Đơn Giản và Thuần Khiết

Chương 3

Ngã Và Vị Kỷ

 

 Chúng ta phải tự quán sát bản thân và kiểm kê những cái được và mất trong quá trình tu tập của mình ở từng giai đoạn. Sau đó chúng ta có thể sửa đổi trong khả năng của mình, bất cứ lầm lỡ, thiếu sót nào trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nếu sự quán sát của chúng ta không chính xác, tâm sẽ bắt đầu tụt hậu, rồi rơi vào vị kỷ. Chỉ khi nào ta biết rõ từng chi tiết như thế, lúc đó ta mới có thể giữ cho căn bệnh ích kỷ này không phát tán vi trùng của nó đi khắp nơi.

 Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn quán sát nội tâm. Nếu chúng ta lơ là, để cho cảm giác của ngã khởi lên, thì ta phải nhanh chóng dập tắt nó, nhất là khi nó khởi lên mạnh mẽ. Nhưng dầu nó có khởi lên một cách yếu ớt, chúng ta cũng phải cố gắng nắm bắt cho được nó, vì nếu căn bệnh nội tâm này không được chữa trị rốt ráo, thì sự tu tập của chúng ta không đúng theo giáo Pháp của Phật.

 Vì thế chúng ta cần phải quán sát bản thân thấu đáo, bắt đầu với năm và tám giới. Thông thường, giới luật có thể giúp ta giảm bớt tâm ích kỷ ở giai đoạn sơ khởi, và thúc đẩy định ở giai đoạn cao hơn. Điều này tất cả chúng ta ai cũng biết. Tuy nhiên, rốt ráo hơn là chúng ta phải sử dụng tâm chánh niệm tỉnh giác để xóa sạch ‘cái ngã’ phát sinh từ sự không thấy được chân lý của vô thường, khổ và vô ngã. Đây là những đề mục thiền quán mà chúng ta cần quán chiếu đi, quán chiếu lại trong tâm.

 Khi chúng ta ngày càng quan tâm đến vấn đề này, chúng ta có thể bắt đầu hủy diệt uế nhiễm, tham ái và chấp thủ, cùng với cảm giác về ngã dưới nhiều hình thức – trước tiên cũng do vô minh mà ta khởi tâm bám víu vào những thứ không thường hằng và không thể tin cậy.

 Căn bệnh này khó chữa chỉ vì chúng ta thích quán sát người khác hơn là quán sát bản thân chúng ta! Hành động hướng vào bên trong, tự quán sát, để bắt gặp cái bóng của ‘ngã’ ẩn náu sâu kín bên trong, đòi hỏi tâm chánh niệm tỉnh giác mạnh mẽ, vững chãi. Ngay như thế, điều này cũng không dễ dàng, vì chúng ta có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những ảo tưởng của ngã. Vì thế chúng ta phải quán sát kỹ nhiều ngụy trang khác nhau mà ngã tưởng có thể tạo ra. Ngược lại, nếu chúng ta không quán chiếu thấu đáo, thì tâm ta sẽ lang thang, lạc lối và cuối cùng lại làm mạnh thêm cái ngã thay vì làm cho nó yếu đi.

 Để bắt đầu – để không dung dưỡng thêm cái ngã - chúng ta phải biết bằng lòng với cái mình có. Chúng ta không nên để mình cảm thấy tham muốn điều này, điều kia, dầu là thô hay vi tế, dầu ta cảm thấy bị chúng quyến rũ đến đâu. Đây là điều mà mỗi chúng ta phải nhìn thấy và phải tự hiểu – và nó không dễ dàng, vì tham ái có thể rất vi tế, rất khó nhận diện. Đã thế công việc này càng thêm khó khăn khi cái ngã luôn tìm cách khiến chúng ta xao lãng. Nếu ta hỏi nó muốn điều gì, chạy theo thứ chi, nó sẽ tảng lờ như thể không nghe ta nói. Nó chỉ chăm chú vào việc muốn thêm, muốn thêm nữa không dừng dứt.

 Tìm mọi cách khéo léo để tích lũy thêm vật chất là đặc tính căn bản của con người. Các uế nhiễm chỉ hướng chúng ta đến việc lấy thêm vào, chứ không cho ra hay hy sinh thứ gì. Giá mà điều này có thể là ngược lại để chúng ta luôn sẵn sàng cho đi! Được vậy thì quá tốt, vì chúng ta sẽ không còn bám víu vào vật chất và dần dần, với sự hỗ trợ của thiền định - dẹp bỏ được tâm tham đắm của mình. Nếu, bằng cách không cung cấp thực phẩm cho chúng nữa, thì uế nhiễm không thể tăng trưởng, là chúng ta đang bước theo dấu chân của các vị A-la-hán. Nhưng con đường kia, bằng sự lừa mị và dung dưỡng ‘cái ngã’ sẽ đưa ta theo chân của Ma vương – là hiện thân của các uế nhiễm - và thay vì cho đi, ta sẽ đắm chìm trong việc thâu tóm, và tiêu thụ vật chất không dừng dứt.

 Như thế thì chỉ có hai con đường, và chúng ta phải tự hỏi mình, “Thực sự là tôi đang đi theo con đường của bậc Giác Ngộ hay con đường của Ma vương? Tôi thuần thục con đường nào hơn?” Đó là câu hỏi mà chúng ta luôn phải tự vấn. Nếu không có đủ trí tuệ, chúng ta sẽ bị ảo tưởng về ‘ngã’ lừa dối, bị những lời thầm thì của Ma Vương quyến rũ, “Càng có nhiều, tôi càng hạnh phúc”. Vì thế chúng ta phải tự quán xét mình để xem căn bệnh vị kỷ sâu xa này – khuynh hướng thâu tóm - có lây nhiễm đến chúng ta, đến từng mỗi người chúng ta.

 Với của cải, tài sản của cộng đồng, chúng ta cần cẩn trọng không bao giờ tự ý lấy thứ gì. Phải hỏi trước. Nếu chúng ta cứ thoải mái lấy thứ này, thứ kia từ của chung, dầu chúng ta không cố ý, cũng là một hình thức ăn cắp. Vì thế đừng lấy những sở hữu của cộng đồng khi không được phép. Đúng ra, chúng ta cần thỉnh thoảng mang đến chia sẻ với mọi người những thứ thuộc sở hữu của cá nhân chúng ta. Như thế chúng ta tránh được tâm bám víu và không còn lúc nào cũng nghĩ cho sự ích lợi của riêng mình. Nếu không, bản ngã thích chiếm hữu sẽ trở nên quá thuần thục đến độ chúng ta sẽ không còn nhìn thấy được sự nguy hiểm của nó.

 Nếu chúng ta đã lầm lạc trong việc chấp nhận nguyên tắc “Càng có nhiều, tôi càng hạnh phúc”, là chúng ta đặt mình dưới sự sai khiến của Ma Vương. Nhưng giờ chúng ta đã là đệ tử của Phật, làm sao lại có thể để mình rơi vào hoàn cảnh đó? Nếu ta bắt gặp bất cứ tâm tham ái mạnh mẽ nào khởi lên trong ta, thì chỉ có cách thoát ra là hãy buông bỏ nó. Hãy buông bỏ đối tượng! Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không được chiếm hữu vật gì một cách gian dối. Chúng ta cần khẳng định rõ là: Bất cứ ai sống trong một cộng đồng tôn giáo mà hành xử như thế thì sẽ ngày càng lún sâu trong tội lỗi, vì người đó không biết xấu hổ hay sợ quả xấu của mình. Nếu không có hai nguyên tắc căn bản này làm nền tảng, thì làm sao chúng ta có thể xây dựng tăng đoàn trong cộng đồng tu học của mình? Dầu có giỏi đọc tụng kinh điển, nhưng nếu chúng ta không thể sửa những lỗi cơ bản này, thì tâm sẽ không biết đâu là giới hạn của tham ái. Tâm sẽ trở nên tha hóa – hay ít nhất, căn bệnh của nó sẽ càng trở nặng. Vậy chúng ta có thể làm gì để tẩy uế nó? Giao hữu với những người rất ích kỷ chỉ làm cho căn bệnh trở nặng và phát tán nọc độc của nó vào sâu hơn trong tâm.

 Tâm tham này người ta thường giấu kín và không thích bàn tới. Đó thực sự không phải là đề tài dễ nói, vì nó hàm chứa bao lắt léo, gian manh. Chỉ khi nào chúng ta sử dụng chánh niệm tỉnh giác trong việc tự quán chiếu thì ta mới có thể biết được những lọc lừa của tham và uế nhiễm. Làm sao có thể hủy diệt chúng? Chắc chắn là không phải với tâm nửa vời. Chúng ta phải hy sinh rất nhiều thứ. Nếu bất cứ thứ gì làm nẩy sinh tâm ích kỷ, hãy buông xả. Mọi người không nên cố gắng lấy vào càng nhiều càng tốt, thay vào đó hãy khuyến khích nhau cho ra càng nhiều càng tốt. Nếu không, tâm sẽ bị nhiễm bệnh vì chúng ta tự trây vào mình bụi bẩn và căn bệnh của ích kỷ. Vậy thì ai có thể đến để cứu chữa cho chúng ta?

