Tháng Bốn – Tháng Bảy năm 1991
Chúng tôi quyết định trả một khoản tiền lớn – khoảng 25 triệu đô-la để ký hợp đồng với Janet Jackson. Nhưng nhiều khoản nợ lớn trước đó như hồi chuông cảnh báo làm dấy lên sự nghi ngại của Ngân hàng Lloys khi thấy chúng tôi lại muốn vay một khoản tiền nữa.
Trevor và Robert thu xếp việc bán lại giấy phép phân phối game của Sega tại thị trường châu Âu cho công ty mẹ là Sega ở Nhật Bản. Chúng tôi cần một khoản tiền mặt lớn và chúng tôi cũng cần cho thế giới thấy vài giá trị tiềm ẩn bên trong Tập đoàn Virgin. Không một ngân hàng nào đặt nhiều giá trị cho tờ giấy phép, nhưng chúng tôi đã bán nó với giá 33 triệu bảng. Cuộc mua bán cũng được sắp đặt vào thời điểm hoàn hảo bởi chỉ một năm sau đó, thị trường game sụp đổ, đồng yên tăng giá mạnh – đó đều là những yếu tố làm tờ giấy phép mất đi giá trị thực tế nữa.
Virgin đã dành được giấy phép quyền phân phối ở châu Âu các loại game của Sega vào năm 1988, khi chúng tôi mua được công ty sở hữu nó là Mastertronic. Thời điểm đó, chúng tôi không có nhiều ý tưởng về tiềm năng của ngành kinh doanh game máy tính. Tất cả những gì tôi biết là Holly, Sam và bạn bè chúng bỗng nhiên dành rất nhiều thời gian để chơi những trò game máy tính trên ti vi. Trong khi đó, Trevor ở MAM, sử dụng thời gian với Sega và đã rời bỏ những cái máy chơi điện tử (video game). Anh cảm nhận chắc chắn rằng Sega có thể lấy sự chuyên nghiệp về phần mềm của mình để cạnh tranh với Nintendo và sự đầu tư mới của họ vào những chiếc máy chơi game tại nhà nhỏ bé sẽ bán chạy. Đây có vẻ là một thương vụ hời để tham gia.
Khi đó, Mastertronic chỉ mới được “5 năm tuổi”. Frank Hermann đã thành lập nó vào năm 1983 và dành được bản quyền một số game máy tính. Thời điểm ấy, anh đã phân phối những game này – vẫn ở dạng băng cát-sét và chơi bằng máy cầm tay thông qua các cửa hàng sách báo. Rồi Frank nhận ra những loạt game mới do Nintendo phát hành được tiêu thụ mạnh ở Mỹ. Vì vậy, anh đã cố đăng ký giấy phép để có quyền phân phối game của Nintendo ở Anh nhưng Nintendo đã ký hợp đồng trước với Mattel, một hãng sản xuất đồ chơi lớn. Nintendo lúc này đang chiếm 95% thị trường game máy tính ở Mỹ, Fank đã quyết định tìm đến một đối thủ cạnh tranh khác là Sega. Anh đã đăng ký trở thành nhà phân phối của Sega tại Anh vào năm 1986, đây cũng là năm đầu tiên công ty của Frank tiêu thụ được 20 nghìn ổ đĩa Sega.
Năm 1987, việc kinh doanh của Mastertronic cho Sega vẫn tiếp tục phát triển nhưng do Sega nâng giá một máy cầm tay lên 55 bảng, Frank thì cần một đối tác đầu tư vào việc mua bán. Mặc dù có thể bán một máy cầm tay với giá 99 bảng, anh vẫn cần một số vốn lưu động lớn để đầu tư vào khoảng thời gian trống giữa hai thời điểm: sau khi trả trước 55 bảng tiền mặt cho Sega để mua máy cầm tay và bán nó với giá 99 bảng.
Tháng 6/1987, Roger Seelig gọi điện mời tôi đến gặp một người bạn của anh ta – Frank Hermann, người đã “sảy chân” trong lĩnh vực kinh doanh đáng kinh ngạc này. Trevor và Simon Burke đã đàm phán để mua 45% cổ phần của Mastertronic và chúng tôi sáp nhập nó với Truyền thông Virgin (Virgin Communications). Frank và Robert bắt đầu làm việc cùng nhau và họ đã mua được quyền phân phối Sega ở Tây Ban Nha, Pháp và Đức trong 5 năm.
