Đường Ra Biển Lớn

Chương 1: “MỘT GIA ĐÌNH CÓ THỂ CHẾT VÌ NHAU”

Tuổi thơ của tôi chỉ còn là ký ức mờ nhạt, nhưng cũng có những kỷ niệm còn lại mãi với tôi. Tôi còn nhớ cha mẹ thường xuyên đặt chúng tôi trước những thử thách. Mẹ tôi quyết tâm giúp chúng tôi sống độc lập. Lúc tôi bốn tuổi, khi đang lái xe trên đường, bà dừng lại đột ngột nơi cách nhà chúng tôi chừng vài dặm (một dặm Anh = 1.609m – ND), yêu cầu tôi xuống xe và đi xuyên qua những cánh đồng tự tìm đường về nhà. Cô em gái bé nhỏ Vanessa của tôi còn nhớ một buổi sáng tháng Giêng bị mẹ đánh thức dậy khi trời còn tờ mờ sáng, bởi mẹ quyết định để tôi tự đi xe đạp tới Bournemouth trong ngày hôm đó. Mẹ cho vào túi một vài chiếc bánh sandwich, một quả táo và bảo tôi tự tìm nước uống trên đường đi.
Bournemouth cách nhà tôi ở Shamley Green, Surrey, khoảng 50 dặm. Tôi còn chưa đầy 12 tuổi, nhưng mẹ đã muốn dạy tôi về tầm quan trọng của sức dẻo dai và cảm nhận về phương hướng. Tôi nhớ là mình đã khởi hành từ lúc trời còn tờ mờ sáng và tôi cũng nhớ lờ mờ là đã ngủ lại qua đêm tại nhà một người họ hàng. Tôi không còn nhớ là làm thế nào tôi lại tìm được nhà của họ hàng, hoặc làm sao tôi lại trở lại được Shamley Green trong ngày hôm sau, nhưng tôi vẫn nhớ như in rằng cuối cùng tôi lao thẳng vào trong nhà bếp, giống như một anh hùng chinh chiến, mang theo cảm giác tự hào về chuyến đi dài của mình và hy vọng được khen ngợi hết lời.
“Tốt lắm, Ricky” – Mẹ chúc mừng tôi, khi bà đang thái hành ở trong bếp. “Con thấy chuyến đi có vui vẻ không? Còn bây giờ thì con hãy đến ngay chỗ cha xứ. Ông ấy có một số củi gỗ cần chặt và mẹ đã nói với cha là con sẽ đến ngay”.
Những thử thách dành cho chúng tôi chủ yếu là về mặt thể chất, chứ không phải thứ gì mang tính trừu tượng; và chúng tôi đã nhanh chóng học được cách vượt qua. Tôi còn nhớ hồi học bơi. Khi đó tôi khoảng bốn hoặc năm tuổi gì đó, gia đình chúng tôi đang đi nghỉ ở Devon cùng hai người em gái bố là cô Joyce, cô Wendy và chồng của cô Wendy là chú Joe. Tôi đặc biệt quý cô Joyce. Ngay khi kỳ nghỉ bắt đầu, cô Joyce đã đánh cược với tôi 10 si- linh (Shilling – tiền cổ của Anh – ND) là tôi không thể học được bơi trong hai tuần. Tôi dành nhiều giờ dưới nước, cố tìm cách bơi vượt lên những con sóng lạnh như băng, nhưng đến cuối ngày tôi vẫn không thể làm được. Tôi vùng vẫy làm nước bắn tung toé, nhưng một chân vẫn phải nhảy lò cò chạm đáy. Tôi cố lao về phía trước và dìm mình xuống dưới những con sóng, rồi nhô đầu lên khỏi mặt nước để tránh uống phải nước biển.
“Không sao đâu, Ricky” – Cô Joyce nói. “Sẽ luôn là năm tới mà”.
Nhưng tôi đã quyết tâm không chờ đợi lâu như vậy. Cô Joyce đã đánh cược với tôi và tôi không tin là sang năm cô ấy vẫn nhớ việc này. Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, chúng tôi dậy sớm, chất đồ đạc lên xe và khởi hành chuyến đi kéo dài khoảng 12 giờ để về nhà. Đường đông, xe cộ thì chạy chậm, Đó là một ngày nóng bức và mọi người đều muốn nhanh chóng về nhà. Trên đường đi tôi đã nhìn thấy một con sông.

“Bố ơi, bố có thể dừng xe lại một chút không?” – Tôi hỏi.
Con sông này có thể là cơ hội cuối cùng của tôi: Tôi dám chắc là tôi có thể bơi được và tôi sẽ thắng cô Joyce 10 si-linh.
“Dừng lại đi bố!” – Tôi hét lên.
Bố nhìn gương chiếu hậu, giảm tốc độ và dừng lại bên vệ cỏ.
“Có chuyện gì thế? – Cô Wendy hỏi khi tất cả chúng tôi ra khỏi xe.
“Ricky nhìn thấy con sông này” – Mẹ nói. “Nó muốn được bơi thử lần cuối ở đây”.
“Thế không phải là chúng ta cần tiếp tục lên đường để về nhà ư?” – Cô Wendy càu nhàu. “Đường còn dài mà”.
“Thôi nào, chị Wendy. Hãy cho cậu bé một cơ hội”. – Cô Joyce nói. “Sau đó thì 10 si- linh sẽ thuộc về tôi”.
Tôi cởi quần áo, chỉ còn chiếc quần đùi và chạy ngay xuống bờ sông. Tôi không dám dừng lại vì sợ rằng mọi người sẽ đổi ý. Nhưng khi đến sát mép nước, tôi bắt đầu thấy sợ. Ở giữa dòng sông, nước chảy siết, bọt nước trắng xoá bắn tung toé trên những tảng đá. Tôi tìm một đoạn bờ sông có lối mòn mà bò đã đi qua và lội xuống dòng nước. Bùn trồi lên qua kẽ chân tôi. Tôi ngoái đầu nhìn lại. Chú Joe, cô Wendy, cô Joyce, bố mẹ và em gái Lindi đang nhìn về hướng tôi. Những người phụ nữ mặc trang phục in hoa sặc sỡ. Những người đàn ông mặc áo khoác thể thao, đeo cà-vạt. Bố đốt tẩu thuốc và nhìn một cách bình thản.
Còn mẹ vẫn mỉm cười khích lệ tôi như mọi khi.
Tôi thu người lại và nhảy về phía trước. Ngay lập tức tôi cảm thấy mình đang chìm, đôi chân mình trở nên vô dụng dưới làn nước lạnh. Dòng nước đẩy tôi lùi lại, rồi kéo tôi trôi theo dòng nước. Tôi cố ngoi lên mặt nước, nhưng không có gì để tạo lực đẩy. Tôi cố chống cự và tìm kiếm xung quanh sự giúp đỡ, nhưng không có sự giúp đỡ nào.
Sau đó, chân tôi đá phải một hòn đá và tôi cố đạp thật mạnh. Tôi ngoi lên được mặt nước và hít một hơi thật sâu. Hơi thở làm tôi mạnh mẽ trở lại và tôi cố gắng thư giãn. Tôi phải giành lấy 10 si-linh ấy.
Tôi đạp chậm rãi, sải rộng cánh tay và thấy là mình đang bơi trên mặt nước. Tôi vẫn nhấp nhô lên xuống, nhưng bất thình lình tôi có cảm giác như được giải thoát: Tôi đã biết và không còn quan tâm xem nước sông có kéo tôi theo dòng nữa không. Tôi hân hoan bơi ra giữa dòng sông. Át tiếng gầm réo của sóng và bọt nước trắng xoá, tôi nghe thấy tiếng gia đình tôi vỗ tay và cổ vũ. Tôi bơi thêm một vòng rồi trở lại bờ, cách chỗ họ đứng khoảng 50 thước (một thước Anh = 0, 914m -ND), và tôi nhìn thấy cô Joyce đang tìm ví tiền trong cái túi xách to đùng màu đen của cô ấy. Tôi bò lên khỏi mặt nước, băng qua đám bụi cây gai và chạy lên bờ. Có thể lúc này tôi đã bị lạnh, lấm lem bùn đất và bị gai làm trầy xước, nhưng tôi đã biết bơi.

