Đường ra thành phố

Đường ra thành phố

Bà An chép miệng nói với con dâu:

Chị xem thế nào nhờ người trông thằng Bi. Chứ tôi thì chịu! Trẻ thì hầu con, bây giờ già lại hầu cháu. Cả đời sấp ngửa chẳng có lúc nào rảnh rỗi!

Chị con dâu à ơi ru thằng Bi ngủ. Cất giọng khẽ khàng:

Con tính gửi cháu ra mẫu giáo…

Bà An ngắt lời:

Không được! Còn lạ gì các cô “nuôi dạy hổ” nữa. Thằng bé đã lười ăn. Quẳng ra đấy vài tháng có mà còn da bọc xương. Nhà tôi hiếm hoi, có phải gà vịt đâu mà quăng quật!

Chị con dâu lui hui đặt con xuống giường, thằng bé cựa mình ọ ẹ, chị khẽ vỗ ơi à, xong nghèn nghẹn nói:

Hay con nhờ người thuê ô sin vậy…

Bà An sẵng giọng:

Càng không được! Thời buổi người khôn của khó. Người thiên hạ làm sao mà tin được! Sểnh ra, nó khoắng một mẻ có mà đi ăn mày!

Chị con dâu lén thở dài. Bà An nhấp hụm nước rồi tiếp:

Thôi thế này…! Để đến rằm tôi về quê kiếm một đứa giúp việc. Con cháu trong nhà còn yên tâm. Có mà đầy!

 

*

Bà An rẽ vào nhà cậu Tổn. Mang tiếng họ hàng, nhưng về quê mấy khi bà rẽ vào chơi. Nhà cửa tuềnh toàng, mấy đứa trẻ con ngáo ngơ nhìn bà khách. Vợ Tổn đang cho lợn ăn vội chạy lên, chùi qua loa hai tay vào mông quần, quơ chiếc khăn lau qua tấm phản  gỗ mộc, mời bà An ngồi. Xong ngó lơ xuống bếp:- Huê! Sang chú Thuổng gọi thày mày về.- Bà An nhìn Huê le te ra cổng:- Lớn tướng rồi còn gì!- Vợ Tổn nói:- Trông như thế nhưng mà ổi luộc lắm bác ạ!

Có tiếng léo nhéo ngoài ngõ. Cậu Tổn về đến cổng đã lên tiếng:

Bác An về chơi đấy ạ.

Vâng…! Chào cậu. Dạo này nhàn nhã quá nhỉ!?

Đang thất nghiệp dài dài đây bác ơi.- Tổn lòng khòng ngồi xuông mép phản, cặp mắt bợt đi- Đang đồng áng nó quen, bây giờ ở nhà người bấy đi bác ạ. Em mời nước bác- Xong chép miệng- Có mấy sào ruộng, nhà nước thu hồi làm dự án xây nhà máy. Nghe đâu liên doanh với Nhật nguyệt gì không biết.? Nhà em được đền bù hoa màu hơn chục triệu. Em bỏ một ít xây lại mộ các cụ cho khỏi tủi với vong linh tổ tiên. Còn lại, xoay ra nấu rượu lấy bã nuôi lợn. Trai tráng trong làng kéo nhau ra thành phố làm thuê và chạy xe ôm. Đàn bà con gái thì buôn bán rau dưa ở các chợ cóc…

Vợ Tổn nói chen:- Họ bảo xây nhà máy xong, sẽ tuyển con em trong vùng vào làm công nhân, đợi dài cổ vẫn ngổn ngang chả đâu vào đâu…

Cậu Tổn ngắt lời:- Ôi dào…! Ở bên Đôn-Tế kia kìa. Nhà máy xây xong, họ lấy những đứa ở đẩu ở đâu. Thanh niên làng, họ bảo mới thoát nạn mù chữ!

Bà An nói:- Tôi thấy quê mình bây giờ cũng nhộn nhịp. Có cả hàng in tờ nét, cả quán ca dao ô kê…!?

