Chị khóc mãi thì cũng mệt mỏi nằm ra giường thần người suy nghĩ gì đó. Nhẹ nhàng đi lấy khăn cho chị lau mặt tôi hỏi:
- Vậy anh Long có nói gì không?
- Không, anh ấy chưa biết chuyện, là mẹ anh ấy hẹn riêng chị ra gặp mặt. Bác ấy muốn chị rời xa Long, còn bảo tuy rất quý chị, nhưng quý và làm con dâu bác lại là 2 chuyện khác nhau. Chị có hỏi lý do thì bác bảo gia cảnh nhà mình không hợp với nhà bác. Nhà mình nghèo, bố mẹ lại mỗi người 1 gia đình riêng, cuộc sống phức tạp như thế nên bác sợ con trai bác sau này sẽ ảnh hưởng.
Cái nghèo không chỉ đeo bám và làm khổ chị em tôi ở cuộc sống thường nhật, mà còn là rào cản ngăn cách chúng tôi với xã hội ngoài kia.
Hai người sinh ra chúng tôi nếu họ biết cuộc sống của chúng tôi cơ cực thế này, liệu họ có xót thương hay không? Hay họ chưa từng nghĩ chúng tôi vì sự vô tình của họ mà khổ nên vẫn thản nhiên vui vầy cùng gia đình mới.
Nhẹ nhàng xoa lưng chị tôi nói:
- Em nghĩ chị nên nói chuyện này với anh Long để xem ý anh ấy như thế nào rồi hãy quyết.
- Thôi chị không nói đâu.
- Chị nghe em nói này, việc này hai người nên nói với nhau để xem hướng giải quyết. Nếu như anh ấy không biết cách bảo vệ chị, không quyết tâm đến với chị thì khi đó buông tay vẫn chưa muộn.
Chị trầm ngâm một hồi rồi cũng đồng ý làm theo lời tôi, tin nhắn của chị gửi đi thì trưa hôm ấy anh Long cũng hớt hải đến tìm chị. Nhìn anh chị lại khóc như mưa rào, nhưng lần này tôi lại đỡ lo hơn vì đã có anh Long ở bên cạnh an ủi. Tôi kiếm cớ ra ngoài mua ít đồ để nhường lại không gian cho hai người nói chuyện.
Giờ này cũng chả biết đi đâu, tôi cứ lang thang ngoài phố rồi bước chân lên đại chiếc xe bus trước mặt. Tôi mải mê với dòng suy nghĩ mà chẳng thèm để ý xem chiếc xe ấy đưa tôi đi đâu. Mãi đến khi xe dừng ở chạm cuối ngay gần nhà hàng ăn Hoàng Nguyên tôi mới giật mình xuống xe.
Khung cảnh nơi đây lại khiến tôi bồi hồi nhớ lại bao nhiêu kỉ niệm, chọn 1 góc khuất nơi quán nước ven đường, đối diện với nhà hàng tôi ngồi xuống quan sát. Nơi này sau 3 năm cũng đã có nhiều thay đổi, đường đã được mở rộng ra, các căn nhà xung quanh cũng có nhiều nhà mới xây lên. Chỉ riêng quán ăn Hoàng Nguyên nổi tiếng 1 thời là vẫn vậy, chẳng thay đổi gì nhiều.
Hình như những người cùng làm với tôi dạo ấy đã nghỉ gần hết, có lẽ tất cả cũng đã ra trường và đi lập nghiệp. Không quá khó để tôi thấy anh, anh của tôi đang đứng cạnh quầy thu ngân và quay lưng lại phía tôi. Vẫn cái dáng cao gầy, vẫn mái tóc vuốt keo chỉn chu ấy mà sao với tôi giờ lại xa lạ đến thế.
Từng anh mắt, nụ cười, từng cử chỉ quan tâm của anh lại sống lại trong lòng tôi, mới mẻ như thể ngày hôm qua chúng tôi vẫn còn bên nhau. Chỉ tiếc là bên cạnh anh bây giờ đang có 1 cô gái trẻ nắm chặt tay, trao đổi với thu ngân 1 lát thì anh cũng hạnh phúc vòng tay ôm eo cô ấy rồi dời đi.
Anh của tôi vẫn vậy, vẫn khuôn mặt điển trai, vẫn nụ cười với chiếc răng khểnh hút hồn, dường như 3 năm qua thời gian không hề để lại trên gương mặt anh một chút dấu tích nào cả. Cô gái đi bên cạnh anh trước đây tôi cũng từng gặp 1 vài lần, hình như là con gái của bạn mẹ anh. Cô ấy xinh xắn, lại nhẹ nhàng và đặc biệt là rất xứng đôi với anh.
Chờ anh đi khuất tôi cũng đứng dậy trả tiền nước rồi tiến ra phía chiếc xe bus mỉm cười mà bước lên.
