Đường Ra Biển Lớn

Chương 5: RÚT RA BÀI HỌC

1971
Trong suốt mùa xuân năm 1971, Virgin Mail Order thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Dù công ty tiếp tục lớn mạnh, nhưng chúng tôi vẫn thua lỗ. Chúng tôi đưa ra các chương trình khuyến mại lớn cho tất cả các đĩa nhạc và cùng lúc đó chúng tôi phải chi nhiều cho các khoản điện thoại để đặt hàng, cước phí bưu điện, đấy là chưa kể khoản lương cho nhân viên, chi phí cho cửa hàng… và chúng tôi dường như khó duy trì được. Đôi khi khách hàng đã giả mạo rằng họ chưa nhận được đĩa nhạc nên chúng tôi đành phải gửi cho họ bản thứ hai, rồi thứ ba và thứ tư… Cùng lúc mọi thứ cứ thế khiến chúng tôi dần dần thua lỗ nặng và đã vay nợ tài khoản ngân hàng tới 15.000 bảng.
Cũng vào mùa xuân năm đó, tôi nhận được đơn đặt hàng từ Bỉ với số lượng lớn. Tôi tới công ty đĩa nhạc phát hành các đĩa đó, mua đĩa và không trả số hóa đơn thuế mà lẽ ra chúng tôi phải nộp về việc mua bán đĩa nhạc theo luật Anh. Sau đó, tôi đã mượn một chiếc xe tải nhẹ, lái thẳng xuống Dover, thuê một chiếc thuyền đi tới Pháp và sau đó đi tiếp sang Bỉ. Tôi có một số giấy tờ đã được đóng dấu tại Dover xác nhận số lượng lớn đĩa nhạc sẽ được xuất khẩu. Nhưng khi tới Calais tôi được yêu cầu có một loại một văn bản khác, đó là giấy phép lái xe qua biên giới nhằm xác thực rằng tôi không bán số đĩa nhạc đó trên đường tới Pháp. Cả Pháp và Anh đều đánh thuế buôn bán đĩa nhạc, nhưng Bỉ thì không, nên số đĩa trên xe của tôi bị coi là hàng hoá lưu kho chờ nộp thuế. Tôi lại không có giấy phép qua biên giới. Và điều làm tôi thất vọng là buộc phải quay trở lại Dover bằng thuyền, trong khi số đĩa nhạc vẫn còn ở trên xe.
Tuy nhiên, khi tôi quay trở lại London, một ý nghĩ loé lên rằng tôi đang chở theo số đĩa mà được coi là đã xuất khẩu. Tôi còn có cả dấu hải quan để chứng minh. Tôi không nộp thuế cho số đĩa đó, nên tôi có thể bán chúng theo đặt hàng qua thư hoặc tại cửa hàng Virgin và có thể kiếm thêm được khoảng 5.000 bảng tiền lãi, so với bán theo con đường hợp pháp thông thường kia. Và với hai hoặc ba chuyến hàng như vậy chúng tôi sẽ có thể thoát nợ.
Với số nợ 15.000 bảng của Virgin Records, 20.000 bảng vay thế chấp để mua biệt thự và cộng với chi phí sửa chữa biến ngôi nhà trở thành phòng thu, thì cách làm trên là lối thoát tốt nhất. Nhưng có điều là từ trước tới giờ tôi luôn tránh vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ rằng mình không được phép làm gì sai trái và nếu có làm sai thì chắc chắn tôi sẽ bị bắt. Sinh nhật 21 tuổi của tôi vẫn chưa tới, mà những quy luật thông thường hằng ngày trong cuộc sống dường như đã không còn đúng. Và chút nữa tôi đã yêu một cô gái người Mỹ xinh đẹp, tên là Kristen Tomassi.
Một ngày, ở ngôi biệt thự, khi tôi đang tìm Bootleg, con chó săn gốc Ai-len của tôi. Tôi không tìm thấy nó ở đâu và khi tôi lên tầng trên, đi dọc hành lang, mở cửa các phòng ngủ và gọi to: “Bootleg! Bootleg!”. Tôi đẩy mạnh cửa một phòng ngủ nhỏ và bất ngờ thấy một cô gái cao ráo, xinh xắn đang thay quần áo. Rõ ràng là cô ấy trông quyến rũ, với khuôn mặt như thách thức người đối diện. Cô ấy mặc một chiếc quần bò bó sát cũ, chiếc áo nịt ngực màu đen.
