Đường Ra Biển Lớn

Chương 3: KINH DOANH Ở VIRGINS

1967 – 1970
Cuối kỳ học mùa hè năm 1967, tôi và Jonny-Gems chuyển đến sống trong tầng hầm nhà bố mẹ Jonny ở khu Quảng trường Connaught, ngay gần đường Edward ở London. Chúng tôi tìm mọi cách thuyết phục Vanesa Redgrave thay đổi quyết định, từ chỗ đơn thuần là gửi tới chúng tôi những lời chúc thành công cho tờ Student, đến việc đồng ý trả lời phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn là bước ngoặt đối với chúng tôi, vì chúng tôi có thể sử dụng tên tuổi của bà như một sức hút để kêu gọi thêm cộng tác viên. Khi danh sách cộng tác viên ngày một dài, gồm cả những người quan trọng như David Hockey và Jean-Paul Sarte, thì chúng tôi dễ dàng thuyết phục được một số hãng quảng cáo trên Student, rằng đây là một nơi xứng đáng để họ xuất hiện.
Tôi và Jonny sống trong tầng hầm đó suốt mùa hè. Căn phòng tối, ẩm thấp và ít đồ đạc. Chúng tôi trải đệm ngủ ngay trên sàn nhà. Căn phòng nhanh chóng trở nên hỗn độn, khắp phòng vương vãi giấy, cốc cà phê và giấy gói món cá cùng khoai tây chiên. Chúng tôi lúc nào cũng thấy đói. Đôi khi chúng tôi cũng mò lên tầng trên kiếm thức ăn trong tủ lạnh của bố mẹ Jonny. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng với một ít đồ ăn nhanh đem cho chúng tôi.
“Đồ ăn của Hội Chữ Thập Đỏ đây!” – Bà nói to. “Hai đứa tắm lần gần đây nhất là bao giờ thế?”
Có lần mẹ đem đến cho chúng tôi 100 bảng tiền mặt. Mẹ nhặt được một sợi dây chuyền trên đường, gần Shamley Green và đã mang tới đồn cảnh sát. Sau vài tháng không có ai nhận lại sợi dây chuyền, cảnh sát nói mẹ có thể dùng nó. Mẹ biết chúng tôi không có tiền, nên đã đến tận London, bán sợi dây chuyền và đưa tiền cho chúng tôi. Số tiền 100 bảng của mẹ đã giúp chúng tôi thanh toán các hoá đơn điện thoại và bưu phẩm, sống qua được vài tháng. Có lẽ không có số tiền đó, chúng tôi đã sụp đổ rồi.
Peter Blake – người rất nổi tiếng vì thiết kế bìa album Sergeant Pepper của nhóm The Beatles, đã vẽ giúp chúng tôi bức tranh về một sinh viên cho số tạp chí đầu tiên. Bìa tạp chí có màu trắng trơn và chỉ hai phần màu đỏ: một là tiêu đề Student; hai là chiếc cà-vạt đỏ của cậu sinh viên. Cùng với việc minh họa trang bìa tạp chí, Peter Blake cũng trả lời phỏng vấn chúng tôi. Anh ấy bắt đầu cuộc phỏng vấn rất hấp dẫn: “Một cô gái đẹp không mặc quần áo
– đó là một chủ đề tuyệt vời; và tôi rất hứng thú với chủ đề đó. Đó là một trong những điều, cùng với nghệ thuật phối cảnh và giải phẫu, dạy bạn cách vẽ”.
Khi tôi đặt vấn đề về những thuận lợi và thú vị khi trở thành một nghệ sĩ, anh ấy đã chỉ ra những lo ngại về “quyền năng của sinh viên” – vốn đã gây ra tranh cãi thời điểm đó:
Tôi không cho là sinh viên cần có thêm quyền lực đối với giáo viên hơn những gì họ đã có. Chỉ có điều là ngay lúc này tôi không thích sinh viên chỉ với tư cách là một nhóm người. Tôi nghĩ họ tự đánh giá bản thân quá cao. Họ nói nhiều và cũng hay phản đối, thậm chí là họ có quá nhiều quyền. Tôi nghĩ ai cũng có thể gặp rắc rối nếu là sinh viên. Sau tất cả mọi thứ, thì sinh viên cũng chẳng còn gì quan trọng – chẳng qua họ cũng chỉ ở đây để học cách làm người lớn thôi. Sinh viên không nhất thiết phải tỏ ra là họ có nghĩa vụ lên tiếng.
Có lẽ, chúng tôi còn quá trẻ và cũng không đủ rắn rỏi như những phóng viên chuyên nghiệp, nên một vài cộng tác viên của chúng tôi đã đưa ra những quan điểm gây sốc. Gerald Scarfe miêu tả công việc của ông ta như thế này: “Tôi luôn vẽ – đó là vấn đề nhiệt huyết.
Tôi không bao giờ từ bỏ. Đó cũng giống việc ăn uống. Khi tôi có ý tưởng, thì nó phải được thể hiện ra – cũng giống như người bị ốm, một chức năng của cơ thể”. Khi tôi hỏi Dudley Moore nghĩ như thế nào về sinh viên, thì được câu trả lời: “Điều duy nhất tôi ghét nhất ở thế hệ các bạn, đó là tuổi trẻ của các bạn”. Ông từng là một học giả chuyên về đàn phím, nhưng khi tôi đề cập vấn đề nhạc cổ điển, ông ấy lại nói: “Tôi thà tvui đùa với sáu người phụ nữ suốt ngày còn hơn phải ngồi chơi piano”.
Mick Jagger và John Lennon cũng đồng ý trả lời phỏng vấn. Cả hai nhân vật này giống như thần thánh đối với giới sinh viên. Student có lời giới thiệu long trọng trước cuộc phỏng vấn Jagger:
Mới đây Melody Maker từng viết: “Jagger gần giống như người em trai Karamazov của Dostoyevsky, người mà khi được người em trai giáo huấn rằng nỗi đau cần phải tồn tại, để chúng ta có thể học được thế nào là lòng hào hiệp, thì đã trả lời rằng, nếu một đứa trẻ còn nhỏ mà đã phải học cách chịu đựng để có thể trở nên hiểu biết hơn, thì nó sẽ không bác bỏ sự tồn tại của Chúa, nhưng nó sẽ trả lại một cách tôn kính tấm vé lên thiên đường. Đó là tính cách nổi loạn của Mick Jagger.”
Tôi không hình dung được chúng tôi nghĩ gì khi đưa ra lời giới thiệu như vậy. Chỉ là tôi đã không hiểu nó.
Tôi bồn chồn trên đường tới nhà Mick Jagger ở Cheyne Walk. Sau đó được Marianne Faithfull chỉ lối vào phòng ngủ, rồi biến mất. Tôi và Mick mỉm cười chào nhau một cách cởi mở, nhưng cả hai đều khó mở lời:
Richard Branson (RB): Anh có sẵn lòng trả lời phỏng vấn? Mick Jagger (MJ): Không
RB: Vậy tại sao anh lại đề nghị Student phỏng vấn?
MJ: Tôi cũng không biết nữa. Tôi có một ý tưởng. Tôi không hay trả lời phỏng vấn. Tôi muốn nói là hiếm khi.
RB: Anh có quan tâm chính trị không?

MJ: Không RB: Tại sao?
MJ: Bởi vì, tôi đã nghĩ về điều đó suốt thời gian dài và đi đến quyết định rằng tôi không có thời gian để làm việc đó và tìm hiểu những điều khác. Ý tôi là khi bạn tham gia chính trị, bạn sẽ bị nó huỷ hoại.
RB: Anh có cho rằng con người có thể bị ảnh hưởng bởi âm nhạc?
MJ: Hừm, tôi nghĩ cũng có thể có, bởi vì âm nhạc cũng là một trong nhiều thứ khác – nhưng nó lặp đi lặp lại, chỉ một điều lặp đi lặp lại. Nó đi vào bộ não của bạn và ảnh hưởng tới bạn.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi với John Lennon lại là một thứ “cổ điển” nữa. Tôi và Jonny đi cùng nhau. Jonny cố minh hoạ bằng hình ảnh văn học:
Jonny Gems (JG): Có ý kiến nhận định rằng bài “A day in the life” (Một ngày bình thường trong cuộc sống) giống như hình ảnh thu nhỏ của Waste Land.
John Lennon (JL): Hình ảnh thu nhỏ của gì? JG: Bài thơ của TS Eliot, Waste Land.
JL: Tôi không biết bài đó.
Thật trớ trêu, buổi phỏng vấn với John Lennon gần như đẩy Student tới bước đường cùng. Sau khi tôi và Jonny gặp anh ta, tôi có ý định hỏi John và Yoko có thể cấp cho tạp chí của chúng tôi một bản thu âm gốc để chúng tôi có thể phát hành kèm Student hay không.
