gay đêm hôm đó, từ Quán Chim chúng tôi hành quân một mạch về Xà-bang. Được biết sẽ đóng lại ở Xà- bang, tôi xin với anh Đấu cho phép khẩu đội tôi về đóng ở nhà má Năm. Bấy giờ vào lối bốn giờ sáng, trời hãy còn tối, tôi dẫn khẩu đội đi tới nhà má Năm. Gần đến nơi, tôi nói với anh em trong khẩu đội:
- Hồi tao bị Bảy Vàng đánh, cũng giác mờ mờ sáng như vầy tao bò tới nhà má Năm đây!
Lắm Kèn hỏi:
- Giờ thằng Bảy Vàng còn ở đây không?
- Đâu biết. Chỉ biết là sau khi tao bỏ đi, nghe nó nhảy ra làm Chủ tịch Hội đồng xã kiêm xếp bốt. Thằng đó ác ôn dữ lắm!
Lắm chặc lưỡi:
- Mẹ, thứ đó khó lòng tới tay mình được. Chắc bà con ở đây người ta cũng đã khử nó rồi!
- Ừ...
Dù trời hãy còn tối, tôi vẫn tìm ra đúng ngõ rẽ vô nhà má Năm. Hai năm đã trôi qua, nhưng tôi không quên cái nơi đã cưu mang đùm bọc tôi khi tôi từ nhà Bảy Vàng bò lê tới. Đây rồi, chính tại bến sông dẫn lên nhà đây là chỗ tôi đã ngất xỉu. Tôi đưa tay đập khẽ lên tấm liếp cửa, hồi hộp cất tiếng gọi:
- Má ơi,... má ơi!
Trong nhà có tiếng người cựa mình làm chuyển bộ vạt tre. Rồi có tiếng hỏi, giọng chậm rãi tỉnh khô nghe đúng giọng má Năm:
- Ai kêu đó?
- Con đây, con là thằng Quyết đây nè má!
- Quyết nào, Quyết nào?
- Con đây mà, con là thằng Quyết ở nhà Bảy Vàng hồi đó...
Trong nhà tức thì có tiếng buột kêu: "Trời ơi!", rồi tiếng người tuông dậy rột rột. Kế đó tôi nghe cái bật lửa quẹt xạch xạch. Đèn trong nhà được thắp lên. Cửa mở. Dưới ánh đèn dọi mờ, tôi ngó thấy má Năm thì nhào tới ôm má. Má Năm đứng chưng hửng, ngó tôi như chưa nhận ra. Có lẽ tại nay tôi dềnh dàng cao lớn khác hẳn mấy năm trước, và tôi đang vác cây đại liên coi rất hùng dũng chăng. Má Năm sững sờ tuồng như chưa tin ở đôi mắt già nua của mình, mãi lát sau còn hỏi:
- Trời... Thiệt là mày đó hả Quyết?
- Thì con là thằng Quyết đây chớ ai nữa má. Xin giới thiệu luôn với má đây là anh em trong khẩu đội của con!
Má Năm mừng rỡ đến quýnh quáng:
- Mèn đét ơi, mấy đứa về hồi nào tao chớ có hay. Phải bữa trước anh em tụi bây có kéo ngang đây không?
- Dạ phải, hôm trước tụi con kéo đi đánh Quán Chim. Tụi con đánh dứt điểm Quán Chim rồi mới vừa về tới đây. Anh Vững con đâu rồi má?
- Ối, không đêm nào nó có nhà đâu. Bây giờ nó làm xã đội, đi tối ngày sáng đêm!
- Đơn vị tụi con về đóng ở đây, riêng mấy đứa con được về ở nhà má.
- Ừ, cứ ở đây. Mấy thằng bây ở nhà tao mãn năm tao cũng nuôi nổi mà!
Má Năm chụp từng đứa chúng tôi, rờ coi mập hay ốm, rồi hỏi:>- Mấy đứa bây nói đi đánh Quán Chim, vậy chớ đánh lấy gọn hôn?
