Du Học Trên Đất Mỹ

Phụ Lục: Hỏi Và Đáp

Căn cứ theo kết quả điều tra tiến hành trên Weibo cá nhân, tôi xin chọn ra những câu hỏi có tần suất cao nhất để giải đáp. Mọi câu trả lời đều là quan điểm của riêng tôi. Hy vọng các bạn căn cứ vào tình hình của chính mình để xem xét và tiếp nhận có chọn lọc.

1. Tại sao phải xuất ngoại? Có nên xuất ngoại hay không? Nên học thạc sĩ ở trong nước hay nước ngoài? Nếu trong nước có công việc ổn định có nên ra nước ngoài nữa không? Từ góc độ đầu tư và lợi nhuận, việc du học có đáng hay không?

Đáp: Bản chất của những vấn đề trên đều giống nhau, vì thế tôi xin gom lại trong cùng một câu trả lời. Tôi cảm thấy những câu hỏi trên mang nặng tính chủ quan, người khác chẳng thể đưa cho bạn nổi một câu trả lời chính xác, bởi mỗi người có sự theo đuổi khác nhau. Nếu muốn tìm ra câu trả lời, bạn buộc phải làm rõ mục tiêu theo đuổi của cuộc đời bạn là gì, thứ gì quan trọng nhất với bạn. Nếu bạn khao khát mở rộng tầm mắt, làm phong phú bản thân hoặc học hỏi những kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chuyên ngành, trong chừng mực nào đó, việc ra nước ngoài sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu ấy. Nhưng, nếu gia đình mới là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, hãy suy nghĩ cẩn thận, bởi xuất ngoại đồng nghĩa với việc rời xa gia đình trong một thời gian dài. Vì thế, nhất định phải suy nghĩ dựa trên sự tổng hòa giữa hoàn cảnh và sở thích của bản thân để đưa ra quyết định, kinh nghiệm của người khác chỉ có giá trị tham khảo, còn tất cả đều dựa vào việc bạn muốn gì.

2. Quy trình xin du học gồm những gì? Sau khi đi làm, nếu vẫn muốn ra nước ngoài liệu có còn cơ hội không?

Đáp: Bất luận bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, định chuyển trường hoặc đã đi làm, quy trình xin du học đều như nhau, gồm các bước cụ thể dưới đây:

  • Xác định chuyên ngành và trường bạn muốn nộp đơn xin học;
  • Tìm hiểu yêu cầu của trường đối với chuyên ngành đó;
  • Ôn tập các kỳ thi cần thiết cho du học (GRE, TOEFL, IELTS…), dự thi với mức điểm đạt yêu cầu;
  • Chuẩn bị hồ sơ xin học (bao gồm bản tự thuật, CV, thư giới thiệu, bảng điểm…);
  • Nộp hồ sơ và chờ đợi kết quả;
  • Chuẩn bị chứng minh tài chính (một số trường có thể yêu cầu chứng minh tài chính cùng lúc với nộp hồ sơ, các trường khác chỉ yêu cầu nộp khi đã nhận được giấy thông báo nhập học);
  • Sau khi nhận được thông báo nhập học, bắt đầu làm thủ tục visa;
  • Phỏng vấn visa;
  • Sau khi có được visa, bắt đầu đặt vé máy bay, chuẩn bị hành lý và từ biệt người thân.

Trên đây tôi chỉ giới thiệu tổng quát quá trình xin du học, cần phải điều chỉnh tùy theo tình hình cá nhân mỗi người.

Đối với người đang đi làm xin du học quy trình cũng tương tự và nhất định có cơ hội, tuy nhiên quá trình có thể vất vả hơn một chút. Bạn bè xung quanh tôi từng có người chọn làm việc ban ngày, buổi tối và cuối tuần ôn thi và chuẩn bị hồ sơ, cũng có người quyết định bỏ việc để tập trung làm hồ sơ, trong hai trường hợp trên đều có người từng thành công. Cụ thể phải sắp xếp thời gian ra sao, còn tùy thuộc vào tình hình làm việc và học tập mỗi người.

