Tôi rất vui khi David Burns nay tạo điều kiện cho các bạn có dịp tiếp cận với phương pháp giúp điều chỉnh tâm trạng con người, vốn đã khiến rất nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần như chúng tôi say mê và tham gia tìm hiểu. Bác sĩ Burns đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu tại Đại học Pensylvania về nguyên nhân và phương pháp điều trị trầm cảm, và ông sẽ giới thiệu cho bạn rõ từng phần của quá trình điều trị chuyên khoa quan trọng được đúc kết từ quá trình nghiên cứu đó. Tác phẩm này thật sự cần thiết cho những ai muốn có được nguồn thông tin hàng đầu trong việc tìm hiểu và làm chủ tâm trạng của chính mình.
Đôi lời giới thiệu về quá trình phát triển của liệu pháp nhận thức có thể sẽ giúp độc giả cảm thấy hào hứng hơn về tác phẩm Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn. Những ngày chập chững bước chân vào nghề, là một cậu sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, đồng thời là bác sĩ thực tập bộ môn Phân tích tâm lý học, tôi đã bắt đầu tìm hiểu các bằng chứng thí nghiệm ủng hộ cho thuyết Freudian và liệu pháp chữa trầm cảm. Trong khi những bằng chứng đó quá khó hiểu thì những thông tin tôi thu thập được trong quá trình tìm tòi lại mở ra một lý thuyết mới, dễ thử nghiệm về nguyên nhân gây ra xáo trộn cảm xúc. Nghiên cứu có vẻ đã hé lộ một điều: những người hay nói đầu buồn rầu tự xem mình là kẻ “bại trận”, là người không đủ khả năng và làm gì cũng không tránh khỏi thất vọng, nghèo khó, bị bẽ mặt, và thất bại là tất yếu. Những thí nghiệm mới cho thấy sự khác biệt đáng kể trong cách người mang tâm trạng sầu thảm đánh giá bản thân, về kỳ vọng của họ, niềm khát khao bên trong so với những gì họ thật sự làm được. Kết luận của tôi là, người bị suy nhược thần kinh chắc chắn đã gặp phải tình trạng xáo trộn trong suy nghĩ: những người như vậy có lối suy nghĩ rất đặc trưng và đầy tiêu cực về bản thân, về môi trường sống và về tương lai. Chính tinh thần nhuốm màu bi quan đó đã tác động đến tâm trạng bệnh nhân, cả động lực sống, và các mối quan hệ giữa họ với người khác, đồng thời kéo theo một loạt các triệu chứng tâm lý lẫn thể chất vốn rất điển hình của chứng trầm cảm.
Chúng ta nay đã có một nguồn dữ liệu đầy đủ, rút ra từ nhiều nghiên cứu lâm sàng, cho thấy con người có thể học cách kiểm soát những biến đổi không vui của tâm trạng và lối cư xử có hại cho bản thân nhờ vào một vài nguyên tắc và kỹ thuật khá đơn giản. Những kết quả đầy hứa hẹn từ khám phá trên đã khơi dậy trong chúng tôi – các chuyên gia tâm thần học, bác sĩ tâm lý và nhiều vị chuyên khoa sức khỏe thần kinh khác – nhu cầu tìm hiểu về lý thuyết liệu pháp nhận thức này. Rất nhiều tác giả đã xem các khám phá của chúng tôi là bước đột phá trong nghiên cứu khoa học về liệu pháp tâm lý và biến đổi cá nhân. Những điểm mới trong lý thuyết về chứng xáo trộn cảm xúc đằng sau nghiên cứu này đã trở thành chủ đề nóng của rất nhiều nghiên cứu dài hơi, tại nhiều viện hàn lâm trên toàn thế giới.
Bác sĩ Burns đã miêu tả rất rõ ràng điểm tiến bộ của những hiểu biết mới này về trầm cảm. Với lối hành văn đơn giản, ông đã trình bày các phương pháp cải tiến và hiệu quả nhằm giải tỏa tâm trạng đau buồn do xáo trộn tâm lý gây ra, đồng thời giúp giảm căng thẳng bởi chứng suy nhược thần kinh. Tôi mong các độc giả sau khi đọc tác phẩm này sẽ áp dụng được các quy tắc và kỹ thuật mà chúng tôi đề xuất nhằm giải quyết vấn đề của chính mình, hoặc đưa vào quá trình chữa trị cho bệnh nhân. Với những ai gặp xáo trộn nặng nề về cảm xúc, các bạn cần sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Riêng với những vấn đề không quá nan giải, hẳn bạn sẽ nhận ra nhiều chuyển biến tích cực khi ứng dụng các kỹ năng xử lý căng thẳng rất “đời thường” do bác sĩ Burns hướng dẫn. Do đó, tôi dám nói Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn sẽ chứng minh cho bạn thấy đây là quyển cẩm nang chi tiết cực kỳ hữu ích cho những người muốn tự cứu lấy mình.
Cuối cùng, tác phẩm này còn thể hiện chân dung con người đặc biệt của tác giả, vị bác sĩ luôn tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo.
Chính ông là món quà tuyệt vời nhất dành cho các bệnh nhân, và cả chúng tôi, những đồng sự.