“Cháu đây rồi, Ricky” – Cô Joyce nói. “Cháu giỏi lắm”.
Tôi nhìn vào tờ tiền 10 si-linh trên tay. Nó lớn quá, màu nâu và cứng giòn. Tôi chưa từng có một khoản tiền nào trước đó: Đúng là một tài sản lớn.
“Thôi nào mọi người” – Bố nói. “Chúng ta tiếp tục lên đường thôi”.
Sau đó tôi mới nhận thấy rằng, bố tôi cũng ướt sũng. Ông đã mất bình tĩnh và lao xuống dòng nước, lặn theo sát tôi. Ông ôm chặt lấy tôi.

*

Tôi không thể nhớ được bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc đời mà tôi không cảm nhận được tình yêu của gia đình. Chúng tôi đã là một gia đình có thể chết vì nhau và giờ đây vẫn thế. Bố mẹ tôi yêu và tôn trọng lẫn nhau. Eve – mẹ tôi – luôn luôn vui vẻ và khích lệ chúng tôi. Ted – bố tôi – là mẫu người trầm tính hơn, chỉ hút thuốc, đọc báo. Nhưng cả bố và mẹ đều ưa mạo hiểm. Bố từng muốn trở thành là khảo cổ học, nhưng cha của ông, một thẩm phán toà án tối cao, đã muốn ông nối nghiệp truyền thống của dòng họ Branson là theo nghề luật. Ba thế hệ nhà Branson làm luật sư. Hồi bố còn học trung học, ông đã thuê một nhân viên tư vấn nghề nghiệp đến nói chuyện với bố để bàn bạc về nghề nghiệp tương lai.
Khi thấy rõ là bố muốn trở thành nhà khảo cổ học, ông tôi đã từ chối thanh toán chi phí cho nhân viên đó với lý do ông ta đã không hoàn thành công việc một cách đúng đắn. Sau đó, bố bất đắc dĩ phải tới Cambridge học luật, nhưng vẫn tiếp tục sở thích của mình là sưu tập tài liệu và hiện vật khảo cổ mà ông gọi là “bảo tàng” của riêng mình.
Khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra năm 1939, bố tình nguyện gia nhập Staffordshire Yeomanry, một trung đoàn bộ binh thuộc Hiệp hội các Luật sư (Anh). Trung đoàn của bố tham chiến ở Palestine và bố đã chiến đấu trong trận El Alamein tháng 9/1942, sau đó là các trận ở vùng hoang mạc Libi. Sau này, bố tham gia chiến dịch tấn công vào Italia và chiến đấu ở Salerno và Anzio. Trước khi tham gia chiến tranh, bố tôi đã để lại mật mã để ông bà tôi có thể biết được nơi mà bố đang chiến đấu. Họ thống nhất với nhau rằng, trong các lá thư bố viết về nhà, cái tủ đựng thức ăn là chỉ cả thế giới; mỗi ngăn là chỉ một quốc gia. Bố viết thư về muốn bà tôi lấy giúp đôi găng tay cũ dùng để cưỡi ngựa của bố ở ngăn kéo bên trái tủ chén nằm bên tay phải, điều đó có nghĩa là bố tôi đang ở Palestine. Và không có gì ngạc nhiên rằng, bằng cách như vậy mọi chuyện không bị lộ và ông bà tôi có thể biết được bố tôi đang ở đâu khi tham gia chiến đấu.
Lúc bố tôi mới gia nhập quân đội cũng là lúc người chú của bố, ông Jim Branson đã rất nổi tiếng trong quân đội với câu chuyện kêu gọi binh sĩ ăn cỏ. Ông Jim có tài sản lớn ở Hampshire mà sau đó ông chia hết cho tá điền và chuyển tới sống ở Balham, nơi vào năm 1939 vẫn còn là một thị trấn ngoại ô xa xôi của London. Ông vẫn còn ám ảnh với câu chuyện ăn cỏ. Tờ Picture Post đăng một bài báo kèm theo một tấm ảnh ông đứng tại phòng tắm trong căn nhà của mình ở Balham, nơi ông trồng những cây cỏ và phơi khô. Sau này ông Jim rất nổi tiếng và ở bất cứ nơi nào ông được mời ăn là ông lại luôn mang theo chiếc túi xách nhỏ và ông chỉ ăn cỏ. Lúc ở trong quân đội, bố tôi luôn bị chế nhạo: “Mày là con trai của Jim Branson! Cỏ đây, hãy ăn đi! Trông mày quả thật là non nớt. Trông mày như một con đực bị thiến ấy!”…
Bố tôi thẳng thừng bác bỏ mọi dính líu với ông chú Jim. Nhưng khi chiến tranh ngày càng ác liệt, David Stirling thành lập lực lượng Không quân đặc biệt (SAS) và một trung đoàn tinh nhuệ để hoạt động sát giới tuyến với kẻ thù. Lực lượng SAS phải di chuyển rất nhiều trong đêm. Ông Jim Branson đã hướng dẫn David Stirling và các binh sĩ tinh nhuệ cách ăn cỏ và các loại hạt để tồn tại.
Kể từ khi đó, bất cứ khi nào có ai hỏi bố tôi rằng: “Branson, cậu có họ hàng gì với ông Jim Branson không?” bố tôi thường vỗ ngực tự hào: “Vâng, thực ra ông ấy là chú ruột tôi. Ông ấy đã làm được điều gì đó cho SAS, đúng không?”
Bố tôi thật sự đã rất thích thú cuộc sống 5 năm xa nhà ấy và ông cảm thấy đôi chút khó khăn khi bắt tay trở lại học luật tại Cambridge. Vài năm sau, bố tôi khi đó là một luật sư trẻ tuổi, tới dự một bữa tiệc hơi muộn, và một cô gái xinh đẹp tóc vàng hung tên là Eve đón ông, sau đó cứ lẽo đẽo theo ông đi khắp phòng tiệc, rồi mang tới cho ông một khay đầy xúc xích thơm ngon và nói: “Con đường đi tới trái tim của người đàn ông đây. Mời anh nếm thử!”
Mẹ tôi, Eve Huntley-Flindt, thừa hưởng sức hút mạnh mẽ từ bà ngoại Dorothy – người từng giữ hai kỷ lục của Anh quốc: 89 tuổi, bà là người cao tuổi nhất vượt qua cuộc thi khiêu vũ cổ điển Mỹ La-tinh; 90 tuổi, là người chơi gôn cao tuổi nhất “đánh một gậy vào lỗ”.
