Trong chương này tôi hãy ghi qua sở thích của độc giả rồi đưa nhận định của tôi về một số tác phẩm đã xuất bản; những tập chưa in, tôi sẽ để lại một chương sau. Những nhận định dưới đây của tôi dĩ nhiên là chủ quan, không có giá trị hơn nhận định của bất kỳ độc giả nào, nó chỉ có lợi là giúp độc giả hiểu rõ tôi hơn.
°
SỞ THÍCH CỦA ĐỘC GIẢ
Khoảng mười năm trước, một nhà văn đã giới thiệu với độc giả một tờ báo định kì rằng ít nhất đã có hai thế hệ đọc sách của tôi. Tới nay thì có thể nói là đã có ba thế hệ rồi: thế hệ những người trạc tuổi tôi, thế hệ con những người đó, những học trò của tôi, và thế hệ con học trò cũ của tôi hiện nay đã lên đại học.
Vì tôi viết cho mọi lớp tuổi từ bé (cuốn Bí mật dầu lửa) tới già, lại viết cho cả giới bình dân (như thợ thuyền) lẫn với trí thức tân học và cựu học, cho nên không thể kể được một cuốn nào mà mọi giới đều thích. Xét chung thì giới bình dân và thanh niên chỉ thích những cuốn trong loại Học làm người; giới trí thức mới đọc loại biên khảo và chỉ một số ít giáo sư mới đọc những cuốn như Khảo luận về ngữ pháp Việt
Một số khá đông, bắt đầu đọc tôi từ hồi ở trung học rồi thành độc giả trung thành, hai chục năm sau vẫn còn tìm tác phẩm của tôi để đọc; nhưng tôi chắc trong nước chỉ có độ bốn năm người có đủ 100 cuốn tôi đã xuất bản; và trong 4-5 người đó may lắm được vài người đọc qua loa hết những cuốn đó.
Những cuốn bán chạy nhất thuộc loại Học làm người, như Đắc nhân tâm, Quảng gánh lo, Sống 24 giời một ngày…, và loại chỉ cho học sinh và thanh niên tự học như Kim chỉ nam của học sinh, Tự học: một nhu cầu của thời đại, Muốn giỏi toán hình học, đại số…[1]
Những cuốn ế nhất là Khảo luận ngữ pháp Việt
°
LOẠI HỌC LÀM NGƯỜI
Đã có lần tôi nói với thi sĩ Bàng Bá Lân: “Những cuốn trong loại Học làm người của tôi chẳng qua chỉ để cho thanh niên học”. Lời đó làm cho một độc giả của tôi, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “rất bực mình”. Trong bài “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” (Bách Khoa số 436, đã dẫn) ông viết:
“Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của ông, không ai chối cãi giá trị của những cuốn Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam… và những cuốn Chiến tranh và hoà bình, Sử kí Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hoá miền
Cuối cùng ông Đỗ Hồng Ngọc còn bảo ngay André Maurois tám chục tuổi còn viết tập Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi kia mà.
Tôi cũng nhận rằng nhờ những cuốn Học làm người mà tôi được nhiều người biết danh, nhiều thanh niên kính mến, và tôi được coi là “một nhà giáo dục quần chúng”, như một nhà văn đã nói. Một độc giả cho tôi hay một gia đình ông quen, từ cha tới con trai, con gái lớn nhỏ - nhỏ nhất học lớp năm (tức lớp trên lớp mẫu giáo) - đều mua sách của tôi; người cha được xong còn trích nhiều câu viết lên giấy dùng làm châm ngôn, lồng dưới kiếng bàn học của con. Ông ta thích nhất “tấm lòng thiết tha của tôi đối với truyền thống dân tộc, thái độ giản dị, khoan hoà, mẫu mực của tôi”. Ông bảo tôi đã dung hoà được tinh thần đạo học phương Đông với những kiến thức và khoa học thực nghiệm của phương Tây, điều đó rất hiếm.
Những cuốn trong loại Học làm người đó đều viết với một giọng thành thực, thân mật, với nhiệt tâm giúp đỡ thanh niên bằng những kinh nghiệm sống của bản thân tôi. Ngày nay ngồi buồn, tôi thỉnh thoảng còn đọc lại vài trang trong những cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Thế hệ ngày mai, Luyện lý trí, nhất là cuốn Tương lai trong tay ta mà vẫn thấy có nhiều chương hấp dẫn như: Ai cũng có thể bất hủ (ch. IV), Nghỉ ngơi và tiêu tiền (ch. V), Để giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân (ch.IX), Lời khuyên riêng các bạn gái (ch.X), Dự bị cho tuổi già (ch. XI). Suốt đời tôi, tôi theo đúng những qui tắc nêu trong cuốn đó về cách làm việc và tiêu tiền. Tôi đã làm rồi mới nói.
Ông Giản Chi bảo khi đọc xong cuốn đó ông bỗng hiểu hai câu thơ này của một thi sĩ đời Thanh:
Nhân sự tự sinh kim nhật ý
Hàn hoa chỉ tác khứ niên hương.
Chính ông dịch:
Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
Mai già lưu lại chút hương xưa
Một số người già và trẻ trong số những cuốn viết về nghệ thuật sống ở nước mình, chỉ có cuốn của tôi có tính cách Việt
Cuốn đó có thể coi như một tập gồm nhiều cảo luận đắc ý của tôi.
Tôi cũng vừa lòng về một loạt trên chục cuốn về loại Gương danh nhân mà độc giả nào cũng khen và ở trên tôi đã nhắc tới. Trong loại đó tôi đã thực hiện được một cách giáo hoá thanh niên tôi ấp ủ từ hồi mới cầm bút. Mới đầu tôi viết những tiểu sử ngắn độ vài chục trang (trong cuốn đầu: Gương danh nhân) rồi lần lần viết dài hơn, bốn năm chục trang (trong Cuộc đời ngoại hạng), sau cùng dài trên dưới hai trăm trang và tôi phải dành riêng một cuốn cho mỗi nhà (Einstein, Tô Đông Pha…). Trong số trên mười tác phẩm đó tôi thích nhất Tô Đông Pha, Cuộc đời ngoại hạng, Ý chí sắt đá.
Những nhân vật kỳ dị thì phải kể Huyền Trang, một tâm hồn cao cả vào bậc nhất; H. Keller kiên nhẫn lạ lùng: đui, điếc, câm từ bé mà học hết đại học, viết trên mười cuốn sách, lại diễn thuyết khắp Đông, Tây nữa; T.E. Lawrence, một chính khách mạo hiểm, giữ chữ tín hơn nhà Nho, tìm sự tuyệt đối, khi thất bại ân hận, tủi nhục, tự huỷ hoại thân thể. Nhưng làm cho tôi và nhiều độc giả cảm động nhất là đời của hai người đàn bà: bà La Fayette suốt đời hy sinh cho chồng; và bà Curie tận tuỵ với chồng và khoa học, sống đơn giản như người thời cổ, tuyệt nhiên không nghĩ đến danh lợi, đến bản thân. Cuộc hôn nhân của ông bà Curie thành công nhất mà tôi biết, thành công cho ông bà và cả cho nhân loại.
Xét chung thì các nhà khoa học suốt đời cặm cụi nghiên cứu như Fabre, “thi sĩ của côn trùng”, sướng nhất; rồi tới những nghệ sĩ bỏ hết tiền của, tâm trí để tìm cái đẹp như Disney. Khổ nhất thường là những nhà văn: Balzac, Maugham, Dostoiesvki… Nhưng chua xót nhất là bác sĩ Semmelweiss: ông hoá điên rồi tự tử vì không ai tin thuyết của ông (bệnh sốt sản hậu do vi trùng gây ra) mà cứ để cho sản phụ chết như ra trong các dưỡng đường châu Âu.