Bác sĩ
AARON T. BECK
Giảng viên môn Tâm thần học
Đại học Pennsylvania
Khoa Dược (Bản có sửa đổi năm 1999)
Tôi thật sự kinh ngạc trước những lợi ích do liệu pháp nhận thức hành vi mang lại; tôi đã công bố liệu pháp này trong quyển Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn ấn bản đầu tiên năm 1980. Ở thời điểm đó, chẳng mấy ai có dịp nghe về liệu pháp nhận thức. Nhưng từ đó về sau, liệu pháp nhận thức đã tạo tiếng vang lớn trong giới chuyên gia sức khỏe tâm thần, lẫn trong xã hội nói chung. Trên thực tế, liệu pháp nhận thức đã trở thành một trong những phương pháp được ứng dụng rộng rãi nhất và được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất của ngành tâm lý học trị liệu trên toàn thế giới.
Vì sao liệu pháp tâm lý này lại đáng quan tâm đến vậy? Tôi có thể chỉ ra ít nhất ba lý do. Thứ nhất, các ý tưởng chính của liệu pháp rất dễ nắm bắt và hấp dẫn trực giác con người. Thứ hai, có rất nhiều nghiên cứu khẳng định liệu pháp nhận thức rất hữu ích cho những ai đang hứng chịu chứng trầm cảm và căng thẳng, cùng nhiều vấn đề sức khỏe thường gặp nhất. Thật ra, liệu pháp nhận thức chí ít cũng có tác dụng không thua kém gì các loại thuốc chữa trầm cảm hiệu nghiệm (như Prozac). Và thứ ba, có rất nhiều sách phát triển bản thân được độc giả nhiệt liệt đón nhận, trong đó có tác phẩm Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn của tôi, đã tạo nên một nhu cầu có thật trên toàn nước Mỹ, và trên toàn thế giới; ai cũng mong được thử qua liệu pháp nhận thức này.
Trước khi đi vào giải thích một số khám phá mới đầy hấp dẫn, tôi muốn giải thích ngắn gọn với bạn liệu pháp nhận thức là gì. Nhận thức là một suy nghĩ hoặc quan điểm. Nói cách khác, nhận thức chính là cách bạn suy nghĩ về sự vật sự việc ở mọi thời điểm, kể cả lúc này, khi bạn đang đọc tác phẩm của tôi. Những suy nghĩ này liên tục diễn ra trong tâm trí bạn hoàn toàn tự động và thường tạo ra tác động mạnh mẽ lên những gì bạn cảm nhận.
Ví dụ, ngay lúc này đây, hẳn bạn đang có vài suy nghĩ và cảm nhận dành cho quyển sách này. Nếu bạn chọn đọc nó vì trong bạn đang có nỗi u sầu và nản chí, thì bạn hẳn đang nghĩ về một điều gì đó tiêu cực hoặc sặc mùi chỉ trích bản thân, như "Mình là kẻ thất bại. Bị làm sao vậy chứ? Mình chẳng bao giờ khá nổi. Sách phát triển bản thân vớ vẩn kiểu này thì làm được gì. Suy nghĩ của mình có bị gì đâu. Vấn đề mình đang gặp ngoài kia thì có." Nếu bạn đang bực dọc và khó chịu thì có thể bạn sẽ nghĩ: "Thằng cha Burns này đúng là lừa đảo, chỉ muốn kiếm tiền chứ gì. Có khi lão còn chẳng biết mình đang nói về cái gì nữa." Còn nếu bạn cảm thấy lạc quan và quan tâm đến chủ đề này, hẳn bạn sẽ nghĩ thầm, "Nghe cũng hay hay. Biết đâu mình học được cái gì đó thật sự thú vị và có ích thì sao." Tùy trường hợp, tư tưởng của bạn sẽ sinh ra cảm xúc.
Ví dụ trên miêu tả nguyên tắc quan trọng cốt lõi nhất của liệu pháp nhận thức – những gì bạn cảm nhận là kết quả của thông điệp bạn gửi đi cho chính mình. Trên thực tế, suy nghĩ của bạn tác động đến cảm xúc nội tại nhiều hơn những gì đang xảy ra trong cuộc sống.
Ý tưởng này không có gì mới mẻ. Gần 2.000 năm trước, triết gia người Hy Lạp Epictetus đã chỉ ra rằng, con người bị xáo trộn “không phải do gì hết, mà chính là do quan điểm họ chọn cho mình.”
Như trong Kinh Cựu Ước phần châm ngôn 23:7, bạn sẽ thấy câu:
"Vì hắn nghĩ trong lòng thế nào, thì hắn ra thế ấy." Và thậm chí đại văn hào Shakespeare cũng thể hiện quan điểm tương tự, ông viết:
"Không có gì tốt hay xấu, tất thảy do suy nghĩ mà ra" (vở Hamlet, màn 2, cảnh 2).
Dù ý tưởng đó đã được khẳng định qua nhiều thế kỷ, nhưng phần đông những người mang tâm trạng sầu não lại chẳng hề lĩnh hội được bao nhiêu. Nếu bạn cảm thấy suy sụp, bạn có thể đang nghĩ về những điều không vui từng xảy đến với mình. Bạn có thể nghĩ mình thua kém người khác và số phận bắt bạn không được hạnh phúc, bởi bạn thất bại trong công việc hoặc bị người bạn yêu ruồng bỏ. Có thể suy nghĩ thấy mình không xứng đáng chính là hậu quả của một điểm yếu nào đó của cá nhân bạn – bạn tin mình không đủ thông minh, chưa đủ thành công, chưa đủ hấp dẫn, hoặc không đủ tài ba nên bạn chưa thể vui và hài lòng nổi. Nếu bạn mang trong lòng cảm xúc tiêu cực thì có thể đó là tàn dư của một tuổi thơ thiếu tình thương hoặc nhiều đau buồn, hoặc một yếu tố di truyền không hay từ cha mẹ, hoặc do xáo trộn kích thích tố trong cơ thể, đại loại thế.
