Đọc xong ông viết “Tôi muốn mượn lời cổ nhân phê:
“Kỳ văn phân phân phỉ trắc, tình hiện hồ từ”
(Văn thơm tho u buồn, tình hiện trong lời)
MỤC LỤC
II. THỜI LÀM CÔNG CHỨC SỞ THUỶ LỢI
LÊNH ĐÊNH TRÊN SÔNG RẠCH MIỀN TÂY
TÔI ĐỌC SÁCH ĐỂ TIÊU KHIỂN VÀ HỌC THÊM
MUỐN HIỂU RÕ MỘT NGOẠI NGỮ THÌ PHẢI DỊCH
III. THỜI TẢN CƯ Ở TÂN THẠNH VÀ LONG XUYÊN
QUA LONG XUYÊN DẠY HỌC VÀ TỰ HỌC
THÔI DẠY HỌC, TẠM TỪ BIỆT LONG XUYÊN
IV. LÀM LẠI CUỘC ĐỜI – CHUYÊN SỐNG BẰNG CÂY VIẾT
TRỞ VỀ SÀI GÒN – CHUẨN BỊ LẬP NHÀ XUẤT BẢN
GẶP CÁC BẠN VĂN: HƯ CHU, THIÊN GIANG, ĐÔNG HỒ, NGUYỄN HỮU NGƯ
KHÔNG DẠY TƯ – CHỈ XUẤT BẢN SÁCH CỦA TÔI
NHÀ XUẤT BẢN BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG
V. NHỜ ĐÂU TÔI VIẾT ĐƯỢC NHIỀU?
TÔI GẶP HOÀN CẢNH THUẬN TIỆN VÀ THỜI CUỘC THÚC ĐẨY
LÀM VIỆC ĐỀU ĐỀU, BỀN BỈ - CÓ HƯỚNG RÕ RỆT - TẬP TRUNG NĂNG LỰC
HI SINH VIỆC XUẤT BẢN, ĐỂ CÓ THÌ GIỜ VIẾT
BÚT PHÁP CỦA TÔI: TỰ NHIÊN THÀNH THỰC
KHÔNG QUÊN ĐỘC GIẢ - YÊU ĐỀ TÀI
DỊCH MỘT TÁC PHẨM NHƯ DIỄN MỘT BẢN NHẠC
VII. HAI CHỤC NĂM LÀM VIỆC TÍCH CỰC
SÁCH TÔI VIẾT TỪ 1955 ĐẾN 1975
TRÀO LƯU VĂN HỌC MIỀN NAM TỪ 1954 ĐẾN 1975
VIII. TÔI TỰ NHẬN ĐỊNH TÁC PHẨM CỦA TÔI
KHẢO LUẬN VỀ NGỮ PHÁP VIỆT NAM
CÁC TÁC PHẨM VỀ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC
X. TỪ NGÀY GIẢI PHÓNG (1975-1980)
VIẾT NỐT VỀ TRIẾT HỌC TIÊN TẦN
KẾT VỀ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ THỜI TIÊN TẦN
Đời viết văn của tôi (ĐVVCT), theo như cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết trong Lời mở đầu, gồm những đoạn, những chương được tách ra từ bộ Hồi kí (HK) và cụ cũng thêm “đó đây ít hàng hoặc một đoạn” để nối những đoạn, chương rải rác đó. Nhờ những đoạn nối đó mà ta biết thêm một số chi tiết mà cụ không nói trong HK. Chẳng những vậy, trong những đoạn chép lại cụ cũng ghi thêm một vài chi tiết khác nữa như lời cụ còn bảo: “Tôi đã bỏ nhiều đoạn nhưng cũng thêm nhiều chi tiết”. Ngoài ra, trong các đoạn chép lại đó ta còn thấy một số chi tiết chỉ in trong ĐVVCT, còn trong bản HK của nhà xuất bản Văn học (năm 1993) thì không có, như đoạn sau đây (trong tiết Không để phí thì giờ, chương Nhờ đâu tôi viết được nhiều): “Viết mấy hàng này tôi bùi ngùi điểm lại những bạn văn đó thì già nửa đã không còn ở trên đất Việt mà những bạn còn lại cũng không ai được vui. Thật là ‘vạn sự tan như mây khói’.” (trang 140-141). Tôi đoán rằng trong bản thảo bộ HK cũng có đoạn này, nhưng Ban biên tập của nhà Văn học cho rằng đoạn đó “rườm rà” hoặc “không thể nào để lại được” nên đã lược bỏ? (trang 381).
Chẳng những thêm bớt, có đôi chỗ cụ “bố cục” lại, như đoạn trích một bài viết của ký giả Lô Răng về Giải Tuyên dương sự nghiệp… đăng trên báo Tiền Tuyến, đoạn này vốn được đặt trong phần Phụ lục trong HK, nhưng trong ĐVVCT cụ lại cho vào chương Bạn văn. Có đôi chỗ cụ bỏ bớt “hư từ” như lời cụ bảo: “(…) khi sửa lại văn, thường xoá nhiều hơn là thêm. Nhất là những hư từ ở cuối câu, những tĩnh từ (adjectif) đặt sau một danh từ, nếu không thật cần thiết thì gạt bỏ không thương tiếc”. Rất tiếc là mấy chỗ cụ bỏ bớt hư từ đó, trước đây tôi đã không đánh dấu nên nay cần tìm lại để nêu dẫn chứng, tìm hoài mà mà không thấy.
