Nhắc lại việc trước nơi nước Vệ.
Vệ tuyên-công vốn là kẻ ham dâm dục, lúc chưa lên ngôi đã tư thông với vợ lẻ của cha là nàng Di-khương sanh được một trai, tên Cấp-Tử.
Sau khi lên ngôi lại phong cho Cấp-tử làm Thế-tử, giao cho Công-tử Chức trông nom.
Khi Cấp-Tử lên mười sáu tuổi, Vệ tuyên-công cho người sang hỏi con gái Tề hi-công về làm vợ Cấp-Tử. Lại được nghe con gái của Tề-hầu nhan sắc tuyệt trần, hoa nhường nguyệt thẹn , Vệ tuyên-công đem lòng ham muốn.
Tuy-nhiên đã trót lỡ cưới người đẹp cho con trai mình, còn biết nói năng làm sao, bèn nghĩ ra một kế .
Vệ tuyên-công cất một cái đài thật đẹp nơi mé sông Tân-kỳ, đặt tên là Tân đài rồi sai Cấp-Tử làm sứ-giả sang nước Tống để có cơ hội đoạt vợ của con.
Cấp-tử ra đi chưa bao lâu, Vệ tuyên-công sai Công-tử Tiết qua Tề rước nàng Khương-thị về Tân đài.
Rồi từ đó ăn ở với Khương-thị, coi như vợ mình. Nàng ấy tức là nàng Tuyên-khương.
Cấp-Tử đi sứ về vào yết-kiến Vệ tuyên-công.
Vệ tuyên-công khiến Cấp-Tử đến Tân đài ra mắt Khương-thị, và gọi Khương-thị bằng kế-mẫu.
Cấp-Tử vốn là con hiếu thảo, dù hành động Vệ tuyên-công có bỉ-ổi, Cấp-Tử cũng không lấy thế mà oán trách cha.
Từ ngày lấy được Tuyên-khương, Vệ tuyên-công say mê sắcđục, đêm ngày ở mãi nơi Tân đài không ngó ngàn đến Di-khương nữa.
Cách ba năm sau, Tuyên-khương sanh đặng hai trai là Công-tử Thọ và Sóc .
Nàng Di-Khương bị thất sủng, Vệ tuyên-công cũng không còn thương Cấp-Tử nữa. Bao nhiêu sự say sưa đối với Di-khương đổ dồn về Tuyên-khương thì bao nhiêu tình thương đối với Cấp-Tử cũng đổ dồn về Thọ và Sóc hết.
Vệ tuyên-công quyết định sau nầy truyền ngôi cho Công-tử Thọ .
Thọ và Sóc tuy anh em ruột, nhưng tâm-tính rất khác nhau . Thọ thì tánh hiền hậu, nhân từ, thương yêu Cấp-Tử như người anh ruột, còn Sóc thì độc ác, hiểm-hóc, chẳng những ghét Cấp-Tử mà còn ghét cả Thọ nữa. Sóc muốn tiếm ngôi của Thọ sau nầy, nên định ý trước tiên hại cho được Cấp-Tử rồi sau mới lập mưu hại Thọ .
Một hôm, Sóc nói với mẹ :
- Nay tuy thân phụ rất thương yêu mẹ con ta, song Cấp-Tử là anh, chúng con là em , sau này Cấp-Tử thế nào cũng được nối ngôi. Hơn nữa, vì mẹ mà Di-khương bị vua bạc đãi nếu sau nầy Di-Khương được lên làm Quốc-mẫu, thì mẹ con ta không tránh khỏi tai vạ .
Nàng Tuyên-khương tâm trạng trước kia khác, bây giờ khác .
Trước kia hy-vọng làm vợ Cấp-Tử, nên muốn mua chuộc lòng Vệ tuyên-công để sau nầy truyền ngôi lại cho Cấp-tử mà vợ chồng vui hưởng phú quý. Bây giờ thì đã có hai con với Vệ tuyên-công, hy-vọng ấy đâu còn nữa, nên bàn mưu với Sóc để hại Cấp-tử. Vì vậy thỉnh thoảng có những lời dèm pha, xoi bói.
