Chu Ân Lai gầy gò, nhỏ thó nhưng vẫn còn giữ vẻ đẹp lão. Mái tóc đen chải cẩn thận đã ngả màu muối tiêu, vẫn bộ quần áo kiểu Mao quen thuộc. Chu không chịu nằm bẹp trên giường, tôi gặp ông ngồi trên ghế sofa trong phòng tiếp khách của bệnh viện. Ông có vẻ buồn rầu.
Tôi nói với thủ tướng, Chủ tịch lo ngại về sức khoẻ của ông. Chu cám ơn, quay sang hỏi chúng tôi đã tìm được thuốc chữa bệnh teo cơ cục bộ được chưa. Tôi kể ngắn gọn về sức khoẻ của Chủ tịch, nhưng không trả lời câu hỏi. Chu đề nghị tôi chuyển đến Mao lời cảm ơn và những lời chúc tốt đẹp nhất. “Xảy ra như thế, chính tôi không thể làm được điều gì - ông nói - hãy chăm sóc sức khỏe Chủ tịch”.
Chu yếu đến nỗi thậm chí không đủ sức giơ tay để bắt khi tôi từ biệt. Lúc ấy khoảng bảy giờ chiều ngày 29-11-1975. Đấy là lần cuối cùng tôi gặp ông.
Chu Ân Lai qua đời ngày 8-1-1976.
Ở Nhóm Một, sự kiện Chu qua đời không có phản ứng nào đáng kể. Thậm chí Uông Đông Hưng cũng im lặng. Tất cả chúng tôi biết Chu sắp chết, đã chuẩn bị đón nhận điều này từ lâu, cuộc đối đầu giữa Giang Thanh với thủ tướng chấm hết. Với tôi, cái chết của Chu thật bất ngờ. Điều làm tôi lo ngại nhất cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn. Giang Thanh và phe cánh đã chiến thắng. Những cuộc đả kích Đặng Tiểu Bình trở nên liên tiếp cho đến khi ông quyền lực phải bị tước bỏ, ông bị đình chỉ công tác, trong khi bản thân Mao cũng sắp qua đời.
Những bác sĩ trong đội hồi sức cấp cứu của Mao, đã từng điều trị Chu Ân Lai, muốn đến bệnh viện viếng người quá cố. Khi tôi đề đạt đề nghị của họ cho Trương Diêu Tự, ông từ chối thẳng thừng. Các bác sĩ không được phép kéo đến chỗ Chu, không được đeo băng tang đen. Tôi hỏi ai ra quyết định, Trương nghiêm mặt, nói, thực hiện theo chỉ thị cấp trên, nhưng không biết lý do vì sao. Ông doạ, các bác sĩ sẽ bị làm phiền nếu cứ đòi hỏi điều này.
Cuộc sống trong Nhóm Một vẫn như thường lệ. Đêm đêm vẫn xem phim tại khu bể bơi cũ. Tết Nguyên đán sắp đến nơi, Trương Ngọc Phượng muốn tổ chức liên hoan đón tết vui vẻ, cô đề nghị Trương Diêu Tự dựng cây pháo bông phía ngoài tư dinh Mao. Để lấy lòng cô, Trương Diêu Tự đồng ý. Nhưng khi những tiếng nổ bắt đầu, cảnh vệ và lính sư đoàn Bảo vệ Trung ương chạy ào tới. Đã từ lâu, Trung Nam Hải có lệnh cấm đốt pháo, vì tiếng pháo nổ nghe như tiếng súng, gây trở ngại công tác an ninh. Trương Diêu Tự lại quên không báo cáo kế hoạch đốt pháo. Rất nhiều người hiếu kỳ nghe tiếng pháo nổ và ngọn lửa sáng rực đã chạy tới xem. Rồi chẳng mấy chốc lan ra tin đồn, Mao chủ tịch mừng cái chết của Chu bằng cách bắn pháo hoa.