Bà mất lúc 99 tuổi. Trước khi mất, bà viết thư để lại cho tôi nói rằng, mười năm trước khi qua đời là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bà. Trong những năm đó, bà đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng du thuyền. Bà đã được nhìn thấy ở Jamaica, với chỉ bộ đồ bơi trên người. Bà từng đọc cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time) – một cuốn sách mà thậm chí tôi chưa từng đọc. Bà chưa bao giờ ngừng đọc sách. Quan điểm của bà là con người chỉ có một cuộc đời, vậy nên hãy tận dụng hết thời gian bạn có.
Mẹ tôi thừa hưởng từ bà Granny tình yêu thể thao và khiêu vũ. Và khi 12 tuổi, mẹ đã xuất hiện trong một vở kịch ở sân khấu khu West End do nhà viết kịch Marie Stopes dàn dựng, người sau này nổi tiếng về công việc giáo dục sức khoẻ cho phụ nữ. Một thời gian sau đó, mẹ chút nữa thì buộc phải chuyển sang làm nghề khác: múa thoát y trong các buổi diễn của Cochran (The Cochran Show), tại Nhà hát Hoàng gia ở West End. Các buổi biểu diễn của Ngài Charles Cochran thu hút các cô gái đẹp nhất của thành phố và ở đó họ trút bỏ xiêm y. Khi đó là thời chiến, nên công việc không có nhiều. Mẹ tôi đã quyết định làm nghề này. Điều được đoán trước là bố tôi đã phản đối kịch liệt và nói với mẹ rằng ông sẽ phá tan cái Nhà hát Hoàng gia ấy và lôi mẹ tôi ra khỏi các buổi diễn kiểu đó. Mẹ tôi từ chối công việc chỗ Ngài Charles Cochran, dù ông này cho phép mẹ múa không cần thoát y.
Mẹ bắt đầu tìm kiếm công việc khác, một việc làm ban ngày, rồi đến Heston làm việc trong câu lạc bộ bay lượn của Không lực Hoàng gia Anh, nơi bà huấn luyện môn bay lượn cho những tân binh sẽ trở thành phi công. Bà đề nghị được trở thành phi công, nhưng được trả lời rằng nghề đó chỉ dành cho nam giới. Không nản lòng, bà nói chuyện đó với một giảng viên, người thông cảm với bà và đã bí mật cho bà làm công việc đó trong điều kiện bà phải giả làm nam giới. Bà đã mặc áo khoác, đội mũ da, giấu tóc và tập nói giọng trầm khàn. Bà đã học được cách bay lượn và bắt đầu công việc huấn luyện tân binh bay lượn. Trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, bà gia nhập Đội nữ Hải quân Hoàng gia Anh, làm người báo tín hiệu và được cử tới Black Isle (Đảo đen) ở Scotland.
Sau chiến tranh, bà trở thành nữ tiếp viên hàng không, một nghề có ma lực thu hút nhiều người nhất lúc bấy giờ. Tiêu chuẩn tuyển dụng rất khắt khe: Bạn phải rất xinh đẹp và chưa kết hôn, tuổi từ 23 đến 27, nói được tiếng Tây Ban Nha và từng được đào tạo nghề y tá. Không ngại mình không nói được tiếng Tây Ban Nha, không phải là y tá, mẹ tôi vẫn nói chuyện với một nhân viên tại trung tâm tuyển dụng về việc đó. Và kết quả là mẹ được tuyển dụng vào khoá huấn luyện tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Nam Mỹ của Anh (BSAA). BSAA vận hành hai loại máy bay trong các chuyến bay giữa London và Nam Mỹ: Lancaster 13 chỗ ngồi và Yorks 21. Các máy bay này có những cái tên tuyệt đẹp là Dòng sông sao và Thung lũng sao, còn những cô tiếp viên hàng không thì được gọi là Những cô gái ngôi sao. Khi máy bay rời khỏi đường băng là lúc công việc của mẹ tôi bắt đầu; trước tiên là phát kẹo cao su, các viên đường màu nâu, bông tăm, sách tranh ảnh và giải thích cho hành khách rằng họ phải hít thở bằng mũi trước khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.
Trong khoang máy bay thì thiếu áp suất không khí bình thường, còn các chuyến bay thì kéo dài: 5 tiếng tới Lisbon, 8 tiếng tới Dakar, 14 tiếng mới tới Buenos Aires. Từ Buenos Aires tới Santiago, phải đổi máy bay York sang loại Lancaster mạnh hơn và mọi người phải đeo mặt lạ dưỡng khí khi bay qua dãy Andes. Mẹ làm việc cho hãng BSAA được một năm, thì hãng này được chuyển giao cho Tập đoàn hàng không hải ngoại Anh quốc (BOAC). Mẹ bắt đầu làm việc trên máy bay Tudor. Star Tiger – chiếc máy bay đầu tiên rời đi Bermuda – đã bị nổ trên không trung. Máy bay tiếp sau đó là chuyến bay của mẹ đã đến nơi an toàn.
Nhưng chiếc máy bay ngay sau chuyến bay của mẹ, chiếc Star Ariel, biến mất không để lại dấu vết ở khu vực Tam giác Bermuda. Và tất cả máy bay Tudor không được cất cánh nữa. Sau này người ta phát hiện ra rằng thân máy bay loại này quá yếu để có thể chịu được áp suất.
Vào thời điểm đó, có lẽ bố tôi đã nghĩ rằng nếu ông không cưới mẹ và không đưa mẹ khỏi nghề tiếp viên hàng không, thì có thể mẹ đã biến mất ở một nơi nào đó ở Đại Tây Dương. Bố đã cầu hôn mẹ khi họ đi trên chiếc xe máy của bố. Và mẹ đã hét lên đồng ý “Vâng!”, với tất cả sức mạnh của giọng nói, đến nỗi gió đã không thể thổi bay tiếng hét của bà. Họ cưới nhau vào ngày 14/10/1949 và tôi đã được thai nghén trong tuần trăng mật của họ tại Majorca.

