Hôm sau, quần thần tâu: "Bệ hạ nay hương nguyện đã trả, xa giá nên lập tức hồi kinh, sợ e có tế tác không tiện". Thái Tông nói: "Trẫm ở sâu nơi chín bệ, khó được đến đây, cùng các khanh hãy lưu lại một ngày rồi về". Các quan không dám tâu nữa. Vua liền lệnh cho tăng chùa dẫn đường, kêu các quan cùng bước ra ngoài chùa, ngắm xem phong cảnh. Quả nhiên thấy là một ngọn núi đẹp, mặt trước khống chế U Châu, mặt sau tiếp với Thái Nguyên, nơi ranh giới sừng sững một tòa núi lạ, điệp điệp trùng trùng vạn ngọn núi đập vào mắt. Có thơ ca ngợi:
Ủng thúy thi lam điệp tú kỳ,
Khuy nhiên thế hạ biệt Hoa Di.
Phân minh chỉ xứ chiêm phong đỉnh,
Tiêu diêu vân hà tiếp Hán Tề.
(Biếc chẳng xanh thắm đẹp lạ thay,
Vời cao dưới thế vội chia tay.
Rõ ràng đến chốn cao vời vợi,
Lớp lớp mây tuôn nối tiếp xoay).
Thái Tông nhìn không biết chán và chỉ vào khoảng đất trước mắt mà hỏi rằng: "Cỏ dại mọc đầy, đó là nơi nào?” Phan Nhân Mĩ tâu: "Đó chính là U Châu, từ xưa là đất đóng đô, phong cảnh rất đẹp". Thái Tông nói: "Trẫm nên cùng văn võ các quan tới đó du ngoạn một hồi". Bát Vương vội tâu: "U Châu vốn là nơi ở của Liêu chúa Tiêu hậu, bệ hạ nếu đến đó là tự rơi vào nơi nguy hiểm vậy. Nay nên mau chỉnh đốn xa giá mà hồi kinh, tránh bị sỉ nhục". Thái Tông nói: "Ngày xưa Đường Thái Tông bình định Liêu Đông không phải cũng thân lâm chiến trận. Nay trẫm nơi đây có thiên quân vạn mã, lại phải sợ Tiêu hậu. Các ngươi hãy đi với trẫm không có gì phải lo". Bát Vương không dám can thêm. Ngay hôm đó xa giá rời Ngũ Đài Sơn, đến đất phần Dương, chợt thấy tinh kì rộp trời, bụi bay mờ đất, thám mã báo: "Phía trước có phiên binh cản đường". Thái Tông nói: "Ai có thể đi thám thính?" Một người ứng tiếng bước ra, thân cao bảy thước, uy phong lẫm lẫm, chính là Bảo giá tướng quấn Dương Uyên Bình. Tâu rằng: "Thần xin lên trước bắt bọn cản đường”. Thái Tông chuẩn tấu.
Uyên Bình dẫn quân mã xông lên trước. Nơi trận phiên, cửa cờ mở ra, một viên Liêu tướng mặt đen như sắt mắt như ánh sao, sử một cây đại đao, cưỡi một con ngựa Xích tung (bờm đỏ), đó là Gia Luật Kỳ. Kỳ quát: "Người Tống hãy mau lui về tha chết cho mi, nếu không, tự chuốc họa bị bắt vậy!" Uyên Bình giận nói: "Đồ rợ phiên man mọi, còn không rút đầu xa chạy, dám đến cản giá tìm chết ư!" Liền vác thương tế ngựa tới đâm tướng phiên, tướng phiên múa đao đón đánh, hai bên reo hò vang trời, hai tướng xoắn lấy nhau mà đánh. Gia Luật Kì đuối sức, quay ngựa bỏ chạy, quân Tống thừa thế ập vào. Quân phiên đại bại, dẫm đạp lên nhau, người chết vô số. Uyên Bình đuổi ngoài 5 dặm, mới quay về gặp Thái Tôn, tâu việc đánh bại quân Liêu. Thái Tông mừng rỡ, xa giá tiến đến Phần Dương đóng trại.