Anh đã tìm được bến đỗ hạnh phúc rồi, có lẽ tôi cũng nên xoá bỏ hình ảnh anh trong tim tôi đi thôi. Dẫu sao thì tôi vẫn thật lòng mong anh được hạnh phúc, tạm biệt anh, mối tình đầu của tôi.
Trở về nhà thì trời cũng đã sang chiều, không thấy chị và anh Long đâu cả, lúc này tôi mới sực nhớ đến chiếc điện thoại. Lôi ra thì có đến 3 cuộc gọi nhỡ cùng 1 tin nhắn để lại của chị. Chị bảo chị và anh đã tìm được cách giải quyết, còn bây giờ chị phải đi làm, tối về sẽ kể cụ thể với tôi.
Cảm xúc trong lòng tôi lúc này không rõ là đang vui hay đang buồn, tốt nhất cứ lên giường ngủ 1 giấc tối còn đi dạy kèm.
- ---*-----*-----
Lá trên cành cũng thi nhau đổi màu, chỉ cơn gió nhẹ thổi qua thôi cũng làm cho hàng loạt lá vàng rơi xuống, mùa thu đã tới rồi. Ba năm trước bác đã bỏ lại mọi người mà đi vào 1 ngày đầu thu ảm đạm, mùa thu năm nay vẫn vậy, chị em tôi cùng nhau bước trên con đường làng quen thuộc, trở về nhà bác trai. Căn nhà ngói 5 gian cũng đã bị rêu phong bao phủ, không còn nhận ra màu ngói đỏ tươi khi trước nữa. Bác trai cũng đã già, ba anh chị lớn đã lập gia đình cả, còn chị út Liên thì sang tháng nhà trai cũng qua bỏ trầu và xin cưới.
Khoản nợ mà ngày còn sống bác vay cho chị em tôi ăn học, chị em tôi cũng đã trả lại đủ cho người ta.
Tôi luôn cố nhớ xem ngày còn sống bác gái thích ăn gì để làm cơm cúng, nhưng hình như mấy chị em tôi chẳng ai rõ bác thích món nào. Ngày bác còn sống, đến cơm nhiều bữa còn ăn chả đủ no thì nói gì đến món ngon vật lạ.
Ngày ấy bác luôn ngồi ăn sau cùng hoặc lấy lý do không thích ăn để nhường cho chị em tôi ăn no. Có lần nửa đêm tôi dậy bắt gặp bác đang lúi húi cạo nốt chút xém ở nồi cơm. Chỉ là vài mảnh xém nhỏ còn xót lại mà sao bác ăn ngon miệng đến vậy, phải chăng là do bác đói?
Một cánh bướm vàng nhẹ nhàng bay qua trước mắt đã kéo tôi về thực tại, giỗ năm nay bác trai làm đơn giản hơn 2 năm trước. Bác bảo quan trọng là trong lòng mọi người còn nhớ đến bác gái chứ mâm cao cỗ đầy bác gái cũng đâu có ăn được đâu. Kinh tế nhà mình sao thì làm cho phù hợp thôi.
Ai cũng nghe theo lời bác trai, mỗi người 1 việc, anh chị em lâu ngày gặp mặt, cũng tranh thủ hỏi thăm nhau vài câu. Lũ nhóc thì đang cùng nhau nô đùa cười vang 1 góc sân. Chỉ có bác trai là một mình ngồi nơi sập gỗ mà nhìn lên bàn thờ. Hình như bác đang nói gì đó, nhưng ở xa quá tôi không nghe thấy, chỉ đoán chừng là bác đang nói chuyện với bác gái mà thôi.
Một ngày dài cũng chầm chậm trôi qua, chị em tôi lại chào tạm biệt bác trai và mọi người, rời quê để kiếm sống.
Anh Long vẫn thường xuyên tới phòng chơi với chị, chẳng biết anh làm cách nào, chỉ biết tối hôm ấy anh hớn hở khoe với chị rằng mẹ đã đồng ý cho anh cưới chị. Vậy là sau 2 tháng kể từ ngày gặp mẹ anh, chị cũng đã vui trở lại.
Ngày mai, anh muốn chị qua nhà chính thức ra mắt mọi người, chị hồi hộp tới mức cả đêm không ngủ nổi, còn tôi thì vì nói chuyện với chị nên cũng thức nguyên đêm.
Cả đêm ấy chị em tôi cứ nằm nói chuyện với nhau, chị hỏi tôi:
- Lệ này, theo em thì ngày mai chị nên mặc gì, còn quà cho mọi người nhà anh nữa, còn nữa đến đấy chị phải ứng xử thế nào nhỉ?