Mọi người quan tâm ai sẽ thế chỗ của Chu Ân Lai. Với uy thế Giang Thanh và phe cánh đang lên, trong khi Đặng Tiểu Bình lâm vào thế bất lợi, nhiều người tin chức thủ tướng sẽ về tay Vương Hồng Văn. Nhưng tất cả mọi người ngã ngửa, bất ngờ khi Mao tiến cử Hoa Quốc Phong chức vụ Quyền thủ tướng, kiêm phó chủ tịch đảng thứ nhất. Bộ chính trị họp từ ngày 21 đến 28-1-1976 thông qua sự bổ nhiệm Hoa Quốc Phong. Ngày 3-2-1976, tuyên bố chính thức Hoa Quốc Phong, thủ tướng Quốc vụ viện.
Giống như mọi người, tôi thật sự bất ngờ, tin rằng đây chính là nước cờ thật sắc sảo, khôn ngoan, kể cả Uông Đông Hưng cũng tin như thế. Như vậy, Mao chủ tịch vẫn còn rất minh mẫn. Việc bổ nhiệm trở thành sự khinh bỉ, sỉ nhục đối với Giang Thanh và phe cánh. Các quan chức cao cấp chia làm hai phái - phái già từ khi tham gia cuộc Vạn Lý Trường Chinh (Chủ nghĩa kinh nghiệm) và phái những người cực đoan trẻ hơn (chủ nghĩa giáo điều), Mao không muốn giao quyền lãnh đạo cho người thuộc hai phe đó. Vì thế ông chọn người làm thủ tướng, không thuộc phe phái nào. Ít người biết tên tuổi Hoa Quốc Phong, người đã từng giữ chức lãnh đạo huyện Tương Đàm, quê hương Mao, sau đó được bầu bí thư tỉnh uỷ Hồ Nam. Ông trong số những người gọi là “cán bộ năm 38”, những người tham gia cách mạng ngay sau lúc bắt đầu chiến tranh chống Nhật 1938. Uông Đông Hưng rất vui với sự lựa chọn của Mao. Uông cũng dự đoán, Hoa Quốc Phong sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công mới của Giang Thanh và phe cánh, bởi vì ông không phải người cùng hội cùng thuyền của họ.
Nhưng Uông đã lầm. Thay vì điều này người ta tăng sức ép lên Đặng Tiểu Bình. Đầu tháng Ba, một văn bản ghi lại cuộc nói chuyện giữa Mao và Mao Viên Tân, trong đó người cháu Mao phản ứng kịch liệt về Đặng Tiểu Bình, tài liệu này được phân phát phổ biến trong đảng. Tôi có cảm tình với Đặng. Ông là nhà lãnh đạo sắc sảo, có năng lực, tôi tin ông, người duy nhất sẽ đưa đất nước tới phú cường sau khi Mao và Chu Ân Lai qua đời.
Dân chúng xem việc Mao phê phán Đặng là không công bằng. Người ta lại phê phán việc tang lễ đối với Chu Ân Lai không đầy đủ, thiếu đúng mức đối với chức vụ của một đương kim thủ tướng tạ thế.
Giữa tháng Ba sắp sửa đón ngày lễ Thanh Minh, lễ tưởng nhớ những người đã khuất sẽ được tổ chức ngày 4-4 dương lịch, người dân Bắc Kinh đổ về tụ tập dưới Tượng đài Anh hùng cách mạng trên Quảng trường Thiên An Môn, họ đeo băng tang để tưởng nhớ Chu Ân Lai. Phong trào được phát động kín đáo, đám đông tăng dần lên từng ngày. Chưa bao giờ đất nước Trung Hoa chứng kiến sự biểu lộ tình cảm của nhân dân đối với người anh hùng như thế kể từ khi chính quyền cộng sản lên cầm quyền từ năm 1949.
