Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 37

KỂ TIẾP CÂU CHUYỆN VỀ NÀNG CÔNG CHÚA MICÔMICÔNA NỔI TIẾNG CÙNG NHỮNG SỰ VIỆC LÝ THÚ KHÁC

Nghe xong, Xantrô cảm thấy lòng đau như cắt; thế là bao nhiêu hy vọng công hầu của bác đã tan ra mây khói, nàng công chúa xinh đẹp Micômicôna hóa thành cô gái Đôrôtêa, tên khổng lồ hóa thành Đôn Phernanđô, còn chủ bác vẫn đang ngủ kỹ không hề quan tâm đến mọi việc xảy ra. Đôrôtêa vẫn ngờ rằng hạnh phúc vừa đến với mình chỉ là một giấc chiêm bao, Carđêniô cũng nghĩ như vậy và Luxinđa cũng chung một ý nghĩ với Carđêniô. Đôn Phernanđô cảm tạ Thượng đế đã ban phúc và gỡ cho chàng thoát ra khỏi một tình trạng vô cùng rối ren có thể làm chàng mất uy tín và cả linh hồn. Tất cả mọi người trong quán trọ đều hởi lòng hởi dạ vì thấy những vấn đề vô cùng rắc rối, tưởng đâu vô kế khả thi, đã kết thúc một cách đẹp đẽ. Ông Cha xứ khôn ngoan nêu bật kết quả đã đạt được và chúc mừng sự thành công của mọi người. Nhưng bà chủ quán là người vui sướng hả hê nhất vì Carđêniô và Cha xứ đã hứa sẽ bồi thường tất cả những thiệt hại do Đôn Kihôtê gây ra. Riêng Xantrô Panxa buồn thỉu buồn thiu; bác mang bộ mặt rầu rĩ vào gặp chủ lúc này vừa tỉnh giấc; bác nói:

- Ngài Mặt Buồn ơi, ngài cứ việc ngủ đi không phải quan tâm đến việc giết tên khổng lồ hoặc trao lại ngôi báu cho cô công chúa kia nữa; mọi việc đã được giải quyết xong rồi.

- Ta cũng nghĩ như vậy, Đôn Kihôtê đáp; ta đã chạm trán với tên khổng lồ trong một cuộc chiến đấu tưởng đâu khủng khiếp nhất trong suốt đời ta, và bằng một nhát gươm, sạt! ta đã chém văng đầu tên đó xuống đất, máu phun ra như nước sông vậy.

- Như rượu vang đỏ thì đúng hơn, Xantrô đáp. Nếu ngài hãy còn mơ hồ, tôi xin thưa để ngài biết rằng tên khổng lồ bị giết là một bao rượu bị chọc thủng, máu là gần một trăm lít rượu ở trong cái bao đó, còn cái đầu bị chém đứt là... là cái ** mẹ đã đẻ ra tôi. Thôi, xếp hết những chuyện đó lại!

- Mi nói gì vậy, thằng rồ kia? Đôn Kihôtê hỏi vặn. Mi còn bộ óc không?

- Ngài hãy trở dậy, Xantrô nói, rồi ngài sẽ thấy kết quả những hành động hay ho của ngài và số tiền chúng ta phải trả đền; ngài sẽ thấy nàng công chúa hóa thành một cô gái bình thường tên là Đôrôtêa, và còn những chuyện khác nữa khiến ngài phải kinh ngạc nếu như ngài vỡ lẽ ra.

- Ta không có gì phải kinh ngạc cả, Đôn Kihôtê đáp; nếu anh còn nhớ, lần trước nghỉ tại đây, ta đã nói với anh rằng mọi sự việc xảy ra trong cái quán trọ này đều có bàn tay của pháp sư phù phép, cho nên không có gì lạ nếu lần này lại có những chuyện như vậy.