Cậu Tổn châm mồi lửa chưa kịp hút, dụi dụi đầu đóm vào nõ điếu:- Bác tính, có ít tiền đền bù chẳng biết làm gì, mở đại mấy quán để sau này chõm công nhân nhà máy. “Chiến lược lâu dài” đấy bác ạ. Trông thì lên nước thành thị lắm! Ô kê ô kề gì toàn thấy ông chủ ngồi hát và hút thuốc lào vặt. Quán điện tử chỉ ăn dỗ trẻ con, đến thày u trẻ con còn chạy ăn bạc  mặt…! Ông Biều xóm ngoài đầu tư vào xay sát. Thóc lúa đâu mà xay sát? Suốt ngày ngồi đánh cờ và đuổi ruồi…

Vợ Tổn nuốt cái thở dài:- Nhà quê chúng em chỉ quen làm ruộng. Gìa có việc già, trẻ có việc trẻ. Bây giờ các bà nhàn rỗi, túm năm tụm ba buôn chuyện cả ngày…

Huê loanh quanh dưới bếp. Nghe loáng thoáng mọi người nói chuyện. Rồi tiếng bác An hỏi:- Cái Huê dạo này học hành thế nào? Tiếng dì nó nhanh nhẩu:-  Cháu học hết lớp bẩy thì nhà em cho nghỉ. Bác tính, cảnh nhà neo bấn, em bị viêm đại tràng chỉ quanh quẩn con gà con lợn, vả lại còn nuôi ba em nó ăn học, tốn kém lắm bác ạ…!

Tiếng điếu cày sòng sọc. Thày nó lặng im không nói gì.

Rồi tiếng bác An rành rẽ:- Thằng cả nhà tôi vừa sinh cháu đầu lòng. Nhà cũng neo người. Hay là cậu mợ cho cái Huê lên ở với tôi. Ngoài tiền ăn, tiền mặc, mỗi tháng tôi cho cháu một triệu để đỡ đần cậu mợ.

Im lặng. Tiếng điếu cày lại rít lên. Lúc sau, tiếng thày nó lõm bõm:- Chỉ sợ cháu nó vụng về…Trông thế, mà vẫn còn ngờ nghệch lắm bác ạ...!

 

° ° °

 

Huê năm nay 16 tuổi. Người phổng phao, khuôn mặt bầu bầu ưa nhìn. Nó mồ côi mẹ từ bé. Bố lấy vợ khác. Dì ghẻ con chồng như mặt giăng mặt giời.

Nó lên ở nhà bà An đã được nửa năm. Trông thằng Bi đã gần 3 tuổi mà vẫn ô ê chưa nói được câu nào. Chế độ ăn uống đã được mẹ nó ghi lên tấm bảng treo ở góc bếp:

Sáng: 8 giờ- Cháo tim gan xay nhỏ.

10 giờ- uống sữa.

12 giờ- Cháo thịt ninh nhừ với cà rốt, khoai tây.

Chiều: 2 giờ- Uống sữa.

4 giờ- Hạt sen ninh với thịt xay.

6 giờ- Cháo thịt gà xé nhỏ.

(Hoa quả ở tủ lạnh. Sau mỗi bữa lấy cho em ăn )

Huê chóng mặt vì cái thực đơn ấy. Ngoài ra, còn phải nấu hai bữa cơm, quét dọn lau chùi nhà cửa.

Từ hồi có Huê lên giúp việc, bà An nhàn rỗi cùng mấy bà bạn đi học nhẩy đầm, váy áo xúng xính. Ông An, trước là cán bộ hải quan, nay đã về hưu. Ông suốt ngày ở trên gác như một thày tu. Bà An bảo “ông ấy nghiên cứu tử vi tướng số, phong thuỷ phong hoả cái khỉ gió gì không biết!” Chị con dâu còn bảo “tao thấy ông ấy còn làm thơ tình, lai láng lắm mày ạ!”

Đến giờ ăn, ông An mới xuống. Cả bữa chẳng nói câu nào.Uống một chén rượu thuốc và hai bát cơm. Hôm nào cũng thế. Ông nhìn Huê, đôi mắt ánh lên như có mảnh chai. Huê cảm thấy gờn gợn trước cái nhìn ấy.

Bố cu Bi thì đi suốt ngày. Anh làm ở công ty du lịch. Ít khi ăn cơm nhà. Có hôm đến tận khuya mới về, sặc mùi bia rượu.