 Hãy nhớ điều này khi chúng ta quyết định quán sát căn bệnh chết người này trong tâm, vì sẽ không có ai muốn nói với chúng ta những điều này. Dầu cho kẻ khác cũng đầy rẫy loại vi trùng này, họ thích nói đến những chuyện khác hơn. Thỉnh thoảng ta có bố thí của cải vật chất thì điều này cũng khá dễ làm, nhưng để từ bỏ ‘cái tôi’ thì vừa nghiêm trọng vừa rất khó làm. Dầu vậy, nó cũng đáng công của chúng ta, vì ngã tưởng là nguồn gốc duy nhất của tất cả mọi khổ đau. Nếu gốc rễ của nó không bị hủy diệt, thì nó sẽ đâm chồi và nở rộ. Vì thế chúng ta phải quay nhìn vào nội tâm để nắm bắt nó.

 Đức Bổn Sư đã đề ra bốn nhu cầu cho các tu sĩ đó là: y áo, đồ ăn khất thực, trú xứ và thuốc men. Ngài dạy rằng nếu những thứ này không được coi chỉ như là những hỗ trợ vật chất, những yếu tố vật lý hoàn toàn vô ngã, thì chúng là lửa nóng. Chúng ta dầu không phải là tu sĩ, mà có thể chỉ là những kẻ sơ cơ trên con đường đạo, nhưng nếu chúng ta đã thực sự quyết tâm hủy diệt các uế nhiễm và ngã tưởng, thì cũng chẳng hại gì để thực hành những điều này. Nếu không, hãy nghĩ xem uế nhiễm, tham ái, chấp thủ, ngã tưởng sẽ phát triển tràn lan như thế nào.

 Vì thế chúng ta phải chọn lựa: hoặc cứ theo con đường cũ của mình hay cố gắng hướng đến việc diệt tận ngã tưởng. Điều này tùy thuộc nhiều vào sự quan tâm của cá nhân chúng ta. Hướng vào nội tâm để tự quán chiếu là đi ngược dòng, nhưng nếu chúng ta cố gắng, dầu chỉ một ít, thì ích lợi cũng sẽ rất lớn lao. Khi chúng ta có thể thực sự nhận ra được mánh lới của cái ngã trong việc kéo chúng ta sâu xuống trong khổ đau, và có thể diệt nó từng lúc, thì phần thưởng chúng ta nhận được sẽ là vô giá.

Nếu thất bại trong việc diệt tận cái ngã, thì hạt giống khổ đau triền miên đã được gieo trồng và sẽ tăng trưởng. Và nếu chúng ta không hướng vào bên trong để quán sát cái ngã, thì khổ đau sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Dầu chúng ta có thể  đọc tụng kinh điển làu làu, hay khéo dạy người khác như thế, tâm chúng ta vẫn hoang mang, ô uế. Nhưng khi chúng ta có thể nhìn thấy tất cả các uế nhiễm một cách rất rõ ràng, chúng ta sẽ cảm thấy ghê tởm lòng tham ái của mình. Chúng ta sẽ bắt đầu buông bỏ vật chất và tập hy sinh – dầu có khó khăn đến mấy - chứ không để khổ đau xảy ra. Bằng cách này, mỗi hành động hy sinh nhỏ sẽ tạo ra phấn khích cho tâm, cho đến khi nó đạt được toàn thắng.

 Những người có tính bỏn xẻn - một uế nhiễm - không thể buông bỏ thứ gì. Họ ngại phải tự quán sát và công nhận rằng họ mắc phải căn bệnh nặng đã được kê khai trong Mười Sáu Điều Bất Thiện (Upakkilesa) và một số các giới luật khác. Nếu chúng ta thường xuyên quán sát bản thân một cách thấu đáo, thì các uế nhiễm đó sẽ không dám lộ mặt; nhưng nếu chúng ta bất cẩn, các uế nhiễm sẽ trở nên mạnh mẽ và có khả năng tạo ra những hành động ích kỷ nhất và đáng ghê tởm nhất. Lúc đó hẳn là ta sẽ cảm thấy dễ dàng để biện minh cho việc sử dụng các tài sản chung cho mục đích cá nhân của mình. Khi ta quay vào bên trong, luôn cố gắng quán sát tâm, buông bỏ những bám víu nhỏ mọn, thì dầu ta làm gì, đó cũng là Pháp – người bạn sẽ theo ta trong sinh, già, bệnh và chết. Một khi ta đã bứng được gốc rễ của tâm ích kỷ, ta có thể giúp đỡ người khác mà không ngại khó. Khi thoát khỏi được ngã tưởng, chúng ta thực sự đang đi trên con đường cao thượng.

 Việc hành Pháp đòi hỏi một kỷ luật cơ bản trong cuộc sống thường ngày. Không có sự ổn định đó ta khó mà tu tập. Hành vi thô tháo sẽ giúp cho các uế nhiễm phát sinh dễ dàng hơn. Kỷ luật giúp cho chánh niệm được khởi lên, hầu ngăn chận các uế nhiễm. Nếu ta coi thường các giới luật và quy tắc, thì chúng không ích lợi gì; nhưng nếu ta tuân theo chúng một cách chánh niệm, thì chúng rất lợi ích. Chúng giúp ta biết cách ứng xử khéo léo trong mọi hoàn cảnh – là điều ta cần vì chúng ta chưa thật sự hiểu bản thân. Đức Bổn Sư hiểu biết tất cả hoàn cảnh, dưới mọi góc nhìn, trong khi chúng ta thì bị che phủ trong bóng tối của vô minh từ mọi phía. Chúng ta không thể chắc chắn về bản thân đối với những vấn đề ở bên trong hay bên ngoài, vì thế chúng ta phải dựa vào Pháp như người dẫn đường. Nhưng chúng ta có đi theo Pháp hay lang thang lạc lối là điều mà mỗi chúng ta phải tự quyết định cho mình.

 Nếu chúng ta không tự mãn, nếu chúng ta muốn hủy diệt các uế nhiễm, khổ ưu, thì chúng ta phải quyết tâm hành Pháp, không buông lung. Dầu chúng ta đã đi con đường nào, chúng ta đã chỉ gặp toàn những ngọn lửa khổ đau, nên giờ là lúc chúng ta cần dừng lại, quay vào bên trong và dốc toàn lực tranh đấu để được giải thoát. Nếu ta không có một sự hiểu biết rõ ràng, thấu đáo về tâm của mình, thì uế nhiễm sẽ bung ra, phát tán vi trùng khắp nơi, đem lại cho ta ngày càng nhiều khổ đau. Vì thế chúng ta phải củng cố chánh niệm tỉnh giác, vì không có công cụ nào khác có thể đối đầu và hủy diệt được uế nhiễm.

 Muốn được như thế đòi hỏi một sự nỗ lực để rèn luyện tâm không mệt mỏi, với sự dẫn dắt của chánh niệm và tỉnh giác. Hành động nửa vời chỉ làm phí thời gian, mà chúng ta vẫn vô minh như trước đó. Khi nhận thức được điều này thì những ích lợi từ sự nỗ lực của chúng ta sẽ phát triển cho đến khi chúng ta có thể hủy diệt được các uế nhiễm, buông bỏ được các bám víu và giải thoát được khổ đau. Nhưng nếu chúng ta không tu tập theo hướng đó, chúng ta sẽ bị cuốn trôi theo uy lực của tham ái, của uế nhiễm. Nếu ta tự mãn, buông lung, thì các uế nhiễm sẽ lôi chúng ta đi khắp nơi, đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng sự buông xả, kham nhẫn và cởi mở là những công cụ giúp ta trừ khử các căn bệnh nhiễm trùng trong tâm.

 Các căn bệnh này rất khó chẩn đoán. Đôi khi chúng cũng biểu lộ chút ít bản chất thật của chúng, nhưng ít khi đủ để khiến ta quan tâm đến chúng. Đó là lý do tại sao dần dần chúng sẽ chế ngự ta. Vậy mà đôi khi ta còn vui vẻ tuân theo chúng! Vì thế sự quán sát của ta cần phải rất cẩn trọng, rất thấu đáo. Nếu không thì cũng giống như việc ta vừa bít một lỗ trống trên thuyền thì đã thấy một lỗ khác hiện ra. Có tất cả sáu lỗ hổng – các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - và nếu ta không gìn giữ chúng, thì chúng là những cửa ngõ để tâm ta chạy theo các đối tượng khiến tâm thêm đau khổ.

