ôi được lệnh gọi đi học lớp xạ thủ đại liên ngay khi tiểu đoàn tôi vẫn còn ở miệt dưới biển. Khi tôi theo đường giây giao liên về tới quân khu thì lớp huấn luyện xạ thủ đại liên đã khai giảng mất mấy hôm. Ngay khi tôi mới tới, anh Chín phụ trách lớp đồng thời là huấn luyện viên đã đến kiếm tôi:
- Đồng chí là đồng chí Quyết ở 445 phải không?
- Dạ phải.
Anh Chín nói:
- Nghe đồng chí mới tới, tôi lại thăm. Sao lại đi trễ vậy?
- Dạ tiểu đoàn em đương đánh hốt tụi địch dọc biển. Nhận được lịnh đi học, em lên đường ngay, đi ngày đi đêm mà không kịp. Từ dưới đó về tới đây xa quá!
Anh Chín vỡ lẽ, vui vẻ nói:
- Té ra vậy. Thôi được, cũng không sao, chỉ mới vô học phần đầu.
Tôi vừa mừng vừa lo:
- Em chỉ sợ học theo không kịp mấy anh lên trước.
- Em đã bắn đại liên?
- Em bắn rồi!
- Bắn đại liên gì?
- Đại liên lấy của Mỹ, kêu bằng cây Brô-ninh.
- Cây đó tốt. Mà em bắn đã lâu chưa?
Tôi ấp úng đáp:
- Em mới bắn thôi, chưa được một tháng.
- Nhưng đã được bao nhiêu trận?
Tôi nhẩm tính rồi đáp:
- Lớn nhỏ tất cả mười một trận.
- Tiểu đoàn em đánh dữ quá, chưa đầy một tháng mà đánh mười một trận. Vậy là khá lắm. Trận lớn nhất là trận nào?
- Trận đánh với tụi sư số Một Đỏ ở đồng Long-tiên.
Anh Chín kêu lên:
- Vậy à, vậy là có được đụng Mỹ rồi. Trong trận đó em bắn hạ được nhiều không?
- Chừng vài chục.
Anh Chín nghe nói thì đứng lên khỏi ghế, đi tới đi lui:
- Tôi về đây muốn ra trận mà không được, phải lãnh cái nghề huấn luyện. Nghe các cậu đánh chác tôi nôn trong bụng quá!
- Thì huấn luyện mãn một "cua", anh Chín xin ra trận?
- Khổ cái là bây giờ bộ đội mình đương nở nồi.
dứt "cua" này là liền "cua" khác rồi.
- Một "cua" mình học bao lâu anh?
- Chừng một tháng thôi.
- Được đơn vị cho đi học em mừng lắm, nhưng đi lâu em cũng nôn lắm. Thế nào ở nhà cũng đánh tới tấp, D em ít khi rảnh tay.
- Đã đành vậy rồi, nhưng học hành về em sẽ đánh tốt hơn!
Tôi gật đầu, làm thinh. Anh Chín cứ dòm tôi, có vẻ như khám phá ra nơi tôi cái gì đó lý thú, hấp dẫn anh lắm. Ngược lại, tôi cũng để ý thấy nơi người huấn luyện viên này có vẻ là lạ. Anh trạc băm tám, tóc đã có nhiều sợi bạc, có vẻ như một người từ xa mới trở lại quê hương. Đôi mắt anh nhìn tôi, nhìn cái bàn cái ghế cũng đều toát ra sự háo hức. Rõ ràng anh có thiện cảm với mọi thứ, với trận đánh mà tôi kể cho anh nghe, và với cả súc gỗ bằng lăng có lớp da giống bóng trắng in lỗ chỗ mà khi ngồi nói chuyện, tôi thấy anh cứ rờ rẫm vuốt ve mãi. Đi tới đi lui một lúc, anh hỏi tôi:
- Trước khi bắn cây đại liên Brô-ninh em bắn cây gì?