Vậy tôi đã không phí thì giờ để viết loại Học làm người và ông Đỗ Hồng Ngọc đã quá mến tôi mới rất bực mình khi tôi xếp những cuốn đó vào hàng thứ yếu.
Tuy nhiên, André Maurois đã viết nhiều cuốn giáo dục thanh niên có giá trị, như Un Art de vivre, Lettres à l’inconnue (bản dịch của tôi: Thư gởi người đàn bà không quen biết), Cours de bonheur conjural, Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie (bản dịch của tôi: Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi), Dialogues sur la commandement… được người Pháp coi là nhà văn luân lý của thời đại, một honnête homme (chính nhân quân tử) của phương Tây; mà về già, khi ôn lại cuộc đời viết văn của ông trong cuốn Portrait d’un ami qui s’appelait moi, ông không hề nhắc tới những cuốn kể trên, mà lại thích nhất những cuốn Disraëli (kể tình tương thân tương kính của ông bà Disraëli, một chính trị gia đại tài của Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria), truyện Climats (một tiểu thuyết tâm lý), những tiểu sử Lélia (G. Sand), Olympio (V. Hugo)[3], Proust, Alain…; những bộ sử Anh, Hoa Kỳ, Pháp; còn các nhà phê bình Pháp thì hầu hết đều nhận rằng những bộ tiểu sử Lélia, Olympio, Balzac, Alexandre Dumas của ông là phần chính trong sự nghiệp của ông, viết rất công phu, đọc rất thú, và ghi lại nhiều nét của xã hội Pháp thế kỷ XIX, gần như bộ Comédie humaine của Balzac, lại có một số ít nhà phê bình thích những truyện ngắn không tưởng, mỉa đời của ông như Au pays des Articoles, hoặc quái dị như Le peseur d’âme, La machine à lire les pensées.
Vậy thì việc nhận định văn học bao giờ cũng tuỳ sở thích của mỗi người, có khi của mỗi thời nữa.
°
Điều chắc chắn là tôi có xu hướng về văn học, thích những cuốn viết về nghệ thuật (tư tưởng mới mẻ, thâm thuý mà viết kém thì tôi cũng không ưa), và thích giới thiệu những cái đẹp trong văn thơ với thanh niên.
Cái đẹp trong văn thơ cổ kim đông tây thiên hình vạn trạng, không ai có thể thưởng thức hết được, mỗi người chỉ biết được vài khu vực thôi. Tôi may mắn biết được hai nền văn học rực rỡ và rất khác nhau là văn học Trung Hoa và Pháp; trong loại sách về văn học, tôi ráng truyền những cảm xúc thích thú của tôi cho độc giả.
Hương sắc trong vườn văn
Ở trên tôi đã nói về bộ Luyện văn (3 cuốn) và bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc. Tác phẩm thứ ba mà tôi thích hơn bộ Luyện văn là bộ Hương sắc trong vườn văn (mới đầu in làm hai cuốn). Tôi nảy ra ý viết bộ đó nhờ năm 1947 hay 1948, đọc cuốn Cours de technique littéraire của một trường hàm thụ (tôi quên mất tên) ở Paris. Cuốn đó chỉ thuật viết báo, tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, cả thư từ, quảng cáo nữa. Những thuật đó không có gì mới mẻ, đại khái tôi biết qua rồi, mà tôi cũng không có ý sáng tác những ngành kể trên; nhưng soạn giả khéo dẫn nhiều thí dụ lý thú, và năm 1956 tôi dùng một số thí dụ đó với nhiều thí dụ khác tôi kiếm được trong văn học Trung Quốc và Việt Nam, để viết Hương sắc trong vườn văn. Công việc không có gì khó. Cần nhất là có nhiều văn thơ để trích dẫn, muốn vậy phải đọc nhiều, không phải đọc trong sáu tháng hay một năm khi đã nảy ra ý định viết rồi, mà phải đọc từ năm, mười năm trước thì mới được nhiều tài liệu. Và như Sainte Beuve nói, “khi đã lượm được đầy tay rồi thì công việc giản dị lắm”, chỉ cần một bố cục khéo để “đóng khung” thôi. Khi thu thập tài liệu tôi đã thấy vui, mà khi viết tôi càng thấy thích. Một ông giám học trường trung học miền Trung khen cuốn đó là tác phẩm phê bình văn học sâu sắc ở nước nhà. Gần đây một ông bạn cho hay một thanh niên tốt nghiệp Đại học Văn khoa Huế khi “vượt biên” chỉ mang theo mỗi cuốn đó.
Ngày nay đọc lại tôi vẫn còn thích các chương Văn ba lan, Tế nhị và hàm súc, Tình trong văn, Đuổi bắt ảo ảnh (tiếp), nhất là hai chương cuối: Kỹ thuật chân chính, và Cảm thông với cái đẹp.
Cuối đoạn kết (gồm một trang) của toàn bộ, tôi viết mấy hàng này: “Trong nghệ thuật cũng như ở ngoài đời, phân tích tỉ mỉ quá không có lợi gì cho người và cho mình. Những kẻ sung sướng nhất là những kẻ lý luận ít mà cảm xúc nhiều. Bạn cứ hỏi trái tim bạn, hạnh phúc ở đó mà cái đẹp cũng ở đó”.
Bộ đó in hai lần, trước sau được 5.000 bản. Trong số 5-10 ngàn độc giả đó, tôi mong có được vài trăm người biết dùng văn thơ để luyện cảm xúc mà tìm được hạnh phúc. Tôi cho đó là cái lợi nhất khi ta đọc những tác phẩm bất hủ của nhân loại[4].
Cổ văn Trung Quốc
Tôi đã nhận được cái lợi đó từ khi lõm bõm đọc bộ Cổ văn quan chỉ vào khoảng năm 1940. Hồi đó, thấy bài nào thích thì tôi dịch ra chỉ để tự học. Hai mươi lăm năm sau, vốn chữ Hán của tôi đã khá hơn, tôi đọc lại Cổ văn quan chỉ và Cổ văn bình chú; trong số hơn 300 bài, lựa lấy 100 bài tôi thích nhất rồi bỏ bản dịch cũ mà dịch lại thành một bộ 900 trang 21 x 27 viết tay, in ra khổ lớn, chữ nhỏ, thành 480 trang. Bộ này do nhà Tao Đàn xuất bản cuối năm 1966, in 1.000 bản mà năm 1975 vẫn chưa bán hết. Vì bài nào cũng in chữ Hán, nên nhà xuất bản và tôi đều rất tốn công. Dịch mất 9 tháng, sửa ấn cảo mất ba tháng nữa (mỗi ngày độ 1 giờ), mệt cũng bằng viết và in bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc. Ông Tao Đàn, một nhà xuất bản biết nhận định giá trị của tác phẩm, hiểu biết về văn chương và tôi đã hy sinh khá nhiều cho bộ đó và đã được đền đáp: một số giáo sư, cựu sinh viên Văn khoa Sài Gòn coi bộ đó là một trong những tác phẩm chính của tôi, và sau 30-4-75, một số học giả ngoài Bắc “đánh giá nó rất cao”; Đào Duy Anh khen là “tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó”.