3. Nên tự chuẩn bị hồ sơ du học hay thông qua môi giới?

Đáp: Tùy từng người. Nếu bạn tự tin vào năng lực tiếng Anh của bản thân, và thời gian chuẩn bị tương đối thoải mái, tôi hoàn toàn ủng hộ mọi người tự chuẩn bị tất cả hồ sơ, bởi chính bạn là người hiểu rõ mình nhất, nên giấy tờ tự bản thân hoàn thành có sức thuyết phục cao hơn, hơn nữa đó còn là vấn đề về sự thành thật. Nếu không đủ tự tin vào trình độ tiếng Anh và không có thời gian, bạn cũng có thể nghĩ đến trung tâm môi giới. Tuy nhiên, chất lượng các trung tâm này trên thị trường không đồng đều, hàng năm vẫn xảy ra nhiều trường hợp bị lừa. Vì thế, tôi đề nghị mọi người nhất định phải so sánh giữa các trung tâm, xin ý kiến từ người có kinh nghiệm, đừng tin vào những lời quảng cáo của các trung tâm môi giới du học.

4. Nếu đã quyết định xuất ngoại, tôi nên chọn ngành học nào? Làm sao để tìm được ngành học yêu thích?

Đáp: Khi chọn ngành, rất nhiều người thường lựa chọn những ngành kiếm được nhiều tiền hoặc dễ xin việc trong tương lai, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng tôi cho rằng, sở thích cá nhân mới là yếu tố đáng được ưu tiên xem xét nhất. Chỉ khi bạn thật sự yêu thích một việc nào đó, bạn mới cảm thấy vui vẻ. Dù nó khó khăn gian khổ đến đâu, bạn vẫn đầy lòng nhiệt tình để vượt qua và tiếp tục theo đuổi. Vì thế nếu là tôi, lúc lựa chọn chuyên ngành tôi nhất định ưu tiên đến sở thích cá nhân, sau đó mới kết hợp đến các yếu tố như tiền đồ hoặc lương bổng. Tôi luôn tin rằng, chỉ cần bạn thật lòng yêu thích một công việc nào đó, khả năng cao là bạn có thể xuất sắc hoàn thành nó. Chỉ cần bạn có thể làm một việc nào đó đến mức vô cùng xuất sắc, cơ hội và lợi lộc sẽ tự nhiên đến với bạn.

Vậy phải tìm kiếm sở thích cá nhân như thế nào? Đầu tiên, hãy đọc thật nhiều sách. Đọc nhiều thể loại sách, tạp chí, nguyệt san hoặc các bài viết trên mạng để tìm hiểu về nhiều ngành nghề khác nhau, lúc đó sẽ biết việc nào khiến bạn cảm thấy hứng thú hoặc hiếu kỳ. Sau đó, làm mọi thứ bạn có thể, cũng chính là hành động thực tế. Thông qua các công việc tình nguyện, làm bán thời gian, thậm chí tâm sự cùng người khác để tìm hiểu lĩnh vực gây hứng thú cho bạn. Thông qua thực tiễn xem chúng có đủ khả năng kích hoạt hứng thú trong bạn hay không. Kỳ thực, chỉ cần muốn tìm ắt sẽ có vô vàn cách khác nhau, chứ chỉ ngồi trong phòng suy nghĩ vẩn vơ, mãi mãi chẳng thể nào tìm ra đáp án.

Trong quá trình ấy, hãy cố gắng đừng thiết lập giới hạn cho bản thân, hoặc ép mình vào trong quan điểm của người khác. Thực tế, bố mẹ hoặc bạn bè thích gì không quan trọng, mà điều quan trọng nhất chính là bản thân bạn thích gì, bởi một khi đưa ra lựa chọn, nó sẽ quyết định đến cả cuộc đời bạn, và cuối cùng cũng chỉ có mình bạn đi hết con đường ấy chứ không phải ai khác. Cuộc đời bạn không phải sự tiếp nối của người khác, hãy lựa chọn những gì bản thân thực sự thích thú, và theo đuổi đến cùng mới là điều cốt yếu.