Có khi bạn trút giận lên người khác vào những lúc buồn phiền: “Mấy thằng cha tài xế cà chớn này khiến mình nổi điên mỗi sáng lái xe đi làm! Nếu không gặp mấy tay ấy thì hôm nay mình đã có một ngày hoàn hảo!” Và hầu như mọi cá nhân gặp căng thẳng kiểu này đều nghĩ chỉ có mình họ đang phải đối mặt với sự thật tồi tệ về bản thân, về thế giới, và những cảm xúc đáng sợ trong tâm tưởng đều là thật và không thể tránh khỏi.
Chắc chắn những suy nghĩ dạng này đều có một chút sự thật trong đó – chuyện tồi tệ xảy ra thường xuyên trong cuộc sống, và đôi khi cuộc đời đối xử với ta chẳng ra gì. Rất nhiều người từng hứng chịu mất mát lớn lao, hoặc trải qua nhiều vấn đề cá nhân đau đớn khôn cùng. Những yếu tố di truyền, các kích thích tố trong ta, và cả kỷ niệm thời thơ ấu, hẳn tất thảy đều có tác động lên cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Và quanh ta thiếu gì những kẻ thối nát, cục súc hoặc ích kỷ. Nhưng tất cả những gì ta tin là nguyên nhân gây ra tâm trạng tồi tệ kia đều có xu hướng biến ta thành nạn nhân – ta tin nó bắt nguồn từ những điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. Suy cho cùng, chúng ta đâu thể bắt người khác thay đổi thói quen lái xe trong giờ cao điểm; ta đâu thể quay ngược thời gian để nói người lớn cư xử khác đi hồi ta còn bé; ta cũng chẳng thể can thiệp vào bộ mã gien di truyền hoặc kích thích tố trong người (uống thuốc thì giúp được tí chút). Ngược lại, bạn hoàn toàn có thể thay đổi những giá trị sống và niềm tin trong tâm trí. Khi làm được, bạn sẽ nhận ra nhiều thay đổi to lớn và lâu dài trong tâm trạng của chính mình, cả diện mạo bên ngoài và hiệu quả trong công việc. Tóm lại, liệu pháp nhận thức có thế thôi.
Lý thuyết thì đơn giản, có thể quá đơn giản – nhưng bạn đừng gạt nó đi như kiểu tâm lý học thông thường. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy liệu pháp nhận thức hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên – dù bạn có thể hoài nghi một chút (tôi cũng từng như thế) khi lần đầu tiên tìm hiểu nó. Bản thân tôi từng trải qua hơn 30.000 giờ thử nghiệm liệu pháp nhận thức này với hàng trăm cá nhân bị trầm cảm và căng thẳng giày vò, vậy mà lần nào tôi cũng ngạc nhiên trước hiệu quả và sức mạnh mà phương pháp này mang lại.
Tác dụng của liệu pháp nhận thức đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu tiến hành về sau, do biết bao nhà nghiên cứu trên toàn cầu thực hiện suốt 20 năm qua. Trong một bài viết đáng chú ý gần đây có nhan đề "Psychotherapy vs. Medication for Depression: Challenging the Conventional Wisdom with Data" (So sánh giữa liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm: Thách thức hiểu biết thông thường bằng dữ kiện) của bác sĩ David O. Antonuccio và William G. Danton thuộc trường Đại học Nevada, và bác sĩ Gurland Y. DeNelsky thuộc bệnh viện chuyên khoa Cleveland, họ xem xét lại thật kỹ nhiều nghiên cứu về trầm cảm được đăng trên các tạp chí y khoa trên toàn thế giới. Công trình của họ là so sánh giữa thuốc chữa trầm cảm với các liệu pháp tâm lý nhằm điều trị chứng trầm cảm và căng thẳng.
Các nghiên cứu ngắn hạn và cả những nghiên cứu dài hạn theo dõi trên số lượng mẫu, tất cả đều được tổng hợp trong bài viết trên. Các tác giả đưa ra một số kết luận gây sửng sốt và trái ngược hẳn với những gì mọi người thường nghĩ:
*
Dù trầm cảm thường được xem là một loại bệnh y khoa, nhưng những nghiên cứu này lại chỉ ra rằng các yếu tố di truyền chỉ chiếm 16% nguyên nhân tác động gây ra trầm cảm. Đối với đa số bệnh nhân, những ảnh hưởng từ cuộc sống mới thật sự là nguyên nhân to lớn nhất.