Trong lúc gõ bộ ĐVVCT này, tôi thường đối chiếu trong bộ HK để chỉnh sửa lại các chỗ in sai mà hầu hết những chỗ chỉnh sửa lại đó, để khỏi rườm, tôi đã không chú thích. Tuy nhiên có một số chữ tôi không sửa lại như ráng (sức), dần dần, kỹ (sư), (nước) Mỹ, chính (tả)… mặc dù trong Hồi Kí (và nhiều tác phẩm khác của cụ NHL) in là rán (sức), lần lần, kĩ (sư), (nước) Mĩ, chánh (tả)… Tuy nhiên, các chữ Ký trong cặp từ Hồi Ký tôi đều sửa lại thành (Hồi) Kí.
Có một vài chỗ cả hai bộ đều in giống hệt nhau nhưng tôi ngờ rằng cụ NHL đã ghi không đúng. Ví dụ như khi nhắc đến cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ NHL viết: “Tôi mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang”, nhưng trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ bảo rằng lúc đi thăm Siemreap cụ đã “…hỏi mua cuốn Guide Groslier mà không có, đành mượn của anh T.”. Vì cuốn Đế Thiên Đế Thích được viết ngay sau khi đi du lịch về, nên tôi tin những điều cụ ghi lại trong cuốn đó hơn. Mặc dù trong HK và cả trong ĐVVCT, cụ có trích lại một đoạn trong Đế Thiên Đế Thích, nhưng tôi đoán là cụ không đọc lại hết cuốn Đế Thiên Đế Thích nên cụ viết câu “Tôi mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang” là dựa vào trí nhớ. Các tác phẩm của cụ (sách báo đã in và cả những bài cụ cho là không đáng in nữa) quá nhiều, thì làm sao cụ có đủ thì giờ mà đọc lại hết, chỉ riêng những tác phẩm được cụ nhắc lại trong HK thôi cũng không phải là ít; mà viết theo trí nhớ thì hẳn là có đôi chỗ, như câu dẫn trên, tôi ngờ rằng cụ đã nhớ sai, như lời cụ bảo trong Lời nói đầu trong bộ HK: “Có nhiều chỗ tôi vô tình sai sự thật (…), lỗi ở kí tính con người: nó bị tình cảm sai khiến, lại thêm tuổi 70 như tôi có suy giảm nhiều rồi”.
Trong khoảng thời gian gõ bộ ĐVVCT này, tôi mua được một số sách của cụ NHL, trong đó có cuốn Vài lời ngỏ với bạn trẻ. Cuốn này vốn là tập Mười tám câu chuyện thời sự, Nxb Văn học lược bỏ sáu “câu chuyện” rồi lấy nhan đề một “câu chuyện” tức bài báo đăng trên tờ Phù Đỗng Thiên Vương là Vài lời ngỏ với bạn trẻ làm nhan đề cho tuyển tập này.
Ngoài việc tham khảo một số sách nêu trên, tôi còn dùng một số tài liệu khác, trong đó có vài tài liệu do bác Vvn cung cấp. Bác Vvn cũng góp nhiều ý kiến hữu ích mà tôi đã dùng một phần nhỏ các ý kiến đó để chú thích. Xin chân thành cảm ơn bác Vvn. Tôi cũng xin được cảm ơn bạn Tovanhung và bạn Quantam, nhờ các bài mà hai bạn đã đăng trên TVE trước đây, tôi khỏi phải tốn công gõ trọn phần phụ lục.
Goldfish
25/09/2009
°
° °
Trong bộ HỒI KÍ dầy trên bảy trăm trang tôi chép về gia đình tôi, đời sống, đời viết văn của tôi, và ghi những nét chính về xã hội Việt Nam từ sau thế chiến thứ nhất tới nay.
Tôi theo thứ tự thời gian nên những trang về đời viết văn rải rác trong suốt bộ, chỗ thì vài trang, chỗ thì trọn một chương, có chỗ năm chương liên tiếp. Nay tôi tách những đoạn, chỗ đó ra, gom chung vào tập này. Để nối những đoạn, chương rải rác, tôi đã phải thêm đó đây ít hàng hoặc một đoạn mà tôi viết lùi vào trong một chút[1] cho dễ nhận. Tôi đã bỏ nhiều đoạn nhưng cũng thêm nhiều chi tiết không chép trong bộ HỒI KÍ.
Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi viết để học, và học để viết. Cho nên chép về đời văn của tôi, tôi phải nhắc trước hết đến việc tự học, mà hai môn quan trọng nhất tôi tự học là Hán tự và Anh ngữ, nhờ đó tôi mới có những chìa khoá để mở mang thêm kiến thức, mới viết được nhiều và được độc giả chú ý tới.
Vì vậy tôi bắt đầu tập này bằng việc học Hán tự.
Long Xuyên, ngày 15.10.1980
Chú thích:
[1] Trong ebook này tôi dùng chữ màu xanh nhạt (Goldfish)