Bộ đó tôi dịch kỹ nên khá mệt. Phải thuận, sát và giữ đúng thể văn trong nguyên bản. Phải chú thích nhiều. Các nhà cựu học trong nhóm Nam Phong đã dịch được vài chục bài cổ văn Trung Quốc nhưng không nhà nào chỉ cho ta thấy cái hay ở đâu. Bộ Cổ văn bình chú có in thêm ít lời “bình” sơ sài của cổ nhân. Tôi nghĩ cần phải phân tích cái hay thì thanh niên tân học mới hiểu được, cho nên việc đó tôi làm khá công phu. Đọc các bài Bá Di liệt truyện của Tư Mã Thiên, Lan Đình tập tự của Vương Hi Chi, Xuân dạ yến đào lý viên tự của Lý Bạch, A Phòng cung phú của Đỗ Mục, Tuý ông đình ký của Âu Dương Tu, Hỷ vũ đình kí của Tô Thức, Ký Âu Dương Tu xá nhân thư của Tăng Củng… độc giả sẽ thấy tôi đã đem tinh thần mới để xét nghệ thuật của cổ nhân, việc đó chưa ai làm, và những độc giả nào lớn tuổi, biết chữ Hán đều nhận đó là một cống hiến đáng kể trong văn học nước nhà.
Tôi mừng rằng đã làm cho một số cựu sinh viên Văn khoa Đại học Sài Gòn hiểu được và thích cổ văn Trung Quốc. Trong bài Tựa tôi đã nói đọc nó có lợi nhiều về luyện văn: “Nghị luận thì chặt chẽ mà đột ngột, tự sự thì giản lược mà linh hoạt, miêu tả tài hoa mà gợi hình, lời văn thì hàm súc và cảm động”. Còn cái lợi về tinh thần thì “mỗi khi muốn có cái cảm giác nhẹ nhàng như người mới tắm dưới suối lên rồi đứng hóng gió trên ngọn đồi thì chúng ta cứ phải lật bộ Cổ văn ra chứ không tìm được trong các tác phẩm hiện đại nào cả”.
Đọc những bài Nhạc Dương lâu ký, Thương Lương đình ký… ta muốn quên cả ngoại vật, thế sự, cảm xúc triền miên; những bài Tuý ông đình ký, Hỷ vũ đình ký khiến ta muốn nhảy múa với tác giả, vui cái vui thanh cao của tác giả; hai bài Xích Bích phú tiền và hậu làm cho ta lây cái tinh thần của Lão Trang, lâng lâng như muốn “mọc cánh”. Và mới tháng trước, tôi đã mượn câu “Tích nhật chi sở vô, kim nhật hữu chi, bất vi quá; tích nhật chi sở hữu, kim nhật vô chi, bất vi bất túc” của Lưu Cơ trong bài Tư Mã Quý chủ bốc luận để an ủi gia đình một bạn mấy năm nay sa sút, phải bán lần đồ đạc mà sống, như hàng ức, hàng triệu gia đình khác. Tôi viết cuốn đó khi buồn về quân Mỹ đổ vào miền Nam nên gởi tâm sự trong lời của Hàn Dũ “bất bình tắc minh” mà tôi in ở trang đầu, và trong phần trên bài Tựa chép đời một ông nghè cuối Lê chán thời cuộc tìm một nơi hẻo lánh để dạy học ở gần làng tôi.
Chiến Quốc sách – Sử Ký của Tư Mã Thiên
Chiến Quốc sách đã được các nhà Nho trong Nam Phong trích dịch vài chục bài; Sử ký được Nhượng Tống dịch dăm chương. Ông Giản Chi và tôi tính làm kỹ hơn, phân công nhau: tôi giới thiệu bộ Chiến Quốc sách và trích dịch, chú thích hết các bài hay; ông Giản Chi tuyển dịch độ một phần tư bộ Sử Ký và chú thích rất kỹ; tôi giới thiệu tác giả cùng tác phẩm. Người này làm xong, đưa người kia coi lại.
Chúng tôi sưu tập tất cả các sách Hoa và Anh, Pháp viết về hai tác phẩm đó, để giúp độc giả hiểu thời đại, nguồn gốc, nội dung, giá trị về sử liệu, giá trị về phương diện văn học (điều mà các nhà khác không chú trọng tới mấy) của mỗi tác phẩm.
Riêng về Chiến Quốc sách, chúng tôi còn dùng tài liệu trong tác phẩm để vẽ lại xã hội Trung Hoa thời Chiến Quốc. Trong bộ Sử ký, chúng tôi nhấn mạnh vào cuộc đời oan khổ của Tư Mã Thiên, nó ảnh hưởng tới tư tưởng và phương pháp viết sử của ông ra sao.
Bộ Chiến Quốc sách có phụ lục: Niên biểu thời Chiến Quốc, Nhân danh và Địa danh. Bộ Sử ký có hai bản đồ: Trung Hoa thời Chiến Quốc và Trung Hoa thời Hán[5].
Bị hạn chế về phương tiện in, chúng tôi không thể dịch trọn hai tác phẩm bất hủ đó được, nhưng đọc hai bản dịch của chúng tôi – 700 và 800 trang – độc giả cũng có một số tri thức tạm đủ và rõ rệt rồi, và chúng tôi mong rằng vài ba chục năm nữa sẽ có người dịch trọn bộ Sử ký. Ai cũng nhận hai bộ đó của chúng tôi có giá trị.
Tô Đông Pha
Tôi đặt Tô Đông Pha vào loại văn học, nhưng cũng có thể đặt vào loại Gương danh nhân cùng với mấy cuốn Einstein, Bertrand Russell, Henry David Thoreau (một lương tâm nổi loạn). Tôi thích họ Tô nhất vì tấm gương của Tô gần với tôi hơn cả. Tôi rất phục tài của Tô, tinh thần bình dân của Tô, mong học được đức khoan hoà, phóng khoáng của Tô. Tôi ước ao được sống cuộc đời nghệ sĩ của ông ở Hàng Châu, ở Lâm Cao, được thả chiếc thuyền trên Tây Hồ mà ngắm thập cảnh, uống rượu ngâm thơ với bạn trên dòng Xích Bích.
Mới mấy hôm trước đây, vì thời tiết thay đổi, vừa bật đèn lên ăn cơm thì mối bay ra cả đám, tôi phải tắt đèn, ra ngồi ăn cơm thầm ngoài sân (ở Long Xuyên), rồi về khuya cóc, nhái kêu inh ỏi, tôi phải trở dậy kiếm viên thuốc ngủ và nhớ lại hồi ông bị đày ở đảo Hải Nam, sống cực mà vẫn vui, vẫn trào phúng được. Về mọi phương diện ông đều đáng làm thầy tôi. Tôi thường đọc lại những đoạn ông ở Hàng Châu, Lâm Cao, Hải Nam đó, và đoạn ông ngồi thuyền qua hẽm Vu Giáp, trên sông Dương Tử để lên kinh đô.
Yêu ông, tôi cũng yêu mấy nhân vật kỳ dị thời ông nữa: một học giả bỏ ra 25 năm, viết một bộ sử vĩ đại (Tư Mã Quang), một triết gia sống khắc khổ (Trình Di), một đạo sĩ đi mấy ngàn cây số để thăm ông, yêu cả Vương An Thạch, nhà cách mạng đó có nhiệt tâm mà ngây thơ, có thể khùng khùng, nhưng không hẹp hòi. Còn nàng Triêu Vân nữa mà bạn của Tô gọi là Phật bà Quan Âm! Tóm lại tôi yêu cả xã hội Trung Hoa thời ông: nó chia rẽ, bất công, suy về kinh tế, võ bị, nhưng về văn học, triết học, mỹ thuật lại rất tiến. Hễ văn minh thì không hùng cường, hùng cường thì không văn minh. Hy Lạp sau thời Périclès văn minh rực rỡ mà bị Macédoine chiếm.