Lắm Kèn mau mắn:
- Diệt gọn rồi má. Tụi con diệt gọn rồi còn được bà con ở đó đãi một bữa chim đã đời nữa má ơi!
- Vậy là đánh tiêu Quán Chim rồi hả?
Câu nói thốt ra cùng lúc khuôn mặt răn reo của má rạng rỡ lên. Má lăng xăng đưa tay trỏ khắp nhà:
- Đó, tùy ý anh em tụi bây muốn ở đâu đó thì ở. Chắc mấy đứa buồn ngủ, cứ leo lên giường tao đó mà ngủ. Còn bây giờ để tao đi coi coi có cá mú chi không đặng lo cơm nước...
Má Năm thắp thêm một cây đèn bánh ú nữa, rồi bưng đèn đi xuống bếp. Sau cái chuyện lo chỗ ngủ cho chúng tôi má nghĩ ngay tới miếng ăn. Tôi nhìn bóng má chập chờn theo ánh đèn mà nhớ lại ngày nào má cũng xuống bếp như vậy. Tôi giục anh em lên giường ngủ, còn tôi lãnh phần gác. Ba đứa Khởi, Cần, Lắm đặt mình lên giường, nơi hãy còn hơi ấm của bà mẹ mới biết nhưng thấy như đã quen lâu. Trước khi vào giấc, cả ba đứa đều nói rằng tụi nó nghe phảng phất cái mùi gì quen quá.
Tôi thì không lạ. Cái mùi đó hẳn là mùi mẹ già, mùi trầu, mùi nhang hòa quyện với hương bông trang bông lài lan lan trong tiết trời mát dịu của đêm về sáng. Sau trận đánh hãy còn nóng hổi, những mùi vị ấm áp dễ chịu ấy đã đưa ba đứa vào giấc ngủ thiệt mau, đầy vẻ bình yên. Chỉ một chốc sau, cả ba đứa đã cất tiếng ngáy ran. Tôi rón rén cầm đèn đi xuống bếp, nơi đã có ánh lửa nhảy nhót.
Má Năm đang bắc lên bếp một nồi gì đó. Tôi đến ngồi bên má, hỏi:
- Nấu gì đó, má?
- Má bắc nước làm gà!
Bây giờ tôi mới có dịp nhìn má tỏ rõ. Tóc má Năm bạc nhiều hơn, làn da mặt má có thêm nhiều chỗ răn reo hơn. Nhưng đôi mắt má thì vẫn thế, vẫn trìu mến như trước, tuy trong đó hãy còn vương lại vẻ lo âu, nhẫn nhục. Tôi nghĩ tới những đè nén, rún ép, bó buộc mà ấp chiến lược đã gây ra ở đây, qua khuôn mặt má Năm chập chờn ánh lửa. Má Năm run run đưa tay đẩy củi
- Từ hồi con đi, má đâu có yên bụng. Cứ sợ hoài, sợ con chết...
Tôi lặng thinh, xúc động khi nghe má quá lo lắng cho bước đường của mình. Im đi một lúc, tôi làm ra vẻ cứng cỏi cười bảo má:
- Làm sao mà con chết được, má?
- Ừ, tụi bây đứa nào cũng giỏi. Để má nói cho nghe. Lúc con đi rồi, má cứ cằn nhằn thằng Vững. Má nói lẽ ra phải bắt liên lạc được với anh em bộ đội rồi hẵng cho con đi. Con đi rồi, má rầu thúi ruột đó đa Quyết. Không có tin tức chi ráo, coi như biệt vô âm tín mà. Tao ngỡ...
- Má ngỡ sao?
- Ngỡ cọp nó nít 1 mầy rồi chớ sao.
Má Năm vụt cười, xỉa ngón tay vô trán tôi. Bà mẹ sung sướng vì sự không may đã không xảy đến và trong buổi hừng đông này tôi đã trở về, với súng ống, với đồng đội. Bên bếp lửa, tôi kể cho má Năm nghe cái buổi tối mò tới rừng, rồi mọi sự tôi gặp phải sau đó. Má Năm nghe tôi kể, khi cười khi khóc. Má hỏi tôi:
- Con biết khi con đi rồi thằng Bảy Vàng nó nói sao không?
