Đường Về Nô Lệ

Chương 11: Sự Cáo Chung Của Chân Lí

Điều đặc biệt là bất cứ ở đâu quốc hữu hóa tư tưởng cũng đồng nghĩa (pari passu) với quốc hữu hóa công nghiệp.

E. H. Carr

Muốn cho mọi người cùng phục vụ một hệ thống các mục tiêu duy nhất, được kế hoạch của xã hội trù liệu, thì cách tốt nhất là buộc tất cả cùng phải tin tưởng vào các mục tiêu đó. Chỉ dùng các biện pháp cưỡng bách thì bộ máy toàn trị chưa thể hoạt động hữu hiệu được. Điều quan trọng là làm sao mọi người cùng coi các mục tiêu đó là của chính mình. Mặc dù những quan điểm như thế được lựa chọn và áp đặt từ bên ngoài, nhưng chúng phải trở thành niềm tin của quần chúng, phải trở thành tín điều của tất cả mọi người, sao cho các cá nhân có thể hành động một cách tự phát mà vẫn theo đúng ý của người lập kế hoạch. Và nếu trong các nước toàn trị người dân không cảm thấy họ bị áp bức như là những người sống trong các nước tự do tưởng tượng thì chủ yếu là vì chính phủ các nước này đã khá thành công trong việc buộc người dân suy nghĩ theo hướng chính quyền muốn.

Có thể làm được điều đó bằng những hình thức tuyên truyền khác nhau, kĩ thuật này đã phổ biến rộng rãi, chẳng cần nói thêm ở đây làm gì. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng công tác tuyên truyền cũng như kĩ thuật tuyên truyền không phải là những đặc điểm riêng biệt của chủ nghĩa toàn trị, Điều duy nhất, đặc trưng cho chính sách tuyên truyền trong chế độ toàn trị là tất cả bộ máy tuyên truyền đều hướng đến cùng một mục tiêu và tất cả các công cụ đều được phối hợp nhằm tạo ảnh hưởng đối với các cá nhân theo cùng một hướng và tạo ra một Gleichschaltung[1] đặc thù trong đầu óc mọi thần dân, Kết quả là, hiệu ứng mà nó tạo ra khác hẳn không chỉ về lượng mà còn khác về chất so với hiệu ứng tuyên truyền cho những mục tiêu khác nhau do nhiều chủ thể độc lập và cạnh tranh với nhau tiến hành. Khi tất cả các phương tiện thông tin đều bị một bộ máy duy nhất kiểm soát thì vấn đề không còn là reo rắc quan điểm này hay quan điểm kia nữa, Khi đó một tuyên truyền viên khéo léo có thể nhào nặn tâm trí quần chúng theo bất kì hưởng nào mà anh ta chọn, ngay cả những người thông minh và có tư duy độc lập cũng không thể hoàn toàn tránh được ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền, nhất là nếu họ lại bị cách li với các nguồn thông tin khác trong một thời gian dài.

Nhưng trong khi tại các quốc gia toàn trị bộ máy tuyên truyền chi phối hoàn toàn tâm trí của dân chúng, thì hiệu quả đạo đức đặc biệt nảy sinh không phải từ kĩ thuật tuyên truyền mà lại từ mục tiêu và nội dung tuyên truyền toàn trị. Nhưng nếu hoạt động của nó chỉ giới hạn ở việc áp đặt một hệ thống các giá trị mà xã hội đang cố gắng hướng tới thì bộ máy tuyên truyền chỉ là biểu hiện cụ thể của những đặc điểm của đạo đức tập thể chủ nghĩa mà chúng ta đã bàn tới bên trên. Nếu mục tiêu của nó chỉ là dạy cho dân chúng một tập hợp các chuẩn mực đạo đức xác định thì vấn đề sẽ chỉ còn là cái chuẩn mực đạo đức đó là tốt hay xấu mà thôi. Như chúng ta đã thấy, các chuẩn mực đạo đức của chủ nghĩa toàn trị khó mà được chúng ta chấp nhận. Ngay việc phấn đấu cho sự bình đẳng bằng cách quản lí tập trung nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng theo thang bậc của nhà nước, nghĩa là chắc chắn sẽ dẫn đến việc quyết định bằng những biện pháp cưỡng bức độc đoán địa vị của từng cá nhân trong trật tự thứ bậc mới, còn phần lớn các yếu tố đạo đức nhân bản như sự tôn trọng đời sống con người, tôn trọng kẻ yếu và tôn trọng cá nhân sẽ đơn giản là biến mất. Nhưng dù nó có bị đa số coi khinh đến đâu, dù chuẩn mực này có làm thay đổi các tiêu chuẩn đạo đức, không phải lúc nào cũng có thể nói rằng nó là phi đạo đức. Đối với những nhà đạo đức học theo trường phái bảo thủ, chuẩn mực này còn có một số nét hấp dẫn hơn là các tiêu chuẩn nhẹ nhàng và khoan dung của xã hội tự do.