- Tôi sẽ tin vào lời ngài, Xantrô nói, nếu như trước kia tôi có bị pháp sư phù phép tung lên vật xuống; nhưng không, việc đó hoàn toàn có thật vì chính mắt tôi nhìn thấy lão chủ quán ở đây cầm một đầu khăn trải giường lăng mạnh tôi lên trời, mồm cười khanh khách. Tuy ngu đần và là kẻ có tội, tôi cũng biết kẻ hay người dở, và tôi nghĩ rằng trong chuyện này chẳng có pháp sư nào phù phép cả mà chỉ có những trận đòn nhừ tử cùng những tai bay vạ gió.

- Thôi được, Chúa sẽ cứu vãn tình thế này, Đôn Kihôtê nói. Bây giờ hãy lấy quần áo cho ta mặc để ta ra ngoài đó xem sao; ta muốn được nhìn những sự việc cùng những biến đổi như anh vừa nói.

Xantrô đưa quần áo cho chủ mặc. Trong khi đó, Cha xứ kể cho Đôn Phernanđô và bạn bè của chàng về những hành động rồ dại của Đôn Kihôtê, về mưu kế cha đã dùng để đưa chàng hiệp sĩ ra khỏi đảo Nghèo, nơi chàng đã sống vì nghĩ mình bị tình nương hắt hủi. Cha xứ không quên thuật lại những chuyện phiêu lưu mạo hiểm của Đôn Kihôtê mà Cha xứ đã được Xantrô cho biết, khiến mọi người vừa kinh ngạc vừa buồn cười vì thấy Đôn Kihôtê mắc phải một loại bệnh điên kỳ lạ nhất. Cha xứ nói tiếp:

- Bây giờ, chuyện riêng của Đôrôtêa đã được thu xếp ổn thỏa và nàng không thể tiếp tục đóng vai công chúa được nữa; ta phải tìm cách khác để đưa Đôn Kihôtê về làng vậy.

Carđêniô nhận vẫn đóng vai cũ và cử Luxinđa thay thế vai của Đôrôtêa.

- Chớ, Đôn Phernanđô nói, chớ làm thế. Tôi muốn để Đôrôtêa đóng tiếp vai của mình. Từ đây về nhà Đôn Kihôtê không còn xa lắm và tôi vui lòng được đóng góp vào việc chữa chạy cho chàng.

- Từ đây về nhà chàng không quá hai ngày đường, Cha xứ nói.

- Dù có hơn thế nữa, Đôn Phernanđô đáp, tôi cũng vui lòng đi để đánh đổi lấy một việc làm hữu ích.

Lúc này, Đôn Kihôtê ở trong buồng bước ra, vũ khí đầy người, đầu đội chiếc mũ sắt méo mó của Mambrinô, tay cầm khiên, tay xách giáo. Sự xuất hiện kỳ lạ đó khiến Đôn Phernanđô và đám người đi theo chàng phải kinh ngạc, kinh ngạc về khuôn mặt dài ngoằng, khô khẳng và vàng ệch, vì những vũ khí không tương xứng với nhau, vì thái độ khoan thai của chàng; họ lặng yên chờ chàng lên tiếng trước. Đôn Kihôtê nhìn vào Đôrôtêa rồi nói với một thái độ nghiêm trang, từ tốn:

- Công nương xinh đẹp, giám mã của tôi cho tôi biết rằng nàng bây giờ đã thất cơ lỡ vận vì từ địa vị một hoàng hậu cao quý xưa nay, nàng bỗng chốc biến thành một cô gái bình thường. Nếu đó là mệnh lệnh của phụ thân nàng, một ông vua có phép tài nghĩ rằng tôi sẽ không giúp đỡ nàng được chu đáo, tôi xin nói rằng ông ta đã không biết gì cả và ít am hiểu về sách kiếm hiệp giang hồ. Nếu ông ta dành nhiều thời giờ để đọc đi đọc lại những sách đó như tôi đã làm, ông ta sẽ thấy rằng trong mỗi đoạn đều có những hiệp sĩ tuy tiếng tăm không lừng lẫy bằng tôi nhưng vẫn làm được những việc còn khó khăn hơn nhiều. Giết một tên khổng lồ nhãi nhép có gì là khó dù nó có ngạo mạn đến mấy chăng nữa. Tôi mới nghênh chiến với nó trong vài hiệp, thế mà... Nhưng thôi, tôi không muốn nói nữa để người ta đừng bảo là tôi nói khoác. Thời gian sẽ khám phá ra mọi chuyện và đến một lúc nào đó sẽ nói thay tôi.

