Tôi ngồi ngẩn ngơ, thu vào tầm mắt mênh mông cồn cát. Xa xa, vài chú lạc đà hoang dã nhởn nhơ rong chơi, nhưng chưa kịp lại gần, đã co cẳng chạy biến, chúng còn khôn hơn cả lạc đà thuần. Bước thấp bước cao lê lết suốt mấy tiếng đồng hồ và không ngừng dõi mắt tìm kiếm xung quanh, quả thực là tôi đã quá mệt. Không thiết bị định vị GPS, không phương hướng, cứ lao đi như vậy chẳng giải quyết được vấn đề gì. May cho tôi, lúc này đang là giữa thu, thời tiết tuy khô hanh nhưng nhiệt độ sa mạc không quá thấp, nên vẫn chịu đựng được. Có điều, trời đang tối dần khiến tôi lo ngại. Khi mặt trời khuất bóng mà tôi lại không mang theo bất cứ vật dụng bảo vệ ngoài trời nào, lang thang trong đêm giữa hoang mạc thế này, không chết đói cũng sẽ chết rét.
Nhắm mắt lại vẫn thấy rùng mình, cảm giác quay cuồng lúc tiếp đất vẫn chưa tan. Uể oải nâng tay trái ngó chiếc đồng hồ vượt thời gian, không ngăn nổi tiếng thở dài. Vẫn là, lần thử nghiệm thứ ba lại thất bại, tuy có tiến bộ hơn hai lần trước, lần này tôi đã tiếp đất.
Tôi tham gia dự án thử nghiệm vượt thời gian này đã hơn một năm. Là nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, nhiệm vụ ban đầu của tôi chỉ là cùng thầy hướng dẫn, một giáo sư lịch sử danh tiếng tham gia công tác chỉ đạo dự án. Nhưng sau khi gặp tôi, các nhà sinh vật học ấy cứ nằng nặc đòi tôi tiến hành xét nghiệm và kết luận của họ là thể lực của tôi hoàn toàn thích hợp để thực hiện thử nghiệm.
Mặc dù không thiếu người nhưng tất cả tình nguyện viên trước đó đều đã thất bại. Nhóm chuyên gia cho họ về nghỉ và quay ra “tâm lý chiến” với tôi. Với tư cách là một nghiên cứu sinh chuyên ngành, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ vén bức màn bí ẩn, giải mã những nghi vấn, trả lại tính chân thực cho lịch sử. Trở về và trải nghiệm mọi thứ diễn ra trong thời kỳ cổ đại, mấy ai làm được điều đó? Và nếu thành công, tôi sẽ trở thành người đầu tiên, sẽ được vang danh trong sử sách.
Tôi là cô gái đam mê công việc, tiêu chí của đời tôi là: “sách vạn cuốn, đường vạn dặm, chuyện vạn người”. Tôi muốn gặt hái nhiều thành tích để “sếp” được tự hào, “sếp” chính là thầy hướng dẫn, đám sinh viên chúng tôi thường gọi thầy hướng dẫn của mình như vậy. Do đó, không đợi tôi chịu “thuận” hẳn, nhóm chuyên gia hừng hực nhiệt huyết kia đã nhanh chóng xua tôi lên bục thử nghiệm.
Lần thử nghiệm đầu, biến mất chưa đầy nửa phút, tôi đã ngã nhào trở lại. Tôi không nhớ gì ngoài cảm giác chóng mặt buồn nôn cực độ khi vượt không gian. Toàn bộ thiết bị mang theo gồm: máy dò tìm 14C, GPS định vị, laptop, máy ảnh kỹ thuật số, … đều bị tia bức xạ tần số cao làm hỏng sạch. Nhóm chuyên gia rút ra kết luận: không thể mang theo thiết bị điện tử. Vậy là, sau nửa tháng trên giường bệnh, tôi lại được đào tạo cấp tốc cách sử dụng các dụng cụ thủ công, xẻng Lạc Dương (một loại xẻng nhỏ dùng trong khảo cổ) cũng nằm trong số đó.
Lần thứ hai, tiến bộ hơn, tôi biết mất khoảng mười phút, nhưng khi mọi người đang rất hân hoan, chuẩn bị mở tiệc ăn mừng thì tôi lại rơi đánh bịch trên trảng cỏ ngoài phòng thí nghiệm. Lúc tỉnh dậy, hình ảnh của phố xá và dòng người mà tôi nhìn thấy khi bay trong không gian mơ hồ quệt qua trí nhớ, có vẻ như là khung cảnh và trang phục thời Hán. Nhưng chưa kịp tiếp đất, một lực hút cực mạnh đã kéo tôi lại. Dụng cụ thủ công mà tôi đeo trên lưng cũng vỡ tan tành.
Dựa trên báo cáo của tôi, nhóm chuyên gia nhận định thí nghiệm có thể đưa con người trở về không gian của hai nghìn năm trước, vì vậy, tôi đã phải ôn lại lịch sử thời chiến quốc và thời Tần Hán khi vẫn còn nằm trên giường bệnh. Vết thương chưa lành, tôi đã bị dựng dậy, bị bắt luyện tốc ký, luyện vẽ sơ đồ, biểu đồ, phác thảo công trình kiến trúc. Các chuyên gia quyết định không để tôi mang theo những dụng cụ nặng, chỉ đem theo những vật dụng nhỏ nhẹ, tiện dụng.