*
Thuốc là phương pháp chữa trầm cảm phổ biến nhất tại Mỹ, và đa phần mọi người đều bị giới truyền thông nhồi nhét rằng dùng thuốc là liệu pháp hữu hiệu nhất. Thế nhưng, ý kiến trên lại không tương thích với kết quả của hàng loạt nghiên cứu suốt 20 năm qua. Các nghiên cứu ấy cho thấy nhiều phương pháp mới trong tâm lý trị liệu, đặc biệt là liệu pháp nhận thức, chí ít cũng đạt được tác dụng ngang ngửa với việc dùng thuốc, thậm chí nhiều bệnh nhân cho biết liệu pháp mới hiệu quả hơn. Quả là tin tốt lành cho những ai thích được chữa bệnh không dùng thuốc – có thể vì họ thích như thế, hoặc do sợ ảnh hưởng sức khỏe. Và đây còn là tin tốt lành cho hàng triệu người khác vốn đã bị lờn các loại biệt dược chữa trầm cảm sau nhiều năm theo đuổi phác đồ trị liệu và những người đang phải đối phó với chứng trầm cảm.
*
Khi theo dõi tiến trình hồi phục, các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý có vẻ duy trì hiệu quả chữa bệnh lâu dài và tỉ lệ tái phát cũng thấp hơn hẳn, so với những người chỉ sử dụng thuốc chống trầm cảm. Đây là điểm đặc biệt quan trọng bởi thực tế cho thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh trở lại sau điều trị ngày một gia tăng, đặc biệt nếu họ chỉ được dùng thuốc mà không kết hợp bất kỳ liệu pháp hỗ trợ nào.
Dựa trên những gì khám phá được, bác sĩ Antonuccio và các cộng sự đã kết luận rằng: chúng ta không nên xem liệu pháp tâm lý là phương án phụ, mà ngược lại, nó phải là phương pháp điều trị đầu tiên đối với chứng trầm cảm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhấn mạnh rằng, liệu pháp nhận thức chứng tỏ nó là một trong những kiểu liệu pháp tâm lý hữu hiệu nhất để đương đầu với trầm cảm, nếu không muốn nói là có tác dụng mạnh nhất.
Dĩ nhiên, thuốc men lại là một công cụ điều trị hiệu quả khác, tùy đối tượng bệnh nhân, thậm chí nó còn đóng vai trò cứu mạng. Thuốc có thể được kết hợp với liệu pháp tâm lý nhằm đạt đến hiệu quả cao nhất, đặc biệt với các ca nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ta cần ý thức là ta đang nắm trong tay một công cụ mới để chiến đấu với trầm cảm, và những phương pháp điều trị không dùng thuốc như liệu pháp nhận thức cũng cực kỳ hiệu quả.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy, liệu pháp tâm lý không chỉ hiệu quả với những trường hợp bệnh nhẹ, mà cả cho những ca trầm trọng. Những khám phá này trái ngược với những gì trước nay người ta thường tin, rằng “liệu pháp trò chuyện” chỉ giúp được các ca nhẹ, một khi bệnh đã nặng thì chỉ còn cách uống thuốc.
Có thể nguồn thông tin ta nhận được nói rằng trầm cảm là hệ quả của sự mất cân bằng hoạt chất trong não, nhưng những nghiên cứu mới lại cho thấy liệu pháp thay đổi hành vi bằng ý thức thật sự có thể làm biến đổi các chất xúc tác trong não bộ con người.
Theo những nghiên cứu này, các bác sĩ Lewis R. Baxter Jr., Jeffrey M. Schwartz, Kenneth S. Bergman, và các đồng sự khác tại Trường Y khoa UCLA, đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính bằng bức xạ positron (Positron Emission Tomography – PET scan), nhằm đánh giá những biến đổi trong chuyển hóa não bộ của hai nhóm bệnh nhân trước và sau trị liệu. Một nhóm được áp dụng liệu pháp nhận thức và không uống thuốc, nhóm còn lại uống thuốc chống trầm cảm ngoài ra không có bất kỳ liệu pháp tâm lý nào can thiệp.
Đúng như dự đoán, có chuyển biến xảy ra trong quá trình biến đổi các hoạt chất trong não trên nhóm dùng thuốc và bệnh thuyên giảm. Những thay đổi này cho thấy tốc độ chuyển hóa trong não của họ chậm lại – nói cách khác, các dây thần kinh phân bổ tại một số trung khu nhất định được “thả lỏng”. Và ngạc nhiên thay, biến đổi tương tự cũng diễn ra trong não bộ của nhóm các bệnh nhân được điều trị với liệu pháp thay đổi hành vi bằng ý thức, dù họ không uống một viên thuốc nào. Chưa hết, hoàn toàn không có điểm khác biệt đáng kể nào về chuyển hóa hoạt chất não giữa hai nhóm dùng thuốc và dùng liệu pháp tâm lý; hiệu quả của hai cách điều trị này cũng không có khác biệt. Chính nhờ kết quả thu được từ nghiên cứu này và một số nghiên cứu khác nữa mà các nhà khoa học lần đầu tiên chính thức xem xét liệu phương pháp biến đổi hành vi bằng ý thức – đó cũng là nội dung của quyển sách này – có thể giúp ích cho bệnh nhân thông qua chuyển biến hoạt chất của hệ thần kinh và cấu trúc lại não bộ hay không.