Nhưng bộ máy tuyên truyền toàn trị còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, có tính phá hoại hơn rất nhiều đối với tất cả các hệ thống đạo đức nói chung vì nó động chạm đến một trong những nền tảng của đức hạnh: ý thức và sự tôn trọng chân lí. Do bản chất các nhiệm vụ mà nó theo đuổi, bộ máy tuyên truyền toàn trị không thể tự giới hạn mình vào việc tuyên truyền các giá trị, vào những tranh cãi về quan điểm và niềm tin đạo đức được người ta tuân thủ, dù ít dù nhiều, theo các quan điểm thịnh hành trong xã hội, mà còn lan sang cả lĩnh vực nhận thức sự thật, một địa hạt khác hẳn của trí tuệ con người. Điều này xảy ra là bởi vì, thứ nhất, muốn buộc người ta chấp nhận các giá trị chính thống thì phải biện minh chúng, nghĩa là phải chỉ ra mối liên hệ của chúng với các giá trị mà người dân vẫn coi trọng, mà muốn làm như thế thì phải khẳng định được mối liên hệ nhân quả giữa mục đích và phương tiện. Và thứ hai, vì sự phân biệt giữa mục đích và phương tiện trên thực thế không phải lúc nào cũng dứt khoát và rõ ràng như lí thuyết cho nên phải làm cho quần chúng đồng ý không chỉ với mục tiêu cuối cùng mà còn chấp nhận các quan điểm về các sự kiện, vì đó là cơ sở để đề ra các biện pháp cụ thể.

* * *

Chúng ta đã thấy rõ rằng bất kì kế hoạch kinh tế nào bao giờ cũng ngầm định một sự nhất trí của toàn dân về một bộ chuẩn mực đạo đức kiện toàn, một hệ thống giá trị bao trùm lên tất cả; đây là điều không thể nào tồn tại được trong xã hội tự do; người ta phải tạo dựng ra nó. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nhà lập kế hoạch không nhận thức được như thế ngay từ đầu và ngay cả nếu như nhận thức được thì cũng khó mà tạo được chuẩn mực đạo đức bao trùm như thế trước khi bắt đầu soạn thảo kế hoạch. Xung đột giữa các nhu cầu khác nhau sẽ dần xuất hiện và khi chúng lộ rõ thì phải có quyết định. Như thế nghĩa là chuẩn mực giá trị làm kim chỉ nam cho quyết định không phải là in abstracto[2] khi phải quyết định mà phải được tạo ra cùng với chính các quyết định đó. Chúng ta cũng thấy rõ rằng việc không thể tách vấn đề giá trị khỏi các quyết định cụ thể làm cho chính phủ dân chủ, trong khi không có khả năng soạn thảo tất cả các chi tiết kĩ thuật cụ thể, càng không có khả năng quyết định các giá trị làm kim chỉ nam cho hoạt động của nó.

Vì cơ quan lập kế hoạch buộc phải thường xuyên giải quyết các vấn đề công lao mà không có bất kì quy tắc đạo đức rõ ràng nào cho nên nó phải thường xuyên biện minh hay ít nhất là thuyết phục dân chúng tin rằng đấy là các quyết định đúng đắn. Và mặc dù kẻ đưa ra quyết định có thể chỉ dựa vào định kiến của mình, người ta vẫn buộc phải tuyên bố công khai một nguyên lí chung nào đó vì các thần dân không chỉ phải tuân thủ một cách thụ động mà phải ủng hộ đường lối một cách tích cực nữa. Nhu cầu hợp lí hóa thái độ yêu ghét chủ quan, tức là những thứ đóng vai trò dẫn đạo người làm kế hoạch trong nhiều quyết định của mình, và nhu cầu dẫn giải các lí lẽ của mình với hình thức phù hợp nhằm lôi kéo được càng nhiều người càng tốt sẽ buộc người ta phải nghĩ ra đủ thứ lí luận, tức là những nhận định về các mối liên kết giữa các sự kiện với nhau, các lí luận này sẽ trở thành một phần của hệ tư tưởng chính thống.