*

Bố mẹ đối xử với cả tôi và hai đứa em, Lindi và Vanessa, một cách công bằng, ý kiến của ai cũng được coi là có giá trị như nhau. Hồi chúng tôi còn nhỏ, khi còn chưa có Vanessa, mỗi lần bố mẹ đi ăn tối ở ngoài hiệu, họ đều mang tôi và Lindi theo, đặt chúng tôi trong chăn ấm ở ghế sau xe. Chúng tôi ngủ trên xe, thế nhưng chúng tôi đều thức dậy mỗi khi bố mẹ bắt đầu lái xe về nhà. Lindi và tôi giữ im lặng và ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao, lắng nghe bố mẹ trò chuyện và đùa giỡn về bữa ăn tối vừa qua. Chúng tôi lớn lên, nói chuyện với bố mẹ như những người bạn. Khi còn trẻ con, chúng tôi từng tranh luận về các vụ án của bố, rồi tranh cãi về hành động khiêu dâm, hay liệu ma tuý có bị coi là bất hợp pháp trước khi chúng ta biết được thật sự chúng ta đang nói đến chuyện gì. Bố mẹ tôi luôn khuyến khích chúng tôi đưa ra ý kiến của mình và cho chúng tôi những lời khuyên.
Chúng tối sống trong một ngôi làng có tên là Shamley Green ở Surrey. Trước khi mẹ sinh Vanessa, tôi và Lindi lớn lên ở Easteds, trong ngôi nhà được bao bọc bằng những cây thường xuân, có những ô cửa sổ màu trắng bé tí, có cả cửa lách nhỏ màu trắng dẫn lối ra đồng cỏ xanh của ngôi làng. Tôi hơn Lindi ba tuổi và hơn Vanessa chín tuổi. Bố mẹ tôi không có nhiều tiền lúc chúng tôi còn nhỏ. Có lẽ mẹ tôi không thích thú lắm chuyện nấu nướng, hoặc là mẹ muốn tiết kiệm tiền, nên tôi còn nhớ chúng tôi chỉ ăn chủ yếu là bánh mì và nước mỡ thịt quay. Cho dù có như vậy thì truyền thống không rời bàn ăn trước khi ăn hết đồ ăn của mình vẫn được giữ gìn. Chúng tôi cũng có hành tây được trồng trong vườn. Tôi rất ghét hành tây và thường giấu chúng trong một ô ngăn kéo bàn ăn. Ngăn kéo này không bao giờ được dọn dẹp và cho tới khi chúng tôi chuyển khỏi ngôi nhà đó mười năm sau thì nó mới được mở ra và đống hành tây “hoá thạch” của tôi mới bị phát hiện.
Trong bữa ăn, thức ăn có thể không quan trọng bằng người cùng ăn. Nhà tôi lúc đó luôn có đông người. Để làm được điều đó, mẹ đã mời đến nhà tôi những sinh viên người Pháp và Đức để học tiếng Anh, trong một giờ làm việc nhà. Và chúng tôi phải thết đãi họ. Mẹ luôn muốn chúng tôi làm việc ở ngoài vườn, giúp bà chuẩn bị bữa ăn và sau đó là dọn dẹp.
Những lúc muốn trốn việc, tôi thường chạy khắp cánh đồng của làng để tìm người bạn thân nhất là Nik Powell.
Điều thú vị nhất phải kể đến khi nhắc tới Nik là cậu ấy có một bà mẹ làm bánh trứng sữa tuyệt vời, vì thế mà cứ mỗi khi ăn xong và nhét đầy những củ hành tây vào trong ngăn kéo bàn ăn là tôi lại chuồn ngay sang nhà Nik, bỏ mặc những anh chàng sinh viên người Đức ở lại luyện tập tiếng Anh với gia đình tôi, mải miết cười nói. Nếu tôi căn đúng thời điểm, mà tôi chắc chắn là đúng, thì những chiếc bánh nhân trứng sữa đã sẵn sàng trên bàn ăn nhà Nik. Còn tôi và Nik – một cậu bé ít nói, tóc đen và thẳng, mắt cũng đen thường làm mọi thứ cùng nhau: trèo cây, đi xe đạp, bắn thỏ, hoặc trốn dưới gầm giường của Lindi để túm lấy gót chân nó khi nó tắt đèn.
Ở nhà, mẹ tôi luôn có hai việc phải làm: luôn phải tạo công việc cho chúng tôi và suy nghĩ để tìm cách kiếm tiền. Chúng tôi chưa bao giờ có một chiếc ti-vi và tôi cũng không nghĩ là bố mẹ từng nghe đài! Mẹ mải làm những chiếc hộp gỗ đựng giấy lau và thùng đựng giấy bỏ để bán cho các cửa hàng trong nhà kho ở vườn. Căn nhà kho thì nồng nặc mùi sơn và mùi hồ dán, những đống hộp đã sơn chất đống chuẩn bị chuyển đi các cửa hàng. Bố là người có óc sáng tạo và đôi tay rất khéo léo. Bố đã thiết kế một thiết bị kẹp chặt những chiếc hộp lại với nhau, khi mẹ dán chúng. Mẹ bắt đầu bán hộp đựng giấy cho hãng Harrods và công việc đã trở thành đúng nghĩa là một ngành công nghiệp thủ công nhỏ ở nông thôn.