Dù không một phương pháp nào có thể đóng vai trò là thuốc chữa bá bệnh, nhưng các nghiên cứu trên cho thấy liệu pháp nhận thức có thể rất hữu hiệu đối với nhiều chứng rối loạn khác nhau, bên cạnh chứng trầm cảm. Ví dụ, trong một vài nghiên cứu, bệnh nhân bị các cơn hoảng sợ đã có phản ứng với liệu pháp nhận thức mà không cần uống thuốc tốt đến mức các chuyên gia nay đã xem liệu pháp nhận thức là phương pháp điều trị tốt nhất cho chứng rối loạn tâm lý dạng này. Liệu pháp nhận thức còn hiệu quả cho nhiều kiểu căng thẳng thần kinh (như lo lắng triền miên, các kiểu ám ảnh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý). Nó còn được áp dụng thành công trong điều trị rối loạn nhân cách như chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Liệu pháp nhận thức còn được biết đến như một phương pháp điều trị cho nhiều dạng rối loạn khác. Năm 1998, tại Hội nghị Dược lý học Tâm thần Stanford, tôi bị thu hút bởi bài phát biểu của một đồng sự thuộc trường Stanford, bác sĩ Stuart Agras. Ông được biết đến là chuyên gia nổi tiếng về điều trị chứng rối loạn ăn uống như chứng cuồng ăn, chứng ăn uống vô độ và chứng biếng ăn tâm lý.
Ông đã trình bày các kết quả thu được từ nhiều bài nghiên cứu gần nhất, so sánh giữa việc điều trị rối loạn ăn uống bằng thuốc chống trầm cảm với việc sử dụng liệu pháp tâm lý. Các nghiên cứu đó cho thấy, liệu pháp nhận thức hành vi tỏ ra là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với chứng rối loạn ăn uống này – tốt hơn rất nhiều so với việc dùng thuốc và cả những dạng liệu pháp tâm lý khác.
Chúng ta giờ đã bắt đầu biết thêm nhiều thứ về phương thức tác động của liệu pháp nhận thức. Một khám phá quan trọng khác là ý thức phát triển bản thân chính là chìa khóa giúp bạn hồi phục, dù có được điều trị chuyên khoa hay không. Trong loạt bài gồm 5 nghiên cứu đăng trên hai tạp chí y khoa danh tiếng Journal of Consulting and Clinical Psychology và The Gerontologist, bác sĩ Forest Scogin và các đồng sự của ông tại Đại học Alabama đã nghiên cứu về hiệu ứng của một hành động đơn giản: đọc những quyển sách phát triển bản thân có chất lượng – và không cần bất kỳ liệu pháp nào khác. Tên của kiểu điều trị mới này là “bibliotherapy” (liệu pháp đọc sách). Họ còn khám phá ra liệu pháp đọc quyển sách này có thể tạo ra hiệu quả ngang với cả một phác đồ điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc chống trầm cảm loại tốt nhất. Khi phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí điều trị thì đây là giải pháp đáng quan tâm, bởi một quyển sách bìa mềm như quyển này rẻ hơn hai viên thuốc Prozac – và không đi kèm với bất kỳ tác dụng phụ nào!
Trong một nghiên cứu mới đây, bác sĩ Scogin và đồng sự của ông, bác sĩ Christine Jamison, đã chọn ngẫu nhiên 80 bệnh nhân bị trầm cảm nặng trong nhiều năm và có nhu cầu điều trị, để mời họ tham gia vào một trong hai nhóm đối chứng. Các nhà nghiên cứu trao cho bệnh nhân trong nhóm 1 mỗi người một quyển sách này và khuyến khích họ đọc hết trong vòng bốn tuần. Nhóm này được đặt tên là Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm. Người bệnh còn được tặng kèm một quyển cẩm nang chừa sẵn giấy làm bài tập thực hành theo hướng dẫn trong sách.
Bệnh nhân thuộc nhóm 2 được thông báo rằng họ thuộc nhóm chờ chữa trị, và phải mất bốn tuần bệnh viện mới có thể tiến hành điều trị cho họ. Nhóm này được gọi là Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn vì bốn tuần sau ngày bắt đầu tham gia nghiên cứu, mỗi người mới được phát cho một quyển sách này. Người bệnh trong Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn đóng vai trò nhóm đối chứng để xem hiệu quả của liệu pháp đọc sách có phải chỉ đơn giản là thời gian tự chữa lành hay không.
Theo đánh giá ban đầu, các nhà nghiên cứu cho bệnh nhân thực hiện hai bài kiểm tra để đo mức độ trầm cảm. Một là: Bảng 21 câu hỏi Beck Depression Inventory (BDI – một bài kiểm tra vô cùng hiệu quả và đã được kiểm chứng qua thời gian), cho phép bệnh nhân được chọn nhiều phương án trả lời miễn phù hợp với những gì họ tự đánh giá bản thân và bài thứ hai là Hamilton Rating Scale for Depression (HRSD) có 17 câu hỏi được các chuyên gia dùng để đánh giá bệnh nhân. Nếu bạn nhìn vào Biểu đồ 1, không có khác biệt mấy giữa mức độ trầm cảm thuộc hai nhóm theo đánh giá ban đầu. Bạn cũng có thể nhận ra điểm trung bình của Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm và Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn đều xấp xỉ 20 hoặc cao hơn sau cả hai bài kiểm tra BDI và HRSD. Số điểm còn cho thấy mức độ trầm cảm trong cả hai nhóm đều gần giống với những gì được miêu tả trong các nghiên cứu đã công bố về thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý. Trên thực tế, điểm BDI lần này gần như giống hoàn toàn với mức BDI tôi thu thập được từ số lượng xấp xỉ 500 bệnh nhân tham gia điều trị ở bệnh viện đa khoa Philadelphia nơi tôi làm việc vào cuối những năm 1980.