Năm 1974, tôi đã sửa lại Tô Đông Pha, thêm vài đoạn (một đoạn về cảnh Tây Hồ), nhà Cảo Thơm chưa kịp tái bản thì Sài Gòn được giải phóng, phải đóng cửa. Vài bạn kháng chiến rất thích cuốn đó cũng như các bạn tôi ở đây[6].
Văn học Trung Quốc hiện đại
Ở trên tôi nói không được vừa ý về bộ Văn học Trung Quốc hiện đại vì thiếu nhiều tài liệu. Tuy nhiên cho tới ngày nay, muốn biết về văn học hiện đại của Trung Hoa, ngoài bộ đó ra, chúng ta không còn cuốn nào khác. Tôi vẫn thỉnh thoảng tra lại nó. Trong đoạn kết tôi đã vạch rõ hai nền văn hóa Hoa, Việt từ cuối thế kỷ trước đến nay tiến song song nhau y như anh em sinh đôi, như vậy chỉ vì hai nước đồng văn với nhau, gặp những hoàn cảnh như nhau. Cuối bộ, tôi đã đặt vấn đề tự do và chỉ huy trong văn nghệ: “Tự do nhưng tự do tới mức nào, chỉ huy nhưng chỉ huy ra sao, làm sao để cho kẻ này đừng lạm dụng tự do, kẻ kia đừng lạm dụng quyền hành, vấn đề quan trọng đó vẫn chưa có một giải pháp lưỡng toàn nếu bản thân những người làm văn nghệ và cả những người hưởng thụ văn nghệ chưa có một nền đạo đức, một sự giác ngộ và một trình độ giám thức tối thiểu nào đó”.
Trong Phụ lục, tôi thêm ba trang chê cuộc Cách mạng Văn hoá 1965-66 của Mao. Năm 1976 trong một cuộc toạ đàm ở Sài Gòn giữ ông Hà Huy Giáp, Thứ trưởng bô Văn hóa, ông Hà Xuân Trường, Thứ trưởng bộ Giáo dục ở Hà Nội vào, với khoảng mười nhà văn “nằm vùng”, hoặc “tiến bộ” ở Sài Gòn, tôi hỏi ông Giáp:
- Trong cuốn Văn học Trung Quốc hiện đại tôi có chê cuộc Cách mạnh Văn hóa năm 1966 của Trung Hoa, như vậy có hợp với đường lối của chính phủ không?
Ông do dự một chút rồi đáp:
- Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng mỗi nước có một đường lối văn hóa riêng.
Lúc đó tôi mừng lắm. Chính phủ Việt
°
KHẢO LUẬN VỀ NGỮ PHÁP VIỆT NAM
Tôi đã nhiều lần tuyên bố trong đám đông rằng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học. Vì ông Trương Văn Chình rủ tôi hợp tác soạn một cuốn ngữ pháp mới thay thế cuốn của Trần Trọng Kim, tôi mới cùng ông bỏ ra hai năm đọc ba bốn chục cuốn ngữ pháp Việt, Hoa, Anh, Pháp để cùng nhau tìm một phương pháp thích hợp với Việt ngữ, nhưng khi viết thì một mình ông đảm đương, tôi chỉ coi bản thảo và góp ý với ông thôi.
Càng đi sâu vào môn đó tôi càng thấy nó như một khu rừng, và khi chúng tôi tạm tìm được một lối để thoát ra thì riêng tôi, tôi thấy nhẹ mình, nghĩ bụng: “Thế là hết nợ”. Ngay khi cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam mới in xong, tôi tuyên bố trong một bài phỏng vấn của Bách Khoa năm 1963 rằng tôi thích văn học hơn môn ngữ học, sẽ trở về văn học. Từ đó tới nay tôi không viết về ngữ pháp nữa, cũng từ chối dạy ngữ pháp cho một vài trường đại học. Ông Chình trái lại, mỗi ngày một đào sâu thêm, sau đó viết cuốn Structure de la langue vietnamienne, được Trung tâm Đại học sinh ngữ Đông Phương (Centre universitaire des langues orientales vivantes) xuất bản năm 1970; và hiện nay ông có thêm một bộ Ngữ pháp Việt Nam gồm ngàn rưỡi trang đánh máy, viện Khoa học Xã hội Hà Nội chưa in cho ông được, ông đòi lại bản thảo, không biết họ có trả không.
Bộ Khảo luận ngữ pháp Việt Nam được vài giáo sư Việt cho là đánh dấu một khúc quẹo trong việc nghiên cứu tiếng Việt. Học giả E. Gaspardone ở Paris giới thiệu nó trên tạp chí Sinologie (Thuỵ Sĩ - 1965) với nhiều cảm tình; hai giáo sư Pháp, một ở Paris, ông Maurice Durand, một ở Việt Nam, cô Piat[7] khen nó trên nội san trường Viễn Đông Bác cổ (B.E.F.E.O – Durand) năm 1966, và trên tạp chí nghiên cứu Đông Dương (Bulletin des Études Indochinoises – Sài Gòn - không nhớ năm nào, nhưng sau bài của Durand).
Nó mới mẻ thật. Chúng tôi nhấn vào tính cách cách thể (isolante) và không có từ pháp (morphologie) của Việt ngữ, mà bỏ hẳn lối chia ra làm trên chục từ loại như các sách ngữ pháp cũ, dùng một cách phân loại “mềm mại hơn, mơ hồ hơn” - lời của Gaspardone - phân biệt ba loại thôi: thể từ (tức danh từ cũ), trạng từ (gồm động từ, tĩnh từ, trạng từ cũ) và trợ từ. Sự phân loại đó hơi giống lối của Trung Hoa thời xưa: thực từ, hư từ, bán hư bán thực từ.
Quy kết là chúng tôi chú trọng đến từ vụ (fonction des mots) hơn người trước, chú trọng đến vị trí của mỗi tiếng trong câu, và tới sự cấu tạo của câu, sự phân tích từ vụ của mỗi phần trong câu. Vì vậy mà một số người cho phương pháp của chúng tôi là phương pháp cơ cấu. Sau giáo sư Trần Ngọc Ninh đào sâu thêm, phân tích kỹ hơn, viết bộ Cơ cấu Việt ngữ mới in ba cuốn đầu, mỗi cuốn độ 200 trang, khổ tiểu thuyết, rồi phải ngưng vì miền Nam đã thay đổi chế độ. Nghe nói hiện nay ông ở Mỹ.
Trong khi soạn bộ Khảo luận đó, tôi thấy có vài chỗ miễn cưỡng, bàn với ông Chình nhưng chúng tôi không sao giải quyết hơn được. Cách phân loại các từ của chúng tôi tuy tránh được nhiều mâu thuẫn mà cách cũ mắc phải, tuy có “mềm mại” hơn, nhưng chính vì vậy mà “mơ hồ” hơn, như ông Gaspardone nói.
Tôi lại thấy có nhiều phương pháp phân tích một ngôn ngữ: phương pháp duy lý (logique), phương pháp tâm lý (psychologique), rồi phương pháp cơ cấu (structural), cơ cấu ngầm (générative), cả phương pháp hoàn toàn hình thức (formelle) nữa, nghĩa là chỉ dựa vào vị trí của các từ đối với nhau mà bỏ hẳn ý nghĩa đi. Phương pháp nào cũng có điểm hay, cũng có chỗ đúng, mà chẳng phương pháp nào hoàn toàn cả, mà vài ba nhà “ngôn ngữ học” ở nước mình lại thường đố kị nhau, ai cũng cho chỉ mình mới đúng nên tôi chán ngán, quyết tâm bỏ môn đó.