Tất cả những gì mẹ làm, rõ ràng là đã làm với tất cả năng lượng của mình.
Trong gia đình tôi luôn có một không khí làm việc nhóm tuyệt vời. Bất cứ lúc nào chúng tôi ở trong vòng quỹ đạo của mẹ, là lúc ấy chúng tôi bận rộn. Mỗi khi ai đó tìm cách trốn việc bằng cách nói rằng mình còn có việc phải làm, thì người đó chắc chắn bị coi là ích kỷ. Và như vậy, chúng tôi lớn lên cùng với phương châm sống đặt lên hàng đầu là luôn nghĩ về người khác trước tiên. Một lần, có một người khách đến chơi dịp cuối tuần, đó là người mà tôi không mấy cảm tình. Và trong buổi lễ ở nhà thờ hôm Chủ nhật, tôi đã chuồn khỏi hàng ghế của gia đình tôi, men theo dọc lối đi, tìm đến ngồi cạnh Nik. Mẹ rất tức giận. Khi về đến nhà, mẹ nói bố cho tôi một trận đòn. Tôi lủi thủi bước vào phòng đọc sách của bố và đóng cửa lại. Thay vì trút cơn thịnh nộ lên tôi, bố chỉ mỉm cười hiền hậu.
“Bây giờ con hãy giả khóc một cách thống thiết vào”, bố nói và vỗ hai tay vào nhau sáu lần, giống như là đang tát tôi.
Tôi chạy khắp phòng, khóc rất to. Mẹ liếc nhìn tôi với ánh mắt nghiêm khắc, ngụ ý rằng bố mẹ làm việc đó chỉ mong điều tốt nhất cho tôi. Rồi mẹ tiếp tục công việc thái hành tây ở trong bếp – một phần trong đó có số hành tôi nhét đầy trong ngăn kéo bàn ăn lúc trưa vừa rồi.

*

Ông chú Jim không phải là người đặc biệt duy nhất trong gia đình tôi thiếu tôn kính đối với quyền lực. Tôi còn nhớ rằng chúng tôi có một chiếc xe lưu động cũ của người Di-gan để ở trong vườn nhà. Đôi khi người Di-gan ghé qua và bấm chuông cửa, mẹ luôn cho họ một vài thứ gì đó bằng bạc, có khi còn cho họ lục lọi trong nhà kho đồ cũ để tìm kiếm bất cứ thứ gì họ cần. Vào năm ấy, tất cả gia đình tôi đi dự lễ hội Hạt Surrey ở tận Guildford. Ở đó, đám đông bu quanh xem đua ngựa vượt chướng ngại vật với những người đàn ông mặc áo khoác vải len dầy và đội mũ hình quả dưa. Khi chúng tôi đi ngang qua một trong số các quầy hàng, mẹ bỗng nhìn thấy một nhóm trẻ con Di-gan đang khóc, chúng tôi đến đó xem có chuyện gì. Những đưa trẻ đang đứng vây quanh một con chim bồ các bị trói bằng một đoạn dây.
“RSPCA lệnh cho chúng cháu phải mang vứt con chim này đi. Họ nói rằng nuôi chim hoang dã là phạm pháp”, đứa trẻ phân trần.
Ngay lúc bọn trẻ đang kể lại câu chuyện cho chúng tôi, thì có một nhân viên RSPCA tiến lại gần chúng tôi.
“Đừng sợ”, mẹ nói. “Cô sẽ bảo vệ nó”.
Mẹ bế con chim lên và bọc nó vào trong áo khoác của bà. Sau đó chúng tôi lén đi qua các nhân viên an ninh và len lỏi qua các sân trò chơi. Bọn trẻ Di-gan gặp lại chúng tôi ở bên ngoài và chúng đề nghị mẹ tôi nuôi con chim bồ các, vì chúng có thể sẽ bị bắt một lần nữa. Mẹ rất vui và chúng tôi lái xe mang cả con chim về nhà.

Con chim bồ các rất yêu mẹ. Nó đậu trên vai mẹ khi bà ở trong bếp, hay lúc mẹ làm việc ở trong nhà kho. Có khi nó sà xuống bãi giữ ngựa, trêu chọc mấy con ngựa bằng cách đậu trên lưng chúng. Có khi nó bổ nhào vào bố khi ông ngồi đọc tờ The Times sau bữa trưa, rồi vỗ cánh đen đét làm bay những trang báo khắp sàn nhà.
“Con chim chết tiệt!” – Bố hét lên và xua tay đuổi nó đi.
“Ted, bình tĩnh và làm cái gì có ích chứ!” – Mẹ nói. “Con chim đó nói anh đi làm vườn đi. Còn các con, Ricky và Lindi, hãy đến chỗ cha xứ xem cha có việc gì cần các con giúp không!”.
Ngoài những kỳ nghỉ hè cùng với họ hàng bên nội tại Salcombe ở Devon, thì chúng tôi cũng đến Norfolk nghỉ cùng em gái mẹ, dì Clare Hoare. Tôi đã quyết tâm khi lớn lên tôi muốn được như dì Clare. Dì có người bạn thân là Douglas Bader, phi công chiến đấu xuất sắc trong Chiến tranh Thế giới II, người đã mất cả hai chân trong một vụ rơi máy bay. Dì Clare và ông Douglas có một chiếc máy bay hai tầng cánh mà hai người thường bay cùng nhau. Đôi khi, dì Clare chơi trò nhảy dù và dì cũng hút khoảng 20 điếu xì-gà mỗi ngày.
Khi chúng tôi ở nhà dì, chúng tôi thường bơi trong cái bể bơi ở góc vườn. Douglas Bader cũng tháo đôi chân giả và lao mình xuống nước. Tôi từng chạy thử với đôi chân bằng thiếc ấy và đôi khi giấu chúng trong bụi cây gần mép nước. Ông Douglas trườn lên khỏi mặt nước sau đó bất thình lình lao theo tôi: đôi tay và hai vai của ông thật sự là rất mạnh mẽ, ông có thể đi được bằng đôi tay mình. Khi ông bị bắt làm tù binh chiến tranh ở Colditz, sau hai lần vượt ngục không thành ông đã bị bọn Đức quốc xã cắt đi đôi chân.
“Cậu bé, cậu cũng chẳng khác gì bọn Đức quốc xã cả”, ông gầm lên, trong khi cố vặn người lao theo tôi bằng đôi tay của mình, giống như một con đười ươi.
Dì Clare có khả năng kinh doanh hơn mẹ tôi. Dì như bị ám ảnh với những con cừu núi Welsh, một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Và dì đã nuôi một vài con cừu đen loại này ban đầu chỉ để bảo vệ chúng khỏi tuyệt chủng. Nhưng sau này dì đã nuôi cả một đàn lớn và đã giúp đưa chúng khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Dì đã thành lập cả một doanh nghiệp, dì đặt tên là Công ty tiếp thị Black Sheep và bắt đầu bán các sản phẩm gốm có vẽ hình chú cừu đen. Và thế là những chiếc chén, cốc với dòng nhạc giai điệu trẻ con “Baa Baa Cừu đen…” được in vòng quanh bắt đầu bán chạy. Dì Clare sau đó nhanh chóng tạo việc làm cho tất cả các bà lão trong làng đan áo và khăn choàng bằng len từ lông cừu đen của dì. Dì làm việc rất chăm chỉ để tạo cho Cừu đen trở thành một thương hiệu và dì đã thành công. Hơn 40 năm sau, thương hiệu Cừu đen vẫn còn rất nổi tiếng.
Vài năm sau, vào thời kỳ đầu khởi nghiệp hãng âm thanh Virgin Music, tôi nhận được cuộc gọi của dì Clare: “Ricky này, cháu không thể tin được điều này đâu. Một con cừu của dì biết hát”.
Lúc đầu tôi phân vân, nhưng đó chính là thứ mà tôi đã luôn mong đợi ở dì.