Hàng tuần, một trợ lý nghiên cứu sẽ gọi cho các bệnh nhân thuộc hai nhóm và đánh giá điểm BDI của họ qua điện thoại. Người trợ lý còn trả lời những thắc mắc của người bệnh về nghiên cứu này, đồng thời động viên những người thuộc Nhóm Đọc Sách Sớm cố gắng hoàn thành quyển sách trong thời hạn bốn tuần. Các cuộc gọi không quá 10 phút và chuyên viên sẽ không đưa ra lời khuyên điều trị nào.
Biểu đồ 1. Các bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm (biểu đồ phía trên) được phát quyển sách này ngay thời điểm bắt đầu đánh giá. Các bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn (biểu đồ bên dưới) chỉ được nhận quyển sách này sau khi thực hiện đánh giá sau 4 tuần.
Sau khi thời hạn bốn tuần kết thúc, hai nhóm này được mang ra so sánh. Như bạn thấy trong Biểu đồ 1, các bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm có cải thiện đáng kể. Trên thực tế, điểm trung bình hai bài kiểm tra BDI và HRSD của họ đạt điểm 10 hoặc thấp hơn; đây là số điểm được xem là bình thường, không bị trầm cảm.
Những biến đổi về mức độ trầm cảm này rất đáng kể. Bạn có thể thấy, bệnh nhân sau ba tháng điều trị vẫn duy trì được mức độ tâm lý bình thường mà không bị tái phát. Trên thực tế, bệnh nhân cho thấy xu hướng bệnh tình ngày một thuyên giảm cả khi liệu trình điều trị đã hoàn toàn chấm dứt; số điểm thu được ở cả hai bài kiểm tra thậm chí còn thấp hơn ở giai đoạn 3 tháng điều trị.
Ngược lại, khi bạn xem Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn trong biểu đồ 1, họ gần như không có chuyển biến gì và số điểm vẫn khoảng 20 sau 4 tuần. Điều này cho thấy khả năng bình phục nhờ đọc quyển sách này không phải chỉ nhờ vào thời gian tự chữa lành.
Tiếp theo, các bác sĩ Jamison và Scogin trao cho các bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn mỗi người một quyển này và yêu cầu họ đọc trong vòng 4 tuần tiếp theo của quá trình điều trị.
Những chuyển biến tích cực ở nhóm này cũng y hệt Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm như kết quả thu được trong bốn tuần đầu tiên. Bạn cũng có thể thấy trong biểu đồ 1, người bệnh thuộc cả hai nhóm không hề tái phát mà vẫn duy trì được tâm trạng tốt trong lần đánh giá 3 tháng tiếp theo.
Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng: quyển sách này đã chứng tỏ khả năng giải tỏa trầm cảm hết sức hiệu nghiệm. Sau bốn tuần tham gia liệu pháp đọc sách, 70% bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm đã thoát khỏi mức trầm cảm nặng, dựa trên tiêu chí đánh giá và chẩn đoán trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống Kê (DSM) do Cơ quan Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ công bố. Trong thực tế, mức cải thiện bệnh rõ rệt đến mức phần đông bệnh nhân không cần thêm bất kỳ lượt điều trị nào nữa tại các trung tâm y tế địa phương. Theo những gì tôi biết thì đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên chứng minh một quyển sách phát triển bản thân có thể chữa lành chứng trầm cảm ở những bệnh nhân từng hứng chịu căn bệnh này ở mức độ nặng và trong thời gian dài.
Ngược lại, chỉ có 3% bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn thuyên giảm bệnh trong vòng bốn tuần đầu tiên. Nói cách khác, những bệnh nhân không được đọc quyển sách này đều không cải thiện được gì. Tuy nhiên, trong kỳ đánh giá sau ba tháng điều trị, khi cả hai nhóm đều đã đọc quyển sách này, thì 75% bệnh nhân thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Sớm và 73% người thuộc Nhóm Liệu Pháp Đọc Sách Muộn không còn rơi vào nhóm bị trầm cảm nặng theo tiêu chí đánh giá của DSM.
Các nhà nghiên cứu so sánh sự hồi phục đáng kể này của hai nhóm với mức độ hồi phục được đăng trong những nghiên cứu cho người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm, hoặc dùng liệu pháp tâm lý, hoặc cả hai. Theo nghiên cứu mở rộng của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia về Trầm Cảm, thì ở những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý trong 12 tuần do các chuyên viên lành nghề thực hiện, họ giảm bình quân 11,6 điểm trầm cảm theo bài kiểm tra HRSD. Số điểm đó gần như tương đương với 10,6 điểm giảm cũng dựa trên bài kiểm tra HRSD mà chúng tôi quan sát được ở các bệnh nhân đọc quyển sách này sau bốn tuần. Tuy nhiên, liệu pháp đọc sách có vẻ phát huy tác dụng nhanh hơn nhiều. Kinh nghiệm điều trị lâm sàng của tôi cũng khẳng định điều này. Trong quá trình tôi trực tiếp chữa trị, rất ít bệnh nhân lành bệnh chỉ sau bốn tuần.
