Đứa con của đất

Chương 5

Docsach24.com

áng hôm sau, lúc chúng tôi mới thúc giấc thì con Len đã ra tới. Từ trong chòi, tôi nghe một giọng the thé nói trõ vào:

- Cha chả, sáng bừng mắt rồi mà mấy đứa quỷ này còn ngủ hả?

Con Biếc con Thắm vội tung bao bố, lồm cồm đứng dậy. Trời còn rất lạnh, nhưng tôi cũng ráng chui ra khỏi bao. Vừa lúc ấy thì con Len vào chòi. Tôi đưa mắt liếc nhìn coi mặt mày nó ra sao mà hai chi em con Biếc có vẻ sợ nó quá như vậy. Thì ra đó là một đứa con gái tuổi đã cập kê, vóc người roi roi chớ không mập như Biện Tư.

Tướng Biện Tư coi gian giảo một cách lờ đờ, còn tướng con Len thì khôn ranh một cách nhậm lẹ. Môi nó mỏng mà thâm chì, mắt nó sáng nhưng là thứ ánh sáng bén ngọt như dao của loại mắt lá răm. Tôi có cảm tưởng bộ mặt

con Len dường như chỉ có xương chớ không có thịt. Con Len hỏi tôi:

- Mày là thằng Quyết phải không?

Tôi làm thinh, không ừ hữ chi hết. Con Len ngó tôi lườm lườm, rồi tiếp:

- Mầy ở đây lo coi tám cặp trâu cày... Tới trưa mới thả trâu, còn bây giờ tới trưa mày phụ với con Biếc con Thắm tưới dưa, tưới đậu nghe chưa?

Tôi cũng không bảo là nghe hay chưa nghe. Con Len ngạc nhiên tức tối kêu lên:

- ủa, bộ tía tôi ổng đem lầm thằng nhỏ điếc này về hay sao mà hỏi hoài nó không trả lời chi hết vậy?

Tôi tức cười nghĩ bụng: - "Chừng nào tôi mới điếc!" Chẳng qua, nghe cái giọng the chua sai phái của nó, tôi phát ghét không trả lời coi sao. Thình lình con Len đưa tay xoay mặt tôi lại. Tức thì tôi vung tay gạt phắt ra. Cái vung tay của tôi như là một lời cảnh cáo báo rằng tánh tôi không quen chịu bắt nạt. Chừng ấy con Len mới hiểu là tôi chẳng điếc tai nghễnh ngãng gì cả. Nó ngó tôi, hơi chợn. Trước khi bước ra khỏi chòi, nó hăm:

- Mới về mà cứng đầu dữ ha? Đừng có ham, rồi có ngày tao chần đầu mầy mềm như trái dưa hấu cho coi!

Hăm tôi xong, con Len ngoe nguẩy bỏ đi. Trước khi trở vô nhà,nó rảo coi miếng rẫy. Không có luống dưa luống cải nào mà nó không dừng lại săm soi. Nó sợ dưa bị bẻ trộm, nên rà coi rất kỹ. Mấy lượt tôi nghe nó la:

- “Trái dưa ở đây đâu mất rồi?” Nhưng liền đó nó lại tìm thấy trái dưa bị lá phủ, thì lại reo: - “Có rồi có rồi" và bấy giờ trên bộ mặt xương xẩu của nó lại lộ đầy vẻ mãn nguyện. Đợi nó về hẳn rồi, tôi nhoẻn cười, đủng đỉnh đi ra rẫy. Con Biếc con Thắm đang kéo nước ở giếng đều nhìn tôi le lưỡi và khen tôi gan. Tôi nói:

- Con nhỏ đó bộ tướng ốm nhách, nhằm nhè gì. Có tôi ở đây hai em đừng lo!

