Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn

13: SỰ NGHIỆP KHÔNG PHẢI LÀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN

Mặc định ngầm thứ ba dẫn đến sự lo lắng và trầm cảm chính là “Giá trị con người tôi tỉ lệ thuận với những thành quả mà tôi đạt được trong cuộc sống.” Nghe thì có vẻ rất xuôi tai. Nhưng thực tế thì đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, nguy hại và khiến bạn tự chuốc lấy thất bại.

Bước đầu tiên trong quá trình thay đổi bất cứ giá trị cá nhân nào chính là xác định xem giá trị đó mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn hay gây ra nhiều tác hại hơn.

Rõ ràng là việc đánh đồng lòng tự trọng với thành quả đạt được có thể mang đến cho bạn vài lợi ích. Trước hết, bạn có thể nói “Mình khá đó chứ” và cảm thấy hài lòng về bản thân khi bạn đạt được một thành tích nào đó. Ví dụ, khi bạn chạy bộ cùng với một người bạn và cậu ấy bị tụt lại phía sau, bạn có thể tự hào về bản thân và tự nhủ, “Cậu ấy khỏe thật, nhưng mình nhỉnh hơn một chút!”

Khi bạn chốt được một đơn hàng lớn cho công ty, bạn có thể tự nhủ, “Hôm nay mình thật hiệu quả. Mình đang làm tốt lắm. Sếp sẽ rất hài lòng và mình tự hào về mình.” Suy nghĩ này giúp bạn thúc đẩy động lực làm việc. Có thể bạn sẽ nỗ lực ngày một nhiều hơn trong sự nghiệp bởi vì bạn tin rằng điều này sẽ giúp con người bạn thêm giá trị, và từ đó bạn sẽ nhìn nhận bản thân mình tốt đẹp hơn. Bạn có thể tránh được nỗi kinh hoàng của việc chỉ là một kẻ “thường thường bậc trung”. Tóm lại, bạn sẽ phấn đấu để giành chiến thắng, và khi chiến thắng thì bạn sẽ yêu thương bản thân mình hơn.

Hãy xét về khía cạnh khác của vấn đề. Trước tiên, nếu sự nghiệp thuận lợi, bạn có thể trở nên bận rộn đến mức vô tình khiến bản thân mất đi những niềm vui và sự thỏa mãn khác, vì bạn “đầu tắt mặt tối” từ sáng sớm cho đến tối khuya. Càng nghiện công việc, bạn lại càng muốn tạo ra nhiều thành quả hơn nữa. Không có thành quả thì bạn cảm thấy mình thật vô dụng và chán nản, vì bạn chẳng có cơ sở nào khác cho lòng tự trọng và sự thỏa mãn của bản thân.

Giả sử đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy không thể đạt năng suất làm việc như trước nữa vì lâm bệnh nặng, kinh doanh thất bại, về hưu hay vì bất kỳ lý do nào khác ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì bạn phải trả giá bằng chứng trầm cảm nghiêm trọng bởi quan điểm cho rằng mình thật tệ hại khi năng suất làm việc kém đi. Việc thiếu lòng tự trọng thậm chí khiến bạn có ý muốn tự tử, cái giá lớn nhất cho việc đo lường giá trị bản thân hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn thị trường.

Bạn có thể còn phải trả những cái giá khác nữa. Nếu gia đình bạn bị ảnh hưởng bởi thái độ lơ là của bạn, cảm giác khó chịu sẽ nảy sinh. Có thể họ sẽ nhẫn nhịn trong một khoảng thời gian, nhưng sớm hay muộn gì bạn cũng phải trả giá thôi. Vợ bạn ngoại tình và muốn ra tòa ly hôn. Đứa con 14 tuổi của bạn vừa bị bắt vì tội ăn trộm. Khi bạn cố gắng thuyết phục nó thay đổi, nó sẽ lạnh nhạt hỏi: “Bố đã ở đâu suốt những năm qua?” Ngay cả khi không gặp phải những tình huống này, bạn vẫn sẽ đương đầu với một trở ngại to lớn – lòng tự trọng không còn nữa.

