Mao sốt nhẹ, bệnh viêm phổi tái phát. Tôi muốn tiêm một đợt kháng sinh, như thường lệ ông từ chối tiêm, chỉ uống thuốc. Nhưng thuốc viên không đem hiệu quả mong đợi, bệnh trở lên trầm trọng. Chân phù nề, phổi xung huyết. Các cơn ho trở nên nặng hơn, tim loạn nhịp. Mao ốm nặng, tôi muốn mời các bác sĩ chuyên khoa khám tổng quát và hội chẩn tìm cách điều trị.
- Đồng chí muốn đẩy trách nhiệm sang người khác, phải không?
Mao giận dữ chỉ trích đề nghị của tôi. Tôi chịu thua.
Năm ngày sau, ông ngừng uống kháng sinh, tuyên bố: “Chúng vô tác dụng”. Mao cảm thấy khó ở, nằm bẹp trên giường, giấc ngủ chập chờn, đầu óc mụ mẫm, lẫn lộn.
Khoảng trưa 18-1-1972, y tá Ngô Tự Tuấn chạy đến tìm tôi khẩn cấp. Cô không thể tìm thấy mạch đập ở cổ tay Chủ tịch. Tôi chạy vào phòng ông. Có mạch nhưng rất nhanh, nhỏ 140/phút. Tôi báo Uông Đông Hưng và Chu Ân Lai, yêu cầu họ khuyên Mao cho phép bác sĩ khám, hội chẩn, xác định phương pháp điều trị. Mao yếu và ông thở nặng nề đến nỗi ông không thể thậm chí ho được nữa.
Chu Ân Lai đồng ý. Tôi dẫn một đội các bác sĩ chuyên khoa, gồm Thượng Đức Ngôn, chủ nhiệm gây mê hồi sức Bệnh viện tim mạch Bắc Kinh, Ngô Thế, Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Bắc Kinh, Hồ Thư Đông, Bệnh viện Trung Nam Hải và Nguyệt Mỹ Trọng, Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viên Tây Xuyên, hội viên Viện Y học cổ truyền Trung Quốc, một số nữ kỹ thuật viên đo điện tim.
Ban đầu Mao từ chối, nhưng tôi giải thích, nếu không khám tổng hợp phát hiện chính xác, chẳng bao giờ chữa khỏi, tình trạng mỗi ngày sẽ một tệ đi, hiện tại sức khoẻ ông quá yếu, khó thở, đến nỗi không ho nổi. Chứng phù nề mỗi ngày một tăng, tôi lo có thể ông có tổn thương nội tạng.
Cuối cùng Mao đã đầu hàng. Một đội bác sĩ tiến hành khám toàn bộ thể lực ông và đo điện tâm đồ. Kết quả kiểm tra toàn diện cho biết ông đang mắc chứng tim phổi phối hợp. Do điều này tim bơm không đủ lượng máu, não thiếu oxygen, gây chóng mặt, khó mở mắt, hay ngủ gà ngủ gật. Điện tâm đồ cũng cho thấy ông mắc chứng loạn nhịp tim.
Mao vẫn nói được, nhưng kiệt sức, lúc nào cũng cáu gắt. Khi Nguyệt Mỹ Trọng cố giải thích tình trạng của Chủ tịch bằng thuật ngữ y học cổ truyền Trung Hoa, Mao cắt ngang:
- Được rồi! Được rồi! Đi đi, ra chỗ khác mà giải thích!
Tất cả chúng tôi cáo lui, ông gọi tôi ở lại, bảo:
- Thuốc Bắc chả giúp gì được tôi, bảo anh chàng ấy biến đi cho tôi nhờ!
Bác sĩ Nguyệt Mỹ Trọng rất nổi tiếng và được kính trọng trong giới y học cổ truyền Trung Hoa, đã ngoài 70 tuổi. Chúng tôi không thể đuổi ông về ngay như thế.
Uông và tôi bàn nhau làm cách nào để bác sĩ Nguyệt không mất mặt. Uông Đông Hưng sẽ nghe các bác sĩ chẩn bệnh, sau đó gặp Nguyệt nói, giảm nhẹ bệnh tình Mao đi, rồi an ủi động viên Nguyệt trước khi cho về.
Ngô Thế, Hồ Thư Đông và tôi chịu trách nhiệm điều trị. Chúng tôi quyết định tiêm một đợt penicillin, uống địa hoàng kích thích tim cùng với thuốc lợi tiểu chữa phù thũng.