- Nó nói sao má?
- Nó kiếm con giáp xứ không có rồi nó nói nếu như con trốn vô rừng thì coi như bị cọp ăn, hoặc giả không bị cọp ăn thì sớm muộn gì cũng thành xà-niên...
Hai tiếng xà-niên mà má Năm bảo là Bảy Vàng nói đó đột nhiên như kim chích vào tim tôi. Tôi đứng bật dậy. Một nỗi căm giận bừng lên trong tôi như một đám cháy âm ỉ nay gặp gió thổi cháy thành ngọn. Tôi đứng sững, ngó trân trối ra đêm sắp tàn. Xà-niên, thiệt là nghe hai tiếng đó tôi chịu không nổi. Bởi từ khi biết được nguồn gốc của xà-niên, tôi đã ngậm hờn cho ông Cổ như ngậm hờn cho chính mình. Thế mà thằng Bảy Vàng muốn tôi trở thành con xà-niên lắm.
Tôi hỏi má Năm, giọng giận dữ:
- Bây giờ nó ở đâu má?
- Ai, Bảy Vàng hả, nó chết rồi!
- Chết rồi?
- Ừ, chết hôm phá ấp, cách đây chưa được nửa tháng. Tụi anh em thằng Vững bao vây bót bắt được nó. Nghe đâu nó quỳ sụp xuống lạy anh em. Con vợ nó khóc ròng. Nó còn bảo vợ chắc thế nào cách mạng cũng khoan hồng. Tụi thằng Vững bắn nó tại chỗ!
Tôi thở phào. Câu chuyện Bảy Vàng đền tội làm cơn giận của tôi dịu bớt. Má Năm lại hỏi tôi:
- Từ hồi con đi tới giờ có gặp lại chị Hòa với cô Tám con không?
- Con đâu có gặp. Không biết chị Hòa con giờ có còn ở Phước-lai với dì Sáu Xích không. Còn cô Tám con cũng chẳng biết ra sao, cô Tám con nghèo lắm...
- Lúc trước má nghe con nói cô Tám con ở Phước kiển phải không?
- Dạ, hồi đó thì ở Phước-kiển, xóm bìa rừng... Cách đây là gần bảy năm rồi!
Má Năm ngó ngọn lửa bếp, có vẻ nghĩ ngợi. Hồi sau má day qua hỏi tôi:
- Con có muốn gặp cô Tám của con không?
- Con muốn lắm, nhưng làm sao mà gặp cho được?
Má Năm kéo rổ, têm trầu, cấu một miếng cau khô bỏ vô miệng. Má vừa thủng thỉnh nhai trầu, vừa nói:
- Để tao tính coi... Chỉ sợ cô của con đã dời đi miệt khác, chớ còn ở nguyên nơi đó thì không khó...
- Con chắc cô Tám con không đi đâu, ở đó còn có củi rừng, quơ về bán mua gạo, chớ đi chỗ khác lấy gì mà sống.
- Thôi được, để tao đi lên trển kiếm cô Tám dắt về đây cho hai cô cháu gặp nhau. Rủi không gặp thì chắc cũng biết được tin tức. Từ đây lên trên đó đâu có xa xôi gì, tốn có mấy chục đồng bạc
Tôi nghe má Năm nói mà muốn ứa nước mắt. Tôi không ngờ má toan tính giúp tôi cả chuyện đó. Lúc trời sáng rõ, má Năm đã nhổ lông xong hai con gà. Đang lúc tôi phụ đè ngửa con gà trên thớt để mổ thì nghe có tiếng chân thình thịch ngoài ngõ. Má Năm buông dao:
- Thằng Vững về đó!
Quả là anh Vững thiệt. Tôi nghe rõ tiếng anh cất lên từ ngoài ngõ:
- Má ơi, anh em có về đóng ở nhà mình không?