Gần đây, tôi điều trị cho một doanh nhân thành đạt. Anh khẳng định anh là một trong những người kiếm tiền giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Nhưng anh thường có trạng thái sợ hãi và lo âu.

Nếu anh tuột dốc thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh phải từ bỏ chiếc siêu xe và lái một chiếc xe bình thường? Viễn cảnh đó sẽ khiến anh không thể chịu nổi! Anh có sống sót nổi không? Anh còn có thể tự hào về bản thân không? Anh không biết liệu mình có tìm được hạnh phúc không nếu không có sự xa hoa và hào nhoáng ấy. Anh liên tục cảm thấy căng thẳng bởi vì anh không đưa ra được câu trả lời.

Câu trả lời của bạn là gì? Bạn có còn tôn trọng và yêu thương bản thân không nếu thất bại nặng nề?

Cũng giống như bất cứ cơn nghiện nào, bạn nhận thấy mình cần đến những liều “cao” hơn thì mới cảm thấy “hưng phấn”. Hiện tượng này xuất hiện khi con người ta nghiện thuốc phiện, chất kích thích, rượu và thuốc ngủ cũng như khi ta nghiện sự giàu có, danh vọng và sự thành đạt. Tại sao ư? Có lẽ là vì bạn tự động đặt ra những kỳ vọng ngày một cao hơn sau khi đã đạt được thành tựu ở một mức độ nào đó. Sự hào hứng nhanh chóng lụi tàn. Tại sao nó không kéo dài mãi mãi? Tại sao nhu cầu của bạn ngày càng tăng hơn? Câu trả lời rất hiển nhiên: Thành công không nhất thiết mang lại hạnh phúc. Hai thứ này không đi đôi với nhau và cũng chẳng có mối quan hệ nhân quả. Thế là cuối cùng bạn cứ mải đuổi theo một ảo ảnh.

Bởi vì suy nghĩ của bạn mới là yếu tố đích thực tác động đến tâm trạng của bạn, nên cảm giác hân hoan của vinh quang chiến thắng sẽ nhanh chóng phai mờ. Những thành quả đạt được chẳng mấy chốc trở thành một thứ cũ kỹ – bạn bắt đầu cảm thấy nhàm chán, vô vị khi ngắm nhìn những tấm huân chương.

Thực tế là đa số mọi người đều không đạt được các thành tựu vĩ đại, thế nhưng đa số mọi người đều sống hạnh phúc và được tôn trọng. Do đó, không thể cho rằng chỉ có thành công mới dẫn đến hạnh phúc và tình yêu thương. Trầm cảm, cũng như dịch bệnh, chẳng hề xem trọng địa vị, và xác suất nó tìm đến những người sống trong nhung lụa cũng hệt như những người ở tầng lớp trung lưu hay nghèo khó. Rõ là hạnh phúc và thành quả không nhất thiết liên quan với nhau.

Sự nghiệp = Giá trị bản thân?

Rồi, giả sử bạn quyết định rằng việc liên kết sự nghiệp với giá trị bản thân không mang lại lợi ích gì cho bạn, và bạn cũng thừa nhận rằng thành quả mà bạn đạt được không chắc chắn sẽ mang đến cho bạn tình yêu thương, sự tôn trọng hay cuộc sống hạnh phúc. Có thể bạn vẫn tin rằng ở một chừng mực nào đó, người gặt hái được nhiều thành quả vẫn sống tốt hơn những người khác. Vậy thì, đầu tiên, bạn hãy nghĩ đến một người thành công vượt bậc nhưng lại có vẻ tham lam và hung hăng quá mức, có thể là một người hàng xóm, hay ai đó mà bạn không mấy quý mến. Giờ thì bạn có nghĩ rằng người đó rất có giá trị chỉ vì họ là người thành đạt hay không? Ngược lại, có lẽ bạn quen biết một người nào đó mà bạn rất quan tâm hoặc tôn trọng, dù người đó không đặc biệt thành đạt. Bạn vẫn nghĩ người đó có giá trị hay không? Nếu câu trả lời của bạn là có, vậy thì hãy tự hỏi bản thân – nếu họ có thể trở thành những người có giá trị mà không cần đến những thành tích vĩ đại, thế thì tại sao mình lại không thể như vậy?