Thứ quan trọng nhất tôi học được từ người Mỹ chính là sự nhiệt tình và thái độ của họ trong lúc làm việc. Rất nhiều người Mỹ lựa chọn công việc dựa theo sở thích cá nhân, sau đó không ngừng nỗ lực học tập về lĩnh vực ấy. Họ làm việc không chỉ vì công ty, không chỉ vì hoàn thành nhiệm vụ, mà quan trọng hơn là tình yêu với công việc đó. Chính bởi yêu thích nên họ muốn tập trung nhiều sức lực và thời gian hơn, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, sau cùng đạt được thành tích xuất sắc. Tôi cảm thấy đó là một thái độ làm việc đáng để chúng ta học tập và kính phục.

5. Khi xin đi du học, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh nên chuyển ngành như thế nào? Nếu muốn chuyển ngành, các bước phải làm ra sao? Cần chú ý những điểm gì?

Đáp: Sinh viên chuyên ngành tiếng Anh có rất nhiều lựa chọn khi chuyển ngành, ví dụ như báo chí, truyền thông, quản trị du lịch, công tác xã hội, kinh tế, tài chính, kinh doanh… chủ yếu tùy thuộc sở thích từng cá nhân. Lúc xin chuyển ngành, điều quan trọng nhất là phải trình bày rõ lý do xin chuyển, chuyên ngành mới có điểm gì thu hút bạn, cũng như bạn đã có nền tảng học vấn gì đối với lĩnh vực mới đó (bao gồm công việc ngoài giờ hoặc làm tình nguyện), tương lai bạn dự định sắp xếp việc học tập và làm việc ra sao trong chuyên ngành mới. Bất kỳ kinh nghiệm thực tập hay làm việc nào thuộc lĩnh vực mới đều có thể giúp bạn trong việc xin chuyển chuyên ngành. Hãy nhớ kỹ điều đó.

6. Chi phí du học (bao gồm học phí và phí sinh hoạt) khoảng bao nhiêu?

Đáp: Vấn đề này tùy thuộc vào từng trường, chuyên ngành và chương trình học, cũng như mức sống ở thành phố mà bạn đến. Mức học phí tại các trường đại học Mỹ thường được tính dựa trên số học phần: Chuyên ngành bạn lựa chọn phải hoàn thành bao nhiêu học phần thì bạn phải nộp bấy nhiêu tiền. Thông thường, học phí các trường tư cao hơn nhiều so với trường công và cộng đồng. Tóm lại, mức chung giữa các trường top đầu ở Mỹ, một học phần khoảng 1.000 đến 2.000 đô-la, học phí một năm (tùy thuộc năm đó bạn chọn bao nhiêu học phần) khoảng từ 30.000 đến 70.000 đô-la. Tuy nhiên, học phí ở các trường công và cộng đồng rẻ hơn rất nhiều, một năm chỉ khoảng vài ngàn đô-la thôi. Ngoài ra, họ cấp rất nhiều suất học bổng thạc sĩ và tiến sĩ cho sinh viên, hơn nữa học lên tiến sĩ thường phải làm nghiên cứu hoặc trợ giảng, nên ngoài việc miễn học phí, nhà trường còn trả lương cho bạn.

Phí sinh hoạt cũng tùy thuộc vào từng người. Đối với du học sinh, phí sinh hoạt ở Mỹ thường bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xe (tiền xăng, phí bảo trì, bảo hiểm, đăng ký, gia hạn giấy phép lái xe hoặc có thể cả tiền phạt…) và các mối quan hệ xã hội. Đa phần mức sống của người miền Trung nước Mỹ khá thấp, chi phí cho một người trong một tháng dao động từ 700-1.200 đô-la (nếu ở ghép cùng người khác). Ở một số thành phố thuộc hai bờ Đông Tây mức sống tương đối cao, khoảng từ 1.200-3.000 đô-la. Kỳ thực, do sức mua của đồng đô-la khá mạnh, nên nếu sống không quá xa xỉ, thì một du học sinh với 1.200 đô-la/tháng (hai bờ Đông Tây sẽ cao hơn một chút) có thể sống tương đối thoải mái.

