Đời tư Mao Trạch Đông

Chương 91

Docsach24.com
gày 17-6-1976, Hoa Quốc Phong triệu tập đội cấp cứu tới họp với Bộ chính trị, tiến hành ngay trong buồng khách bể bơi cũ. Trải qua ba tuần lễ sau cơn nhồi máu cơ tim lần thứ hai ở Mao, trạng thái sức khoẻ ông được ổn định, nhưng tính mạng vẫn bị đe doạ. Bệnh viên phổi chưa hết, chức năng bài tiết của thận rất kém, khả năng nhồi máu cơ tim tái phát rất cao. Thay mặt đội cấp cứu, tôi báo cáo tỉ mỉ tình trạng bệnh tật của Chủ tịch với Bộ chính trị, nhấn mạnh, khó tiên lượng tình hình diễn biến tiếp theo.

Khi chúng tôi kết thúc báo cáo, Giang Thanh vặn, làm thế nào biết Mao đã bị hai lần nhồi máu cơ tim, và có thể bị nữa. Bà ta buộc tội chúng tôi thổi phồng sự nghiêm trọng của bệnh tật để lẩn trốn trách nhiệm non nớt tay nghề trong điều trị cho ông. Giang chỉ xác nhận, Mao bị viêm phế quản, phổi không viêm, còn thận càng chưa bao giờ bị bệnh. Giang phát biểu:

- Các anh chỉ được cái đưa ra những điều khủng khiếp, hù doạ người khác. Tôi nghĩ, các anh chưa chịu cải tạo đúng mức. Trong xã hội tư sản, bác sĩ là ông chủ, y tá là đầy tớ. Chính vì thế Mao chủ tịch thường dạy, chỉ có thể tin 1/3 những gì mà bác sĩ nói ra.

Đội cấp cứu choáng váng, y tá cúi đầu, xấu hổ.

Hoa Quốc Phong phát biểu bênh chúng tôi, nhấn mạnh, các bác sĩ đã làm việc rất tích cực, cố gắng hết sức mình. Ông, Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều túc trực theo ca kíp suốt ngày đêm, theo dõi công việc cấp cứu. Ông hiểu những gì chúng tôi đã làm và hài lòng sau ba tuần trôi qua, chưa thấy cơn nguy kịch tiếp theo. Hoa Quốc Phong muốn chúng tôi cố gắng gấp đôi, sẵn sàng hồi sức cấp cứu trong bất kể tình huống nào. Hoa Quốc Phong nói:

- Chúng tôi không rành về y học, vì thế chúng tôi yêu cầu các đồng chí điều trị Chủ tịch bằng các cách tốt nhất. Trung ương đảng cám ơn các đồng chí.

Chúng tôi cám ơn Hoa Quốc Phong về sự ủng hộ. Cả đội cấp cứu rất lo chuyện Giang Thanh buộc tội. Giang phát biểu, chúng tôi cải tạo chưa tốt, tác phong làm việc của bác sĩ như tác phong giai cấp tư sản, ngầm chỉ chúng tôi thuộc bọn phản cách mạng, như vậy, chúng tôi sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Đội cấp cứu giải thích thế nào Giang cũng bỏ ngoài tai. Cái giá phải trả quá lớn của các bác sĩ phục vụ Stalin đang ám ảnh trong đầu chúng tôi.

Sau cuộc họp, Uông Đông Hưng trong phiên thường trực, tôi lo ngại trao đổi với ông chuyện Giang Thanh. Ông cũng lo.

- Giang Thanh ngày càng trở nên vênh váo hơn - Uông nói - Bà ta thường xuyên phê bình ai đó trong cuộc họp Bộ chính trị. Đầu tháng trước, trong cuộc họp Quốc vụ viện, Giang Thanh tấn công Hoa Quốc Phong. Ông cũng không chống đỡ được đòn của bà ta. Uông Đông Hưng muốn biết liệu tôi có đề cập tới việc loại bỏ Giang Thanh ngay từ bây giờ trong khi Mao đang ốm hay không.

