Quang Nghĩa lạy mà chịu mệnh. Thái Tổ lại gọi con là Đức Chiêu tới: "Làm vua không dễ, nay truyền ngôi cho hoàng thúc con, đã là thay sự cực nhọc cho con đó. Nay ban cho con kim giản một thanh, ở triều nếu có thần tử nào bất chính, thì con được phép trị tội". Đức Chiêu nói: "Lệnh của phụ hoàng, con đâu dám quên”. Thái Tổ dặn dò xong, nhìn Tấn Vương mà kêu to: "Ngươi hãy cẩn thận làm cho tốt!”. Xong thì băng hà, trị vì 17 năm, thọ 50 tuổi. Người sau có thơ vịnh rằng:
Cảnh cảnh Trần Kiều kiến đế tinh,
Hoàng khai Tống vận tế quang minh.
Can qua chỉ xứ lang yên diệt,
Sĩ mã khu lai vũ trụ thanh.
(Rỡ rỡ Trần Kiều gặp sao đế,
Mở ra triều Tống rỡ ràng thay.
Can qua dứt chốn sài lang hết,
Binh mã dẹp yên cảnh thái hòa.)
Vào lúc canh tư, Tống hậu vào gặp Tấn Vương, sửng sốt kêu nhiều lần: "Mạng sống của mẹ con tôi, đều nằm trong tay bệ hạ!" Tấn Vương khóc mà nói: "Em xin bảo đảm phú quý, chị đừng lo". Ngày thứ, Tấn Vương Quang Nghĩa tức vị, đổi niên hiệu, tức là Thái Tôn hoàng đế. Sau khi quần thần triều hạ xong, tôn Tống hậu làm Khai Bảo hoàng hậu, dời đến Tây Cung. Rồi hạ lệnh đại xá thiên hạ.
Lúc mới lên ngôi, Thái Tôn rất để ý các tướng soái. Các tướng phù Sảo Khanh, Mã Toàn Nghĩa... của triều trước đều đã mất. Một ngày kia Thái Tôn nói với quần thần: "Hà Đông, Liêu, Hạ đều là nước địch của ta, tiên đế lúc sắp băng hà, dặn dò trẫm về việc của hai danh tướng Thái Hành Sơn là Lý Kiến Trung, Hô Diên Tán, nay trẫm phải hạ chiếu triệu vào". Dương Quang Mĩ tâu rằng: "Bọn Lý Kiến Trung, tiên đế đã từng phong thụ, chính nên tuyên triệu nhập triều, bổ nhiệm làm Soái, bệ hạ nếu đánh Hà Đông thì bọn họ tất có thể lập được công”. Thế Tông theo lời tâu, ngay hôm đó sai Cao Quỳnh làm sứ, tới Thái Hành Sơn triệu bọn Lý Kiến Trung. Cao Quỳnh lãnh mạng, đem chiếu chỉ tới Thái Hành Sơn tuyên đọc:
“Trẫm mới kế vị, chú ý tướng soái. Nay Hà Đông chưa thu được, việc chinh chiến còn phải cảnh giác. Nay đặc biệt chiêu mộ các anh hùng để cùng bàn việc xuất chinh. Gần đây có Thái Hành Sơn Lý Kiến Trung, Hô Diên Tán cung mã tinh thông, võ nghệ siêu quần, quân sĩ tinh nhuệ, không dưới vài ngàn người. Trẫm theo di mệnh của tiên đế, đã từng thụ phong nhưng chưa ban cáo mệnh. Nay đặc biệt sai cận thần Cao Quỳnh mang chiếu đến tuyên, ngày các khanh nghe mệnh, hãy lập tức vào chầu, đừng phụ lòng trẫm.”
