Xe ngựa chạy mãi, tôi kéo rèm nhìn ra bên ngoài, vậy là chúng tôi đang đi về hướng bắc, bên đường, ruộng nương trải rộng mênh mông, chắc chắn đã ra khỏi thành Khâu Từ rất lâu rồi. Lạ quá, sao phải đi xa như vậy, không lẽ nhà trọ đó ở nông thôn?
- Chúng ta đến chùa Cakra.
Thấy tôi có vẻ suy tư, Rajiva mỉm cười.
- Tôi là sư trụ trì ở chùa Cakra. Chùa cách kinh thành bốn mươi dặm, đường sá khá xa xôi.
Chùa Cakra ư? Là ngôi chùa mà Huyền Trang từng đến giảng kinh? Nơi có thành cổ Subash mà tôi đã khảo sát nhiều ngày khi ở Kucha? Đúng rồi, Rajiva từng trụ trì ngôi chùa đó, có điều không thấy văn bản hay tài liệu nào ghi chép năm tháng cụ thể, không ngờ lại vào khoảng thời gian khi cậu ấy còn trẻ như vậy.
- Chúng ta sẽ kịp giờ ăn tối.
Có lẽ thấy tôi ngơ ngác nhìn ra xung quanh, trông có vẻ khổ sở lắm, Rajiva càng cười tươi hơn.
Định lên tiếng biện hộ, nhưng chạm phải nụ cười quyến rũ ấy, tôi chẳng còn nhớ mình muốn nói gì nữa, cứ mê mải ngắm nhìn. Nụ cười năm mười ba tuổi của cậu ta đã khiến người khác phải bối rối rồi, nụ cười tuổi hai mươi tư càng có sức cuốn hút mãnh liệt. Bất giác, tôi đưa tay lên che mắt, phải chặn ngay sức hấp dẫn khiến tôi cứ phải hồi hộp vô cớ ấy.
- Tay cô đang bị đau, đừng chạm vào.
Rajiva ơi, cậu có biết ánh mắt và nụ cười ấy của cậu ở thế kỷ XXI người ta gọi là “phát tín hiệu” không hả? Tôi bỏ tay xuống, kìm chế bản thân để không nhìn vào đôi mắt hút hồn ấy nữa và nhanh chóng nghĩ cách chuyển chủ đề:
- Pusyseda vẫn khỏe chứ?
Nhắc đến em trai, Rajiva cười vui vẻ.
- Cậu ấy hiện là đội trưởng đội cấm vệ quân, đức vua rất trọng dụng.
Tôi biết mà, từ nhỏ Pusyseda đã thích học võ hơn học chữ, lúc nào cũng ham mê diễn kịch đánh đấm. Mỗi lần lên lớp, tôi đều phải giả làm quân lính, giả làm giặc cướp, chơi đùa với chú nhóc một lúc lâu, sau đó Pusyseda mới chịu ngồi vào học bài. Nghĩ đến cậu nhóc ấy lại thấy buồn cười. Bây giờ đã là chàng trai hai mươi mốt tuổi rồi, không biết có còn nhớ tôi không, khi mà chúng tôi chỉ sống cùng nhau vẻn vẹn ba tháng.
- Cậu ấy kết hôn chưa?
Vẫn chưa. Pusyseda suốt ngày rong chơi phong lưu, chưa thấy cậu ấy thật lòng với cô gái nào cả. Cha tôi thúc giục thì cậu ấy bảo nhất định sẽ cưới một cô gái độc nhất vô nhị trên đời này.
Ha ha, tiêu chuẩn cao gớm nhỉ! Cũng phải thôi, cậu ta xuất thân quyền quý, lại cao ráo đẹp trai nữa.
- Tôi muốn gặp cậu ấy. Nhưng không biết có làm cậu ấy hoảng sợ không.
Rajiva bật cười, hình như nhớ đến điều gì đó.
- Không đâu, cậu ấy vẫn luôn nghĩ cô là tiên nữ và tin rằng, cô nhất định sẽ quay lại.
- Cậu giúp tôi sắp xếp được không?
Không biết tôi có nhận ra cậu nhóc ấy không nữa.
Rajiva gật đầu, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
- Gặp được cậu, sau đó gặp cậu ấy nữa, thì tôi có thể yên tâm quay về rồi.