Quá trình sáng tạo “huyền thoại” nhằm biện hộ cho các hành động của chính quyền không phải lúc nào cũng là việc làm có ý thức. Lãnh tụ của xã hội toàn trị có thể hành động trên cơ sở lòng thù hận bẩm sinh của ông ta đối với trật tự hiện hành và ước mơ thiết lập một trật tự thứ bậc mới, phù hợp với quan niệm về công bằng của chính ông ta mà thôi; có thể đơn giản là ông ta không thích người Do Thái, những người thành đạt trong cái trật tự mà ông ta không thể chen chân vào và mặt khác, ông ta lại thán phục những người cao to, tóc vàng, tức là trông giống như các nhân vật anh hùng trong những cuốn sách mà ông ta đã đọc thời niên thiếu. Vậy là ông ta vồ vập ngay những lí thuyết cung cấp cơ sở hợp lẽ cho chính các định kiến mà ông ta chia sẻ với các đồng đảng của mình. Các lí thuyết giả khoa học trở thành một phần của hệ tư tưởng chính thống, là kim chỉ nam cho hành động của nhiều người, xuất hiện như thế đấy. Hay là thái độ căm ghét nền công nghiệp và thi vị hóa đời sống thôn dã khá thịnh hành, lại được củng cố thêm bằng lí luận (có lẽ là sai) rằng thôn quê sinh ra các chiến binh quả cảm, lại tạo ra dưỡng chất cho một huyền thoại khác - huyền thoại “blut und Boden”[3] chứa đựng không chỉ các giá trị cao cả mà cả một loạt các khẳng định nhân quả, những khẳng định một khi đã trở thành lí tưởng dẫn đạo cho hoạt động của toàn xã hội rồi thì không ai được phép nghi ngờ nữa.

Nhu cầu thiết lập các giáo điều chính thống như là công cụ định hướng và tập hợp các cố gắng của tất cả mọi người đã được nhiều lí thuyết gia của hệ thống toàn trị đặt ra. “Lời nói dối hữu ích” của Platon cũng như “các huyền thoại” của Sorel phục vụ cho cùng mục đích như lí thuyết chủng tộc của quốc xã hay thuyết nhà nước phường hội của Mussolini. Chúng chỉ là những quan niệm cá biệt dựa trên các sự kiện mà sau đó được trau chuốt thành các lí thuyết khoa học nhằm biện minh cho các định kiến có sẵn mà thôi.

* * *

Cách tốt nhất để người dân chấp nhận các giá trị mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng đấy là các giá trị mà họ, hay ít nhất là những người ưu tú nhất trong số họ vẫn luôn luôn tin tưởng, chỉ có điều trước đây họ đã hiểu chưa thật đúng. Lúc đó nhân dân sẽ chuyển lòng trung thành từ các chúa trời cũ sang các chúa trời mới với kì vọng rằng các chúa trời mới đúng là điều mà họ cần nhưng từ trước đến nay họ chỉ mới lờ mờ cảm thấy như thế. Và biện pháp tốt nhất là gán cho các ngôn từ cũ những ý nghĩa hoàn toàn mới, ít có đặc điểm nào của chế độ toàn trị vừa làm cho những người quan sát hời hợt phải lúng túng lại vừa đặc trưng cho bầu không khí trí tuệ của nó bằng việc xuyên tạc toàn diện ngôn ngữ, bằng thay đổi ý nghĩa của ngôn từ để thể hiện lí tưởng của chế độ mới.