Thứ hai, nếu bạn khẳng định giá trị bản thân là do thành tích quyết định, thì bạn đang tạo ra một phương trình về lòng tự trọng như sau: giá trị = thành tích. Bạn không thể chứng minh được phương trình này bởi vì nó chỉ là một điều kiện, một hệ thống giá trị Bạn đang định nghĩa giá trị bằng thành tích, và thành tích bằng giá trị. Tại sao bạn lại định nghĩa thứ này bằng thứ kia? Tại sao giá trị không là giá trị, và thành tích là thành tích? Giá trị và thành tích là hai từ khác nhau có ý nghĩa khác nhau.

Bất chấp những lý lẽ trên mà tôi đưa ra, bạn có thể vẫn tin rằng những người thành đạt hơn thì có giá trị hơn. Nếu vậy thì bây giờ tôi sẽ đưa ra một ví dụ để bạn thấy rõ điều đó.

Bạn sẽ đóng vai Sonia (hoặc Bob), một người bạn cũ từ thời phổ thông trung học. Bạn có gia đình và đi dạy ở trường. Tôi thì có một sự nghiệp vẻ vang hơn. Trong cuộc trò chuyện, bạn sẽ mặc định rằng giá trị con người được xác định bằng thành tích đạt được, và tôi sẽ bác bỏ quan điểm ấy một cách thuyết phục. Bạn sẵn sàng chưa?

DAVID:

Sonia (hoặc Bob), dạo này cậu thế nào?

BẠN (trong vai một người bạn cũ của tôi):

Mình vẫn ổn, David.

Còn cậu?

DAVID:

Ồ, thế thì tốt. Mình không gặp lại cậu từ hồi tốt nghiệp đến giờ. Cuộc sống của cậu ra sao?

BẠN:

À, mình đã kết hôn, và đang giảng dạy ở trường cấp ba Parks. Mình có một gia đình nhỏ. Mọi thứ đều tốt đẹp.

DAVID:

Ôi trời. Mình rất tiếc khi nghe điều này. Cuộc sống của mình tốt hơn cậu nhiều.

BẠN:

Nghĩa là sao? Cậu nói lại xem?

DAVID:

Mình học lên cao học và mình đã hoàn tất học vị tiến sĩ. Mình khá thành công trong sự nghiệp. Thật ra thì giờ mình là một trong những người khá giả nhất thị trấn. Bề dày thành tích của mình dữ dội lắm. Bỏ xa cậu luôn ấy chứ. Mình không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng mình nghĩ điều này đồng nghĩa mình là người có giá trị hơn cậu nhiều.

BẠN:

Ôi, David, mình không biết phải nói gì nữa. Mình đã nghĩ mình là một người khá hạnh phúc cho đến khi mình nói chuyện với cậu.

DAIVD:

Mình hiểu mà. Cậu có vẻ ngỡ ngàng, nhưng cậu phải đối diện với sự thật đi. Mình có đủ điều kiện để thành công, còn cậu thì không. Nhưng mình cũng mừng là cậu đang sống vui vẻ. Những con người bé nhỏ tầm thường cũng có quyền hưởng chút hạnh phúc chứ. Dù sao thì mình chắc chắn không khó chịu đâu khi chia sẻ với cậu chút ít. Nhưng thật tệ khi cậu không thể đạt nhiều thành quả hơn.

BẠN:

David, có vẻ như cậu đã thay đổi rồi. Hồi đi học cậu là một người bạn rất tử tế. Mình cảm thấy cậu không còn quý mến mình như trước nữa.

DAVID:

Ôi, không đâu! Chúng ta vẫn có thể là bạn bè, miễn là cậu thừa nhận rằng cậu là một kẻ thấp kém hạng hai. Mình chỉ muốn nhắc nhở cậu rằng từ bây giờ trở đi cậu nên tôn trọng mình, và mình muốn cậu biết rằng mình khinh thường cậu bởi vì giá trị con người mình cao hơn cậu. Điều này bắt nguồn từ mặc định mà chúng ta đã thừa nhận – giá trị đồng nghĩa với thành quả. Còn nhớ cái quan điểm mà cậu vẫn luôn tin tưởng đó không? Mình thành đạt hơn, thế nên mình có giá trị hơn.