Tôi đứng phắt dậy, chạy ra:
- Có, có đứa này đóng ở đây đây!
Hai anh em tôi gặp nhau ở cổng. Anh Vững vùng la chói lói:
- Ủa, thằng Quyết hả mầy, trời đất ơi!
Anh vội dựng cây súng trường bá đỏ xuống gốc mít, rồi nhảy tới ôm tôi chặt cứng. Cái cạc-tút-se đạn anh đeo nơi lưng cộm vào bụng tôi. Buông tôi ra, anh ngó tôi từ trên xuống dưới: - Thằng lớn dữ ta... Nè, có phải đêm trước tụi bây đi ngang đây không?
Tôi gật đầu. Anh Vững nói:
- Tao rượt theo em hết sức mà không kịp. Hồi lúc mờ sáng đó. Tao kêu chói trời bộ em không nghe sao?
- Em có nghe. Chắc là anh chạy theo tới chỗ cái hàng rào giây thép gai mà kêu em đó phải không?
- Thì tao đó chớ ai! Sao, đánh dứt điểm tụi Quán Chim rồi hả?
- Dà.
- Hồi đêm tụi tao đi tuần có gặp một tốp bốn cô khiêng thương binh, tao hỏi thăm, một đứa nói biết em.
- Anh Vững có biết cô đó tên gì không?
- Không, mà tao biết mặt. Con nhỏ đó còn nhỏ, coi dễ thương lắm. Tội nghiệp, nó đi khiêng anh em, mồ hôi mồ kê đổ ròng ròng.
Tôi nghĩ chắc chắn là Biếc, nhưng không nói ra. Tới trưa, khi má Năm đã lên đường đi Phước-kiển để đón cô Tám tôi thì Biếc đến. Biếc nói đã đưa anh Sáu Dũng vào Quân Y, nhưng chưa rõ cái chân bị đạn của anh có trúng xương không. Bây giờ Biếc đã tắm rửa ăn mặc sạch sẽ coi tươi tỉnh chớ không có vẻ gì nhọc mệt lắm. Tôi nắm tay dắt Biếc vô nhà:
- Sao biết tụi anh ở đây?
Biếc cười:
- Biết chớ sao không. Mấy đứa con nít ở đây nó nói rùm, đứa nào nó cũng biết anh. Bộ Bảy Vàng hồi đó dẫn anh về Xà-bang là Xà-bang này đây hả anh Quyết?
- Phải, đây là xứ của anh mà!
Tôi đưa Biếc vô nhà, giới thiệu với anh Vững. Nghe tôi nói đây là cô con gái đã từng ở đợ chung với tôi tại nhà Biện Tư thì anh Vững vui mừng hỏi:
- Vậy em là em Biếc?
- Dạ phải.
Biếc khẽ đáp và cười. Anh Vững lại hỏi:
- Có phải hồi hôm em khiêng thương binh đi ngang qua đây không?
- Dạ.
- Thôi đúng là em rồi, tôi nhớ ra rồi!
Chiều hôm đó, tôi rủ Biếc đi chơi quanh khắp Xà-bang. Tôi dẫn Biếc đi dưới vòm cây cao-su, chỉ cho Biếc con đường trước kia tôi vẫn thường lùa bò ra trảng cỏ. Biếc lặng lẽ đưa mắt nhìn suốt con đường đỏ sẫm ấy, như cố hình dung lại những ngày vất vả và trơ trọi của tôi. Rồi chúng tôi đi đến nhà trại cũ của Bảy Vàng. Cảnh vật đã đổi thay. Nhà Bảy Vàng xây lại thành cái bót, và vừa bị bà con Xà-bang san bằng, còn lổn nhổn vôi gạch, chỏng chơ những cây sắt còng queo. Khắp sân, giây thép gai bị vo cuộn lại từng đống lớn. Gian nhà kho thì còn y nguyên như lúc tôi ở cùng ông Cổ. Tôi dắt Biếc lại đó, chỉ cho Biếc thấy cái nơi tôi đã sống qua ba năm cho tới lúc trốn ra khỏi nhà Bảy Vàng. Đã mấy năm trôi đi, mà giờ đây tôi vẫn còn như ngửi thấy mùi bò trộn lẫn mùi khói. Dường như bên tai tôi hãy còn tiếng bò rống, tiếng chân bò chen chạy vào chuồng, nện móng đồm độp. Và tôi còn mơ hồ như nghe thấy từ miệt sóc Chùm-đuông vọng lại tiếng tù và, rồi tiếng chình-kha-la bùng dậy, cùng một lúc hiện lên dáng ngồi bất động của ông Cổ trong ánh lửa, bên cây đờn tre thô sơ mộc mạc ấy.
