Đường Ra Biển Lớn

Chương 16: KHINH KHÍ CẦU LỚN NHẤT THẾ GIỚI

1986 – 1987
“Sau vụ đảo lộn lớn, sự cầm cố diễn ra như thế nào?”
Năm 1986 mọi người đều hướng về Trung tâm Tài chính London. Tất cả những người mua cổ phiếu của British Telecom (Viễn thông Anh quốc) đã lời gấp đôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng những dòng người xếp hàng dài để mua cổ phiếu của Virgin khi bước vào Trung tâm Tài chính London. Chúng tôi đã nhận được hơn 70.000 đơn đăng ký mua cổ phiếu Virgin qua bưu điện, nhưng những người này đã để đơn lại cho đến ngày cuối cùng, ngày 13/11/1986. Tôi đã đi lên đi xuống dòng người người xếp hàng để cảm ơn họ đã tin tưởng và tôi vẫn còn nhớ như in câu trả lời của một số người:
“Năm nay chúng tôi sẽ không đi nghỉ, chúng tôi gửi tiền tiết kiệm vào Virgin!”
“Ngài Richard! Hãy tiếp tục và chứng tỏ cho chúng tôi thấy mình đã lựa chọn đúng!” “Chúng tôi trông cậy vào ngài đấy, ngài Richard ạ!”
Vào lúc đó, tôi để ý thấy các phóng viên ảnh đang chụp chân mình. Tôi không thể hiểu việc làm của họ lúc ấy. Rồi tôi nhìn xuống và nhận thấy trong lúc vội vã tôi đã đi nhầm giầy.
Việc Virgin phát hành cổ phiếu đã thu hút công chúng đăng ký mua nhiều hơn bất cứ cổ phiếu nào phát hành lần đầu ra thị trường, ngoại trừ việc tư nhân hóa quy mô lớn của chính phủ. Có hơn 100.000 cá nhân đã đăng ký mua cổ phiếu của chúng tôi và bưu điện đã phải tăng cường thêm 20 nhân viên để giải quyết những bao tải thư. Ngày hôm đó, chúng tôi nghe tin Human League đã vươn lên vị trí số 1 tại Mỹ.
Dù vẻ ngoài trông có vẻ thoải mái nhưng thực ra chúng tôi đã lo lắng khi nghe tin chỉ số ít các tổ chức ở Trung tâm Tài chính London đăng ký mua cổ phiếu. Đó là dấu hiệu đầu tiên của những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi thực hiện giao dịch với Trung tâm Tài chính London.
Đến năm 1986, Virgin đã trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Anh quốc với 4.000 nhân viên. Đến cuối tháng 7/1986, Virgin đã có doanh thu 189 triệu bảng, so với 119 triệu bảng năm trước, tăng khoảng 60%. Lợi nhuận trước thuế của chúng tôi tăng từ 15 triệu bảng lên 19 triệu bảng. Tuy nhiên, dù là một công ty lớn nhưng chúng tôi có rất ít sự linh hoạt để mở rộng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tận dụng tối đa số tiền mặt kiếm được hoặc yêu cầu các chủ ngân hàng cho rút số tiền gửi lớn hơn. Tôi đã theo dõi một số công ty tư nhân bán cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán như Body Shop, TSB, Sock Shop, Our Price, Reuters, Atlantic Computers… Gần như mỗi tuần lại có một công ty mới và sở giao dịch chứng khoán phải thiết lập một hệ thống xếp hàng lần lượt để những công ty quy mô lớn như British Telecom, British Airway và BP được tư nhân hóa theo thứ tự.
Khi chúng tôi trở về từ hành trình vượt Đại Tây Dương, dường như toàn bộ nước Anh đã vui mừng với thử thách này. Bà Thatcher mong muốn được nhìn thấy con tàu và tôi đã mời bà dạo chơi trên sông Thames. Chúng tôi đã cố gắng để được chấp thuận việc phá bỏ luật giới hạn tốc độ 5 dặm/giờ trên sông Thames và cầu Tower Bridge đã mở cánh cổng khi Người thách thức Đại Tây Dương đi qua với tốc độ lớn. Chúng tôi đã đón bà Thatcher cùng với Bob Geldof và Sting, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi theo dấu người chiến thắng tới Tòa nhà Quốc hội và quay trở lại, khi những con tàu khác trên sông thổi còi và bắn súng chào mừng.