Ngày kia, nhằm ngày sanh nhựt của Cấp-Tử, Công-tử Thọ làm tiệc rượu chúc mừng, có Công-tử Sóc dự.
Trong bữa tiệc Công-tử Thọ chuyện trò rất thân-mật.
Sóc tỏ ý khó chịu, thoái thác lui về , trong lòng rất căm phẩn.
Về đến cung, Sóc làm bộ khóc lóc, nói với mẹ :
- Con vì lòng tốt mà dự tiệc với Cấp-tử , thế mà Cấp-Tử lúc say rượu lại giở trò đùa, gọi con bằng con và nói :
- Mẹ của mày tức là vợ của ta, mày phải gọi ta bằng cha mới phải .
Con rất lấy làm xấu hổ, xin mẹ xét nghĩ.
Tuyên-khương tin là thực, chờ Vệ tuyên-công vào cung, khóc lóc thuật lại mọi điều , lại nói thêm rằng :
- Cấp-tử cố tình muốn làm nhục thiếp nên đã có lúc nói nhiều câu lỗ mãng.
Vệ tuyên-công hỏi :
- Thằng súc sanh ấy đã nói những lời gì phạm đến ái-khanh ?
Tuyên-khương sụt-sùi nói :
- Thiếp được nghe nó nói rằng : Mẹ ta là Khươngđi vợ của ông nội ta, mà phụ-thân ta còn lấy làm vợ được thay, huống hồ Tuyên-khương là vợ của ta mà ta không lấy được sao ! Nay ta chỉ cho phụ-thân ta mượn đỡ mà thôi. Ngày nào đó ta sẽ lấy lại, và lấy luôn cả ngôi nước Vệ nữa.
Vệ tuyên-công nghe nói cả giận, kêu Công-tử Thọ vào hỏi.
Công-tử Thọ nói :
- Tâu phụ-thân, Cấp-Tử là đưa con chí hiếu, chẳng bao giờ lại có những lời nói lỗ mãng như thế đâu .
Vệ tuyên-công không biết phải phân xử lẽ nào, bèn đòi Khươngđi đến trách mắng đủ điều.
Khươngđi đau đớn, không chịu nổi, thắt cổ tự-vận.
Cấp-tử quá thương mẹ, nhưng không dám nói ra, chỉ ôm bụng khóc thầm.
Giết được Khươngđi, mẹ con Công-tử Sóc vẫn chưa thôi, ngày đêm ép buộc Vệ tuyên-công phải làm cách nào giết cho được Cấp-Tử mới nghe.
Vệ tuyên-công nói :
- Cấp-Tử không có tội chi, nếu đem giết đi thiên-hạ sẽ chê cười.
Tuyên-khương nói :
- Khươngđi thác oan, thế nào Cấp-tử cũng vì mẹ mà trả thù, nếu Chúa-công không giết Cấp-tử, mẹ con tôi không làm sao ở trong cung nầy được.
Vệ tuyên-công cực chẳng đã phải nghe theo, tìm cách giết Cấp-Tử cho ổn-thỏa để che mắt thiên hạ.
Gặp lúc Tề hi-công cho người sang mượn quân nước Vệ.
Vệ tuyên-công mới bày mưu với Công-tử Sóc sai Cấp-tử cầm cờ tiết trắng đi sứ nước Tề, rồi cho võ sĩ phục giữa đường mà giết.
Công-tử Sóc được kế rất mừng, triệu-tập bọn côn đồ, dặn đến núp nơi Sằng giả là chỗ đường thủy giáp liền với đường bộ . Hễ thấy có người cầm cây cờ trắng đi ngang qua là nhãy ra giết lập tức.
Sắp đặt xong Công-tử Sóc trở về cung thuật lại với Tuyên-Khương hay .
Tuyên-khương mừng rỡ vô cùng.