- Em bắn trung liên, bắn có một lần thôi, mà lại bắn ké với chú Chín Thắng là xạ thủ chánh...
- Chú Chín Thắng, có phải là người chiến sĩ lớn tuổi nhất đó không?
- Dạ phải, anh cũng biết chú à?
- Không, nhưng tôi có nghe danh người lính già đó. Mà khoan, em nói tiếp cho tôi nghe, lần đó em diệt được mấy thằng?
- Tám, tám thằng bỏ chạy.
Anh Chín nhìn xuống cặp chân tôi phì cười:
- Chắc em chạy giỏi lắm nhỉ?
- Em chạy khá, em mà chịu rượt thì tụi nó chạy không xiết với em đâu!
Anh Chín ngó tôi, cười tủm tỉm. Lát sau, chợt anh đập tay lên vai tôi:
- Thôi tôi biết em rồi, em có phải là Quyết giò không?
Tôi ngớ ra:
- Ủa...
- Có chi lạ, bây giờ các cậu đánh chác ở mặt trận ra sao thì bà con anh em đều biết hết. Anh mới về chớ anh cũng có nghe... Giờ tôi muốn hỏi thêm, từ trước tới nay có ai dạy em bắn đại liên không?
- Dạ có, anh Bé dạy em một bữa.
- Dạy trong một bữa thôi à?
- Dạ, mấy ảnh nói phải học rút đặng làm liền, chớ Mỹ nó ùa vô đông quá rồi mà mình ở đó học lâu lắc thì đâu kịp chơi với nó!
Nghe tôi nói thế, anh Chín im lặng nhíu mày suy nghĩ. Dường như câu nói ấy của tôi làm cho anh hơi bận tâm. Anh hỏi:
- Thế anh Bé đã chỉ dạy cho em những gì?
- Cách tháo ráp, cách ngắm bắn, cách vận động xung phong, nói tóm là ảnh dạy tụi em có một ngày.
- Rồi ra trận?
- Dạ, rồi ra trận luôn!
Anh Chín bật lên cười khà khà:
- Vậy thì anh Bé đó dạy giỏi lắm!
Tôi nghi ngại đưa mắt dò xét, không rõ anh nói thiệt hay chơi. Nhưng tôi vốn có lòng mến phục anh Bé lắm, nên tỏ bày thêm:
- Đó là em nói thiệt. Gấp quá mà anh, dạy bữa trước, qua hai ba bữa sau là đụng với tụi Mỹ liền!
- Không - Anh Chín ngắt lời tôi: - Anh cũng nói thiệt, dạy như anh Bé là giỏi. Trong hoàn cảnh gấp rút, dạy sao kịp bắn Mỹ là giỏi.
Anh Chín nói thế, rồi anh trầm ngâm gõ gõ ngón tay lên mặt bàn tre, lơ đãng nhìn ra khoảng rừng, mà da dẻ của một cây bằng lăng như bệt từng đốm nắng. Không biết nghĩ ngợi gì, lát sau anh hạ thấp giọng nói với tôi mà như nói với chính mình:
- Có lẽ anh cũng sẽ không dạy các em lâu đến một tháng đâu. Các em không thê ở đây lâu được!
Đặt cả hai bàn tay lên vai tôi, anh tiếp:
- Nhưng cũng phải học em à. Không có thời gian thì thôi, có được chút ít thời gian thì phải học. Đánh Mỹ cần phải đánh có bài bản. Bây giờ em hãy nói cho tôi nghe, qua các trận em bắn đại liên, em gặp những khó khăn gì?
Tôi thành thật đáp:
- Những trận tới thì em chưa biết, chớ như qua mấy trận vừa rồi thì báo cáo anh, em thấy không có gì trục trặc. Ví dụ vừa rồi em được đánh phản xung phong, và đánh tụi cố thủ ban đêm, em chỉ thấy đạn địch bắn châu vô tụi em rất dữ. Đánh tụi Mỹ xung phong, em chỉ ngại một điều...