Tôi liên lạc với Dereck Taylor, người phụ trách báo chí của nhóm The Beatles. Vào thời điểm đó, The Beatles mới lập Quỹ nghệ thuật Apple, với ý tưởng tài trợ cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ có cuộc sống khó khăn. Gần như suốt ngày, Dereck ngồi trong văn phòng ở Savile Row, phỏng vấn hàng dãy dài người tới xin viện trợ, tất cả đều có hàng trăm lý do khác nhau giải thích tại sao The Beatles nên tài trợ cho họ. Anh ấy giống như một vị quản gia của hoàng tộc. Là một người nhẹ nhàng, ân cần, Dereck kiên nhẫn lắng nghe những yêu cầu của họ, dù đó là những điều không tưởng và không thể đáp ứng nổi.
Khi tôi nói ý định của chúng tôi, Dereck nhất trí ngay không hề do dự. John và Yoko sẽ rất vui khi cung cấp được cho các bạn thứ gì đó, anh ấy nói vậy. Anh ấy còn giới thiệu tôi với Ron Kass – giám đốc điều hành của Quỹ nghệ thuật Apple và một nhà sản xuất đĩa.
Chúng tôi nhanh chóng nhất trí lịch hẹn giao đĩa.
Tôi quay lại khu Quảng trường Connaught với một tin tốt lành. Chúng tôi không chỉ có bài phỏng vấn John Lennon, mà còn sắp có được bài hát gốc chưa phát hành của anh. Đây là sẽ là một cuộc tiếp thị tuyệt vời cho Student. Tôi liên lạc với Alan Aldridge, một trong những hoạ sĩ minh họa ăn khách nhất lúc bấy giờ và đề nghị anh ấy thiết kế trang bìa cho tạp chí, để lại một khoảng trắng để gắn đĩa của John. Chúng tôi lên kế hoạch in khoảng 100 nghìn bản tạp chí – số lượng lớn nhất từ trước tới giờ.
Ngày nghỉ cuối tuần trôi qua. Nhưng đĩa vẫn chưa được gửi tới. Tôi nóng lòng gọi hỏi Dereck. “Đừng lo, Richard”. Anh ấy nói. “Chúng tôi đang gặp một chút vấn đề. Nhưng tôi hứa, anh sẽ có đĩa”. Thực tế, có lẽ tôi đã không có một thời điểm nào tồi tệ hơn thế để đòi hỏi thiện chí của John. Yoko vừa mất đứa con mà cô ấy mong mỏi; John huỷ hoại sự nghiệp bằng ma tuý; cả hai nằm bẹp tại ngôi biệt thự của họ ở Webridge.
Thế là tôi gặp rắc rối. Các kế hoạch của chúng tôi cho số tạp chí đặc biệt bên bờ phá sản.
Tôi thất vọng. Lần đầu tiên trong đời, tôi liên lạc với luật sư – Charles Levison – người đã gửi thư cho Dereck và đe doạ sẽ kiện Quỹ nghệ thuật Apple và vợ chồng Lennon vì đã không giữ lời hứa.
Ít ngày sau, tôi nhận được cú điện thoại của Dereck. “Hãy đến Quỹ nghệ thuật Apple, Richard. Chúng tôi có vài thứ cho anh.” Dereck nói.
Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi trong phòng thu dưới tầng hầm, cùng với Charles. Dereck, John và Yoko, nghe bản thu âm họ định đưa cho chúng tôi. Âm thanh lẹt xẹt đi kèm với tiếng đập đều đều – giống như tiếng tim đập.
“Đây là cái gì vậy?” – Tôi hỏi.
“Đó là tiếng nhịp đập trái tim đứa con của chúng tôi” – John nói.
Ngay sau câu trả lời ấy, âm thanh ngừng lại. Yoko khóc nức nở, nước mắt đầm đìa và ôm lấy John. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng trước khi tôi mở miệng nói điều gì, thì qua đôi vai của Yoko, John đang nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Con tôi đã chết” – John nói. “Và đó là âm thanh im lặng của một đứa trẻ đã chết”.
Tôi trở lại với Student, và không biết sẽ phải làm gì. Tôi không thể cho phát hành bản thu âm khoảng khắc có tính riêng tư ấy được. Có thể tôi đã sai, vì như Dereck nói, đó là thứ “nghệ thuật khái niệm” và sẽ trở thành cái riêng của người sưu tập. Chúng tôi buộc phải bỏ bìa đã hoàn tất và thiết kế lại tạp chí. Việc đó tốn phí rất nhiều, nhưng dù sao chúng tôi cũng đồng ý cùng nhau. Tôi cũng từng muốn kiện hai vợ chồng Lennon, nhưng họ cũng có những vấn đề của mình, hơn nữa dù sao họ cũng tôn trọng thoả thuận theo cách riêng của họ, cho dù lúc đó tôi không thể thấy được giá trị của việc làm ấy. Sau khi tranh cãi giữa chúng tôi về chuyện đĩa nhạc chấm dứt, Dereck viết thư cho tôi xin lỗi về tất cả những rắc rối mà tôi gặp phải. Anh ký dưới bức thư của mình bằng dòng chữ: “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu…”
Jonny đọc lá thư rất cẩn thận. Còn tôi hầu như không đọc. Tôi dường như chưa bao giờ có đủ thời gian. Tôi dành hết thời gian ngày này qua ngày khác để gọi điện thoại, chỉ mong kêu gọi được quảng cáo, thuyết phục cộng tác viên viết bài cho Student, hoặc nhận trả lời phỏng vấn. Suốt cuộc đời tôi, tôi luôn cần một ai đó như một đối trọng để cân bằng, để bù đắp cho sự yếu kém và thúc đẩy điểm mạnh của tôi. Tôi và Jonny trở thành một đội tuyệt vời. Cậu ấy biết ai là người chúng tôi nên phỏng vấn và tại sao. Tôi có khả năng thuyết phục họ đồng ý và sự bướng bỉnh của tôi không bao giờ chấp nhận câu trả lời từ chối.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn thực hiện cho Student, tôi chỉ đơn thuần là bật máy ghi âm lên và để cho người trả lời phỏng vấn nói những gì họ muốn. Trước cuộc gặp để phỏng vấn chuyên gia tâm lý RD Laing, tôi đã phải tìm đọc cuốn sách bán chạy The Politics of Experience của ông ấy. Cũng giống nhiều người, tôi không nghĩ là mình đã hiểu cuốn sách đó. Tôi hướng microphone về phía ông, còn ông ấy cứ thế nói một mạch trong một tiếng rưỡi đồng hồ trong khi mắt thì nhìn xa xăm về khoảng trần nhà phía trên đầu tôi. Tôi không hề có khái niệm về những gì ông đang liến thoắng; tôi cũng mừng là đã không có một thời gian trống nào để tôi đặt lấy một câu hỏi. Cuối cùng, khi biết chắc ông ấy đã kết thúc bài diễn thuyết, thì tôi nói cảm ơn. Tôi trở về văn phòng và gỡ băng ghi âm. Lúc đó tôi mới biết rằng, những gì ông ấy nói được trích nguyên văn các trang sách trong cuốn The Politics of Experience, không sai lấy một chữ.
Sau khi phát hành được một vài số tạp chí, số lượng người tham gia cùng Student đã bắt đầu tăng. Tôi và Jonny đôi khi cũng tới câu lạc bộ đêm và tán gẫu với mấy cô gái. Chúng tôi thậm chí còn có thể mời họ về nhà, chỉ để “uống cà phê”. Nếu họ ở lại qua đêm, thì sáng hôm sau chúng tôi thường đề nghị họ giúp đỡ. Vì một lý do nào đó, họ dường như rất ưu ái chúng tôi. Tin đồn truyền miệng rất nhanh: Những người bạn cũ học cùng trường; bạn của bạn; rồi những người từng đọc tạp chí cũng muốn tham gia. Cứ như thế, tầng hầm như biến thành một đống hỗn độn. Tất cả chúng tôi làm việc không lương, và chỉ sống nhờ vào bất cứ thứ gì tìm được trong tủ lạnh, hoặc ra ngoài ăn món cà ri khoai tây rẻ tiền.
Có nhiều người giúp chúng tôi phát hành tạp chí. Ban đầu thì ý tưởng chỉ là họ mang chồng tạp chí đi bán với giá 2/6 xu một tờ, sau đó trả lại cho chúng tôi một nửa số đó, tức 1/3 xu mỗi tờ bán được. Họ có thể trả tiền trước cho chúng tôi cũng được, tuy nhiên điều đó ít khi xảy ra. Tôi chưa bao giờ thật sự lo lắng về doanh thu của Student. Tôi chỉ cố thu đủ tiền để chuẩn bị xuất bản số tiếp theo và thanh toán các hoá đơn. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu chúng tôi bán được càng nhiều tạp chí, thì tiếng đồn truyền khẩu lan càng nhanh và chúng tôi có thể thu hút được nhiều quảng cáo.