- Ông đã nghênh chiến với hai bao rượu chứ không phải với tên không lồ đâu, chủ quán nói.

Đôn Phernanđô ra lệnh cho chủ quán không được ngắt lời; Đôn Kihôtê nói tiếp:

- Tóm lại, thưa công nương cao quý và bất hạnh, nếu vì lý do tôi vừa nói mà cha nàng đã hóa phép khiến nàng biến đổi như vậy, tôi xin nàng chớ tin; không một gian nguy nào trên đời có thể cản trở được thanh kiếm của tôi, thanh kiếm đã phạt băng đầu kẻ thù của nàng xuống đất và sẽ đặt vương miện lên đầu nàng tức thời.

Nói xong, Đôn Kihôtê chờ nàng công chúa trả lời. Biết ý Đôn Phernanđô muốn mình đóng tiếp vai kịch cho tới khi đưa được Đôn Kihôtê về làng, Đôrôtêa đáp với một vẻ vừa duyên dáng vừa nghiêm trang:

- Thưa hiệp sĩ Mặt Buồn dũng cảm, kẻ nào nói với chàng rằng thiếp đã thay hình đổi dạng, kẻ đó nói sai. Trước kia cũng như giờ đây, thiếp vẫn là một. Quả thật đã có một vài sự kiện may mắn làm thay đổi cuộc đời của thiếp và mang lại cho thiếp niềm hạnh phúc lớn nhất mà thiếp vẫn ước ao; tuy nhiên, thiếp vẫn là con người trước kia và thiếp vẫn nghĩ rằng cánh tay dũng mãnh vô địch của chàng rất cần cho thiếp. Bởi vậy thưa hiệp sĩ, xin chàng hãy trả lại danh dự cho người cha, đã sinh ra thiếp và hãy coi cha thiếp như một con người thông thái khôn ngoan vì, bằng sự hiểu biết của mình, người đã tìm ra một biện pháp giản đơn và chắc chắn để giải thoát nỗi bất hạnh cho thiếp. Thiếp nghĩ rằng ngoài chàng ra, chỉ có cha thiếp mới mang lại hạnh phúc cho thiếp như ngày nay. Những điều thiếp nói hoàn toàn có thật và các vị có mặt ở đây có thể làm chứng cho thiếp. Như vậy là ta chỉ còn việc lên đường và sáng mai ta sẽ ra đi vì hôm nay đã muộn rồi. Về kết quả công việc sắp tới của thiếp, thiếp xin trông cậy vào Chúa và vào lòng dũng cảm của chàng.

Nghe nàng Đôrôtêa khôn ngoan nói xong, Đôn Kihôtê đùng đùng nổi giận quay lại bảo Xantrô:

- Tên Xantrô nhãi nhép kia, mi là kẻ ******** xấu xa nhất trên đất Tây Ban Nha này. Tên gian ngoan kia, phải chăng mi vừa nói với ta rằng công chúa đây đã biến thành một cô gái tên là Đôrôtêa, rằng cái đầu tên khổng lồ mà ta đã chém đứt là cái ** mẹ đã sinh ra mi, cùng những lời lẽ quàng xiên khác, khiến ta chưa bao giờ phải hoang mang bối rối như vậy? Ta thề có Chúa... (Đôn Kihôtê ngửa mặt lên trời nghiến chặt hai hàm răng)... ta muốn băm vằm mổ xẻ mi ra để làm răn từ nay về sau cho tất cả những tên giám mã dối giả của các hiệp sĩ giang hồ ở trên đời này.

- Xin ngài hãy bình tâm lại, Xantrô đáp; có thể là tôi đã nhầm khi nói về sự thay đổi của công chúa Micômicôna, nhưng về cái đầu tên khổng lồ hay nói đúng hơn, về những bao rượu bị chọc thủng và rượu đỏ nom như máu, lạy Chúa! tôi không nhầm đâu vì những bao rách còn kia, ngay trên đầu giường của ngài, và rượu đã đổ ra làm thành một cái hồ trong buồng ngài. Thời gian sẽ trả lời ngài; tôi muốn nói là rồi đây ngài sẽ rõ khi nào ông chủ quán đòi tiền bồi thường. Ngoài ra, tôi lấy làm mừng thấy công chúa vẫn là công chúa vì tôi vẫn có phần vào đấy.