Bị xuyên tạc nhiều nhất chính là từ “tự do”. Như ở bất kì nơi nào khác, từ này cũng được sử dụng một cách tự do ngay trong các nhà nước toàn trị. Trên thực tế, có thể nói - và đây phải là lời cảnh báo để chúng ta luôn phải thận trọng trước những kẻ hứa hẹn New Liberties for Old[4] (Tự do mới thay cho tự do cũ) - rằng bất cứ khi nào tự do, theo nghĩa chúng ta hiểu, bị phá hoại thì bao giờ người ta cũng hứa hẹn cho nhân dân một nền tự do mới. Ngay trong chúng ta cũng có “những người ủng hộ kế hoạch hóa nhân danh tự do”, những người này còn hứa cho chúng ta nền “tự do tập thể cho cả nhóm”, mà ý nghĩa của nó sẽ trở nên rõ ràng nếu ta chú ý đến điều họ nói sau đây: “dĩ nhiên là đạt được tự do theo kế hoạch không có nghĩa là thủ tiêu ngay lập tức tất cả <sic!> mọi hình thức của tự do đã từng tồn tại trước đây”. Tiến sĩ Karl Mannheim, người có tác phẩm chứa câu dẫn bên trên[5], chí ít đã cảnh báo chúng ta rằng “khái niệm tự do hình thành trong thời đại trước là cản ngại cho cách hiểu đúng đắn vấn đề này”. Nhưng chính từ “tự do” trong lập luận của ông ta cũng đáng ngờ như khi nó nằm trên đầu lưỡi của các chính khách toàn trị mà thôi. Giống như họ, cái “tự do tập thể” mà ông ta đề nghị không phải là tự do của từng thành viên trong xã hội mà là quyền tự do vô hạn của người lập kế hoạch, được phép làm với xã hội tất cả những gì hắn muốn[6]. Đây là sự lẫn lộn của tự do với quyền lực tuyệt đối.

Trong trường hợp này, không nghi ngờ gì rằng chính các nhà triết học Đức, trong đó có các lí thuyết gia xã hội chủ nghĩa, đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuyên tạc ý nghĩa của từ “tự do”. Nhưng “tự do” không phải là từ duy nhất mà ý nghĩa đã bị đánh tráo theo hướng ngược lại để trở thành công cụ của bộ máy tuyên truyền toàn trị, Chúng ta đã chứng kiến chuyện tương tự với các khái niệm như “luật pháp” và “công lí”, “quyền” và “bình đẳng”. Cái danh sách này có thể còn kéo dài, có thể đưa vào đây hầu như tất cả các thuật ngữ chính trị và đạo đức thường dùng hằng ngày.

Một người chưa tự mình trải nghiệm thì không thể đánh giá được mức độ xuyên tạc ý nghĩa của các từ và sự rối rắm mà nó gây ra cũng như những rào cản mà nó tạo ra cho bất kì cuộc thảo luận duy lí nào. Phải tận mắt chứng kiến thì mới hiểu được làm sao mà hai anh em ruột không thể giao thiệp được với nhau, sau khi một người cải đạo và bắt đầu nói bằng một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Còn rắc rối hơn vì sự thay đổi ý nghĩa của các từ thể hiện lí tưởng chính trị diễn ra không chỉ một lần mà là một quá trình liên tục, đã trở thành kĩ thuật tuyên truyền, cố ý hoặc vô tình nhằm định hướng tư duy của con người. Dần dà, khi quá trình này đã đạt đến một mức độ nhất định thì ngôn ngữ trở thành bất lực, từ ngữ trở thành vỏ bọc trống rỗng chẳng còn ý nghĩa xác định nào, có thể biểu hiện cả nghĩa hoàn toàn trái ngược với nghĩa ban đầu của chúng, và chỉ được dùng để tạo ra những liên tưởng cảm xúc còn gắn bó với chúng mà thôi.

* * *

Tuyệt đại đa số mọi người rất dễ bị tước đoạt khả năng suy nghĩ độc lập. Nhưng thiểu số những người còn giữ được khả năng phê bình cũng phải nín thinh. Như chúng ta đã thấy, vấn đề không chỉ là ép buộc nhân dân chấp nhận một bộ chuẩn mực đạo đức dùng làm cơ sở cho kế hoạch hoạt động của toàn bộ xã hội. Vì nhiều điều khoản trong cái bộ chuẩn mực đó không thể phát biểu một cách tường minh được, vì nhiều điều khoản trong thang giá trị làm kim chỉ nam cho hoạt động chỉ tồn tại một cách ngầm định trong bản kế hoạch, còn các chi tiết của bản kế hoạch và mỗi hành động của chính phủ đều phải trở thành thiêng liêng và không thể bị phê bình. Muốn cho dân chúng ủng hộ sự nghiệp chung một cách vô điều kiện thì phải thuyết phục họ rằng cả mục đích cũng như phương tiện đều đã được lựa chọn một cách đúng đắn. Vì vậy giáo điều chính thống phải bao trùm tất cả các sự kiện có liên quan đến kế hoạch và phải nhồi vào óc mọi công dân. Mọi lời phê phán công khai hay thậm chí ngay cả những biểu hiện của sự nghi ngờ cũng bị đàn áp vì chúng có thể làm suy giảm sự ủng hộ của công chúng. Như Sidney và Beatrice Webb viết về tình hình trong các xí nghiệp ở Nga: “Khi công việc đang được xúc tiến thì bất kì biểu hiện công khai nào về sự ngờ vực, thậm chí lo lắng về khả năng thành công của kế hoạch đều bị coi là sự bất trung, thậm chí phản bội, vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của những người khác[7]”. Còn nếu nghi ngờ và lo lắng không phải là về sự thành công của một xí nghiệp cụ thể mà liên quan đến kế hoạch của toàn thế xã hội thì bị coi là hành động phá hoại.