Mặc dù khi đó tôi hầu như không nhận ra rằng, ước mơ trở thành nhà báo của mình bắt đầu bị lấn át, thậm chí là bị gạt sang bên lề, bởi sự cấp bách phải giữ cho được tiếng tăm lan truyền của tờ tạp chí. Jonny đảm trách phần biên tập, còn tôi phụ trách mảng kinh doanh và thu hút quảng cáo, in ấn. Việc tôi trở thành một doanh nhân dường như là định mệnh, cho dù nếu có ai đó đề cập một vấn đề gì với tôi, lẽ ra tôi có thể bàn bạc với Jonny. Tôi thật sự không coi mình là một người làm kinh doanh. Doanh nhân là những người đàn ông trung niên, sống trong phố lớn, luôn chịu áp lực từ việc kiếm lợi nhuận. Họ vận những bộ vét lịch sự, có vợ và có trung bình khoảng 2-4 đứa con sống ở vùng ngoại ô. Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn kiếm tiền từ Student lắm chứ – chúng tôi cần tiền để tồn tại. Nhưng chúng tôi vẫn coi tạp chí như một doanh nghiệp sáng tạo, hơn là một doanh nghiệp đơn thuần vì lợi nhuận.
Sau này, tôi mới biết rằng bản thân kinh doanh cũng mang tính sáng tạo. Nếu bạn xuất bản một tờ tạp chí, bạn cố gắng sáng tạo một cái gì đó nguyên bản, khác biệt trong đám đông, tồn tại mãi và đáp ứng những mục đích lành mạnh. Nhưng hơn tất thảy, bạn muốn tạo ra cái gì đó để bạn tự hào về nó. Điều này luôn là triết lý kinh doanh của tôi. Tôi có thể nói một cách chân thành rằng tôi chưa bao giờ theo đuổi kinh doanh đơn thuần chỉ vì mục đích kiếm tiền. Nếu mục đích đó là động lực duy nhất thì tôi tin bạn không nên theo đuổi kinh doanh. Kinh doanh là phải có ích, có niềm vui, phải khích lệ được khả năng sáng tạo của bạn.
Việc xuất bản Student thật sự thú vị. Một ngày, mở trang tạp chí ra qua hệ thống âm thanh hi-fi, chúng tôi bắt gặp tiếng chát chúa đến đinh tai nhức óc của Bob Dylan, The Beatles hay tiếng kèn của ban nhạc The Stone làm rung cả tầng hầm… Khi tôi và Jonny ra ngoài bán từng tờ tạp chí, chúng tôi ăn mừng bằng một tờ tạp chí giá 2/6 xu, mua hai chiếc bánh kẹp nhân thịt bằm, giá 1/3 xu mỗi cái. Một ngày, tôi nhìn qua ô cửa sổ tối tăm của tầng hầm và vẫn thấy hôm ấy đẹp trời. Tôi tắt nhạc, nói với mọi người cần phải đi dạo.
Chúng tôi đi lang thang trong Hyde Park và có thể một ai đó dừng lại ở Serpentine và tất cả chúng tôi đi bơi.
Tony Mellor là một trong những biên tập viên của chúng tôi và tất cả chúng tôi đều tôn trọng anh ấy, vì anh ấy là một quan chức công đoàn. Tony lớn tuổi hơn chúng tôi và rất am hiểu về chủ nghĩa xã hội. Nếu mọi người tranh luận về cách diễn đạt những tuyên ngôn mang tính chính trị nhiều hơn ở trong tạp chí, tôi bắt đầu nhận ra một bức tranh lớn hơn: đó là quan điểm về sự tồn tại. Theo một cách nhìn nào đó, thì tôi đã trở thành người ngoài cuộc đối với tạp chí. Khi mọi người tranh luận về Timothy Leary, Pink Floyd – những “LSD guru” (người có uy tín lớn trong cộng đồng người Hindu), hay những xu hướng mới nhất về quan điểm của sinh viên, thì tôi lại chỉ lẩn thẩn với mớ giá in ấn, các hoá đơn điện thoại… Tôi chỉ quanh quẩn dành thời gian cho mấy việc gọi điện thoại để thuyết phục những nhân vật có tiếng tăm viết bài cho Student, chỉ vì… tình cảm quý mến nó. Hay tôi phải dành hàng giờ đồng hồ gọi tới, gọi lui cho các công ty, như British Leyland, hay Lloyds Bank, để cố thuyết phục họ quảng cáo trên tạp chí. Nếu không có tiền của họ, Student sẽ sụp đổ.
Trách nhiệm đó giúp tôi trưởng thành rất nhanh. Bạn có thể nói tôi trông già so với tuổi của mình. Trong khi người khác có thể vui vẻ ngồi đâu đó suốt buổi tối uống tới say, không cần lo sáng hôm sau sẽ dậy muộn với dư vị đắng ngắt, thì tôi luôn phải ý thức rằng mình cần giữ cho đầu sáng suốt.
Bố mẹ tôi và Lindi cũng tới giúp chúng tôi bán tạp chí. Mẹ ôm một chồng tạp chí đứng ở
khu Speaker’s Corner ở trong Công viên Hyde Park và giúi vào tay những khách du lịch. Lindi và tôi đi xuống phố Oxfort để bán Student cho bất cứ ai chúng tôi có thể năn nỉ. Có lần tôi và Lindi đang đứng bán tạp chí, một người vô gia cư bước tới chỗ chúng tôi và xin tiền. Chúng tôi không có tiền và thật sự đó cũng là thứ mà chúng tôi đang phải kiếm, nhưng giống như một hành động của người theo chủ nghĩa lý tưởng tôi đã cởi gần như là hết quần áo của mình và đưa cho ông ta. Và thế là tôi đã dành thời gian còn lại trong ngày đi lang thang với một chiếc chăn quấn quanh người.
“Thật tội nghiệp ông lão lang thang!” – Bố thốt lên khi nghe hết câu chuyện. “Chuyện đó có thể cho ông ta một bài học nào đó. Những gì ông ta muốn chỉ là một sự thay đổi nhỏ, và kết quả là ông ta đã có được bộ quần áo của con!”
Student bắt đầu có được lợi nhuận cao. Và một ngày, kênh truyền hình của Đức đã đề nghị tôi đến nói chuyện tại Đại học Tổng hợp London, cùng với nhà hoạt động Tariq Ali và thủ lĩnh sinh viên Đức – Danny Cohn-Bendit. Bài phát biểu nói về quyền của con người.
Một đám đông khổng lồ chào đón hai nhân vật cách mạng ấy. Tôi đứng và nghe Danny Cohn-Bendit diễn thuyết hùng hồn, với cả chiều sâu của trí tuệ và tình cảm. Mọi người vây quanh ông ta hò reo tán dương. Sau đó, đến lượt Tariq Ali đứng dậy. Và ông ấy cũng có bài diễn thuyết hết sức thuyết phục. Đám đông lại ào lên, họ hét to hết sức mình, như thể bị sắp rơi xuống địa ngục Bastille. Tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, nôn nao.
Hồi ở trường Stowe, có một tục lệ rất khắt khe. Mỗi học sinh đều phải học thuộc lòng một bài thơ dài và đứng trước lớp đọc. Nếu ai đó chỉ cần mắc lỗi nhẹ, hoặc ngừng một chút khi đọc, thì thầy giáo sẽ “gõ kẻng” ngay lập tức. Thế là bạn phải rời khỏi bục, cùng với những tiếng la ó chế giễu: “Cậu bị gõ kẻng rồi”. Do tôi mắc chứng khó dọc, nên tôi cực kỳ khó khăn khi phải học thuộc lòng một thứ gì đó và vì thế mà tôi thường xuyên bị “gõ kẻng” trong suốt nhiều năm. Lúc tôi theo dõi Tariq Ali và Danny Cohn-Bendit đọc bài diễn thuyết, họ truyền đầy cảm hứng cho đám đông và như hút lấy máy quay truyền hình, thì tôi lại có cái cảm giác nôn nao trong bụng giống hệt cảm giác lúc tôi chờ đợi đến lượt để lên đọc bài thơ của Tennyson, dù biết chắc sẽ bị “gõ kẻng” rời bục và inh tai vì những tiếng la ó chế nhạo.