Bọn Lý Kiến Trung được chiếu, lạy thụ mệnh, mời Cao Quỳnh vào trướng làm lễ tương kiến. Quỳnh nói: "Chúa thượng nghe danh nhị vị tướng quân, sai hạ quan đến hối thúc vào chầu. Vậy hai ông nên theo chiếu mà làm". Kiến Trung nói: "Đã có lệnh vua, đâu dám kháng chỉ. Chỉ khó là nơi đây chỉ cách Hà Đông một dãy đất, nếu tướng, quân, ngựa đều vào đầu nơi cửa khuyết, kẻ địch sẽ thừa cơ đến đánh trại ta. Nay để Hô Diên Tán theo chiếu vào chầu thánh thượng, ta lưu lại ở đây, đợi đến khi thánh giá xuống Hà Đông, sẽ theo mà đánh giặc ngài thấy thế nào?" Quỳnh nghe theo lời này.
Ngày thứ, cùng Hô Diên Tán với Mã Thị và 2000 thuộc hạ, từ biệt Kiến Trung rời khỏi Thái Hành Sơn, thấm thoát đã tới Biện Kinh. Sau khi Cao Quỳnh dẫn Tán vào triều kiến Thái Tôn xong, tâu rõ nguyên nhân Lý Kiến Trung lưu lại ở trại. Thái Tôn tuyên Tán vào lên điện, thấy hình dạng khôi vĩ, uy phong lẫm lẫm, hết sức khen ngợi. Tán vừa muốn lui, Quỳnh lại tâu rằng: "Tướng mới vừa đến, bệ hạ nên cho phủ đệ mà ở, để biểu rõ hi vọng sự quy thuận của hiền tài". Thái Tôn mới hỏi quần thần: "Gần thành có chỗ tráng lệ nào không, sửa sang lại để Tán vào ở “.
Phan Nhân Mĩ bước ra tâu: "Thần được biết Đông Quách Môn của Biện Kinh có một tòa vương phủ, nguyên là Long Mãnh trại, chỉ có nơi đó là rộng rãi, nay có 1000 tráng binh canh giữ, nơi này thật số có thể ở được". Vua chuẩn tấu, liền hạ chỉ cho Hô Diên Tán ở nơi vương phủ đó. Tán được chỉ. Ngày thứ, dẫn thuộc hạ và Mã Thị đi ra Đông Quách Môn, đi đến nơi vương phủ, hóa ra là một ngôi nhà nát, hai nhà lớn đã đổ sụp, nhà giữa thì xiêu vẹo, sân đầy cỏ dại, góc nhà có rất nhiều mạng nhện giăng, hoàn toàn chưa được sửa sang, chỉ có 500 quân giữ, đều là những kẻ ốm yếu già nua. Tán rất không vui, mặt buồn bã. Mã Thị cố gắng khuyên rằng: "Tướng quân bớt giận, đây chẳng qua chỉ là nơi ở tạm thời, đợi thánh thượng đi đánh Hà Đông, chúng ta sẽ rời khỏi nơi này mà!" Tán nghe theo, ra lệnh quân hiệu quét dọn, sắp xếp mà ở. Ngày thứ, hạ lệnh thuộc hạ không được quên việc quân, mỗi ngày đều phải ra giáo trường thao luyện.
Đây nói về Phan Nhân Mĩ sai người do thám động tĩnh của Tán, và được báo là: "Từ khi Hô Diên Tán tới phủ của mình, không vì sự hoang tàn mà phật ý, chỉ ngày đêm chỉnh đốn nhung ngũ; hiệu lệnh thuộc hạ nghiêm minh, tất cả đều không dám tự ý vào thành nhiễu loạn bá tánh". Nhân Mĩ nghe báo, tự nghĩ kẻ này về sau tất được làm quan to, phải nghĩ kế để đuổi đi, bèn thương nghị với kẻ tâm phúc là Lưu Vượng. Vượng nói: "Việc này không khó, hắn nay mới đến, chưa được chức cao, ba ngày sau phải đến tham kiến đại nhân. Đợi cho đến khi hắn đến, ta kiếm cớ hành hạ hắn, hắn bị làm nhục tất sẽ trốn đi, ta đâu cần phải đuổi!". Nhân Mĩ mừng rỡ nói: "Thật là diệu kế!", liền dặn dò tả hữu để sẵn hình cụ mà chờ.