 Vì thế chúng ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác để xét xem điều gì đang thực sự xảy ra bên trong chúng ta. Đây phải là công việc quan trọng hàng đầu trong ngày của ta. Chúng ta sống là để diệt tận uế nhiễm, chứ không để làm gì khác. Vậy mà uế nhiễm, khổ đau vẫn phải xếp hàng chờ và chúng sẽ thiêu đốt ta nếu ta không cân bằng sức lực với chúng. Chúng ta phải xoay ngược lại và tự hỏi làm sao để thoát ra hoàn cảnh này. Chỉ có như thế mới cho ta kết quả mỹ mãn. Khi chúng ta vẫn còn hơi thở, thân ta chưa thối rữa trong quan tài, chúng ta phải đi tìm giáo pháp, tìm ra con đường để xóa sạch các căn nguyên của những chứng bệnh khủng khiếp này: vi trùng của uế nhiễm và tham ái. Các căn bệnh này ăn sâu vào trong tâm ta và chỉ có thể được chữa trị bằng Phật Pháp. Từ nhiều loại Pháp dược mà Đức Phật đã kê toa, mỗi chúng ta phải lựa chọn cẩn thận loại thuốc phù hợp với căn bệnh của mình, và rồi sử dụng chúng – với sự thận trọng - để tận diệt các căn bệnh từ gốc rễ.

 Nếu sự quán chiếu tự ngã không vì mục đích hủy diệt các uế nhiễm, thì chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và cháy âm ỉ bên trong ta. Sự tự quán chiếu là dụng cụ dập lửa mà ta sử dụng để dập tắt tham ái. Sau khi sử dụng nó, chúng ta phải xét lại tâm mình: Nó có được giải thoát chưa hay nó lại bùng phát mạnh thêm? Nếu ta không theo dõi, thì cuối cùng có thể ta sẽ bị ngọn lửa thiêu rụi. Dầu ta nghĩ là mình thông minh tới đâu, ta vẫn để tham ái làm chủ và không cố gắng để bứng rễ nó. Chúng ta còn mở rộng vòng tay để đón nó nữa chứ! Vì vậy mà tâm ta trở thành nô lệ cho tham ái. Chúng ta rơi vào ảo tưởng, chạy đuổi theo thứ này, thứ kia, để rồi cuối cùng bị sập bẫy, không biết làm sao để thoát ra khỏi sự trói buộc của nó.

 Lúng túng vì thiếu cách giải quyết thấu đáo, và vô phương kế, ta trở thành nô lệ của các uế nhiễm. Ta càng thường đầu hàng chúng, thì chúng càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cách duy nhất có thể giúp ta thực sự chế ngự được chúng là khơi dậy tâm chánh niệm tỉnh giác để đối phó và quán sát – từ mọi khía cạnh - cái khổ mà các uế nhiễm mang đến cho ta, cho đến khi tâm từ chối, không chấp nhận làm nô lệ nữa. Không ích lợi gì để làm huyên náo bên ngoài, vì càng làm thế, thì các uế nhiễm càng trở nên khó gỡ hơn. Vì thế chúng ta không thể nửa vời. Chúng ta cần một phản ứng phù hợp với bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ có thiện ý thôi chưa đủ. Cái ta cần làm là phải chú tâm và tăng cường chánh niệm tỉnh giác của ta với tất cả sự cẩn trọng. Điều này rất quan trọng, hãy nhớ rõ như thế.

 Để tâm có thể đạt được sự hiểu biết chân thực, nó cần phải liên tục quán sát mọi hành động của chúng ta trong từng hơi thở. Nhờ thế nó mới có đủ sức để dừng lại những mối bận tâm và khuynh hướng luôn tạo dựng những suy tưởng vô bổ theo sự dẫn dắt của ảo tưởng. Khi chúng ta không thực sự quyết tâm, thì sự tu tập của chúng ta chỉ nửa vời, kết cục là chúng ta hoang mang, lúng túng – làm lãng phí thời gian quý báu. Vì thế hãy nhìn vào bên trong và tiếp tục quán sát cho đến khi chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng.

 Thực ra, một khi chúng ta đã làm được việc này thuần thục, thì việc quán sát nội tâm còn hứng thú hơn là nhìn ra bên ngoài. Ở bên ngoài, không có gì hơn là những sự vật lướt qua, lướt qua. Có gì hứng thú trong đó? Nhưng con mắt nội tâm có thể đi sâu vào ánh sáng chói lọi ở bên trong, và dần tiến đến chân Pháp. Một khi ta đã nhận ra được bản chất vô thường của tất cả mọi duyên hợp, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết mới mẻ về bản chất thường hằng: bản chất không biến đổi mà chỉ đơn giản có mặt.

 Khi nào chúng ta còn chưa có đủ chánh niệm tỉnh giác, và toàn tâm toàn trí, thì các uế nhiễm sẽ làm chủ ta. Nhưng nếu ta kiên trì trong việc củng cố sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác, các uế nhiễm dần dần sẽ yếu đi và phai nhạt. Lúc đó ta sẽ bắt đầu ý thức rằng cái tâm thường hoang mang, lừng khừng như thế nào thì bây giờ trở nên tự tin và trong sáng. Giờ nó nhìn thấy được tính vô thường của sự vật một cách chính xác hơn. Nó có thể buông bỏ chúng. Tri giác về tính vô thường giúp chánh niệm tỉnh giác của chúng ta có thể tiến sâu, tiến sâu hơn nữa vào tuệ. Nhưng sự đào sâu, mổ xẻ này phải thực sự tập trung và liên tục, vì chỉ cần một chút lơ là, không chú tâm là hỏng ngay. Chỉ khi nó không lơ là hay lang thang rời khỏi đề mục thiền quán, dầu chỉ trong chốc lát, thì nó mới có thể chế ngự các uế nhiễm. Nếu nó vô tâm, lơ là thì nó chẳng bao giờ có thể ảnh hưởng đến chúng, và chúng sẽ tụ hợp lại mạnh mẽ hơn trước đó nữa.

 Vì thế hãy phát triển chánh niệm tỉnh giác trong mọi hoạt động của chúng ta, trong từng hơi thở. Hãy cố gắng giữ tâm tỉnh thức để nó không trôi lăn theo vọng tưởng hay bị ảo giác lừa phỉnh. Và hãy cẩn thận với thói quen hay nghĩ rằng “Tôi biết” khi chúng ta thực sự không biết. Khi tâm còn chưa đạt được đến tuệ giác chân chính, thì tâm nghi hoặc, phóng dật luôn có mặt, nhưng khi chúng ta bắt đầu thực sự thấy, thì nghi biến mất và chúng ta không còn suy đoán về sự vật nữa. Chúng ta thực sự biết.

 Tuy nhiên, ngay bây giờ, làm sao chúng ta có thể chắc rằng tuệ giác của mình là chân chính? Khi tâm thực sự thấy, thì uế nhiễm, khổ ưu thực sự được hủy diệt; nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng chúng ta thấy mà không thực sự có tuệ giác trong tâm, thì uế nhiễm, khổ không thể nào bị hủy diệt.

 Khi cái biết chân thật tiến sâu vào tâm, nơi tham ái luôn phát khởi và là nơi các chướng ngại cản trở Pháp lưu trú. Chỉ khi nào chúng ta có thể ngăn những thứ này tạo hình thì lúc đó chúng ta mới có thể thấy được bản chất của tâm không còn bị thiêu đốt, bị khổ não bởi tham ái. Điều này chúng ta có thể thấy được bất cứ lúc nào – khi chúng ta tập trung cao độ và với tất cả sự kiên trì. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều thứ khác, thì tại sao chúng ta không thể thấy điều này chứ? Hãy nhìn cho kỹ, chắc chắn là chúng ta sẽ thấy! Nhưng nếu chúng ta muốn hiểu biết thêm sâu sắc, chúng ta phải biết cách nhìn cho đúng. Nếu không, chúng ta sẽ không thấy gì cả. Nếu chúng ta bám víu vào sự vật – bấp chấp những nguyên tắc căn bản của cái biết chân chánh – và cố gắng đi thẳng đến chân lý, thì mọi sự sẽ tréo ngoe, và yếu tố của lòng tự mãn hay một thứ gì đó đại loại như thế sẽ len lỏi vào.

 Con đường an toàn duy nhất là quán sát sự sinh diệt của sự vật – chỉ quán sát và biết mà không chấp vào. Vì thế hãy quán sát! Đó là con đường đi đến giải thoát khỏi sự bám víu. Đức Phật đã dạy, “Hãy coi thế giới này như trống không”. Đó là cách chúng ta phải làm để xem xét những suy tư của ta khi chúng phát khởi rồi qua đi: đó là sự trống không. Khi tâm thực sự hiểu được tính vô thường của sự vật – các ảo tưởng trong cuộc đời và những mối bận tâm của ta - nó không còn bám vào chúng nữa. Đây là tâm trống không. Tâm giải thoát. Có nhiều mức độ của sự trống không này, nhưng dầu chỉ một chút hương vị của chúng cũng rất ích lợi. Chỉ cần ta không chạy bám theo bất cứ thứ gì.