- Cái gì, tụi nó xung phong ồ ạt lắm hả?
- Không, ồ ạt em không ngán. Em chỉ ngại tụi nó dọn bãi lung tung quá!
- Phải, đó là một thực tế. Đánh với Mỹ, mình phải chấp nhận cái đó. Tôi nghĩ vấn đề công sự chiến đấu là rất quan trọng, phải có công sự tốt. Nhưng ý tôi muốn hỏi là trong việc sử dụng cây đại liên, em có gặp khó khăn gì không?
- Không, bắn cây đại liên em ưng ý lắm. Tụi nó xáp vô đông, mình bắn nước nạp, nó nhào vô không nổi đâu. Còn tụi nó thưa lính, mình tính theo ít, lấy từng phát!
Anh Chín chưng hửng:
- Em nói sao, em nói lẩy cò từng phát?
- Dà, bắn phát một!
Tôi đáp một cách tự nhiên, như một với một là hai.
Khiến anh Chín ngạc nhiên hỏi lại:
- Em nói thiệt hay chơi, em nói em bắn cây đại liên từng phát một được à
- Em bắn lẻ một phát được chớ anh!
- Không có ai bắn được như vậy đâu!
- Thì em bắn hoài thôi mà anh!
- Em nói giỡn, anh chưa tin!
Tôi tự vò đầu, cười khì:
- Em nói thiệt, để bữa nào em bắn cho anh coi!
- Ờ, bữa nào em bắn anh ngó thấy tận mắt anh mới tin.
Anh Chín chưa tin thật. Là vì sau đó anh có kể cho tôi nghe rằng trong cuộc kháng chiến làn trước, một xạ thủ đại liên giỏi nhất trong đơn vị anh cũng chưa hoàn toàn chủ động ngắt loạt đạn ra thành hai phát được. Và anh bảo bản thân anh chỉ có thể chủ động ngắt ba phát.
Thế rồi anh lại nhìn tôi với cái vẻ bán tín bán nghi.
Những ngày sau đó tại khóa học, tôi đã liên tiếp làm cho anh Chín lại phải nhìn tôi với cái nhìn ngạc nhiên như vậy. Buổi sáng đầu tiên tại bãi tập, để tìm hiểu trình độ thao tác chiến đấu của mỗi học viên, anh Chín đứng ra trỏ rặng cây rừng trước mặt mà nói:
- Bây giờ các đồng chí hãy tưởng tượng như giặc đang khom lưng tràn tới. Mỗi đồng chí sẽ lần lượt làm nhiệm vụ xạ thủ cho tất cả xem. Các đồng chí cứ việc làm y như lúc các đồng chí đã chiến đấu ở mặt trận. Hãy coi như đã có giặc trước mặt!
Thế là từng học viên lần lượt bước ra bãi tập. Tại đó đã đặt sẵn một khẩu đại liên, cũng là thứ cây Brô-ninh của tôi. Tôi thấy nhiều anh làm rất đúng bài học, rất đúng yếu lĩnh và thế bắn khiến tôi phát hoảng. Vì tôi luôn luôn cảm thấy nếu tôi làm đúng y như vậy, tôi sẽ trở nên ngượng nghịu và chậm chạp.
Đến lượt tôi là người cuối cùng. Khi anh Chín đưa mắt ra hiệu cho tôi bước ra, tôi rất lúng túng. Chân tôi nửa muốn bước ra, nửa lại ngập ngừng. Anh Chín nhắc:
- Đồng chí Quyết cứ mạnh dạn làm như lúc đồng chí chiến đấu tại mặt trận
Tôi bước ra, còn nói:
- Tôi làm rủi trật, mấy anh đừng cười tội nghiệp tôi nghe!
- Cứ việc làm đi, không có ai cười đâu!