Bà Thatcher – “Người đàn bà thép”, đứng trên boong tàu bên cạnh tôi và đối mặt với cơn gió lạnh thấu xương.
Khi chúng tôi tăng tốc trên dòng sông, bà nói: “Tôi phải thừa nhận, tôi rất thích đi nhanh. Tôi yêu những con tàu đầy sức mạnh.”
Tôi đưa mắt nhìn bà. Bà thực sự rất thích thú. Gương mặt bà nhìn nghiêng đương đầu với cơn gió giống như một cái dầm néo buồm, không có một sợi tóc nào bị thổi bay.
Mặc dù chúng tôi đã thu được 30 triệu bảng từ việc phát hành cổ phiếu nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy chúng tôi đã đưa ra quyết định sai lầm. Vài tuần sau khi chúng tôi phát hành cổ phiếu vào tháng 11, chủ ngân hàng đầu tư của chúng tôi tại Morgan Grenfell – Roger Seelig đã bị Bộ Thương mại và Công nghiệp điều tra về vai trò của ông trong vụ thu mua Distillers của Guinness mà ông đã sắp xếp hồi tháng Một. Roger từ chức ở Morgan Grenfell và mặc dù vụ việc chống lại ông cuối cùng đã được bãi bỏ nhưng sự nghiệp của ông đã bị hủy hoại. Không thể sử dụng Roger như một tiêu chuẩn, tôi bắt đầu mất niềm tin vào Trung tâm Tài chính London và những yêu cầu rắc rối mà họ đưa ra.
Ban đầu, Trung tâm Tài chính London khăng khăng rằng Virgin đã bổ nhiệm một số giám đốc không có nhiệm vụ điều hành. Như trường hợp ngài Phil Harris đã giới thiệu. Ông là người tự lập, người gặp may nhờ việc bán những tấm thảm. Chúng tôi cũng bổ nhiệm Cob Stenham, người từng giữ chức vụ giám đốc tài chính của Unilever và là một ông chủ ngân hàng đáng kính. Tôi thấy khó có thể tuân theo những thủ tục mà Trung tâm Tài chính London khăng khăng bắt chúng tôi thực hiện. Tôi thường trò chuyện với Simon và Ken về những nhóm sẽ ký và sau đó để họ làm việc về điều đó. Chúng tôi đã gặp nhau ở Duende, hoặc gặp ở nhà tôi tại Oxford Gardens, hay trong khi chúng tôi nghỉ cuối tuần cùng nhau. Tôi nhận thấy công việc của chúng tôi không thể bị đóng khung vào một thời gian biểu hội họp cứng nhắc. Chúng tôi phải đưa ra quyết định nhanh chóng, không chuẩn bị trước. Nếu chúng tôi phải đợi bốn tuần cho đến cuộc họp hội đồng quản trị tiếp theo, trước khi ủy quyền cho Simon ký UB40 thì chúng tôi có thể sẽ hoàn toàn thua họ.
Tôi cũng có một số bất đồng đáng kể với Don về cổ tức. Tôi rất miễn cưỡng khi phải theo truyền thống của Anh và chấp nhận trả một khoản cổ tức lớn. Tôi thích theo truyền thống của Mỹ hoặc Nhật hơn bởi nhờ đó, một công ty có thể tập trung tái đầu tư lợi nhuận để xây dựng chính công ty và gia tăng giá trị cổ phiếu. Đối với tôi, cổ tức lớn đồng nghĩa với việc mất nhiều tiền mà đáng ra dùng vào Virgin sẽ tốt hơn là trả nó đi. Với tôi, việc các cổ đông bên ngoài tin tưởng đầu tư vào Virgin là để chúng tôi phát triển nó ngày một lớn mạnh hơn chứ không phải để nhận 5% lợi tức mà không phải đổ một giọt mồ hôi nào – việc đó sẽ bị đánh thuế như thu nhập, và vì vậy ngay lập tức sẽ làm giảm 40% giá trị của nó.
