Đức Phật Trong Ba Lô

Chương 5: Công Việc

CHỌN NGHỀ

Cháu thấy lúng túng không biết nên theo đuổi nghề nào?

Nhà thơ người Nhật Takuboku Ishikawa, sáng tác vào những năm chuyển giao của thế kỷ 20, đã làm đoạn thơ dưới đây, tôi đã ghi lại trong nhật ký của mình khi còn trẻ:

Giá có một kỳ nghỉ

Để tận hưởng với niềm vui thú.

Một khi được toại nguyện

Tôi xin cam lòng chết.

Nhà thơ đang nói về sứ mệnh của ông, công việc mà vì nó ông đã sinh ra. Tuy nhiên, rất ít người đủ may mắn để biết sứ mệnh của mình ngay từ đầu. Tôi thường nghe các sinh viên nói những điều như: “Bố mẹ muốn em trở thành một bác sĩ nhưng em không chắc đó là công việc mình mong muốn làm” hay “Em muốn trở thành một nhà báo nhưng em không nghĩ rằng mình có đủ năng lực” hoặc “Các lựa chọn của em bị giới hạn bởi những môn mà em đã được học” hay “Em thấy mình không bị công việc cụ thể nào hấp dẫn, nhưng em muốn trở thành người nổi tiếng” hoặc “Ước mơ của em thay đổi mỗi khi em gặp một con người mới”. Một số khác cũng đã nói với tôi rằng: “Đôi khi em cảm thấy sợ hãi vì em không biết mình muốn làm gì trong tương lai”.

Vâng, cuộc đời là một chặng đường dài. Kết quả cuộc đấu tranh hàng ngày của bạn để tìm kiếm sứ mệnh của mình có thể không được phát hiện ra tới tận lúc bạn 40, 50 và 60 tuổi. Do vậy, điều quan trọng là mỗi cá nhân tìm thấy một cái gì đó – bất kể nó là cái gì – để thách thức bản thân khi bạn còn trẻ. Tuổi trẻ chính là thời gian để bạn học tập và rèn luyện bản thân.

Ai cũng có một sứ mệnh – hay mục đích - duy nhất mà chỉ bản thân họ có thể thực hiện. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, đợi đến khi câu trả lời đến với bạn hay chờ ai đó đến nói với bạn đó là cái gì. Bằng cách thử thách bản thân mình, cuối cùng bạn sẽ tự mình khám phá ra sứ mệnh của bản thân.

Bạn giống như một ngọn núi chứa một viên ngọc quý. Viên ngọc quý ban đầu được chôn dưới đất. Nếu chúng không được đào lên, chúng sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Và nếu chúng ta không mài giũa khi chúng được đào lên, chúng sẽ cứ ở trạng thái thô ráp. Thật đáng tiếc nếu chúng ta kết thúc cuộc đời của mình mà không tìm ra viên ngọc bên trong mình. Do vậy, khi bố mẹ và thầy cô giáo khuyên bạn học tập chăm chỉ, điều mà họ thực sự muốn là, đưa bạn đến những lĩnh vực hấp dẫn bạn, bạn có thể phát hiện ra viên ngọc cuộc đời của mình và thấy hài lòng khi làm nó tỏa sáng.

Kiên cường là đức tính cực kỳ quan trọng. Bạn không thể làm cho viên ngọc bên trong mình tỏa sáng nếu không nỗ lực hết mình.

Bạn có quyền quyết định công việc nào mình muốn làm, các lựa chọn luôn rộng mở. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, nhiều công việc đòi hỏi một trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định. Một số người bắt đầu làm việc ngay khi tốt nghiệp trung học, do tự lựa chọn hoặc do hoàn cảnh gia đình. Có người đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi những người khác trở thành người nội trợ. Một số người có mục đích trở thành viên chức nhà nước, có những người cố gắng đạt được trình độ kỹ thuật cao trong một lĩnh vực nào đó. Có nhiều lựa chọn cho bạn, bạn có thể tự do lựa chọn cho mình.

Nếu bạn không quyết định được công việc mà bạn muốn làm, tại sao không bắt đầu bằng công việc bạn có thể tham gia một cách dễ dàng, một công việc mà bạn thông thạo? Bằng cách đó, bạn có thể tăng kinh nghiệm làm việc và khám phá được mình tốt nhất ở mặt nào. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng chán nản.

Tìm một công việc chỉ là bước đầu trong quá trình phát hiện ra khả năng thực sự của bạn, nó hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng. Không cần phải sốt ruột. Điều quan trọng là bạn tìm ra con đường của mình để leo lên ngọn núi cuộc đời một cách vững vàng, không vội vàng hay từ bỏ.