“Thế nó hát gì ạ?” Tôi hỏi và đầu cứ tưởng tượng cảnh một con cừu đang hát. “Nào cho cháu biết nhanh đi dì”.
“Tất nhiên là nó hát Baa Baa Cừu đen…” – dì đáp lời tôi nhanh như cắt. “Dì muốn ghi âm lại giọng cừu hát. Tất nhiên là không thể đưa cừu đến phòng thu rồi. Thế cháu có thể cử một vài kỹ sư âm thanh tới đây được không? Phải rất nhanh đấy vì con cừu đó có thể không hát nữa bất cứ lúc nào”.
Ngay trưa hôm đó, một nhóm kỹ sư âm thanh lên đường tới Norfolk mang theo cả thiết bị thu thanh 24 rãnh di động và họ đã ghi âm giọng con cừu biết hát của dì Clare. Họ cũng ghi âm cả một dàn hợp xướng gồm cừu, vịt và gà. Họ đã phát hành đĩa đơn “Baa Baa Cừu đen”. Album này đã đạt vị trí số bốn trong bảng xếp hạng năm đó.

*

Tình bạn giữa tôi và Nik dựa trên tình cảm là chính, nhưng cũng có yếu tố ganh đua. Tôi từng quyết tâm phải làm mọi việc tốt hơn cậu ấy. Mùa hè năm ấy, Nik được tặng một chiếc xe đạp mới dịp sinh nhật cậu ấy. Chúng tôi ngay lập tức quyết định tiến hành cuộc đua xe đến mép bờ sông, một trò chơi lao xe từ trên đỉnh dốc xuống đến chân dốc thì phanh gấp, rồi giữ cho xe trượt xuống mép sông càng gần càng tốt. Đây thật sự là một trò chơi mang tính ganh đua cao và tôi rất ghét bị thua cuộc.
Vì đó là xe của Nik, nên cậu ấy được quyền chạy trước. Cậu ta làm động tác trượt xe rất ngoạn mục, rồi cậu ta quay một vòng xe, để bánh sau chạm gần sát mép nước. Nik vẫn thường kích động tôi làm những việc thậm chí là rất kỳ quặc, nhưng lần này cậu ta lại ngăn tôi.
“Cậu không thể làm tốt hơn cú trượt vừa rồi đâu” – Cậu ta nói. “Tôi đã có cú trượt hoàn hảo rồi”.
Dù vậy, tôi vẫn suy nghĩ. Và tôi quyết tâm phải có cú trượt ngoạn mục hơn cả Nik. Tôi lôi xe lên đỉnh dốc và lao xuống phía bờ sông, chân thì đạp điên cuồng. Khi đến gần mép sông thì rõ ràng là tôi đã mất kiểm soát bản thân và không thể dừng lại. Trong lúc lao nhanh như tên bắn, tôi lờ mờ nhìn thấy cảnh Nik há hốc miệng sợ hãi khi tôi lao vụt qua chỗ cậu ta. Tôi cố phanh, nhưng đã quá muộn. Tôi lộn nhào một vòng, đầu cuộn vào gót chân, lao ùm xuống nước, chiếc xe thì chìm dần dưới chân tôi. Tôi bị cuốn ra giữa dòng nước, nhưng cuối cùng cũng tìm cách bơi lại được vào bờ. Nik đợi tôi trên bờ, giận sôi lên.
“Cậu đã làm mất chiếc xe của tôi! Đó là quà sinh nhật của tôi!”
Cậu ta tức giận tới mức cứ nức nở khóc. Cậu ta đẩy mạnh tôi xuống sông. “Cậu phải tìm lại xe cho tôi” – Cậu ta hét lên.
“Tôi sẽ tìm” – Tôi lắp bắp. “Không sao đâu. Tôi sẽ tìm thấy”.

Tôi lặn ngụp hai tiếng đồng hồ dưới lòng sông và dò dẫm trong bùn lầy, rong rêu và đá để cố tìm cho được chiếc xe đạp mới của Nik. Nhưng tôi đã không tìm thấy. Nik ngồi trên bờ, hai tay ôm gối, cằm tì lên hai đầu gối và mắt nhìn chằm chằm về hướng tôi. Nik mắc chứng động kinh và tôi đã từng một vài lần chứng kiến cậu ta ngất xỉu. Còn lúc này cậu ta đang tức giận, tôi chỉ biết hy vọng cơn tức giận ấy không làm cậu ấy ngất xỉu một lần nữa. Nhưng thật lạ, khi tôi đã quá lạnh, đến nỗi không thể nói lên tiếng nào, đôi tay thì trắng bệch, các đầu ngón tay rỉ máu vì đã cào phải đá nhọn dưới lòng sông, thì Nik nhẹ nhàng bảo:
“Thôi về nhà đi” – Cậu ta nói. “Cậu sẽ không bao giờ tìm thấy xe đâu”. Chúng tôi lê bước về nhà, tôi thì cố tìm cách để Nik vui vẻ trở lại: “Chúng ta sẽ mua một chiếc xe khác cho cậu” – Tôi hứa với cậu ta.
Bố mẹ tôi chắc chắn là rên lên, vì chiếc xe có giá tới 20 bảng (Anh), bằng gần một tháng thu nhập từ những chiếc hộp đựng giấy.
Khi chúng tôi lên tám tuổi, Nik và tôi phải chia tay nhau. Tôi được gửi đến trường nội trú Scaitcliffe ở Công viên lớn Windsor.