Như vậy là sự kiện và lí thuyết cũng như các quan điểm về giá trị đều trở thành những thành tố không thể tách rời của hệ tư tưởng. Tất cả các kênh truyền bá kiến thức - trường học và in ấn, đài phát thanh và phim ảnh - tất cả đều được sử dụng để truyền bá các quan điểm, bất luận là đúng hay sai, nhằm củng cố niềm tin vào sự đúng đắn của chính quyền; trong khi đó mọi thông tin có thể gây nghi ngờ hay tạo ra dao động đều bị cấm. Tiêu chuẩn để cho hoặc không cho công bố một thông tin là ảnh hưởng của nó đối với lòng trung thành của nhân dân. Nói tóm lại, chính thể toàn trị luôn luôn nằm trong tình trạng mà ở các nước khác chỉ có thể xảy ra trong thời chiến. Người ta giấu tất cả những gì có thể làm cho nhân dân nghi ngờ sự sáng suốt hay làm mất niềm tin vào chính phủ. Thông tin về điều kiện sống của người dân ở các nước khác có thể tạo cơ sở cho những so sánh bất lợi, kiến thức về những đường lối khả dĩ có thể lựa chọn, thông tin cho phép người ta nghĩ rằng chính phủ đã mắc sai lầm, đã bỏ qua cơ hội cải thiện đời sống của người dân v.v… đều bị cấm hết. Kết quả là thông tin trong tất cả mọi lĩnh vực đều bị kiểm soát, đấy là nhằm tạo ra một sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng.

Việc kiểm soát được thực hiện với cả những lĩnh vực có vẻ như chẳng liên quan gì đến chính trị, thí dụ như với cả các ngành khoa học trừu tượng nhất. Dưới chính thể toàn trị các ngành khoa học nhân văn như lịch sử, luật học hay kinh tế học không thể nào tiến hành được các nghiên cứu mang tính khách quan, nhiệm vụ duy nhất của các ngành này là chứng minh tính đúng đắn của các quan điểm chính thống, đây là sự kiện ai cũng biết và đã được thực tế xác nhận. Trong tất cả các nước toàn trị các ngành khoa học này đã trở thành những nguồn cung cấp huyền thoại hiệu quả nhất, chính quyền đã dùng chính những huyền thoại này để tác động lên lí trí và ý chí của dân chúng. Điều đặc biệt là các nhà khoa học trong những lĩnh vực nói trên chẳng cần phải giả vờ rằng họ đang tìm tòi chân lí, chính nhà chức trách quyết định phải tìm hiểu và công bố những luận thuyết nào.