Trưa hôm sau, má Năm trở về, dắt theo cô Tám tôi. Trong khi cô Tám ôm tôi mà khóc, thì má Năm kể lể:
- Y theo lời con chỉ, má tầm tới bìa rừng Phước- kiển. Mèn đét ơi, má tới đó thấy xóm bìa rừng bị pháo bom cày nát hết. Hố bom đìa cái nào cái nấy ngó phát chóng mặt. Má trở ra xóm hỏi thăm bà con ở đó, mới biết cô Tám con đã vô ở trong chùa Phước-lai. Má tính bề nào cũng đã đi thì đi cho trót. Má lội vô Phước-lai, mới gặp cô Tám con ở đó!
Tôi nhìn thấy cô Tám tôi gầy gò tiều tụy hơn hồi trước nhiều. Coi cô Tám nay hệt một bà vãi. Cô đội khăn màu già, quần áo cũng đều nhuộm già. Sau khi ôm tôi khóc, cô chỉ ngồi dòm tôi chớ chưa nói được câu nào. Đã gần bảy năm trời, hai cô cháu tôi mới lại gặp nhau, kể từ cái buổi trưa tôi vác bó củi ở rừng về gặp Biện Tư tới đòi nợ mấy giạ lúa, rồi tôi đi về ở đợ cho y để mong trừ mấy giạ lúa đó. Tôi biết hồi nãy cô Tám tôi khóc là cô chạnh nghĩ tới cảnh thương tâm cũ, do mình mắc nợ mà cháu mình phải đem thân làm tôi tớ cho người. Đó là tiếng khóc nửa xót thương, nửa ân hận vì không cưu mang được tôi, giữa lúc ba má tôi mới chết, để rồi sau đó tôi lưu lạc, mãi tới hôm nay khi gặp lại, thì tôi đã lớn, đã thành người chiến sĩ giải phóng.
Tôi phải lựa lời an ủi cô mãi, cô mới bớt khóc. Cô Tám lấy trong giỏ xách ra ba ổ bánh mì, một gói đường thẻ và một chục vú sữa kêu tôi mời anh em trong khẩu đội ăn. Giờ tới lượt tôi rưng rưng nước mắt. Lần lần, cô mới kể cho tôi nghe mọi chuyện. Cô nói sau lúc tôi rời nhà Biện Tư thì Biện Tư sai con gái vô dỡ nhà cô, đuổi cô và thằng Cồ ra khỏi miếng đất bìa rừng. Cô phải dắt thằng Cồ lội về Phước-lai ở nhờ nhà dì Sáu Xích. Lúc đó chị Hòa tôi cũng còn ở đó. Mấy tháng sau cô xin với xã cho cô làm phận sự coi sóc nghĩa trang liệt sĩ. Cô nói:
- Mà khi đó chỉ có mình cô ở cái chùa kế nghĩa trang, chớ thằng Cồ cũng đã đi rồi!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, em Cồ đi đâu?
- Nó đi bộ đội như cháu chớ đi đâu bộ đội huyện. Con Hòa chị của cháu cũng lên công tác phụ nữ trên huyện. Hai chị em vẫn thường ghé thăm cô.