Điều này nghe giống như một cuộc tranh cãi vặt vãnh nhưng nó thể hiện việc mất kiểm soát toàn bộ mà tôi đã trải qua. Hầu hết mọi người nghĩ rằng nắm giữ 50% của một công ty đại chúng là chìa khóa để kiểm soát nó. Trong khi điều này chỉ đúng trên lý thuyết, với quy mô lớn bạn mất quyền kiểm soát bởi phải chỉ định những giám đốc không điều hành và nói chung bạn phải bỏ thời gian của mình để đáp ứng yêu cầu của Trung tâm Tài chính London. Trước đó, tôi luôn tự tin về bất cứ quyết định nào mà chúng tôi đưa ra, nhưng bây giờ khi Virgin trở thành một công ty đại chúng, tôi bắt đầu mất niềm tin vào bản thân. Tôi cảm thấy không thoải mái khi đưa ra những quyết định nhanh chóng như tôi luôn làm, và tự hỏi liệu mọi quyết định có được thông qua rồi ghi vào biên bản chính thức ở cuộc họp hội đồng quản trị không. Về nhiều mặt, năm 1987, thời điểm chúng tôi trở thành công ty đại chúng, là năm Virgin ít có tính sáng tạo nhất. Chúng tôi đã dành ít nhất 50% thời gian đến Trung tâm Tài chính London để giải thích những điều chúng tôi đang làm với các nhà quản lý quỹ, các cố vấn tài chính và các hãng PR Trung tâm Tài chính London, hơn là chỉ bắt tay vào thực hiện nó.
Tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm với những người đã đầu tư vào cổ phiếu của Virgin. Phil Collins, Mike Oldfield và Bryan Ferry đã mua cổ phiếu; Peter và Ceris, hàng xóm và những người bạn thân của tôi ở Mill End đã đầu tư một số tiền tiết kiệm vào Virgin; và gia đình tôi, anh chị em họ của tôi và nhiều người làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã gặp tôi, tất cả đã mua cổ phiếu. Trevor Abbort đã vay tôi 250.000 bảng để mua cổ phiếu của Virgin, và mặc dù anh ấy hiểu những con số thậm chí còn hơn cả tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy có trách nhiệm trong trường hợp cổ phiếu bị giảm giá trị.
Tôi sẽ không phiền lòng nếu những nhà phân tích ở Trung tâm Tài chính London đánh giá đúng việc Virgin đang đi xuống hay sự thiếu khả năng quản lý. Điều làm tôi tức điên là Trung tâm Tài chính London vẫn tiếp tục đơn giản hóa cách thức Virgin hoạt động bất chấp việc nhiều lần Simon, Ken hay tôi đã cố gắng giải thích rằng 30% doanh thu của chúng tôi là từ tiền bản quyền ở tuyển tập album, và thậm chí nếu chúng tôi có thất bại khi tung ra đĩa nhạc khác chúng tôi vẫn được hưởng một nguồn doanh thu; hay 40% doanh thu của chúng tôi ở Pháp đến từ các ca sĩ Pháp chứ không phải là Boy George hay Phil Collins, mang lại cho chúng tôi một nguồn thu nhập bền vững ở địa phương. Các nhà phân tích vẫn cho rằng Virgin phụ thuộc hoàn toàn vào tôi và Boy George. Simon và Ken bắt đầu ghi âm những cuộc họp của các nhà phân tích Trung tâm Tài chính London và bật chúng cho UB40, Human League và Simple Minds nhưng họ vẫn không mấy ấn tượng. Cổ phiếu của Virgin được bắt đầu giao dịch với giá 140 xu đã nhanh chóng giảm xuống 120 xu. Tôi bắt đầu choáng ngợp tâm chí bởi những người xếp hàng dài, những nghệ sỹ và nhân viên của Virgin đã đặt niềm tin vào tôi bằng việc dành tiền mua cổ phiếu của Virgin.