“Cô rất đẹp, đúng là cô rất đẹp.” – Tôi nói. “Tôi không phiền khi cô cởi bỏ thêm quần áo đâu”.
“Anh đang gọi Bootleg là gì vậy?”
“Bootleg là con chó của tôi ấy mà. Nó là một con chó Ailen chuyên săn sói”.
Thật tiếc, Kristen mặc lại chiếc áo sơ-mi vào, nhưng tôi cũng cố giữ cô ấy lại để nói chuyện gần một tiếng đồng hồ, cho tới khi có người kêu ầm tên tôi. Cô ấy đến London nghỉ hè và đã gặp một tay nhạc công đang làm việc ở biệt thự. Cô ấy đi nhờ anh ta.
Chúng tôi cùng trở lại London, nhưng trên hai chiếc xe khác nhau: Kristen đi cùng tay bạn trai làm nhạc công; còn tôi tự đi xe của mình. Khi tôi theo sát xe của họ suốt chặng đường, tôi cứ nghĩ liệu chúng tôi có thể gặp lại nhau không. Tôi cứ bám đuôi họ trên đường về London và cuối cùng quyết định viết cho cô ấy mấy dòng. Tôi vừa lái xe vừa viết nguệch ngoạc trên mảnh giấy xé vội, đề nghị cô ấy gọi cho tôi lúc 7 giờ tối. Tôi đợi cho tới khi cả hai xe dừng lại chờ đèn tín hiệu tại Acton, thì vội nhảy ra khỏi xe và tiến tới xe của họ. Tôi gõ cửa xe và cô ấy kéo kính xuống.
“Tôi chỉ muốn nói tạm biệt thôi” – Tôi nói và cúi xuống hôn nhẹ lên má cô ấy. “Chúc cô có chuyến đi may mắn trở về Mỹ”.
Vừa nói, tôi vừa bí mật luồn tay vào trong xe, đưa xuống và giúi vào tay cô ấy mảnh giấy.
Tôi mỉm cười với bạn trai cô ấy.
“Chúc việc thu âm suôn sẻ nhé” – Tôi nói với anh ta.
Tôi nhảy chân sáo trở lại xe của mình và lái xe trở lại Alberta.
Tôi ngồi chờ bên cạnh điện thoại và không gọi đi bất cứ cuộc gọi nào, cho tới 7 giờ tối.
Chuông điện thoại reo lên. Đó là Kristen.
“Tôi gọi bằng điện thoại công cộng” – Cô ấy nói. “Tôi không muốn John nghe thấy”. “Em có thể ra khỏi box điện thoại và bắt taxi được không?” – Tôi hỏi. “Đến đây với anh
đi. Anh đang ở trên một con thuyền tên là Alberta. Nói lái xe taxi đưa em tới đường Blomfield ở khu Little Venice. Ở đó có một cánh cửa gỗ sau hàng rào dẫn tới một con đường đất”.
Một thoáng lưỡng lự.
“Nghe như trong truyện cổ tích Alice ở xứ sở thần kỳ (Alice in Wonderland) ấy nhỉ” – Kristen nói. “Em sẽ gặp anh sau mười phút nữa nhé”.

Và Kristen đến, tôi bắt đầu cuộc mây mưa tình ái thứ hai trên con thuyền Alberta.
Sáng hôm sau, tôi phải thực hiện điều mà tôi hy vọng là chuyến cuối cùng tới Dover, giả là xuất khẩu đĩa nhạc. Đến thời điểm đó, tôi đã tiến hành trót lọt ba phi vụ và kiếm được
12.000 bảng tiền lãi. Chuyến cuối cùng này sẽ kiếm đủ tiền cho chúng tôi trả nợ nần. Sau đó, tôi có thể từ bỏ việc làm gian lận và tập trung vào công việc kinh doanh. Không thể biết chắc được rằng liệu chúng tôi sẽ chấm dứt việc làm đó không, bởi vì việc kiếm tiền dễ dàng gây nghiện, nhưng dù sao đó cũng là ý định của chúng tôi. Sáng hôm đó, tôi chất đầy đĩa lên xe và khởi hành đi Dover. Lần này, tôi cẩu thả hơn mọi khi và sau khi các giấy tờ của tôi được đóng dấu xong tôi đã không đi xuống phà như mọi khi, mà chỉ lái xe lòng vòng trên bến, rồi quay đầu chạy thẳng về hướng London. Tôi nóng lòng muốn trở lại Alberta xem Kristen còn ở đó không. Đến Little Venice, tôi đi dọc con đường đất để xuống thuyền. Đó là vào cuối tháng 5/1971, những cây táo dọc con đường đã nở đầy hoa.