Tôi rất đồng tình và ủng hộ phong trào, cảm phục lòng dũng cảm của người Bắc Kinh. Tất cả chúng tôi hiểu, những người biểu tình muốn bày tỏ một điều gì lớn hơn thông qua lễ tưởng niệm Chu Ân Lai. Họ biểu lộ sự phản đối Giang Thanh và phe cực đoan, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ Đặng Tiểu Bình. Tôi muốn đến quảng trường, vừa để ủng hộ, vừa muốn biết mọi diễn biến ra sao, nhưng Uông Đông Hưng và Trương Diêu Tự khuyên nên tránh xa, chớ dính dáng việc này vang vạ vào thân. Ở đó chắc chắn có nhiều mật vụ, sẽ xuất hiện ảnh tôi trong hồ sơ đen theo dõi của họ, lúc ấy còn lâu tôi mới được giải oan. Thậm chí nếu tôi muốn đi đến đó theo công việc, cũng cần phù hiệu đặc biệt cắm trên xe hơi.
Cuối tháng Ba, tôi thường xuyên đến Bệnh viện Bắc Kinh vì công việc cho Chủ tịch, nên phải đi qua quảng trường. Quảng trường đầy kín hàng chục ngàn người, từng nhóm hát hò, diễn thuyết, đọc thơ. Hàng nghìn lá cờ tung bay trước gió. Băng tang phủ đầy các con đường từ Tượng đài Anh hùng ở trung tâm quảng trường đến đại lộ Trường An, ngay trước Thiên An Môn. Trông thật ấn tượng đầy khí thế. Người lái xe của tôi cám ơn số phận vì đã có điều kiện chứng kiến sự kiện như thế. Anh ta cũng như tôi đã bị cấp trên cảnh cáo không được đến quảng trường. Mỗi lần xe qua, anh muốn lái chầm chậm và đến sát để quan sát kỹ hơn, nhưng tôi bảo, tốt nhất nên quay về. Về sau, tôi biết số xe của tôi đã bị ghi sổ. Cảnh sát không tiến hành điều tra, vì biển số xe thuộc Cục Bảo vệ Trung ương.
Ngày tiếp ngày, trên quảng trường đám đông tụ tập càng đông, trong ngày lễ kỷ niệm, Giang Thanh và các đồ đệ của bà bị tấn công mạnh mẽ. Chiều tối ngày 4-4-1976 lễ Thanh Minh, đám đông lên đến cả trăm nghìn người. Bộ chính trị cấp tốc họp tìm cách giải quyết. Họ cho rằng, ban đầu những người biểu tình hoà bình, trong trật tự, nhưng bị lợi dụng nằm trong kế hoạch của bọn phàn cách mạng xúi giục. Mao vắng mặt trong phiên họp, Mao Viên Tân làm người liên lạc. Khi Mao Viên Tân trình văn bản cuộc họp, Chủ tịch đồng ý cách giải quyết. Ngay đêm hôm đó, người ta ra lệnh tịch thu băng tang, cờ, biểu ngữ cùng các khẩu hiệu từ quảng trường và bắt “bọn phản cách mạng”.
Ngày hôm sau, ngày 5-4-1976, cuộc biểu tình hoà bình biến thành bạo lực. Những người biểu tình nổi giận đánh nhau với cảnh sát và quân đội. Quân tiếp viện được đưa tới, 9 giờ đêm, hơn mười nghìn cảnh sát và năm tiểu đoàn lực lượng an ninh đã phong toả quảng trường, đánh đập và bắt những người bỉểu tình không chịu giải tán.
Giang Thanh ngồi cả ngày trong toà nhà Quốc vụ viện ở phía tây quảng trường, quan sát đám đông bằng ống nhòm. Cũng chiều hôm đó, tôi ở trong phòng khách, lúc 11 giờ đêm Giang Thanh đến thông báo cho Mao về sự trấn áp “bọn phản cách mạng” đã thành công - thắng lợi lớn thuộc về phe Giang Thanh. Tôi không hiểu Giang nói cái gì với Chủ tịch. Nhưng tôi cảm thấy cuộc biểu tình Thiên An Môn là một phong trào nổi dậy tự phát của quần chúng, không phải do một “nhúm nhỏ” bọn phản cách mạng nổi dậy như Giang Thanh và phe cánh tuyên bố. Mao thường nói, lực lượng quân đội không được sử dụng để chống lại quần chúng nhân dân. Bây giờ quần chúng lại trở thành kẻ thù của những người cộng sản và họ đem quân đội ra đàn áp.