BẠN:

Mình hy vọng sẽ không sớm gặp lại cậu, David. Nói chuyện với cậu không thoải mái chút nào.

Đoạn đối thoại này nhanh chóng xoa dịu rất nhiều người bởi vì nó cho thấy trong thực tế hệ thống người trên-kẻ dưới hoạt động như thế nào khi bạn đánh đồng giá trị bản thân với thành tích đạt được. Thật ra, rất nhiều người cảm thấy mình thua kém. Cách thức nhập vai này giúp bạn nhận ra mặc định này ngớ ngẩn đến nhường nào. Trong đoạn hội thoại trên, ai mới là người cư xử lố bịch? Người giáo viên hạnh phúc hay gã doanh nhân hợm hĩnh đang cố chứng tỏ rằng hắn tốt đẹp hơn người khác? Tôi hy vọng cuộc đối thoại tưởng tượng này sẽ giúp bạn thấy rõ sự vớ vẩn của toàn bộ hệ thống giá trị này.

Nếu bạn muốn, chúng ta có thể đổi vai để bài tập này thú vị hơn. Lần này, bạn đóng vai một người vô cùng thành đạt, và tôi muốn bạn hãy làm tôi thất vọng. Bạn có thể nhập vai Helen Gurley Brown, chủ biên tờ Cosmopolitan. Tôi học cùng trường phổ thông trung học với bạn, và bây giờ tôi chỉ là một giáo viên bình thường. Nhiệm vụ của bạn là chứng tỏ rằng bạn đang sống tốt hơn tôi.

BẠN (trong vai Helen Gurley Brown): 

David, dạo này cậu thế nào? Lâu rồi mới gặp lại cậu đấy.

DAVID (trong vai một giáo viên trung học): 

À, mình ổn. Mình có một gia đình nhỏ và mình đang dạy ở một trường trung học. Mình là giáo viên bộ môn giáo dục thể chất và mình hết sức hài lòng với cuộc sống này. Mình có thể thấy rằng cậu đang thành công mỹ mãn.

BẠN:

Ừ. Mình khá là may mắn. Mình đang là chủ biên của tờ Cosmopolitan. Có lẽ cậu cũng nghe nói đến.

DAVID:

Đương nhiên rồi. Nhiều lần mình thấy cậu xuất hiện trong mấy chương trình đối thoại trên ti-vi. Mình nghe nói thu nhập của cậu khủng lắm.

BẠN:

Cuộc sống của mình khá thuận buồm xuôi gió. Đúng vậy. Rất tuyệt vời.

DAVID:

Có một điều mình có nghe nói nhưng không hiểu lắm. Cậu nói chuyện với một người bạn chung của chúng ta, và cậu đã nói rằng cậu sống tốt hơn mình bây giờ nhiều lắm vì cậu thành công vang dội, trong khi sự nghiệp của mình thì bình thường thôi. Cậu có ý gì khi nói vậy?

BẠN:

À, David, ý của mình là, hãy nghĩ đến những thành tích mà mình đạt được mà xem. Với công việc này mình đang tác động lên hàng triệu con người, còn có ai biết đến David Burns ở Philadelphia nào? Mình chơi với các ngôi sao, còn cậu thì chơi bóng rổ quanh quẩn trong sân với đám nhóc tì. Đừng hiểu lầm. Cậu là một người bình thường, tử tế và thành thật. Chỉ là cậu chẳng bao giờ được như mình cả, nên cậu phải đối diện với sự thật thôi!

DAVID:

Cậu có tầm ảnh hưởng lớn, và cậu là người phụ nữ của danh vọng. Mình rất tôn trọng điều đó. Mọi chuyện nghe có vẻ rất hào hứng và đáng tự hào. Nhưng hãy thông cảm cho sự ngu muội của mình. Chỉ là mình không hiểu tại sao điều đó lại giúp cậu trở thành một người tốt đẹp hơn mình. Tại sao nó khiến mình trở nên tầm thường so với cậu, hay giúp cậu có giá trị hơn mình? Với óc tư duy nhỏ bé này, mình nghĩ là mình cần một lý giải rõ ràng hơn.