- Quần áo thì em nghĩ chị nên mặc gì đó đơn giản và kín đáo 1 chút, vì các cụ đi trước chắc cũng không thích con dâu chưng diện đâu. Còn ứng xử thì chị chỉ cần là chính chị mà thôi, giả tạo làm màu đến khi về sống chung 1 nhà lại khó ra.
- Nhưng mà chị lo lắm, không biết mẹ anh ấy đã thật sự chấp nhận chị chưa, còn bố anh ấy nữa, chị chưa nói chuyện bao giờ cả.
Tôi mỉm cười chấn an chị rồi đáp:
- Anh Long chắc chắn đã thu xếp mọi việc ổn thoả thì mới dẫn chị về ra mắt chứ, chị cứ hít thật sâu vào, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Chị em thông minh, xinh đẹp như thế, ai mà không thương được chứ.
Chị cốc nhẹ lên đầu tôi rồi nói:
- Chị đang lo mà em còn trêu chị nữa à, mà nếu chị đi lấy chồng rồi còn em thì sao?
Câu hỏi bất chợt của chị là bầu không khí bỗng nhiên trùng xuống, tôi im lặng không đáp. Mấy năm qua tôi đã quen có chị ở bên, chị đi lấy chồng chắc chắn sẽ về bên ấy ở. Còn lại mình tôi trong căn phòng nhỏ chật hẹp này, tôi thật sự không dám nghĩ đến cái cảnh tượng ấy.
Tôi thật sự thấy buồn, dẫu sao chúng tôi đã lớn lên cùng nhau, biết bao kỷ niệm thơ ấu, những vui buồn bên nhau. Hơn 20 năm qua, ngần ấy yêu thương, ngần ấy kỉ niệm làm sao mà tôi không buồn cho được.
Tuy nhiên điều quan trọng với tôi lúc này là chị được hạnh phúc, được sống bên người chị yêu. Vậy nên tôi không thể để cho chị thấy mình buồn được, tôi phải cho chị thấy mình mạnh mẽ để chị còn yên tâm mà lập gia đình.
Ngày mai tôi sẽ xin tạm 1 công việc gì đó để làm chứ không chờ tìm công việc đúng chuyên ngành nữa. Phải cố gắng tiết kiệm tiền để còn phụ với chị lo đám cưới nữa. Chị em tôi nào có bố mẹ bên cạnh lo toan cho đâu, phải tự lo cho nhua từ những điều nhỏ nhặt nhất như thế.
Nghĩ thế nên tôi đáp:
- Có gì đâu em sẽ được một mình thống trị căn phòng này, một mình độc chiếm chiếc giường này mà không cần phải san sẻ với chị nữa chứ sao? Mỗi sáng cũng chẳng phải nhường cho chị sử dụng cái nhà tắm bé xíu kia trước, chẳng cần chờ cơm chị mà có thể ăn bất cứ lúc nào em thích. Ôi tự do của em sắp tới rồi.
Chị bật cười bởi câu nói của tôi, chị em tôi cứ thế ôm nhau nhớ lại biết bao kỉ niệm ngày thơ ấu. Tôi còn đóng vai cô em gái lắm điều dặn dò chị đủ thứ, nào là về nhà chồng phải sống ra sao, công dung ngôn hạnh như thế nào. Đủ những thứ mà tôi ghi nhớ được khi vô tình đọc ở đâu đó.
- ---*-----*-----
Tiếng chim hót râm ran báo hiệu ngày mới đã đến, chị mệt nhọc đứng dậy chuẩn bị đồ đạc chờ anh Long đến đón. Còn không quên dặn dò tôi ở nhà tự lo cơm nước vì chị sang bên đó chắc phải chiều mới về được.
Tôi mỉm cười và tặng cho chị 1 chiếc thơm má chúc may mắn, chi đi khỏi tôi cũng sửa soạn để đi xin việc. Rất nhanh tôi xin được làm công nhân cho công ty Minh Thanh chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em. Công việc không quá vất vả lại làm giờ hành chính, nên tối tôi vẫn có thể
Cuối cùng thì chị cũng vượt qua được lần đầu tiên ra mắt nhà chồng, đám cưới của chị cũng diễn ra sau đó vài tháng. Do chị em tôi chẳng có nhà, nên mọi người đều thống nhất sẽ tổ chức ở nhà bác Hà, dẫu sao thì đây cũng là nơi chị lớn lên.
Có lẽ tôi nên vui vì cuối cùng tình yêu của anh chị cũng đã có 1 cái kết đẹp, cuối cùng thì chị cũng được sống bên người mà chị yêu thương. Nhưng chẳng hiểu sao lòng tôi dấy lên 1 cảm giác lo lắng bất an cho chị, cụ thể là gì thì tôi không biết, chỉ biết nó là 1 nỗi sợ mơ hồ chẳng thể gọi tên.