Thử thách của họ là phải xây dựng một thương hiệu Sega mà trước đó châu Âu chưa từng được nghe đến. Virgin đã quảng cáo Sega như một loại game tuyệt vời để chơi và chúng tôi bán nó dựa trên phương châm “Trong khi em trai bạn có thể hạnh phúc với những trò game của Nintendo như Super Mario và Gameboy thì những game thông minh hơn chỉ dành cho những trẻ em thông minh hơn, và một trong số chúng là Sonic The Hedgehold của Sega”. Và rồi thị trường phát triển nhanh chóng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người trẻ và nam thiếu niên mua Sonic vì tất cả đều muốn giống anh trai của mình. Chiêu bài này đã giúp Sega vượt trước Nintendo và đẩy họ ngày một thấp xuống trong thị trường game.
Kết quả là ở châu Âu, Sega đã vượt qua Nintendo với 45% thị phần, so với thị phần nhỏ bé của Sega ở “sân nhà” Nhật Bản.
Năm 1991, Sega châu Âu thu được 150 triệu bảng, tăng 2 triệu bảng so với năm 1988.
Lúc đó, chúng tôi đã hơi lo sợ rằng “quả bong bóng” này có thể sẽ nổ tung. Nhằm duy trì vị trí đang có, hàng năm chúng tôi đã chi 70 triệu bảng để quảng bá cho Sega trước khi đầu tư vào kinh doanh. Do những game này chỉ nhắm đến một phạm vi khách hàng nhỏ hẹp là các thiếu niên nam, vì vậy nếu có một thứ khác khiến họ say mê đột nhiên xuất hiện thì việc kinh doanh của Sega sẽ sụp đổ. Áp lực cạnh tranh khiến không một ai muốn bị tụt lại phía sau dù chỉ trong khoảng khắc.
Trong ngôi nhà nhỏ bé của mình, tôi nhận ra rằng Sam và Holly bắt đầu chán chơi những trò game máy tính của chúng. Chúng dành ít thời gian hơn cho những thiết bị cầm tay hay trò Gameboy. Sam bắt đầu nghe nhạc nhiều hơn và Holly cũng bắt đầu tham gia những hoạt động khác. Cũng như khi chúng đem lại ý tưởng cho chúng tôi về việc mua cổ phần trong ngành kinh doanh này thì giờ đây chúng cũng đem đến những tín hiệu cho thấy thị trường này không còn ở đỉnh cao nữa. Nếu chúng tôi vẫn còn tiếp tục thì sẽ nhận lấy những khoản lỗ lớn chỉ để quảng bá cho Sega. Đã đến lúc phải bán nó đi.
Thương vụ mua lại giấy phép của Sega đã làm kinh ngạc các ngân hàng của chúng tôi lẫn ngoại giới: 33 triệu bảng tiền mặt cho một thương vụ để đổi lấy một thứ không còn giá trị.
Mức giá gấp 10 lần giá mua ban đầu của chúng tôi. Trước khi đàm phán để bán giấy phép của Sega, Robert đã tách một nhóm nhỏ gồm các nhà lập trình phần mềm thành một công ty con gọi là Virgin Interactive. Năm 1990, đợt sóng tiếp theo của công nghệ là những game trên đĩa CD, Robert đã ủy thác một số nhà viết phần mềm phát triển các chương trình cho CD. Không còn phải lo lắng cho Sega hay Sonic The Hedgehog, “tiểu đội” các nhà lập trình phần mềm này bắt đầu sáng tạo một game mới cho công nghệ CD-ROM. Họ đặt tên trò chơi là “Vị khách thứ 7” và tôi nhận ra mọi người ngày càng hứng thú với nó. Đó là một game bao gồm việc phải chiến đấu trên đường đi khi bạn xuyên qua một ngôi nhà bị ma ám và các đòn tấn công sẽ ập đến mà bạn không hề được báo trước.
Robert nói với tôi: “Tôi không có gì phàn nàn về những diễn biến trong game cho tới khi tôi luôn bị giết bởi một võ sĩ quyền anh trong căn phòng đầu tiên. Tất cả những gì tôi biết là những anh chàng này bảo tôi rằng ‘Vị khách số 7’ đang phát triển nhanh chóng. Họ nói nó dẫn đầu mọi thứ khác trên thị trường”
Khi thế giới thực tế ảo cùng những chiếc đĩa CD- ROOM phát triển rộng khắp và lũ trẻ đã tìm được cách ra khỏi ngôi nhà ma ám trên màn hình vi tính thì chính tôi lại rơi vào một “tình huống” kì quặc không kém. Tình huống mà tôi cũng phải chống đỡ các đòn tấn công tới tấp từ mọi phía mà không có sự cảnh báo nào.