Cuối cùng thì Tariq Ali cũng kết thúc bài diễn thuyết. Tiếng reo hò vang lên ầm ĩ. Mọi người tán dương, một số còn nâng ông ấy lên vai họ; các cô gái xinh đẹp dành cho ông những cái vẫy tay đầy ngưỡng mộ, còn máy quay thì luôn hướng về phía ông ấy. Sau đó, một người vẫy tay ra hiệu cho tôi: Đã đến lượt tôi. Tôi bước lên bục và hồi hộp cầm lấy micro. Tôi rất ít khi nói trước đám đông, chứ chẳng dám nghĩ là diễn thuyết nữa. Tôi cảm thấy sợ. Lúc đó, tôi hoàn toàn không có chút ý tưởng là sẽ nói gì. Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu, nhưng trước sự chú ý của hàng nghìn vẻ mặt đang chờ đợi hướng về phía tôi giống như hoa hướng dương, thì mọi ý tưởng đã hoàn toàn tan biến. Miệng tôi khô rát, tôi lắp bắp vài từ, rồi mỉm cười mếu máo và chợt nhận ra cảm giác sợ hãi rằng tôi không thể làm được việc đó. Nhưng ở đó không có nơi nào để trốn cả. Tôi ú ớ thêm vài lời cuối cùng, vừa muốn ho, vừa muốn nôn, tôi bỏ micro xuống, nhảy khỏi bục và lủi nhanh vào đám đông an toàn.
Đó là một khoảnh khắc lúng túng đáng xấu hổ nhất trong cuộc đời tôi.
Thậm chí cho đến tận bây giờ, bất cứ khi nào tôi trả lời phỏng vấn, hay phát biểu, thì tôi lại có cảm giác lo lắng như vậy và tôi buộc phải vượt qua trạng thái xấu hổ tương tự. Nếu nói chuyện về một chủ đề mà tôi hiểu biết chút ít, hoặc thấy hứng thú, thì tôi có thể nói một cách khá trôi chảy. Nhưng khi được đề nghị nói về những gì mà tôi chỉ biết rất ít, tôi trở nên hoàn toàn không thoải mái – và kết quả thấy rõ ngay. Tôi đi đến kết luận rằng tôi sẽ không bao giờ có thể có tất các các câu trả lời suôn sẻ, ngay tức thì, giống như các chính trị gia. Tôi không cố chiến thắng tật lắp bắp và khiếm khuyết của mình bằng việc vội vã đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Thay vào đó, tôi chỉ cố đưa ra câu trả lời đúng sự thật. Và nếu có ít thời gian để tìm câu trả lời, tôi hy vọng mọi người sẽ tin tưởng vào một câu trả lời chậm rãi, lưỡng lự, hơn là một câu trả lời nhanh, và quá trơn tru.
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Biafra là hai vấn đề hàng đầu vào cuối những năm 1960. Để tờ Student là một tạp chí đáng tin cậy, thì chúng tôi phải cử phóng viên tới những nơi này. Chúng tôi không có tiền để cử phóng viên đến đó, huống hồ là còn phải chi trả cho họ tiền khách sạn, rồi thanh toán tiền phí chuyển bài báo về. Vì thế chúng tôi đành nghĩ cách khác. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ ra một kế: nếu chúng tôi chọn những phóng viên còn rất trẻ tuổi, thì có thể chính họ cũng đã là một câu chuyện. Tôi tới tờ Daily Telegraph và hỏi xem họ có muốn đăng câu chuyện đặc biệt về một phóng viên 17 tuổi tới chiến trường Việt Nam hay không. Thế là họ đồng ý mua bài báo và chi trả cho Julian Manyon – phóng viên của tạp chí Student – để tới Việt Nam. Julian đã tới đó, viết vài bài báo hay về chiến tranh Việt Nam; và nhờ đó anh đã trở thành một phóng viên nổi tiếng của ITN (Kênh tin tức Truyền hình độc lập của Anh – ND). Tương tự, chúng tôi cũng sắp xếp một phóng viên 16 tuổi tới Biafra. Hai câu chuyện đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về thúc đẩy danh tiếng của Student: Chúng tôi có tên tuổi và con người, còn phía bên kia có tiền để tài trợ.
Tôi rất hứng thú với chính sách chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vào tháng 10/1968, tất cả nhân viên của Student tham gia cùng với Vanessa Redgrave vào cuộc diễu hành trên Quảng trường Grosvenor, để phản đối bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Tôi đi bên cạnh Vanessa và Tariq Ali. Cái cảm giác được diễu hành vì một điều gì đó mình tin, cùng với hàng chục nghìn người, thật náo nức. Không khí của đám đông rất hồ hởi, nhưng đồng thời cũng có chút sợ hãi. Bạn có cảm giác, bất cứ lúc nào mọi việc cũng có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Và điều đó đã xảy ra. Khi cảnh sát giải tán đám đông, tôi đã chạy thục mạng. Sau đó, tờ Paris Match có đăng một bức ảnh về cuộc diễu hành. Trong đó, tôi đang khom lưng lao về phía trước cố chạy thoát khỏi quảng trường, trong khi cánh tay viên cảnh sát vươn tới chỉ còn cách vài inch (1inch = 2,54cm Việt Nam) là chộp được tôi.
Lúc tham gia diễu hành phản đối chiến tranh Việt Nam, tôi không phải theo hướng cánh tả về các vấn đề, giống như hầu hết những người cùng biểu tình.
“Cứ cho là tôi theo phe tả đi” – Tôi trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Guardian. “Và chỉ ở
mức độ tôi cho rằng quan điểm của cánh tả lành mạnh và hợp lý”.
Xét về khía cạnh chính trị, Student không phải là một tạp chí theo hướng cấp tiến. Cũng không phải do chúng tôi là một tạp chí tầng thấp, kiểu như Oz hay IT. Chúng tôi không chủ trương bỏ ma tuý vào nguồn cấp nước, giống như họ có thể đã làm như thế – mặc dù tôi nghĩ trong văn phòng của chúng tôi cũng có tình yêu tự do, như họ.
Tôi cố gắng duy trì cân bằng giữa quan điểm cánh tả và cánh hữu, nhưng những gì tôi hy vọng là sự cân bằng. Tuy nhiên, một số người lại nhìn nhận đó là sự do dự. Nhà văn và nhà thơ Robert Graves viết cho tôi từ Deià, Majorca:
Đôi tay của bạn bị trói chặt hơn là Student mong đợi. Trong câu chuyện về Biafra chẳng hạn, bạn không một lần đề cập xem chiến tranh thật sự là gì, trong bối cảnh quốc tế như vậy. Nhưng dù sao cũng vì bạn phải giữ tình bạn hữu với những người “đã qua tuổi ba mươi” và với Big Business Boys – những ông chủ doanh nghiệp lớn, hoặc là vì tạp chí của bạn sẽ không thể sống sót. Đúng thế, nhưng bạn cũng đã làm hết sức mình rồi.
Trên thực tế, Big Business Boys không thân thiện như tôi mong đợi. Cuộc vật lộn tìm quảng cáo luôn mang nhiều khó khăn hơn tìm kiếm cộng tác viên. Chúng tôi có thể rất hài lòng vì phỏng vấn minh tinh Bryan Forbes hoặc đăng bài của Gavin Maxwell, nhưng họ không mang lại tiền giúp chúng tôi duy trì xuất bản và phát hành tạp chí. Giá quảng cáo cả trang chúng tôi thu 250 bảng; quảng cáo trên một phần tám là 40 bảng. Thí dụ, sau nhiều cuộc gọi điện thoại không đếm xuể, tôi đã có được 9 công ty nhận quảng cáo trên cả trang cho số tạp chí đầu tiên: J. Walter Thompson, Metal Box, Sunday Times, Daily Telegraph, The Gas Council (tiền thân của hãng British Gas), tạp chí The Economist, Lloyds Bank, Rank Organisation và John Laing Builders. Chín hợp đồng quảng cáo này đem lại cho chúng tôi 2.250 bảng và đã được lọc ra từ danh sách chúng tôi liệt kê khoảng 300 công ty có tiềm năng quảng cáo. Nhưng số tiền đó vẫn áng chừng chỉ đủ trả chi phí in 30 nghìn bản tạp chí của số đầu tiên. Với số vốn ấy tôi mở tài khoản ở Ngân hàng Coutts, nơi gia đình tôi thường giao dịch, tin tưởng là một ngân hàng minh bạch. Chắc tôi là khách hàng duy nhất của họ mà là người “chân đất” và từng đề nghị rút một khoản bội chi trị giá 1.000 bảng.
Trong suốt quá trình xuất bản Student, việc chật vật tìm kiếm quảng cáo quả là một cuộc đấu tranh nhiều thăng trầm.
Bất chấp mọi nỗ lực của chúng tôi, Student vẫn không mang lại lợi nhuận. Tôi bắt đầu suy nghĩ cách để phát triển tạp chí và quảng bá thương hiệu Student theo hướng khác: một cuộc hội thảo Student; một công ty du lịch Student; một văn phòng nơi ở Student… Tôi không nhìn nhận Student như một sự việc, như kiểu một danh từ. Tôi coi đó là sự khởi đầu của một loạt các dịch vụ, như kiểu một tính từ, một từ mà mọi người có thể công nhận là có những giá trị cốt lõi nhất định nào đó. Vào những năm 1970, tạp chí Student và những gì Student phát triển theo đó là rất hợp thời. Student là một khái niệm linh hoạt và tôi thì muốn khám phá sự linh hoạt, mềm dẻo ấy, để xem tôi có thể thúc đẩy nó đến đâu và có thể đem lại điều gì. Cứ như vậy, dường như tôi bị tách khỏi đám bạn bè, những người chỉ tập trung cao độ vào tạp chí và vấn đề chính trị của sinh viên mà họ muốn khám phá.