Công-tử Thọ thấy mẹ mình mặt mày hớn hở, sanh nghi, dò hỏi sự tình .
Tuyên-khương ngỡ là Công-tử Thọ cũng đã biết việc ấy nên không hề giầu diếm gì cả, nói rõ sự việc.
Công-tử Thọ thất kinh, nhưng biết rằng âm mưu đã định sẳn dù can gián cũng chẳng ích chi, bèn lén qua nói với Cấp-tử .
Cấp-Tử ngồi thẩn-thờ không đáp.
Công-tử Thọ nói :
- Ðường đi từ đây sang Tề thế nào cũng phải qua Sằng-giả, mà đã qua đó tánh mạng anh ắt dữ nhiều lành ít. Chi bằng trốn sang nước khác rồi sẽ lo toan.
Cấp-Tử đáp :
- Ðạo làm con, nếu không nghe lời cha mẹ đâu còn là hiếu thảo. Vả lại, nếu Phụ-vương đã có ý muốn ta chết thì dẫu có sống cũng chẳng ích chi .
Nói xong, sửa soạn hành trang, từ biệt Công-tử Thọ, xuống thuyền đi theo đường thủy.
Công-tử Thọ khuyên can đến bực nào Cấp-Tử cũng không nghe .
Công-tử Thọ đứng nhìn theo, đôi dòng lệ không vơi, nghĩ thầm :
- Anh ta quả là một người hiếu-hữu, nếu để anh ta chết sau nầy mặt mũi nào mà ta nối ngôi. Vả lại trong hoàn cảnh này chỉ có cái chết của ta , may ra mới đánh thức được lòng thương xót của cha mẹ ta, đem lại một gia đình thảo thuận được.
Nghĩ rồi liền dọn một chiếc thuyền, đem đũ vật thực gọi vài tên tùy tùng bảo chèo theo cho kịp thuyền của Cấp-Tử để cùng dự tiệc rượu tiễn biệt. Chẳng bao lâu hai thuyền gặp nhau, Công-tử Thọ gọi Cấp-Tư sang thuyền mình.
Cấp-Tử nói :
- Anh đi đường xa, em muôn dâng cho anh một chén rượu tiễn hành, để tỏ tình mong nhớ.
Nói rồi rót một chén rượu đầy dâng cho Cấp-tử.
Nhưng vừa lòng chén chưa kịp nói thì nước mắt đã tuôn tràn, chảy vào ly rượu .
Cấp Tư vội vã bưng chén rượu uống một hơi cạn chén.
Công-tử Thọ sụt sùi nói :
- Em khóc làm cho nước mắt nhỏ vào rượu thực là vô lễ .
Cấp-Tử nói :
- Anh chỉ muốn uống những giọt nước mắt ấy để được giữ mãi vào lòng tấm thâm tình của em.
Thọ rót thêm một chén nữa trao cho Cấp-Tử .
Hai anh em vừa uống, vừa khóc.
Nước mắt càng hòa với rượu bao nhiêu thì rượu càng nồng bấy nhiêu.
Công-tử Thọ cốt phục rượu cho Cấp-Tử thực say , nên một lúc sau Cấp-tử say mèm nằm vật xuống khoan thuyền ngủ thiếp.
Công-tử Thọ ôm anh khóc một lúc lâu, rồi bảo bọn thủ-hạ :
- Lệnh vua phải đi gấp mà anh ta say nên trể nải vậy ta phải đi thế mới được .
Nói rồi cầm cây cờ trắng cắm lên mũi thuyền mình, và viết một bức thư, dặn tên quân hầu lúc nào Cấp-Tử tỉnh dậy sẽ đưa.
Ðoạn Công-tử Thọ cứ thẳng đường cho thuyền đến Sằng-giả.
Vừa đến nơi, bọn côn đồ thấy có ngọn cờ trắng, kéo nhau chạy ào ra bắt.