*
Có lẽ đó là một ngày không đẹp trời nhưng một trong số những hành khách của Virgin rõ ràng đã không hài lòng với chất lượng phục vụ trên chuyến bay tuần trước. Trong cuốn sổ lưu lại cảm tưởng của khách hàng, có một đoạn viết như sau: “Không ngạc nhiên nếu ông chủ hãng này chọn đi du lịch vòng quanh thế giới bằng một quả khí cầu.”
Đó là nội dung một bài báo ngắn với cái tít là một dòng chữ nhỏ “Ý kiến cho Virgin” nằm lẫn giữa các bài báo mà tôi đã đọc được vào một sáng thứ Hai của tháng 6/1991. Tác giả là Frank Kane, người đã từng viết bao quát về ngành hàng không, đặc biệt là về hãng hàng không British Airways (BA); và đó là tờ Sunday Telegraph không nằm dưới sự điều hành của Lord King. Tôi đã gọi điện cho Syd Pennington – Giám đốc điều hành của Virgin Atlantic Challenger:
“Anh đã đọc bài báo nhỏ trên tờ Sunday Telegraph chưa? Anh có thể gửi cho tôi mấy trang trong sổ ghi cảm tưởng của hành khách khoảng hai tuần trở lại đây không?”
Có lẽ tôi đã mắc sai lầm. Chúng tôi có quá ít khách than phiền tới mức tôi cảm tưởng rằng chính phi hành đoàn sẽ là những người than phiền trước. Tôi đã tìm thấy đoạn ghi cảm tưởng trong cuốn sổ. Phần mà Frank Kane đã trích dẫn là chính xác nhưng anh ta đã bỏ lại phần đáng chú ý nhất: “Mà quan trọng là tôi đã có một thời gian tuyệt vời.”
Tất cả những đoạn trích dẫn cảm tưởng khác trong sổ đều là những đánh giá cao về chuyến bay. Tôi không phiền lòng với những bài báo phê phán nếu nó chính xác nhưng rõ ràng bài báo này không phải vậy. Tôi đã truy tìm hành khách viết đoạn nhận xét đó, cô Cathy Holland, và gọi cho cô ấy để kiểm tra xem cô có hài lòng với chuyến bay không. Cô khẳng định với tôi rằng cô đã có một chuyến bay tuyệt vời – và cho tôi biết câu nhận xét đó chỉ là đùa thôi. Sau đó, tôi đã gửi thư cho tờ Sunday Telegraph trình bày rằng Frank Kane đã trích dẫn không đầy đủ đoạn nhận xét của cô Holland. Tôi biết rằng các độc giả lâu năm của Sunday Telegraph vốn luôn hoài nghi về chất lượng của Virgin sẽ càng mất thiện cảm với hãng sau bài báo này. Không hiểu bằng cách nào mà một trò đùa lại có thể bị một nhà báo lợi dụng để làm tổn thất hàng nghìn bảng của Virgin Atlantic Challenger và các ngân hàng của tôi. Điều tồi tệ tiếp diễn khi Carol Thacher đọc bài báo đó trong chương trình David Frost Show. Tôi đã viết cho cô ấy để chỉ rõ rằng tay ký giả đã làm cô lầm lẫn nhưng sự việc không thể cứu vãn được nữa. Đã có sáu triệu khán giả không biết rằng đó là một đoạn trích bị đặt ngoài văn cảnh.
Tôi đã gọi cho Frank Kane để phàn nàn và anh ta tỏ vẻ hối lỗi:
“Ôi, tôi xin lỗi về việc trích dẫn sai này” – Anh ta nói. “Tôi đã như ếch ngồi đáy giếng, chỉ nhìn thấy một phần bầu trời mà thôi…”
“Đúng vậy” – Tôi đáp.
“Ở đây còn có một lời nhận xét khác trong cuốn sổ” – Kane tiếp tục, “được viết: Tôi đã không thể đặt vé của BA vì họ đã bán hết ngày hôm nay. Tôi vui mừng. Tôi sẽ bay cùng Virgin từ bây giờ.”