 Tâm trống không, tâm giải thoát này, được gọi là vimokkha – sự giải thoát chân thật và cuối cùng. Nó đã được diễn tả trong một trong những bài kinh chúng ta hằng đọc tụng, Solasa Panhà (Kinh Tập: Sutta Nipàta V): “Vimokkha không biến đổi”. Các mức độ của tâm trống không mà biến đổi, không phải là vimokkha thực, vì thế ta phải luôn quán sát ở mỗi mức độ và cố gắng đạt kết quả, là giải thoát khỏi bám víu, bất chấp là ta còn phải trải qua bao mức độ trước khi đạt được tâm hoàn toàn không biến đổi, không còn sự phán đoán hay bám víu vào bất cứ thứ gì cả. Đó là con đường chân chánh để đi đến tuệ giác thâm sâu.

 Mong rằng tất cả những ai hành Pháp cố gắng không mệt mỏi cho đến khi tự bản thân chúng ta thấy và nhận biết chân lý.

Mối Quan Tâm Hàng Đầu

 Tất cả chúng ta đều đã nếm trải phiền não, khổ đau, nên nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời chúng ta là phải diệt trừ chúng. Nếu tâm ta thiếu hiểu biết Pháp, chúng ta phải đối mặt với các uế nhiễm đem đến khổ đau một cách đầy tuyệt vọng. Trừ khi ta hướng về Phật Pháp, nếu không ta lãng phí cuộc đời mình từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có thực hành Pháp – và không có gì khác hơn - là có thể hủy diệt uế nhiễm và giải thoát ta khỏi khổ đau.

 Cơ bản mà nói, thực hành Pháp có nghĩa là luôn quán sát thân và tâm, vì thân và tâm là nền tảng của hiện hữu. Cách chúng biến đổi chính bản chất của mình là cái mà ta phải quán xét cho thật đúng, nếu không chúng ta sẽ hành xử theo cung cách thường tình, không suy nghĩ, thiếu hiểu biết và bám víu vào những thứ chỉ có thể làm cho khổ đau của ta tăng thêm. Nguồn gốc khổ đau khó có thể được nhận biết, nếu không có sự chú tâm toàn diện của chúng ta. Khi chúng ta quán sát sự lăng xăng, lo lắng của tâm, có thể thấy rằng đó là do các căn bệnh của tham, sân và si. Ham muốn thứ này, thứ kia không ích lợi gì mà chỉ đem đến bấn loạn cho tâm, giống như lây nhiễm tâm với vi trùng bệnh.

 Thông thường, chúng ta rất sợ bệnh ở thân, nhưng các chứng bệnh của uế nhiễm, vấy bẩn tâm thì ta lại không quan tâm chút nào. Chúng ta không muốn chấp nhận rằng các căn bệnh đó rất nghiêm trọng; mà đôi khi, do vô minh, ta còn làm cho chúng nặng thêm. Vì lý do đó, thực sự đi vào từng chi tiết, cặn kẽ việc diệt bỏ các uế nhiễm, vừa khó, vừa không phù hợp, nhất là bên cạnh đó còn có nhiều, rất nhiều những quyến rũ ở bên ngoài để khơi dậy lòng ái dục của ta. Người phàm phu hay lãng quên, cứ quay cuồng theo những ham muốn của mình, nên luôn choáng váng, mất thăng bằng trong cuộc sống. Điều đó dĩ nhiên là khổ ưu, vậy mà ta không quan tâm đến tai họa này, không hề cố gắng chế ngự khuynh hướng chạy đuổi theo dục lạc, thì làm sao ta tránh được việc phải đầu hàng nó. Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về một thực tế là việc các uế nhiễm đã chế ngự, đã lây nhiễm tâm, là cái khiến cho các căn bệnh này càng khó chẩn đoán.

 Vì thế chúng ta phải chuyển hướng tâm từ những sự vật bên ngoài, đến chú tâm vào thân và tâm của ta. Thân và tâm, sắc và danh, bất cứ chúng ta gọi chúng là gì, tất cả đều vô thường và biến hoại, nhưng kẻ phàm phu khó nhận ra điều này. Chúng ta nghĩ đến điều này như sự phát triển của con người. Từ những ngày đầu tiên còn trong bụng mẹ trở về sau luôn có sự biến đổi, chuyển hóa. Sự phát triển đồng nghĩa với sự thay đổi. Không có thứ gì trên trái đất này không bị biến đổi.

 Sự hoại diệt của thân và vật chất quanh ta không phải khó nhận biết, vậy mà ta vẫn không để tâm đến. Các trạng thái tâm cũng luôn biến đổi, vậy mà thay vì nhìn thấy điều này mỗi khi tiếp xúc với cảnh, với âm thanh, chúng ta chỉ bám theo đối tượng, khiến ta càng lún sâu trong khổ đau, phiền não.

 Nếu chúng ta có thể mổ xẻ, quán chiếu sâu thêm về những trải nghiệm của cảnh sắc, của âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và suy tưởng, ta sẽ nhận thấy tính chất luôn biến đổi, luôn sinh và diệt. Một định kiến cũ đã qua đi như thế nào? Một quan điểm mới đã phát khởi, thay vào đó ra làm sao? Những uế nhiễm đã áp lực tâm như thế nào để nó phát khởi tư duy, vọng tưởng tràn lan không kiểm soát được? Nhưng chúng ta không quan tâm đến những vấn đề này, vì thế ta lại thấy mình ngập tràn khổ đau, căng thẳng khiến ta có lời nói, hành động đầy tham, sân và si mê.

 Sự dày vò do uế nhiễm tạo ra – nóng hơn tất cả mọi thứ lửa nóng nào - và chỉ có thể được dập tắt bằng sự tu tập, thực hành Phật Pháp. Nhưng những kẻ phàm phu, tầm thường, dầu họ có bị thiêu sống cũng hành động như thể họ mình đồng, da sắt, nên họ không hề để tâm. Họ còn sung sướng, hài lòng với việc đuổi bám theo những thứ không nắm bắt được như “tôi” và “của tôi”. Họ không nhận thức được rằng những thứ họ yêu chuộng, bám víu luôn vuột khỏi tầm tay, luôn tàn hoại đi.

 Chúng ta cần phải nhìn vào bên trong càng sâu thẳm càng tốt, để cho chúng ta có thể nhìn thấy sự thật và không bị rơi vào ảo tưởng hay chấp thủ. Chúng ta đọc trong các kinh tạng về những căn bệnh như là các kiết sử hay sự tham đắm, nhưng chúng ta không quán sát bản thân để xem xét những thứ này. Chúng ta có thể dịch và hiểu các thuật ngữ, nhưng chúng ta không nhìn thấy rằng sakya (những quan điểm về sự xác định cá nhân) là gốc rễ chính của tất cả những khổ đau, dày vò của chúng ta. Chúng ta không chỉ giải mã sai lầm những sự thật rõ ràng, mà chúng ta còn muốn giữ chặt lấy những quan điểm sai lầm của mình mà không cần phải quán sát chúng. Đó là lý do tại sao tâm dày đặc vô minh.

 Thông thường người ta biết rất, rất nhiều thứ, đôi khi đến chỗ mà họ không thể ngồi yên và luôn phải tìm tòi những đề tài mới. Họ biết điều gì tốt, điều gì đúng, họ biết tất cả mọi thứ! Bất cứ đề tài gì, họ cũng có thể tìm ra một câu trả lời cho đến khi suy tư của họ chảy tràn khắp nơi. Đơn giản là họ biết quá nhiều. Loại hiểu biết này là tri thức đến từ uế nhiễm và tham ái. Cách chữa trị cho nó là cái biết đến từ chánh niệm tỉnh giác, nằm sâu trong chân lý của tâm. Nếu chúng ta để cho sự bám víu vào vọng tưởng lan man được tự do tràn lan trong tâm thì tâm chúng ta sẽ bị bào mòn và dần dần chúng ta sẽ bị khủng hoảng tinh thần. Rồi cuối cùng chúng ta sẽ trở nên điên loạn, có thể là vẫn vọng tưởng cho tới chết và đi tái sinh cũng lại trở về với sự vô minh cũ. Đó là vì chúng ta không sử dụng Pháp để quán sát và mổ xẻ những suy nghĩ đó. Các dược phẩm hay các loại thuốc ổn định tinh thần chỉ giải quyết được những biểu hiện ở bên ngoài mà không đi sâu vào đến nguồn gốc cội rễ. Để đến được gốc rễ, chúng ta cần phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác để kiểm soát tâm, để nó có thể được giải thoát khỏi những ảo tưởng của mình. Đó là cách mà Pháp có thể ảnh hưởng đến sự chữa lành nó hoàn toàn.