Khâu Từ vốn không có trong kế hoạch vượt thời gian lần này. Tôi cố ý đến đây chỉ để được nhìn thấy Rajiva và nhân tiện tìm cách gặp Pusyseda, sau đó sẽ đi khảo sát thành cổ Taqian, rồi đến Trường An. Tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân, tôi đến đây để làm việc. Tôi chỉ có thể ở lại nhiều nhất là một năm. Mặc dù sau khi sử dụng Lithium, tính năng của đồng hồ vượt thời gian đã ổn định hơn trước rất nhiều, nhưng tuổi thọ của loại pin này cũng có giới hạn nhất định. Để đảm bảo còn đủ năng lượng khi quay về, tôi phải rời khỏi đây trong vòng một năm. Nếu không tôi sẽ phải lưu lại vĩnh viễn.
Ánh mắt Rajiva thoáng vẻ ngỡ ngàng:
- Cô trở về Trung Nguyên ư? Hay… về trời?
Về trời ư? Tôi sững người.
- Cậu tin điều đó thật sao?
- Nếu không, vì sao một cô gái như cô lại một mình xuất hiện giữa sa mạc? Vì sao cô chưa từng đến Kabul lại nắm rõ kiến trúc chùa hang đá ở đó? Vì sao cô biết nguồn gốc chùa Masha ở Khotan? Vì sao kiến thức và sự hiểu biết của cô phong phú hơn bất cứ cô gái nào? Vì sao đột ngột cô biến mất không để lại dấu vết gì? Vì sao sau mười năm dung mạo của cô không hề thay đổi?
Hàng loạt câu hỏi “vì sao” khiến tôi bối rối. Cậu ta vốn rất giỏi hùng biện, tôi làm sao chống đỡ nổi. Nếu tiếp tục hỏi nữa, chắc tôi sẽ “khai” ra hết.
Nhìn vẻ mặt tội nghiệp của tôi, Rajiva khẽ cười, đôi mắt long lanh.
- Thực ra, mười năm trước tôi đã cảm thấy rất lạ. Cô đột nhiên biến mất, mười năm sau trở lại, dung mạo không hề thay đổi. Điều này càng khiến tôi tin rằng, sự xuất hiện của cô là do Phật tổ an bài.
Tôi không biết phải nói sao, ánh mắt ấy khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi gắng giữ bình tĩnh, chuyển đề tài:
- Cha cậu vẫn khỏe chứ?
Vẻ mặt Rajiva bỗng trở nên u ám.
- Sức khỏe của cha giảm sút đi nhiều, có lẽ vì quá thương nhớ mẹ tôi.
Tôi nhớ rằng, về sau Jiva đã rời Khâu Từ để đến Ấn Độ, nhưng các tài liệu không ghi chép thời gian cụ thể. Bây giờ, hẳn là bà đã ra đi rồi.
Tôi thinh lặng, Kumarayana, con người nho nhã, đôn hậu ấy, con người “thông tuệ và đức hạnh” ấy chắc hẳn vẫn luôn tha thiết yêu vợ mình? Lẽ ra ông sẽ là người kế vị ở Ấn Độ (không rõ quốc gia của ông là tiểu quốc nào, vì khi đó, Ấn Độ phân tách thành rất nhiều quốc gia nhỏ), nhưng ông đã từ bỏ tất cả để xuất gia và tìm đường đến Khâu Từ học đạo. Có sách chép rằng Kumarayana thành thân với Jiva vì bà rất yêu ông, thậm chí đã ép ông phải cưới bà. Nhưng tôi nghĩ, một cao tăng “tâm vững như bàn thạch” như Kumarayana nếu không có tình cảm sâu sắc với Jiva, chắc chắn sẽ không chịu làm quốc sư Khâu Từ, rồi lưu lại nơi này. Ở Ấn Độ, ông có thể trở thành một tướng quốc kia mà! Nếu không vì người vợ xinh đẹp, nếu không vì những đứa con thông minh, chắc hẳn ông đã không can tâm với thân phận một kẻ tha hương. Vì vậy, khi Jiva muốn xuất gia ông đã kiên quyết phản đối, chỉ đến khi bà một mực tuyệt thực, ông mới đành ngậm đắng nuốt cay chấp nhận. Giương mắt đứng nhìn người vợ đầu gối tay ấp của mình xuống tóc đi tu, từ nay gia đình hạnh phúc của ông không còn trọn vẹn nữa, chắc hẳn ông đã rất đau lòng. Bản thân ông là một tín đồ Phật giáo, lẽ ra ông phải vui mừng khi có người nguyện dành trọn đời phụng sự Đức Phật mới phải chứ? Nhưng vì sao khi tín đồ ấy là người ông yêu thương, ông lại chẳng thể nguôi ngoai?