Kristen đã đi. Tôi lo sợ và gọi đến nhà bạn trai cô ấy, vội nói giả giọng Mỹ khi anh ta trả lời.
“Tôi muốn tìm cô Kristen Tomassi” – Tôi nói. “Tôi gọi từ hãng Hàng không Mỹ American Airlines”.
“Tôi sẽ gọi cô ấy”.
“Kristen” – Tôi thì thào. “Richard đây. Cứ giả vờ như em đang nói chuyện với nhân viên du lịch nhé. Rồi sau gọi lại cho anh càng sớm càng tốt. Ra box điện thoại công cộng gọi nhé”.
“Cảm ơn anh rất nhiều. Tôi sẽ làm như vậy” – Kristen nói và cúp máy. Mười lăm phút sau chuông điện thoại reo. Đó là Kristen.
“Em giữ máy một chút nhé” – Tôi nói với cô ấy.
“Thôi được rồi, Eddy” – Tôi nói và tay giữ lấy ống nghe. “Đến giờ đi rồi”.
Eddy là lái xe của Virgin, người chịu trách nhiệm phân phối tất cả đĩa nhạc của chúng tôi. Anh ra khởi hành đi đến căn hộ của tay bạn trai Kristen.
“Kristen này” – Tôi nói. “Số của em là bao nhiêu? Chúng ta sẽ nói chuyện dài một chút”.
Tôi gọi lại cho cô ấy và chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều về những gì đang xảy ra. Tôi huyên thuyên bất cứ chuyện gì có thể nghĩ ra được. Hai mươi phút sau, Eddy đã từ căn hộ của họ quay lại. Anh ấy mang về vali quần áo của Kristen. Anh ấy nói với bạn trai Kristen rằng cô ấy chuyển đến chỗ tôi.
“Kristen” – Tôi nói “Em hãy đến đây với anh. Anh có cái này cho em. Cái đó thuộc về em mà”.
Tôi không tiết lộ đó là cái gì. Sự tò mò đã đưa cố ấy đến Alberta. Cô ấy cũng muốn đến chào tạm biệt tôi để về Mỹ.
Lúc cô ấy đến thì tôi đang giữ chiếc vali quần áo của cô ấy. Kristen cố lấy lại chiếc vali, nhưng tôi đã mở ra và tung hết quần áo của cô ấy khắp thuyền. Sau đó tôi bế cô ấy lên và chúng tôi đi vào giường.
Trong lúc tôi và Kristen ở trên giường suốt ngày hôm đó, thì những nhân viên hải quan đang tiến hành lục soát Virgin. Tôi không nghĩ rằng mình là người duy nhất tiến hành các phi vụ trốn thuế kiểu như vậy. Có rất nhiều cửa hàng bán đĩa lớn hơn cũng làm thế và họ còn tinh vi hơn tôi nhiều. Tôi chỉ đơn thuần tích trữ những lô đĩa đã xuất khẩu ở vửa hàng Virgin Records trên phố Oxford và dự định chuyển tới một cửa hàng mới ở Liverpool sẽ mở cửa vào tuần tới. Những cửa hàng lớn thậm chí còn bán các đĩa “xuất khẩu” trái phép ấy trên khắp cả nước.
Chuông điện thoại vang lên lúc nửa đêm. Người gọi tới không nói tên, nhưng những gì anh ta nói thì thật đáng sợ. Anh ta cảnh báo chuyến hàng giả mạo sắp tới của tôi đã bị lộ và tôi sẽ bị nhân viên hải quan bắt giữ. Anh ta nói, nếu tôi mua một chiếc đèn soi tia cực tím ở cửa hàng dược phẩm và soi vào các đĩa hát mà tôi đã mua của Tập đoàn EMI, thì tôi sẽ nhận thấy dấu “E” bằng ánh sáng huỳnh quang trên tất cả các đĩa đó, có nghĩa là chúng đã được xuất khẩu đi Bỉ. Anh ta nói với tôi rằng, sáng mai là đợt truy quét đầu tiên của nhân viên hải quan. Anh ta cảm ơn tôi và muốn giúp tôi vì tôi đã từng dành thời gian trò chuyện đến tận khuya với một người bạn của anh ấy muốn tự sát khi gọi đến Trung tâm Tư vấn Sinh viên. Tôi ngờ rằng người gọi cho tôi là một nhân viên hải quan.