 Việc hành Pháp có thể chữa trị tất cả mọi thứ bệnh của tâm là điều đáng để ta suy nghĩ. Ở mỗi giai đoạn tu tập, sự hiểu biết về Pháp của chúng ta tùy thuộc vào mức độ chánh niệm tỉnh giác của ta. Nếu chúng ta không quan tâm gì đến Pháp thì không cần biết là kiến thức về những vấn đề thế gian của ta rộng thế nào, chúng ta vẫn rơi vào vòng kiềm tỏa của uế nhiễm, chịu sự sinh, già, bệnh và chết. Một khi chúng ta hiểu được Pháp đúng như Phật dạy, tâm chúng ta sẽ trở nên sáng suốt, tự tại và thuần khiết. Cái biết này thì quý báu hơn tất cả những khả năng mà chúng ta đã đạt được để kiếm sống hay để giải khuây.

 Khi chúng ta tập luôn quán sát tâm mình, không ngừng nghỉ, chúng ta sẽ thấy rằng khi tâm trở nên xao động, nó đánh mất sự tự tại và không chấp nhận lời Đức Phật dạy rằng chúng ta có thể “tìm thấy được sự bình ổn trong việc buông xả các dục lạc”. Bị thiêu đốt do cố gắng tìm sự thỏa mãn trong các trần cảnh – sắc, thanh, hương, vị và xúc - thì chắc chắn không phải là “tìm thấy được sự bình ổn trong việc buông xả các dục lạc”. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy đúng rằng quả của việc thỏa mãn dục lạc là khổ đau và phiền não, thì chúng ta sẽ không còn tự thỏa mãn với nó và tâm được giải thoát. Lúc đó, khi tâm không bám víu vào các đối tượng giác quan và giải thoát khỏi tham ái, chúng ta có thể tiến lên những mức độ thâm sâu hơn và tự vấn rằng thực sự có bất cứ thứ hạnh phúc nào trong dục lạc không? Tâm giải thoát sẽ biết rằng hạnh phúc không nằm trong việc bị chìm đắm trong khổ đau hay kích thích đam mê. Tâm không bị mê đắm sẽ ngay lập tức chỉ hướng đến việc giải thoát, đó có phải là điều chúng ta muốn hay chúng ta bằng lòng với những ham muốn không được thỏa mãn của mình? Hãy suy nghĩ cẩn thận về điều này và tự chọn lựa. Hướng tâm đến sự giải thoát khỏi việc vướng mắc trong dục lạc sẽ mang lại một trạng thái tự nhiên của thuần khiết và tĩnh lặng. So sánh với sự tự do và tự tại, ý nghĩ của việc bị nung đốt trong dục lạc có vẻ không hấp dẫn lắm. Nếu chúng ta không quán tưởng về điều này thì chúng ta sẽ đánh mất mình trong ham muốn và đam mê không dừng dứt. Tự giam hãm mình trong tham đắm, chúng ta đã bị kiềm chế, gò bó quá lâu bởi căn bệnh này đến nỗi thật khó chữa trị. Như thế đây không phải là thời điểm mà chúng ta cần phải quyết định để triệt hạ nó tận gốc rễ sao?

 Khi tâm phán đoán và bám chặt vào đối tượng mà nó ưa thích, chúng ta cần phải quán chiếu để nhìn thấy sự tai hại và phiền não sẽ phát khởi như là kết quả của lòng ham muốn đó. Sau đó so sánh sự bất ổn này với tâm tự tại giải thoát khỏi mê lầm. Chúng ta cần phải tiếp tục quán chiếu về hai trạng thái này: khổ đau và giải thoát khỏi khổ đau trong tâm mình, để ý đến chúng trong từng hơi thở vào-ra. Nguyên tắc này đã được đề ra trong các kinh, qua đó nhiều phương cách để quán sát và quán chiếu đã được đề cập đến. Nhưng nếu chúng ta không thực sự áp dụng chúng trong Pháp hành thì chúng không ích lợi gì cho chúng ta cả, không cần biết là chúng ta đã đọc bản kinh đó bao nhiêu lần. Chúng ta sẽ vẫn chỉ ngụp lặn trong bóng tối, không hiểu biết gì hết.

 Để khám phá được căn bệnh này, chúng ta cần phải vun đắp chánh niệm tỉnh giác, áp dụng chúng cho đến khi chúng trở thành một thói quen vững chắc. Nếu chúng ta chỉ sử dụng chúng nửa vời và không thường xuyên, chúng ta sẽ bị dính vào tự mãn và sẽ không bao giờ tiến bộ trong quá trình tu tập. Chính sự tiến bộ  này mới dẫn đến việc giảm thiểu được tham ái, khổ và phiền não. Chúng ta phải tự khám phá điều này cho mình: phương cách được biết đến nhiếu nhất để thực hành là quán chiếu và quán sát sự vật không dừng dứt. Hãy để ý xem chúng ta phải làm thế nào để có thể áp dụng sự thực hành quán chiếu trong đời sống hằng ngày một cách tốt nhất.

 Những người hiến trọn đời mình cho Phật Pháp bằng cách sống thánh thiện chắc chắn phải thấu đáo điểm này. Việc hành Pháp đòi hỏi  chúng ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác một cách thiết thực, giữ chặt nó cho đến khi sự hiểu biết chân thật phát sinh. Chúng ta bắt đầu bằng cách thực tập làm thế nào để quán sát, để những sự hiểu biết mới mẻ sẽ phát sinh và thay thế cho vô minh. Khi nào tâm còn bị vô minh chế ngự thì chúng ta không thể thư giãn hay tự tại. Chúng ta cần phải không ngừng quan tâm đến việc thoát khỏi bất cứ điều gì mang đến khổ đau, phiền não, và ý thức đến điều gì mang đến sự sáng sủa và rõ ràng cho tâm.

 Nếu chúng ta không làm thế, tâm sẽ có khuynh hướng bị lôi kéo bởi những đối tượng giác quan quanh nó và sự tu tập của chúng ta cuối cùng cũng chỉ là trên lý thuyết và ngôn từ. Sự thật là tâm không thực sự biết cái gì với cái gì. Bất cứ sự tỉnh giác chân thật nào thực sự phát khởi chúng ta không theo dõi. Chúng ta chỉ ngồi đó để mình bị cuốn trôi theo những thứ ở bên ngoài và xao lãng thực hành, vì thế chúng ta cần phải tìm sự tự tại, thực tập chánh niệm tỉnh giác để chúng có thể phát triển một cách vững chãi. Khi chúng ta đào sâu vào các chân lý về vô thường, khổ và vô ngã, dù chỉ trong chốc lát, chúng ta thấy rằng đây thực sự là một phương cách tuyệt hảo để giải tỏa tất cả mọi khổ đau, phiền não. Nếu có điều gì đó mà chúng ta chưa giải tỏa, chúng ta cần phải thực sự quán sát nó một cách thấu đáo và so sánh nó với những gì chúng ta đã biết. Điều này sẽ đưa đến việc thoát khỏi sự ràng buộc của “ngã”, “cái tôi” và “người khác”, của “cái của tôi” và “cái của họ”. Chỉ một giây phút Giác Ngộ cũng đem đến giá trị cho cuộc đời của chúng ta. Không có nó, chúng ta tiếp tục ở trong bóng tối triền miên của vô minh và những hoang tưởng không dừng dứt, khiến tâm bị trói buộc trong sự tán loạn không cùng tận - một tình trạng tồi tệ nhất.

 Vì thế thay vì chỉ quan tâm đến việc ăn, ngủ và những hoạt động bình thường khác, chúng ta phải phát triển sự hành thiền của mình một cách vững chãi. Hãy chắc chắn rằng tâm luôn được kiểm soát bởi chánh niệm tỉnh giác, luôn ở trong vòng kiềm tỏa. Đừng bao giờ để tâm chạy đuổi theo những vấn đề khác chỉ làm mất thời gian. Bước đầu tiên trong việc tu tập là giữ giới. Chúng ta cần phải thực hiện việc giữ giới, vì nếu không mọi thứ sẽ không rõ ràng. Khi biết giữ giới, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đem lại những phần thưởng lớn. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng mục đích của đời sống chỉ là để rèn luyện bản thân, để hủy diệt uế nhiễm và khổ đau trước khi thân này nằm xuống. Nếu ta không quan tâm đến việc tìm ra một nơi yên tĩnh thích hợp để tu tập, thì tâm sẽ có khuynh hướng là đi tứ tán với những suy tư, vọng tưởng của mình, vì thế mỗi chúng ta phải tự giải quyết cho riêng mình, giữ tâm lại khi nó lang thang chạy theo các đối tượng giác quan, các định kiến và đem nó trở về để quán sát nó ở bên trong, để có thể phát triển sự bình yên và tĩnh lặng vững chãi.