Tôi liền đứng nghiêm, ngẩng lên hỏi anh Chín:
- Thưa đồng chí, tụi giặc nó đương khom lưng chạy tới phải không?
- Phải!
Tức thời tôi bước nhích tới một bước, cúi xuống một tay nhẹ nhàng xách bổng khẩu đại liên lên. Thế rồi tay trái nắm lấy nòng súng như nắm lấy cổ một con vật ấn xuống một chút, đồng thời tôi hạ súng nhoài người rất nhanh. Khi tôi đã ngã xuống, hai ngón tay tôi đã đặt chụm vào cò súng, mặt trái nhắm nghiền lại. Và tôi lia họng súng qua lại, rồi đứng dậy:
- Báo cáo tôi đã bắn xong!
- Đồng chí bắn vào chỗ nào trên người thằng địch?
Anh Chín hỏi.
Tôi đáp quả quyết:
- Tôi cắt ngang bụng nó!
Nói ra câu ấy, tôi tin tưởng rằng tôi hoàn toàn có thể cắt ngang bụng địch thật. Tuy nhiên, tôi cũng biết rất rõ là tôi đã làm không giống chút nào với bài học.
Vì đã hứa với tôi, nên anh em không có ai cười cả, nhưng tôi cũng ngó thấy rất nhiều anh cố nén cười. Anh Chín thì nhìn tôi, không cười cũng không nói chi cả nhưng hơi có vẻ bối rối. Đợi anh em học viên giải tán ra về hết, anh giữ tôi lại, bảo tôi làm cái động tác đó một lần nữa cho anh coi. Lần này tôi cũng làm y như thế. Xong rồi tôi ngượng nghịu hỏi:
- Em làm trật hết rồi phải không anh?
- Anh Bé dậy em như vậy à?
- Không, em cũng không làm giống hẳn như anh Bé, nghĩ sao cho lẹ để kịp bắn tụi nó thôi!
- Tại sao em nắm họng súng làm gì?
- Vì anh cho biết tụi địch đương khom lưng chạy tới nên em lấy cỡ bắn ngang bụng.
- Sao không kéo thước ngắm?
Tôi lại lúng túng:
- Tại em không quen. Anh Bé có chỉ, ngặt em không quen, với lại lấy thước ngắm lâu lắc quá. Em cứ nắm họng súng rà đọ mục tiêu với chân là em bắn chắc ăn nhút!
- Làm kiểu đó lần nào em cũng bắn trúng địch chớ?
Tôi gật đầu:
- Dạ bắn trúng!
Anh Chín lại nhìn tôi từ đầu tới chân. Rồi bỗng nhiên anh nhoẻn cười, vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Thôi đi ăn cơm! Khóa học càng ngày càng đi sâu vào kỹ thuật. Anh Chín gặp một số vấn đề khó xử. Có một hôm anh tâm sự với chúng tôi rằng nếu chiếu thẳng theo bài bản mà dạy thì dễ thôi. Nhưng anh không muốn thế. Anh bảo rằng sự giáo luyện hiện giờ phải kết họp được cả hai, tức là anh cố gắng làm thế nào cho chúng tôi nắm được những nguyên lý, những kỹ thuật đã được đúc kết một cách khoa học, đồng thời lại không phá vỡ những tập quán đặc biệt có hiệu quả trên chiến trường. Anh nói thời gian và cuộc chiến đấu này không cho phép anh thực hiện chương trình dạy học một cách máy móc. Tôi hiểu những lời anh Chín nói. Sự thiệt trong lớp học, tôi thấy có nhiều người đã sử dụng đại liên khác nhau, với những năng khiếu đặc biệt khác nhau. Chúng tôi có rút được những điều hay của nhau, nhưng cũng có những điều không thể truyền cho nhau được. Đối với tôi, anh Chín vẫn im lặng theo dõi sự học tập của tôi. Anh thận trọng cân nhắc và uốn nắn tôi ở những điểm không thể không uốn nắn. Nhưng có một số điểm anh lờ đi, ví dụ cách lấy mục tiêu theo thói quen, một số tình huống dùng đại liên khiển chế hỏa lực địch... Về vấn đề đại liên bắn từng phát lẻ anh cũng còn để đó chưa đả động. Nhưng một hôm, tôi vô tình nhắc lại. Đó là vào một buổi chiều anh Chín cho cả lớp thực tập đại liên vận động nhanh. Anh dắt chúng tôi ra một cái trảng rộng ở gần địa điểm lớp học. Chúng tôi được lệnh lần lượt ôm đại liên vượt qua trảng, coi như ở trong tình huống xung phong rượt địch.