- Nếu vậy thì anh chỉ là đồ ngốc thôi, Đôn Kihôtê nói; đừng trách ta đã quá nặng lời và cũng không nên nhắc tới chuyện ấy nữa.

- Phải, không nên nhắc tới nữa, Đôn Phernanđô nói. Ta hãy làm theo lời công chúa, ngày mai lên đường vì bây giờ đã muộn. Đêm nay, chúng ta có thể trò chuyện vui vẻ với nhau, rồi sớm mai chúng ta sẽ đi theo ngài Đôn Kihôtê vì chúng ta muốn được chứng kiến những chiến công lẫy lừng chưa từng có mà ngài sẽ lập nên trong sự nghiệp vĩ đại của ngài.

- Chính tôi mới là kẻ đi theo để phụng sự các ngài, Đôn Kihôtê đáp. Tôi xin cảm tạ các ngài đã cho phép tôi làm việc đó và đã có những ý nghĩ tốt lành về tôi. Tôi sẽ cố gắng hành động sao cho khỏi phụ lòng các ngài dù có phải hy sinh tính mạng hoặc hơn thế nữa nếu có thể.

Đôn Kihôtê và Đôn Phernanđô còn đang ân cần trao đổi với nhau bỗng đâu có một người khách bước vào quán khiến họ ngừng bặt. Y phục của người khách lạ chứng tỏ đây là một tín đồ Kitô giáo mới từ xứ Arập tới: anh ta mặc một chiếc áo nịt bằng dạ màu xanh da trời, vạt ngắn, tay ngắn và không có cổ, quần dạ và mũ cũng màu da trời, chân đi giày ủng, ngực đeo một cái dải lủng lẳng một thanh gươm hình cong của người Môrô 2. Một người đàn bà ăn vận theo kiểu Arập cưỡi lừa theo sau, mặt che kín, đầu đội mũ gấm, mình khoác một chiếc áo dài suốt từ vai tới chân. Người đàn ông nom tráng kiện khôi ngô, tuổi ngoài bốn mươi, nước da hơi nâu, đôi ria mép dài và bộ râu cằm rất bảnh bao, tóm lại, nếu người đó có quần áo sang trọng, chắc không ai dám bảo là người tầm thường. Khách mới tới hỏi thuê một buồng, và khi nghe chủ quán đáp là không còn buồng nào nữa thì xịu mặt chạy tới đỡ người đàn bà mặc theo kiểu Arập xuống đất. Luxinđa, Đôrôtêa, bà chủ quán, cô con gái bà ta và cô hầu Maritornêx lấy làm lạ về y phục của người đàn bà mới tới, xúm lại xem. Đôrôtêa, vốn niềm nở và ý tứ, đoán rằng hai người khách mới tới đang lo không có buồng, bèn lên tiếng:

- Xin chị chớ phiền lòng vì nơi đây thiếu tiện nghi; các quán trọ đều như vậy cả. Nhưng nếu chị vui lòng ở chung buồng với chúng tôi (vừa nói, Đôrôtêa vừa chỉ vào Luxinđa), có lẽ chị sẽ thấy rằng trong suốt cuộc hành trình tới giờ, không mấy khi chị được thù tiếp chu đáo như ở đây.

Người con gái che mặt không đáp; đang ngồi, nàng đứng dậy hai tay bắt chéo để lên ngực, đầu cúi xuống, toàn thân ngả ra đằng trước ngỏ ý cám ơn. Thấy nàng lặng yên, mọi người đoán rằng nàng là người Môrô nên không nói được tiếng của những người theo đạo Kitô. Lúc này, Người Tù 3 trở vào sau khi đã đi thu xếp công việc; thấy đám phụ nữ đang xúm quanh người bạn đồng hành của mình, chàng ta vội đỡ lời:

- Thưa các bà, cô gái này biết rất ít tiếng của chúng ta và chỉ nói được tiếng của dân tộc mình, vì vậy nên cô ta không trả lời những câu hỏi của các bà được.