Tôi đi gánh nước tưới rau với con Biếc. Đất rẫy của Biện Tư ở xen giữa vườn cây với bờ ruộng, rất rộng và trồng nhiều thứ. Đúng như lời con Biếc, đồ hàng bông không thiếu thứ gì, ngoài ra lại còn trồng dưa gang dưa hấu. Với bấy nhiêu thứ đó, hai chị em con Biếc lo tưới cũng đủ chết. Thấy dưa đã chín tới nằm lăn lóc bóng lưỡng nơi rẫy, tôi hỏi hai đứa có ăn trái nào chưa. Con Biếc nói chưa nếm qua miếng nào hết. Tôi hỏi vậy hai đứa có thèm ăn dưa không. Cả hai đều bảo là rất thèm nhưng không dám hái. Tôi nói được rồi, để tôi bẻ cho mà ăn. Trưa hôm ấy, trước khi lùa trâu ra đồng, tôi đi xăm

xăm ra rẫy chọn bẻ một trái dưa hấu lớn và chín nhất đem về chòi. Chị em Biếc thấy tôi bẻ trái dưa quá lớn thì sợ hãi trợn tròn mắt. Tôi nói:

- Không hề gì đâu, hai đứa bây đừng sợ, có gì tôi chịu hết!

Dứt lời, tôi nhón gót với lấy cái lưỡi hái trên mái chòi xuống, quặp bổ trái dưa ra ngay. Tôi đưa cho mỗi đứa một miếng lớn và giục:

- Ăn đi!

Thấy hai đứa còn do dự, tôi cầm miếng dưa cạp ăn rồn rột. Chừng đó hai đứa mới ăn theo. Tôi nhìn chúng nó ăn, trong bụng thấy hả hê được đôi phần. ít ra, chúng nó cũng phải được ăn một miếng dưa ngon như vậy. Nói chi để vài hôm nữa thì nhà Biện Tư kêu lái đưa tới bán hết còn gì. Tôi vừa ăn vừa giục hai đứa ăn thêm. Chúng tôi ăn hết trái dưa, đứa nào đứa nấy bụng to tướng, vì trái dưa lớn quá. Tội thay cho con Biếc con Thắm, đã ăn dưa vô bụng rồi mà còn lo ngay ngáy. Tôi bảo:

- Tôi đã nói có gì tôi chịu hết mà... Thôi, bây giờ Biếc đi thả trâu với tôi một bữa đi!

Con Biếc giới thiệu tên từng con trâu. Mười sáu con tất cả. Con thì tên Bướm, con thì tên Mẫm, có cả những con đội tên Tây mà tôi chưa thấy ai đặt cho trâu bao giờ.

Biếc ngoan ngoãn cùng tôi đưa trâu ra đồng. Thiệt ra đối với trâu cộ, tôi cũng không bỡ ngỡ, vì hồi ở Phước-lai tôi vẫn thường theo tụi nhỏ chăn trâu, chỉ phải cái là đồng đất ở đây quả là tôi chưa thuộc. Biếc nói không lo, miễn là nắm biết chỗ có cỏ cho trâu ăn thôi, chớ đất ruộng ở đây đều thuộc nhà Biện Tư hết, khỏi sợ lầm đất chủ khác.

Dong trâu đi trên những cánh đồng minh mông, tôi càng thêm thù Biện Tư. Ruộng đất của y cò bay mỏi cánh như vậy mà y còn bầy mưu đặt kế lấy mấy công đất của cô Tám tôi do cách mạng cấp, khiến cô tôi không có đất cấy phải chuyên đi quơ củi kiếm ăn.

Tháng này gần giáp Tết, trên đồng chẳng có gì ngoài những gốc rạ vàng cháy, xơ rơ. Trưa nắng, các cánh đồng như muốn ngút lửa. Xa xa, ven cây trong xóm chớp sao lia lịa. Con Biếc đưa tôi tới những chỗ có nhiều cỏ, những biền và bưng. Rồi em còn chỉ cho tôi biết khoảng ruộng nào có nhiều cua, chỗ nào có thể mò bắt cá cạn, thậm chí Biếc còn bảo tôi ngày mai nên sắm gậy đem theo để phang cúm núm. Biếc say mê nói lóng rày cúm núm mập ú nu mà lại đi có bầy phang rất dễ trúng, có khi phang một gậy rớt đôi ba con. Nghe Biếc bày vẽ, chỉ dẫn tôi lấy làm phục nó. Không ngờ con nhỏ biết nhiều thứ hay quá. Lúc dong trâu qua một ngòi nước sắp cạn, Biếc ngó chăm chắm, rồi đột nhiên tuột xuống khỏi lưng trâu, chạy lên phía ngược nước, ngồi xuống quơ chụp bắt được ba bốn con cá rô. Biếc bứt mấy cọng rạ xỏ qua mang cá đem quàng lên sừng trâu.