Tôi gọi ngay cho Nik và Tony, rồi vội vã đi mua hai chiếc đèn tia cực tím ở một cửa hàng dược phẩm ở Westbourne Grove. Chúng tôi gặp nhau trên đường South Wharf và bắt đầu lôi hết đĩa ra khỏi giá. Một sự thật kinh khủng được phơi bày: Chúng tôi phát hiện dấu “E” trên toàn bộ số đĩa chúng tôi mua của EMI để xuất khẩu. Chúng tôi vội vàng chuyển toàn bộ số đĩa trong kho lên xe. Nhưng sau đó chúng tôi đã mắc một lỗi nghiêm trọng: Chúng tôi nghĩ rằng, nhân viên hải quan sẽ chỉ kiểm tra kho ở South Wharf. Nên chúng tôi đã chuyển toàn bộ số đĩa đó đến cửa hàng trên phố Oxford và xếp lên giá để bán. Chúng tôi không hề biết rằng nhân viên hải quan có quyền kiểm tra ngay lập tức lớn hơn cả cảnh sát. Tôi lại hành động giống như với những thanh tra viên của Nhà thờ từng đến nhà chúng tôi ở phố Albion: Đó là một cuộc chơi lớn và tôi thấy khó có thể tham gia một cách nghiêm túc. Đến sáng sớm hôm sau, chúng tôi đã chuyển xong toàn bộ số đĩa đã đóng dấu “E” tới cửa hàng trên phố Oxford và thay thế một số đĩa thật vào kho.
Sáng hôm sau, tôi và Kristen ra khỏi con thuyền Alberta và đi bộ dọc Kênh Lớn (Grand Union Canal) để tới đường South Wharf. Tôi lẩn thẩn dự đoán không biết lúc nào thì hải quan sẽ kiểm tra. Chúng tôi đi qua cầu dành cho người đi bộ bên cạnh Bệnh viện St.Mary và men theo con đường nhỏ. Khi tới gần bệnh viện, bỗng có tiếng thét lớn vang lên phía trên đầu chúng tôi. Một xác người như thể từ trên trời rơi xuống cắm qua hàng rào sắt. Tôi chỉ thoáng nhìn thấy một khuôn mặt không cạo râu, xám ngoét của một người đàn ông cao tuổi. Thật kinh khủng. Xác ông ta như nổ tung, ruột lòng thòng xuống đất và vắt vào hàng rào sáng bóng. Ông ta gần như trần truồng, trừ một chiếc áo choàng mỏng màu trắng và đang chuyển dần sang màu máu đỏ ngầu. Tôi và Kristen quá sốc và chưa kịp phản ứng ra sao, chỉ biết đứng yên và mở to mắt nhìn. Ông ta chắc chắn là đã chết. Cổ hình như đã lìa khỏi thân, còn lưng thì bị gãy làm hai. Lúc chúng tôi sợ hãi nhìn xác chết, một cô gái lao ra từ cửa ngách của bệnh viện về phía chúng tôi. Cô ấy cũng không thể làm gì được nữa. Một số người nữa lao tới, lấy tấm vải trắng phủ lên xác chết. Tôi và Kristen vẫn đứng chết trân tại chỗ, không khí im lặng bao trùm, cho tới khi chúng tôi nhận ra những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hằng ngày: tiếng xe cộ đi lại, tiếng còi xe và tiếng chim hót.
“Anh chị không sao chứ?” – Cô ý tá hỏi chúng tôi. “Anh chị có cần một tách trà không?”
Chúng tôi lắc đầu và vội bước đi trong khi vẫn chưa hết bàng hoàng. Lại thêm một điều kỳ quặc gắn với sự khởi đầu của quan hệ giữa chúng tôi. Hai ngày sau, chúng tôi gặp lại và tôi giúi vào tay cô ấy một mảnh giấy bí mật. Chúng tôi lại có một đêm như trong thần thoại cùng nhau trên thuyền. Sau đó tôi lại tới Dover rồi quay trở lại, sắp xếp vali cho cô ấy. Tôi dành toàn bộ đêm hôm trước để thu xếp số đĩa.
