:
– Hằng đã chịu khó nhặt những mẩu vụn chắp lại đọc cả cái thơ rồi à?
– Thưa không ạ. Tôi đâu thèm tò mò đến thế. Thấy một mẩu này thì tôi đọc chơi mà thôi. - Rồi nàng giơ mẩu giấy ra. - Bây giờ ông nghĩ thế nào?
– Tôi không nghĩ gì cả, vì nếu tôi nghĩ vào đấy, thì tôi đã chả vứt nó vào sọt, thưa bà. Mà tôi mong rằng bà đừng hằn học với tôi về những việc xảy ra từ trước khi tôi là chồng bà!
Cái giọng gắt gỏng của Anh khiến Hằng phải sợ. Nàng sợ chàng nhân đó lại có cớ nhắc đến Đào Quân. Sau cùng nàng dịu giọng:
– Hay là trong cuộc trăm năm của đôi ta, có điều gì ngăn trở, về phần mình? Hay là người ấy chửa đẻ gì chăng?
Anh đỏ mặt mà rằng:
– Ô hay! Mình điên mãi à? Đối với một hạng đàn bà mà tôi vẫn giày xéo dưới gót chân thì đủ hiểu là hạng nào rồi, còn chửa đẻ làm sao được! Mà lại nó vô lý, không biết phận nó đấy chứ! Ai coi nó ra gì mà nó đòi… nọ kia.
– Tôi thấy giọng thư mai mỉa mình dữ dội.
– Mà vì không để tâm nên tôi đã xé thư bỏ sọt.
Đến đấy, Hằng lại phải ngẫm nghĩ. Sự quả quyết giọng hồn nhiên của Anh đã tỏ ra rằng chàng đã thực thà về việc cái thư. Thế nghĩa là không có người đàn bà nào ngăn trở, mỉa mai hoặc đe dọa Việt Anh, khả dĩ bắt Anh suy nghĩ, cân nhắc, khổ sở trong cuộc phối hợp mai sau này. Vậy thì chỉ còn hai nhẽ: hoặc Việt Anh vẫn giấu nàng một điều gì, hoặc nàng nhìn thế sự một cách khác người nên đâm ra nghi ngờ, thế thôi. Rồi Hằng hối hận, sợ mình đã trái.
Nàng vứt mẩu thư vào bồ giấy:
– Chỉ tại cái mẩu thư khốn nạn này! Thôi, tôi lỡ một lần, mình có tha thứ cho tôi không?
Anh cũng dịu nét mặt:
– Mong Hằng bận sau đừng nhẹ dạ.
– Nhưng chỉ vì yêu Việt Anh nên Tiết Hằng mới vô nghĩa lý thế… À quên, tôi có số tiền ấy rồi. Tôi đưa mình nhé.
Nàng nói vậy, đoạn với lấy cái ví, mở ra. Nàng lấy tập giấy bạc xong… một cách ý tứ, bỏ tay vào túi chàng. Nhưng Anh lôi sáu tờ giấy bạc ra, nhìn mà nói:
– Thế này đã đủ là một sự khốn nạn chưa?
Hằng vờ nhìn ra cửa sổ:
– Ồ! Cái tổ chim vành khuyên kìa?
Nhưng Anh không mắc, lại tiếp:
– Không! Không! Mình không nên đưa tôi ngay bây giờ.
– Sao?
– Hết ngay mất!
– Thì cần dùng gì, cứ việc tiêu! Sau sẽ hay… ngại gì!
– Không! Mình hãy giữ lấy! Thế này là một cái nhục!
Hằng, đã sắp sửa phát điên:
– Thế nào? Mình nói cái gì mà ngu vậy? Của vợ không là của chồng à? Thế sao gọi được là yêu nhau! Mình bây giờ vô lý quá! Việt Anh bây giờ khác hẳn Việt Anh ngày trước.
Việt Anh nhại lại một cách rền rĩ, nghiến răng:
– Ồ! Việt Anh ngày trước!…
Rồi chàng ngồi phịch xuống ôm trán. Mười phút sau mới đứng lên:
– Thật vậy, Hằng ạ, tôi có một điều muốn giấu mình mà lại muốn nói rõ với mình. Mấy hôm nay chưa biết quyết ra sao. Hằng đã đến. Vậy bây giờ Hằng về cho tôi suy nghĩ rồi tôi sẽ nói chuyện sau.
Thế là Anh đẩy nàng ra ngoài phòng tiễn khách đến cổng.