Tháng 1 năm 2009
Đối với tương lai, tôi chỉ mơ đến tình huống tốt nhất và lập ra kế hoạch dễ chịu nhất, chứ tuyệt đối không lãng phí thời gian cho những lo lắng vớ vẩn, bởi tôi biết, chỉ cần biến lời hứa của bản thân thành hiện thực, tương lai của tôi sẽ không chỉ là một giấc mơ.
Lúc này, tôi đã bước lên chuyến bay sắp đưa tôi đến Mỹ. Trên màn hình LCD ảm đạm gắn trên lưng chiếc ghế đối diện tôi đang hiện lên dòng chữ “Điểm đến: Nước Mỹ”. Tôi dán chặt mắt vào nó, ngơ ngác hồi lâu, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả. Từ lâu, tôi đã chôn chặt giấc mơ du học tận sâu trong tim. Để thực hiện nó, tôi đã phải phấn đấu không biết bao nhiêu ngày đêm, từng kiên trì và cũng từng từ bỏ, cứ thế cho đến tận hôm nay. Từng khung hình trong quá trình ấy cứ lần lượt hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi, như thể mới xảy ra hôm qua thôi, vậy mà nay tôi đã sắp sửa phải bay đến nửa bên kia bán cầu. Mọi thứ đến quá nhanh khiến người ta bối rối, không kịp chuẩn bị. Tôi ngồi lặng lẽ trên ghế, những hình ảnh của cuộc sống khi xưa không ngừng tái hiện. Mọi thứ cứ lần lượt trôi qua trước mắt tôi như một bộ phim sống động đang được trình chiếu vậy.
Ba mươi phút trước, tôi một mình đứng đợi trước cửa lên máy bay. Kể từ giây phút ấy, tôi ý thức được mình sắp phải trải qua cuộc sống tự lập thật sự. Sau mười ba tiếng nữa thôi, một thế giới hoàn toàn mới sẽ mở ra khi máy bay hạ cánh xuống một đất nước xa xôi, nơi mà tôi hoàn toàn lạ lẫm.
Một giờ trước, tôi thấp thỏm xếp hàng trước cửa kiểm tra an ninh. Dõi mắt nhìn dòng người đang xếp thành một hàng dài xung quanh, trông họ có vẻ đều là du học sinh. Cũng giống như tôi, từ lúc này họ cũng đã trở thành một thành viên trong gia đình du học. Đây là lần đầu tiên tôi trải qua khâu kiểm tra an ninh phức tạp đến thế, chẳng có chút kinh nghiệm nào, tôi vội vàng cởi bỏ áo khoác, tay xách laptop, tay kéo hành lý, cầm giấy tờ… Sau khi trải qua cửa kiểm tra an ninh thuận lợi, tôi lại luống cuống ôm đống hành lý đến một góc ở tiền sảnh để sắp xếp lại. Phải mướt mồ hôi, tôi mới cho mọi thứ trở về đúng vị trí vốn có của nó.
Ba giờ trước, tôi cùng bố mẹ đến làm thủ tục lên máy bay ở nhà chờ số 3 của sân bay Thủ Đô. Trong lúc chờ đợi, mọi người nói chuyện với nhau rất rôm rả, vì ai cũng hiểu một năm tới chẳng thể cùng nhau đoàn tụ, nên ai cũng gắng nói thật nhiều. Nhưng trong câu chuyện, mọi người đều cố tránh nhắc tới hai chữ “ly biệt”, tôi cũng cố gắng thận trọng kìm nén chủ đề nhạy cảm ấy, chỉ sợ sơ suất lỡ lời sẽ càng khiến mọi người buồn lo.
Lúc tôi sắp lên máy bay, cả nhà dặn dò lẫn nhau hồi lâu trước cửa kiểm tra an ninh. Tôi gắng ngăn không cho nước mắt rơi, gượng cười nói lời từ biệt bố mẹ. Tôi ôm họ và ra sức vẫy tay chào, sau đó vội quay người đi. Giây phút ấy, nước mắt trào ra thấm ướt đôi gò má, nhưng tôi không dám quay đầu lại, mà kéo vali cắm đầu đi thật nhanh về phía trước. Bụng thầm nghĩ, cuộc chia ly tạm thời ngày hôm nay, để mình theo đuổi ước mơ và cũng để có một ngày đoàn tụ tốt đẹp hơn trong tương lai. Tôi nhất định sẽ phấn đấu không để mọi người thất vọng.
Một tháng trước, tôi hoàn thành xong mọi công việc liên quan đến thủ tục xin du học, và bắt đầu hồi hộp chờ đợi thư hồi âm từ trường. Tôi hy vọng có thể nhận được sự chấp thuận từ ngôi trường mà mình thích nhất. Cuối cùng, vào một ngày đầu đông, hạt giống ước mơ đã bắt đầu khai hoa kết quả, tôi may mắn được trường Đại học Washington ở St. Louis chấp nhận, đồng ý cho theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Công tác xã hội. Suốt ngày hôm ấy, sau khi tra cứu kết quả online lòng tôi chất chứa nhiều nỗi niềm khó tả, cho đến tận hôm nay khi nhớ lại, cảm giác vẫn vẹn nguyên như buổi ban đầu.