Công-tử Thọ đứng dậy chỉ vào mặt bọn chúng mắng lớn :
- Ta là Cấp-tử, Thế-tử nước Vệ, phụng mệnh sang nước Tề đi sứ , sao chúng bây dám cản trở .
Bọn côn đồ nói :
- Ngươi đã là Cấp-Tử thì đừng có xưng hô làm gì cho uổng tiếng. Chúng ta tuân lệnh Vệ-hầu ra đây lấy đầu ngươi.
Nói xong, bọn côn đồ áp lại, chém đầu Công-tử Thọ, bỏ vào một cái hộp rồi đoạt lấy cờ tiết mang về.
Bọn gia đinh theo hầu Công-tử Thọ sợ hải , chạy tán loạn.
Còn Cấp-Tử khi tỉnh rượu, mở mắt ra không thấy Thọ đâu, lại nhận được bức thư, trong lòng hoảng-hốt.
Mở thư ra xem, trong thư chỉ thấy một hàng chữ như sau :
- Em đi thay anh , anh tìm nơi lánh nạn .
Cấp-Tử khóc oà, vội-vã bảo bọn tùy tùng :
- Hãy chèo thuyền đi cho mau, kẻo chúng lầm mà giết mất em ta .
Bọn tùy-tùng tuy không hiểu gì cả, nhưng cũng cố sức chèo đi rất mau.
Thuyền lướt sóng, dưới ánh trăng vằng-vặc, lăn tăn trên mặt sông đài, cảnh vật êm đềm nhưng lòng người rộn rã.
Cấp-tử chỉ nghĩ đến sinh mạng em mình, nên hối thúc liên hồi làm cho mấy tên quân chèo thuyền mệt không kịp thở.
Một lát sau, thấy đàng xa có bóng thuyền nhấp nhô, Cấp-tử mừng rỡ, hét to :
- Em ta còn sống ! Thật lòng trời không phụ !
Một tên quân hầu đưa mắt nhìn một lúc rồi nói :
- Thưa Thế-tử, thuyền đó đang đi tới phía chúng ta !
Cấp-Tử ngơ-ngác, chưa biết thế nào, thì chiếc thuyền nọ đã từ đàng xa phăng phăng rẽ nước đi đến.
Trên thuyền không thấy Công-tử Thọ, chỉ thấy một bọn côn đồ, gươm giáo sáng lòa.
Cấp-Tử lòng nghi ngại, hỏi :
- Các ngươi phụng mệnh Chúa-công đã làm xong nhiệm-vụ chưa ?
Bọn côn đồ nghe hỏi, tưởng người của Công-tử Sóc sai đến tiếp-ứng nên bưng chiếc hộp có đựng đầu của Công-tử Thọ đưa ra và nói :
- Chúng tôi đã thành công.
Cấp-Tử vừa cầm đến chiếc hộp vùng ngã ra, khóc to, nói :
- Ôi thôi ! còn gì em ta nữa !
Bọn côn đồ ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau.
Cấp-Tử nói tiếp :
- Ta đây mới là Cấp-Tử, vì ta có tội nên cha ta sai giết, chớ Công-tử Thọ là em ta, nào có tội chi .
Bọn côn đồ biết mình đã giết lầm, thất kinh, nói nhỏ với nhau :
- Thế nầy thì phải giết cả nó nữa, mới chuộc nổi tội chúng ta đã lầm lẫn.
Nói xong, bọn côn đồ áp lại chặt đầu Cấp-tử, bỏ chung vào một hộp, rồi chèo thuyền đi, để mặc cho bọn quân hầu của Cấp-tử ngồi run rẩy trong thuyền, mặt mày tái ngắt.
Về đến thành Vệ, bọn côn đồ đem chiếc hộp và cờ trắng vác dâng cho Công-tử Sóc , kể lại sự giết lầm, và rất lo sợ Công-tử Sóc trách-phạt.
Chẳng dè Công-tử Sóc đã không giận mà lại còn vui mừng, đem vàng lụa thuởng cho bọn chúng rất trọng hậu, rồi vào cung nói với mẹ.