Việc kiểm soát toàn diện lan sang cả những lĩnh vực mà mới nhìn thì có vẻ như chẳng có một tí ý nghĩa chính trị nào. Đôi khi thật khó mà giải thích vì sao lí thuyết này được ủng hộ mà lí thuyết kia thì bị phê phán, nhưng điều kì lạ là trong các nước toàn trị khác nhau sự yêu ghét, trong nhiều trường hợp, lại có vẻ như giống nhau. Cụ thể là trong các nước này người ta bao giờ cũng có phản ứng tiêu cực đối với những hình thức tư duy trừu tượng, đây là phản ứng đặc trưng ngay cả trong số các nhà khoa học ủng hộ chủ nghĩa tập thể của chúng ta. Thuyết tương đối bị bác bỏ hoặc vì nó là “âm mưu của bọn Do Thái nhằm phá hoại nền tảng Vật lý học Thiên Chúa giáo và Bắc Âu” hay là vì nó “mâu thuẫn với chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa duy vật biện chứng” không còn là điều quan trọng nữa. Cũng chẳng có gì khác nhau trong những cuộc tấn công vào một số định lí toán thống kê, bất kể vì chúng “là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng và là sản phẩm phục vụ giai cấp tư sản” hay lĩnh vực này bị phủ nhận sạch trơn vì “không có gì bảo đảm rằng nó sẽ phục vụ quyền lợi của nhân dân”. Có vẻ như không chỉ môn toán ứng dụng mà cả môn toán lí thuyết cũng được xem xét trên những quan điểm như thế, bất luận thế nào thì một vài quan điểm về các hàm liên tục đã bị coi là “định kiến tư sản”. Theo tường trình của ông bà Webb thì tạp chí Journal for Marxist-Leninist Natural Sciences (Tạp chí khoa học tự nhiên Marxist-Leninist) đầy rẫy các khẩu hiệu tỉ như “Bảo vệ tính đảng trong toán học” hay “Bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Marx-Lenin trong phẫu thuật học”. Ở Đức tình hình cũng tương tự như thế. Tờ Journal of the National-Socialist Association of Mathematicians (Tạp chí của Hiệp hội các nhà toán học xã hội chủ nghĩa quốc gia) cũng đầy rẫy “tính đảng trong toán học”, thậm chí Lenard, nhà vật lí Đức nổi tiếng nhất, người nhận giải thưởng Nobel còn tổng kết sự nghiệp của đời mình trong bộ toàn tập với tên gọi: German Physics in Four Volumes! (Vật lí Đức trong bốn tập!)

Việc lên án tất cả mọi hoạt động không có mục đích thực tiễn trước mắt là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa toàn trị. Khoa học vị khoa học hay nghệ thuật vị nghệ thuật đều bị những người quốc xã, những trí thức theo đường lối xã hội chủ nghĩa và cộng sản của chúng ta căm ghét như nhau. Mọi hoạt động đều phải có mục đích xã hội rõ ràng. Mọi hoạt động tự phát hay nhiệm vụ không rõ ràng đều không được khuyến khích vì có thể dẫn đến những kết quả không lường trước được, những kết quả mâu thuẫn với kế hoạch, tức là những kết quả không thể tưởng tượng nổi đối với triết lí làm kim chỉ nam cho kế hoạch hóa. Nguyên tắc này còn lan sang cả lĩnh vực trò chơi và giải trí nữa. Tôi xin mời bạn đọc thưởng lãm lời kêu gọi những người chơi cờ ở Nga hay là ở Đức: “Chúng ta phải chấm dứt một lần và vĩnh viễn thái độ trung lập của môn cờ vua. Chúng ta phải lên án một lần và vĩnh viễn công thức ‘cờ vị cờ’ cũng như ‘khoa học vị khoa học”’.

Dù sự xuyên tạc như thế có là chuyện khó tin đến đâu, chúng ta cũng phải nhận thức rõ rằng đấy không phải là những lệch lạc vô tình, không có liên quan gì với bản chất của hệ thống toàn trị. Không phải như thế. Chúng là kết quả của chính cái mưu toan buộc tất cả phải quy phục “quan điểm duy nhất về cái toàn thể”, của những nỗ lực nhằm giữ vững quan điểm bằng mọi giá, bắt nhân dân phải liên tục hi sinh nhân danh các quan điểm đó và nói chung tư tưởng cho rằng kiến thức và niềm tin của con người chỉ là công cụ cho những mục tiêu đã được lựa chọn từ trước nhất định sẽ dẫn đến những sự xuyên tạc kiểu như thế. Khi khoa học không còn phụng sự chân lí mà là phụng sự quyền lợi giai cấp, xã hội hay nhà nước thì nhiệm vụ của tranh luận và thảo luận chỉ cần là chứng minh và truyền bá những quan điểm vốn là kim chỉ nam cho toàn bộ xã hội mà thôi. Như Bộ trưởng Bộ Tư pháp quốc xã đã giải thích, tất cả mọi lí thuyết khoa học mới đều phải tự hỏi: “Ta có phụng sự chủ nghĩa quốc xã vì lợi ích cao cả của toàn dân hay không?”