Tôi nghĩ môn ngữ pháp có ích đó, nhưng lý thuyết quá, không thiết thực bằng chỉ cách cho thanh niên viết tiếng Việt ra sao cho sáng sủa và đúng; nên trong mấy năm sau tôi lượm trên các sách báo Sài Gòn những câu tối tăm viết không xuôi, tìm xem nguyên nhân tại đâu, rồi đề nghị cách sửa chữa, và nếu có thể được thì rút ra một vài quy tắc. Cuốn đó đã viết xong, nhan đề là Tôi tập viết tiếng Việt nhưng vì chưa in, nên tôi để lại một chương sau sẽ xét[8].
°
CÁC TÁC PHẨM VỀ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC
Khi bộ Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam còn đương thảo, tôi đã bắt đầu viết chung với ông Giản Chi bộ Đại cương triết học Trung Quốc. Do tôi đề nghị và phân công: ông Giản Chi lãnh phần Vũ trụ luận (II) và Tri thức luận (III), tôi vốn thích cái gì cụ thể, thực tiễn, lãnh phần Nhân sinh luận (IV), Chính trị luận (IV). Vì công việc của tôi dễ hơn của ông Giản Chi, nên tôi lãnh thêm phần I: Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa, và phần VI: Tiểu sử các triết gia, hai phần sau này điều ngắn. Toàn bộ gồm hai cuốn: Thượng trên 800 trang, và Hạ gần 900 trang. In cả chữ Hán, để riêng ở cuối mỗi cuốn.
Công việc này rất mệt. Tôi thú thực nếu không có ông Giản Chi thì tôi không dám mạo hiểm vào. Chúng tôi tra cứu tất cả các sách Trung triết bằng Hoa ngữ, Việt ngữ và Pháp ngữ mà chúng tôi kiếm được, nhất là bộ Trung Quốc triết học đại cương của Vũ Đồng mà ông bạn Tạ Trọng Hiệp tìm cho.
Sự hợp tác với ông Giản Chi rất thú vị, chúng tôi làm việc đều siêng năng, cẩn thận, biết dung hoà ý kiến của nhau, học thêm được của nhau.
Chúng tôi theo Vũ Đồng, trình bày triết học Trung Hoa theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc, nghĩa là chia thành từng vấn đề, chứ không thành từng thời đại, từng môn phái. Cách trình bày đó rất mới mẻ ở nước ta (mà cũng ít thấy ở Trung Hoa, ở Pháp). Nhưng ở đầu bộ chúng tôi cũng thêm một phần tóm tắt lịch sử triết học Trung Hoa, phần này dài trên 100 trang (có thể in riêng vào loại sách phổ thông như loại Que sais je của Pháp), và ở cuối bộ lại thêm một phần nữa về tiểu sử mỗi triết gia, như vậy sửa được cái khuyết điểm của lối trình bày theo chiều ngang, mà giữ được cái ưu điểm là dễ tra cứu khi muốn tìm hiểu về một vấn đề nào.
Bộ sách dày quá, việc in lại khó khăn vì có nhiều trang chữ Hán, vốn phải bỏ ra nhiều mà thu lại rất chậm, vì vậy mà hai năm sau khi viết xong mới cho ra được cuốn Thượng, rồi hơn một năm sau nữa mới cho ra nốt cuốn Hạ, nhờ sự hợp tác tận tình, không vị lợi của ông Hồ Hải, giám đốc nhà xuất bản Cảo Thơm, một bạn trẻ của chúng tôi[9].
May thay sách được giới trí thức hoan nghênh (Nha Văn hoá tặng chúng tôi giải nhất văn chương toàn quốc, ngành biên khảo 100.000đ, chúng tôi nhờ Nha tặng lại một cơ quan văn hóa. Ông Đông Hồ tặng chúng tôi bài thơ chữ Hán: Bách luyện thiên kim một tháng trước khi mất. Trong hai năm bán lai rai cũng hết ngàn bộ (chúng tôi chỉ in bấy nhiêu thôi), chia nhau được ít lời. Thật hú vía. Bộ đó sau tái bản được một lần, chúng tôi mừng cho ông Hồ Hải. Ông là một nhà xuất bản yêu nghệ thuật in, có sáng kiến, thích những tác phẩm có giá trị, có đặc tài trình bày tác phẩm, nên sách của nhà Cảo Thơm nổi tiếng. Năm 1978 ông đi qua Mỹ và thỉnh thoảng vẫn viết thư hỏi thăm chúng tôi.
Liệt tử và Dương tử
Bộ Liệt tử chữ Hán không có tính cách nhất trí, nội dung rất tạp, chép cả về Dương Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Quan Doãn, Quản Trọng, Án Tử…; lại thêm có nhiều bài mâu thuẫn, nhiều bài trùng với các tác phẩm khác; rõ ràng cuốn đó của người đời sau viết mà chỉ một số là môn đệ của Liệt Tử thôi.
Tôi đọc kỹ, loại bỏ những bài nguỵ tác, chỉ lựa những bài diễn những tư tưởng có ít nhiều hệ thống, có thể tạm tin là tư tưởng của Liệt tử, và chắc chắn của Dương Tử rồi chia làm hai phần: Liệt Tử và Dương Tử. Riêng phần Liệt Tử tôi chia thành 6 chương có nội dung nhất trí, việc mà trước chưa ai làm. Nhờ đó mà bản của tôi không luộm thuộm như bản chữ Hán, sáng sủa hơn, có ý nghĩa hơn. Cuốn đó có nhiều truyện (huyền thoại, cố sự, ngụ ngôn) lý thú, nên đọc[10].
Nhà giáo họ Khổng
Tập này mỏng, không đầy 100 trang, tôi viết trong nửa tháng, một cách dễ dàng và say mê. Tôi dùng toàn những bài trong Luận ngữ để vẽ chân dung nhà giáo (chứ không phải triết gia) họ Khổng: tính tình và tư cách ông ra sao, cách ông dạy học, tình thầy trò của ông, công ông về giáo dục. Một bạn văn, ông Nguyễn Văn Hầu, tác giả các cuốn Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Thoại Ngọc Hầu khen chương V: Tình thầy trò, “rất cảm động, gây lại được cái không khí của trường học Nho ngày xưa”. Viết xong tập đó tôi hiểu Khổng Tử hơn, quí ông hơn; ông vừa nghiêm, vừa khoan, đa cảm mà thương người, thành thực mà tự nhiên, bình dân, lại có nghệ sĩ tính, có tinh thần hài hước. Không có một ông thánh nào khác gần với chúng ta như ông. Cuốn đó được hoan nghênh, sau tôi nảy ra viết một cuốn nữa về Triết gia họ Khổng[11].
Mạnh Tử
Cuốn này dày hơn 180 trang, cũng do Cảo Thơm xuất bản như cuốn trên. Tôi cố làm nổi bật sự khác biệt giữa thời đại của Khổng và thời đại của Mạnh, giữa tính tình của hai vị. Khổng có lúc muốn chiều đời được việc, Mạnh thì hiên ngang quá, khẳng khái quá, giữ vững nguyên tắc, không chịu thoả hiệp.
Ông Thu Thuỷ (Võ Phiến) trên tờ Chính luận số 9.3.75 phê bình cuốn đó như sau: “Về thời đại, về tính tình, về tư cách Mạnh Tử, cách ông Nguyễn Hiến Lê trình bày thật sống động lý thú.
Về tư tưởng của Mạnh Tử, trình bày cũng thật là rõ ràng, dứt khoát (…). Trong lối viết gãy gọn, thẳng thắn của ông Nguyễn, có cái đột ngột, gần như thân mật. Trước đây nửa thế kỷ, ông Trần Trọng Kim không thể có cái giọng ấy.
Cái dứt khoát của ông Nguyễn khiến người ta nghĩ tới Mạnh Tử, mà cái thân mật khiến nghĩ tới cụ Khổng…”[12].
