Nói về cuộc trao đổi của Đôn Kihôtê với giám mã của chàng, cũng như những sự việc hay ho khác
Thấy Xantrô Panxa và ông chủ kéo nhau vào phòng riêng, bà quản gia biết ngay họ bàn bạc với nhau chuyện gì. Bà đoán là qua cuộc trao đổi này, họ sẽ quyết định cuộc xuất hành lần thứ ba. Trong lòng buồn rầu, bà mặc áo đi tìm cậu Tú Xanxôn Caraxcô, nghĩ rằng cậu có tài ăn nói, lại mới kết bạn với Đôn Kihôtê, chắc có thể thuyết phục chủ mình từ bỏ ý định điên rồ đó được. Đến nơi, thấy cậu dạo mát trong sân nhà, bà bèn phủ phục dưới chân, thở hổn hển, nét mặt ủ rũ. Thấy bà có vẻ rầu rĩ, hốt hoảng, Caraxcô cất tiếng hỏi:
- Sao thế, bà quản gia? Có chuyện gì mà trông bà như người mất hồn vậy?
- Thưa ngài Xanxôn, không có chuyện gì cả. Chẳng là ông chủ tôi đi... chắc chắn ông ta đi.
- Thế ông ta đi bằng đường nào? Trong người ông ta có bộ phận nào bị dập gãy không? Xanxôn hỏi.
- Thưa không, bà quản gia đáp. Ông ta đi bằng con đường của sự điên rồ. Thưa ông Tú kính mến, tôi muốn nói ra là ông định ra đi một lần nữa, tức lần thứ ba, đi khắp thiên hạ để tìm kiếm cái mà ông ta gọi là những chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Tôi cũng chẳng hiểu ông ta gọi thế nghĩa là gì. Lần thứ nhất, ông ta trở về nhà nằm vắt ngang lưng một con lừa, mình mẩy giập nát vì những trận đòn. Lần thứ hai, ông ta trở về trên một chiếc xe bò, bị nhốt trong một cái cũi mà vẫn tưởng mình bị phù phép. Trông ông ta thiểu não đến nỗi mẹ để ông ta chắc cũng chả nhận ra: người gày đét, da vàng ệch, mắt sâu hoắm. Tôi lại phải bỏ ra hơn sáu trăm quả trứng để tẩm bổ cho ông ta lại sức. Chúa và mọi người đều biết; cả đàn gà của tôi cũng biết, chúng không cho phép tôi nói dối đâu.
- Tôi tin như vậy, cậu Tú nói: những con gà của bà rất hay, rất béo và rất ngon, có phải chết chúng cũng không nói sai đâu. Nhưng bà quản gia này, còn việc gì nữa không? Ngoài điều lo lắng của bà về ngài Đôn Kihôtê, có chuyện gì chẳng lành nữa không?
- Thưa ngài, không ạ, bà quản gia đáp.
- Nếu vậy, bà chớ lo phiền làm chi, cậu Tú nói. Hãy vui vẻ trở về nhà chuẩn bị cho tôi một bữa ăn nóng sốt. Trong khi đi đường, bà hãy đọc kinh Xanta Apôlônia, nếu bà thuộc. Tôi sẽ đến ngay và bà sẽ được nhìn thấy những điều kỳ lạ.
- Rõ khổ tôi chưa! Bà quản gia kêu lên. Ngài bảo tôi đọc bài kinh Xanta Apôlônia ư? Nếu ông chủ tôi đau răng mới đọc bài đó chứ, đằng này ông ta lại đau đầu kia.
- Bà quản gia ạ, chẳng lẽ tôi lại không biết tôi nói gì sao! Thôi, bà cứ về đi, đừng tranh cãi với tôi làm gì vì bà đã biết rằng tôi đỗ tú tài ở Xalamanca tức là nhất về khoa ăn nói đấy.
Thế là bà quản gia trở về nhà còn cậu Tú đi tìm ngay Cha xứ để bàn bạc những việc sau này sẽ có dịp nhắc lại.
Sách kể một cách chính xác và trung thực rằng trong khi Đôn Kihôtê và Xantrô tại buồng riêng, họ đã bàn với nhau như sau:
- Thưa ngài, Xantrô nói với chủ, tôi đã làm cho vợ tôi phải ***g ý để tôi đi với ngài đến nơi nào ngài muốn đưa tôi tới.
- Xantrô phải nói đồng ý mới đúng, ***g ý là sai, Đôn Kihôtê bảo.