Dường như là Peter Blake đã đúng khi nói rằng, cuộc cách mạng sinh viên ấy sẽ hết thời và chỉ còn lại sinh viên với chính họ. Tuy nhiên, nếu xem lại các số tạp chí Student xuất bản 30 năm sau đó, tôi rất ngạc nhiên là có rất ít sự thay đổi. Student sau này có những bức biếm hoạ của Nicholas Garland về Edward Heath; và với NiColas Garland thì ông ta vẫn là đề tài biếm hoạ cho tới lúc chết. David Hockey, Dudley Moore và John Le Carré vẫn có những bài hay; còn Bryan Forbes và Vanessa Redgrave, hoặc ít nhất là con cái họ, vẫn xuất hiện trong các bản tin.

Cuộc sống dưới tầng hầm giống như mớ hỗn độn, mà ở trong đó tôi đã trưởng thành và phát đạt. Chúng tôi chưa bao giờ có tiền; chúng tôi cũng thật sự bận rộn; nhưng chúng tôi gắn bó với nhau. Chúng tôi làm việc cùng nhau, bởi công việc thú vị, bởi chúng tôi thấy rằng những gì mình đang làm là quan trọng và còn bởi chúng tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời bên cạnh nhau.
Có những nhà báo từ các tờ báo quốc gia tìm đến phỏng vấn tôi, chỉ muốn kiểm chứng những lời đồn đại về chúng tôi. Chúng tôi đã tìm cách phô trương để gây ấn tượng với họ. Tôi ngồi bên bàn làm việc, chiếc điện thoại đặt ngay cạnh khuỷu tay.
“Xin hoan nghênh các bạn. Mời các bạn ngồi” – Tôi nói và chỉ cho anh chàng nhà báo ngồi xuống chiếc túi nệm vỏ đậu phía đối diện. Trong khi họ cố giữ phẩm giá của mình bằng cách đi lại xung quanh để tìm kiếm một chỗ ngồi thuận tiện, vừa phải gạt những giọt cà phê, những mẩu thuốc lá rơi vãi thì chuông điện thoại reo lên.
“Ai đó giúp tôi nghe điện thoại với!” – Tôi nói và hướng sự chú ý tới mấy tay nhà báo. “Còn bây giờ xin mời đặt câu hỏi, các bạn muốn biết gì về Student?”
“Ted Heath gọi anh, Richard” – Tony thông báo.
“Tôi sẽ gọi lại cho anh ấy sau” – Tôi nói và không ngoảnh đầu lại. “Nào bây giờ xin mời, các bạn muốn biết gì về Student?”
Lúc đó, anh nhà báo còn mải ngoái nhìn xem Tony trả lời điện thoại Ted Heath nói rằng, anh ấy xin lỗi vì Richard đang bận họp và anh ấy sẽ gọi lại sau. Chuông điện thoại sau đó lại reo lên lần nữa, Tony tiếp tục nhấc máy.
“David Bailey muốn nói chuyện với anh, Richard”.
“Tôi sẽ gọi lại sau, à mà anh hỏi xem ông ấy có thể thay đổi lịch hẹn ăn trưa hay không?
Tôi phải có mặt ở Pari. Thôi được” – Tôi cười xin lỗi anh nhà báo. “Nào bây giờ xin mời, chúng ta đang đến đâu rồi nhỉ?”
“Tôi chỉ muốn hỏi anh…” Chuông điện thoại lại reo.
“Tôi xin lỗi vì ngắt lời” – Tony nói. “Nhưng Mick Jagger muốn nói chuyện với anh và anh ấy nói có việc rất gấp”.
“Cho tôi xin lỗi một phút” – Tôi nói và miễn cưỡng nhấc ống nghe. “Xin chào, Mike.
Khoẻ, cảm ơn, còn anh? Thế à? Một bài báo đặc biệt à? Vâng, nghe thú vị đấy…”
Tôi cứ thế tiếp tục nói cho tới khi Jonny đứng trong trạm điện thoại công cộng phía đối diện không thể nhịn cười được, còn sau đó là tiếng bíp bíp kéo dài…
“Tôi xin lỗi” – Tôi nói với anh nhà báo. “Có một số vấn đề nảy sinh và chúng tôi phải giải quyết gấp. Chúng ta kết thúc ở đây nhé?”
Anh nhà báo ra về hết sức ngạc nhiên. Anh ta đi ngang qua Jonny và chuông điện thoại ngừng reo.
Các nhà báo đã hoàn toàn mắc câu của chúng tôi: “Nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà văn từ các báo khắp thế giới dường như đều hỗ trợ Student” – tờ Sunday Telegraph viết. “Và mạng lưới tổ chức phát hành tự nguyện khổng lồ đang phát triển ở khắp các trường phổ thông và đại học, giúp hơn nửa triệu sinh viên đọc tạp chí này”.
Tờ Observer viết: “Một số lượng ấn tượng các cộng tác viên hàng đầu. Phạm vi không hạn chế”. Còn tờ Daily Telegraph thì viết: “Dường như Student – ấn phẩm thu hút nhiều nhà văn nổi tiếng – sẽ trở thành một trong những tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất cả nước”.
Đến mùa thu năm 1968, bố mẹ Jonny đã quá ngán ngẩm với việc gần 20 thanh niên chen chúc trong tầng hầm nhà mình, nên đã đề nghị chúng tôi tìm nơi khác sống. Chúng tôi chuyển tới số 44, phố Albion, cũng ở góc Quảng trường Connaught. Jonny thì bỏ việc để quay lại trường thi lấy bằng A. Cậu ấy cảm thấy có lỗi khi bỏ tôi, nhưng cậu ấy bị ép phải tiếp tục học tập. Bố mẹ cậu ấy lo ngại nếu chỉ làm việc cho một tạp chí nhỏ, trong tầng hầm nhà họ như vậy, thì khó có thể là một bệ phóng vững chắc để sau này có thể kiếm được nhiều tiền.
Không có Jonny, tờ Student gần như suy sụp. Có quá nhiều việc tôi phải làm, không có ai khác mà tôi có thể tin tưởng để giúp tôi. Một vài tuần sau đó tôi đề nghị Nik quay lại giúp. Nik đã kết thúc kỳ học ở Ampleforth, nhưng lại sắp đến Brighton học ở Đại học Sussex. Cậu ấy đồng ý hoãn lại việc học đại học và trở lại giúp Student.
Với sự trở lại của Nik, Student đã trở lại quỹ đạo bình thường. Cậu ấy bắt đầu kiểm soát tiền và sử dụng tài khoản của chúng tôi ở Ngân hàng Coutts rất hợp lý. Cậu ấy viết séc và kiểm soát chặt chẽ các cuốn biên lai ngân hàng. Nik bị mất một chiếc răng cửa và với mái tóc đen, dài, trông cậu ấy thật đáng sợ. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ tránh được nợ nần.
Cái cộng đồng mà từng bị bó chân bó cẳng trong tầng hầm nhà Jonny, nay đã được mở rộng, ở trong một căn nhà mới. Mọi người tự ngăn phòng làm việc riêng, đã có đệm ngồi. Hầu hết nhân viên của Student trong độ tuổi 19 – 20 tuổi. Người ta bàn nhiều đến tình yêu tự do và cũng nhiều người thực hiện điều đó. Tôi lắp một cái giường rộng tận trên tầng thượng, điện thoại thì móc dây vào ban công. Có ngày tôi đã làm việc ngay trên chiếc giường ấy.
Tôi lấy tên bố mẹ để đặt cho ngôi nhà, nhằm tránh để chính quyền địa phương biết rằng chúng tôi đang kinh doanh ở đó. Bố mẹ tôi rất thích sự sôi động của nghề làm báo. Dù làm nghề luật sư, tóc cắt ngắn gọn gàng, ăn vận lịch sự và thường đi lễ nhà thờ vào các ngày Chủ nhật, nhưng bố và cả mẹ tôi đều không cảm thấy khó chịu, hoặc gặp trục trặc gì khi tiếp xúc với những người để tóc dài ngang lưng, không cạo râu, hoặc không tắm trong cả tháng trời.

Lindi đến sống ở phố Albion sau mỗi kỳ học và thỉnh thoảng trong các kỳ nghỉ. Nó cũng giúp phát hành Student, nó yêu một số chàng trai làm việc cho tạp chí.