Khi bạn quyết định được điều bạn muốn làm trong tương lai, hãy quyết tâm hướng lên phía trước. Đừng nản chí. Khi bạn cố gắng làm điều gì đó với quyết tâm mãnh liệt, bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc ngay cả khi bạn thất bại. Và nếu bạn thành công, bạn có thể đạt được những thứ có giá trị thực sự. Dù bạn thất bại hay thành công, những nỗ lực đó sẽ đưa bạn đến con đường đi tiếp theo của mình.

TÌM RA SỨ MỆNH CỦA MÌNH

Làm cách nào cháu có thể khám phá được sứ mệnh của mình trong cuộc sống?

Trước tiên, tôi muốn nhắc lại với bạn rằng bạn sẽ không tìm thấy nó nếu bạn đứng yên một chỗ. Điều quan trọng là bạn thử thách bản thân trong một lĩnh vực nào đó, không quan trọng nó là cái gì. Sau đó, bằng cách nỗ lực không ngừng, hướng bạn nên đi sẽ mở ra với bạn một cách tự nhiên. Do đó, quan trọng là phải có dũng khí, tự hỏi bản thân mình điều gì nên làm bây giờ, ngay tại thời điểm này.

Nói cách khác, điểm then chốt là phải leo lên ngọn núi ở ngay trước mặt bạn. Khi trèo lên sườn núi, bạn sẽ phát triển cơ bắp của mình, tăng sức mạnh và khả năng chịu đựng của bản thân. Phương pháp luyện tập như vậy sẽ khiến bạn có thể thử thách ở những ngọn núi cao hơn. Điều cần thiết là bạn duy trì được những nỗ lực đó.

Leo lên ngọn núi phía trước bạn. Khi bạn lên đến đỉnh, chân trời mới rộng mở sẽ trải ra trước mắt bạn. Từng chút, từng chút bạn sẽ hiểu sứ mệnh của mình.

Những người biết được sứ mệnh duy nhất của mình là những người mạnh mẽ. Gặp bất cứ vấn đề nào, họ sẽ không bao giờ thất bại. Họ có thể biến tất cả những vấn đề của mình thành chất xúc tác cho sự trưởng thành để hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng.

Cuộc sống giống như khi leo lên một ngọn núi, rồi đối mặt với một ngọn núi tiếp theo, theo sau là một ngọn núi khác nữa. Những người duy trì và cuối cùng thành công khi chinh phục ngọn núi cao nhất là những người chiến thắng trong cuộc sống. Mặt khác, những người lảng tránh những thử thách và lựa chọn con đường dễ dàng, đi dần xuống những thung lũng, sẽ kết thúc bằng sự thất bại. Nói một cách đơn giản, chúng ta có hai lựa chọn trong cuộc đời: chúng ta có thể trèo lên ngọn núi phía trước hoặc chúng ta đi xuống thung lũng phía dưới.

TÀI NĂNG

Cháu thấy mình thật tầm thường, ví dụ cháu chẳng có khả năng hay tài năng nào đặc biệt.

Điều đó không hoàn toàn đúng. Vấn đề sẽ xuất hiện ở những người hạn chế bản thân mình. Bất cứ ai cũng có một chút năng khiếu. Tài năng không chỉ có nghĩa là trở thành một nhạc sĩ, nhà văn hay vận động viên thể thao nổi tiếng - có nhiều loại tài năng. Ví dụ, bạn có thể là một người có tài nói chuyện và kết bạn dễ dàng hay biết cách làm cho người khác dễ chịu. Hoặc bạn có thể có tài trong việc nấu nướng, sở trường về kể chuyện cười, bán hàng hay trong lĩnh vực kinh tế. Bạn có thể luôn đúng giờ, kiên nhẫn, đáng tin cậy, tốt bụng hay lạc quan. Bạn có thể yêu thích những thử thách mới hoặc đấu tranh mạnh mẽ cho hòa bình hoặc mang lại niềm vui cho người khác.

Như Nichiren đã nói, mỗi chúng ta là một bông hoa anh đào duy nhất. Mỗi bông hoa có một vẻ đẹp khác nhau, do đó, mỗi bông hoa đẹp theo cách của riêng nó.

Chắc chắn mỗi người có một tài năng bẩm sinh. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để bạn phát hiện ra tài năng đó? Cách duy nhất là đưa bản thân đến giới hạn dù có bất cứ điều gì phía trước bạn. Tiềm năng thực sự của bạn sẽ bộc lộ khi bạn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bạn tham gia học tập, tập thể thao, các hoạt động ngoại khóa hay bất cứ hoạt động nào mà bạn tham gia.

Điều quan trọng là bạn có thói quen thử thách bản thân đến giới hạn. Khi đó, các kết quả mà bạn đạt được sẽ không quá quan trọng. Ví dụ, bảng điểm thực sự bạn nhận được ở trường trung học sẽ không quyết định phần còn lại cuộc đời của bạn. Nhưng thói quen đưa bản thân đến giới hạn theo thời gian sẽ tạo ra những quả ngọt. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa bạn với những người chưa nếm trải thất bại. Nó sẽ khiến cho tài năng độc đáo của riêng bạn tỏa sáng.