Ngày thứ tư, có người báo Hô Diên Tán vào phủ xin gặp Nhân Mĩ lệnh cho vào, Hô Diên Tán vào bệ quỳ lạy nói: "Tiểu tướng nhờ khu sứ nâng đỡ, nay được vào triều, nay nguyện tận trung dưới cửa khuyết, để báo đáp đại ân tri ngộ của tiên đế”. Nhân Mĩ im lặng hồi lâu, rồi nói: "Ngươi có biết pháp lệ do tiên vương để lại chăng?” Tán đáp: "Tiểu tướng mới đến, nên chưa được rõ". Nhân Mĩ nói: "Tiên hoàng thệ thư, phàm gặp bọn cướp được chiêu hàng xuống núi, đều phải chịu 100 roi ra oai, để ngăn về sau, nay ngươi cũng phải như thế?”. Tán nghe xong, giật mình chưa đáp. Nhân Mĩ liền nạt thủ hạ y phép thi hành. Tả hữu được lệnh, đem Hô Diên Tán vật ra trước thềm đánh 100 roi thật mạnh. Đáng thương Hô Diên Tán bị đánh đến thịt nát da nứt, máu tuôn dầm dề, kẻ khác nhìn thấy đều không ngăn được nước mắt. Nhân Mĩ sai người hầu khiêng ra ngoài.
Hô Diên Tán về đến phủ, Mã Thị đỡ lấy, thấy dung nhan đổi sắc, bước đi loạng choạng, hoảng sợ hỏi nguyên do. Tán kể lại việc bị đánh ra oai. Mã Thị nói: "Nếu tiên đế có pháp lệ này, thì cũng phải chịu, tướng quân chỉ nên nhẫn nại." Nói xong, hâm nóng rượu đưa Tán uống. Chưa uống cạn ly, chợt thét to một tiếng, ngã vật ra đất. Mã Thị thất kinh, bàng hoàng run rẩy, tìm mọi cách để cứu mà không tỉnh, bèn òa khóc mà nói: "Vợ chồng ta vốn muốn tận trung với triều đình, ai ngờ tự nạp mạng sống". Chợt bên cạnh có một người lính già nói: "Đây hẳn là khi tướng quân bị đánh trượng thì trên trượng đã được bôi thuốc độc, thấm vào da thịt, gặp rượu nóng bèn phát tác, nên mới ngất đi như thế. Để tôi đem linh dược mà giải, là lập tức tỉnh ngay". Mã Thị nói: "Nếu có thuốc hay, xin hãy chữa trị, sẽ có ngày báo tin này". Người lính già lấy thuốc viên, hòa chế rồi cho uống.
Hô Diên Tán ngấm thuốc, từ từ tỉnh lại, mọi người đều mừng rỡ. Tán hỏi người lính già: "Thuốc này sao lại hiệu nghiệm như vậy?" Người lính già nói: "Kẻ này từng bị kẻ thù hạ độc thủ, bị đánh mà chết, may nhờ phương ngoại đạo nhân cứu tỉnh, do đó được truyền bài thuốc này”. Tán dùng trăm lượng vàng hậu tạ, người lính già không nhận mà nói: "Tướng quân phải ở chỗ này, rõ ràng là bị đương triều Phan Nhân Mĩ hãm hại, vừa rồi bị độc trượng chắc cũng là mưu kế của hắn. Ngài nếu không đi gấp e rằng sớm muộn cũng khó bảo toàn được mạng sống!" Tán nghe xong nổi giận nói: "Quyền thần đương quốc, ta làm sao có chỗ lập thân". Liền hạ lệnh toàn bộ thuộc hạ thu thập hành lí, ngay đêm đó cùng Mã Thị chạy về Thái Hành Sơn.