7. Xin học bổng bằng cách nào? Cơ chế cấp học bổng ở các trường đại học nước ngoài ra sao?

Đáp: Về việc xin học bổng, rất nhiều người đều phạm phải một sai lầm khi cho rằng bảng điểm càng cao hoặc tốt nghiệp trường đại học danh tiếng sẽ có thể xin được học bổng. Trong thực tế, ủy ban chiêu sinh ở các trường đại học nước ngoài khi cấp học bổng chỉ suy nghĩ đến năng lực tổng hợp của người xin, có nghĩa mỗi một khâu trong hồ sơ đều chiếm phần quan trọng khi xét học bổng. Ủy ban chiêu sinh sẽ cấp số lượng học bổng nhất định, tức mấy phần trăm cho sinh viên trong nước, mấy phần trăm cho sinh viên nước ngoài. Số lượng học bổng cho sinh viên nước ngoài cũng phân bổ đồng đều cho sinh viên nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, bạn và tôi đều không thể kiểm soát được cách thức phân chia đó, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được thực lực của bản thân. Vì thế, nếu muốn xin được học bổng, bạn buộc phải nỗ lực làm thật tốt mỗi khâu trong quá trình xin học bổng, tranh thủ nâng cao năng lực tổng hợp của bản thân. Vấn đề này tôi đã trình bày rất chi tiết trong cuốn sách Săn học bổng, ở đây xin không nhắc lại nữa.

8. Sau khi xin học bổng thành công, chúng ta sẽ phải chuẩn bị những gì trước khi lên đường?

Đáp: Về mặt vật chất, chủ yếu chỉ cần chuẩn bị hành lý, cân nhắc nên và không nên mang theo thứ gì. Rất nhiều diễn đàn du học sinh đã cung cấp hàng loạt tài liệu hướng dẫn tường tận về chủ đề này, nên tôi không trình bày cụ thể nữa.

Ở đây, tôi chủ yếu muốn nói về sự chuẩn bị tâm lý. Rất nhiều bạn mong chờ và hồi hộp trước khi ra nước ngoài, luôn mơ tưởng cuộc sống du học thật tuyệt vời, nhưng sau đó mới phát hiện đời không như mơ, tâm trạng hụt hẫng nặng nề, dẫn đến chuyện người mắc chứng bệnh tâm lý ngày một nhiều hơn. Vì thế tôi muốn tiêm một mũi phòng bệnh cho các bạn. Mọi hồ sơ và công tác chuẩn bị trước khi xuất ngoại chỉ là một khâu tương đối nhẹ nhàng, trong toàn bộ quá trình phần gian khổ và khó khăn thật sự bắt đầu từ ngày đầu tiên sau khi tới nước ngoài. Vì thế, bạn nhất định phải chuẩn bị tinh thần chịu khó chịu khổ. Tuy nhiên, chỉ cần bạn có thể kiên trì vượt qua, bạn sẽ phát hiện những năm tháng du học ấy chính là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời, cho nên nhất định phải biết quý trọng, cố gắng nhìn nhận mọi điều sắp xảy ra bằng thái độ trưởng thành và tâm thế học hỏi.

Về phương diện ngôn ngữ, mọi người có thể bổ sung kỹ năng nói và nghe trong thời gian rảnh rỗi. Hãy cố gắng xem nhiều phim Mỹ, đặc biệt là những bộ phim về chủ đề học đường nhằm làm quen với tốc độ nói cũng như văn hóa trường học của người nước ngoài. Trong lúc giao tiếp thông thường, người nước ngoài thực sự có khác biệt rất lớn so với những gì bạn được học trong TOEFL hay IELTS.

Theo tôi, điều bạn cần chuẩn bị chính là tạm biệt bạn bè và cố gắng thưởng thức những món ngon trong nước, sau khi xuất ngoại, sẽ không còn những thứ ấy nữa. Hãy ăn thật nhiều, chơi thật nhiều, tranh thủ thời gian ở cùng gia đình và bè bạn. Đương nhiên, nếu bản thân bạn, con cái bạn, học trò của bạn, hay người xung quanh bạn chuẩn bị xuất ngoại, tặng họ cuốn Du học trên đất Mỹ này của tôi cũng là một lựa chọn sáng suốt!