Tỉ lệ phần trăm bệnh nhân tự ý bỏ quá trình điều trị bằng sách cũng rất thấp, tầm 10%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với số liệu nghiên cứu từng công bố về số người bệnh bỏ dùng thuốc hoặc muốn dừng liệu pháp tâm lý, khoảng 15% đến hơn 50%. Cuối cùng, các bệnh nhân còn học được cách cư xử và lối suy nghĩ tích cực hơn hẳn sau khi đọc quyển sách này. Điều đó phù hợp với tiền đề của tác phẩm; nói cụ thể là bạn có thể đẩy lùi trầm cảm bằng cách thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực gây ra nó.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: liệu pháp đọc sách hiệu nghiệm đối với các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm và có thể còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục công và những chương trình phòng tránh trầm cảm. Họ cho rằng liệu pháp đọc quyển sách này có thể giúp bệnh nhân tránh bị lâm vào trầm cảm nặng với xu hướng tư duy tiêu cực.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu còn mổ xẻ một vấn đề quan trọng khác: hiệu quả chống trầm cảm của quyển sách này có kéo dài không? Hiệu ứng cải thiện tâm trạng của việc điều trị trầm cảm không kéo dài. Khi theo dõi các trường hợp điều trị thành công bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, nhiều bệnh nhân bình phục thấy rõ – một thời gian sau bệnh tình lại tái phát. Và một khi tái phát thì bệnh cực kỳ trầm trọng, bởi bệnh nhân đã nản lòng thoái chí.
Năm 1997, các nhà điều tra công bố kết quả của quá trình theo dõi kéo dài 3 năm trên các bệnh nhân tham gia chương trình điều trị tôi vừa miêu tả ở trên. Tác giả gồm các bác sĩ Nancy Smith, Mark Floyd và Forest Scogin thuộc Đại học Alabama và bác sĩ Christine Jamison thuộc Trung tâm Y khoa Cựu chiến binh Teskegee. Sau 3 năm tính từ ngày bệnh nhân đọc quyển sách này, các nhà nghiên cứu đã liên hệ và mời họ tham gia bài kiểm tra một lần nữa. Họ hỏi thăm bệnh nhân về diễn tiến cuộc sống kể từ lần nghiên cứu trước. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, người bệnh không bị tái phát cơn trầm cảm và còn duy trì được sức khỏe tâm thần sau 3 năm. Trên thực tế, số điểm cả hai bài kiểm tra được thực hiện vào thời điểm 3 năm sau còn tốt hơn đôi chút so với điểm số bệnh nhân ghi được ngay sau khi liệu pháp đọc sách hoàn tất. Hơn phân nửa số người bệnh chia sẻ rằng tâm trạng họ tiếp tục cải thiện kể cả khi cuộc nghiên cứu đầu tiên họ tham gia đã chấm dứt.
Quá trình chẩn đoán tại thời điểm 3 năm sau đã khẳng định con số 72% bệnh nhân không còn rơi vào ngưỡng trầm cảm nặng, và 70% không cần uống thuốc hay tham gia liệu pháp điều trị nào khác trong quãng thời gian theo dõi tình hình. Mặc dù cũng có những lúc buồn vui thất thường như bao người khác, khoảng một nửa số người bệnh cho biết những khi họ có chuyện không vui, họ mở quyển sách này ra và đọc lại hầu hết các mục trong đó. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chính những “bài tập bổ trợ” mà bệnh nhân tự thực hiện đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quan điểm sống tích cực trong quá trình hồi phục. 40% bệnh nhân cho biết, điểm hay nhất của tác phẩm nằm ở chỗ nó giúp họ thay đổi được lối tư duy tiêu cực, như bớt cầu toàn và dẹp bỏ quan niệm “được ăn cả, ngã về không”.
Dĩ nhiên, nghiên cứu này cũng có những giới hạn như mọi nghiên cứu khác. Trước hết là không phải ai đọc quyển sách này cũng “hết bệnh”. Chẳng một phương pháp nào là thuốc chữa bá bệnh cả.
Tuy phương pháp này cho ta hy vọng vì rất nhiều bệnh nhân phản ứng tốt với liệu pháp đọc sách, tuy vẫn còn đó một số người bệnh bị trầm cảm nặng hoặc mãn tính cần sự giúp đỡ của chuyên viên trị liệu và kết hợp thuốc chống trầm cảm. Điều đó chẳng có gì đáng hổ thẹn cả. Mỗi người phản ứng tốt với một kiểu điều trị khác nhau. Cái hay là chúng ta biết hiện giờ có ba phương pháp điều trị trầm cảm khác nhau: dùng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý chữa theo cá nhân hoặc theo nhóm và liệu pháp đọc sách.
Hãy nhớ bạn có thể dùng kèm liệu pháp đọc sách xen giữa những lần trị liệu tâm lý để đẩy nhanh tốc độ bình phục, ngay cả khi bạn đang theo đuổi phác đồ điều trị. Trên thực tế, khi tôi viết bản thảo đầu tiên, đây chính là hiệu quả của quyển sách này mà tôi mường tượng. Tôi muốn nó trở thành công cụ để bệnh nhân tùy nghi sử dụng vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều trị, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chứ tôi chưa hề dám mơ đến một ngày, sách của tôi được xem là một trong ba phương thức chữa trị trầm cảm riêng biệt.