Giang Thanh rời phòng làm việc Mao với vẻ đắc chí, mời chúng tôi đến chỗ bà dự liên hoan, ăn mừng sự kiện bằng rượu Mao Đài, lạc rang và thịt lợn quay. “Chúng ta đã chiến thắng - bà ta nói - Hãy cạn chén! Tôi trở thành cái dùi cui sẵn sàng giáng đòn vào bọn phản cách mạng”. Đây là một cảnh khó chịu nhất tôi phải chứng kiến trong đời.
Bộ chính trị họp một lần nữa vào sáng ngày 6-4, tiếp theo là việc bắt bớ hàng loạt. Hơn 30 ngàn lính quân cảnh được lệnh tuần tra quảng trường và các khu vực lân cận, hàng chục tiểu đoàn lính đặt trong tình trạng báo động. Mao Viên Tân đưa quyết định này cho ông bác của mình, Mao đã tán thành kế hoạch đó.
Hôm sau Mao Viên Tân trao cho Mao Trạch Đông một bài bình luận đăng trong tờ “Nhân dân Nhật báo”, lên án bọn gây rối loạn là bọn phản cách mạng, lúc đó có mặt Uông Đông Hưng, ông nói cho tôi biết, Mao tin cuộc biểu tình do bọn phản cách mạng gây rối, ngay giữa Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, trái tim của cả nước. Nhà cửa xe cộ bị đốt phá, Mao cho rằng có bàn tay của Đặng Tiểu Bình. Một lần nữa Đặng lại bị mất chức phó thủ tướng và phó chủ tịch đảng, nhưng không bị khai trừ khỏi đảng. Mao đưa Hoa Quốc Phong làm thủ tướng chính thức và giữ chức phó chủ tịch đảng thứ nhất. Mao Viên Tân đưa đề nghị của Chủ tịch tới Bộ chính trị để thông qua. Đài phát thanh Nhân dân thông báo, Đặng Tiểu Bình bị cách chức, Hoa Quốc Phong giữ chức thủ tướng thay Chu Ân Lai.
Chiều tối hôm ấy, Uông Đông Hưng chủ trì cuộc họp của Nhóm Một và đội cấp cứu. Ông loan báo nghị quyết của Bộ chính trị, phân phát tài liệu phát động chiến dịch phê phán Đặng Tiểu Bình và các thế lực mưu toan phủ nhận kết quả Cách mạng văn hoá. Khi cuộc họp kết thúc, Uông đề nghị tôi, Trương Diêu Tự và một vài sĩ quan an ninh ở lại. Ông khuyên chúng tôi nên thận trọng, giữ mồm giữ miệng, Uông trao tôi nhiệm vụ truyền đạt ý kiến cho các bác sĩ của nhóm. Uông là người cùng chí hướng với Đặng Tiểu Bình, mối nguy hiểm cũng đang đe doạ sinh mạng ông. Tôi xem lời khuyên này như một lời khuyên chúng tôi đừng lan truyền mối quan hệ của ông với những nhà lãnh đạo cũ bị thanh trừng.
Các bác sĩ, không có thời giờ bàn tán về chính trị. Họ có cả núi việc phải làm, tìm mọi cách tập trung chăm sóc sức khỏe cho Mao. Còn Chủ tịch vẫn phớt lờ sự yêu cầu khám xét cho ông. Bằng chứng duy nhất về trạng thái sức khoẻ của ông là xét nghiệm nước tiểu do y tá phục vụ ông cung cấp. Chúng tôi mượn dụng cụ xét nghiệm hiện đại, tối tân nhất của Bệnh viện 305 về để phục vụ công tác xét nghiệm. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm được cho Mao, tăng lượng nước tiểu bài tiết từ 500 phân khối lên 800 phân khối/ngày, ngoài ra chúng tôi không thể làm được gì hơn.