Tôi vén rèm cửa nhìn ra bên ngoài, xe ngựa chạy rất nhanh, nhưng vì là cỗ xe tốt nên mức độ rung lắc không quá nghiêm trọng. Từng thửa ruộng đều tăm tắp trôi qua trước mắt, phía xa xa là dãy Thiên Sơn sừng sững tạc hình lên bầu trời xanh ngút ngát. Quay đầu lại, bắt gặp ánh mắt Rajiva đang nhìn mình. Lại nhớ chuyện Kumarayana không bằng lòng để vợ xuống tóc, nhưng lại đồng ý cho cậu con trai mới bảy tuổi của mình xuất gia. Có lẽ không chỉ vì cậu bé tuổi nhỏ cần có mẹ, mà còn vì Kumarayana muốn Rajiva ở bên Jiva để chăm sóc bà.
Tôi đắm chìm trong những suy tư miên man không dứt, bánh xe vẫn đều đặn quay, mí mắt trùng xuống, nặng trịch. Mấy ngày rong ruổi trên đường khiến tôi thấm mệt. Chợt thấy vẳng bên tai một giọng nói khẽ khàng, ấm áp:
- Ngải Tình, nằm xuống chợp mắt đi.
Không kịp suy nghĩ thêm, tôi ngã đầu xuống, trước lúc thiếp đi chỉ nhớ mang máng là đã gối trên vật gì đó rất êm, sau đó ngủ say không biết trời đất gì.
Khi Rajiva đánh thức tôi dậy thì trời đã về chiều, trước mặt tôi là quần thể kiến trúc nguy nga, đồ sộ chẳng khác nào một thành phố. Rajiva lại đỏ mặt khi tôi mở mắt ra nhìn cậu ta, chắc là điệu bộ của tôi lúc ngủ khó coi lắm, nên cậu ta mới như vậy. Tôi thấy hơi xấu hổ, nhưng cảm giác ấy đã nhanh chóng biến mất ngay sau khi tôi xuống xe và nhìn thấy công trình kiến trúc trước mặt.
Đó là ngôi chùa nổi tiếng nhất trong lịch sử Khâu Từ - chùa Cakra, được xây dựng dưới thời Ngụy Tấn, cũng là ngôi chùa lớn nhất còn lưu lại ở Tây vực. Trong “Đại Đường Tây vực ký” Huyền Trang gọi đó là chùa Chiêu Hộ Li. Khi Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh và có ghé qua chùa Chiêu Hộ Li, thì ngôi chùa này khi ấy đang vào giai đoạn cực thịnh. Khuôn viên của chùa kéo dài đến tận vùng gò đồi và núi cao hai bên bờ phía đông và phía tây sông Tongchang. Ngài Huyền Trang đã ở lại chùa Cakra giảng kinh trong suốt hơn sáu mươi ngày và ngài đã để lại cho thế kỷ XXI rất nhiều tư liệu nghiên cứu quý giá về ngôi chùa này. Phía bắc chùa Cakra có một thôn làng nhỏ của người Duy Ngô Nhĩ (Uygur), nghe nói đó chính là nơi từng được gọi là “Nước con gái” (Nữ nhi quốc) trong tiểu thuyết “Tây du ký” nổi tiếng của Ngô Thừa Ân. Nhưng sự thật có phải vậy không thì vẫn chưa ai giải đáp được. Một số di chỉ thiền động với rất nhiều văn tự Khâu Từ và những bức bích họa đậm màu sắc Phật giáo nằm trên ngọn núi phía bắc chùa Cakra vẫn được bảo tồn đến ngày nay. Nghe nói, về sau, những pho tượng Phật trong chùa đã bị tín đồ Hồi giáo phá hủy, vì họ căm ghét việc sùng bái những thần linh có hình hài.