Luxinđa đáp:

- Chúng tôi không hỏi gì cô ta cả mà chỉ mời vào nghỉ trong buồng với chúng tôi đêm nay thôi. Trong hoàn cảnh quán trọ ở đây, chúng tôi xin cố gắng tiếp đãi chu đáo với tất cả tấm lòng đối với những người khách dị tộc, đặc biệt đó lại là một người đàn bà.

- Thưa cô nương, Người Tù nói, thay mặt cho cô ta và nhân danh cá nhân, tôi xin được hôn tay cô nương; tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của cô nương vì trong hoàn cảnh của chúng tôi, được một người cao quý như cô nương giúp đỡ cho thì thật là quý hóa quá.

- Xin hỏi ngài, Đôrôtêa lên tiếng, cô gái là tín đồ Kitô giáo hay là người Môrô. Y phục và sự yên lặng của cô ta buộc chúng tôi phải nghĩ rằng cô là người Môrô, trái với lòng mong muốn của chúng tôi.

- Về y phục và thể xác thì cô ta là người Môrô nhưng về linh hồn, cô ta là một tín đồ Kitô giáo thực thụ vì đó là điều ước mong lớn nhất của cô ta.

- Vậy ra cô ta chưa được làm phép thông công ư? Luxinđa hỏi.

- Từ khi rời tổ quốc và quê hương là Arhêl 4, cô ta không có dịp nào để làm việc đó cả. Cho tới nay, vì cũng chưa có gì cấp bách có thể nguy tới tính mạng nên hẵng cứ để cho cô ta được biết tất cả những nghi lễ của Giáo hội đã, rồi sẽ làm phép thông công sau. Chắc rằng Chúa sẽ giúp cô ta sớm được trở lại đạo với tất cả lễ tiết tương xứng với một con người có những đức tính tốt đẹp hơn bộ y phục đang mặc trên người.

Những lời nói đó khiến mọi người đều muốn biết cô gái Môrô và Người Tù mới tới là ai; tuy nhiên không ai dám lên tiếng hỏi vì thấy lúc này cần thu xếp chỗ nghỉ cho họ hơn là hỏi về lý lịch của họ. Đôrôtêa cầm tay cô gái kéo xuống ngồi cạnh mình và bảo cô bỏ cái mạng che mặt ra. Cô gái nhìn Người Tù như để hỏi xem Đôrôtêa nói gì và mình phải làm gì. Người Tù đáp bằng tiếng Arập rằng mọi người muốn cô tháo mạng ra và bảo cô ta hãy làm theo. Nghe nói vậy, cô gái bỏ mạng xuống để lộ một khuôn mặt tuyệt đẹp, Đôrôtêa cho là còn đẹp hơn cả Luxinđa và Luxinđa cũng nghĩ là đẹp hơn cả Đôrôtêa, những người khác thì cho rằng chỉ cô gái Môrô này mới có thể sánh ngang Đôrôtêa và Luxinđa được, thậm chí có người còn thấy cô ta có đôi nét trội hơn. Xưa nay, sắc đẹp vẫn thu hút trái tim con người, cho nên lúc này ai cũng muốn chăm nom săn sóc cô gái Môrô xinh đẹp.

Đôn Phernanđô yêu cầu Người Tù cho biết tên cô gái, Người Tù đáp:

- Cô ta là Lêla Dôraiđa 5.

Như thể đoán được câu chuyện giữa hai người, cô gái vội đáp với một vẻ vừa buồn phiền vừa duyên dáng:

- Không, không Dôraiđa; Maria, Maria! - ý muốn nói rằng tên mình là Maria chứ không phải Dôraiđa.

Giọng nói dịu dàng của cô gái khiến một số người phải rớt nước mắt, đặc biệt là mấy người phụ nữ vốn dịu dàng và dễ mủi lòng. Luxinđa ôm chầm lấy cô ta và nói:

- Có, có, Maria, Maria!