*

Đêm đầu tiên tại Scaitcliffe, tôi nằm trên giường không ngủ được, nghe tiếng ngáy và tiếng thở phì phò của các cậu bé khác cùng phòng, mà thấm thía cảm giác cô đơn, bất hạnh và sợ hãi. Vào khoảng nửa đêm hôm đó, tôi đã biết là mình sẽ bị ốm. Cảm giác ấy đến nhanh đến nỗi tôi không đủ thời gian chạy khỏi giường vào nhà vệ sinh; thay vào đó tôi đã nôn ngay ra ga trải giường. Người ta gọi người dọn dẹp đến. Nhưng không những không tỏ ra thông cảm, giống như mẹ tôi vẫn làm vậy, bà ta la mắng tôi và bắt tôi tự mình dọn dẹp giường. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác bị làm nhục lúc đó. Có thể bố mẹ nghĩ rằng họ đã hành động đúng khi gửi tôi tới đây, nhưng vào thời điểm đó tôi chỉ cảm thấy bấn loạn và oán giận bố mẹ, cũng như nỗi sợ hãi về những gì tiếp theo sẽ đến với tôi. Một vài ngày sau đó, một cậu bé ở cùng phòng, lớn tuổi hơn tôi, tỏ ra quý mến tôi và bắt tôi lên giường cậu ấy để chơi trò “âu yếm”. Và trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên được về nhà, tôi đã kể lại một cách chân thực nhất cho bố mẹ nghe mọi chuyện xảy ra. Nhưng bố tôi lại bình thản nói: “Tốt nhất là không làm những trò vớ vẩn đó”, và rằng đó là tai nạn đầu tiên và cũng là cuối cùng xảy ra với tôi.
Bố tôi cũng từng được gửi đến trường nội trú khi bằng tuổi tôi lúc bấy giờ, còn ông tôi thì sớm hơn. Trong dòng họ tôi có truyền thống con trai phải được giáo dục tính độc lập, tự lực – đó là cách dạy cho ai đó đứng bằng đôi chân của chính mình. Còn tôi lại thấy miễn cưỡng khi được gửi đi học xa nhà khi tuổi còn nhỏ như vậy và tôi luôn hứa với chính mình rằng tôi sẽ không bao giờ gửi con cái mình tới trường nội trú chừng nào chúng chưa đủ tuổi để có thể tự quyết định về việc đó.