Đông Kinh nghĩa thục
Hồi tản cư về ở Tân Thạnh (1946-47) tôi được bác ba tôi, thời trẻ làm giáo sư trong Đông Kinh nghĩa thục mà cũng là rễ cụ Lương Văn Can, Thục trưởng, kể cho nghe hoạt động của trường. Hồi cư về Sài Gòn, tôi tìm đọc trên hai chục cuốn về các nhà cách mạng thời đó, cả cuốn Đông Kinh nghĩa thục của Đào Trinh Nhất (Mai Lĩnh – 1938), vừa để kiếm thêm tài liệu, vừa soát lại những lời bác tôi kể, rồi viết cuốn Đông Kinh nghĩa thục xuất bản năm 1956. Tôi dùng một bài song thất lục bát của một thi sĩ khuyết danh trong tập Nam Thiên phong vận ca để dựng bố cục cho tác phẩm, cứ đầu mỗi chương tôi lại dẫn một hai câu theo đúng thứ tự trong bài.
Đông Kinh nghĩa thục ghi được không khí thời đó (1906-1907), chép được tinh thần của các nhà cách mạng vừa hăng hái vừa ngây thơ, nhất là tình đoàn kết, bình đẳng trong anh em, lại có nhiều giai thoại, nhiều tình tiết lý thú, cho nên sách bán khá chạy.
Sách in rồi, tôi vẫn tiếp tục kiếm thêm tài liệu, đọc ở đâu hoặc được bạn bè cho biết thêm điều gì, tôi đều ghi lại, cho vào một hồ sơ riêng để khi tái bản sẽ sửa chữa. Nhờ vậy sách in lần thứ nhì (1968) dày thêm được khoảng ba chục trang; lần thứ ba (1974) thêm được hai chục trang nữa, tất cả là 200 trang. Từ 1974 đến nay tôi lại kiếm thêm được ít tài liệu nữa (chép trong phần Phụ lục bộ Hồi ký) [13] nhưng chắc sẽ không có lần in thứ tư.
Độc giả ai cũng cho cuốn đó là một trong những cuốn có giá trị của tôi; chính tôi cũng thích nó một phần vì nó ghi lại được hoạt động của các bác, cha, chú tôi.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung ở Bạc Liêu trong một bức thư đề ngày 21-6-69[14] viết: “Tôi đã đọc cả mấy bài Tựa của Đông Kinh nghĩa thục và của Bài học Israël, càng thêm mến cái tâm chí của anh, và càng thêm mộ cách nói thẳn thắng mà khéo léo của anh. Từ câu nói “Bất bình tắc minh” của Hàn Dũ mà anh nêu làm đề từ đặt ở đầu bộ Cổ văn Trung Quốc đến “càng đọc lịch sử thế giới… làm quân tốt thí trên bàn cờ Quốc tế” (Tựa Bài học Israël), qua “mỗi lần ôn lại lịch sử… vào bực nhất nhì Đông Nam Á” (Tựa Đông Kinh nghĩa thục), người nào có công tâm mà đọc anh, nghĩa là đừng có một định kiến nào, tất sẽ nhận rằng bên trong cái dáng văn nhược thư sinh của người có tên là Hiến Lê bao giờ cũng âm ỉ cháy một tráng chí bền chặt mà nếu chỉ nhìn thoáng qua chắc ít ai ngờ đến”. Tôi cám ơn ông Trung đã theo dõi tôi và đọc kỹ tôi như vậy. Độc giả được mấy người như ông?
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam, trong một bức thư không đề ngày, bảo “… nếu anh không viết quyển đó (Đông Kinh nghĩa thục) thì sự thực về phong trào đó thế nào, thật đã ai biết cho tường (tôi chưa được đọc quyển Đào Trinh Nhất). Tôi tin là trong văn nghiệp của anh, quyển sách mỏng ấy sẽ được nhắc tới nhiều như Sonate à Kreutzer (…) trong sự nghiệp đồ sộ của Tolstoi”.
Có thể do đọc Đông Kinh nghĩa thục mà Nguyễn Văn Xuân về sau viết cuốn Phong trào Duy Tân (Lá Bối xuất bản).
In xong cuốn đó – cũng như cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười và bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc – tôi gởi về Long Xuyên[15] tặng ngay bác ba tôi một bản để người đọc lại hồi ký cùng bài thơ Cảm khái của người ở cuối sách:
Tuổi xanh kết bạn xoay trời đất
Năm chục năm nay thỏa ước mong
Độc lập xa gần cờ phấp phới
Anh hồn cố hữu khoái hay không?
Bài thơ đó người làm đầu mùa đông năm Ất Mùi (1955) khi Việt Nam không còn bóng một quân Pháp nào cả, ít tháng trước khi Đông Kinh nghĩa thục đưa cho nhà in sắp chữ. Đầu tháng giêng 1960 (ngày 12 tháng chạp năm Kỷ Hợi[16]) người quy tiên tại Chợ Thủ, thọ 78 tuổi. Sự nghiệp viết văn của tôi phần lớn nhờ người khuyến khích và giúp sức trong những buổi ban đầu; và tôi đã mừng rằng xuất bản được ba cuốn kể trên: Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương văn học sử Trung Quốc; trước khi người mất, tôi đã làm người hài lòng. Tình bác cháu chúng tôi ít thấy trong các gia đình.
Bài học Israël – Bán đảo Ả Rập
Hai cuốn nữa tôi cũng đắc ý là: Bài học Israël và Bán đảo Ả Rập. Tài liệu về hai cuốn đó, tôi thu thập trong năm sáu năm được khá nhiều. Hồi đó, may mắn một người cháu tôi - Tô Lệ Hằng, đi du lịch ở Israël, gởi về cho tôi một số tài liệu mà người khác không có được, nhờ vậy phần III cuốn Bài học Israël, nhất là về các nông trường Kibboutx, Mochav Ovedim, Mochav Chitoufi, tôi viết rất đầy đủ, nhiều độc giả chú ý tới.
Dân tộc Israël có thể làm gương cho ta về đức đoàn kết, anh dũng, kiên nhẫn và về tài tổ chức. Nhưng họ thành công rồi thì hoá ra kiêu căng, có óc thực dân, tôi không ưa.
Tôi thích cuốn Bán đảo Ả Rập hơn. Các dân tộc Ả Rập đau khổ chiến đấu, bị liệt cường chia rẽ, thao túng, cứ ngoi lên được một chút thì lại bị dìm xuống; tình cảnh, thân phận của dân tộc Irak trước cách mạng 1958 thật giống dân tộc mình thời đó. Những chương chúng tôi viết về lịch sử kiến quốc của Ả Rập Seoudite, về cuộc cách mạng của Ai Cập, của Irak là những chương tôi thích nhất. Có những nhân vật y như trong Đông Chu liệt quốc. Đời một dân tộc cũng như của một cá nhân, trong thời đau khổ chiến đấu mới có nhiều trang sử hay[17].
Một độc giả, ông Nguyễn Quí Toàn, trên tờ Diễn Đàn số 17 (1969), khen cuốn đó: “Nguyễn Hiến Lê có cốt cách một học giả thận trọng, lại có lối trình bày sáng, giản dị của một nhà văn (…) Văn (của ông) đầy hình ảnh, cụ thể và lôi cuốn như tiểu thuyết”.
Khảo về sử hiện đại của bán đảo Ả Rập (trên đó có Israël) tôi càng thấy rõ cái hại của thực dân. Trong bài tựa cuốn Israël tôi viết: “Thực dân nào, bất kì Đông hay Tây cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết, còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp (…) đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại (…) không sớm thì muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ (…) chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế”.