Tôi với Biếc lại đi, lại lùa trâu đến những vùng cỏ mới. Nắng lớn quá, nắng như lửa đốt. Tôi để đầu trần, tóc chẳng mấy chốc đã nghe khét nghẹt mùi nắng. Tóc Biếc vàng xém hết. Cho trâu ăn no chúng tôi lùa trâu xuống vũng đằm, rồi chúng tôi rút vào một bờ trâm bầu gần đó để tránh nắng. Biếc ngồi dựa gốc trâm bầu thiu thiu ngủ. Tôi vịn cành trâm bầu che mấy tia nắng dọi xuống mặt Biếc. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt thơ ngây của Biếc trộn lẫn vẻ lo lắng đáng thương, khiến cho tôi thấy mình phải có phận sự che chở. Tôi muốn ngồi giữ yên cho giấc ngủ của Biếc mãi mãi. Phần tôi thì tôi không thể nào ngủ được. Trước mắt tôi không xa là cái trảng găng, và rừng, cánh rừng nơi cô tôi với thằng Cổ ở, bây giờ giăng ngang sừng sững và ngàn lá ở đó thảy đều như nhuốm khói.

Tôi nao nao nhớ rừng, mặc dù tôi chỉ ở đấy mới hơn một tháng. Tôi nhớ cảnh tự do thung thăng, cảnh lửa củi cháy trong đêm về khuya rơi vạc những đống than hồng, cảnh đàn gà rừng sắc sảo, con trĩ lông cánh rực rỡ những ngày đầu bị tôi bắt được nhốt vô chuồng đâm buồn rầu ủ rũ bỏ ăn. Hết nhớ rừng, tôi nhớ về Phước-lai. Cái làng cũ ấy không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ tôi với những cánh đồng xanh rờn mùa cấy, vàng hực mùa gặt và những cây rơm cao nghệu, những rặng bần ven sông đêm đêm đom đóm mở hội. Nếu như ba má tôi không chết thì bây giờ tôi còn ở đó. Nhớ về Phước-lai là một chốc sau nỗi đau đớn uất ức làm cho tôi nghẹn ngào. Thế là tôi lại bắt đầu nhìn thấy rõ ràng đôi bàn tay chai sạn của ba tôi bứt cỏ trốc cả gốc lên khi bị mổ bụng, tôi lại thấy má tôi bụng nhú to ngồi chết im lìm trong bếp...

Một vệt nắng chiếu xiên ngang mặt Biếc. Tôi ngồi dịch lại, lấy thân mình che cho Biếc khỏi nắng. Tôi nhìn Biếc ngủ mà thương. Giấc ngủ ban trưa của một đứa con gái, nhỏ hơn tôi vài tuổi trông tồi tội làm sao. Ngó vẻ mặt trẻ thơ của Biếc, ai mà biết được nó đã có lúc bị lâm vào cảnh đau thương ghê gớm chẳng kém gì tôi, cái cảnh lặn lội sì sụp trong bàu rùng, vốc lên trong lòng bàn tay nhỏ bé đống xương thịt tả tướt của cha nó. Từ nỗi đau của chính mình, tôi lại càng đau cho cảnh chị em Biếc. Tôi trì chiết nghĩ rằng tới một ngày nào đó lớn lên tôi phải nhập hết mọi nỗi đau đớn của chúng tôi lại làm một mà bắt kẻ gây oán phải đền trả. Cái ý nghĩ đó như đóng đinh giữa tim tôi cứ mỗi lúc càng thôi thúc, siết riết chẳng buông.