- Nếu tôi nhớ không nhầm, Xantrô đáp, có một đôi lần tôi đã xin ngài đừng bắt bẻ tôi về chữ nghĩa một khi ngài hiểu được điều tôi muốn nói, còn nếu ngài không hiểu thì cứ bảo tôi: "Xantrô hoặc thằng quỷ kia, ta không hiểu mi nói gì cả", nếu khi tôi vẫn không giải thích được rõ hơn, thì khi ấy ngài hãy bắt bẻ. Tôi là một con người rất phù thiện...
- Xantrô, ta không hiểu phù thiện nghĩa là gì cả, anh định nói thế nào? Đôn Kihôtê hỏi.
- Phù thiện nghĩa là phù thiện ấy mà, Xantrô đáp.
- Ta lại càng không hiểu, Đôn Kihôtê nói.
- Nếu ngài không hiểu thì tôi cũng chịu, chỉ biết nói thế thôi, có Chúa biết cho tôi, Xantrô đáp.
- À, ta hiểu rồi, Đôn Kihôtê nói, anh muốn nói anh là một người rất phục thiện, nhu mì, ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy, bảo gì làm nấy.
- Tôi đánh cuộc là ngay từ đầu ngài đã hiểu tôi định nói gì, nhưng ngài muốn làm cho tôi sốt ruột để thốt ra hai trăm câu ngớ ngẩn.
- Có thể như vậy, Đôn Kihôtê nói. Nhưng thôi, Têrêxa bảo sao?
- Têrêxa bảo tôi làm việc gì phải suy tính kỹ càng đừng nói thừa, không làm hai việc khác nhau cùng một lúc, làm việc gì phải ăn chắc. Lời khuyên của đàn bà thường ngắn ngủi, xong kẻ nào không nghe là dại.
- Ta cũng nghĩ vậy, Đôn Kihôtê bảo. Anh bạn Xantrô hãy tiếp tục. Sao ngày hôm nay, anh nói năng khôn ngoan thế.
- Thưa ngài, ngài biết rõ hơn tôi, tất cả chúng ta đều phải chết, nay ở, mai đi, già cũng chóng chết mà trẻ cũng chóng chết, không ai trên đời này có thể tự cho phép mình sống một khi Chúa đã định, cái chết không nghe ai cả, và khi nó tới gõ cửa cuộc sống của chúng ta, bao giờ nó cũng vội vàng. Theo lời đồn của công chúng của như những lời giảng của các vị giáo sư, những lời van xin, quyền lực, vua chúa hay tất cả các giáo chủ đều không ngăn nổi.
- Tất cả những điều anh nói đều đúng, Đôn Kihôtê đáp, song ta không hiểu anh định đi tới đâu.
- Đi tới điều sau đây, xin ngài nói rõ khoản tiền công hàng tháng ngài sẽ trả cho tôi trong thời gian hầu hạ ngài là cố định, rằng số tiền đó sẽ được trích vào tài sản của ngài. Tôi không muốn nhận được tiền thưởng vì có khi chậm, có khi ít, có khi chẳng bao giờ được. Với số tiền công hàng tháng, tôi sẽ liệu tiêu cho đủ. Tóm lại, tôi muốn biết số tiền kiếm được là bao nhiêu, dù ít hay nhiều, ở đời, có bột mới gột nên hồ, tích tiểu thành đại, được đồng nào hay đồng ấy, không mất đi đâu cả. Quả thật, nếu ngài ban cho tôi hòn đảo mà ngài đã hứa (điều mà tôi không tin tưởng gì), tôi sẽ không quên ơn và vui lòng để cho người ta tính số tiền lời hàng năm của hòn đảo đó và khấu hao vào tiền công của tôi theo tỷ lệ.
- Ta hiểu rồi, Đôn Kihôtê đáp, ta đi guốc vào óc anh rồi đấy. Anh sử dụng những câu phương ngôn tục ngữ như những mũi tên để bắn vào đích vậy. Xantrô, hãy nghe đây, ta vui lòng quy định công xá cho anh nếu như anh tìm được trong các sách kiếm hiệp và chỉ cho ta một ví dụ nào hé ra rằng các giám mã hàng tháng hoặc hàng năm nhận được một khoản tiền công cố định. Riêng ta đã đọc hết hoặc gần hết các cuốn sách kiếm hiệp, song ta không hề nhận thấy có hiệp sĩ giang hồ nào quy định rõ công xá cho giám mã của mình cả. Ta chỉ biết tất cả các giám mã đều được khen thưởng vì công hầu hạ của họ. Việc này thường đến bất kỳ. Khi chủ họ gặp vận thì tất nhiên họ được ban cho một hòn đảo hoặc một món quà tương tự, xoàng xoàng ra cũng là một chức quyền quý. Xantrô, nếu anh vui lòng hầu hạ ta vì hy vọng về những món thưởng đó thì tốt lắm, còn nếu như nghĩ rằng ta phải phá bỏ luật lệ của hiệp sĩ đạo thì là điều không thể xảy ra được. Bởi vậy, anh bạn Xantrô của ta hãy quay về nhà và nói rõ ý kiến của ta với Têrêxa. Nếu vợ anh và anh vui lòng nhận điều kiện đó thì được; nếu không chúng ta chỉ là bạn như trước thôi. Chuồng chim bồ câu sẵn mồi thì sẽ có nhiều chim. Con ơi, con phải biết rằng thà sống trong hy vọng còn hơn sống trong bần hàn, thả con săn sắt bắt con cá sộp. Xantrô, ta nói năng kiểu cách này để anh thấy rằng ta cũng có thể tuôn ra hàng tràng những câu phương ngôn tục ngữ như anh. Cuối cùng, ta muốn nói với anh rằng, nếu anh không muốn đi theo ta với điều kiện đó và đi tìm vận may như ta, cầu Chúa phụ hộ cho anh và hóa anh thành Thánh. Ta không thiếu những giám mã dễ bảo hơn và sốt sắng hơn, lại không vụng về và ba hoa như anh đâu.