Gia Luật Kỳ thu tàn quân vào U Châu, tâu với Tiêu hậu: "Nay có Tống đế xa giá đóng ở Phần Dương, thần bị đánh bại mà về" Tiêu hậu thất kinh, và hỏi xa giá vua Tống vì sao lại đến đây. Cận thần tâu rằng: "Ngày trước đến Ngũ Đài Sơn trả lễ, nên tiện tới đây mà du ngoạn". Hậu nói: "Ngày trước các ngươi luôn muốn hưng sư phạt Tống, nay có cơ hội này, sao không ra mà tóm lấy họ". Lời chưa dứt, Thiên Khánh vương Gia Luật Thượng tâu rằng: "Thần nguyện dẫn quân tới đó, bắt giữ vua Tống mà dâng lên". Hậu nói: "Cần thêm một người để giúp khanh mới được" Mã Thát lệnh công Hàn Diên Thọ tâu rằng: "Thần xin đi cùng". Hậu mừng rỡ, liền cấp cho 1 vạn quân mà đi. Gia Luật Thượng ngay hôm đó dẫn quân ra khỏi U Châu, tới dưới thành Phần Dương, bao vây tứ phía, giọt nước cũng không lọt ra. Xa giá của Thái Tông bị nhốt ở Phần Dương, tự lấy làm hối hận. Liền lệnh Dương Uyên Bình ra quân lui giặc. Uyên Bình tâu rằng: "Quân Liêu mới đến khí thế rất hăng, nếu đánh ngay lập tức, chưa chắc thắng được. Nên dừng tạm vài ngày, chỉ một trận lui địch. Thái Tông chuẩn tấu.
Lúc bấy giờ, Gia Luật Thượng đích thân đốc thúc phiên binh đến dưới thành đánh gấp, tiếng reo như sấm, trong thành sợ hãi. Thái Tông lên địch lâu quan sát, chỉ thấy bốn phía quân phiên, như mây đen kéo tới vậy, doanh trại đóng liên tiếp vài dặm mà tiến đánh, liền hỏi thị thần: "Quân đông như vậy, làm sao thoát được nơi đây?" Phan Nhân Mĩ tâu: “Bệ hạ chớ lo, nay có Dương Nghiệp đóng quân mạnh ở Đại Châu, là nơi tiếp giáp với đất U Châu này, nếu có một người chạy đến nơi cầu cứu, thì có thể lui giặc được". Thái Tông hỏi: "Ai có thể đến Đại Châu tuyên dụ Dương Nghiệp đến cứu?" Dương Uyên Bình ứng tiếng bước ra tâu rằng: "Thần xin đi một chuyến".
Thái Tông liền đưa sắc chỉ, Uyên Bình giấu kỹ, nai nịt lên ngựa, mở cửa động giết ra. Vừa gặp phiên tướng là Lưu Bật cản lại. Uyên Bình không thèm đôi co, nghiến răng đâm một nhát, Lưu Bật té rớt khỏi yên. Uyên Bình thừa thế giết ra vòng vây, tới Đại Châu vào gặp cha, đem sắc chỉ dâng lên, thưa lại việc thánh thượng bị vây ở Phần Dương, bốn phía đều là phiên binh, phụ thân nên dẫn hết quân ở Đại Châu tới nơi cứu giá. Lệnh Công được chỉ, liền phát binh mà tiến. Cha con tám người rời khỏi Đại Châu, hướng về Phần Dương mà tiến.
Thám mã báo về trại phiên, báo với Thiên Khánh vương. Thiên Khánh vương liền triệu tập chư tướng lại bàn rằng: "Dương Nghiệp vốn là kình địch, nay đến cứu giá, phụ tử tất sẽ cố chết mà đánh, trong chúng ta ai là người dám chống cự. Chi bằng đem quân mã rút lui, để hắn vào thành, sau đó quay quân lại vây, không tới một tháng, đem chúa tôi hắn nhốt chết ở trong thành này.