Nói tới đây, vẻ mặt cô Tám tôi chợt rạng lên. Cô chúm chìm cười và tiếp:
- Cô thường gặp anh Tư Râu, nghe ảnh nói con Hòa bây giờ khá lắm, làm chấp hành phụ nữ huyện. Anh Tư Râu cũng khen thằng Cồ, ảnh nói nó đánh giặc gan lắm...
- Chú Tư Râu Sắt giờ cũng còn ở Phước-lai hở cô?
- Còn, coi như anh Tư Râu ảnh cầm cốt mọi công chuyện trong xã. ở Phước-lai bây giờ khác trước lắm cháu. Chánh quyền, đoàn thể có đầy đủ. à, chắc cháu chưa hay, phần mả của ba má cháu đã dời vô nghĩa trang từ lâu chớ không còn ở ngoài gò nữa. Tất cả cô bác anh em nào hy sinh hồi năm đều được bốc cốt đem về chôn cất đàng hoàng trong nghĩa trang. Bà con đóng góp tiền bạc làm mộ bia tử tế lắm. Cô ở đó ngày ngày lo dẫy cỏ, quét dọn. Vô ra ngó thấy hai nấm mả ba má cháu nằm sóng đôi, cô lại ứa nước mắt, lại nhớ tới hai chị em bây. ở một mình buồn lắm, nhưng coi sóc các phần mộ cô thấy có sự an ủi. Cô già rồi, không đánh giặc giã gì được, thôi thì cô ráng làm chuyện đó. ở nghĩa trang sau này có thêm nhiều phần mả mới, phần lớn là mấy chú du kích hy sinh. Cũng là đánh giết tụi nó rồi chết chớ ít có ai bị tụi ác ôn làm hại như hồi mấy năm trước...
Tôi hỏi:
- Lúc cháu đi khỏi nhà Biện Tư, cô có biết không?
- Biết, nhưng ban đầu cô cứ ngỡ con trốn. Là vì con Len con gái Biện Tư nó vô la ó: "Thằng cháu bà nó bỏ trốn rồi. Nó mần chưa trả dứt bốn giạ lúa, vậy bà phải đóng trả không thì tôi cào nhà!". Cô có lúa đâu mà đong, năn nỉ nó hoài không được, đành để nó cào nhà.
Tôi nghe nói giận quá, la lớn:
- Trời đất ơi, thằng cha Biện Tư biểu cháu đi lên Xà bang giúp cho em thằng chả là Bảy Vàng, vậy mà nó dám trở mặt, thiệt quân chó đẻ!
- Thôi đừng chửi nó nữa con, nó bị xử tử hình là coi như đã đền tội, trong đó có cái tội cào nhà mình rồi!
Tôi chạy đi rủ Biếc lại, giới thiệu với cô tô
- Cô Tám à, em Biếc đây hồi đó coi trâu với cháu ở nhà Biện Tư.
Cô tôi kéo Biếc lại ngồi bên nói:
- Hồi đó cô có nghe nói, mà không biết cháu. Nghe đâu cháu còn có một đứa em nữa phải không?
- Dạ.
- Bây giờ cháu mần việc chi?
Biếc chưa kịp đáp, thì Lắm Kèn đã xen vào thưa:
- Dạ chị Biếc đây là thanh niên xung phong, nghĩa là chị lo tải đạn cho tụi cháu đánh giặc. Tụi cháu đánh giặc rủi bị thương hoặc hy sinh là chị cũng tải luôn!
Mọi người trong nhà đều cười ồ. Lắm lại thưa tiếp với cô tôi:
- Thiệt tình là từ ngày có mấy chị thanh niên xung phong như chị Biếc đây về đơn vị, tụi cháu đỡ khổ hết sức vậy cô. Được tiếp đạn, tải thương đã đành, mà quần áo tụi cháu rách mấy chị cũng vá cho...
Dứt lời, Lắm quay sang Biếc trong tư thế đứng nghiêm:
- Bởi vậy cho nên hôm nay tôi nhơn danh là trực nhựt, xin mời chị Biếc ở lại dùng cơm với khẩu đội chúng tôi!