Có phải vì bài tựa đó không mà Bài học Israël, năm 1973 bị Nha Thông tin Văn hoá làm khó dễ, dìm trong mấy tháng khi xin phép tái bản, rồi năm 1975 bị một số cán bộ rỉ tai các sạp sách là không nên bán, mặc dù nó không có tên trong danh sách các tác phẩm bị cấm lưu hành? Nhưng cuốn đó và cuốn Bán đảo Ả Rập đã được kiều bào ở Mỹ đăng lại trên một tờ báo năm 1976 (?).
Vào khoảng 1969, tôi mua được trọn bộ Lịch sử Văn minh (32 cuốn) của Will Durant, dịch ra tiếng Pháp, do nhà Rencontre ở Lausanne (Thuỵ Sĩ) xuất bản. Bộ đó rất hay, ông bà Durant để ra ba chục năm tham khảo mấy ngàn cuốn sách, đi du lịch gần khắp thế giới để viết nó.
Năm 1970 tôi dịch cuốn Văn minh Ấn Độ (550 trang)[18], Lá Bối in. Để viết bài tựa 16 trang cho cuốn đó, tôi đã gởi thư qua Thuỵ Sĩ nhờ nhà Rencontre kiếm cho tài liệu về đời sống và sự nghiệp của W. Durant. Độc giả hoan nghênh, một vị viết thư yêu cầu tôi dịch toàn bộ. Tôi đáp cũng muốn vậy lắm nhưng trong nước phải có ít nhất là 3.000 độc giả như ông ta thì nhà Lá Bối mới dám tiếp tục.
Sau tôi chỉ dịch thêm bốn cuốn nữa: Văn minh Ả Rập, Bài học của lịch sử, Nguồn gốc văn minh và Văn minh Trung Hoa[19]. Cuốn sau chưa kịp in thì thay đổi chế độ. Những cuốn đó đều có ích, nhất là Bài học của lịch sử.
°
Về kinh tế tôi chỉ có một cuốn: Một niềm tin ở trên đã giới thiệu rồi. Sách viết gọn, sáng sủa và đầy đủ, để phổ biến những luật phát triển kinh tế và những vấn đề cùng đường lối phát triển kinh tế tại các nước lạc hậu mà người ta gọi là thế giới thứ ba. Một người điểm sách khen là “tác giả viết với tấm lòng yêu nước nồng nàn”.
Một vài suy luận của Fourastié trong cuốn đó đã hoá sai. Như (tr.65) ông tiên đoán khoảng vài thế kỷ nữa, số dân hoạt động tại các nước tiên tiến sẽ như sau: 10% về hoạt động sơ đẳng, 10% về hoạt động nhị đẳng, 80% về tam đẳng; mà ngay từ bây giờ ở Mỹ, hoạt động sơ đẳng (trồng trọt, chăn nuôi) chỉ chiếm 5% số dân hoạt động và nhờ sự phát triển của kỹ thuật điện tử, đầu thế kỷ tới hoạt động nhị đẳng (kỹ nghệ) chỉ còn 10% số dân hoạt động, còn 85% về hoạt động tam đẳng (dịch vụ).
Một niềm tin, in chỉ 2.000 bản mà bán 5-6 năm mới hết, trong khi ở Nhật, Ý và 5-6 nước khác thì cuốn nào của Fourastié mới in ra cũng được dịch ngay, bán rất chạy. Số độc giả của mình may lắm bằng 1/10 của người.
°
Tiểu phẩm là những bài văn ngắn từ mươi trang trở xuống viết về bất kì vấn đề gì (tự sự, nghị luận, phê bình…) và có tính cách độc lập nghĩa là không trích từ một tác phẩm dài ra.
Trong loại tiểu phẩm tôi có thể kể nhiều bài mà tôi đã gom lại trong 2 cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, Mười câu chuyện văn chương đã xuất bản, và trong hai tập Để tôi đọc lại, Mười tám câu chuyện thời sự chưa in thành sách.
Dưới đây tôi giới thiệu một số bài tôi đắc ý vì có tính cách nghệ thuật ít nhiều, lý luận vững, và nhất vì cảm xúc chân thành, dạt dào, ghi được tâm tư, những nỗi vui buồn, phẫn uất của tôi. Nói như Hàn Dũ thì đây là những “Bất bình tắc minh” của tôi, “bất bình” hiểu theo nghĩa rộng là không có sự quân bình, là xúc động mạnh.
Trên các báo định kỳ tôi đã gởi đăng một số bài có tính cách bút chiến, như những bài về tư thục, về chuyển ngữ ở đại học (đã giới thiệu ở trên) hoặc những bài:
- Vấn đề kiểm duyệt (Bách Khoa – 1969).
- Nhà cầm quyền và dư luận (Bách Khoa – 1966), bài này bị kiểm duyệt bỏ nhiều quá, mất gần hết ý nghĩa.
- Vấn đề thông cảm lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân (1961), bị kiểm duyệt bỏ trọn.
- Thân phận người dân các nước chậm tiến (1966), Bách Khoa không đăng vì sợ “bị trù”.
Những bài trên tôi gom lại trong tập: Mười tám câu chuyện thời sự.[20]
Hai bài tôi đắc ý nhất, giá trị ngang với cổ văn Trung Quốc là:
- Ý nghĩa cái chết của giáo sư Trần Vinh Anh.
Ông Anh làm chủ khảo trong kỳ thi Tú tài I ở Nha Trang năm 1967, bị một bọn thí sinh ghét vì ông nghiêm chỉnh giữ kỷ luật trường thi mà đâm ông túi bụi ở trước một quán ăn, và ông đã tắt thở. Hay tin tôi xúc động mạnh, viết một hơi trong bài trên, mạt sát cả bộ Giáo dục, các nhà cầm quyền lẫn cha mẹ học sinh, giọng phẫn uất bừng bừng trên ngọn bút. Ông Giản Chi đọc xong khen: “ngắn mà hay”.
- Cụ Phan và lòng dân
Năm 1967, ông Lê Văn Hảo, giáo sư đại học Văn khoa Huế vào Sài Gòn nhờ tôi viết cho một bài cho số kỷ niệm 100 năm năm sinh Phan Bội Châu và tôi gởi ông bài Cụ Phan với lòng dân. Bài đó rất được bạn văn thích, cả Nam lẫn Bắc. Tôi kể lại lòng ngưỡng mộ của dân làng tôi hồi năm 1925 đối với cụ Phan và đả bọn thực dân Pháp đã bị cái lợi ám nhãn không nhận ra tinh thần ái quốc của dân tộc chúng ta, để đến nỗi non 30 năm sau phải chịu cái nhục ở Điện Biên Phủ. Câu cuối bài: “Nhưng nào phải chỉ có Pháp mới ngốc”, tiên đoán rằng Mỹ cũng sẽ bị nhục như Pháp.
Nên kể thêm hai bài:
- Đả phá dễ hay xây dựng dễ, tôi đã giới thiệu ở chương XXVII.
- Con đường hoà bình, mới đầu đăng trên một số kỷ niệm Nhất Chi Mai của Hội Phật giáo thống nhất (1971), sau nhà Lá Bối in thành một tập mỏng trong loại Bông hồng cài áo. Tôi hô hào gột bỏ hết những nhiễm độc của Tây phương, gột bỏ tinh thần kỳ thị, phe đảng, gột bỏ những ý thức hệ ngoại lai, mà trở về tinh thần bao dung, bất đồng nhi hoà của tổ tiên, có vậy mới đoàn kết quốc dân, thống nhất quốc gia được. Con đường hoà bình ở đó. Sau năm 1975, một luật sư bị một bạn đồng nghiệp tố cáo và suýt mang hoạ vì đọc tập đó.