Lúc mặt trời ngả bóng, bỗng có một bầy chim trao trảo từ ngoài đồng bay ngang vòm cây trâm bầu. Bầy chim dường như đã kiếm ăn no đủ, vừa liệng qua vừa hót kêu vui vẻ Nhanh như cắt, tôi đứng dậy uốn cong lưỡi kêu "trảo trảo" hệt như tiếng chim kêu. Bầy chim mới bay qua đó nghe tiếng kêu, vội vòng trở lại đáp sà xuống chòm trâm bầu, Từ đó, có thêm ba bốn bầy trao trảo khác bay qua, cũng đều bị tôi kêu lại. Trong phút chốc, chòm cây trâm bầu đậu đầy chim trao trảo. Tiếng loài chim kêu nghe rất dân dã, náo nức đó đã đánh thức Biếc tỉnh dậy. Biếc bàng hoàng và hớn hở ngước nhìn. Tôi cười bảo:

- Tôi kêu chim ghé chơi đó. Đây nè, nghe tôi kêu coi có giống không nghe!

Nói rồi tôi uốn lưỡi kêu "trao trảo". Biếc thích thú cười ngất và khen tôi hết lời. Biếc bảo tôi dạy cho Biếc kêu. Tôi dạy cách uốn lưỡi như thế nào mới kêu được đúng. Biếc bắt chước kêu theo, tiếng kêu cũng khá, nhưng vì chưa quen nên không thiệt giống. Tôi nói để rồi dần dần tôi chỉ cho, thì chẳng những Biếc có thể gọi được chim trao trảo mà còn có thể gọi tất cả các thứ chim đồng.

Hai đứa tôi vui vẻ ngồi chơi thêm một lúc nữa dưới vòm trâm bầu ríu ran tiếng chim rồi cùng nhau đi lùa trâu dưới vũng lên, cho trâu ăn thêm một lượt cỏ nữa. Tới chiều tà, chúng tôi mới lùa trâu về. Qua những vũng cạn, Biếc lại chộp được mấy con cá rô. Biếc xỏ mấy con cá đó vào xâu cá mà hồi sớm tới giờ nó vẫn buộc nơi sừng trâu. Con cá rô nào mình mẩy cũng khô queo. Tưởng như cá đã chết cứng, ấy vậy mà nó vẫn sống, lát lát lại cựa mình trên đám lông trâu bê bết bùn non. Tôi nghiệm thấy con cá rô đồng tuy là con cá nhỏ nhưng thiệt mạnh, nó có thể dang mình ngoài nắng suốt ngày mà vẫn sống. Tôi tự thấy mình cũng phải làm thế nào được như con cá ấy.

Trên đường thả trâu về chòi, Biếc lại ngỏ ỷ lo lắng e sợ con Len hoặc mụ Biện Tư ra rẫy bắt gặp cái cuống đưa bị bẻ trộm. Tôi nói cái cuống dưa ấy tôi đã bẻ trụi đi rồi, không dễ gì mà biết được và tôi không đồng ý hai tiếng "bẻ trộm" của con Biếc. Tôi nổi xung lên bảo hễ cái vật chi do bàn tay mình làm ra mà mình hưởng thì cái đó không phải là ăn trộm. Biếc làm thinh. Sau khi nói thế, tôi nghĩ lại càng thương cho Biếc. Chắc nó đã bị đánh đập nhiều lần rồi nên mới sợ. Tôi nghĩ bụng từ rày trở đi hễ có sự cực khổ đòn roi nào xảy tới thì tôi sẽ tự nguyện lãnh hết. Tôi dám gánh chịu hết cho hai đứa con gái nhỏ đồng cảnh khổ với tôi, cũng như tôi đã dám đem thân ra gánh chịu món nợ cho cô Tám tôi.