Tôi thận trọng. Mao tuy ốm, nhưng vẫn còn sống, còn sắc khí, vẫn tỉnh táo. Dù mù mắt trái, ông còn nhìn rõ bằng mắt phải. Không có việc quan trọng to nhỏ gì qua khỏi mắt ông. Không thể loại bỏ Giang Thanh nếu thiếu sự đồng ý của ông. Ông ta chưa lần nào đề cập tới điều này. Mao chắc chắn không muốn thanh trừng vợ ông.

- Hãy chờ đến khi Mao chết - Tôi nói với Uông.

- Nhưng sau khi Chủ tịch chết sẽ rất khó - Uông trả lời.

- Không hẳn thế đâu...

Uông bảo, ông và Hoa Quốc Phong đã bàn đến tình huống bắt giam vợ Chủ tịch. Hoa Quốc Phong không tin tìm được cơ hội sơ hở của Giang, nếu Giang Thanh chạy mất, phe cánh mụ sẽ náo loạn, đối phó vất vả hơn. Uông Đông Hưng kể, ông hứa với Hoa Quốc Phong dù có phải đi đến cùng trời cuối đất, cũng phải loại bỏ Giang Thanh bằng được.

Vương Hồng Văn đến, nhưng chúng tôi đã kết thúc cuộc nói chuyện. Tôi báo báo về sức khoẻ của Chủ tịch cho Vương và đi ra.

Vài ngày sau, sức khỏe Mao khá lên đôi chút. Do thuốc và dinh dưỡng đưa qua ống xông vào thẳng dạ dày, đã đem lại một số kết quả, sức ông khá hơn, tim đập khỏe hơn.

Đêm 27 rạng 28-6-1976, tôi bị giữ lại ở phòng khách muộn hơn thường lệ vì phải báo cáo tóm tắt cho Vương Hồng Văn, Uông Đông Hưng trực ca đêm. Quay về đến chỗ ở khu nhà H, đã gần ba giờ sáng. Thông thường tôi ngủ trong phòng bé tí ngay sát buồng của Mao, bây giờ mệt lử cò bợ, tôi nằm vật xuống đánh một giấc.

Một tiếng động rất mạnh đánh thức tôi dậy. Tất cả toà nhà chao đảo. Sau của kính, bầu trời đỏ rực. Một trận động đất. Các bác sĩ và y tá chạy vào gọi tôi. Nhưng tôi mệt lử, vẫn nằm trên giường. Điện thoại réo. Uông Đông Hưng thét từ đầu giây bên kia:

- Nhanh lên! Trận động đất lớn lắm. Vì sao đồng chí còn nằm trong nhà hả?

Tôi gọi một nhân viên y tế và vội vã chạy đến phòng Mao.

Khi bắt đầu động đất, Dư Dương Tú, Minh Thanh Nhung, Lý Liên Thi và Trương Ngọc Phượng đang ở chỗ Mao. Giường của ông bị xê dịch. Toà nhà bị chấn động, nứt vỡ hở cả sắt trên trần. Một phần bê tông bị rời ra, treo lơ lửng đe doạ bất cứ lúc nào cũng có thể rơi. Trận động đất đánh thức Mao dậy, nghe thấy tiếng động ầm ầm, ông biết động đất đã sảy ra.

Cần chuyển Mao đến nơi an toàn nhất. Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn cùng nhau bàn định cố chọn nơi an toàn. Vương Hồng Văn đề nghị, cái trại nằm trong vườn Hồng ngoại ô phía tây Bắc kinh, được Chu Ân Lai xây cho Mao đầu năm 1972. Nhưng Mao không thích chỗ ấy. Uông Đông Hưng khuyên về toà nhà 202, xây theo tiêu chuẩn chống động đất. Từ bể bơi nó nối với hành lang. Mao đồng ý sự lựa chọn của chúng tôi. Đưa ông lên chiếc giường bệnh viện có bánh xe, chúng tôi đẩy giường theo hành lang đến chỗ mới, thiết bị chuyển theo sau.

Chỗ mới quả là chắc chắn, rộng rãi hơn chỗ cũ, chúng tôi dễ dàng sắp đặt mọi thiết bị cấp cứu trong phòng. Các bác sĩ làm việc ở đây được dễ dàng hơn nhiều.