Mọi người lại cười ồ lên nữa. Biếc mắc cỡ đỏ mặt chạy xuống bếp tiếp dọn cơm với má Năm.
Sau khi ăn cơm xong, Biếc ra về rồi, cô Tám hỏi:
- Con nhỏ đó tao coi được quá. Nó còn nhỏ mà ăn nói thiệt mềm mỏng dễ thương!
Đêm đến, tôi mắc võng bên cạnh giường má Năm dọn cho cô Tám nghỉ lại. Hai cô cháu tôi trò chuyện tới khuya. Tôi sực nhớ bữa thằng Hoành rút súng bắn con Phèn, liền nhổm dậy hỏi:
- Cô Tám à, Biện Tư đền tội rồi, nhưng còn thằng con rể của y là thằng Hoành, chỉ huy biệt kích. Theo như lời anh Ba Đấu hồi đó cũng ở trong nhà Biện Tư, thì ảnh nghi chắc tụi thằng Hoành giết ba má cháu. Thằng nầy bây giờ không biết ở đâu. Nó ác ôn lắm, chuyên môn ăn gan người xào. Có lần đánh con dữ lắm, rồi sau đó nó đi đêm về bị con Phèn cắn, nó rút súng bắn con Phèn. Chẳng biết nó bắn có trúng con Phèn hay không mà ngồi trong chòi cháu nghe con Phèn kêu lên một tiếng rồi chạy luôn, từ đó không trở lại chòi trâu với cháu lần nào nữa.
Nằm trên giường, cô Tám tôi ngồi bật dậy, đập tay xuống chiếu kêu lên:
- Trời ơi, vậy sao, vậy là con Phèn có tới chòi trâu rồi có bị bắn hả? Hèn chi bữa đó nó đi đâu nửa đêm về nằm rên nhỏ nhỏ. Cô với thằng Cồ thắp đèn thức dậy thì thấy nó bị lủng sườn, lết tới đâu máu chảy ròng ròng tới đó. Cô đâu có biết, cứ ngỡ nó bị ai đâm đặng tính ăn thịt... Tội nghiệp con chó biết chừng nào, lúc cô kiếm vải băng bó, nước mắt nó tuông ra. Sau đó con Phèn chết Quyết à. Nó không chết tại nhà. Ngay đêm đó nó mang vết thương đi biệt. Cô lại ngỡ nó ra ngoài rừng chết cho mình khỏi đau lòng. Nào ngờ trong đêm đó nó đi về tới tận Phước-lai, lần ra ngoài gò mả. Hôm sau chị Hòa cháu ra thăm mả ba má cháu thì thấy con Phèn nằm chết trên mả...
Nghe cô tôi kể tới đó, tôi bỗng rùng mình nổi gai ốc khắp người. Thiệt là tôi đâu có dè cái chết của con Phèn lại diễn ra như vậy. Nỗi vướng mắc của tôi về con Phèn kéo dài suốt bảy năm giờ mới được cởi ra, nhưng lại cởi thế đó. Chẳng khác gì cởi rồi lại buộc vàọ một cái gút khác làm ruột gan tôi đau thắt. Như vậy là con chó của tôi đã chết bởi phát súng của thằng Hoành, nhưng không chết ngay mà còn ráng lết về bên mả chủ. Thình lình tôi thấy hiện ra trước mắt tôi hình ảnh cái đêm tối mịt mùng trùm phủ cánh rừng và đồng ruộng, con Phèn bị trọng thương lê đi từng bước một, đau đớn mà ngậm miệng không rên rỉ tru la lên một tiếng. Con đường từ ven rừng Phước-kiển đổ về Phước-lai đâu có gần, lại còn phải sang sông, tiếp đó là những cánh đồng xa tít. Trời, làm sao con chó bị thương ấy lại đi nổi. Hẳn là trong cái đêm đó, con Phèn đã phải vật vã chiến đấu trên từng chặng đường ngắn, thở hồng hộc, đổ gần hết máu của mình để về cho được tới nơi mà nó đã chọn làm nơi nằm xuống. Tôi mường tưởng ra cảnh ấy và nhớ lại hồi tôi bị thằng Hoành đánh nằm liệt ở chòi trâu, đêm nào con Phèn cũng mò tới chòi, chạy quanh rồi đến nằm thè lưỡi liếm những vết thương trên người tôi. Cho tới bây giờ, đã bảy năm trôi qua, thế mà tôi vẫn có cảm giác y như cái lưỡi ram ráp của con vật thân yêu ấy mới vừa thè ra âu yếm liếm lên người mình.
