Bác sĩ Aaron T. Beck tiết lộ trong một nghiên cứu rằng ý định tự tử hiện diện trong khoảng 1/3 số người mắc chứng trầm cảm nhẹ, và trong gần 3/4 số bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Theo ước tính, có khoảng 5% số bệnh nhân trầm cảm thật sự đã đi đến kết cục tự vẫn.
Tỉ lệ này cao gấp 25 lần tỉ lệ tự tử của người bình thường. Trên thực tế, khi một người mắc chứng trầm cảm qua đời, thì cứ 6 trường hợp sẽ có 1 trường hợp chết bởi nguyên nhân tự tử.
Không có độ tuổi, cấp bậc xã hội hay ngành nghề nào là ngoại lệ của tình trạng tự tử; hãy nghĩ đến những người nổi tiếng đã kết liễu cuộc đời mình. Sửng sốt và lạ lùng nhất – nhưng không hề hiếm. là hiện tượng trẻ em tự vẫn. Ngay cả những đứa trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ cũng có thể xuất hiện triệu chứng trầm cảm, dẫn đến việc ngừng phát triển, thậm chí là bỏ ăn cho đến chết.
Tại sao những người u uất lại thường nghĩ đến việc tự sát, và chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn ý muốn này? Bạn sẽ hiểu được điều này nếu xem xét cách suy nghĩ của những người có ý định tự sát. Sự bi quan u ám bao trùm tâm trí họ. Cuộc đời chẳng là gì ngoài một cơn ác mộng khủng khiếp. Khi nhìn lại quá khứ, toàn bộ những gì họ có thể nhớ được là các thời điểm phiền muộn và u sầu.
Khi tâm trạng tuột dốc, đôi khi bạn cảm thấy chán nản đến mức nghĩ rằng bạn chưa từng, và sẽ chẳng bao giờ, thật sự hạnh phúc. Nếu bạn bè hay gia đình chỉ cho bạn thấy rằng ngoại trừ những lúc bị trầm cảm thì bạn sống khá là vui vẻ, thì bạn sẽ kết luận rằng họ nhầm rồi, hoặc là họ chỉ đang cố gắng động viên bạn mà thôi. Điều này là bởi vì trong trạng thái trầm cảm, bạn bóp méo những hồi ức của mình. Chỉ vì bạn không thể khơi gợi bất kỳ ký ức nào về sự thỏa mãn hoặc vui vẻ, nên bạn đã kết luận một cách sai lầm rằng ký ức đó không hề tồn tại. Thế là bạn đi đến niềm tin rằng bạn luôn luôn và sẽ luôn luôn khốn khổ. Nếu ai đó khẳng định rằng bạn có hạnh phúc, thì bạn có thể sẽ phản ứng giống như một bệnh nhân trẻ tuổi của tôi gần đây, “À, khoảng thời gian đó không được tính. Hạnh phúc là một thứ ảo ảnh nào đó. Con người thật của tôi thật kém cỏi và u sầu. Nếu tôi nghĩ rằng mình hạnh phúc thì đó chỉ là tôi đang tự lừa dối mình mà thôi.”
Cho dù cảm thấy tội tệ đến mức nào đi nữa, bạn vẫn chịu đựng được nếu bạn có lòng tin rằng mọi sự rồi sẽ tốt hơn. Quyết định tự sát là hậu quả của niềm tin phi lý rằng tâm trạng của bạn không thể được cải thiện. Bạn cảm thấy chắc chắn rằng tương lai chỉ mang đến nhiều nỗi đau và thống khổ hơn mà thôi!
Các nghiên cứu cho thấy cảm giác tuyệt vọng phi thực tế là một trong những yếu tố then chốt cấu thành ý muốn tự sát. Bạn vội vàng kết luận rằng những khó khăn của bạn là vô phương giải quyết.
Bởi vì sự thống khổ mang đến cho bạn cảm giác không thể chịu đựng được và có vẻ chẳng bao giờ kết thúc, nên bạn nhất quyết cho rằng tự sát là lối thoát duy nhất.
Nếu từng nảy sinh những ý nghĩ đó trong quá khứ, hoặc nếu trong thời điểm hiện tại bạn thật sự nghĩ như vậy, thì hãy để tôi đưa ra thông điệp của chương này một cách rõ ràng và rành mạch như sau:
Bạn Đã Sai Lầm Khi Tin Rằng Tự Sát Là Giải Pháp Duy Nhất hoặc Tốt Nhất Để Giải Quyết Vấn Đề.Để tôi nhắc lại. Bạn Sai Rồi!
Khi bạn nghĩ rằng mình đang mắc kẹt và vô vọng, thì suy nghĩ của bạn là phi lý, sai lệch và xiêu vẹo.