Có người đã tự sát ngay trước mắt chúng tôi. Cũng giống tôi, tôi nghĩ Kristen chắc hẳn sẽ thôi hoài nghi những gì đang diễn ra nữa. Chúng tôi đang sống với nỗi thấp thỏm và hoang mang.
Đến nhà kho trên đường South Wharf, chúng tôi mở cửa và bước lên bậc thang. Nhưng trước khi chúng tôi bước vào văn phòng, thì có tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa và thấy có 7 hoặc 8 người trong trang phục màu nâu.
“Ông là Richard Branson?” – Họ lên tiếng. “Chúng tôi từ Cục Hải quan và Thuế tiêu dùng nội địa, chúng tôi có lệnh kiểm tra kho của ông.”
Những người này trông có vẻ rất khác với hai nhân viên kế toán nhỏ bé, ăn vận xuềnh xoàng mà tôi chờ đợi. Trong khi họ to lớn, cứng rắn và rất đáng sợ. Mọi sự tự tin, kiêu ngạo của tôi bay đi hết khi tôi dẫn họ vào kho.
“Ông nói là ông đã rời đi Bỉ từ hôm qua mà” – Một trong số những người đó hỏi. “Ông không thể trở về nhanh như vậy”.
Tôi cố mỉm cười khi nhìn thấy họ bắt đầu kiểm tra đĩa bằng đèn soi tia cực tím. Họ có vẻ như bắt đầu lo lắng khi không tìm thấy những cái đĩa đã được đánh dấu. Tôi thích thú vì sự lầm lẫn của họ, cố giữ hy vọng có thể thoát khỏi vụ này. Chúng tôi giúp họ kiểm tra tất cả kho đĩa, lấy đĩa ra từ các thùng, rồi lại nhét chúng vào.
Có một điều mà tôi không thể lường trước tới khi quá muộn, đó là cùng thời gian ở đây, họ cũng đồng thời kiểm tra tại cửa hàng trên phố Oxford. Kết quả là họ đã phát hiện hàng trăm chiếc đĩa đã bị đánh dấu xuất khẩu.

“Thôi được rồi!”. – Một nhân viên hải quan nói rồi bỏ điện thoại xuống. “Họ đã phát hiện thấy rồi. Tốt nhất là anh đi theo chúng tôi. Anh đã bị bắt. Hãy tới Dover cùng chúng tôi và viết tường trình”.
Tôi không thể tin được. Tôi luôn nghĩ rằng chỉ có tội phạm mới bị bắt giữ: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã trở thành tội phạm. Tôi đã đánh cắp tiền của Cục Hải quan và Thuế tiêu dùng nội địa. Đó không còn là một cuộc chơi nữa, tôi đã bị Cục Hải quan bắt và không thể được miễn thuế. Tôi đã bị kết tội.
Ở Dover, tôi bị kết tội theo Khoản 301 của Đạo luật Hải quan và Thuế tiêu dùng nội địa năm 1952: “Ngày 28/5/1971, tại Eastern Docks, Dover, ông đã bị phát hiện trình cho nhân viên hải quan bản kê khai hàng hoá trên tàu, là văn bản chứng thực được phép của Cục Hải quan, nhưng đã không đúng nội dung, theo đó phải xuất khẩu 10.000 đĩa nghe nhạc…”
Và còn nhiều nữa. Cuối cùng, đêm hôm đó tôi phải ngủ trong phòng giam, trên tấm nệm bằng nhựa đen thui và với một chiếc chăn cũ. Một phần những tiên đoán của thầy hiệu trưởng Stowe về tôi đã thành hiện thực: Tôi đã ở tù.
Nhưng đêm ấy cũng là một trong những điều tốt đẹp nhất xảy đến với tôi từ trước tới lúc đó. Tôi nằm trong buồng giam, nhìn lên trần nhà và cảm nhận được nỗi sợ hãi bị nhốt kín. Tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh phải chịu trách nhiệm với ai đó, hoặc không thể kiểm soát được vận mệnh của mình. Tôi luôn thích phá vỡ luật lệ, dù đó là kỷ luật của trường học hoặc những quy định đã được chấp nhận, chẳng hạn như một người 17 tuổi có thể làm biên tập một tạp chí tầm quốc gia. Ở tuổi 17, tôi đã sống một cuộc sống hoàn toàn dựa vào những nguyên tắc của mình, theo đuổi những ý thích bản năng của mình. Nhưng khi bị ở tù thì có nghĩa rằng, mọi thứ tự do đó đã bị mất.