Tuyên-khương buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mất con, vui vì đã biết được Cấp-Tử, trừ được hậu-họa cho mình. Vì biết Vệ tuyên-công thương yêu Công-tử Thọ, nên Tuyên-khương bảo Sóc hãy khoan cho Vệ tuyên-công biết .
Sau người nước Vệ có làm thơ vịnh hai anh em Cấp-Tử và Thọ rằng :
Hai chiếc đầu rơi, một mối tình
Hồn oan ôm hận khóc xuân xanh.
Lòng cha ví có không thương xót
Thà chết cho tròn nghĩa đệ huynh.
Nguyên trước kia Vệ tuyên-công có ủy thác Cấp-tử cho Công-tử Tiết để lên ngôi còn Công-tử Thọ cũng được uỷ thác cho Công- tử Chức, nay hai người nghe được tin dữ, liền họp nhau vào tâu với Vệ tuyên-công.
Vệ tuyên-công tuy ghét Cấp-Tử song rất yêu Thọ, nên sau khi nghe Thọ chết , lòng bàng hoàng đau đớn, nằm vật xong long sàng than rằng :
- Ôi ! Chính con Tề-nữ đã hại nhà ta rồi.
Liền cho đòi Công-tử Sóc vào khiển trách.
Công-tử Sóc chối dài.
Từ đó , Vệ tuyên-công buồn rầu sanh bịnh.
Mỗi khi nằm mê lại thấy Di-khương , Cấp-Tử và Thọ hiện đến trước mặt khóc than.
Cách nữa tháng sau Vệ tuyên-công tạ thế.
Công-tử Sóc lên nối ngôi, tức là Vệ huệ-công.
Vệ huệ-công lên ngôi chưa được ba ngày đã cách chức Công-tử Tiết và Chức .
Hai người nầy oán hận vô cùng chờ dịp trả thù cho Công-tử Thọ và Cấp-Tử.
Còn Công-tử Ngoạn là anh của Vệ huệ-Công không chịu phục bỏ trốn sang Tề trú-ẩn.
Từ hôm Vệ huệ-Công bị quân Trịnh đánh tan-tành, lòng oán-hận Trịnh lệ-Công không xiết, xảy nghe có sứ Trịnh đến, mới hay Trịnh lệ-công đã bỏ ngôi mà trốn, và sứ nước Trịnh đến xin rước Trịnh chiêu-công tức là Thế-tử Hốt , về nước.
Vệ huệ-công cho vào.
Sứ nước Trịnh là Tế-Túc trông thấy Trịnh chiêu-công vội vã sụp lạy xin tội về việc phế lập trước kia.
Trịnh chiêu-công tuy không bắt tội Tế-Túc, song đã mất lòng tin, tỏ ra lãnh đạm .
Vì vậy sau khi Trịnh chiêu-công phục-nghiệp, Tế-Túc thường cáo bịnh ít vào triều.
Cao cừđi cũng bị Trịnh chiêu-công oán ghét nên có ý muốn giết Trịnh chiêu-công mà lập Công-tử Vĩ .
Trịnh lệ-Công tức Công-tử Ðột, từ ngày bỏ ngôi, trốn sang nước Sái, liền mượn người nói với Đàn-Bá xin được dung thân nơi đất Lịch.
Đàn-Bá không chịu cho, nên Trịnh lệ-công mưu với người nước Sái giết Đàn-Bá đi, chiếm lấy đất Lịch, rồi lo chiêu mộ binh sĩ định về đương đầu với Trịnh chiêu-công mà cướp ngôi Trịnh.
Tế-Túc hay được tin ấy, lòng lo sợ, vào triều tâu với Trịnh chiêu-công hay.
Trịnh chiêu-công liền khiến quan Ðại phu Phô-hà đem quân đến đất Ðại-lăng để phòng ngừa việc binh biến.