Tảng sáng đã tới bên ngoài trại, tiểu tốt báo với Lý Kiến Trung. Kiến Trung không tin, ra trại xem thử, quả nhiên là Tán. Liền cùng vào trong trại hỏi lý do quay về. Tán đem việc bị đánh, nói lại một lượt. Lý Kiến Trung nổi giận nói: "Tên giặc này chắc do em giết con hắn, nên bày mưu này để trả thù. Nay hãy giữ ở đây, đợi thánh giá lại xuống Hà Đông, thì bắt tên thất phu này, xé xác ra ngàn mảnh". Tán vâng theo. Kiến Trung sai người bày tiệc rượu giải buồn.
Chợt nghe báo dưới núi có một toán người ngựa kéo đến, không biết là ai. Lý Kiến Trung lập tức dẫn quân ra trại nghênh đón, thì ra là bọn Cảnh Trung. Cảnh Lượng. Lý Kiến Trung mừng rỡ: "Vừa muốn đến mời hiền huynh, không ngờ nay tự đến, thật đúng ý tôi". Liền mời vào trong trướng chào hỏi, theo thứ tự ngồi uống rượu. Giữa tiệc Cảnh Trung hỏi: "Gần đây nghe hiền diệt được tuyên vào triều, hôm nay sao lại ở đây?" Kiến Trung đáp: "Một lời khó nói hết chuyện, Tán từng theo sứ giả vào chầu, muốn tận trung với triều đình, không ngờ gian thần Phan Nhân Mĩ ôm oán hận cũ, nhiều lần lập mưu hãm hại Tán". Và đem chuyện trước kia kể lại một lượt. Cảnh Trung nghe xong nổi giận: "Hiền đệ có trong tay bao nhiêu nhân mã?" Kiến Trung nói: "Khoảng hơn 8000 người". Trung nói: "Mượn ta 2000 người để ta cùng cháu Tán đi vây thành Hoài Châu, ép dâng tấu lên tâu rõ lòng gian của Phan Nhân Mĩ, để rửa oan cho cháu ta".
Kiến Trung vâng lời, ngay hôm đó giao 2000 nhân mã cho bọn Cảnh Trung, Hô Diên Tán, kéo đến phủ thành Hoài Châu vây chặt lấy thành. Tiếng chiêng trống dưới thành vang vọng trong ngoài, dân trong thành ai cũng kinh hãi. Quan Tri Châu là Trương Đình Thần biết được, lại lên thành quan sát. Xa xa trông thấy bọn Cảnh Trung đang diễu võ dương oai, la hét dưới thành. Đình Thần hỏi rằng: "Các ngươi kéo đến vây lấy thành trì là có ý gì?”, Cảnh Trung nói: “Chúng tôi đến không phải để cướp, mà vì rửa nỗi oan không rõ cho cháu tôi thôi". Đình Thần không hiểu lý do, liền hỏi muốn giải nỗi oan.
Trung nói: "Ngày trước, Thái Hành Sơn Hô Diên Tán chịu sự tuyên triệu của triều đình, đến cửa khuyết chầu vua, bị nịnh thần là Phan Nhân Mĩ hãm hại, lại giả lập tổ chế, đánh cho 100 roi ra oai, muốn lấy cả tính mạng, nên chỉ có thể bỏ trốn về sơn trại để bảo vệ mình. Nay triều đình không rõ lý do, mà buộc Tán có tội bỏ trốn. Nên hôm nay cố tình đem quân đến vây thành, yêu cầu đại nhân tâu rõ việc này, trừ bỏ nịnh thần, chúng tôi đều nguyện đi theo Trung Quốc vậy”. Đình Thần dụ nói: "Nếu có việc này, bọn ngươi hãy tạm lui, đừng kinh động bá tánh. Ta sẽ lập tức tấu rõ triều đình, rồi sẽ được triều đình tuyên dụ, người thấy thế nào?" Cảnh Trung liền hạ lệnh quân mà rút lui, cách thành 20 dặm hạ trại. Không biết có được tuyên triệu hay không? Xem hồi sau sẽ rõ.