BẠN:

Hãy thừa nhận đi, cậu chỉ quanh đi quẩn lại mà không hề có một mục tiêu hay sứ mệnh gì đặc biệt. Mình có sức thu hút. Mình là một người chức cao vọng trọng. Điều đó giúp mình ngon lành hơn, cậu thấy có đúng không?

DAVID:

À, mình không phải sống mà không có mục tiêu. Mục tiêu của mình có thể khiêm tốn hơn so với của cậu. Mình dạy môn giáo dục thể chất. Mình huấn luyện đội bóng trong vùng và những việc tương tự. Thế giới của cậu hẳn là rộng lớn và xa hoa hơn mình. Nhưng mình không hiểu vì sao điều đó lại khiến cậu trở thành một người tốt đẹp hơn mình, hay tại sao nó lại khiến mình trở nên tầm thường hơn cậu.

BẠN:

Đơn giản là mình đẳng cấp hơn và giỏi giang hơn. Mình suy nghĩ về những thứ quan trọng hơn. Mình đi diễn thuyết và có hàng nghìn thính giả đến lắng nghe. Các tác giả danh tiếng làm việc dưới trướng mình. Còn cậu giảng cho ai nghe? Hội nhà giáo và phụ huynh học sinh ở địa phương chăng?

DAVID:

Đúng là xét về thành tích, tiền bạc và tầm ảnh hưởng thì cậu hơn mình nhiều. Cậu làm được nhiều điều to tát. Từ đầu, cậu đã là một người thông minh và cậu nỗ lực rất nhiều. Hiện giờ cậu đang rất thành đạt. Nhưng tại sao điều đó lại giúp cậu tốt đẹp hơn mình? Mình phải xin lỗi cậu thôi, nhưng mình vẫn không hiểu được lý lẽ của cậu.

BẠN:

Mình sắp bỏ cuộc rồi.

DAVID:

Đừng bỏ cuộc. Tiếp tục đi nào. Biết đâu cậu đúng là một người tốt đẹp hơn thì sao!

BẠN:

Rõ ràng là xã hội xem trọng mình hơn. Điều đó khiến mình có giá trị hơn.

DAVID:

Điều đó chứng tỏ cậu được xã hội trọng vọng hơn. Chắc chắn rồi. Đâu có ai mời mình lên ti-vi đâu.

BẠN:

Mình cũng thấy vậy.

DAVID:

Nhưng tại sao được xã hội trọng vọng hơn lại khiến cậu trở thành người có giá trị hơn?

BẠN:

À, chỉ là mình thấy rằng trong thế giới của cậu vô vị vì cậu hiếm khi gặp được nhiều người có khả năng phát triển cao như mình thường gặp.

DAVID:

Mình không biết nữa. Một vài đứa học sinh của mình có chỉ số IQ cao lắm, và các em có thể phát triển như cậu vậy. Vài em khác thì có trí tuệ dưới mức trung bình, nên sẽ phát triển ở mức độ khiêm tốn thôi. Đa số các em thì ở mức bình thường, và mỗi đứa đều khiến mình cảm thấy thật thú vị. Tại sao chỉ những người thành đạt vượt bậc mới khiến cậu thấy thú vị?

BẠN:

Mình thua cậu rồi!

Tôi hy vọng là bạn thật sự đã “chịu thua” trong vai kẻ thành đạt hợm hĩnh đó. Tôi đã áp dụng một phương pháp khá là đơn giản để phá vỡ tư tưởng khăng khăng rằng bạn tốt đẹp hơn tôi. Mỗi khi bạn khẳng định bạn là một người tốt đẹp hơn hoặc có giá trị hơn bởi một phẩm chất cụ thể nào đó, chẳng hạn như trí tuệ, tầm ảnh hưởng, địa vị hay bất kỳ thứ gì khác, thì tôi lập tức đồng ý rằng bạn tài giỏi hơn trong khía cạnh cụ thể đó (hoặc một loạt những phẩm chất nào đó) rồi tôi sẽ hỏi tiếp – “Nhưng tại sao điều đó lại khiến cậu trở thành một con người tốt đẹp hơn (hay có giá trị hơn)?” Đây là một câu hỏi không có câu trả lời. Nó đá văng bất kỳ hệ thống giá trị nào đặt người này vào vị trí cao hơn người kia.