Theo sự phát triển năm 1987, giá cổ phiếu của Virgin đã phục hồi khoảng 140 xu nhưng không bao giờ tăng hơn nữa. Chúng tôi bắt đầu sử dụng tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu bằng cách chia làm hai khoản đầu tư: khoản thứ nhất để xây dựng một công ty con Virgin ở Mỹ, khoản thứ hai dùng để bắt đầu theo dõi Thorn EMI với mục tiêu đặt giá thu mua công ty này. Khoản đầu tư vào Virgin Records America Inc. không phải là nhỏ. Từ trước đó chúng tôi đã biết con đường khó khăn và thời điểm này chúng tôi đầu tư lớn.
Trong suốt năm 1987, chúng tôi đã cố gắng phát hành bốn đĩa đơn top 20 và một album vàng ở Mỹ. Mặc dù Virgin America khiến chúng tôi bị lỗ vào năm 1987, nhưng đó là đầu tư dài hạn và chúng tôi tin tưởng, chắc chắn chúng tôi sẽ kiếm được nhiều tiền từ công ty thu âm của chính mình hơn là tiền từ bản quyền những nghệ sĩ giỏi nhất của chúng tôi với các công ty Mỹ.
Thách thức thứ hai là việc theo dõi Thorn EMI phải được thực hiện hết sức cẩn thận. Chúng tôi cảm thấy nhãn hiệu thu âm EMI đã hoạt động khá uể oải, và nhận thấy album tuyển tập đáng kinh ngạc của họ, bao gồm The Beatles có thể đã mang lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Toàn bộ tập đoàn Thorn EMI trị giá khoảng 750 triệu bảng, lớn gấp ba lần Virgin. Cuối cùng tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để thực hiện là tiến hành xem xét và nói chuyện với ngài Colin Southgate – giám đốc điều hành của Thorn EMI và hỏi ông một cách thân thiện rằng liệu ông có muốn bán EMI Music cho chúng tôi hay không.
Simon và Ken hỏi: “Chúng tôi có nên đi cùng không?”
Tôi đáp: “Việc này có thể khá quan trọng, tôi sẽ vào và gặp ông ấy trực tiếp. Nếu ông ấy vẫn kiên quyết thì tất cả chúng ta có thể gặp ông ấy.”
Tôi gọi cho ngài Colin và sắp xếp một cuộc gặp mặt tại văn phòng ông ở quảng trường Machester. Tôi đi lên tầng trên cùng của tòa nhà văn phòng và được dẫn vào một căn phòng. Nó thật là yên lặng. Tôi đã đối diện với ít nhất 20 gương mặt không hề tươi cười. Họ nhăn nhó ngồi ở một phía của chiếc bàn, họ mặc trang phục kẻ sọc ngồi cạnh nhau, tạo nên một bức tường không thể phá vỡ. Ngài Colin bắt tay tôi và nhìn qua vai tôi để xem liệu có ai nữa không.
Tôi nói: “Chỉ có mình tôi thôi. Tôi có thể ngồi ở đâu, thưa ngài?”
Một phía của chiếc bàn dài, sáng bóng còn trống. Có khoảng 10 hoặc 15 tập giấy ghi nhớ và những chiếc bút chì gọt sắc nhọn được đặt trên đó. Tôi ngồi xuống và nhìn qua một loạt những gương mặt.
Ngài Colin bắt đầu: “Ồ, để tôi giới thiệu với anh”. Rồi ông ấy đọc một mạch tên của những chủ ngân hàng, luật sư, kế toán và những nhà tư vấn quản lý.