Trước những lời lẽ cứng rắn của chủ, Xantrô thấy trời đất tối sầm, tim thắt lại, vì bác đinh ninh rằng chủ bác không thể nào lên đường nếu bác không đi cùng. Bác còn đang do dự băn khoăn bỗng đâu thấy Xanxôn Caraxcô, bà quản gia và cô cháu gái bước vào. Số là ba người muốn biết bác đã nói những gì để thuyết phục chủ bác từ bỏ ý định tìm kiếm những chuyện phiêu lưu. Chàng Xanxôn láu lỉnh tiến lên ôm Đôn Kihôtê như lần đầu rồi cất cao giọng nói:
- Ôi! Tinh hoa của ngành hiệp sĩ giang hồ! Ôi, ánh sáng chói lọi của nghề võ! Ôi, vinh dự và tấm gương của dân tộc Tây Ban Nha! Lạy Chúa toàn năng, cầu cho kẻ nào hoặc những kẻ nào có ý định ngăn cản cuộc xuất hành thứ ba của ngài sẽ bị lúng túng và không bao giờ thực hiện được những điều họ tha thiết mong muốn.
Quay lại bà quản gia, chàng bảo:
- Bà quản gia chẳng cần phải đọc kinh Xanta Apôlônia làm chi nữa. Tôi biết là thánh thần đã quyết định để ngài Đôn Kihôtê thực hiện ý đồ cao cả và mới mẻ của ngài, và tôi sẽ nghiêm khắc kết án lương tâm tôi nếu như tôi không thuyết phục và không buộc nổi hiệp sĩ không được giam *** lâu hơn nữa sức mạnh của một cánh tay dũng cảm và lòng nhân từ của một tâm hồn cao cả, vì chậm ngày nào thì kẻ yếu còn bị ức hiếp, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, các tiểu thư còn bị làm nhục, các bà quả phụ không được chư chở, đàn bà có chồng thiếu sự giúp đỡ, và còn bao nhiêu điều khác nữa liên quan và phụ thuộc chặt chẽ vào hiệp sĩ đạo. Ôi, ngài Đôn Kihôtê của tôi! Con người đẹp đẽ và dũng cảm, xin đại nhân hãy lên đường ngay hôm nay, chớ để đến ngày mai. Nếu ngài còn yêu cầu gì nữa để thực hiện việc đó, tôi xin đem cả con người tôi và tài sản để cung phụng ngài; và nếu cần phải làm giám mã để hầu hạ ngài, tôi coi đó là niềm hạnh phúc vô biên.
Cậu Tú dứt lời, Đôn Kihôtê quay lại bảo Xantrô:
- Xantrô kia, ta đã bảo anh là ta không thiếu giám mã đấy ư? Hãy nhìn xem ai làm giám mã cho ta; chính là ông Tú Xanxôn Caraxcô phi thường, con người vui nhộn trên sân các trường đại học ở Xalamanca, con người mạnh khỏe, nhanh nhẹn, ít nói, chịu được nóng lạnh, đói khát, có mọi đức tính để làm giám mã cho một hiệp sĩ giang hồ. Được một giám mã như vậy thì thật hợp ý ta, song trời kia không cho phép ta hủy hoại cột trụ của nền khoa học và văn học, một bậc xuất chúng trên nền nghệ thuật nước nhà. Thôi, chàng Xanxôn hãy ở lại để làm rạng rỡ cho tổ quốc và cho cha mẹ già. Đối với ta, giám mã nào cũng được cả một khi Xantrô không thèm đi với ta.