Đương nhiên, ít ai có những suy nghĩ hay lời nói xúc phạm bạn đến mức như trong đoạn đối thoại trên. Các câu đối thoại tự hạ thấp bản thân thật sự diễn ra trong tâm trí bạn. Bạn chính là người nói với bản thân mình rằng vì bạn không sở hữu địa vị, thành tựu, danh vọng hay tình yêu thương..., nên bạn mới kém giá trị và kém hấp dẫn. Bởi thế, bạn phải là người đặt dấu chấm hết cho sự hành hạ bản thân này. Bạn có thể kém hoàn hảo, không thành đạt hoặc không được người khác yêu mến, nhưng bạn không hề kém giá trị hơn bất kỳ ai.

Ba con đường dẫn đến lòng tự trọng

1.

Hiểu một điều rằng “giá trị” con người là một thứ trừu tượng; nó không tồn tại. Vì vậy, thực tế không có thứ gọi là giá trị con người. Do đó, bạn không thể có hoặc mất nó, và nó cũng không thể được đo lường. Giá trị không phải là một “sự vật” mà chỉ là một khái niệm chung mà thôi. Khái niệm này chung chung đến mức không hề mang một ý nghĩa cụ thể thực tế nào. Và nó cũng là một khái niệm không hữu ích. Đơn giản là nó không khả thi. Nó không giúp ích gì cho bạn cả, mà chỉ dẫn đến đau thương và khốn khổ.

Hãy nhận ra rằng “có giá trị” và “vô giá trị” chỉ là những khái niệm rỗng khi áp vào con người. Để rồi bạn có thể tập trung vào cuộc sống hiện tại. Bạn đang phải đối mặt với những vấn đề gì? Bạn sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào? Đó mới chính là nơi bạn hành động, chứ không phải trong cái ảo ảnh mơ hồ của “giá trị”.

2.

Nhận ra rằng chỉ có một cách duy nhất khiến bạn đánh mất lòng tự trọng – đó là hành hạ bản thân mình bằng những suy nghĩ vô lý và tiêu cực.

Lòng tự trọng được định nghĩa là một trạng thái hiện hữu khi bạn không ngược đãi bản thân, mà thay vào đó là lựa chọn đấu tranh chống lại những suy nghĩ tự động tiêu cực bằng cách phản biện hợp lý và có ý nghĩa. Khi thực hiện điều này một cách hiệu quả, bạn sẽ có được cảm giác hân hoan và yêu quý bản thân. Bạn chỉ đánh mất lòng tự trọng khi chính bạn có những suy nghĩ sai lệch, nghĩa là không điều gì trong “thực tế” có thể tước đi giá trị của bạn. Thực vậy, một số tù nhân của Đức quốc xã trong Thế chiến II đã không chịu khuất phục trước sự tra tấn của quân địch. Bất chấp những đau thương mà họ phải nếm trải, họ vẫn giữ được lòng tự trọng của chính mình.

3.

Quyết định đối xử với bản thân như một người thân yêu.

Nếu bạn có thể đối đãi tử tế với một người mà bạn vô cùng yêu quý và tôn trọng, thì tại sao bạn không đối xử với bản thân mình như thế? Nếu có thể, hãy làm điều đó mọi lúc mọi nơi! Dù sao đi nữa, đến cuối cùng thì cho dù bạn để lại ấn tượng như thế nào, người bạn ấy vẫn không quan trọng đối với bạn bằng chính bản thân bạn.

Bạn có cần phải giành được quyền đối xử với bản thân một cách quan tâm và yêu thương không? Không cần, thái độ tự trọng này đi đôi với việc nhận thức và chấp nhận mọi ưu khuyết điểm của bản thân. Bạn sẽ hiểu trọn vẹn những phẩm chất tích cực của mình mà không cảm thấy hạ đẳng hay thượng đẳng một cách sai lệch, và bạn sẽ sẵn sàng thừa nhận những sai lầm cũng như những mặt yếu kém mà không phải cảm thấy kém cỏi hay tự ti. Thái độ sống này giúp bạn yêu thương và tôn trọng bản thân.