Chúng nghe theo kế này, liền lệnh quân mã giải vây, lui lại năm dặm. Thám mã báo vào trong quân Dương Nghiệp. Nghiệp nghe tin này liền nói: "Người phiên không đánh mà lui, tất có mẹo đây, bọn chúng ta hãy vào thành kiến giá rồi mới nghĩ mẹo thoát ra". Dương Uyên Bình nói: "Đại nhân thật là sáng suốt". Liền chỉnh đốn quân mã vào thành triều kiến Thái Tôn. Thái Tông vui mừng nói: "Nếu không phải khanh đến cứu viện, quân địch làm sao chịu lui? Trẫm nghe tiếng khanh làm người Liêu phải sợ, liền tin không nghi vậy!" Nghiệp tâu rằng: "Người phiên bản tính vốn man rợ, ý nghĩ khó lường, lần này rút lui tất rồi sẽ quay binh lại vây nữa, mong bệ hạ lập tức chỉnh đốn xa giá, cha con hạ thần liều chết đánh ra”. Thái Tông nói: "Ngày mai trẫm sẽ hồi giá”. Chưa dứt lời, chợt nghe báo quân phiên tiến nhanh mà đến, lại vây thành quách như cũ. Thái Tông thất kinh nói: "Không ngoài sự tiên liệu của khanh”. Nghiệp tâu rằng: "Quân phiên rất đông, xa giá khó thể đi ra. Xin chờ thần xem thử thanh thế của quân địch, sau đó mới định kế mà phá". Thái Tông nói: "Khanh nên hết lòng tính toán". Nghiệp thừa mệnh mà lui.
Kế đó, Dương Nghiệp dẫn các con lên địch lâu quan sát thấy quân phiên bốn phương tám hướng chỉnh tề kéo đến, quân mã hùng tráng. Lệnh Công than rằng: "Với quân mạnh như vậy, cha con ta dù có đánh ra ngoài được làm sao bảo vệ cho các quan văn không bị thương đây?". Cho dù là Gia Cát tái sinh, cũng không có mẹo gì mà thi triển vậy!" Uyên Bình nói: "Nhưng cũng không thể bó tay ở đây mà chờ chết”. Lệnh Công nói: "Kế sách tuy có, chỉ là khó có được người chịu tận trung thôi". Uyên Bình cười nói: "Đại nhân ngày thường hay dạy là phải lấy cái chết mà báo vua Tống, nay cha con ta từ sau khi đến Trung Quốc, chúa thượng vây cho phủ đệ vô cùng sang trọng mà đối xử, tự nghĩ không có cách nào mà báo ơn đức này, nay gặp hoạn nạn, nếu có mẹo làm được con bất hiếu xin nguyện liều chết mà làm". Lệnh Công vui mừng nói: "Con nếu chịu làm theo kế ta, có thể bảo vệ vua quan vô sự, ngày mai ta sẽ tâu với chúa thượng, để lập tức mà làm". Uyên Bình thản nhiên như không, lẫm liệt mà bước xuống địch lâu.
Ngày hôm sau, Lệnh Công triều kiến Thái Tông tâu rằng: "Hôm qua thần quan sát thấy quân địch vô cùng tinh nhuệ. Bệ hạ nếu muốn thoát tai kiếp này, trừ phi học Kỷ Tín triều Hán của Hán Cao Tổ ở Mông Dương giả dâng hàng thư cho người phiên, nghênh đón ở cửa Tây, thần bảo vệ xa giá và các quan từ cửa Đông mà ra, mới có thể an toàn được". Thái Tông nói: "Mẹo này tuy hay, nhưng ai có thể học theo Kỷ Tín đây?" Lệnh Công nói: "Trưởng tử của thần là Dương Uyên Bình tình nguyện làm việc này, mong bệ hạ mau làm hàng biểu, sai người thông báo với trại phiên, nếu càng trì hoãn, e rằng cơ mưu bị tiết lộ không tiện".
Thái Tông nghe xong cảm động nói: "Trẫm mời cha con khanh đến Trung Quốc chưa được hưởng ân lớn nào, nay sao nỡ làm mất ruột thịt của khanh để cứu trẫm, đó không phải là hành động của kẻ nhân vậy". Uyên Bình bước ra tâu: "Việc gấp lắm rồi, nếu đợi ngày thành bị phá, ngọc đá đều vỡ, thì dù lưu lại phụ tử của thần, cũng không ích lợi gì. Nay nếu cứu được bệ hạ ra khỏi vòng vây này, để được tiếng thơm ngàn năm đó là việc thần tử phải làm vậy, đâu tiếc gì?" Lời chưa dứt, quân thủ thành vào báo: "Nam môn sắp vỡ, người phiên sắp trèo được lên thành". Uyên Bình nói: "Bệ hạ mau cởi áo ngự bào, cha thần cùng lục lang Diên Chiêu, thất lang Diên Tự bảo vệ xa giá ra cửa Đông; tiểu thần cùng em là nhị lang Diên Định, tam lang Diên Huy, tứ lang Diên Lăng, ngũ lang Diên Đức ra cửa Tây trá hàng. Nếu không thì cả vua, tôi đều khó giữ mạng."