Tôi bị nhốt kín trong buồng giam và hoàn toàn phụ thuộc vào một ai đó mở cửa phòng. Tôi thề rằng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì có thể khiến tôi bị ở tù như thế nữa. Hoặc tôi sẽ chỉ làm những việc kinh doanh mà sẽ không khiến tôi rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Và cũng trong chính nhiều góc cạnh khác nhau của thế giới kinh doanh mà tôi tham gia từ sau cái đêm ở tù ấy, đã có những thời điểm lẽ ra tôi có thể thực hiện hành vi hối lộ dưới hình thức nào đó, hoặc có thể bằng cách riêng của mình. Nhưng cũng sau đêm đó, tôi cũng không bao giờ phạm phải lời thề của mình. Bố mẹ tôi luôn nhắc tôi rằng, tất cả những gì bạn có trong cuộc sống chính là danh tiếng của bạn: bạn có thể rất giàu có, nhưng nếu bạn đánh mất uy tín của mình bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Có một suy nghĩ nghĩ luôn nằm trong đầu óc bạn rằng người ta có thể không tin bạn. Từ trước tới lúc đó, tôi thật sự chưa từng vạch ra chính xác danh tiếng của tôi sẽ là gì, nhưng cái đêm ở tù ấy đã dạy tôi hiểu điều đó.
Sáng hôm sau, mẹ đến gặp tôi tại toà. Tôi xin trợ cấp pháp lý vì tôi không có tiền thuê luật sư. Vị thẩm phán nói với tôi rằng nếu tôi xin trợ cấp pháp lý thì tôi sẽ phải tiếp tục ở tù vì việc đó có nghĩa là tôi không có tiền nộp xin bảo lãnh tại ngoại. Nếu tôi muốn được thả, tôi phải trả tiền bảo lãnh khoảng 30.000 bảng. Bản thân Virgin cũng không có tiền để chúng tôi có thể chi cho việc bảo lãnh này. Với lại, 30.000 bảng trị giá bằng cả toà biệt thự, nhưng nếu sử dụng số tiền đó để bảo lãnh thì không phải sự lựa chọn lúc này, vì số tiền mua biệt thự là vay thế chấp ngân hàng. Tôi lại còn một đống nợ và thực tế là không hề có tiền.
Mẹ nói với thẩm phán là bà xin nộp Trang trại Tanyards của gia đình tôi làm tiền bảo lãnh. Tôi đã được mẹ trao cả niềm tin. Tôi và mẹ nhìn nhau tại phiên toà và cả hai cũng khóc. Niềm tin mà cả gia đình đặt vào tôi nay đã phải trả giá.
“Con không cần phải xin lỗi, Ricky à” – Mẹ nói khi chúng tôi đi trở lại London. “Mẹ nghĩ là con đã rút ra được bài học. Đừng khóc như đưa trẻ còn hơi sữa như thế. Chúng ta vẫn phải đi tiếp và sẽ còn phải đối mặt những điều khó khăn hơn thế nữa”.
Suốt mùa hè ấy, lẽ ra tôi đã phải đối diện với vấn đề một cách xấu hổ hơn thế, nếu bố mẹ tăng thêm sức ép, gánh nặng cho tôi. Tôi đã suy nghĩ nhiều. Tôi thấy tiếc. Tôi sẽ không làm như vậy nữa. Và tôi đã thương lượng một sự sắp đặt ngoài phiên toà với Văn phòng Hải quan và Thuế tiêu dùng nội địa. Giới chức ngành thuế ở Anh quan tâm việc thu được nhiều tiền thuế, hơn là chi trả cho các vụ kiện đắt đỏ tại toà.
Ngày 18/8/1971, tôi đồng ý nộp 15.000 bảng lần đầu và 15.000 bảng cho ba lần tiếp theo trong vòng ba năm sau đó. Số tiền này ước tính bằng ba lần chi phí cho các thủ tục pháp lý mà Virgin phải chi trả. Nếu tôi nhất trí nộp đủ số tiền đã thoả thuận thì sẽ tránh bị truy tố hình sự. Nhưng, nếu không nộp đủ, tôi sẽ bị bắt lại và bị xét xử.