Ngày càng có thêm nhiều nhà trị liệu yêu cầu bệnh nhân xem việc đọc sách như “bài tập về nhà” xen giữa các liệu trình. Năm 1994, kết quả thu được từ một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn nước Mỹ về công dụng của liệu pháp đọc sách do các chuyên gia sức khỏe tâm thần thực hiện được công bố trên Authoritative Guide to Self-Help Books (Guilford Press, New York phát hành). Các bác sĩ John W. Santrock và Ann M. Minnet thuộc Đại học Texas, thành phố Dallas và Barbara D. Campbell, trợ lý nghiên cứu của trường đã cùng nhau thực hiện nghiên cứu trên. Ba vị đã khảo sát 500 chuyên gia sức khỏe tâm thần trên toàn nước Mỹ, tại 50 bang để xem họ đã bao giờ “kê toa” cho bệnh nhân đọc sách thêm trong quá trình điều trị nhằm đẩy nhanh tiến trình hồi phục hay chưa. 70% số chuyên gia được hỏi cho biết họ từng giới thiệu ít nhất là 3 quyển sách cho người bệnh trong năm vừa qua, và 86% cho biết những tác phẩm này đều mang đến lợi ích tích cực cho bệnh nhân của họ. Các chuyên gia trị liệu còn được hỏi trong danh sách 1.000 quyển sách phát triển bản thân được liệt kê thì những quyển nào họ hay yêu cầu bệnh nhân tìm đọc nhất. Kết quả: quyển sách này được bình chọn là tác phẩm số một dành cho các bệnh nhân bị trầm cảm, và quyển Feeling Good Handbook (Cẩm Nang Vui Sống) của tôi (bản bìa mềm do NXB Plume ấn hành năm 1989) đứng hàng thứ hai.
Tôi hoàn toàn không biết về khảo sát này, và khi biết kết quả, tôi mừng lắm. Một trong những mục tiêu tôi hướng đến khi viết quyển sách này đó là: tôi mong với những gì mình chia sẻ, các bệnh nhân vừa học được điều hay vừa đẩy nhanh tốc độ hồi phục giữa những lần trị liệu, nhưng tôi chưa bao giờ dám mơ đến chuyện tác phẩm của mình được nhiều người tin dùng đến thế!
Tôi từng nhận được nhiều thư từ (chắc phải hơn mười ngàn lá) từ độc giả của quyển sách này. Rất nhiều người trong số họ đã tốt bụng chia sẻ với tôi đầy hào hứng việc tác phẩm này đã giúp họ ra sao, thường là sau khi họ đã trải qua nhiều năm ròng rã điều trị bằng thuốc và cả liệu pháp điều trị bằng xung điện không thành công. Số khác cho biết, những ý tưởng trong quyển sách này rất hay nhưng cần có sự trợ giúp của một chuyên viên điều trị tâm lý nơi họ sống thì mới ứng dụng được vào hoàn cảnh của họ. Điều này cũng dễ hiểu. chúng ta mỗi người mỗi khác, và một quyển sách có thể đóng vai trò thuốc chữa bá bệnh cho tất cả mọi người thì đúng là chỉ tồn tại trong mơ.
Trầm cảm là một trong những dạng đày đọa tinh thần nặng nề nhất, bởi nó là hỗn hợp đậm đặc pha trộn giữa cảm giác tội lỗi, vô dụng, vô vọng và chán chường. Bị trầm cảm có khi còn tệ hơn là bị ung thư giai đoạn cuối, bởi đa số bệnh nhân ung thư cảm thấy được thương yêu, có hy vọng và lòng tự trọng. Nhiều bệnh nhân bị trầm cảm đã chia sẻ với tôi rằng, thật ra là họ muốn chết và mỗi ngày họ đều cầu cho mình bị ung thư để được chết đàng hoàng, chứ không phải tự tử.
Nhưng dù cơn khủng hoảng và căng thẳng trong bạn có nặng nề đến mức nào thì khả năng hồi phục vẫn được tiên lượng là rất cao.
Có thể bạn tin trường hợp của mình vô cùng tệ hại, quá nặng nề và vô vọng, rằng bạn không có khả năng hồi phục dù có làm thế nào chăng nữa. Nhưng không sớm thì muộn mây đen cũng tan đi hết, bầu trời sẽ quang đãng và mặt trời lại chiếu sáng. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ thấy nhẹ lòng, hạnh phúc trào dâng. Và nếu bạn đang chật vật xoay xở với chứng trầm cảm, lòng tự trọng thấp, thì tôi tin bạn cũng có thể chuyển đổi tâm trạng như bao người khác, dù bạn đã quá nản lòng hoặc buồn khổ đến đâu.
Đã đến lúc chúng ta cùng bước vào Chương 1 và bắt tay làm việc với nhau. Tôi cầu mong mọi sự tốt đẹp nhất sẽ đến khi bạn đọc tác phẩm này, và hy vọng những ý tưởng, phương pháp tôi chia sẻ sau đây sẽ có ích cho bạn.
Bác sĩ
DAVID D. BURNS
Giảng viên, Bác sĩ Nghiên cứu lâm sàng bộ môn Tâm thần học và Khoa học Hành vi,
Khoa Y Dược – Đại học Stanford