 Đức Phật đã đề ra những phương pháp tu tập đúng như là chánh niệm về hơi thở, rất thích hợp cho việc phát triển tâm bình lặng. Nếu chúng ta không sử dụng một trong những phương pháp này để làm căn bản cho sự thực hành thì bất cứ kết quả nào cũng sẽ không bền vững và mau chóng qua đi. Nhưng nếu chúng ta biết sử dụng chúng, tâm chúng ta có thể được chánh niệm và tỉnh giác kiềm chế mà không sa vào xao lãng.

 Mỗi chúng ta phải làm gì để đạt được những kết quả mà chúng ta muốn? Chúng ta sẽ làm thế nào để cải thiện sự thực hành của mình trong đời sống hằng ngày? Chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận đối với tất cả những câu hỏi này. Đừng coi thường và quên lãng. Tất cả những gì chúng ta làm trong khi thực hành – kể cả việc kiềm chế các căn môn- chúng ta phải hết sức cương quyết mà không xao lãng hay lạc lối, nếu không thời gian sẽ qua đi, cuộc sống sẽ ngắn dần mà chúng ta không đạt được điều gì cả. Nếu chúng ta thờ ơ và nửa vời thì làm sao chúng ta có thể hy vọng thoát khỏi khổ đau? Thật là một sự uổng phí!

 Vì thế hãy tinh tấn! Nếu thực sự hết lòng, chúng ta sẽ có thể tu tập đúng và dần dần phá bỏ đi khuynh hướng bị xao lãng. Hãy đặt trọng tâm của sự quán sát trên vô thường, khổ ẩn tiềm trong tính vô thường đó và vô ngã. Rồi chú tâm tỉnh thức trở lại và quán chiếu sâu xa hơn để có thể hiểu rõ ràng những đề tài này khi chúng được đem áp dụng nơi tâm cũng như thân. Khi chúng ta đã thành công trong việc nhận thức rõ ràng điều này, chúng ta có thể thực sự được coi là thông thái, tỉnh thức, và hạnh phúc trong Pháp. Nếu tuệ giác của chúng ta là chân chánh, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi cảm giác “tôi” và “của tôi”, mà không có sự bám víu hay liên quan đến bất cứ vấn đề gì.

 Điều này nghe có hấp dẫn không? Tôi không nói về những vấn đề bình thường mà chúng ta đã biết phải không? Tôi nói rõ ràng về những vấn đề quan trọng và chúng ta cần phải quan tâm nghiêm túc. Lắng nghe một cách lơ đãng sẽ không có ích lợi gì. Chúng ta phải cố gắng để đạt được tuệ giác bên trong. Điều này sẽ mang đến những kết quả to lớn mà chúng ta sẽ coi đó là mối quan tâm hàng đầu của mình. Hãy chú trọng vào những điều này trên tất cả mọi thứ khác.

 Mong rằng Pháp sẽ trở thành ngọn đèn dẫn đường trong cuộc đời chúng ta.

 Chánh Niệm Như Trụ Cột Của Đập Nước

 Bàn luận về việc tu tập đem lại cho ta nhiều lợi ích hơn là bàn luận về bất cứ chuyện gì khác, vì nó giúp ta phát triển trí tuệ. Nếu hành theo phương pháp tu tập này từng bước một chúng ta có thể biết được bản thân, biết được nội tâm mình. Khi ta biết được bản thân qua sự quán sát, truy nguyên những tai hại và khổ đau do phiền não, ái dục, và chấp thủ gây ra, thì sẽ có lúc ta đạt được sự hiểu biết chân chính, giúp ta ngày càng ly tham và ngày càng buông bỏ. Rồi tâm ta sẽ tức khắc tĩnh lặng, không còn có những tâm hành thường thao túng tâm do thiếu sự quán chiếu bản thân.

 Các nguyên tắc để tìm hiểu bản thân là những công cụ quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta phải có những nỗ lực với chủ đích để có thể làm chủ chúng, nhất là việc sử dụng chánh niệm để tập trung tâm và đưa nó đến an định. Nếu chúng ta không tập trung duy trì tâm an trụ hay xả làm vị thế căn bản của tâm, nó sẽ lang thang đuổi theo vọng tưởng hay các xúc chạm giác quan khiến tâm tán loạn và bất an. Nhưng khi chúng ta tập chế ngự các căn bằng cách duy trì chánh niệm liên tục trong tâm, thì giống như đóng các cột trụ cho một con đê. Nếu có dịp quan sát các trụ đê, ta sẽ biết rằng các trụ này được đóng sâu, rất sâu vào trong đất để chúng hoàn toàn vững chắc, không di động. Nhưng nếu ta đóng chúng xuống bùn, chúng sẽ dễ dàng bị lay chuyển dù đụng chạm nhẹ. Ðiều này có nghĩa là chánh niệm của ta phải vững chắc như thế nào để giúp tâm kiểm soát được sự yêu hay ghét khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài.

 Tâm phải luôn duy trì được chánh niệm vững chắc trong mọi hoạt động, với từng hơi thở ra vào, để tâm không còn chạy tán loạn theo đuổi các vọng tưởng. Nếu ta không chế ngự được điều này, tâm sẽ bị kích động khi có sự tiếp xúc với các căn, giống như con thuyền không lái trôi dạt đến bất cứ nơi nào mà gió và sóng đưa đẩy đi. Ðây là lý do tại sao ta cần chánh niệm để canh giữ tâm trong mọi lúc. Nếu ta có thể duy trì chánh niệm liên tục trong mọi hoạt động, tâm của ta sẽ liên tục bình ổn, sẵn sàng để quán chiếu, truy nguyên nhằm đạt được tuệ.

 Bước đầu tiên trong việc đóng cột trụ cho cái đê của chúng ta nói cách khác, để làm cho chánh niệm vững chắc là chúng ta phải tập trung vào sự bình ổn tâm như một vị thế cơ bản của tâm. Không có gì phải nghĩ ngợi. Chỉ cần làm cho tâm vững chắc trong sự bình ổn của nó. Nếu ta có thể liên tục làm được điều này, đó chính là lúc ta sẽ có được một mẫu mực chân chính cho sự quán niệm của ta, vì tâm sẽ tập trung vào định. Nhưng tâm định này là cái mà ta phải kiểm soát chặt chẽ để chắc chắn nó không phải là tâm thờ ơ, mù mờ. Hãy làm cho tâm vững chắc và tập trung để tâm không phóng dật hay xao lãng khi ta ngồi thiền. Ngồi thẳng lưng, duy trì chánh niệm vững chắc và ta không cần phải làm điều gì khác. Giữ tâm định tĩnh, bình ổn, không suy nghĩ đến điều gì hết. Phải chắc chắn rằng sự ổn định này được duy trì liên tục. Khi có bất cứ điều gì khởi lên, bất cứ bằng cách nào, hãy giữ tâm bình thản. Chẳng hạn nếu có cảm thọ lạc hay khổ, đừng chú tâm đến cảm thọ ấy. Chỉ chú tâm đến sự ổn định của tâm và ta sẽ có cảm giác buông xả trong sự ổn định đó.

 Nếu ta thận trọng không để cho tâm phóng dật hay xao lãng, định tâm sẽ trở nên liên tục. Ví dụ, nếu ta sẽ hành thiền trong một giờ, hãy chủ tâm bình ổn tâm như thế trong nửa giờ đầu, rồi chắc chắn rằng tâm không đi lang thang cho đến khi hết giờ. Nếu ta thay đổi vị thế, chỉ là một sự đổi thay bên ngoài của thân, trong khi tâm vẫn duy trì ổn định vững chắc, buông xả trong từng lúc, dầu ta đang đứng, ngồi, nằm hay làm bất cứ gì.

 Chánh niệm là yếu tố chính trên tất cả, nó kiềm chế tâm không phóng dật hay phán đoán sự việc. Tất cả mọi việc phải dừng lại. Hãy giữ cho nền móng này vững chắc với từng hơi thở vào, ra. Rồi ta có thể giảm bớt sự tập trung vào hơi thở, trong lúc vẫn giữ tâm trong trạng thái bình ổn. Nếu sự tập trung của ta quá căng, hãy điều chỉnh để nó cân đối với hơi thở. Tâm sẽ có thể duy trì được trạng thái này trong suốt giờ hành thiền, không có ý nghĩ nào có thể đi chệch đường. Sau đó kiềm giữ tâm để dầu ta làm hay nói gì, tâm vẫn ổn định trong trạng thái hiểu biết nội tâm bình thường của nó.