Thêm một buổi chiều nữa lại đến nơi chòi trâu. Ba đứa trẻ chúng tôi lại ăn cơm trong cái cảnh nhá nhem nửa tối nửa sáng, vì sau khi lùa trâu về, chúng tôi còn phải tưới rẫy tiếp con Thắm. Thành ra chúng tôi luôn ăn bữa chiều vào lúc đêm đã xuống. Nhưng bữa cơm trong ngày nhập nhoạng vậy mà ngon. Nhờ có thêm món canh cải cá rô do Biếc nấu. Nghe nói lúc chiều, mụ Biện Tư có ra chòi, coi rẫy, o ép con Thắm làm, nhưng không xảy ra việc gì. Lúc chúng tôi ăn cơm, mụ lại trở ra. Đó là một mụ đàn bà tuy không mập như chồng, chớ cũng khá đẫy đà, bước đi đong đưa hông háng. Ngó những bụng trâu no căng, mụ ta có vẻ hài lòng. Mụ tuyệt nhiên không hề biết có một trái dưa đã bị mất. Thiệt ra có trời mà biết được. Dưa cả trăm cả ngàn trái, hơn nữa tôi xóa dấu rất khéo.

Chúng tôi ăn cơm xong thì trời tối mò. Giữa lúc tôi ngồi vơ rơm đánh một con cúi đè giữ lửa un đêm, thì chợt nghe tiếng chân ai đi lịch phịch ngoài đầu giồng. Tôi nạt:

- Ai?

- Tao chớ ai!

Thì ra anh Đấu. Anh bước vô chòi, ngồi chơi, hỏi han tôi bữa nay coi trâu thế nào. Tôi nói thả trâu ăn đàng hoàng, chỉ phải cái nắng quá, nắng muốn nứt đầu. Anh Đấu hứa sẽ kiếm cho chúng tôi nón lá. Anh nói:

- Hồi nãy tao thấy vợ Biện Tư về êm ru thì tao biết chú mầy đã coi bầy trâu xuôi lọt. Mà chú mày chớ vội mừng, con mẹ đó không phải dễ dàng gì đâu!

Anh Đấu căn dặn tôi như thế, rồi vấn thuốc. Anh rút trong túi áo ra ba bốn lá thuốc giồng mới khô còn hơi dôn dốt, đem cuốn lại như cái tổ sâu và bê nguyên con cúi lên châm hút. Điếu thuốc cháy dữ. Khói thuốc từ mũi anh Đấu tuôn ra cuồn cuộn không kém khói từ con cúi rơm bốc dậy là mấy. Anh rít thuốc, thở phào coi ngon lành lắm. Tôi nghĩ chắc hút thuốc cũng khoái nên anh mới hút. Tôi lại để ý thấy anh Đấu có dao dắt trong người. Cái chuôi dao thòi ra mỗi khi vạt áo anh bị gió thổi bay. Tôi tò mò đưa tay sờ cán dao, hỏi anh đem dao theo làm gì. Anh đáp:

- Tao giữ kho lúa, phải có dao, sợ đêm hôm ăn trộm nó vô...

Anh nói thế và lừ lư đưa mắt ngó quanh chòi. Lát sau anh dụi tắt điếu thuốc, không nói thêm chi nữa. Mãi cho tới lúc sắp khom lưng bước ra chòi, anh Đấu chợt ngoảnh nhìn tôi và bảo tôi rằng chẳng những anh có dao mà anh còn biết võ nữa. Đang nói, thình anh anh trớ mình, rùn gối chân xuống tấn, hai bàn tay vụt xỉa về phía tôi vun vút:

- Đây nè, tao đố chú mầy đánh lọt tới người tao, cứ việc đánh thử đi!

Tôi bị cú bất thần, chưa kịp rục rịch, thì anh lại vù vù xoay mình đi thêm một đường thảo nữa. Chẳng biết hai bàn tay anh vỗ vào đâu mà nghe cứ bôm bốp, banh bách. Thể rồi anh lại trụ bộ, tuyên bố cho phép tôi tấn đánh vào bất cứ chỗ nào trên người anh. Thấy việc đó dễ quá, tôi không nghĩ suy lâu lắc, liền phốc tới đá anh một cú đá song phi, nghĩa là đá liền hai cái. Rủi thay, chỉ mới trong cái đá thứ nhất tôi đã bị anh Đấu bắt chân, rồi liền đó cái bàn tay cứng như sắt của anh thọc đúng vào nách tôi. Cả người tôi bị nhấc bổng lên. Anh Đấu nhồi tôi mấy lượt trên không, quăng tôi xuống đống rơm giữa tiếng cười la và tiếng vỗ tay của chị em con Biếc.