“Tôi là Richard Branson” – Tôi giới thiệu bản thân với một nụ cười lo lắng. “Và lý do tôi ở đây là tôi tự hỏi liệu ngài có muốn, có thể muốn…”, tôi dừng lại. Tất cả những người ngồi đối diện đều hướng về phía tôi. Tôi tiếp lời: “Có thể muốn bán công ty con EMI của ngài không. Dường như đối với tôi, Thorn EMI là một tập đoàn lớn và EMI Music có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của ngài. Ngài có quá nhiều thứ khác phải làm. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói”.
Cả căn phòng nín lặng.
Ngài Colin nói: “Chúng tôi khá hài lòng với EMI. Chúng tôi đang tiến hành tất cả các bước để đưa nó trở thành thành viên hàng đầu của Thorn EMI Group.”
Tôi đáp: “Ồ, tôi nghĩ điều đó đáng để cố gắng”. Rồi tôi đứng lên và rời khỏi căn phòng.
Tôi đi thẳng tới chỗ Simon và Kent ở Vernon Yard.
Tôi nói: “Họ rất nghiêm túc. Họ đang ở trong hoàn cảnh khẩn cấp. Họ nghĩ chúng ta sẽ đấu thầu. Thực tế họ đã lắp lưỡi lê vào súng. Nếu ngài Collin lo lắng đến mức mang tất cả những khẩu súng lớn theo, thì rõ ràng là họ đang bị tổn thương và tôi nghĩ chúng ta nên tấn công họ”.
Simon và Kent đồng ý với tôi. Trevor sắp xếp cho chúng tôi tới gặp Samuel Montagu, một ngân hàng đầu tư khác. Samuel Montagu giới thiệu chúng tôi với Mountleigh, một tập đoàn bất động sản và đề nghị chúng tôi có thể liên doanh đấu thầu. Vì ngài Colin sẽ không bán riêng EMI cho chúng tôi nên chúng tôi có thể đấu thầu toàn bộ tập đoàn này cùng với Mountleigh và sau đó chia ra. Tóm lại, Mountleigh sẽ lấy chuỗi cửa hàng cho thuê chương trình truyền hình toàn quốc, còn chúng tôi sẽ lấy EMI Music.
Chúng tôi biết rằng lợi nhuận năm đầu tiên khi còn là công ty đại chúng của chúng tôi đã tăng hơn gấp đôi, trên 30 triệu bảng (mặc dù chi phí thiết lập là ở Mỹ). Vì vậy, chúng tôi dự định đưa ra những kết quả này vào tháng Mười, cùng thời điểm khi chúng tôi thông báo đấu thầu Thorn EMI.
Trong suốt mùa hè, Trevor đã thu xếp một khoản vay 100 triệu bảng với ngân hàng Nova Scotia và chúng tôi đã dần dần mua cổ phiếu của Thorn EMI, chúng tôi trả khoảng bảy bảng một cổ phiếu khi chúng tôi tạo ra một khoản tiền đặt cọc mà chúng tôi có thể sử dụng như một bệ phóng cho việc đấu thầu. Khi thị trường chứng khoán tăng lên qua những tháng mùa hè và một số tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Thorn EMI đã bị thiệt hại vì vụ đấu thầu, tôi bắt đầu lo lắng rằng nếu việc đợi đến tháng Mười có thể sẽ quá muộn. Tôi không thể làm được nhiều nữa bởi tôi đã quyết định bắt đầu một thách thức mà nhiều người nghĩ rằng đó sẽ là kết thúc của tôi. Một thách thức như sự nản chí, như sự táo bạo hay như bất cứ điều gì trong thế giới kinh doanh. Per Lindstrand và tôi đã dự định bay qua Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Cho đến khi tôi trở về an toàn và khỏe mạnh, chẳng ai nghĩ rằng ý tưởng Virgin đấu thầu mua Thorn EMI là nghiêm túc.

Tất cả bắt đầu từ một cuộc điện thoại tôi nhận được vào ngày đầu tiên trở lại văn phòng sau khi vượt qua Virgin Atlantic Challenger Challenger.
Penni nói: “Có một người nào đó tên là Per Lindstrand nói rằng ông ấy có một đề nghị đáng kinh ngạc”.
Tôi nhấc điện thoại.