Cô gái đáp:

- Có, có, Maria; Dôraiđa, macanhê (macanhê có nghĩa là không).

Lúc này, trời đã tối. Theo lệnh của những người cùng đi với Đôn Phernanđô, chủ quán ra tay chuẩn bị một bữa ăn thật sang. Vì trong quán không có loại bàn tròn hoặc vuông nên mọi người phải ngồi vào một cái bàn dài và hẹp vẫn dùng cho gia nhân đầy tớ các nhà quan. Mặc dù Đôn Kihôtê từ chối, họ mời chàng ngồi vào ghế chủ tọa ở đầu bàn; chàng hiệp sĩ yêu cầu công chúa Micômicôna ngồi bên cạnh vì chàng là người bảo vệ. Luxinđa, Dôraiđa, Cha xứ và bác phó cạo ngồi tiếp theo và trước mặt họ là Đôn Phernanđô, Carđêniô, Người Tù và các hiệp sĩ khác. Mọi người ăn uống rất vui vẻ; họ càng phấn khởi khi thấy Đôn Kihôtê ngừng tay và cất tiếng; lúc này, chàng hiệp sĩ bỗng nảy ra một ý nghĩ tương tự như trước đây khi ngồi ăn với những người chăn dê khiến chàng đã đọc một bài diễn văn tràng giang đại hải, chàng nói:

- Thưa các ngài, quả thật chúng ta phải công nhận rằng những người hành nghề hiệp sĩ giang hồ được chứng kiến những sự kiện vĩ đại và ly kỳ chưa từng thấy. Nếu không, xin hỏi: giả sử có kẻ nào trên đời bước vào trong lâu đài đây và nhìn thấy chúng ta ngồi ăn uống với nhau như thế này, liệu kẻ đó có đoán được chúng ta là ai không? Có ai dám bảo rằng tiểu thư ngồi bên cạnh tôi là bà hoàng vĩ đại mà tất cả chúng ta đều biết, còn tôi là hiệp sĩ Mặt Buồn được người đời ca tụng không? Giờ đây, không còn điều gì phải nghi ngờ nữa, nghề hiệp sĩ giang hồ vượt lên trên tất cả các nghề khác mà người đời đã nghĩ ra, và nghề đó càng nguy hiểm bao nhiêu thì ta càng phải quý trọng nó bấy nhiêu. Những người nào nói rằng nghề văn hơn nghề võ hãy mau mau xéo ngay; dù họ là ai, tôi cũng sẽ bảo thẳng vào mặt rằng họ nói mà chẳng hiểu mình nói gì; họ thường dựa vào lập luận sau đây: công việc trí óc khó hơn công việc chân tay, mà làm nghề võ chỉ dùng đến chân tay; họ coi nghề võ như một nghề ăn no vác nặng, chỉ cần có sức lực là đủ; họ cho rằng nghề nghiệp của chúng tôi, tức là nghề võ, không bao gồm những hoạt động quân sự đòi hỏi tới trí tuệ; hoặc giả họ nghĩ rằng một quân nhân có nhiệm vụ điều khiển một đạo quân hay bảo vệ một thành trì đang bị vây *** chỉ cần có sức lực, không cần mưu trí gì cả. Liệu sức mạnh của thể xác có phát hiện được những ý đồ, kế hoạch, mưu mô của đối phương và những khó khăn do chúng gây ra không? Có đủ để ngăn chặn được tai họa không? Muốn làm được những việc đó phải có trí tuệ, thể xác không dính dáng gì tới. Như vậy là nghề võ cũng cần tới trí tuệ như nghề văn. Bây giờ ta thử xem giữa hai bộ óc của một văn nhân và của một quân nhân, bộ óc nào làm việc nhiều hơn; muốn vậy phải nhìn vào cái đích cuối cùng mà mỗi bên theo đuổi vì rằng đích càng cao quý bao nhiêu thì ý đồ ban đầu càng đáng quý trọng bấy nhiêu. Mục đích cuối cùng của văn chương... (tôi không nói tới văn chương trong Thánh kinh nhằm giải thoát linh hồn, một mục đích cao cả không gì so sánh nổi)... nhằm xác định rõ quyền thưởng phạt, trao trả cho mỗi người những cái gì thuộc về họ và duy trì những luật lệ hay ho. Đó là một mục đích tốt đẹp và cao quý đáng được ca tụng. Nhưng nghề võ còn đáng được ca tụng nhiều hơn vì mục đích cuối cùng của nó là hòa bình, điều mong ước lớn nhất của người đời. Bởi vậy, những tin mừng đầu tiên mà loài người trên trái đất nhận được là khi các thiên thần hát vang trong không trung trong cái đêm trở thành ngày của chúng ta, họ hát rằng "Sáng danh Chúa cả trên các tầng lời và bằng an cho mọi người ngay lành dưới thế". Vị chúa tể muôn loài đã dạy bảo các tông đồ thân tín khi bước chân vào nhà ai phải hỏi như sau: "Cầu cho nhà ta được bằng an"; Người thường nói với các tông đồ: "Ta mang đến cho các người bằng an, ta để lại cho các người bằng an, ta cầu cho các người được hưởng bằng an", coi đó như một tặng phẩm quý giá, thiếu nó thì dù ở trên trời hay dưới trần cũng đều không thể có hạnh phúc được. Sự bằng an đó chính là sự kết thúc của chiến tranh, mà khi ta nói chiến tranh tức là nói đến nghề võ. Ta đã công nhận với nhau rằng sự kết thúc của chiến tranh có nghĩa là bằng an và mục đích cuối cùng của nghề võ cao hơn của nghề văn; bây giờ ta hãy phân tích xem giữa một văn nhân và một người làm nghề võ, ai phải vận dụng tới chân tay nhiều hơn.