CÔNG VIỆC PHÙ HỢP

Điều mà cháu cần phải quan tâm khi đi tìm một công việc phù hợp là gì?

Tsunesaburo Makiguchi – Chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai – nói rằng có ba tiêu chuẩn: cái đẹp, lợi ích và cái thiện. Trong thế giới đang vận động, tìm một công việc bạn thích tương ứng với tiêu chuẩn về cái đẹp, để tìm một công việc với tiền lương có thể chu cấp cho cuộc sống hàng ngày của bạn tương ứng với tiêu chuẩn về lợi ích, và tiêu chuẩn về cái thiện nghĩa là tìm một công việc giúp đỡ những người khác và đóng góp cho xã hội.

Nhiều người không thể tìm thấy công việc hoàn hảo ngay khi bắt đầu. Một số có thể có công việc họ thích, nhưng nó không đủ đáp ứng như cầu của cuộc sống, hoặc công việc của họ có thể được trả lương cao, nhưng họ không hứng thú. Đôi khi đó là cách mà mọi thứ diễn ra. Đồng thời, một số người phát hiện ra rằng họ không phù hợp với công việc mà họ đã từng mơ ước.

Thầy Josei Toda nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở nên thiết yếu, cho dù bạn đang ở đâu đi nữa. Thay vì than vãn rằng công việc không đạt được điều mà bạn mong muốn, ông nói, hãy trở thành một cá nhân xuất sắc trong công việc đó. Điều này sẽ mở ra một con đường đưa bạn đến bước tiếp theo của cuộc đời, trong khi đó bạn cũng nên tiếp tục làm hết sức. Sự nỗ lực liên tục này đảm bảo sẽ đưa bạn đến một công việc mà bạn thích, nó chu cấp cho cuộc sống của bạn và cho phép bạn đóng góp cho xã hội.

Tiếp đó, khi bạn nhìn lại phía sau, bạn sẽ thấy làm thế nào mà tất cả các nỗ lực trước đây của bạn đã trở thành vốn quý báu trong lĩnh vực lý tưởng của bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng không một nỗ lực và thử thách nào của bạn là phí phạm cả.

THAY ĐỔI NGHỀ NGHIỆP

Điều gì sẽ xảy nếu ban đầu bạn theo đuổi một ước mơ nhưng rồi bạn chuyển hướng muốn đi trên một con đường khác?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Không mấy người làm được điều mà họ đã lên kế hoạch hay mơ ước từ trước.

Trong trường hợp của tôi, tôi muốn trở thành một phóng viên báo chí, nhưng sức khỏe kém đã không cho phép tôi theo đuổi công việc này. Tuy nhiên, ngày nay tôi đã trở thành một nhà văn.

Đã có lúc, tôi làm việc cho một đơn vị xuất bản nhỏ. Do số lượng nhân viên ít, tôi phải làm việc rất vất vả - nhưng do vậy, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm làm việc.

Sau chiến tranh, tôi làm việc cho một công ty kinh doanh nhỏ, nhưng điều tôi học được từ công việc đó là nó đã cho tôi cơ hội để thực sự nhìn lại mình. Mọi thứ tôi học ngày đó trở nên hữu ích cho cuộc sống của tôi bây giờ. Điều quan trọng là phát triển bản thân trong hoàn cảnh hiện tại của bạn và làm chủ được quá trình trưởng thành của mình.

Khi bạn đã quyết định làm một công việc, tôi hy vọng bạn sẽ không trở thành con người dễ dàng bỏ cuộc hay lúc nào cũng băn khoăn và phiền muộn. Tuy nhiên, nếu sau khi bạn đã nỗ lực hết mình, bạn quyết định rằng công việc đó không phù hợp với bạn và bạn từ bỏ nó, điều này lại hoàn toàn đúng.

Tìm cho mình một vai trò trong xã hội là một thách thức, nó là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, bạn cần phải luôn cố gắng hết khả năng của mình.

Một cái cây không thể phát triển khỏe mạnh và cao lớn trong một hay hai ngày. Tương tự như vậy, người thành công không trở nên thành công chỉ trong một vài năm. Điều này đúng với tất cả mọi thứ.

KHÔNG LÀM VIỆC

Nếu được lựa chọn, cháu muốn không phải làm bất cứ việc gì.

Một số người xem công việc giống như những việc vặt hàng ngày mà họ phải làm lúc rảnh rỗi để kiếm tiền chu cấp cho các hoạt động của họ. Nhưng trong vở kịch The Lower Depths của Maxim Gorky một nhân vật đã nói: “Khi công việc là niềm vui thích, cuộc sống trở nên thú vị! Khi công việc là trách nhiệm, cuộc sống trở nên bí bách”. Thái độ của bạn với công việc – ngay cả việc học ở trường đại học, có thể chiếm phần lớn thời gian hàng ngày của bạn – sẽ quyết định hoàn toàn chất lượng cuộc sống của bạn.