Thái Tông bất đắc dĩ, cởi áo ngự bào, long xa pháp giá đều đưa hết cho Uyên Bình, trước tiên sai người mang hàng thư đi. Phiên tướng Thiên Khánh vương nhận được hàng thư của Tống đế, cùng mọi người thương nghị. Hàn Diên Thọ nói: "Người Tống bị vây phải ra hàng, việc này tất là thật không có dối, nay nên cho giảng hòa thả về, sao có chuyện hại họ được, cũng xin phúc thơ để sứ giả về phục mệnh".
Hôm sau, quân Tống cắm cờ hàng ở thành Tây, quân phiên liền lui về khoảng đất trống ở xa, chờ đợi vua Tống xuất thành. Thái Tông vội cùng văn võ dẫn khinh kỵ ra cửa Đông, nhắm hướng Biện Kinh mà chạy. Còn Dương Uyên Bình thì ngồi vững trên xe, sáu mặt cờ vàng, tiền hô hậu ủng, từ từ mà ra. Phiên tướng Thiên Khánh vương dẫn chúng tướng hàng ngũ chỉnh tề đứng dưới cờ ở thành Tây cao giọng: "Nếu thiên tử Trung Quốc tình nguyện nạp hàng, xin mời ra khỏi xa giá tương kiến, quyết không có ý mưu hại" Uyên Bình ở trong xe nghe thấy, lệnh tả hữu vén rèm lên, thấy phiên vương ngồi ở trên người xem chung quanh như chỗ không người, giận nói rằng: "Không giết tên giặc nô, sao có thể rửa mối nhục này. Liền giương cung đặt tên, nhắm chuẩn cổ bắn một phát, tiếng vừa vang lên, Thiên Khánh vương theo tiếng cung bật mà ngã xuống. Chính là:
Nhất thời chủ tướng thành hà sự,
Khoảnh khắc phiên vi tiễn hạ vong.
(Khoảnh khắc chủ tướng có ra sao,
Chớp mắt giặc Phiên bỏ mạng rồi).
Dương Uyên Bình bắn chết phiên vương, nhảy ra khỏi xe, lớn tiếng quát rằng: "Ta là con lớn của Dương Lệnh Công, tên là Uyên Bình, ai có giỏi hãy đến đánh". Quân phiên hoảng sợ, khiến Hàn Diên Thọ nổi giận, hạ lệnh quân phiên đồng loạt bắt tên thất phu, rồi nâng thương tế ngựa xông vào trong quân Tống. Uyên Bình ngựa yên chưa chuẩn bị, không kịp nghênh địch, bị Hàn Diên Thọ đâm một thương té chết dưới xe. Diên Định vừa muốn đến cứu, Gia Luật Kỳ vỗ ngựa xông ra, hai tướng giao phong, Diên Định tuy dũng cảm, nhưng thuộc hạ trốn hết, bị quân phiên ồ ạt kéo đến, chém gãy chân ngựa, lôi xuống bằm nát như tương. Diên Huy thấy thế bất lợi, xông ra vòng vây mà chạy, chưa được một dặm, từ trong lau sậy, móc câu dây dài đồng loạt quăng ra, kẻo ngã con ngựa Diên Huy đang cưỡi. Diên Huy người rời khỏi yên, thì đã bị quân phiên chém chết. Diên Lăng biết các anh đã bị nạn, hốt hoảng giết ra. Sau lưng Hàn Diên Thọ, Gia Luật Kỳ tinh binh đều đuổi đến, bốn phía vây chặt, Diên Lăng xông pha không được, bị quân Bắc bắt được, toàn bộ kị binh thuộc hạ đều bị giết sạch.