Trận động đất thứ hai xảy ra vào buổi tối, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước. Nhưng khu nhà 202 vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng gì..

Bác sĩ làm việc suốt ngày đêm, sức khoẻ Mao được ổn định, nhưng vẫn nặng. Sau dư chấn, Trương Ngọc Phượng quay lại chiếu phim. Mao quá ốm không thể ra xem được, nhưng Vương Hồng Văn bê một máy chiếu phim, một TV màn ảnh rộng nhập từ Hong Kong. Người ta hứa, ngày sẽ chiếu hai buổi, nhưng khi nào Chủ tịch lại sức. Trương Diêu Tự, Trương Ngọc Phượng và một vài nhân viên Nhóm Một mất tăm khi chúng tôi cần giúp. Khi Giang Thanh đi qua ngó ông chồng, họ vội vàng giấu thiết bị máy chiếu. Chuyện chiếu phim gây cho đội cấp cứu một ấn tượng xấu, trong thời gian nhóm bác sĩ làm việc kiệt sức, cô nhân viên của Chủ tịch vẫn thảnh thơi. Điều này ảnh hưởng xấu tới tâm lý các bác sĩ, tôi gặp Uông Đông Hưng phản ảnh.

- Họ xem phim - Uông không quan tâm - Các đồng chí, những thày thuốc, hãy cứ điều trị cho người bệnh, quan tâm đến chuyện khác làm gì. Xem phim có gì sai trái đâu?

Nhưng việc xem phim lại cản trở công việc của chúng tôi. Một lần khán giả còn rút cả ổ cắm của máy tiếp dinh dưỡng vào lỗ cắm của máy chiếu. Đáp lại sự phàn nàn của chúng tôi, Trương Diêu Tự trả lời, các bác sĩ còn có việc phải làm, Nhóm Một - thì không, dỗi dãi biết làm gì. Trương Diêu Tự thậm chí giao cả chuông để khi cần thiết, rung chuông gọi họ tới giúp.

Lại thêm một nguồn gây rắc rối. Giang Thanh vẫn chưa buông tha Đặng Tiểu Bình, muốn mang cho Mao những tài liệu liên quan tới sự bất đồng với ông. Vì Chủ tịch khó đọc, Giang yêu cầu bác sĩ trực nhật phải chép lại lên giấy chữ to. Khi tôi phản đối, nói các bác sĩ có nhiều việc phải làm, bà ta cay nghiệt bảo:

- Đồng chí để ông ấy đọc báo cáo của tôi, Chủ tịch sẽ khoẻ lên ngay ấy mà.

Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng cố khuyên Giang Thanh đừng mang thêm các tài liệu khác đến nữa, nhưng Giang phớt lờ ý kiến.

Giang Thanh e sợ có thể cũng mắc căn bệnh giống như ở Mao. Bà muốn nhóm bác sĩ khám bà thường xuyên hơn. Tôi muốn từ chối vì đội cấp cứu quá nhiều việc, e không kham nổi, nhưng Uông và Trương Diêu Tự ủng hộ ý kiến Giang Thanh.

Giang Thanh hoàn toàn khoẻ mạnh. Uông Đông Hưng ngờ rằng yêu cầu của bà ta là một mánh khóe. Giang Thanh mơ ước sau khi Mao qua đời, sẽ có một nhóm bác sĩ riêng cho mình, muốn tìm hiểu ai trong số các bác sĩ giỏi nhất sẽ lựa chọn.

Ngày 28-8-1976, chuẩn bị chuyến đi tham cầu Đại Hải, Giang Thanh yêu cầu cấp cho bà một hai bác sĩ tháp tùng lấy trong nhóm bác sĩ của Mao. Bà cho rằng đám bác sĩ của Chủ tịch là quá nhiều.

Giang Thanh bỏ ý định chỉ khi tôi nói rằng mỗi một bác sĩ thực hiện một vai trì nhất định việc thay thế họ là không thể được.