Một giọng nói Thụy Điển với vẻ trịnh trọng vang lên: “Nếu anh nghĩ rằng vượt qua Đại Tây Dương bằng tàu là ấn tượng thì hãy nghĩ lại đi. Tôi đang dự định tạo ra một khinh khí cầu lớn nhất thế giới, và tôi sẽ bay trong những luồng khí ở độ cao hơn 9.000 mét. Tôi tin rằng nó có thể vượt qua Đại Tây Dương”.
Tôi đã nghe nói về Per Lindstrand. Tôi biết ông là một chuyên gia quốc tế về khinh khí cầu và đã nắm giữ một số kỷ lục, gồm kỷ lục lên đến độ cao cao nhất. Per giải thích với tôi rằng chẳng ai có thể bay trên khinh khí cầu hơn 600 dặm và chẳng ai có thể giữ khinh khí cầu trên không trung lâu hơn 27 tiếng. Để vượt qua Đại Tây Dương, một khinh khí cầu sẽ phải vượt qua hơn 3.000 dặm, gấp năm lần bất cứ ai từng thực hiện trước đó và thời gian khinh khí cầu ở trên không trung sẽ lâu hơn gấp ba lần.
Một khinh khí cầu chứa đầy khí heli, giống như khí cầu zeppelin cũ có thể ở trên không trung một vài ngày. Một khinh khí cầu phụ thuộc vào không khí nóng ở trong bầu khí tăng lên ở phía trên không khí lạnh bao quanh và đưa khinh khí cầu bay lên. Tuy nhiên, việc mất nhiệt qua bầu khí của khinh khí cầu sẽ rất nhanh chóng và để đốt nóng không khí, người dùng khinh khí cầu phải đốt khí propane. Cho đến tận khi thực hiện chuyến bay đã dự định của Per, những khinh khí cầu vẫn bị trọng lượng cần thiết của nhiên liệu có tác dụng giữ khinh khí cầu lơ lửng cản trở.
Per nghĩ rằng chúng tôi có thể phá vỡ kỷ lục bay bằng cách đưa ba lý thuyết vào thực tế. Lý thuyết thứ nhất là đưa khinh khí cầu lên độ cao hơn 9.000 mét và bay theo những cơn gió mạnh, những luồng khí di chuyển với tốc độ tới 200 dặm một giờ. Điều này trước đây được xem là bất khả thi vì sức mạnh và chuyển động dữ dội của những luồng khí có thể xé nát bất cứ khinh khí cầu nào. Lý thuyết thứ hai là sử dụng năng lượng mặt trời để đốt nóng không khí ở trong khí cầu vào ban ngày, và như vậy sẽ tiết kiệm được nhiên liệu. Điều này chưa bao giờ được thử nghiệm. Lý thuyết thứ ba là khi khinh khí cầu bay ở độ cao hơn
9.000 mét, những phi công sẽ ở trong khoang điều áp chứ không ở trong giỏ liễu gai truyền thống.
Khi tôi nghiên cứu đề xuất của Per, tôi kinh ngạc nhận ra rằng khinh khí cầu khổng lồ này, một thứ to lớn di chuyển vụng về có thể nuốt chửng Royal Albert Hall mà không cần phải phình ra, thực sự có thể rút ngắn thời gian dự định vượt qua Đại Tây Dương bằng tàu Virgin Atlantic Challenger Challenger với động cơ 4.000 mã lực của chúng tôi. Per tính toán rằng thời gian bay chưa đến hai ngày với tốc độ trung bình 90 hải lý so với tốc độ của tàu Virgin Atlantic Challenger Challenger chỉ là 40 hải lý. Có vẻ như lái theo đường cao tốc ở xa lộ bị vượt bởi di chuyển theo Royal Albert Hall nhanh gấp đôi.

Sau khi vật lộn với một số tính toán khoa học và lý thuyết về quán tính và tốc độ gió, tôi đã yêu cầu Per đến gặp tôi. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi đã bắt tay vào hàng đống tính toán lý thuyết.