 Nếu tâm vững vàng tự bên trong, ta sẽ được hoàn toàn bảo vệ. Khi có sự tiếp xúc với các căn xảy ra, ta vẫn duy trì ý thức về trạng thái tâm bình ổn của ta. Dầu có đôi lúc chánh niệm bị lơ là, ta vẫn có thể trở lại trạng thái tâm vững chắc ngay. Ngoài ra ta chẳng cần phải làm gì cả. Tâm sẽ buông xả mà ta không cần làm gì khác. Cái cách mà ta thường thích cái này, ghét cái kia, quay trái ở đây, quay phải ở đó, giờ đây sẽ không xảy ra. Tâm sẽ tiếp tục duy trì trạng thái bình ổn, buông xả, quân bình. Nếu lơ là chánh niệm, ta dễ dàng chú tâm trở lại, nhận biết lúc nào tâm tập trung và bình ổn đối với các đối tượng của nó, rồi duy trì tình trạng đó như thế.

 Các cột trụ cho cái đê chánh niệm phải được đóng sâu xuống để chúng vững chắc và an toàn đối với mọi hoạt động của ta. Hãy tiếp tục cố gắng làm điều này bất kể ta làm việc gì. Nếu ta có thể rèn luyện để tâm được có nền tảng vững chắc, tâm sẽ không làm những việc nguy hại. Tâm sẽ không gây phiền não cho ta. Nó không phóng dật. Nó sẽ lặng lẽ. Một khi tâm lặng lẽ, tập trung, nó trở nên tinh tế hơn, thâm nhập sâu hơn vào bên trong và nhận biết được chính trạng thái định của nó từ bên trong.

 Còn các xúc chạm giác quan, những thứ bên ngoài luôn sinh diệt, nên không ảnh hưởng đến tâm định tĩnh. Ðiều này có thể khiến cho ái dục tan biến. Ngay cả những lúc chúng ta thay đổi oai nghi vì đau đớn khởi lên trong thân, tâm lúc đó vẫn vững bền, vẫn tập trung, không phải vào cái đau, mà vào chính sự vững chãi của nó. Khi ta thay đổi oai nghi, sẽ có phản ứng của thân và tâm vì khí huyết lưu thông tốt hơn và cảm giác dễ chịu xảy ra thế chỗ cho những đau đớn, nhưng tâm sẽ không vướng mắc vào lạc hay khổ. Nó sẽ vẫn ổn định, tập trung và vững chãi trong sự bình ổn của nó. Trạng thái vững chãi này có thể dễ dàng giúp ta buông bỏ những khát vọng tiềm tàng trong các cảm thọ. Nhưng nếu ta không giữ tâm tập trung trước như vậy, tham ái sẽ tạo ra tán loạn, khiến tâm bắt đầu muốn thay đổi, đảo lộn sự việc để có thứ hạnh phúc này, hạnh phúc nọ.

 Nếu ta liên tục tu tập theo cách này, cố sức bền bỉ làm mãi thì cũng giống như đóng cột trụ vào trong đất. Chúng ta đóng càng sâu vào thì cột càng không thể lay động. Chính đó là lúc ta sẽ có thể đối phó với các xúc chạm giác quan. Nếu không, tâm sẽ bắt đầu sôi sục vọng tưởng đuổi theo sắc, thanh, hương, vị và xúc. Ðôi khi nó cứ dựng lên những những điều vô nghĩa sáo mòn  mãi. Ðấy là do các cột trụ chánh niệm  của ta chưa vững chắc. Chúng ta vấp ngã trong đời sống là do chưa rèn luyện chánh niệm đủ liên tục để tâm tập trung, buông xả một cách vững chãi. Vì thế, chúng ta phải làm cho con đê chánh niệm của ta vững chắc, an toàn.

 Sự định tâm này là điều chúng ta nên phát triển trong mọi hoạt động, với từng hơi thở vào, ra. Như thế, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu suốt những mê lầm của mình, để thấy chân lý về vô thường và vô ngã. Nếu không, tâm sẽ đi lạc đó đây, giống như một chú khỉ tinh ranh. Nhưng khỉ cũng có thể bị bắt và được huấn luyện để làm trò. Cũng vậy, tâm là cái cũng có thể được rèn luyện, nhưng nếu ta không buộc nó vào cây cột chánh niệm và cho nó hưởng mùi vị của cái gậy, nó sẽ rất khó dạy.

 Khi rèn luyện tâm ta không nên ép nó quá, mà cũng không nên để mặc cho nó hành xử theo thói quen cũ. Ta phải thử thách bản thân để xem cách nào đem lại hiệu quả. Nếu ta không giữ tâm chánh niệm tập trung, tâm sẽ nhanh chóng chạy đuổi theo vọng tưởng hay dao động khi tiếp xúc với các trần cảnh. Khi ta để tâm trôi dạt theo trần cảnh, chính là vì ta chưa thiết lập chánh niệm làm nền tảng vững bền. Trong trường hợp đó ta không thể dừng lại. Ta không thể trở nên tĩnh lặng. Ta không thể được giải thoát. Ðây là lý do tại sao chúng ta phải đóng cọc trụ cho con đê của ta được tốt đẹp, vững chắc, để tâm được vững chãi, tập trung, dầu chúng ta ngồi, đứng, đi hay nằm xuống. Sự vững chãi này rồi sẽ giúp ta đối phó với tất cả mọi thứ. Chánh niệm của ta sẽ trụ trên nền tảng của nó, giống như chú khỉ bị buộc vào cột. Nó không thể chạy thoát hay quậy phá. Nó chỉ có thể chạy loanh quanh cái cột mà dây buộc vào.

 Tiếp tục huấn luyện tâm cho đến khi nó đủ thuần thục để lắng đọng và quán sát sự vật, vì nếu tâm còn tán loạn, thì nó chẳng có ích lợi gì cả. Ta phải rèn luyện tâm cho đến khi nó biết sự vững chãi nội tâm là gì. Nếu ta lừng khừng, thiếu quyết tâm tu tập, tâm sẽ vướng mắc vào vọng tưởng, vào những việc sinh diệt. Ta phải làm tâm dừng lại. Tại sao nó tác hại như vậy? Tại sao nó vương vãi tứ tán như vậy? Tại sao nó cứ lang thang mãi? Hãy đưa nó vào vòng kiểm soát! Bắt nó dừng lại, ổn định và tập trung trở lại.

 Ở giai đoạn này tất cả chúng ta đã tu tập đủ để đạt ít nhất chút hương vị của thiền định. Bước kế tiếp là dùng chánh niệm để duy trì định tâm trong tất cả mọi hoạt động, để dầu có lúc xao lãng, chúng chỉ kéo dài trong chốc lát, chứ không biến thành những vấn đề lâu dài. Cứ tiếp tục đóng trụ cọc cho đến khi chúng đủ vững chắc để đối đầu với chấn động của các đối tượng bên ngoài, và cho đến khi các tâm tạo tác từ bên trong lệch lối ra ngoài được bắt dừng lại.

 Việc tu tập này thật sự không khó đến thế. Ðiểm quan trọng là, bất kể ta lựa chọn đối tượng thiền quán nào, ta phải duy trì chánh niệm tỉnh giác về trạng thái tâm định và xả. Khi tâm đi lạc ra ngoài đối tượng, ta hãy cứ tiếp tục đưa tâm trở lại trung tâm. Dần dần tâm sẽ trụ vững trong vị thế của nó. Chánh niệm sẽ trở nên liên tục, sẵn sàng để quán sát, truy nguyên, vì khi tâm đã thật sự ổn định, nó có sức mạnh để biết sự việc bên trong nó rõ ràng. Nếu tâm thiếu tập trung, nó có thể đảo lộn mọi thứ hầu lừa dối ta, nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, từ vai trò này đến vai trò khác. Nhưng nếu nó an định, nó có thể tiêu trừ mọi thứ tất cả phiền não, tham ái và chấp thủ ở khắp nơi.

 Như vậy, tựu trung lại là Pháp hành này đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì để tập trung tâm. Một khi tâm đã vững chắc, nó có thể chịu đựng được khổ đau, uế nhiễm mà không bị vấy bẩn, kích động, cũng giống như các trụ đê có thể đương đầu với bão tố mà không lay chuyển. Ta phải biết rõ ràng trạng thái tâm này để ta không chạy theo việc thích cái này, ghét cái kia. Trạng thái này rồi sẽ trở thành khởi điểm để ta quán chiếu, truy nguyên vấn đề hầu đạt được tuệ giác sâu xa để thấy rõ ràng thấu suốt, nhưng ta phải chắc rằng sự tập trung của ta vẫn được duy trì. Sau đó, ta sẽ không phải suy nghĩ gì hết. Chỉ cần nhìn ngay vào bên trong, sâu xa và tinh tế.