Đôn Kihôtê lý luận rất chặt chẽ và dùng những câu chữ rất chính xác khiến trong đám thính giả của chàng, không ai dám bảo chàng điên; hơn nữa, đa số những người nghe đều là những hiệp sĩ rất gần gũi với nghề võ nên họ đều thích thú lắm. Đôn Kihôtê nói tiếp:

- Trước hết, tôi xin kể ra đây những công việc và những khó khăn của một thư sinh: khó khăn chủ yếu của anh ta là sự nghèo khó tuy rằng không phải anh nào cũng nghèo cả; ở đây, tôi muốn nêu lên tình huống xấu nhất: khi nói rằng anh ta phải chịu đựng sự nghèo khó có nghĩa là không còn gì hơn để nói lên sự bất hạnh của anh ta nữa vì một người nghèo khó không làm gì có hạnh phúc. Sự nghèo khó gây ra hoặc đói, hoặc rét, hoặc thiếu thốn, có khi là tất cả cộng lại. Tuy nhiên, anh ta không đến nỗi không có gì để ăn mặc dù phải ăn chậm hơn những người khác hoặc ăn thừa của nhà giàu. Đó là nỗi khổ cực to lớn nhất của anh thư sinh mà anh ta gọi là gõ cửa ăn xin. Mặt khác, anh ta còn có thể nhờ đống lửa hoặc lò sưởi của người khác để sưởi ấm người đôi chút và đêm đến, anh ta cũng còn có chỗ che gió che mưa. Tôi không muốn đi vào những chi tiết như thiếu áo quần giày dép, ăn mặc phong phanh, hoặc ngược lại có khi gặp may được đánh một bữa no say. Trên con đường mà tôi vừa tả, một con đường gian khổ và gay go, chàng thư sinh vừa đi vừa ngã, đứng lên đi rồi lại ngã, nhưng cuối cùng cũng được toại nguyện. Sau khi bình yên vượt qua những bãi đá ngầm, có nhiều anh gặp vận, nhẹ bước thang mây, ngồi trên ngai vàng trị vì thiên hạ, đang đói rét thành no ấm, đang rách rưới thành bảnh bao, đang chiếu manh thành chăn ấm đệm êm, một phần thưởng xứng đáng với công sức anh ta đã đổ ra. Thế nhưng nếu ta bắc cân lên, công sức của một chàng thư sinh không thấm vào đâu so với công sức mà một chiến binh phải bỏ ra, như tôi sẽ chứng minh sau đây.