Trịnh lệ-công dò biết, liệu thế khó bề khởi sự, bèn cho người sang nhờ Lỗ hoàn-công thương thuyết với Tống trang-công nếu lần này giúp cho mình được về nước phục nghiệp sẽ nạp đủ đất ba thành cùng lễ vật đã hứa trước kia .
Lỗ hoàn-công liền sai sứ sang Tống .
Tống trang-công tuy việc cũ đã mờ phai, song nghe nhắc đến động lòng tham, liền kết liên với Sái và Vệ để giúp Trịnh lệ-công.
Vệ huệ-công từ khi cho Tế-Túc rước Trịnh chiêu-công về nước mãi đến nay chưa thấy tạ ơn mình lòng hậm hực bèn nhận lời hợp binh với Tống trang-công, sang đánh Trịnh.
Hai Công-tử Tiết và Chức thấy vậy bàn với nhau :
- Nếu Vệ-Sóc định kéo binh sang Tống để đánh Trịnh, thì lúc nầy chính là lúc chúng ta có thể báo thù cho Công-tử Cấp-tử và Thọ đó .
Công-tử Chức hỏi :
- Nếu phế được Vệ-Sóc thì nên đưa ai lên kế vị ?
Hai người đang bàn luận thì bỗng có quan Ðại phu Ninh-quy vào thăm.
Hai Công-tử mời vào .
Ninh-quy nói :
- Nhị vị đã quên việc Công-tử Thọ và Cấp-Tử trước kia sao ?
Công tử Chức đáp :
- Chúng tôi nào có quên đặng. Song chưa biết phải lập ai kế vị .
Quan Ðại-phu Ninh-quy nói :
- Tôi xem trong hàng Công-tử chỉ có Kiềm-mâu là người hiền . Hơn nữa Kiềm-mâu là Phò-mã của nhà Châu, nếu lên ngôi ắt lòng người chịu phục.
Ba người bàn xong lập lời ước thệ, rồi làm một tờ thông-báo , chờ cho Vệ huệ-công kéo binh ra đi phao tin trong dân chúng rằng :
- Vệ huệ-công sang đánh Trịnh bị từ-trần, nên phải lập công-tử Kiềm-mâu lên thay .
Kế hoạch quả thành tựu.
Công-tử Kiềm-mâu tức vị, hạch tội Vệ-Sóc việc giết anh và làm cho Vệ tuyên-công vì buồn rầu mà chết.
Ðoạn thọ tang hai vị Công-tử Thọ và Cấp-Tử rồi cho sứ sang triều Châu báo tin việc phế lập ấy.
Ninh-quy lại dẫn quân ra đóng nơi biên giới nước Vệ để chân đường Vệ-Sóc.
Công-tử Tiết muốn đem Tuyên-khương ra hài tội, nhưng Công-tử Chức can rằng :
- Tuyên-khương là em của vua Tề, nếu hành tội e mất việc giao hảo, chi bằng giữ niềm hòa hiếu với Tề là hơn .
Bèn bàn với Kiềm-mâu cho Tuyên-khương ra ở một biệt cung, cấp lương bỗng hàng tháng.
Lỗ, Tống, Sái và Vệ bốn nước cũng đem binh đánh Trịnh, bị Tế-Túc cử binh chận nơi Ðại-lăng hiệp với Phô-hà mà chống giữ.
Bốn nước đánh không lại, phải rút binh về.
Vệ Sóc kéo binh về nữa đường, nghe tin hai Công-tử Tiết và Chức đã lập Kiềm-mâu lên ngôi liền bỏ sang nước Tề cầu viện.
Tề tương-công hay được việc ấy nói :
- Vệ-Sóc là cháu gọi ta bằng cậu lẽ nào ta lại không đem quân đi giúp.
Vệ Sóc khóc lóc nói :
- Nếu cháu được phục nghiệp tất cả vàng bạc châu báu trong nước Vệ , cháu xin dâng biếu cho Quốc-trượng:
Tề tương-công rất mừng. Còn đang bàn bạc, bỗng có sứ nước Lỗ đến.