Ngày 7/6, Virgin đã đưa vào hoạt động các tuyến bay nội địa và quốc tế của sân bay Heathrow. Như Hugh Welburn từng dự đoán, việc kinh doanh với ba tuyến bay chúng tôi tổ chức là JKF, Tokyo và Los Angeles tăng nhanh tới 15%. Vào ngày 14/6, tạp chí quốc tế của British Airways – BA News, đã đăng một bài báo với dòng tít: “Virgin xuất hiện để tước đoạt thêm nhiều cơ hội” và một lần nữa ngụ ý rằng thật không công bằng khi một nhà cạnh tranh bằng giá rẻ lại được phép cạnh tranh với họ.
Tiếp theo, vào ngày 16/6, Lord King đã phát biểu tại cuộc họp quan trọng thường niên của ngành hàng không Anh (ABM) rằng British Airways sẽ dừng khoản đóng góp hàng năm của họ cho Đảng Bảo thủ. Lord King nói BA phải thừa nhận một sự thật là đã sai lầm khi cho rằng việc đóng góp cho Đảng Bảo thủ trong quá khứ sẽ giúp họ có một sự đảm bảo về những đặc quyền. Vài người chỉ trích rằng những khoản đóng góp góp đều đặn này, tổng cộng là 180 nghìn bảng từ khi BA được tư hữu hóa năm 1987, vẫn luôn giúp để đảm bảo cho một sự lắng nghe chuyên tâm mỗi khi BA muốn nói chuyện với Bộ Giao thông. Nếu như một hãng hàng không Nigeria chi tiền và vé miễn phí cho Đảng cầm quyền để có được sự độc quyền thì ở phương Tây chuyện này sẽ bị coi là một hình thức hối lộ trắng trợn. “Thật khó khăn để kinh doanh ở châu Phi!” Mọi người đáp trả: “Hãy nhìn người Nigeria, họ hối lộ quá công khai!” Những tràng pháo tay biểu hiện sự thắng lợi của British Airways trong việc tranh luận tại cuộc họp thường niên của ngành vào ngày 16/6 đã gây cho tôi ấn tượng đây giống như một vở hài kịch.
Thật ra, ảnh hưởng của BA không chỉ đơn giản là chi tiền cho Đảng Bảo thủ. Trong suốt mùa hè, tôi đã trình bày với một nhóm các nghị sĩ về sự thiếu thốn tính cạnh tranh trong ngành hàng không Anh. Sau đó, tôi đi uống với họ và chủ động tán gẫu với hai người trong nhóm về kế hoạch nghỉ ngơi của họ.
Một người hỏi: “Ngài có bao giờ đến gặp công ty du lịch của mình không?” Người kia đáp: “Không, tôi chỉ gọi một cú điện để nhận vé miễn phí.”
Tôi hỏi: “Công ty du lịch của các ngài là hãng nào? ” “Dĩ nhiên là British Airways!” Cả hai đồng thanh.
Khi Lord King chấm dứt việc đóng góp cho Đảng Bảo thủ, tôi đã hy vọng điều này cũng đồng nghĩa với việc BA không còn giữ được sự ủng hộ vững chắc như khi những khoản đóng góp còn giúp họ có vị thế đó trước đây. Tôi cũng hy vọng chính phủ sẽ bắt đầu khuyến khích việc cạnh tranh nhiều hơn. Ngay sau ngày họp ABM của BA, ngài Michael Bishop – Chủ tịch hãng hàng không British Midland và tôi đã tổ chức một cuộc họp báo để chúc mừng việc chính phủ Anh tạo điều kiện cho sân bay Healthrow và ủng hộ hãng chống lại sự chỉ trích của Bristish Airways.
Mặc dù Healthrow đã có bước khởi đầu thuận lợi vào tháng 6/1991, nhưng rõ ràng là Virgin Atlantic Challenger cũng không thể tiến xa hơn chỉ trong một thời gian ngắn. Sau sự kiện này, phải tới ba năm sau, chúng tôi mới mở thêm được tuyến bay tới Hồng Kông, năm 1994. Và đây cũng là nguyên nhân để hãng hàng không lớn dội xuống một trong những đòn tấn công hiểm hóc và dữ dội nhất nhằm vào một hãng cạnh tranh nhỏ hơn.