Ngày chị theo chồng, chị khoác lên mình bộ váy trắng tinh khiết, cùng chiếc vòng hoa đội đầu, với tôi chị là người phụ nữ đẹp nhất. Tôi và chị bằng tuổi nhau nhưng từ nhỏ chị đã luôn yêu thương và nhường nhịn tôi mọi thứ. Cho đến bây giờ vẫn thế, lấy chồng rồi mà vẫn đau đáu lo cho tôi.
Đám cưới chị có đầy đủ cả bố và mẹ như chị vẫn hằng mong ước, lâu rồi tôi chẳng gặp mẹ nên khi nhìn thấy bà tôi cũng không quá vui mừng. Chỉ là ông ta, tôi thật sự không muốn nhìn mặt, ngày chị em tôi tới tìm chính miệng ông ta đã đuổi chị em tôi đi. Nỗi căm hận ấy tôi vẫn ghim mãi trong lòng, mặc kệ cho ông ta có cố gắng hỏi han tôi cũng chẳng thèm đáp lại. Nếu không phải đây là đám cưới của chị chắc chắn tôi đã đuổi ông ta về rồi.
Chị tôi thèm khát tình thương của bố mẹ nên mới đồng ý tha thứ cho ông ta, chứ riêng tôi thì nhất định cả đời này cũng sẽ không thừa nhận ông ta là bố.
- ----*-----*-----
Cuộc đời chị kể từ sau khi lấy chồng cũng sang một trang mới hoàn toàn khác, ở đây chị phải gánh đủ thứ trách nhiệm trên vai. Ngoài thời gian đi làm ở công ty chị còn phải tất bật trở về lo thu vén cho gia đình chồng, bận tới mức nhiều khi còn chẳng trả lời tin nhắn của tôi.
Mẹ chồng chị ngay từ đầu đã không ưng chị, vậy nên chị làm gì bà ấy cũng không vừa lòng, cố cố gắng thế nào cũng chẳng được ghi nhận. Bà kiếm đủ cớ để mà đay nghiến chị, từ việc cái nhà quét chưa sach, đến món cá kho hơi mặn, món thịt luộc hơi nhạt. Chưa 1 lần bà tỏ ý hài lòng với những cố gắng của bà, hình như bà nghĩ nhưng hi sinh của chị là hiển nhiên. Rằng chị làm dâu nhà giầu thì chị phải chấp nhận.
Thời gian đầu chồng chị còn yêu chiều chị, hàng ngày về sớm cùng chị. Nhưng cứ khi nào anh ở nhà thì mẹ chồng lại chẳng hề nói động đến chị, thậm chí còn chủ động làm việc nhà khiến anh chê trách chị:
- Mẹ già rồi sao em không phụ cùng mẹ mà để mẹ làm một mình vất vả thế kia.
Chị nói thì anh chẳng tin, bởi anh đâu có chứng kiến những lần mẹ chồng chửi bới đay nghiến chị. Bà ấy là mẹ đẻ anh, trước mặt anh lại chưa từng làm khó chị, nên trong mắt anh bà ấy luôn tử tế. Còn chị mới là người không biết điều, tối ngày đi nói xấu mẹ chồng với chồng.
Dần dần anh đâm ra chán nản, thậm chí còn chẳng muốn trở về nhà sau mỗi giờ tan ca. Mẹ chồng chị thấy vậy thì càng ra mặt đay nghiến chị, bà cho rằng vì chị mà con trai bà phải vất vưởng ngoài đường.
Từ ngày anh khó chịu ra mặt với chị, mẹ chồng chị cũng công khai làm khó chị. Thế là chồng chị lại bị kẹt giữa 2 người đàn bà, khó xử anh ta lại càng bỏ ra ngoài theo những cuộc vui nhiều hơn. Để rồi về nhà anh ta càng khốn nạn với chị hơn, chỉ cần anh ta không vừa ý, bất kể là chị đúng hay sai anh ta cũng sẵn sáng dùng nắm đấm nói chuyện với chị.
Những ngày đầu chị còn cố gắng thanh minh, giải thích, hay nhờ chồng lựa lời nói với mẹ. Nhưng bây giờ chị chỉ im lặng chịu đựng, lặng thinh như cái bóng tồn tại trong nhà chồng.
Tất cả mọi thứ đau khổ chị phải nhận xét cho cùng cũng bắt đầu bời chữ nghèo, vì nghèo nên bị người ta khinh thường, rẻ rúng. Nghèo nên tiếng nói của chị không có trọng lượng, đến ngay cả chồng cũng không coi trọng.
Nghèo đâu phải là cái tội mà ai ai cũng lấy đó làm cái cớ để chà đạp chị em tôi. Hay với họ cứ nghèo là sai, là đáng khinh?