Nguyên vì trước đây Tề tương-công có sang cầu hôn nhà Châu, nên nhà Châu sai Lỗ hoàn-công đứng làm chủ hôn coi việc gã nàng Vương-cơ cho vua Tề. Vì vậy, hôm nay Lỗ hoàn Công mới đến.
Nghe nhắc đến Lỗ hoàn-công, Tề tương-công sực nhớ đến mấy lời hẹn ước riêng với em mình là Văn-khương, đã lâu chưa đặng gặp , lúc nầy cũng nên nhờ cơ hội Lỗ hoàn-công đến, mà rước luôn nàng Văn-khương về Tề một phen. Vì vậy lúc các quan Ðại- phu hỏi thăm bao giờ thì cử binh đánh Vệ ?
Tề tương-công nói :
- Kiềm-mâu là rể của Thiên-tử, còn ta thì đang cầu hôn với vua nhà Châu, việc ấy phải thư thả đã.
Tuy nhiên, Tề tương-Công lại sợ nước Vệ giết mất nàng Tuyên-Khương nên cho Công-tôn Vô-Tri đem Công-tử Thạc về nước Vệ.
Lại dặn riêng Vô-tri bày cách cho Công-tử Thạc tư thông với Tuyên-khương, để ngày sau liệu kế đem Vệ-Sóc về nước.
Công-tôn Vô-tri lãnh mạng dẫn Công-tử Thạc về Vệ, ra mắt Tân quân Kiềm-mâu.
Lúc ấy vợ Công-tử Thạc đã qua đời .
Công-tôn Vô-tri bàn mưu với Công-tử Chức :
- Nếu ngài giúp cho việc nầy, ắt Tề-hầu mến phục mà hai nước giao hòa.
Công-tử Chức vẫn có ý muốn giao hảo với Tề, lại ghét Tuyên-khương, muốn cho Tuyên-khương mang tiếng với thiên hạ, nên chịu làm việc đó.
Về phần Công-tử Thạc nghĩ tình cha con, nên chẳng chịu.
Công-tử Chức bèn ép Công-tử Thạc uống rượu say rồi bắt bỏ vào phòng Tuyên-khương.
Gặp Tuyên-khương là người háo dâm, nên ép uổng Công-tử Thạc, cuối cùng phải mang tội bất hiếu cùng cha .
Công-tử Thạc và Tuyên-khương kết làm vợ chồng, sau sanh đặng năm người con.
Nhắc qua việc nước Trịnh, Tế-Túc đem quân ra đất Ðại-lăng đương cự với Công-tử Ðột, sau khi các chư-hầu rút quân về hết mà Công-tử Ðột vẫn đóng quân nơi đất Lịch, phá rối mãi.
Tế-Túc tìm hết kế để ngăn ngừa.
Ngày kia, Tế-Túc nhớ lại rằng trước kia nước Tề có thù với Công-tử Ðột, trong lúc đánh nước Kỷ, lại nghe nước Lỗ hiện đang đứng ra làm chủ-hôn cho nước Tề, bèn vào triều tâu với Trịnh chiêu-công xin đem lễ vật qua Lỗ và Tề thông-biếu, để nhờ hai nước ấy giúp mình cự với Tống.
Trịnh chiêu-công y tấu.
Tế-Túc lãnh mạng ra đi.
Trong lúc Tế-Túc bận lo về việc trừ khử Công-tử Ðột thì Cao-cừđi trái lại âm-mưu muốn hại Trịnh chiêu-công, nhưng vì sợ Tế-Túc là kẻ đa mưu nên chẳng dám thi hành .
Nay nhân dịp Tế-Túc đi xa liền sai người đi rước Công-tử Vĩ về nhà, rồi nhơn lúc Trịnh chiêu-công đi tế lễ phục binh giết chết.
Công-tử Vĩ lên ngôi sai người sang nước Tề đòi Tế-Túc về để cùng với Cao cừđi lo việc quốc-chánh.