Vào tuần thứ ba của tôi tại Scaitcliffe, tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng và được thông báo rằng tôi đã vi phạm một số quy định của trường; tôi nghĩ có thể là do tôi đã đi vào khu vườn cỏ cấm để nhặt quả bóng đá. Tôi buộc phải cúi xuống và bị vụt vào mông sáu cái.
“Branson” – Thầy hiệu trưởng cất giọng. “Hãy nói cảm ơn Thầy đi”. Tôi không tin vào tai mình. Cảm ơn ông ta vì cái quái gì? “Branson” – Thầy hiệu trưởng nhấc cái roi lên. “Tôi cảnh báo trò”. “Cảm ơn Thầy”.
“Trò sẽ tiếp tục gây rắc rối chứ, Branson”.
“Vâng, thưa Thầy. À không, em định nói là… không, thưa Thầy”.
Tôi đã gây rắc rối – và luôn gây rắc rối. Đã tám tuổi mà tôi vẫn chưa biết đọc. Thực tế, tôi mắc chứng đọc khó và bị cận thị. Mặc dù ngồi ở hàng đầu trong lớp, nhưng tôi không thể đọc được chữ trên bảng. Chỉ sau một vài kỳ học, mới có người nghĩ rằng cần phải đưa tôi đi kiểm tra mắt. Nhưng thậm chí ngay cả khi tôi đã có thể nhìn rõ, thì những chữ cái và các con số cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Chứng đọc khó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng thời đó, hay nói chính xác hơn đó chỉ là vấn đề nếu bản thân bạn mắc chứng bệnh này. Cũng vì không ai từng nghe tới bệnh đọc khó này, nên đối với tất cả giáo viên và học sinh trong lớp việc không thể đọc, viết và phát âm chỉ có nghĩa rằng hoặc là bạn ngu ngốc, hoặc là bạn lười biếng. Mà ở các trường nội trú kiểu này, thì bạn sẽ bị đánh đòn vì cả hai lý do trên. Tôi thường bị đánh một hoặc hai lần mỗi tuần vì không hoàn thành bài tập trên lớp, hay do nhầm lẫn ngày tháng của Trận Hastings.
Tật đọc khó hành hạ tôi suốt quãng đời học sinh. Bây giờ, mặc dù đôi khi tôi đọc vẫn khó, nhưng tôi đã cố vượt qua điều tồi tệ nhất bằng cách tự học cách tập trung. Có lẽ, những vấn đề hồi nhỏ gặp phải do chứng đọc khó đã tạo cho tôi có trực giác tốt hơn: Khi ai đó gửi cho tôi một lời đề nghị bằng văn bản, thì thay vì chỉ chăm chăm vào những dữ liệu và con số cụ thể, tôi thường thấy rằng sự tưởng tượng của mình giúp tôi hiểu sâu và rộng hơn những gì tôi đọc được.
Tuy nhiên, nét hấp dẫn của tôi lại nằm ở bên ngoài lớp học: Tôi chơi thể thao rất giỏi. Thật khó đo đếm được tầm quan trọng của thể thao tại các trường công của Anh. Nếu bạn thật sự giỏi thể thao, bạn sẽ là anh hùng của trường. Những kẻ lớn hơn sẽ không bắt nạt bạn, còn thầy hiệu trưởng sẽ không phiền lòng vì bạn thi trượt. Tôi rất muốn thành công trong thể thao, có thể vì đó là cơ hội duy nhất để tôi trở nên vượt trội. Tôi trở thành đội trưởng các đội bóng đá, bóng chày và bóng bầu dục. Trong mỗi cuộc thi thể thao, tôi đều giành cúp cho các môn chạy nhanh, chạy vượt rào. Chỉ trước sinh nhật tròn 11 tuổi, năm 1961, tôi đã thắng tất cả các cuộc đua. Thậm chí tôi quyết định tham gia thi nhảy xa. Tôi chưa từng nhảy xa tốt trước đó, nhưng lần này tôi quyết tâm thử một lần. Tôi lao như tên trên đường chạy đà, bật mạnh lên từ tấm ván gỗ và bay lên không trung. Khi tôi chạm chân xuống cát, thì thầy hiệu trưởng đến bên tôi, lắc mạnh vai tôi và nói: “Đây là kỷ lục mới của trường Scaitcliffe”. Vào cái ngày hè năm ấy, tôi đã không thể phạm sai lầm. Bố mẹ và Lindi ngồi trong khu khán đài vỗ tay không ngớt mỗi lần tôi bước lên bục nhận giải thưởng. Tôi đã đoạt cúp Victor Ludorum – quán quân của cuộc thi đấu thể thao. Có ai quan tâm việc tôi không thể đọc tốt? Tôi không quan tâm.
Kỳ học mùa thu tiếp theo, tôi tham gia thi đấu trong một trận bóng đá với đội của một trường địa phương khác. Tôi đưa bóng vòng qua hậu vệ đối phương và đã ghi một bàn thắng. Khi tranh bóng với hậu vệ đầu gối tôi bị thương nặng. Bố mẹ từng dạy chúng tôi phải cười khi bị đau. Vì thế tôi nửa cười nửa hét lên đau đớn, cố bò về phía nhân viên y tế của trường và họ đưa tôi đến bệnh viện. Đau đớn chỉ tạm ngưng khi họ tiêm cho tôi một mũi.
Tôi bị vỡ sụn gối chân phải và họ phải phẫu thuật.
Tôi được gây mê toàn bộ và chìm vào vô thức. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở ngoài phố. Tôi vẫn nằm trên giường bệnh và cô y tá vẫn đang giữ ống truyền nước trên đầu tôi. Nhưng giường của tôi và một vài giường bệnh nhân khác đã được đưa ra ngoài phòng. Tôi nghĩ mình đang mơ ngủ, nhưng cô y tá giải thích rằng đã xảy ra hoả hoạn lúc tôi đang mổ và tất cả các bệnh nhân được sơ tán khẩn cấp ra ngoài phố.
Sau vài ngày, tôi hồi phục và được về nhà. Nằm trên giường tôi ngắm nghía chiếc cúp bạc đặt trên lò sưởi. Bác sĩ nói tôi không được chơi thể thao một thời gian dài nữa.
“Đừng lo Ricky” – Mẹ an ủi tôi khi bà bước vào phòng, lúc bác sĩ đi ra. “Con hãy nghĩ về Douglas Bader. Ông ấy không còn đôi chân. Những ông ấy vẫn chơi gôn, lái máy bay và làm được mọi việc. Chắc con không muốn chỉ nằm trên giường và chẳng làm gì cả ngày chứ?”
Nhưng điều tồi tệ nhất của vụ thương tích này là ngay lập tức tôi phải đối mặt với thực tế: tôi là một kẻ kém cỏi trong lớp. Tôi đã bị đội sổ trong tất cả các môn học và chắc chắn tôi không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh trung học (Kỳ thi dành cho thí sinh từ 13 tuổi – ND).
Tôi được gửi đi học ở trường khác, một trường luyện thi, nằm gần bờ biển Sussex, có tên là Cliff View House (Nhà ngắm cảnh vách đá). Ở đó không có giờ học thể thao làm các cậu bé hứng thú sau những giờ học tập vô vọng và nhọc nhằn để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trung học. Nếu bạn không biết đọc, nếu bạn không biết làm phép cộng, hoặc không thể nhớ nổi công thức tính diện tích hình tròn là S = p*r2 thì hậu quả rất đơn giản: bạn sẽ bị ăn roi cho đến khi nào bạn biết và nhớ được. Tôi đã học như thế, cùng với những nguyên tắc bất di bất dịch, những vết lằn ngang dọc trên mông. Tôi có thể mắc chứng đọc khó, nhưng tôi không được hưởng ngoại lệ. Chỉ là tôi không thể làm đúng việc đó. Khi tôi có câu trả lời biết chắc là sai, thì tất nhiên là nhận thêm những vết lằn, thêm một vài roi. Tôi gần như là đã trở nên chai lì với những trận đòn roi, có lẽ vì ít nhất thì chúng cũng qua nhanh.
Ở trường hầu như không môn thể thao gì ngoài chạy buổi sáng. Cùng với các lỗi mắc ở trên lớp, chúng tôi bị ăn roi hầu như là vì mọi thứ, chẳng hạn như không dọn dẹp giường đúng cách, chạy nhảy lúc được lệnh phải đi, nói chuyện lúc lẽ ra phải giữ im lặng, hoặc để giày bẩn… Có nhiều việc làm có thể bị coi là sai trái, đến nỗi chúng tôi chấp nhận rằng tuần nào chúng tôi cũng có thể bị ăn roi vì những hành động phạm lỗi rất mơ hồ.
Niềm an ủi duy nhất của tôi đó là Charlotte – cô con gái 18 tuổi của thầy hiệu trưởng. Cô ấy dường như thích tôi và tôi rất tự hào rằng, trong số các cậu bé ở trường, tôi đã nhận được sự chú ý của cô ấy. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã thường xuyên gặp nhau vào buổi tối.
Hàng đêm, tôi trèo qua cửa sổ phòng ký túc xá và rón rén lẻn tới giường của cô ấy trong nhà thầy hiệu trưởng. Vào một đêm, lúc tôi trèo qua cửa sổ trở lại phòng mình, tôi hoảng hồn khi thấy một thầy giáo bắt gặp hành động của tôi.
Sáng hôm sau, tôi bị gọi lên phòng thầy hiệu trưởng.
“Cậu đang làm cái gì đó, Branson?” – Thầy hiệu trưởng hỏi.
Câu trả lời duy nhất tôi có thể nghĩ ra lúc đó lại chính là câu trả lời ngu ngốc nhất: “Thưa thầy, em từ phòng con gái thầy trở về phòng ạ”.
Không có gì ngạc nhiên là tôi đã bị đuổi khỏi trường. Bố mẹ tôi được gọi đến đưa tôi về nhà ngay ngày hôm sau.
Cũng đêm hôm đó, không thể nghĩ ra được cách nào để thoát khỏi sự giận dữ của bố mẹ, tôi đã viết một lá thư tuyệt mệnh, nói rằng tôi đã không thể đối mặt với nỗi nhục bị đuổi học như vậy. Tôi viết trên phong bì là đến ngày hôm sau mới được mở lá thứ này. Sau đó tôi gửi lá thư cho một cậu bé, người mà tôi chắc rằng rất tò mò đến nỗi phải mở ngay thư ra xem trộm.
Tôi chậm rãi rời khỏi toà nhà và lê bước qua sân trường đi về phía những vách núi đá. Khi nhìn thấy đám đông có cả các thầy giáo và học sinh đang chạy theo, tôi đi chậm lại, đủ để họ có thể đuổi kịp tôi. Họ cố lôi tôi khỏi vách núi và kết quả là lệnh đuổi học đã được huỷ bỏ.

Bố mẹ tôi phản ứng nhẹ nhàng đến kinh ngạc về toàn bộ sự việc này. Thậm chí, bố tôi dường như còn rất ấn tượng rằng Charlotte là “một cô gái rất xinh”.