Mao đồng ý tất cả, trừ thuốc lợi tiểu. Mao nói:
- Các anh không phải chữa tất cả ngay một lúc. Nếu các bệnh tiêu tán hết, các anh còn việc gì mà làm nữa.
Mao vẫn chưa hiểu và chưa chấp nhận y học hiện đại một cách nghiêm túc Ông nghe tin Khang Sinh ốm, không biết đang uống thuốc gì. Ông ta muốn được điều trị cũng như thế. Nhưng vì theo phe Lâm Bưu, bây giờ Khang Sinh mắc bệnh lo nghĩ, suốt ngày ở trong nhà tại Điếu Ngư Đài, ngồi bất động trên ghế sofa. Bệnh Khang Sinh hoàn toàn khác bệnh Mao. Nhưng bác sĩ riêng của Khang, bác sĩ Hỗ, nói với tôi, Khang chỉ tin thuốc kháng sinh. Sau khi nghe Hỗ kể, tôi khuyên Mao dùng kháng sinh, kết hợp các thuốc khác. Mao vui khi nghe chuyện Khang Sinh, ông bảo:
- Thấy chưa, có cần uống một lúc nhiều thứ thuốc như thế đâu.
Mao dừng không dùng đại hoàng sau lần uống đầu tiên. Kháng sinh không giúp co bóp cơ tim. Phân tích máu cho thấy hàm lượng oxygen trong máu giảm nghiêm trọng, còn thấp hơn cả máu người mới chết. Tính mạng của Chủ tịch đang nguy hiểm.
Ngày 21-1-1972 tôi lại nói chuyện với Chu Ân Lai, đề nghị cố ép Mao hợp tác với các bác sĩ. Tôi nhấn mạnh, tình hình sức khỏe Chủ tịch rất nguy kịch, đồng thời Mao yêu cầu không nói cho Giang Thanh biết. Chu đồng ý.
Nhưng buổi tối, Chu đến chỗ Chủ tịch đưa Giang Thanh đi theo. Thấy họ, tôi thật sốc. Chu lại không giữ lời, ông giải thích với tôi khi Giang Thanh đi ra khỏi phòng:
- Chủ tịch ốm nặng. Nếu cái gì đó xảy ra, tôi biết ăn nói thế nào? Bà ta Uỷ viên Bộ chính trị, lại là vợ Chủ tịch. Ngoài ra, chúng ta đều trong tổ chức. Làm sao tôi không thông báo cho bà ấy cơ chứ?
Ngô Thế, Hồ Thư Đông và tôi kể cho Giang Thanh và Chu Ân Lai nghe về sức khoẻ Mao. Tôi nhấn mạnh rằng, nếu không thực hiện ngay lời khuyên của bác sĩ, tính mạng Mao sẽ rất nguy hiểm. Chu hỏi tỷ mỉ chúng tôi về quá trình điều trị.
Giang Thanh hỏi:
- Chẳng lẽ Chủ tịch mấy ngày trước đây không khoẻ hay sao, trước lúc ở Bắc Bảo Sơn ấy?
Bà nói tiếp:
- Mấy năm qua Chủ tịch trong trạng thái sức khỏe tốt. Thể lực ông khỏe, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, đừng có gây hoang mang.
Nhưng Chu Ân Lai biết rằng Mao ốm nặng. Ông theo dõi sức khoẻ Mao bắt đầu từ ngày Lâm Bưu chết. Chu đề nghị tôi dẫn ông cùng Giang Thanh đến gặp chủ tịch. “Những kinh nghiệm hiểu biết về y học của tôi có thể hữu ích” - Chu nói - “tôi dùng nó để khuyên Chủ tịch chịu khó chữa bệnh”.
Tôi vào trước. Trong áo choàng hở ngực, Mao ngồi ở ghế sofa, đầu ngả về phía sau, mắt nhắm nghiền, thở khò khè miệng hé mở, ngực phập phồng lên xuống theo nhịp thở, tay chân thẳng đơ như bị liệt, mặt nhợt nhạt.
- Chủ tịch! - Tôi thì thào, đứng bên cạnh sofa - Thủ tướng và đồng chí Giang Thanh đến thăm.