Giữa lúc thao thức không ngủ được về chuyện con Phèn, bỗng Khởi vào gọi tô
- Anh Quyết, anh Quyết!
- Cái gì đó?
- Anh Ba Đấu vừa cho người gọi anh lên Ban Chỉ huy tiểu đoàn liền bây giờ.
Tôi nhảy xuống khỏi võng, nói với cô Tám:
- Cháu có việc lại đằng nầy một chút, cô Tám ngủ đi cho khỏe đặng mai còn đi về!
Tôi đi thẳng lên chỗ Ban Chỉ huy tiểu đoàn. Vừa bước vô nhà, tôi ngó thấy đông đủ các anh Ban Chỉ huy tiểu đoàn và đại đội ngồi trên tấm đệm trải giữa nhà. Anh Chánh kéo tôi ngồi xuống hỏi:
- Nghe nói em có người cô lên thăm phải không?
- Dà.
- Mấy anh bận quá, có cử anh Đấu sáng mai tới thăm cô em. Còn bây giờ mình bàn vô công việc một chút. Chắc em cũng biết, chỉ còn vài hôm nữa là tới ngày giỗ đầu của anh Trỗi. Để kỷ nỉệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là người đầy khí tiết dũng mãnh trước quân thù, chúng ta sẽ đánh vô sào huyệt của những thằng đầu hàng phản bội. Đó là trung tâm chiêu hồi Long-điền.
Anh Chánh cầm cây que trỏ vào sa bàn:
- Theo báo cáo của trinh sát, trung tâm chiêu hồi này có hỏa lực đề kháng khá mạnh. Địch xây công sự nửa chìm nửa nổi. Do đó hỏa lực trung liên và đại liên của chúng đều đặt rất thấp để bắn rà sát. Ta đã có B.40 nhưng nếu ta xử dụng B.40 thì cũng phải tiếp cận đủ cự ly có thể phát hỏa. Trong khi tổ chức tiếp cận, phải khống chế hỏa lực địch. Mấy anh muốn hỏi em là em thấy có khả năng bắn đại liên yểm trợ xung phong được không?
Tôi suy nghĩ một chốc rồi đáp:
- Báo cáo, bắn được chớ sao lại không?
- Nhưng yêu cầu khá găng đó!
- Găng là sao anh, em chưa rõ?
Anh Chánh dơ lên:
- Nghĩa là em phải bắn sao cho đạn đi trên đầu anh em chừug một tấc thôi, găng là găng chỗ đó!
Tôi im lặng. Giờ thì tôi đã rõ. Vấn đề là ở chỗ gang tấc ấy. Yêu cầu nầy, khi vỡ lẽ ra rồi, tôi thấy khá gay gắt. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, tôi im lặng khá lâu trước một yêu cầu do chính đồng chí tiểu đoàn trưởng đề ra trực tiếp với tôi. Sự thiệt bắn địch thì không khó, nhưng phải bắn địch sao cho anh em tiến lên dưới làn đạn mà không hề gì, việc ấy không đơn giản. Anh em sẽ bò lên, và tôi sẽ gài đạn cách đầu anh em chỉ một tấc. Trên một tấc ấy là địch, dưới một tấc ấy là ta.
Tính toán, cân nhắc mãi, sau cùng tôi đứng lên nói:
- Báo cáo, em xin lãnh nhiệm vụ đó!
--------------------------------
Ăn.