Chính từ “chân lí” đã đánh mất ý nghĩa ban đầu của nó rồi. Nếu trước đây từ này dùng để mô tả cái cần tìm, mà lương tâm cá nhân là người quyết định duy nhất rằng bằng chứng hay cơ sở để đưa ra bằng chứng ấy có bảo đảm độ tin cậy hay không thì nay chân lí là do người có quyền lực đặt ra, là cái mà mọi người phải tin nhân danh sự thống nhất vì sự nghiệp chung và chân lí có thể thay đổi một khi nhu cầu của sự nghiệp chung đòi hỏi[8].

Điều đó đã tạo ra một bầu không khí trí tuệ đặc thù với thái độ vô liêm sỉ đối với cái mà chính nó đã gây ra, thái độ coi thường chân lí, đánh mất tinh thần tìm tòi độc lập và đánh mất niềm tin vào lí trí, biến tất cả các cuộc tranh luận khoa học thành các vấn đề chính trị mà nhà chức trách chính là người có tiếng nói cuối cùng - phải trải nghiệm thì mới hiểu được, đấy là những điều không thể diễn tả nổi trên một vài trang giấy. Nhưng đáng ngại nhất là thái độ coi thường tự do trí tuệ, không phải chỉ xuất hiện sau khi chế độ toàn trị đã được thiết lập mà là thái độ của nhiều nhà trí thức, những người ôm ấp tư tưởng tập thể chủ nghĩa cũng như những người tự coi mình là đầu lĩnh trí tuệ ngay trong các nước có chế độ tự do. Nhưng người đang làm như thay mặt các nhà khoa học trong các nước tự do công khai biện hộ không chỉ cho những vụ đàn áp tồi tệ nhất nhân danh chủ nghĩa xã hội và thiết lập hệ thống toàn trị mà còn công khai kêu gọi thái độ bất dung nữa. Chẳng phải là gần đây chúng ta đã thấy một nhà khoa học Anh bảo vệ Tòa án dị giáo (Inquisition) vì theo ông ta “nó có lợi cho khoa học khi bảo vệ giai cấp đang lên[9]” hay sao? Thái độ như thế thật chẳng khác gì thái độ của bọn quốc xã, những kẻ đã từng bức hại các nhà khoa học, đốt sách và đào tận gốc một cách có hệ thống tầng lớp trí thức trên bình diện quốc gia.

* * *

Ước muốn áp đặt lên dân chúng một tín điều được coi là bổ ích đối với họ dĩ nhiên không phải là điều mới lạ hay đặc biệt mà chỉ thời chúng ta mới có. Cái mới là lí lẽ mà các nhà trí thức của chúng ta dùng để biện hộ cho nó. Họ bảo rằng không làm gì có tự do tư tưởng trong xã hội hiện nay, vì rằng ý kiến và thị hiếu của dân chúng được định hình bởi tuyên truyền, quảng cáo và cách sống của tầng lớp trên cũng như bởi những yếu tố môi trường sống khác, những thứ nhất định sẽ định hướng tư duy của dân chúng vào những lối mòn có sẵn. Từ đó họ rút ra kết luận rằng nếu ý kiến và thị hiếu của đa phần dân chúng được nhào nặn bởi hoàn cảnh mà ta có thể kiểm soát được thì ta phải sử dụng cái quyền lực này một cách chủ động để lái tư duy của dân chúng vào hướng có lợi nhất.

Có lẽ đúng là phần lớn dân chúng không có khả năng tư duy độc lập, đúng là người ta sẵn sàng chấp nhận các quan điểm có sẵn về hàng loạt vấn đề và người ta cảm thấy hài lòng với những đức tin hình thành từ thời thơ ấu hay được lôi kéo vào. Trong mọi xã hội, tự do tư tưởng chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với một thiểu số không đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người nào đó có quyền quyết định rằng ai mới là người được phép tự do tư tưởng. Cũng không có nghĩa là một nhóm người nào đó được quyền tuyên bố rằng người dân phải nghĩ thế này hay phải tin thế kia. Sẽ là sai lầm khi cho rằng hệ thống nào thì đa số dân chúng cũng đi theo sự lãnh đạo của một người nào đó, cho nên nếu tất cả mọi người cùng đi theo sự lãnh đạo của một người thì cũng thế mà thôi. Phủ nhận quyền tự do tư tưởng vì không phải ai cũng có khả năng tư duy độc lập như nhau là hoàn toàn bỏ qua những lí lẽ biện minh cho tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng là động cơ chủ yếu thúc đẩy sự tiến bộ về mặt tri thức không phải là vì ai cũng có thể nói hay viết bất kì cái gì mà là bất cứ lí do hay tư tưởng nào cũng có thể được đem ra thảo luận. Khi bất đồng quan điểm không bị đàn áp thì bao giờ cũng có người tỏ ra nghi ngờ những tư tưởng dẫn đạo đương thời và đưa ra những tư tưởng mới cho mọi người thảo luận và tuyên truyền.