Ba tháng trước, tôi dốc sức chuẩn bị đủ loại giấy tờ xin du học. Từ CV, bài luận, thư giới thiệu, kế hoạch học tập… nhiệm vụ này nối tiếp nhiệm vụ kia như muốn khiến tôi ngạt thở. Tôi cẩn thận viết từng thứ một, viết rồi sửa, sửa rồi viết, cứ thế không biết bao nhiêu lần. Có tối khi đi ngủ tôi còn nằm mơ thấy ác mộng, thấy mình bị nhấn chìm trong một biển giấy tờ, không thể nào thoát ra được.
Nửa năm trước, tôi chinh phục được chứng chỉ GRE. Một năm trước, tôi hoàn thành TOEFL.
Một năm rưỡi trước, tôi lên Bắc Kinh học thạc sĩ. Năm năm trước, hành trình phấn đấu của tôi chính thức bắt đầu.
Mười năm trước, khi còn là cô học trò cấp ba, tôi chết mê chết mệt chú gấu Koala đến từ nước Úc. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về nó, sưu tầm đủ loại hình ảnh về Koala, và còn đặt cho mình nickname “Koala Tiểu Vu”. Bắt đầu từ giây phút đó, tôi đã quyết chí tương lai sẽ phải ra nước ngoài, để được tận mắt ngắm nhìn Koala bằng xương bằng thịt.
Nhớ lại hồi ấy khiến tôi phải bật cười, thì ra mơ ước xuất ngoại thời thơ ấu lại bắt nguồn từ một chú gấu bé nhỏ. Tuy nhiên, vì lúc ấy tôi chưa hề có chí hướng cao xa gì, nên khái niệm xuất ngoại cũng chỉ là một giấc mơ giữa ban ngày. Nhiều năm sau đó, tôi vẫn sống một cách ngây ngô cho đến khi lên đại học, quen biết thầy Trịnh và Cá Béo Ướp Muối, quỹ đạo cuộc đời tôi mới bắt đầu thay đổi hoàn toàn. Từ lúc ấy, xuất ngoại không chỉ là giấc mơ, mà nó dần trở thành một kế hoạch cụ thể. Về sau, tác động từ nhiều mặt như sở thích cá nhân và ảnh hưởng nghề nghiệp đã khích lệ tôi tiến xa hơn trên con đường này, để cuối cùng chạm được vào giấc mơ.
Cho tới hôm nay, tôi đã đặt chân lên chuyến bay đến Mỹ. Mơ ước từng ấp ủ bấy lâu, cuối cùng cũng thành hiện thực.
Nhưng nước Mỹ trông như thế nào? Người Mỹ ra sao? Tôi có thể nghe hiểu những gì họ nói không? Họ có thể nghe hiểu những gì tôi nói chứ? Ngôi trường đó như thế nào? Tôi có thể theo kịp chương trình học không? Các bạn Mỹ liệu có yêu mến tôi? Rốt cuộc tôi có thể thích ứng với cuộc sống nơi ấy được chăng? Mọi thứ nơi mảnh đất xa xôi ấy liệu sẽ thuận lợi?… Nhưng chẳng còn đường lùi nữa, tôi đã từ bỏ mọi thứ có được ở trong nước để bắt đầu lại tại một mảnh đất xa lạ, làm vậy có đáng không? Sau khi đến đó, liệu tôi có hối hận? Quyết định này liệu có đúng đắn? Một loạt các câu hỏi cứ mãi xoay vòng trong đầu tôi. Tôi của lúc này đây không những mong mỏi vào tương lai mà còn lo lắng cho hiện tại. Hưng phấn, căng thẳng, mong đợi, thấp thỏm, lo lắng, sợ hãi… tất cả những cảm giác ấy cứ đan xen, quấn chặt vào nhau, khiến tôi ngồi lặng im bất động trên ghế.
Đột nhiên, máy bay bắt đầu di chuyển, trong khoang vang lên thông báo bằng tiếng Anh, nhắc nhở hành khách máy bay chuẩn bị cất cánh. Tôi nhanh chóng định thần, tắt điện thoại, điều chỉnh lại ghế ngồi, thắt chặt dây an toàn. Nhìn qua ô cửa nhỏ, máy bay đang từ từ lướt trên đường băng. Vài phút sau, nó dần tăng tốc, tiếng động cơ ngày càng to, tôi bất giác nắm chặt tay vịn của ghế, tim đập liên hồi. Tòa nhà sân bay nhanh chóng lùi lại phía sau, chưa đầy một phút, chúng tôi đã bay đến lưng chừng trời. Ngoài cửa sổ, Bắc Kinh cứ nhỏ dần, xa tít và nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt…
Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu.
Tổ quốc, tạm biệt Người!
Nước Mỹ, ta đang đến đây!