Cái trảng rộng tới hai cây số làm cho một số anh thở không ra hơi. Ngồi ở mé trảng bên này; anh Chín chăm chú theo dõi kim đồng hồ. Mỗi lần một chiến sĩ ở bên kia trảng vác đại liên về tới lằn mức là anh Chín xướng lên số phút. Mọi người đã lần lượt chạy qua trảng, chỉ còn tôi là người cuối cùng. Đến lượt, tôi ôm đại liên chạy vùn vụt. Về càng gần tới lằn mức, tôi càng tăng tốc độ, chạy nhanh hơn. Anh Chín tuyên bố tôi về nhứt, chỉ tốn có sáu phút bốn giây. Trong lúc tôi còn ôm đại liên đi rảo rảo, anh Chín cười nói:
- Thôi nhé, kỷ lục môn này thuộc về đồng chí Quyết rồi nhé, có đồng chí nào còn thắc mắc gì không?
Anh em không ai thắc mắc gì cả. Họ nói xin hàng tôi về môn này, nói tôi chạy như vậy nên hèn chi kêu tôi là Quyết giò thiệt phải quá. Giữa lúc anh Chín đã định cho anh em về bỗng tôi ngó thấy một bầy cao cát từ xa bay tới. Tôi liền nói với anh Chín:
- Có bầy cao cát, cho em bắn một phát!
Nhớ lại dự định hôm nào xem tôi bắn đại liên phát một, anh Chín gật ngay: - Ừ, bắn đi, nhưng bắn một phát thôi nhé!
Tôi lên đạn đánh rốp. Nhưng tôi vẫn ôm khẩu đại liên chớ chưa vội đưa lên ngắm bắn. Bầy cao cát chưa hay biết gì, vẫn vỗ cánh bay tới. Đợi chúng vừa trờ tới, tôi vụt xốc khẩu đại liên đưa lên bắn ngay một phát. Một con cao cát từ trên thinh không lìa bầy, xoạc cảnh rơi thẳng xuống. Anh em vỗ tay hoan hô tôi dữ dội. Con chim nặng gần ba ki-lô đó bị viên đạn tôi bắn xuyên giữa ức máu chảy ròng ròng trên đám cỏ khấu. Anh Chín đến bên tôi bảo:
- Anh tin em rồi, giờ thì anh tin em rồi!
Qua hôm sau tập bắn đạn thiệt. Mỗi học viên chúng tôi được bắn ba mươi viên. Nói chung, tất cả đều đạt yêu cầu. Riêng tôi, với ba chục viên đạn, tôi đã cố gắng bắn đổ được hai mươi bốn bia di động. Lúc kiểm lại bia, đạn đều chọc thủng từ khoảng bụng hoặc quá bụng chút ít. Tối đến, anh Chín tìm gặp tôi nói:
- Bây giờ anh mới tin là em có thể cắt ngang bụng địch!