Tôi nói: “Tôi không am hiểu các loại khoa học và lý thuyết nhưng tôi sẽ đi cùng ông nếu ông trả lời cho tôi một câu hỏi”.
“Tất nhiên rồi” – Per nói và đứng thẳng lưng để sẵn sàng cho một số câu hỏi đầy thách thức.
“Ông có con không?” “Có, tôi có hai cháu”.
“Được rồi” – Tôi đứng lên và bắt tay ông. “Tôi sẽ đi nhưng điều đầu tiên tôi nên học là cách bay như thế nào”.
Sau đó tôi biết được đã có bảy người cố gắng để là người đầu tiên vượt qua Đại Tây Dương
Và năm người trong số họ đã bỏ mạng.
Per dẫn tôi đi học một khóa khinh khí cầu trong vòng một tuần ở Tây Ban Nha. Tôi đã phát hiện ra rằng ở trên khinh khí cầu là một trải nghiệm tuyệt vời nhất trong số những trải nghiệm của tôi. Sự kết hợp của cảm giác bay vút lên trên cả thế giới, sự yên lặng khi bộ phận cháy được đốt lên, cảm giác lơ lửng, và quang cảnh ngoạn mục, tất cả quyến rũ tôi ngay lập. Sau một tuần bị Robin Batchelor – thầy dạy khinh khí cầu và là bản sảo của tôi, tôi đã có bằng lái khinh khí cầu. Giờ đây tôi đã sẵn sàng.
Vì những luồng không khí thường thổi từ phía Tây sang Đông, nên chúng tôi đã lựa chọn địa điểm để khởi hành ở Naine, gần Boston, một vùng nội địa cách biển khoảng một trăm dặm để tránh ảnh hưởng của gió biển. Per cho rằng khi đi qua bờ biển, chúng tôi nên đi lên theo luồng không khí và vượt lên thời tiết ở địa phương. Hai cố vấn quan trọng của chúng tôi là Tom Barrow – người dẫn đầu đội kỹ sư, và Bob Rice – chuyên gia khí tượng học. Tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào họ. Các luồng không khí đi qua Đại Tây Dương với một nhánh không khí nóng đi qua Arctic, và một nhánh khác chuyển hướng xuống Azores rồi trở lại giữa đại dương. Bob Rice nói với chúng tôi rằng đi đúng đường giống như “lăn một quả bóng giữa hai cục nam châm”. Trong trường hợp nhiên liệu bị hết hoặc bị đóng băng, chúng tôi sẽ phải chiến đấu đến cùng với khinh khí cầu trên biển.
Tom Barrow nói: “Có một vòng đai lơ lửng xung quanh khoang chứa sẽ giữ cho nó nổi”. Tôi hỏi: “Nếu chúng không hoạt động thì sao?”
Ông ấy đáp: “Anh sẽ được trả lại tiền hoặc chúng tôi sẽ nhận lại tiền thay anh”.

Khi chúng tôi được Tom chỉ dẫn lần cuối cùng tại núi Sugarloaf ở Maine vào ngày trước khi khinh khí cầu xuất phát, ông ấy đã tập luyện trường hợp khẩn cấp cuối cùng: “Hạ cánh khinh khí cầu sẽ giống như thả một chiếc xe tăng Sherman chạy không phanh. Kết cục sẽ là một vụ tai nạn.”
Lời cảnh báo cuối cùng của ông ấy là mạnh mẽ nhất: “Bây giờ, mặc dù chúng ta đang ở đây, nhưng tôi vẫn có thể hủy bỏ dự án này nếu tôi nghĩ rằng nó quá nguy hiểm hoặc nếu anh có vấn đề về sức khỏe.”
Tôi đùa: “Có bao gồm vấn đề sức khỏe tinh thần không anh?”
Tom đáp lại: “Không. Đó là điều kiện tiên quyết cho chuyến bay này. Nếu anh không mất trí và hoảng sợ đến chết thì anh không nên lên tàu đầu tiên”.
Dĩ nhiên là tôi sợ muốn chết.