Tôi có mối quan hệ ngắn ngủi với Debbie, một cô gái sống ở phố Albion và làm việc cho tạp chí. Một ngày, cô ấy nói với tôi rằng có ấy có thai. Cả hai chúng tôi đều sốc và thấy rằng đứa bé ấy là điều cuối cùng chúng tôi có thể đối phó. Debbie quyết định phá thai. Sau một vài cuộc nói chuyện điện thoại, chúng tôi thấy rằng mọi chuyện rất khó thu xếp. Debbie không thể đến phá thai ở Trung tâm dịch vụ Sức khoẻ Quốc gia, nếu cố ấy không chứng minh được các triệu chứng tâm lý hoặc gặp phải những vấn đề về sức khoẻ. Chúng tôi gọi điện khắp các bệnh viện để cố tìm xem có cách nào giải quyết việc này. Khi tìm được một bác sĩ tư nhân có thể giúp chúng tôi, thì được biết là phải tốn tới 400 bảng – một số tiền lớn mà chúng tôi không có. Tôi dùng hết mưu mẹo của mình và cuối cùng cũng tìm được một bác sĩ ở Birmingham, bà ấy nói sẽ thu xếp phẫu thuật, với giá chỉ 50 bảng.
Sau vụ phẫu thuật, tôi và Debbie nhận ra rằng, cần phải có một chủ thể nào đó dành cho những người trẻ tuổi gặp phải vấn đề tương tự, mà không có nơi nào giúp đỡ. Chắc chắn là sẽ tốt hơn, nếu có một số điện thoại mà bạn có thể gọi tới để được tư vấn giới thiệu tới đúng bác sĩ. Không chỉ có việc mang thai ngoài ý muốn, mà còn có nhiều vấn đề khác: Điều gì xảy ra khi bạn cần giúp đỡ về tư vấn tâm lý, hoặc mắc bệnh hoa liễu, nhưng sợ công khai điều đó với bác sĩ gia đình của mình? Chúng tôi vẽ ra một danh sách dài các loại vấn đề mà sinh viên gặp phải và quyết định phải làm một điều gì đó. Chúng tôi sẽ thông báo số điện thoại của mình, lập danh sách các bác sĩ tốt nhất và chờ đợi xem có ai gọi đến không.
HÃY CHO CHÚNG TÔI BIẾT VẤN ĐỀ LÀM BẠN ĐAU ĐẦU, đó là khẩu hiệu của Trung tâm Tư vấn Sinh viên. Chúng tôi phát tờ rơi dọc phố Oxford quảng cáo cho Student. Sau đó bắt đầu có các cuộc điện thoại gọi tới. Nhiều bác sĩ, cả của Sở dịch vụ Y tế Quốc gia và bác sĩ tư nhân, đã đồng ý cấp dịch vụ miễn phí hoặc với chi phí thấp nhất, vì thế chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới các nhà chuyên môn mà chúng tôi có thể giới thiệu cho mọi người.
Phần nhiều cuộc gọi tới là về vấn đề mang thai ngoài ý muốn và tránh thai, nhưng chúng tôi cũng là một trung tâm thầm kín dành cho những người đồng tính nam và nữ. Rất nhanh chóng, họ không chỉ quan tâm tới việc xin tư vấn từ chúng tôi, mà còn qua đó tìm cách để gặp gỡ nhau, thổ lộ những điều khó khăn đối với người đồng tình để sống một cuộc sống bình thường.
Trung tâm Tư vấn Sinh viên bắt đầu ngốn thời gian nhiều hơn tạp chí Student. Tôi phải tiếp chuyện hàng giờ đồng hồ vào lúc ba giờ sáng để tư vấn cho các cô gái trẻ mang thai về những bác sĩ dễ gần nhất để họ có thể gặp và nói chuyện. Tôi viết thư cho những người đang sợ hãi vì họ đã mắc bệnh qua đường tình dục, nhưng không dám nói với cha mẹ, hoặc đi gặp bác sĩ… Và với số thời gian ít ỏi còn lại, tôi dành cho việc điều hành tạp chí. Một trong những vấn đề lớn nhất chúng tôi phải giải quyết, đó là hầu hết thanh thiếu niên đều không thể thổ lộ những điều tế nhị, bí mật với cha mẹ mình. Sau khi nghe câu chuyện của những người đến với trung tâm, tôi mới hiểu rằng tôi thật sự may mắn và hạnh phúc khi có mối quan hệ tốt với bố mẹ mình. Họ chưa bao giờ phán xét tôi, luôn ủng hộ tôi, luôn khích lệ khi tôi làm điều tốt, nhiều hơn là chỉ trích những việc làm chưa tốt của tôi: Tôi không hề sợ hãi khi thừa nhận những vấn đề, nỗi lo sợ hay sự thất bại của mình. Công việc của chúng tôi là cố gắng giúp đỡ những người đang gặp rắc tối, nhưng không có nơi nào để tìm tới chia sẻ.

Hoạt động của cả Trung tâm Tư vấn Sinh viên và tạp chí Student khiến cuộc sống trên phố Albion trở nên bận rộn, số lượng người ra vào ngôi nhà của chúng tôi, vào mọi thời điểm, cả đêm lẫn ngày, khiến hàng xóm của chúng tôi phát điên lên. Do những lời kêu ca, phàn nàn của những người hàng xóm, chúng tôi đã phải đón tiếp thường xuyên các cuộc viếng thăm của thanh tra viên nhà thờ tới kiểm tra công việc chúng tôi kinh doanh. Các cuộc viếng thăm này thường được thông báo 24 giờ trước khi tiến hành kiểm tra, nên ngay khi nhận được thông báo thì toàn bộ nhân viên Student và mẹ tôi ngay lập tức bắt tay vào “vai diễn”.
Tất cả điện thoại giấu vào tủ chén, bàn ghế và đệm được phủ ga. Nhân viên Student lấy thùng sơn và chổi ra, bắt đầu sơn lại tường nhà. Mẹ cũng đến, cùng với Lindi và con bé Vanessa lúc đó mới 8 tuổi và tay cầm đầy đồ chơi. Khi những viên thanh tra nhà thờ tới thì sẽ chứng kiến cảnh tượng: những tay thợ sơn hoà nhã đang vui vẻ trang trí lại căn nhà, đồ dùng nội thất được che đậy kỹ càng, trong khi một bà mẹ và những đứa con đang bận rộn ở tầng trên. Cô con gái nhỏ thì đang nghịch đồ chơi, trong khi Lindi và tôi cũng mải mê chơi cờ Monopoly. Nếu Vanessa tỏ vẻ muốn biết chuyện gì đang diễn ra, thì ngay lập tức mẹ đuổi mọi người ra khỏi phòng, nói rằng đã đến lúc Vanessa cần đi ngủ.
Những viên thanh tra của nhà thờ nhìn cảnh tượng đó chắc chắn nghĩ tới một bầu không khí gia đình hạnh phúc và nghi ngờ những lời đồn đại. Họ gật gù và khen Vanessa là một cô bé đáng yêu, rồi ngồi uống trà và nói chuyện vui vẻ với mẹ. Khi họ ra khỏi nhà và đi khuất xuống phố, mẹ quay lại; chúng tôi cất cờ Monopoly, kéo những tấm ga phủ ra, cắm lại điện thoại và quay trở lại làm việc bình thường.
Mọi chuyện kết thúc sau lần viếng thăm tai hoạ ấy, khi chúng tôi quên không ngắt dây nối điện thoại. Đó là lần kiểm tra thứ 5 của các viên thanh tra và họ có nhiệm vụ phải tìm ra một điều gì đó. Họ đã ở trong nhà tôi, ngồi uống trà rất lâu và chỉ trước lúc họ chuẩn bị đứng lên ra về, thì hai hồi chuông điện thoại reo lên trong tủ chén. Tất cả ngồi im lặng.
“Hình như có tiếng gì đó” – Tôi ứng biến ngay lập tức. “Mọi người có nghe thấy tiếng điện thoại reo không? Tường nhà mỏng quá, đến nỗi chúng ta có thể nghe thấy mọi thứ từ nhà bên cạnh!”.
Viên thanh tra lao về phía trước và kép mạnh cánh tủ chén. Năm chiếc điện thoại, một bộ tổng đài và một mớ dây. Một gia đình dù lớn đến mấy thì cũng không cần tới một tổng đài điện thoại như vậy. Thế là mọi chuyện kết thúc tại ngôi nhà số 44 phố Albion. Vanessa với đống búp bê và đồ chơi của cô bé được đưa trở lại Shamley Green; Lindi và tôi gói ghém lại bộ cờ Monopoly. Tạp chí Student lại phải đi tìm một nơi khác để làm văn phòng.