9. Sau khi đặt chân đến Mỹ, phải thích ứng với cuộc sống ra sao? Hòa nhập vào xã hội bản địa như thế nào?

Đáp: Về trải nghiệm của cá nhân tôi, xin tham khảo lại các phần “Hãy bình tĩnh và sống trong hiện tại” và “Lại bàn về cửa ải ngôn ngữ” trong chương 3, cùng với phần “Về sự thích ứng” trong chương 6.

Ngoài ra, ở nước ngoài còn thịnh hành một hoạt động mang tên “Nhóm tương trợ” (support group), tức là theo định kỳ, một nhóm người có cùng trải nghiệm như nhau tụ tập lại để chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự tình cảm và bàn về cách giải quyết. Bạn có thể tham gia vào những nhóm như thế dành cho du học sinh tại nơi bạn sinh sống, bởi những người tham gia hoạt động này thường phải đối diện với những khó khăn giống bạn (chẳng hạn làm sao để thích ứng với văn hóa nước ngoài), các cuộc thảo luận đầy tính cộng hưởng như vậy thường mang lại rất nhiều tác dụng. Bởi vì hoạt động mang tính chất tự phát nên đều miễn phí, tôi nghĩ mọi người nên thử tham gia.

Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức người Trung Quốc ở Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ cho những du học sinh mới đến, ví dụ “Transboding Education” là một tổ chức cực kỳ nổi tiếng. Họ chuyên cung cấp một chuỗi các dịch vụ từ bố trí chỗ ở, điện thoại khẩn cấp, rèn luyện khẩu ngữ, xác định nghề nghiệp… Hoặc các chương trình như “trại du học Mỹ” hướng dẫn du học sinh chuẩn bị về các phương diện ngôn ngữ, chương trình học hay văn hóa, đồng thời giúp bạn thích ứng với cách thức giáo dục tại các trường đại học, cuộc sống sinh viên và môi trường xã hội. Vì thế, nếu có hứng thú hoặc nhu cầu, bạn có thể lên mạng tìm hiểu, chọn cho mình một chương trình phù hợp, tôi tin chúng sẽ có ích.

Cuối cùng, hầu như mọi trường đại học công lập đều có trung tâm tư vấn tâm lý, các chuyên gia tư vấn và bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho sinh viên và giáo viên toàn trường. Vì thế, nếu bạn cảm thấy mình không thể thích ứng với cuộc sống ở nước ngoài, thậm chí còn nảy sinh những hành vi và tâm trạng tiêu cực, hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ, cũng không nên khóa chặt mình trong phòng để tự xử lý theo cách tiêu cực, như thế chỉ khiến sự việc càng trở nên tồi tệ. Phải tin rằng, chỉ khi tích cực giải quyết, mọi vấn đề mới được khắc phục.

10. Cần chú ý những điều gì khi học tập và sinh sống ở nước ngoài?

Đáp:

  • Không bao giờ được copy – paste khi làm bài tập. Sao chép là một việc làm rất đáng phê phán ở nước ngoài, một khi bị phát hiện hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Một vài giáo sư có thể miễn cưỡng cho bạn cơ hội khác, nhưng cũng có người đánh trượt bạn không thương tiếc.
  • Lúc lên lớp cố gắng không im lặng, hãy hỏi thoải mái nếu trong lòng có khúc mắc. Không có câu hỏi nào ngu xuẩn, chỉ có người không hiểu nhưng vờ hiểu mới ngu xuẩn. Và điều này cũng đúng với những người làm việc ở nước ngoài.
  • Trong lúc nói chuyện cùng người khác, nếu có chỗ nào không hiểu nhất định phải mạnh dạn và thành thực nói cho người đối thoại biết. Nhiều người nước ngoài và sinh viên quốc tế nói rất nhanh bởi vì họ không ý thức được việc người nghe không hiểu. Thông thường chỉ cần bạn nói ra, họ sẽ vui vẻ nói chậm lại và giải thích từng ý cho bạn. Đừng bao giờ sợ xấu hổ. Bản thân việc du học chính là quá trình mất mặt trước, lấy lại thể diện sau.
  • Phải luôn ghi nhớ, tuy bạn vừa mới xuất ngoại, nhưng kỳ thực bạn đã sắp tốt nghiệp. Thời gian trôi rất nhanh! Đừng nghĩ mình còn trẻ nên thoải mái lãng phí tuổi thanh xuân. Giá trị của thời gian hoàn toàn nằm ở chỗ bạn lợi dụng nó ra sao: Tập trung hết sức, mỗi một giờ đồng hồ đều có thể tạo nên hiệu suất đáng kinh ngạc; không có mục tiêu, một tiếng sẽ trôi qua đầy lãng phí. Thời gian của chúng ta cứ trôi qua từng giờ như thế, khoảng cách giữa người với người cũng bị kéo dãn từng chút một như vậy.
  • Tốt nhất bạn nên bắt đầu suy nghĩ đến kế hoạch sau khi tốt nghiệp ngay từ ngày đầu tiên nhập học, rốt cuộc bạn dự định ở lại hay quay về, vấn đề này suy nghĩ càng sớm càng tốt. Nếu đã có mục tiêu rõ ràng, hãy bắt tay vào thực hiện nó. Những ai không có mục tiêu, phải cố gắng đọc thật nhiều, trải nghiệm thực tế càng nhiều càng tốt để nhanh chóng tìm thấy mục tiêu của bản thân.
  • Thực ra cái gọi là “kinh nghiệm của người từng trải” cũng chỉ mang tính tham khảo, đường vẫn phải tự mình bước đi.

11. Xin hãy giới thiệu về phương thức đi lại ở Mỹ? Mua xe ở Mỹ như thế nào?

Đáp: Phương tiện đi lại chủ yếu ở Mỹ là ô tô. Ngoại trừ một số thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago ra, phương tiện giao thông công cộng ở những thành phố khác đều không phát triển lắm, có thể vùng trung tâm thành phố sẽ có tàu điện ngầm, nhưng đa phần vẫn phải lái xe. Vì thế, dựa vào nhu cầu bản thân, nếu bạn dự định sinh sống lâu dài ở Mỹ hãy cố gắng mua xe sớm, như thế không những tiện lợi hơn, mà còn có thể sớm nhận được bằng lái, bởi bằng lái xe là giấy tờ quan trọng nhất ở Mỹ, không gì quan trọng hơn.

Về việc mua xe, nếu bạn muốn mua xe mới, nên trực tiếp đến mua tại các đại lý ủy quyền chính thức. Nếu định mua xe cũ, bạn có thể tìm kiếm ở các trang web bán xe cũ hoặc Craigslist, hay cũng có thể quan tâm đến diễn đàn sinh viên trong trường. Đặc biệt vào mùa tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên sẽ bán lại xe, giá cả có thể thương lượng. Căn cứ trên thương hiệu và chất lượng, giá xe cũ ở Mỹ thường dao động từ 1.500 đến 10.000 đô-la. Trước khi mua, bạn nhất định phải tìm người có kinh nghiệm để thử xe và kiểm tra kỹ lưỡng. Bạn có thể tìm thấy những bài viết khá chi tiết về kinh nghiệm mua xe cũ trên nhiều diễn đàn sinh viên trong nước.

12. Tìm người yêu ở nước ngoài như thế nào?

Đáp: Tùy duyên.

13. Tôi xin học ở một trường không danh tiếng lắm, tương lai có hy vọng ở lại nước ngoài tìm việc không?

Đáp: Chắc chắn có. Lúc tuyển dụng, người nước ngoài đa phần chú trọng đến năng lực chuyên môn của bạn chứ không phải tên trường bạn theo học. Họ không cảm thấy bạn cao hơn người một bậc chỉ vì bạn tốt nghiệp từ Harvard; và cũng không vì bạn tốt nghiệp tại một trường bình thường mà thiếu tôn trọng bạn. Ở nước ngoài, trường danh tiếng không đại diện cho tất cả, điều quan trọng vẫn là thực lực cá nhân. Chỉ cần nỗ lực, mọi người đều có cơ hội bình đẳng. Có lẽ, ngôi trường bạn theo học đang đợi bạn làm nó trở nên nổi tiếng.