LOẠI TUỲ BÚT
Phải kể trước hết hai bài rất ngắn viết trước 1945 và sau trích dẫn trong Hương sắc trong vườn văn.
- Hương và sắc, giọng nửa biền nửa tản, lời bóng bảy có chỗ du dương, đại ý là trọng hương hơn sắc. Đó chính là bản tính của tôi: bất kỳ ở đâu, vườn dù hẹp tôi cũng trồng những cây cao có hương thơm như hoàng lan, ngọc lan chứ không trồng các loài chỉ có sắc mà không hương, lại mất công săn sóc. Chính vì đọc bài ấy mà các bạn Đông Hồ, Ngu Í mua hai loại cây ấy cho tôi khi tôi có nhà mới ở Kỳ Đồng.
- Con vịt, có chút triết lý hoài nghi như Anatole France; giọng bài này - nhiều đối thoại – chịu nhiều ảnh hưởng của Tây phương, khác hẳn bài trên chịu ảnh hưởng Trung Hoa.
- Nhưng tôi thích Hoa đào năm trước hơn cả. Bài này cũng ngắn, in trong loại Bông hồng cài áo của nhà Lá Bối, nửa là hồi ký, nửa là nghị luận, giọng tự nhiên, cảm động, lời đẹp, ai đọc rồi cũng thấy mang mang nhớ nhung một cái gì đã mất. Đoạn kết buồn man mác: “Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy luôn luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất. Không sao gặp lại được lần lần thứ hai (…) Vì phải có sự giao hội kỳ diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên, từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng… cùng nhau tấu lên một hoà khúc thì mới gây cho ta được một cảm giác hoàn toàn thoả mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới, nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quý ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi... Đừng kiếm nó lại, vô ích, mà đừng mong cho nó kéo dài…
Cái tuyệt mỹ bao giờ cũng phù du mà lại thọ nhất”.
- Có thể kể thêm vài bài trong Hương sắc trong vườn văn như Cái thần trong văn… và trong Mười câu chuyện văn chương như Kỷ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn…
HỒI KÝ về người thân như bà ngoại tôi, cha mẹ tôi,(tôi sẽ nói ở dưới), con tôi; về thầy học trong Thầy học tôi: cụ Dương Quảng Hàm (Bách Khoa – 1966); về bạn như Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên, Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm đăng trên Bách Khoa nhân ngày giỗ đầu 1979, và giỗ cuối 1971 của Đồng Hồ, bài trên ghi công của Đông Hồ với Việt ngữ, bài sau ghi công của Đông Hồ với đất Hà Tiên, quê hương của ông. Ai cũng nhận hai bài đó hơn tất cả các bài từ trước tới nay viết về ông, và tóm tắt đủ sự nghiệp rất đặc biệt của ông.
Sau Đông Hồ, tôi còn phải khóc Hư Chu trong bài Hư Chu (Bách Khoa năm 1973). Đời ông ngắn, sự nghiệp của ông cũng ngắn, nhưng ông rất nghệ sĩ, cũng nổi danh sớm mà được nhiều bạn mến vì tính hồn nhiên.
Cảm động nhất, ngày nay mỗi lần đọc lại tôi đều rơm rớm nước mắt là những bài viết về người thân của tôi. Bài Làm con nên nhớ là một lời sám hối làm cho Đông Hồ rơi lệ khi đọc rồi, đương đêm viết ngay cho tôi một bức thư dài, sau tôi sắp chung với bài của tôi, đưa cho nhà Lá Bối in.
Bài Cháu bà nội tội bà ngoại (cũng do Lá Bối in) kể lại tình thương của bà ngoại tôi, công của bà và của mẹ tôi, mà tôi chưa đền đáp được chút nào. Tôi cũng sụt sùi khi viết bài đó, và một bạn văn, ông Châu Hải Kỳ ở Nha Trang cũng sụt sùi đọc nó. Bài Trần tình biểu của Lý Mật (có trích trong bộ Cổ văn của tôi) cũng không cảm động hơn.
Chú thích:
[1] Muốn giỏi toán hình học, đại số tức ba cuốn: Muốn giỏi toán hình học phẳng, Muốn giỏi toán hình học không gian, Muốn giỏi toán đại số. (Goldfish).
[2] Đoạn trích này có vài khác biệt nhỏ, so với bài viết của BS Đỗ Hồng Ngọc đăng lại trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người và tác phẩm, Nxb Trẻ, năm 2003. (Goldfish).
[3] Ở đây, ông Nguyễn Hiến Lê goi tắt cho gọn, thực ra các nhan đề do chính André Maurois đặt lại dài hơn. Tiểu sử về George Sand là Lélia ou la vie de George Sand, về Victor Hugo là Olympio ou la vie de Victor Hugo, về Balzac là Prométhée ou la vie de Balzac. Riêng về Marcel Proust thì Maurois lấy luôn nhan đề tác phẩm chính của Proust. Tiểu sử về Marcel Proust có nhan đề là À la recherche de Marcel Proust. (BT). [Nhan đề tác phẩm chính của Proust là: À la recherche du temps perdu. (Goldfish)].
[4] Đã xuất bản năm 1992, tại Nxb Đồng Tháp (BT).
[5] Sử kí Tư Mã Thiên: Nxb Văn học, Hà Nội in lại 2 lần, 1994, 1995. (BT).
[6] Đã xuất bản năm 1992, tại Nxb Văn hoá – Thông tin (BT).
[7] Maurice Durant: Nhân viên trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội trước năm 1954, ông có cha Pháp, mẹ Việt. Sau về Pháp dạy tại Collège de France.
Martine Piat: Thạc sĩ ngữ pháp, những năm 1963-1973 giáo sư tại Đại học Văn khoa Huế, Sài Gòn. Năm 1975 chết tại Campuchia (BT).
[8] Năm 1990 Nxb Long An in với nhan đề Chúng tôi tập viết tiếng Việt. (BT). [Do ông Nguyễn Q. Thắng “góp thêm” vài bài mà “Tôi” trở thành “Chúng tôi” (!). (Goldfish).
[9] Đã tái bản năm 1992, tại Nxb TP.HCM (BT).
[10] Đã tái bản năm 1991, tại Nxb TP.HCM (BT).
[11] Đã tái bản năm 1991, tại Nxb TP.HCM (BT).
[12] Trong câu tôi cắt bỏ này đại ý tác giả bảo sự ví von đó không có ý gì bất kính với hai đấng vĩ nhân cả.
[13] Trong Hồi kí in là: “…tôi lại kiếm thêm được ít tài liệu nữa mà tôi sẽ chép trong phần phụ lục” (có lẽ là phụ lục trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục vì trong Hồi kí không có phụ lục nào có liên quan đến Đông Kinh nghĩa thục). (Goldfish).
[14] Trong Hồi kí in là: “ngày 21-1-69”. (Goldfish).
[15] Lúc đó cụ Phương Sơn ở Cái Sơn (Long Xuyên) hành nghề Đông y. (Goldfish).
[16] Trong Hồi kí ghi là: “Đầu tháng giêng năm 1960, ngày 11 tháng chạp năm Kỉ Hợi, tôi ở Sài gòn được điện tín người qui tiên”. (Goldfish).
[17] Đã tái bản năm 1994, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).
[18] Đã in 2 lần năm 199o, tại ĐH Sư phạm TP.HCM (BT)
[19] Đã in 2 lần năm 199o, tại ĐH Sư phạm TP.HCM (BT)
[20] Nhà Văn học chọn 12 bài và cho xuất bản năm 2001 với nhan đề là Vài lời ngỏ với bạn trẻ. (Goldfish).