Một người bạn của tôi – cố giáo sư triết học David Norton – đã nói:

Nhiều học sinh được hỏi cho rằng mục đích duy nhất của làm việc là kiếm tiền, rằng hạnh phúc nghĩa là có tiền để thỏa mãn những mong muốn của họ. Nhưng do những mong muốn không có giới hạn, họ không bao giờ có thể thực sự thỏa mãn. Hạnh phúc thực sự được tìm thấy trong chính công việc. Qua công việc, một người có thể phát triển, hoàn thiện bản thân và mang lại giá trị duy nhất nằm bên trong – và chia sẻ giá trị đó với xã hội. Công việc tồn tại vì niềm vui được tạo ra giá trị.

Đúng như bạn tôi đã nói, công việc của một người nên mang lại hạnh phúc cho người khác. Cuộc sống thực sự tuyệt vời khi bạn là người cần thiết ở đâu đó. Cuộc sống sẽ trở nên buồn chán và trống rỗng biết bao nếu tất cả những gì chúng ta làm hàng ngày chỉ là đuổi theo những trò giải trí vô bổ.

KIẾM TIỀN

Cháu có nên quan tâm nhiều đến chuyện lương bổng?

Đặc biệt với giới trẻ, quan trọng là đừng quá quan tâm đến vấn đề lương. Cùng với việc cố gắng nỗ lực hết sức ở nơi làm việc, sẽ tốt hơn nếu bạn có tinh thần: “Tôi sẽ làm nhiều hơn những gì tôi được trả!” Đây chính là cách bạn có thể rèn luyện bản thân.

Kém nhiệt tình trong công việc chỉ vì lương không cao thì thật là ngốc. Nhận được lương – bất cứ thứ gì bạn kiếm được thông qua lao động chân chính – đều quý giá, bất kể là bao nhiêu.

Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu nhận được mức lương cao, nhưng 100 đồng kiếm được nhờ làm việc chăm chỉ và nỗ lực là những đồng tiền vàng – trong khi đó ăn trộm 100 đồng hoặc có được nó bằng những cách bất hợp pháp sẽ không có giá trị gì hơn rác rưởi hay sỏi đá. Tiền ăn cắp hoặc cướp được là những đồng tiền bẩn thỉu. Nó sẽ không mang lại hạnh phúc. Như có người đã nói: “ Của phù vân không chân cũng chạy”.

Cuối cùng, hạnh phúc lớn nhất là khi vận dụng hết sự tự tin và hiểu biết của bạn ở nơi làm việc như một thành viên gương mẫu của xã hội, làm việc chăm chỉ để có được một cuộc sống hoàn thiện và sự ấm no cho gia đình của mình. Những người làm được như vậy là những người chiến thắng trong cuộc đời.

LÀM VIỆC VÌ MỘT LÝ TƯỞNG

Có phải là làm việc vì một mục đích cao cả thì tốt hơn là chỉ làm một công việc đơn thuần nào đó?

Khao khát cống hiến cho một mục đích nhân văn, nêu cao nhân quyền và hành động với mong muốn làm việc vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của người khác, là một ước vọng thật sự đáng khen ngợi.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không thể đóng góp cho hòa bình và sự phát triển của xã hội nếu bạn không làm một công việc hay thuộc một tổ chức đặc biệt nào đó. Mặc dù tôi đề cao bất cứ ai làm việc từ thiện hay trở thành một tình nguyện viên, vẫn có nhiều người đang âm thầm đấu tranh cho hòa bình bằng công việc của mình.

Tôi đã gặp nhiều người như vậy như Rosa Parks một người Mỹ gốc Phi, được Quốc hội Mỹ tôn vinh là “Mẹ đẻ của phòng trào nhân quyền hiện đại”. Bà đã từ chối lời đề nghị của một người lái xe buýt yêu cầu nhường chỗ một người da trắng. Hành động này đã dấy lên phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery, Alabama, năm 1955. Adolfo Perez Esquivel người Achentina, một nhà điều khắc và kiến trúc, người đã giành được giải thưởng Nobel hòa bình nhờ những hoạt động bảo vệ quyền con người.

Điều chính yếu là bạn cảm thấy tự hào với công việc mình đang làm, sống thật với bản thân mình. Linh hoạt là một cách thể hiện khác của hạnh phúc. Điều quan trọng là bạn để cho tài năng của mình được thể hiện tự do, thoải mái, là bạn sống với ánh hào quang rực rỡ của chính bạn. Đó là ý nghĩa đích thực của cuộc sống.