 Ðiểm quan trọng là ta đừng phóng tâm và tránh những xao lãng. Chính điều này loại đi được nhiều mê lầm, vô minh và không chừa chỗ cho ái dục quấy động tâm, khiến nó lạc lối. Ðấy là do chúng ta đã thiết lập tư thế của mình trước rồi. Nếu như chúng ta có mất đi sự thăng bằng bình thường một chút, chúng ta sẽ tập trung trở lại ngay vào an định. Nếu chúng ta làm được điều này nhiều lần, sự vững chắc của tâm với chánh niệm liên tục sẽ giúp chúng ta có thể tiến sâu vào trong các chân lý của vô thường, khổ và vô ngã.

 Tuy nhiên lúc đầu ta không cần phải quán niệm. Tốt hơn chỉ nên chú tâm vào sự vững chắc của vị thế của ta, vì nếu ta bắt đầu quán niệm trong khi tâm chưa thật sự tập trung, ổn định, thì rốt cục ta chỉ khiến tâm sinh tán loạn. Vì thế hãy chú tâm để sự tập trung trở thành nền tảng căn bản của tâm và rồi bắt đầu quán chiếu, truy nguyên càng sâu hơn. Ðiều này sẽ đưa đến các tuệ càng lúc càng nhạy bén, sâu sắc hơn, đưa tâm đến trạng thái tự do, giải thoát nơi nó không còn bị các uế nhiễm quấy rầy nữa.

 Chính điều này sẽ giúp ta thật sự chế ngự các căn môn. Lúc mới bắt đầu, ta chưa có thể thật sự kiềm chế mắt và tai, nhưng một khi tâm đã an trụ vững chãi, thì mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân sẽ tự động được kiểm soát. Nếu không có chánh niệm và định, ta không thể kiểm soát mắt vì tâm muốn dùng mắt để nhìn quanh quất, nó muốn dùng tai để nghe tất cả mọi chuyện. Như thế, thay vì tu tập kiềm chế bên ngoài, nơi các giác quan, chúng ta kiềm chế ở bên trong, ngay tại tâm, khiến tâm luôn luôn an trụ vững chắc và bình thản. Bất kể ta đang nói năng hay làm gì đó, sự tập trung của tâm vẫn nguyên vẹn. Khi đã làm được điều này, các đối tượng giác quan không còn ý nghĩa gì với ta nữa. Ta không có vấn đề với sự vật như "Cái này tốt, tôi thích. Cái kia xấu, tôi không thích. Cái này đẹp; cái kia đáng ghê tởm". Ðối với âm thanh ta nghe cũng thế. Ta không có vấn đề với chúng. Thay vào đó, ta chú ý vào tâm an định, bình thản và không vướng mắc. Ðây là nền tảng căn bản cho tâm xả.

 Khi ta có thể làm điều này, các pháp sẽ trở nên trung tính. Khi mắt thấy sắc, cái thấy là xả. Khi tai nghe âm thanh, cái nghe là xả -tâm xả, âm thanh xả, các pháp là xả -vì chúng ta đã đóng năm trong sáu căn môn và tự ổn định ngay tại tâm. Ðiều này bao trùm mọi thứ. Bất cứ điều gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưõi nếm, hay thân xúc chạm, tâm sẽ không có vấn đề với bất cứ điều gì. Tâm vẫn tập trung, bình thản và vô tư. Chừng ấy cũng đã đủ, giờ thì hãy trải nghiệm đi.

 Đây là vào cuối mùa mưa, thời điểm khi sen và súng trổ hoa sau cuối mùa mưa ẩn cư. Vào thời Ðức Phật, Ngài thường yêu cầu các vị tăng cao hạ giáo huấn các tân tăng trong suốt mùa mưa ẩn cư, rồi họ sẽ đến gặp Phật khi sen nở hoa. Nếu tâm luôn vững chãi, thì tâm cũng sẽ nở hoa. Nó nở hoa vì các uế nhiễm không thể thiêu đốt, quấy rầy hay kích động tâm nữa. Vì vậy hãy hết sức cố gắng trong thời gian tới để quán sát, tìm hiểu các trạng thái tâm định và xả một cách liên tục. Dĩ nhiên, nếu ta thiếp ngủ, cứ ngủ; nhưng khi nằm xuống ngủ, cố gắng tâm an trụ, bình ổn cho đến lúc thiếp đi. Khi thức dậy, các hoạt động của tâm vẫn ở trong trạng thái an định, bình ổn đó. Hãy thực hành, để tâm có thể trở nên yên tĩnh, thanh thản và hủy diệt các uế nhiễm, tham ái, khổ. Rồi để ý xem nó bắt đầu trổ hoa chưa.

 Cảm giác tươi mát, tâm thanh tịnh không bị phiền não quấy nhiễu sẽ tự phát sinh. Ta không cần phải làm gì cả ngoài việc giữ tâm vững chắc và an định. Một điều chắc chắn là: Nếu tâm an trụ trong định, phiền não không thể đốt cháy hay khuấy động nó. Ái dục không thể khích động nó. Khi tâm định vững chãi, những ngọn lửa tham, sân, và si sẽ không thể đốt cháy nó được. Hãy tự chiêm nghiệm xem tâm an định sẽ đối mặt với vọng tưởng, hủy diệt phiền não, và dập tắt các ngọn lữa như thế nào. Nhưng ta phải nghiêm chỉnh tu tập, cố gắng giữ chánh niệm liên tục. Ðây không phải là chuyện đùa, ta không thể yếu hèn, vì nếu yếu hèn ta sẽ không thể chống cự lại với điều gì hết, ta sẽ chỉ đi theo sự kích động của phiền não và ái dục.

 Cốt lõi của việc tu tập chỉ là biết dừng lại để tâm có thể lắng đọng và vững chãi. Ðó là việc không để rơi vào bất thiện, không lạc lối và vướng mắc trong phiền não. Cố gắng giữ tâm vững chãi. Trong tất cả mọi hoạt động của ta: ăn uống, tiêu hóa, hay bất cứ việc gì, giữ tâm an trụ bên trong. Nếu ta biết trạng thái tâm lúc an trụ, bất động, không còn lung lay, không còn yếu hèn thì lúc đó mức độ cơ bản của tâm sẽ tự do và rỗng không vì không còn những gì sẽ thiêu đốt nó, rỗng không vì không còn chấp thủ. Ðây là điều khiến ta có thể khám phá ra sự vững chắc của tâm trong mọi thời điểm. Nó bảo vệ ta khỏi mọi phiền não. Tất cả mọi chấp thủ vào ngã, "tôi", "chúng nó" hoàn toàn bị tẩy sạch, cắt bỏ đi. Tâm hoàn toàn an định. Nếu ta có thể duy trì tình trạng vững bền này trong bảy ngày, nó sẽ giúp ta tự mình đạt đến tuệ.

 Vì vậy tôi yêu cầu mỗi người trong chúng ta xem thử mình có thể đi suốt con đường không. Kiểm soát những tiến bộ hằng ngày. Và hãy chắc rằng ta kiểm soát mọi thứ hết sức cẩn trọng. Ðừng buông lơ, khi thì vững chãi, khi thì không. Làm sao cho tâm tuyệt đối vững chắc. Ðừng để ta trở nên yếu hèn, Ta phải chân thành trong tất cả những điều mình làm nếu ta thật sự muốn dập tắt khổ ưu, bất an. Nếu không thật lòng, ta sẽ trở nên yếu đuối trước sự kích động của lòng ham muốn thứ này, thứ kia, làm điều này, việc nọ, hay bất cứ gì khác, như ta đã từng làm nô lệ cho ái dục bấy lâu nay.

 Cuộc sống hằng ngày là nơi để ta có thể thử thách mình, hãy quay về trận chiến! Duy trì một vị thế quân bình vững chắc. Rồi tất cả các đối tượng của tâm sẽ trở nên quân bình chính tâm sẽ cảm thấy an trụ trong sự quân bình. Không còn vấn đề tốt xấu. Tất cả sẽ dừng lại trong trạng thái quân bình, vì các pháp tự chúng chẳng tốt, xấu, có ngã hay bất cứ gì. Tất cả chỉ vì tâm đã chạy ra bên ngoài và biến chúng thành vấn đề.

 Vì thế xin hãy quay vào bên trong cho đến khi ta thấy được sự quân bình của tâm và sự giải thoát liên tục khỏi "cái ngã", rồi lúc đó ta sẽ thấy đóa tâm sen trổ hoa như thế nào. Nếu nó chưa nở hoa, chính vì nó bị khô héo trong sức nóng của phiền não, ái dục, và chấp thủ đang ngầm cháy bên trong tâm. Nhưng dần dần chúng ta sẽ tu tập để truy tầm chúng ra và tiêu hủy chúng. Nếu không, đóa hoa sen sẽ héo dần đi. Cánh hoa sẽ rơi rụng và thối rữa. Vì thế hãy nỗ lực giữ cho hoa vững chãi cho đến khi hoa nở. Ðừng lo lắng điều gì sẽ xảy ra khi hoa nở. Chỉ cần giữ cho hoa tâm vững chãi và đảm bảo rằng nó không bị phiền não thiêu đốt.