14. Tìm chỗ thực tập hoặc công việc ở nước ngoài như thế nào? Có những kiến nghị gì?

Đáp: Về kinh nghiệm thực tập và tìm việc ở nước ngoài xin xem chương 3 và 4. Ở đây tôi chỉ muốn bổ sung thêm một điểm: Đừng bao giờ xem nhẹ bất kỳ công việc nào trong đời, dù nó có gian khổ đến đâu, đơn giản và hèn kém nhường nào, bởi vì bất kể bạn làm gì, chỉ cần làm bằng cả trái tim, bạn sẽ học được rất nhiều điều. Khi bạn làm việc chăm chỉ, ông chủ sẽ biết. Nếu là một người xuất sắc, sớm hay muộn bạn cũng được cất nhắc, và nhận lấy cơ hội mình hằng mong đợi. Rất nhiều người than vãn bản thân quá xui xẻo, không gặp thời, không ai xem trọng, cạnh tranh khốc liệt… Nhưng suy cho cùng, vẫn do bạn không đủ thực lực mà thôi.

Sự xuất sắc không ngày một ngày hai tự nhiên có được, mà buộc phải trải qua vô số ngày rèn luyện và quá trình vấp ngã, đứng dậy, rồi vấp ngã, tiếp tục đứng dậy dài đằng đẵng. Đừng than vãn, bởi những điều bạn học được từ quá trình ấy mới là nấc thang cho sự thành công trong tương lai. Không nên mơ mộng thành công chỉ sau một đêm mà hãy tin vào sự nỗ lực từng ngày, chỉ có những thứ tự mình tạo ra người khác mới không tài nào chiếm đoạt được. Vì thế, bất luận bạn thực tập hoặc làm việc gì, hãy nắm bắt, trân trọng và đổ mồ hôi công sức cho nó. Chỉ khi đối mặt với mỗi một việc bằng thái độ nghiêm túc tích cực, bạn mới đến gần với thành công. Những người quen tạm bợ với các công việc nhỏ, dù thế nào cũng không thể đợi “đến lúc đó” rồi mới chăm chỉ được.

15. Tôi muốn làm công việc XXX, nhưng không biết phải làm như thế nào, liệu cô có thể cho tôi một vài kiến nghị?

Đáp: Điều tôi muốn góp ý là, bạn muốn làm gì hãy thực hiện nó đi (chỉ cần hợp lý và hợp pháp), sau đó phân chia mục tiêu thành từng nội dung nhỏ hơn để tiến hành (Cụ thể nội dung đọc chi tiết tại phần Tips Cập nhật việc xây dựng và thực hiên kế hoạch thuộc chương 3). Nhiều khi, con người ta hoàn toàn biết rõ mình muốn làm điều gì, nên làm điều gì, nhưng nỗi sợ hãi, bất lực hoặc hoang mang đối với tương lai luôn khiến họ tìm cách thoái thác. Nếu mỗi ngày bạn chỉ biết lãng phí thời gian cho những lo lắng không đâu ấy, cuộc sống sẽ mãi chẳng thể đổi thay.

Rất nhiều người hỏi phải làm thế nào mới có thể thay đổi. Tôi cảm thấy, có lẽ trong một giây phút nào đó đầu óc con người ta bỗng được khai sáng, nhưng sự thay đổi cuộc đời không thể nào xảy ra trong khoảnh khắc. Nó chỉ có thể thông qua sự tích lũy và lượng biến mới dần được hình thành. Còn về kết quả, tôi cảm thấy việc thay đổi giống như một quá trình lâu dài. Một khi bạn vẫn xem thường những nỗ lực nhỏ mỗi ngày, lúc ấy bạn vẫn chưa thể nhìn thấy sự thay đổi.