Thoát khỏi bẫy thành tích

Bạn có thể nghĩ, “Mấy triết lý về thành tích và giá trị bản thân đều nghe lọt tai. Suy cho cùng thì bác sĩ Burns có một sự nghiệp tiến triển tốt và có sách bán ngoài thị trường, thế nên ông ta rất dễ dàng khuyên tôi quên thành tích đi. Chuyện này giống như một người giàu đang cố giải thích với người nghèo rằng tiền bạc không quan trọng vậy. Sự thật trần trụi chính là tôi vẫn cảm thấy bản thân thật tồi tệ khi thất bại, và tôi tin rằng cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn và hứng thú hơn nếu tôi đạt được nhiều thành công hơn. Những người thật sự hạnh phúc là những người thành đạt, những người ở vị trí cấp cao. Tôi chỉ là một người bình thường. Tôi chưa bao giờ làm được việc gì thật sự xuất sắc, thế nên tôi buộc phải kém hạnh phúc và kém thỏa mãn. Nếu điều này sai thì hãy chứng minh cho tôi thấy! Hãy cho tôi biết là tôi có thể làm gì để thay đổi cảm nhận của mình, chỉ khi đó tôi mới thật sự tin.”

Hãy cùng xem xét một vài bước thực hiện mà bạn có thể áp dụng để giải phóng bản thân khỏi chiếc bẫy tư duy cho rằng bạn phải thể hiện xuất sắc thì mới có quyền cảm thấy mình có giá trị và hạnh phúc.

Phản biện.

Cách thức hữu ích đầu tiên chính là tập thói quen phản biện lại những suy nghĩ tiêu cực sai lệch khiến bạn cảm thấy bản thân kém cỏi. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng vấn đề không nằm ở cách bạn thể hiện trong thực tế, mà ở cách bạn phê bình bản thân. Khi bạn học được cách đánh giá những việc mình làm một cách thực tế, mức độ thỏa mãn và chấp nhận bản thân của bạn sẽ tăng lên.

Chú trọng vào những điều làm bạn phấn khởi.

Lý do khiến bạn cứ chăm chăm nghĩ đến thành tích chính là niềm tin cho rằng hạnh phúc đích thực chỉ đến khi bạn có một sự nghiệp rạng rỡ. Niềm tin này không thực tế bởi vì phần lớn những thỏa mãn trong cuộc sống không cần đến bất kỳ thành tựu nào. Bạn không cần có tài năng gì đặc biệt để tận hưởng một chuyến đi dạo trong tiết trời mùa thu.

Bạn không cần phải “xuất chúng” để cảm nhận cái ôm chan chứa tình cảm của đứa con trai bé bỏng. Bạn có thể chơi bóng hết sức vui vẻ cho dù bạn chỉ là một người chơi trung bình. Những thú vui nào trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy phấn khởi? Nghe nhạc? Đi bộ đường dài? Bơi lội? Nấu ăn? Du lịch? Tán gẫu? Đọc sách? Học tập? Tập thể dục? Quan hệ tình dục? Bạn không cần phải là một người nổi tiếng hay giỏi giang bậc nhất thì mới tận hưởng những thú vui đó đến mức tột đỉnh.

Tôi không có ý nói rằng thành quả và thành công là thứ không đáng mong ước. Suy nghĩ như vậy không thực tế chút nào. Năng suất làm việc hiệu quả và thành tích cao có thể mang đến cảm giác cực kỳ thỏa mãn và vui sướng. Tuy nhiên, thành công tột bậc không phải là điều kiện cần cũng không phải là điều kiện đủ để cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Bạn không cần phải “cày cuốc” để có được tình yêu thương hay sự tôn trọng, và bạn không cần phải đứng ở vị trí số một thì mới cảm thấy thỏa mãn và hiểu được ý nghĩa của sự bình yên nội tại và lòng tự trọng. Tôi nói như vậy có hợp lý không?