Chùa Cakra lấy sông Tongchang làm đường ranh giới tự nhiên phân tách ngôi chùa thành hai khu vực phía đông và phía tây. Người dân Kucha ngày nay gọi đó là thành cổ Subash, là di chỉ quan trọng nhất ở Khâu Từ, bên cạnh Thiên Phật động Kizil. Ngày nay, muốn đến chùa Chiêu Hộ Li ở Kucha bạn phải nói là đến “thành cổ Subash”, vì hầu hết những người không nghiên cứu sâu về lịch sử ở Kucha đều không biết chùa Chiêu Hộ Li là ngôi chùa nào. Tuy nhiên, trên thực tế, thành cổ Subash chỉ là một thành phố nhỏ nằm ở đầu phía nam của khu chùa phía tây mà thôi. Là thành phố trực thuộc trong cả khối kiến trúc đồ sộ của ngôi chùa Cakra vĩ đại này. Subash là nơi nghỉ trọ của khách thập phương khi đến chùa cúng bái. Trong nội thành Subash, kiến trúc đền tháp chiếm đa số, đi đến đâu cũng thấy những tòa tháp, tháp lớn tháp bé, khiến người ta mỏi mắt ngắm nhìn.
Chúng tôi đang có mặt ở nội thành Subash. Rajiva đưa tôi đến một ngôi nhà nhỏ ở nơi khá hẻo lánh trong thành phố. Người mở cửa là một ông lão, tôi thấy ông rất quen, ông lão cũng nhìn tôi chăm chú. Tôi nhớ ra rồi, chính là ông cụ quản gia của phủ quốc sư, tên là Mavasu, là người theo hầu Kumarayana từ Ấn Độ sang Khâu Từ. Mất một lúc lâu ông lão mới nhận ra tôi và đúng như tôi nghĩ, ông ngạc nhiên đến mức tay chỉ trỏ vào tôi hồi lâu mà không nói được câu nào. Rajiva giải thích với ông cụ bằng tiếng Phạn. Ông cụ đã bình tĩnh trở lại, nhưng vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thắc mắc khi đưa tôi vào nhà.
Khuôn viên ngôi nhà không rộng lắm, gồm ba gian, hai chái nhà ở hai bên. Và giống như mọi ngôi nhà khác ở Khâu Từ, trước sân có một giàn nho, hoa nở rực rỡ. Lúc này đang là mùa nho chín rộ, nên khắp không gian lan tỏa hương thơm ngọt ngào dìu dịu. Đồ đạc trong phòng rất giản dị: giường, tủ, bàn, ghế và không có bất cứ thứ đồ dư thừa nào khác. Cảm giác như nơi này không vướng chút bụi trần, thanh bần và thoáng đãng. Tài sản quý giá duy nhất là hai giá sách áp vào lưng tường. Chỉ thoáng nhìn đã thấy đầy đủ: sách tiếng Hán, tiếng Phạn, tiếng Tochari và một vài cuốn trong số đó nhìn rất quen.
- Đây là nơi tôi đọc sách.
Thấy tôi chú ý đến tủ sách, Rajiva giải thích:
- Pusyseda không ham đọc sách, nên cha đã tặng tôi toàn bộ số sách trong nhà.
- Cậu sống ở đây ư?
- Tôi ở trong chùa chứ! Nơi này chỉ là chốn thanh tĩnh để đọc sách thôi.
Khuôn mặt Rajiva toát lên vẻ thư thái hiếm thấy.
- Cô cứ yên tâm ở lại đây, vợ chồng Mavasu sẽ chăm sóc cô.
Rajiva bước ra ngoài, tôi tranh thủ sắp xếp đồ đạc. Một lát sau cậu ta quay lại, trên tay cầm chai rượu thuốc và một miếng vải bông sạch. Tôi muốn tự mình băng bó, nhưng khi rượu thuốc ngấm vào vết thương, tôi cắn răng chịu đau. Rajiva ngồi bên cạnh quan sát, trách tôi tay chân vụng về, rồi cầm lấy tay tôi, nhẹ nhàng thấm rượu vào miếng bông tẩy trùng vết thương cho tôi. Thực ra vết rách trong tay không nghiêm trọng, nhưng khuỷu tay bị toác một miếng khá rộng và sâu. Tôi xắn tay áo lên, chìa vết thương đang sưng tấy, nhức buốt ra trước mặt cậu ta.
Rajiva sững người khi nhìn thấy cánh tay trần của tôi. Quên cả việc băng bó, để mặc ánh mắt khó hiểu miệt mài du ngoạn trên cánh tay tôi. Tôi chợt nhận ra, trước mặt tôi lúc này không còn là cậu thiếu niên với thân hình mảnh khảnh và khuôn mặt hồn nhiên của tuổi mười ba nữa. Rajiva của mười năm sau đã là một thanh niên trưởng thành, bằng tuổi tôi. Và vào thời cổ đại, một cô gái chìa cánh tay trần của mình ra trước một chàng trai là hành vi không ý nhị chút nào. Tôi buông tay áo xuống, nói rằng tôi sẽ tự mình băng bó.