Chúng tôi sục sạo tìm kiếm quanh khu vực nhà cũ để tìm nơi để thuê. Cuối cùng, Đức cha Cuthbert Scott đã giúp chúng tôi. Người rất thích công việc của Trung tâm Tư vấn Sinh viên và đã cho phép chúng tôi sử dụng khu hầm mộ trong Nhà thờ St. John, ngay gần đường Bayswater, làm văn phòng mà không phải trả tiền thuê nhà. Tôi đặt một tấm đá phiến ngang qua hai nấm mộ để làm bàn làm việc, còn mọi người cũng tự thu xếp cho mình chỗ ngồi. Chúng tôi cũng thuyết phục được một kỹ sư của bưu điện tới nối đường dây điện thoại, mà không cần phải đợi sau ba tháng như quy định. Chẳng bao lâu, không ai trong chúng tôi còn cảm giác đang làm việc trong ánh sáng yếu ớt ở khu hầm mộ, xung quanh là những bia đá và nấm mồ lạnh lẽo.
Tháng 11/1969, có hai cảnh sát mặc thường phục từ đồn cảnh sát Marylebone tới viếng thăm chúng tôi. Họ tới để nhắc nhở tôi về Đạo luật về quảng cáo thiếu đứng đắn và Đạo luật các bệnh qua đường tình dục năm 1917; và quả thật là tôi không biết tới đạo luật đó. Họ nói với tôi rằng, việc quảng cáo bất cứ sự giúp đỡ hoặc cứu chữa bệnh liên quan đến tình dục là bất hợp pháp. Các luật này thông qua nhằm ngăn cản các thầy thuốc “lang băm” lợi dụng số lượng lớn những người đến chỗ họ để tìm các biện pháp chữa trị thiếu hiệu quả,
nhưng đắt đỏ, đối với các bệnh qua đường tình dục. Tôi biện hộ rằng tôi chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn và rằng tôi đã giới thiệu những người mắc bệnh hoa liễu đó tới những bác sĩ có chuyên môn thích hợp tại bệnh viện St.Mary. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn cương quyết: Nếu Trung tâm Tư vấn Sinh viên tiếp tục đề cập một cách công khai các từ “bệnh lây truyền qua đường tình dục”, thì tôi sẽ bị bắt và có thể phải lĩnh án tù hai năm.
Một tuần trước vụ việc trên, chúng tôi đã phát hiện và khiến một cảnh sát của Đồn Marylebone bị truy tố về tội đã gài ma tuý vào một trong những khách hàng của Trung tâm Tư vấn Sinh viên. Viên cảnh sát đó đã bị sa thải. Và vì thế, tôi nghi ngờ chuyến viếng thăm của cảnh sát có liên quan vụ này. Tôi đã rất ngạc nhiên tại sao cảnh sát lại viện dẫn một đạo luật rất ít người biết đến để cáo buộc chúng tôi vi phạm.
Chúng tôi kịp thời sửa đổi đề cập các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong tờ rơi mà chúng tôi phân phát khắp London và bắt đầu gọi đó là “bệnh xã hội”. Sau đó, chúng tôi nhận được số lượng lớn các đề nghị từ khách hàng là những người mắc bệnh, kể cả bệnh trứng cá. Còn số lượng người gọi tới nhờ giúp đỡ về bệnh hoa liễu giảm từ 60 người một tuần, xuống còn 10 người. Chúng tôi nhận ra rằng, cảnh sát đang lừa dối và rằng việc giúp đỡ 50 người còn lại mỗi tuần cũng đáng để thách thức lời đe doạ của cảnh sát. Chúng tôi lại nói về bệnh hoa liễu trong tờ rơi. Nhưng chúng tôi đã sai. Cảnh sát trở lại khu hầm mộ một lần nữa vào tháng 12/1969; và tôi đã bị bắt.
John Mortimer – luật sư từng nổi tiếng vì đã ủng hộ sự nghiệp chủ nghĩa tự do khi bào chữa cho tạp chí Oz và về những nỗ lực bào chữa trong vụ án Lady Chatter’s Lover, đã nhận lời bào chữa cho tôi. Ông ấy cho rằng, đạo luật đó là lố lăng và những viên cảnh sát thì đầy lòng hận thù. Ông ấy nhắc tôi nhớ rằng, ở mỗi phòng vệ sinh công cộng đều có dán trên cánh cửa bên trong thông báo của chính quyền, đưa ra lời khuyên cho những người mắc các bệnh qua đường tình dục. Nếu tôi bị kết tội, thì chính quyền cũng bị kết tội. Tôi bị truy tố với hai tội danh: theo Đạo luật quảng cáo thiếu đứng đắn năm 1889, trong đó cấm các quảng cáo về “nội dung tục tĩu, khiếm nhã” và coi bệnh lậu và giang mai là thiếu đứng đắn; và theo Đạo luật các bệnh qua đường tình dục năm 1917, trong đó cấm các quảng cáo đưa ra liệu pháp chữa trị hoặc tư vấn, hoặc đề cập đến các từ “bệnh qua đường tình dục”.
Trong phiên xét xử đầu tiên ngày 8/5/1970, tại Toà án Marylebone Magistrates, Tom Driberg – Nghị sĩ của Công đảng nhiệm kỳ tới hết năm 1974 – đã thay mặt tôi đưa ra lời biện hộ. Chad Varah – người sáng lập của Samaritans – cũng đưa ra bằng chứng cho biết đã có bao nhiêu người được Trung tâm Tư vấn Sinh viên giới thiệu tới tổ chức từ thiện của ông. Luật sư John Mortimer đưa ra lập luận cho rằng, nếu tôi bị kết tội, thì không có lựa chọn nào khác tôi sẽ đòi truy tố chính phủ và các nhà chức trách địa phương, vì họ đã cho đăng thông báo công khai tại các nhà vệ sinh công cộng. Quan toà đã bác bỏ cáo buộc theo Đạo luật các bệnh qua đường tình dục, với lập luận rằng Trung tâm Tư vấn Sinh viên đã không tiến hành chữa bệnh cho mọi người mà chỉ tư vấn giới thiệu họ tới các bác sĩ có chuyên môn đúng đắn. Ông quyết định ngừng phiên xét xử, cho tới ngày 22/5.
Trong lúc phiên toà đang tiến hành xét xử, thì các con số thống kê mới công bố cho thấy số người mắc các bệnh qua đường tình dục đã tăng với tốc độ ghê gớm trong năm vừa qua, mức kỷ lục của thời hậu chiến tranh. Lady Birk – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục sức khoẻ, đã sử dụng những con số thống kê nói trên và vụ việc của tôi để nhằm cố gắng thông qua sửa đổi Đạo luật quảng cáo thiếu đứng đắn năm 1889 tại Thượng viện.
“Thật buồn cười khi những đạo luật lỗi thời lại ngăn cản những nỗ lực đầy tinh thần trách nhiệm để ngăn chặn sự lây lan đáng sợ của các bệnh nghiêm trọng này” – Bà nói.
Đến phiên xét xử thứ hai tại toà, một số tờ báo đã lên tiếng, tuyên bố mỉa mai rằng, việc tôi đang bị truy tố thật là ngu xuẩn. Đã xuất hiện một phong trào mạnh mẽ đòi sửa đổi luật. Vị thẩm phán đã miễn cưỡng tuyên tôi có tội theo các điều khoản hà khắc của đạo luật, nhưng cũng tỏ rõ quan điểm của ông ấy cho rằng đạo luật đó là vô lý, khi chỉ tuyên phạt tôi 7 bảng, một hình phạt thiếu hẳn điều khoản phạt tù hai năm, như cảnh sát từng đe doạ tôi.
John Mortimer đã tuyên bố với giới báo chí bên ngoài phiên toà rằng, ông kêu gọi thay đổi đạo luật phi lý đó, nếu không chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đòi truy tố chính phủ vì đã đề cập bệnh hoa liễu trên các cánh cửa ở nhà vệ sinh công cộng. Báo chí đã hợp lực đứng sau chúng tôi. Còn những yêu cầu sửa đổi luật của Lady Birk đã có mặt trong kế hoạch xây dựng luật của chính phủ trong kỳ họp tiếp theo của Nghị viện. Bộ trưởng Nội vụ Rinald Maulding đã gửi thư riêng cho tôi, xin lỗi về việc truy tố vừa qua.
Vụ xét xử tại toà ấy đã để lại cho tôi một bài học: dù tôi còn trẻ, mặc quần jeans và có rất ít tiền, nhưng tôi không cần phải sợ hãi trước sự bắt nạt của cảnh sát hay các thể chế. Nhất là khi tôi có một luật sư giỏi.