*

Sau cái đêm ở tù ấy và các cuộc thương lượng với cơ quan hải quan và thuế sau đó, tôi buộc phải làm việc nhiều gấp đôi để việc kinh doanh của Virgin thành công. Nik, Tony và Mellor, cả những người anh em họ gốc Nam Phi của tôi là Simon Draper và Chris Stylianou, những người vừa gia nhập Virgin, cùng quyết tâm giúp tôi tránh vòng tù tội. Họ biết rằng, điều đó có thể xảy ra với họ và họ biết ơn tôi vì đã ở tù thay họ. Chúng tôi quyết tâm cùng nhau làm việc và vụ việc ấy đã đưa chúng tôi gắn bó, gần gũi nhau nhiều hơn. Để nỗ lực kiếm đủ tiền chi trả theo thoả thuận, Nik bắt đầu mở các cửa hàng đĩa Virgin Records khắp nước; Simon bắt đầu thảo luận việc gắn nhãn đĩa, còn Chris bắt tay vào thực hiện xuất khẩu đĩa thật sự. Động cơ làm việc thúc đẩy chúng tôi ở mọi nơi, mọi công việc – từ những cái vỗ nhẹ vào vai để khuyến khích, động viên, cho tới những cuộc trao đổi ý kiến… Nhưng, tránh vòng nao núng pháp lý vẫn luôn là động cơ quan trọng nhất của tôi.
Do việc kinh doanh đặt hàng qua thư không được tiến hành nữa, chúng tôi quyết định tập trung mở rộng các cửa hàng bán đĩa. Hai năm tiếp sau đó là thời kỳ cực kỳ cực nhọc kiếm từng đồng tiền. Từ chỗ là một công ty hoàn toàn buông lỏng việc quản lý những đồng xu tiền mặt và có hàng loạt những giấy nợ viết tay chưa thanh toán, chúng tôi đã siết chặt điều hành. Chúng tôi phải dùng từng đồng xu nhỏ tiền mặt kiếm được từ các cửa hàng để phục vụ việc mở rộng thêm các cửa hàng mới, cóp nhặt từng bảng để thanh toán khoản nợ hải quan và thuế.

Thực tế tôi đã có thể thanh toán được mọi khoản đó, cũng như tiền bảo lãnh mẹ đã nộp.
Ba năm tiếp theo, tôi đã trả được khoản tiền 7.500 bảng vay của cô Joyce, với 1.000 bảng tiền lãi. Giả sử tôi không thể nộp đủ thuế cho Cục Hải quan và Thuế tiêu dùng nội địa, chắc chắn quãng đời còn lại tôi sẽ phá sản, lụn bại. Điều khó xảy ra, tôi không nói là không thể xảy ra, đó là một người nào đó từng có tiền án hình sự, lại được phép thành lập một hãng hàng không, hay lập doanh nghiệp cạnh tranh với Cơ quan phát hành xổ số quốc gia.
Chúng tôi biết là chúng tôi phải bán được nhiều đĩa hơn nữa, qua hệ thống cửa hàng, ở nước ngoài và dịch vụ đặt hàng qua thư; phải thu hút được những nghệ sĩ nổi tiếng như Cat Steve hay Paul MacCartney tới thu đĩa tại phòng thu biệt thự; và phải khẳng định được thương hiệu đĩa Virgin. Điều chúng tôi không biết, đó là ngay khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện các dự án ấy, thì tài sản nhỏ bé của chúng tôi đang âm thầm đi trên con đường đầy chông gai tới phòng thu biệt thự, dưới hình thức một “chuyến xe” khác.
Lần này, không phải là chuyến xe chở đĩa lậu nữa, mà chở một nhạc sĩ trẻ tuổi và cô em gái của anh ta là ca sĩ hát nhạc đồng quê, từ London tới. Anh ấy là tay chơi ghi-ta số ba của ban nhạc Hair và cô em gái là ca sĩ nhạc đồng quê chuyên hát trong các phòng trà. Sâu thẳm trong ý nghĩ của họ là niềm hy vọng họ có thể thu thanh được đĩa nhạc không lời đặc biệt. Tên họ là Mike và Sally Oldfield.