Mao lại có vấn đề đáng lo ngại. Ông chỉ thở được bình thường khi nằm nghiêng bên trái, chân tay run rẩy liên tục, rối loạn nhịp tim tăng lên.

Chúng tôi thay đổi thuốc, cách điều trị, tình hình khá lên đôi chút, nhưng sức khoẻ nói chung rất nguy kịch.

Năm giờ sáng ngày 2-9-1976, Mao lại lên nhồi máu cơ tim, lần này nghiêm trọng hơn hai lần trước. Đội cấp cứu hồi sức hối hả làm việc. X-quang cho thấy viêm phổi tăng lên, lượng nước tiểu giảm xuống 300 phân khối một ngày. Dự trữ sinh lực cạn kiệt.

Vài lần hồi tỉnh, Mao hỏi liệu tính mạng của ông có nguy hiểm lắm không. Ông đang nằm giữa ranh giới sống và chết, nhưng tôi làm ông tin sẽ hồi phục sức khỏe. Trách nhiệm tôi buộc phải nói dối. Không một ai dám nói Chủ tịch sẽ qua đời bất cứ lúc nào.

Ba ngày sau, ngày 5-9-1976, sức khoẻ Mao vẫn nguy kịch. Hoa Quốc Phong gọi Giang Thanh đang đi công cán quay về. Bà ta vào toà nhà 202 vài phút, bỏ đi, không thèm hỏi một cầu về tình hình sức khỏe của chồng, rồi kêu mệt trở về khu Xuân Liên. Các bác sĩ không thể chịu được với con người nhẫn tâm như thế. Uông Đông Hưng đã tìm ra lời giải thích thoả đáng. Mao là vật cản cuối cùng trên đường Giang Thanh đi tới quyền lực tuyệt đối. Bà nóng lòng chờ cái chết của ông.

Chiều ngày 7-9-1976, sức khỏe Mao suy sụp hoàn toàn. Mao có thể chết bất cứ lúc nào. Giang Thanh nghe tin vội đến khu nhà 202. Mao vừa chợp mắt, cần nghỉ, nhưng Giang muốn dựng ông dậy, xoa bóp lưng, tứ chi cho ông bằng thứ bột nào đấy. Tôi không đồng ý, cố giải thích, Chủ tịch vừa mới chợp mắt, không được đánh thức, bụi của thứ bột trắng kia có thể ảnh hưởng tới phổi Chủ tịch. Nhưng Giang ra lệnh cho y tá trực thực hiện lời Giang dặn. Sau đó gặp gỡ từng người trong đội cấp cứu bắt tay, bảo:

- Bây giờ các đồng chí sung sướng nhé!

Mãi sau này tôi mới hiểu ý ngầm câu nói của Giang Thanh. Chúng tôi hẳn là sướng, vì Mao chẳng mấy chốc sẽ chết, Giang sẽ nắm quyền lực.

Giang Thanh quay trở lại cũng ngay chiều hôm đó để lấy các tài liệu bà chuyển cho ông từ mấy hôm trước. Chúng tôi bận rộn về Chủ tịch đến nỗi không ai có thể giúp bà tìm kiếm. Bà tức giận, có ai đó đã ăn cắp tài liệu.

Sáng hôm sau, 8 tháng 9, Giang Thanh lại đến. Bà nói chúng tôi cần phải thay đổi tư thế nằm của Mao, vì ông nằm khá lâu phía trái. Bác sĩ trực ban nói rằng Mao chỉ có thể thở trong tư thế như vậy, nhưng bà ta vẫn bắt đảo chiều người ông. Mao ngừng thở, mặt ông tái xanh. Giang Thanh rời khỏi phòng, còn chúng tôi kéo vội máy tim phổi nhân tạo và đo điện tim

Chủ tịch đã tỉnh lại. Hoa Quốc Phong yêu cầu Giang Thanh không quấy rầy công việc của bác sĩ nữa.

Nhưng điều này không còn cần thiết.

Lúc 0.10 ngày 9-9-1976, trái tim Mao ngừng đập. Điện tâm đồ chỉ đường thẳng tắp.

Chủ tịch qua đời.