Quá trình tương tác giữa các cá nhân có những hiểu biết và đứng trên các quan điểm khác nhau tạo ra đời sống tinh thần. Sự phát triển của lí tính là tiến trình xã hội đặt căn bản trên sự khác biệt như thế. Bản chất của vấn đề là ta không thể tiên đoán được kết quả, ta không thể biết quan điểm nào sẽ thúc đẩy sự phát triển còn quan điểm nào thì không, nói tóm lại, không có quan điểm nào hiện nay lại có thể định hướng được sự phát triển mà đồng thời lại không ngăn chặn chính sự phát triển đó. “Lập kế hoạch” hay “tổ chức” sự phát triển của tâm trí cũng như sự phát triển nói chung là vô nghĩa, là mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ. Ý tưởng cho rằng tâm trí của con người phải “tự giác” kiểm soát sự phát triển của chính nó xuất phát từ nhận thức sai lầm về lí tính của con người; sự thực là, chỉ có lí tính mới có thể “chủ động kiểm soát” được cái gì đó khác và sự phát triển của lí tính là kết quả của quá trình tương tác giữa các cá nhân với nhau, cố tình kiểm soát nó là chúng ta đã đặt giới hạn cho sự phát triển của nó và không chóng thì chầy sẽ dẫn đến sự trì trệ về tư tưởng và sự suy thoái của lí trí.

Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc coi lí tính là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lí tính vì đã hiểu sai tiến trình đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của lí trí. Có thể nói rằng đấy chính là nghịch lí của tất cả các học thuyết theo đường lối tập thể và yêu cầu kiểm soát một cách “tự giác” hay “chủ động” lập kế hoạch nhất định sẽ dẫn đến nhu cầu phải có một trí tuệ tối cao điều khiển tất cả, trong khi cách tiếp cận của chủ nghĩa cá nhân cho phép chúng ta nhận chân rằng các lực lượng siêu-cá-nhân mới là lực lượng dẫn dắt sự phát triển của lí tính. Chủ nghĩa cá nhân chính là thái độ nhún nhường trước các tiến trình xã hội và thái độ khoan dung đối với những ý kiến khác biệt, trái ngược hẳn với thói tự phụ nằm sẵn trong cội nguồn của yêu cầu lãnh đạo toàn diện đời sống xã hội.


Chú thích:

[1] Gleichschaltung là một quan điểm chính trị của Đức nhằm buộc tất cả các lĩnh vực của đời sống phải phục vụ cho quyền lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa quốc gia, ở ta thường gọi là sự thống nhất về tư tưởng - ND.

[2] Cái có trước - Latin - ND.

[3] Máu và đất - tiếng Đức - ND.

[4] Nhan đề một tác phẩm mới của nhà sử học Carl Becker (ND).

[5] Man and Society in an Age of Reconstruction (Con người và xã hội trong thời đại tái thiết), trang 377.

[6] Peter Drucker đã nhận xét rất đúng rằng “trên thực tế, càng có ít tự do thì càng có nhiều lời nói suông về “tự do mới”. Nhưng đây chỉ là ngôn từ che đậy cách hiểu trái ngược hoàn toàn với cách hiểu về tự do từng thịnh hành ở châu Âu… Tự do mới mà người ta đang tuyên truyền ở châu Âu chính là đa số có quyền áp đặt ý chí của mình lên cá nhân con người” (The End of Economic Man (Sự cáo chung của con người kinh tế), trang 74).

[7] Sidney và Beatrice Webb, Soviet Communism (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết), trang 1038.

[8] Ở Việt Nam người ta từng nói “Chân lí là cái lí có chân” - ND.

[9] Crowther J. G., The Social Relations of Science (Quan hệ xã hội của khoa học), 1941, trang 333.