Phòng của Huê ở trên tầng bốn. Cả ngày với một lô một lốc công việc, xong xuôi cũng hơn 9 giờ tối. Huê mở cửa ra ban công nhìn xuống. Dòng người xe đi lại như mắc cửi. Mấy đứa con gái bằng tuổi Huê đang túm tụm trước cửa shop thời trang cười nói ríu rít. Quán café Ban Mê đèn xanh đỏ nhấp nháy, khách ra vào xúng xính váy áo như người đi dạ hội. Người thành phố sướng thật! Ăn trắng mặc trơn, chẳng phải lam lũ mà tiền vẫn rủng rỉnh. Chẳng bù cho quê nó, đầu tắt mặt tối, vặt mũi đút miệng không xong. Cứ trông ông bà An thì biết, hơn thày u nó dễ đến chục tuổi mà vẫn trẻ trung béo tốt hồng hào. Những bộ quần áo mẹ thằng Bi thải ra, toàn hàng hiệu, nằm mơ nó cũng không có. Lúc đầu,lên ở nhà bà An nó còn bỡ ngỡ, phải mất một tháng nó mới làm quen  những thiết bị trong nhà.: Nào điều hoà nhiệt độ, máy tắm nóng lạnh, máy giặt, lò vi sóng, nồi khử ô zôn, giường đấm bóp Vigen, máy hút bụi Hàn Quốc…Toàn những thiết bị hiện đại, ở quê nó  đốt đuốc  tìm cũng không có. Người thành phố sướng thật! Sướng quá đi!

Tuần trước, Huê gặp chị Cà ở quê lên bán rau ở chợ cóc. Nó vội mua mấy gói bánh qui gửi về cho lũ em. Chị Cà nhìn nó bảo:- Cơm gạo Hà Nội có khác, trông mày dạo này béo trắng đẹp ra bao nhiêu. Cố kiếm thằng chồng ở đây để mà đổi đời. Tao lên đây bán rau cỏ nhì nhằng, ngày cũng được  ba chục, chỉ tội công an họ đuổi. Trước cả cái Tích con ông Sửu cùng đi, sau cái lần nó bị công an thu cả sọt rau củ, nó chán bỏ sang đi thu mua phế liệu.

Một lần, nó bị tụi nghiện lừa vào nhà kho bỏ hoang, định giở trò cưỡng hiếp, may mà có người đi qua, tụi nghiện bỏ chạy cuỗm theo cả túi tiền nó giắt ở cạp quần. À…! Mày có nhớ cái Lan không? Cái Lan kều ấy! Tháng trước, tao gặp nó, phấn son ăn diện không khác gái Hà Nội. Nghe đâu nó lên trên này làm ca ve đấy mày ạ! Thế mày bây giờ ở nhà bà An hử? Ở đấy sướng như tiên còn gì! Hôm nào tao rẽ vào chơi nhớ…

 

° ° °

 

Hắn quờ tay ôm chầm lấy Huê hôn hít. Mùi thuốc lá, mùi rượu, mùi mắm tôm hoai hoai phủ tràn mặt mũi. Nó hốt quá, vùng vẫy giằng đạp, thở hổn hển. Tay hắn vẫn ghì chặt, quặp chân đốn Huê ngã xuống đi văng. Hắn vồng lên, Huê oằn xuống ngạt thở…

Bỗng có tiếng chuông gọi cửa. Hắn vội nhả Huê ra, trườn xuống lảo đảo. Huê ngổm dậy sửa lại xống áo đầu tóc, sấp ngửa chạy xuống dưới nhà. Vợ hắn đứng ngoài cửa, gắt:- Làm gì mà lâu thế!? Nó cúi gằm mặt, không nói gì.

Từ lần ấy trở đi, Huê đều tránh mặt hắn. Tránh cặp mắt nheo nheo như muốn thôi miên con mồi.

Huê mơ hồ cảm thấy như có một cái gì rình rập luôn lơ lửng sắp chụp xuống đầu. Chỉ một tiếng động nhỏ sau lưng cũng làm nó giật mình hốt hoảng. Đi ngủ, nó phải cài chặt cửa, nhưng vẫn cảm thấy có người lén lút rình mò. Giấc ngủ chập chờn những cơn mộng mị, cái mặt nham nhở bành bạnh, cặp mắt ti hí của loài rắn, cái lưỡi chẻ đôi thè ra, thân hình nhờn nhợt cuốn chặt khiến nó nghẹt thở…

Nó ú ớ choàng tỉnh, người toát mồ hôi, co rúm người lại nhìn đồ vật trong phòng như những hình nhân kỳ quái muốn nuốt chửng nó. Nó nhắm mắt lại, tai ù đi vì những tiếng khè khè rả rích…

 

*

 

Huê múc cháo ra bát cho nguội. Thằng Bi đang nghịch đống đồ chơi, người nó trùng trục như cối đá lỗ. Huê cho chiếc đĩa “Xuân Mai” vào đầu máy. Thằng Bi có thói quen vừa ăn vừa nghe Xuân Mai hát.