Vào một ngày năm 1970, tôi trở lại bàn làm việc và biết rằng Nik đã ngồi vào đó. Vô tình cậu ta đã để quên bản thảo nháp viết cho nhân viên. Đó là kế hoạch loại tôi khỏi vị trí nhà sản xuất và biên tập, chiếm quyền kiểm soát tài chính và biên tập của Student và biến tạp chí thành một tổ chức hợp tác. Tôi sẽ trở thành một trong những thành viên và mọi người sẽ chia sẻ phần bình đẳng trong việc định hướng biên tập của tạp chí. Tôi thật sự sốc. Tôi đã nghĩ rằng người bạn thân nhất của tôi đã phản bội tôi. Dù sao thì Student là ý tưởng của tôi và Jonny. Chúng tôi đã khởi sự nó khi còn học ở Stowe, rồi vượt qua tất cả khó khăn để chúng tôi xuất bản được. Tôi biết tôi muốn gì ở Student và dường như với tôi thì mọi người đều thoải mái khi làm việc ở đây. Tất cả chúng tôi đều nhận lương bằng nhau, nhưng tôi nhất định phải là tổng biên tập và nhà sản xuất, vì thế tôi phải là người ra quyết định.
Tôi nhìn một lượt khắp mọi người đang làm việc. Tất cả họ đang cúi đầu xuống bàn. Tôi nghi ngờ, có bao nhiêu người trong số họ tham gia kế hoạch này. Tôi đút tờ giấy nháp vào túi quần. Khi Nik trở lại, tôi đứng phắt dậy:
“Nik”- Tôi nói. “Cậu có thể ra ngoài nói chuyện với tớ một chút không?”
Tôi định tìm cách riêng của mình để tháo gỡ khủng hoảng này. Nếu Nik đã vận động được sự ủng hộ của khoảng 10 người khác, thì sẽ khó cho tôi để có thể ngăn họ lại. Nhưng nếu họ vẫn chưa quyết định, thì tôi có thể tách Nik và số còn lại, sau đó loại bỏ Nik. Tôi buộc phải đặt tình bạn sang một bên và bằng mọi cách dẹp bỏ vụ này.
“Nik” – Tôi nói khi bước xuống phố. “Một số người nói với tôi rằng họ không hài lòng lắm với những gì cậu đang lên kế hoạch. Họ không thích ý tưởng đó, nhưng họ quá sợ khi nói thẳng vào mặt cậu”.
Nik tỏ vẻ sợ hãi.
“Tôi không nghĩ rằng việc cậu ở lại đây sẽ tốt” – Tôi tiếp tục. “Cậu đang cố nhấn chìm tôi và cả tờ Student. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên giữ lại tình bạn, nhưng tôi không nghĩ rằng cậu có thể ở lại đây thêm nữa”.
Tôi cũng không biết làm thế nào tôi lại có thể nói những lời đó mà mặt không hề đỏ gay và giọng nói không hề rít lên. Nik nhìn xuống chân.
“Tôi xin lỗi, Ricky” – Cậu ta nói. “Chẳng qua tôi nghĩ đó có thể là cách tốt để tổ chức lại công việc của chúng ta…”– Cậu ta phân trần.
“Tôi cũng xin lỗi cậu, Nik à” – Tôi khoanh tay lại và nhìn thẳng vào cậu ấy. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Shamley Green vậy, còn Student là cả cuộc sống của tớ”.
Nik rời đi ngay hôm đó. Tôi nói với mọi người rằng tôi và Nik có bất đồng về việc điều hành Student và rằng họ có thể tự do lựa chọn ở lại hoặc ra đi, nếu họ muốn. Tất cả họ đồng ý ở lại cùng tôi. Và thế là cuộc sống ở khu hầm mộ lại tiếp tục mà không có Nik.
Đó là mối bất hoà đầu tiên tôi gặp phải. Dù tôi thấy rất đau lòng, nhưng tôi biết tôi phải đối mặt với nó. Tôi rất ghét phê phán những người cùng làm việc với mình và tôi luôn cố tránh điều đó. Kể từ đó, tôi luôn tìm cách tránh gặp phải những vấn đề xuất phát từ việc phải yêu cầu ai đó thôi việc. Tôi thừa nhận đây là một điểm yếu, nhưng đơn giản chỉ vì tôi không thể đối mặt với nó.
Nik là người bạn thân nhất của tôi và tôi thật sự mong muốn cậu ấy sẽ mãi như vậy. Lần tôi về thăm Shamley Green, tôi đã đi tìm Nik. Tôi thấy cậu ấy đang ăn bánh mẹ làm. Chúng tôi ngồi cạnh nhau và vội vàng ăn hết chiếc bánh.
Ngoài việc là người bạn lâu năm nhất của tôi, Nik còn là người chịu trách nhiệm việc phát hành tạp chí và cậu ấy đã làm việc đó rất tốt. Tôi đã để mất cậu ấy. Trước khi Nik làm việc cho tôi, việc phát hành tạp chí chỉ lẻ tẻ, với những chồng tạp chí được chuyển qua những tình nguyện viên ở các trường phổ thông và đại học. Trong hơn một năm điều hành Student không có Nik, chúng tôi xuất bản được bốn số. Khi Nik nói với tôi rằng, cậu ấy muốn ứng cử trong cuộc bầu cử của sinh viên ở Đại học Sussex, tôi đã nhờ mối quan hệ làm ăn của Student với các nhà in, để xuất bản một loạt tờ quảng cáo vận động bầu cử cho Nik.
Nik đã thắng cử, nhưng sau đó lại bị loại, bởi vì cậu ấy đã sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài trong chiến dịch vận động bầu cử.
Một điều tôi phát hiện ra là mọi người đến làm việc hoặc giao dịch với chúng tôi đều dành nhiều thời gian nghe nhạc và tiền để mua đĩa nhạc. Chúng tôi luôn mở nhạc lúc làm việc; và mọi người thường đi tìm mua đĩa mới nhất của Rolling Stones, Bob Dylan, hay Jefferson Airplane, ngay trong ngày đầu tiên phát hành. Ở đó có sự sôi nổi, lòng say mê âm nhạc khác thường: âm nhạc là chính trị; là sự nổi loạn; nó tổng hợp những giấc mơ của thế hệ trẻ về sự thay đổi thế giới. Và tôi cũng nhận thấy rằng, một người không bao giờ nghĩ sẽ chi 40 si-linh để mua một bữa ăn, thì cũng sẽ do dự khi dành 40 si-linh để mua đĩa nhạc mới nhất của Bob Dylan. Những đĩa nhạc càng khó hiểu bao nhiêu, thì giá càng đắt và càng được trân trọng bấy nhiêu.
Quan điểm đó làm tôi càng quan tâm tới việc kiếm tiền không chỉ để tiếp tục bảo đảm thành công của Student và Trung tâm Tư vấn Sinh viên, mà còn đặt tôi trước một cơ hội kinh doanh rất thú vị. Khi tôi biết rằng, dù chính phủ đã bãi bỏ Hiệp định về duy trì giá bán lẻ, nhưng không một cửa hàng nào bán đĩa hạ giá. Tôi bắt đầu nghĩ tới việc thành lập một doanh nghiệp phân phối đĩa nhạc. Số nhân viên làm việc cho Student đã lên khoảng 20 người và tất cả chúng tôi vẫn sống cùng nhau ở số 44 phố Albion và làm việc dưới khu hầm mộ.
Tôi suy nghĩ về những đĩa nhạc giá cao và về những người mua tạp chí Student và thắc mắc rằng liệu chúng tôi có thể quảng cáo và bán giá rẻ đĩa đặt hàng qua thư, thông qua tạp chí hay không. Sau khi quyết định, quảng cáo đầu tiên cho việc bán đĩa đặt hàng qua thư đã được đăng trên số cuối cùng của Student. Không có Nik điều hành việc phát hành Student làm chúng tôi lúng túng, nhưng dịch vụ bán đĩa giá rẻ đã mang lại rất nhiều đơn đặt hàng và số tiền nhiều chưa từng có cho chúng tôi.
Chúng tôi quyết định đặt tên mới cho việc kinh doanh đặt hàng qua thư: một cái tên phải thật bắt mắt, có thể đứng độc lập và thu hút sự chú ý không chỉ của sinh viên. Chúng tôi ngồi trong khu hầm mộ của nhà thờ và cố gắng lựa chọn một cái tên ưng ý nhất.
“Trật Đĩa khớp” là một trong những gợi ý được nhiều người ưa thích. Chúng tôi bàn tán một lúc, cho tới khi một nhân viên nữ cúi người về phía trước nói:

“Tôi biết rồi” – Cô ấy nói. “Thế Virgin (Trinh nguyên) thì sao? Chẳng phải chúng ta hoàn toàn nguyên sơ trong loại hình kinh doanh này à”.
“Và quanh đây thì cũng không còn nhiều ‘trinh nguyên’ nữa” – Một cô gái khác cười phá lên. “Cũng thú vị nếu chúng ta có một sự ‘trinh nguyên’ ấy trong tên doanh nghiệp”.
“Tốt” – Tôi quyết định ngay lập tức. “Nó sẽ là Virgin – Trinh nguyên”.