- Có chứ, Xantrô xúc động đáp, nước mắt vòng quanh. Thưa ông chủ, tôi không quen nói câu: "Qua cầu cất nhịp"; tôi không thuộc dòng bạc ác bất nhân; mọi người, nhất là dân làng, đều biết họ Panxa nhà tôi. Hơn nữa, qua những hạnh động và lời nói đầy thiện chí của ngài, tôi hiểu rõ ý định tốt đẹp của ngài đối với tôi; sở dĩ tôi kỳ kèo bớt một thêm hai đồng lương là để chiều lòng vợ tôi mà thôi. Một khi bắt ai làm theo ý mình, mụ ép người ta chặt hơn cả đóng đai một cái thùng vậy. Thế nhưng, đàn ông vẫn là đàn ông, đàn bà vẫn là đàn bà. Một khi không thể chối cãi được là ở đâu tôi cũng vẫn là đàn ông, cho nên tôi phải làm đàn ông ở ngay trong nhà tôi, ai phản đối cũng mặc. Thôi, xin ngài hãy làm phần chúc thư có kèm phần bổ sung để không ai phá bỏ được, rồi ta lên đường ngay để ông Xanxôn khỏi phiền lòng vì ông đã nói rằng lương tâm ông lệnh cho ông phải thuyết phục bằng được để ngài ra đi lần thứ ba. Một lần nữa, tôi xin theo hầu ngài, nguyện làm một giám mã trung thành hơn tất cả các giám mã của các hiệp sĩ giang hồ thời xưa và thời nay.
Trước cung cách nói năng của Xantrô Panxa, cậu Tú lấy làm ngạc nhiên vì tuy đã đọc cuốn sách thứ nhất viết về bác, cậu không thể ngờ bác lại có duyên đến thế như người ta tả. Tuy nhiên, khi nghe bác nói tới câu chúc thư có kèm phần bổ sung để không ai phá bỏ được - đáng lẽ phải nói rằng chúc thư có kèm phần bổ sung để không ai phế bỏ được, - cậu mới tin những điều đã đọc và mới khẳng định rằng bác là một trong những kẻ ngốc nghếch của thời đại chúng ta, bụng bảo dạ là trên đời này chưa từng có cặp thầy trò nào điên rồ như Đôn Kihôtê và Xantrô Panxa vậy. Cuối cùng, Đôn Kihôtê và Xantrô Panxa ôm hôn nhau thắm thiết. Theo ý kiến và được sự thỏa thuận của chàng Caraxcô vĩ đại - lúc này Đôn Kihôtê coi chàng là một nhà tiên tri, - ba ngày nữa sẽ xuất hành. Trong thời gian đó, phải chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đi và tìm một cái mũ sắt có vành mà Đôn Kihôtê khăng khăng muốn mang theo. Cậu Xanxôn hứa sẽ tìm được vì cậu biết một người bạn có cái mũ đó và sẽ không từ chối, tuy rằng mũ gỉ đen chứ không sáng bóng.
Bà quản gia và cô cháu gái không tiếc lời nguyền rủa cậu Tú. Họ rứt tóc, cào mặt, giống như những người đàn bà khóc thuê trong các đám ma; họ khóc than cho chuyến đi như chủ và cậu của họ đã chết. Sở dĩ Xanxôn thuyết phục Đôn Kihôtê ra đi lần thứ ba là cốt để thực hiện một ý đồ mà cậu đã bàn bạc trao đổi với Cha xứ và bác phó cạo, sau này sẽ kể.
Trong ba ngày, Đôn Kihôtê và Xantrô Panxa chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho chuyến đi. Vào một buổi chập tối, sau khi Xantrô Panxa đã dỗ dành vợ cũng như Đôn Kihôtê đã an ủi bà quản gia và cô cháu gái, hai người lẳng lặng lên đường đi Tôbôxô. Riêng cậu Tú được chứng kiến vì cậu muốn tiễn họ nửa dặm đường. Đôn Kihôtê cưỡi con Rôxinantê trung thành của mình, Xantrô cưỡi con lừa xưa. Bác đeo chiếc túi hai ngăn chứa đầy những vật dụng cần thiết, còn số tiền của Đôn Kihôtê để chi tiêu dọc đường thì bác cất trong túi. Rồi Xanxôn ôm hôn Đôn Kihôtê và dặn chàng báo tin về, nếu tin vui sẽ để chia sẻ niềm vui, nếu tin buồn sẽ để chia sẽ nỗi buồn, vì đó là luật lệ của tình bằng hữu. Đôn Kihôtê hứa sẽ làm. Xanxôn quay về làng, còn hai thầy trò nhằm hướng thành vĩ đại thẳng tiến 1.