Huê dỗ cho nó ăn. Thằng bé lúng búng trong miệng xong lại phun hết ra. -Ôí giời...! Cái thằng của nợ này! Không ăn, tao đổ cho chó nó ăn còn hơn!. Bà An xúng xính ở trên gác bước xuống:- Mày vừa nói gì thế? Bảo mãi rồi. Ăn nói phải có văn hoá. Bỏ ngay cái thói nhà quê tục tĩu đi! Huê xị mặt xuống. Nhà quê tục tĩu! Cả nhà bà cũng từ cái chốn tục tĩu ấy mà ra. Lúc đầu còn “bác bác cháu cháu”, về sau toàn “mày tao”. Trông thì đài các, ăn diện thế. Lúc nào cũng bảo “nhà này tôn ti nề nếp”.Hừ..! Tôi nhổ toẹt vào cái nề nếp nhà bà!

Bà An đi ra cửa còn ngoái lại:- Cho Bi ăn xong, bỏ quần áo vào máy giặt. Cái váy tao treo ở mắc, phải giặt tay, nghe không! Huê nhìn bà An lắc lư ra cổng, nó bĩu môi khẽ xì một tiếng.Trông thì đài các, ăn diện, thế mà…thế mà? Nó chợt nhớ tới chị Lan con bà Giổi ở quê. Tuần trước, nó xin về quê thăm nhà. Trên đường ra bến xe, khi ngang qua hàng karaoke, chị Lan chạy ra gọi giật nó lại. Trông chị trang điểm như diễn viên Hàn Quốc. Chị kéo nó vào trong quán, đãi nước cam và bánh ngọt. Chuyện trò ríu rít. Chị khen nó có dáng đẹp, ăn diện vào ối thằng xin chết. Chị bảo khi nào cần muốn gặp chị, cứ đến đây hỏi “Lan kều”. Ở ngoài đường nếu gặp, đố ai bảo chị làm ca ve!

Tiếng u ơ của thằng Bi cắt ngang dòng suy nghĩ của Huê. Nó đã ị ra bỉm. Huê tụt quần thằng bé. “Ăn cho lắm vào!”.

Huê vơ quần áo cho vào máy giặt. Nó gỡ chiếc váy treo ở mắc. Chiếc váy viền đăng ten ở cổ trông thật đẹp. Huê ướm thử vào người, xoay xoay người trước gương, xong bĩu môi… Chợt có tiếng động sau lưng. Nó giật mình quay lại. Ông An đứng lù lù trước cửa buồng tắm, ánh mắt ông như có mảnh chai cứa xoáy vào người nó. Lão kéo quần bỏ hẳn “cái của nợ” ra ngoài, nhăn nhở:- Có thích không!? Huê tái mét mặt, run lẩy bẩy. Lão chồm tới ôm ghì lấy Huê. Nó cong người thúc mạnh đầu gối. Lão nấc lên một tiếng, co rúm người lại, đổ ụp xuống. Huê cuống cuồng vùng thoát ra ngoài…

 

° ° °

Huê bước thập thõm trên đường ra bến xe. Mắt nó ngấn nước. Khốn nạn như thế là cùng! Khốn nạn quá!Thằng con khốn nạn, thằng bố lại khốn nạn hơn! Toà nhà năm tầng đầy đủ tiện nghi. Bề ngoài thì đẹp đẽ lắm, sang trọng lắm..? Nó bỏ chạy ra ngoài ngay lúc ấy. Ra đến cổng vẫn còn ngoái lại sợ lão đuổi theo.

Nó sẽ về quê. Về để hứng chịu những lời nhiếc móc xỉ vả của dì ghẻ, với bộ mặt đanh lại, giọng nói chì chiết  rít lên:  Lười chảy thây! Như con trâu chương!... 

Huê bước chông chênh, mắt nhoà ướt, cảm giác bải hoải rã rời. Dòng người vẫn lũ lượt nhộn nhịp…

Khi ngang qua hàng karaoke. Huê chợt nhớ tới chị Lan kều. Hai chân nó ríu lại. Hình như có một lực hút vô hình khiến nó không cất nổi chân. Huê nhìn vào trong qua tấm cửa kính thấy tối om om và sâu hun hút…

KIM LÊ