Rajiva đang yên lặng bỗng kéo tay tôi về phía mình, vén tay áo lên cao, thấm bông và lau vết thương cho tôi. Động tác của cậu ấy không nhẹ nhàng chút nào, nhưng vẻ mặt nghiêm trang của Rajiva khiến tôi quên cả đau, chỉ biết len lén quan sát cậu ấy.
Dưới ngọn đèn dầu của buổi chiều muộn, gương mặt dài bên ánh sáng, hàng mi dài khẽ đua lên cao, sống mũi cao vời vợi, đôi môi khép chặt. Vẻ đẹp cuốn hút ấy khiến người đối diện không thở nổi. Chúng tôi ngồi cách nhau đủ gần để tôi có thể cảm nhận được mùi thơm dìu dịu của gỗ đàn hương trên người cậu ấy, thứ hương thơm khiến tôi mơ màng và chỉ muốn lại gần thêm nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, tôi phải rời khỏi đây càng sớm càng tốt, nếu không tôi sẽ mắc sai lầm. Mà sai lầm này, chắc chắn sếp sẽ không tha cho tôi và bản thân tôi cũng không thể tha thứ cho mình.
Vợ chồng Mavasu mang đồ ăn vào phòng, mùi thơm của thức ăn đã làm vơi bớt đi hương thơm say người kia. Mối nghi hoặc của Mavasu vẫn rất lớn, điều đó thể hiện qua ánh mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi không biết Rajiva đã nói gì để ông cụ chấp nhận sự trở lại của tôi, nên chỉ biết gượng cười chống chế. Sau đó, hỏi Rajiva, mới biết, cậu ta nói với Mavasu, tôi là cháu gái của Ngải Tình. Tôi cười lăn lóc. Nói như thế thật là… Nhưng khoan đã, hòa thượng không được phép nói dối kia mà? Tôi định trêu chọc Rajiva, nhưng đã kịp dừng lại. Vì chính tôi cũng không nghĩ ra cách giải thích nào hợp lý hơn cho sự trở lại của mình.
- Rajiva, lần trước có một chiếc ba lô tôi quên mang theo, cậu còn giữ nó không?
Tôi đã bỏ lại bao nhiêu đồ dùng của thời hiện đại, trong đó có tập giấy nháp và cuốn sổ tay quan trọng. Sếp từng nhắc nhở rất nhiều lần là không được lưu lại bất cứ thứ rác thải hiện đại nào, nếu để người đời sau phát hiện ra, thì… Thử tượng tượng xem, một nhà khảo cổ với mái tóc bạc phơ đang lọ mọ nghiên cứu một gói đồ cũ nát, rồi ông đột nhiên phát hiện ra ở một góc nhỏ của gói đồ mấy chữ cái này: “Northface”… Rùng cả mình!
Rajiva gật đầu, nhưng nét mặt không được tự nhiên. Lạ quá, lẽ nào cậu ta thích cái ba lô của tôi? Đừng đùa, Northface là nhãn hiệu ba lô du lịch hàng đầu thế giới đấy! Khoản tiền mua chiếc ba lô này là do nhóm nghiên cứu chi trả, chứ một sinh viên nghèo như tôi làm sao mà mua nổi. Nhưng mà, kể cả Rajiva thích đến thế nào tôi cũng không thể tặng cậu ấy được.
- Mấy hôm nữa sẽ mang đến cho cô.
Tôi gật đầu, uống thêm một ngụm canh thịt dê.
- Rajiva, tôi muốn đi tham quan chùa Cakra, được chứ?
Rajiva khẽ gật đầu.
- Ngày mai sẽ đưa cô đi xem.
Buổi tối, tôi ngủ trên chiếc giường gỗ thấp, thời cổ đại làm gì có chăn ga gối đệm, nhưng tôi đã quen nằm trên chiếc giường cứng như thế này rồi. Rajiva nói không ở đây, có lẽ vì muốn tôi được thoải mái. Tôi tin rằng cậu ta sống ở đây, bởi vì mùi gỗ đàn hương dìu dịu vẫn còn thoảng trên tấm chăn này, trên chiếc gối này và trên mảnh chiếu này. Hương thơm thanh khiết ấy ru tôi vào giấc ngủ miên man.