Học vẽ được nửa năm thì thiết bị thí nghiệm được cải tiến thành mô hình máy CT. Hành trang lần này của tôi bao gồm một tập lớn giấy viết vẽ tốc ký và bút chì. Trước lúc lên đường, sếp tôi còn dặn dò cẩn thận, không được phép để lại ở thời cổ đại bất cứ thứ rác rưởi khó tiêu hủy nào của thế kỉ XXI, vì như vậy sẽ gây khó dễ cho các nhà khảo cổ và các chuyên gia lịch sử sau này.
Và trong lần thử nghiệm thứ ba, tôi đã tiếp đất thành công, không thương tổn bầm dập, bởi vì tôi rơi xuống giữa một sa mạc cát. Nhưng tôi nhận ra tình trạng thảm hại của mình ngay sau đó. Không một bóng người, không một dấu hiệu của sự sống, sau vài giờ lang thang, tôi vẫn hoang mang không rõ mình đã đến được thế giới cổ đại hay chưa. Tôi chỉ khẳng định được duy nhất điều này: tôi đã rời khỏi phòng thí nghiệm.
Không nước uống, không đồ ăn, không thuốc men, vì nếu có mang theo thì khi vượt không gian cũng sẽ bị nhiễm xạ. Trong chiếc ba lô chuyên dụng hiệu Northface của tôi chỉ có một con dao Thụy Sĩ, một chiếc la bàn, quần áo, sổ ghi chép, dụng cụ khảo cổ, một tập giấy tốc ký, bút chì và một ít bạc vụn. Chẳng có thứ gì giúp được tôi lúc này. Có lẽ phải bỏ cuộc và trở về thôi. Các chuyên gia sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị và hy vọng lần tới, tôi sẽ đến được nơi có con người. Không nén nổi, tôi buông một tiếng thở dài tiếc nuối. Nhưng trời đang tối dần, tôi phải tranh thủ thời gian, nếu không sẽ không đủ năng lượng mặt trời để khởi động thiết bị.
Tôi lôi chiếc mũ chống tia phóng xạ nhét trong bộ trang phục thời Hán ra và chụp kín đầu, đeo găng tay, kéo cao khóa, nghiêng chiếc đồng hồ vượt thời gian kềnh càng về hướng mặt trời, xoay chốt bảo hiểm, miệng nhẩm đếm: một, hai, ba…
Đếm đến mười vẫn không có động tĩnh gì. Tiếp tục đếm: hai mươi, năm mươi, một trăm…
Sao thế này, không lẽ lại xui xẻo đến vậy? Tôi kéo mũ, dán mắt vào chiếc đồng hồ dở chứng, vẫn không động đậy. Đập đập, không phản ứng. Giơ cao về phía mặt trời, tiếp tục im lặng. Tôi tháo đồng hồ, vung lắc hết sức, đèn báo hiệu vẫn không hiện màu xanh.
Gió bắt đầu nổi, mặt trời bị giăng mờ bởi ngợp trời gió cát. Cái đồng hồ dựa dẫm vào năng lượng mặt trời chết tiệt này! Tôi sẽ phải bỏ mạng ở nơi không rõ là thời đại nào, hoang mạc nào này ư?
Tôi bật dậy, chỉ tay lên trời, nguyền rủa nhóm chuyên gia: không cho mang nước, không cho mang thức ăn, chỉ mấy đồng xu xù xì nặng trình trịch này thì ích gì chứ? Sớm biết cái đồng hồ phải gió kia sẽ dở chứng thì dù có phải chịu nhiễm xạ, tôi cũng kiên quyết mang theo đồ ăn thức uống đi. Ba lần bị đẩy vào cái máy vượt thời gian phải gió ấy, lẽ nào tôi chưa từng nhiễm xạ ư? Tôi thà chết vì nghẹn bánh mì bị nhiễm xạ còn hơn chết đói chết khát thế này!
Tôi kết thúc trận xỉ vả sau khi nuốt vào đầy một miệng cát, trời nhanh chóng tắt nắng, chỉ một lát nữa, sa mạc sẽ trở nên lạnh cóng. Chiếc áo chống tia phóng xạ của tôi còn có thể chống gió và rét, nhưng không chống nổi cơn đói khát đang ập đến với tôi. Co gập người lập cập bò lên một gò cát cao, nhìn ra xa, trong mịt mù đêm tối, tôi bắt gặp những đốm lửa bập bùng phía xa xăm. Tôi chưa bao giờ thấy thứ ánh sáng nào ấm áp đến thế!
Không còn nhớ phải mất bao nhiêu thời gian mới có thể thoát khỏi sa mạc tăm tối, gió cát mịt mù đáng sợ ấy, chỉ biết rằng khi tôi lảo đảo lại gần đống lửa thì mắt tôi hầu như không còn thấy gì và tôi khát đến mức cổ họng như cháy khô. Kịp nhận thấy xung quanh đống lửa có một số lều bạt, có tiếng người, có lạc đà, mắt sáng rực, tôi lao vào một trong những chiếc lều ấy, sau đó, lịm đi.