Tôi nói với anh Chín rằng sở dĩ tôi muốn bắn thằng địch ở tầm bụng là vì hồi năm 1957 ba tôi bị tụi nó mổ phanh bụng. Cái cảnh đó tôi nhớ hoài, cả trong khi bắn tôi cũng nhớ và muốn xé phanh bụng chúng ra y như chúng đã mổ bụng ba tôi. Nghe tôi nói, anh Chín ôm chầm lấy tôi. Hôm sau vào lớp, anh đem chuyện đó kể lại cho cả lớp nghe và bảo rằng một viên đạn bắn trúng kẻ thù, ngoài những yếu tố thuộc về khách quan và bản lĩnh xạ kích, còn một yếu tố quyết định là lòng căm thù.
Lòng căm thù sẽ cho chúng ta có được sự bình tĩnh nhìn thẳng vào mặt kẻ thù để lấy được độ ngắm chính xác nhất như đồng chí Quyết đây... Anh Chín nói rất nhiều về việc đó, nói gần hết một buổi sáng về việc đó.
Nhưng không phải không có lúc tôi đã làm cho anh Chín phải bực mình. Khi khóa học chỉ còn một tuần nữa là mãn, tôi nhận được thư của Biếc và của Khởi, Cần. Biếc thì không nói gì, chỉ động viên tôi cố gắng học. Nhưng thư Khởi và Cần thì nói láng máng bóng gió cho tôi hay là đơn vị lại sắp đi đánh, cả hai đều rất mong tôi về kịp dự trận. Tôi đọc thư, lòng nôn nóng lạ thưòng. Chịu không nổi, tôi gặp anh Chín ngỏ ý muốn xin về đơn vị trước mấy ngày. Anh Chín dứt khoát không cho. Tôi tiu nghỉu buồn bã. Anh Chín bực tôi lắm, bảo là học sắp xong, còn có vài bữa mà sao sốt ruột đến thế. Anh còn đâm nghi tôi đòi về là do lá thư của Biếc, vì anh ngó thấy lá thư của Biếc trên văn phòng:
- Chắc cậu nóng lòng về gặp lại cô gởi thơ cho cậu đó chớ gì?
Tôi lắc đầu, rồi đưa cả thư Biếc cho anh Chín coi. Chừng coi thư xong, anh mới hết nghi, lại còn khen Biếc có lời động viên tôi học tập cho tốt. "Thế thì tại sao, tại sao cậu đòi về!". Anh hỏi gặng. Bấy giờ tôi mới nói thiệt, vì đơn vị tới sắp hành quân đánh lớn, nên tôi muốn về gấp cùng đi cho kịp. Khi nghe tôi khai thiệt ra, anh Chín vui vẻ lại chớ không bực tôi nữa. Nhưng anh vẫn không nhượng bộ cho phép tôi ra về trước ngày khóa học bế mạc. Anh nghiêm trang nói:
- Rất có thể tiểu đoàn em sắp ra quân, và nếu đợi tan lớp về em sẽ không dự kịp trận đánh. Nhưng giữa sự vắng mặt trong một trận đánh với sự gìn giữ tôn trọng tổ chức kỷ luật, em cần chọn cái sau. Chẳng thà em mất một trận đánh, còn hơn là em làm bể bờ một ý thức. Em học rất tốt, nhưng em rất nóng nảy, đôi lúc ngang ngổ nữa. Tại sao vừa rồi con heo nhà bếp lên ủi phá lớp học, em không đuổi nó đi mà phện nó một cây làm cho con heo vừa lết vừa rống, tưởng đâu phải bắc nước làm thịt...
Cái vụ con heo, tôi có nện nó thật, nên tôi nín thinh. Và tôi cũng từ bỏ luôn cái ý định bỏ về nửa chừng.
Bảy hôm sau, khóa học bế giảng. Buổi chiều chúng tôi lên đường trở về đơn vị, anh Chín tiễn chúng tôi ra tận bìa trảng. Anh ôm từng người và ôm chặt lấy tôi nói:
- Thế nào cũng có bữa anh em mình gặp nhau, cho anh gởi lời thăm cô Biếc nhé!