Cho dù bạn tự thuyết phục bản thân một cách quyết liệt đến mức nào đi nữa, thậm chí nếu bạn làm cho người khác phải đồng ý với bạn, thì bạn vẫn hoàn toàn sai lầm trong việc tin rằng tự sát là hành động thích đáng khi mắc chứng trầm cảm. Đây không phải là giải pháp lý trí nhất cho nỗi khổ sở của bạn đâu. Tôi sẽ lý giải điều này và giúp bạn nhìn thấy con đường thoát khỏi cái bẫy tự sát.
Đánh giá ý định tự sát
Mặc dù ý muốn tự sát là khá phổ biến ngay cả với những người không bị trầm cảm, nhưng thôi thúc tự sát khi đang trầm cảm luôn là một triệu chứng nguy hiểm. Quan trọng là bạn phải biết cách xác định những thôi thúc tự sát nguy hại bậc nhất này.
Bạn thuộc nhóm có nguy cơ tự sát cao nếu bạn:
1. bị trầm cảm nặng và cảm thấy tuyệt vọng;
2. có tiền sử tự sát bất thành;
3. đã lên kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị cho việc tự sát; và
4. không có bất kỳ điều gì cản trở bạn thực hiện điều đó.
Nếu có một hoặc nhiều yếu tố nói trên, bạn phải lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị từ các chuyên gia.
Mặt phi lý của hành động tự sát
Khi trò chuyện với người có ý định tự sát, tôi luôn cố gắng tìm hiểu xem tại sao người đó lại có ý muốn như vậy. Tôi thường hỏi rằng, “Động cơ nào khiến anh/chị muốn tự tử? Cuộc sống của anh/chị có vấn đề gì khủng khiếp đến mức không thể giải quyết được?” Sau đó tôi sẽ giúp người đó vạch trần suy nghĩ phi lý ẩn nấp đằng sau ý muốn tự sát đó, càng sớm càng tốt. Khi bạn bắt đầu suy nghĩ thực tế hơn thì cảm giác tuyệt vọng và khao khát muốn kết liễu mạng sống của bạn sẽ mờ nhạt dần, và bạn sẽ có thôi thúc được sống. Do đó, đối với những người muốn tự sát, tôi đề nghị họ tìm đến niềm vui thay vì cái chết, và tôi cố gắng chỉ cho họ cách thực hiện điều đó nhanh nhất có thể!
Gần như mọi bệnh nhân có ý muốn tự sát đều có điểm chung là cảm giác tuyệt vọng phi lý và niềm tin rằng họ đang đối mặt với một tình huống nan giải. Một khi vạch trần được những sai lệch trong cách tư duy của mình, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng nhẹ nhõm đáng kể, vốn là nền tảng mang đến tia sáng hy vọng và giúp bạn ngăn chặn ý muốn tự sát. Thêm nữa, cảm giác nhẹ nhõm sẽ tạo đà cho bạn tiếp tục có những thay đổi to lớn trong cuộc sống.
Trong tâm trạng buồn rầu, bạn dễ có xu hướng lẫn lộn giữa cảm xúc với thực tế. Cảm giác tuyệt vọng là triệu chứng của căn bệnh trầm cảm, không phải là một thực tế. Nếu bạn nghĩ rằng mình thật vô vọng, thì lẽ tự nhiên, bạn sẽ cảm thấy như thế. Cảm xúc là tấm gương phản chiếu cách tư duy sai lệch của bạn. Chỉ có những chuyên gia, người đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, mới có khả năng đưa ra tiên lượng đúng đắn về khả năng bình phục. Ý muốn tự sát của bạn chỉ đơn thuần cho thấy rằng bạn cần được điều trị. Do đó, trong hầu hết trường hợp, việc khăng khăng cho rằng bạn “vô vọng” luôn chứng tỏ điều ngược lại. Điều bạn cần là sự trị liệu, chứ không phải tự sát. Quy tắc điều trị của tôi là: Những bệnh nhân cảm thấy vô vọng thì không bao giờ thật sự vô vọng.
Tuy nhiên, sẽ rất ngây thơ khi nói rằng những người bị trầm cảm và muốn tự sát không hề có những khó khăn “thực” nào.
Tất cả chúng ta đều có những khó khăn thật sự, bao gồm các khó khăn về tài chính, các mối quan hệ cá nhân, sức khỏe... Nhưng những khó khăn đó gần như luôn có thể được giải quyết một cách đúng đắn, mà không cần phải tự sát. Thật ra thì việc gặp phải những thử thách đó có thể giúp cải thiện trạng thái tinh thần của chúng ta, cũng như giúp ta phát triển bản thân. Hơn nữa, những khó khăn thật sự không bao giờ có thể khiến bạn trầm cảm, dù chỉ một chút. Chính những suy nghĩ sai lệch mới cướp đi niềm hy vọng hay lòng tự trọng của bạn mà thôi. Tôi chưa từng thấy một vấn đề “thực” nào ở bệnh nhân trầm cảm “nan giải” đến mức phải tự sát cả.