Chúng tôi kéo ghế gần ngồi gần ông, còn Uông Đông Hưng, Trương Diêu Tự đứng bên ngoài, cố lắng nghe chúng tôi nói. Chu xua tay, bảo họ ra ngoài.
Mao ho, cơn ho kéo dài cho đến khi khạc được đờm từ trong phổi bật ra. Tôi kéo chiếc ống nhổ, còn Giang Thanh đưa cho Mao khăn mùi xoa của mình. Ông gạt tay vợ và hướng về chiếc ổng nhổ.
Giang Thanh sống cách xa Mao quá lâu đến nỗi quên cả thói quen của chồng. Ông thường sử dụng ống nhổ.
- Các anh chị ở đây làm cái gì thế? - Mao bực tức. Chu liếc nhanh sang Giang Thanh, đang im lặng ngồi trên ghế.
- Chúng tôi vừa mới thảo luận về sức khoẻ của Chủ tịch - Chu bắt đầu - và muốn báo cáo với đồng chí.
- Chẳng có gì cần báo cáo! - Mao phản ứng - Đồng chí không phải bác sĩ, biết gì mà báo cáo. Đồng chí cần nghe lời bác sĩ.
Liếc sang Giang Thanh, Chu tiếp tục:
- Vừa mới nói chuyện với bác sĩ xong, ba người….
- Ba người nào? - Mao cắt lời.
- Lý Chí Thoả, Ngô Thế, Hồ Thư Đông. Họ đã báo cáo đồng chí Giang Thanh và tôi về tình trạng sức khoẻ của Chủ tịch.
Lúc này, Mao ngồi nhưng mắt còn nhắm. Bây giờ ông nhìn chăm chăm vào khách.
- Ừ, thế họ nói cái gì?
- Nói rằng Chủ tịch bị cảm - Chu giải thích - rồi dẫn đến viêm phổi. Viêm phổi dẫn đến ảnh hưởng tim. Chúng tôi nghĩ rằng cần tăng cường quá trình điều trị cho Chủ tịch - Chu quay về phía tôi. Đồng chí hãy giải thích cho Chủ tịch một lần nữa, bệnh gì và cách điều trị.
Mao không để tôi mở miệng.
- Đây là thuốc mà anh đưa cho tôi phải không? Tôi mất cảm giác ngon miệng vì cái này. Và từ nhiều mũi tiêm của anh mà lưng tôi đau cực kỳ và ngứa ngáy khó chịu.
Giang Thanh không bỏ lỡ cơ hội.
- Năm 1968 Lý Chí Thoả định đầu độc tôi bằng thuốc, ông đã ngạc nhiên vì sao anh ta định đầu độc tôi chứ không phải ông. Ông khi đó đã hỏi tôi: “Có thể, anh ta đầu độc tôi đơn giản hơn bà”. Ông còn nhớ chứ? Giờ đây mọi việc rõ rành ra rồi đấy. Anh ta cố tình hại ông.
- Giời ạ! Bà vừa mới ra một tuyên bố tuyệt vời, đúng không? - Mao nói một cách cay độc, quay sang phía tôi.
Tôi tưởng chừng bị cú đấm như trời giáng vào bụng, miệng cứng lại, chết đứng. Giang Thanh buộc tội mưu sát, còn Mao lại đồng ý.
Giang Thanh rít qua kẽ răng:
- Bước ra khỏi đây ngay. Anh không còn có thể giở trò bẩn thỉu thêm gì ở đây nữa đâu.
Đột nhiên tôi thấy thanh thản. Sự sợ hãi tan biến. Tất cả đều vô nghĩa. Tôi sẽ bị bắt, bị tử hình, bị thải hồi. Tất cả chấm hết. Tôi chậm rãi đi ra cửa, nhìn qua Chu Ân Lai, ông ngây người, chết lặng, mặt tím tái, tay run lẩy bẩy.
Mao nói vừa đúng lúc tôi đi đến cửa.
- Đứng lại - ông nói to - Nếu ai đó chống lại anh, họ phải được nói công khai - Sau đó ông quay sang phía Giang Thanh - Tại sao bà chống lưng hộ người khác?
Tôi cảm tưởng như một tảng đá ở miếng hố rơi xuống vực, nhưng vào chỗ an toàn. Tôi biết, nếu tôi được quyền biện minh, tôi tin sẽ thắng. Chu, theo tôi nghĩ, cũng tỏ ra thoải mái.
Tôi bắt đầu giải thích cho Mao rằng theo tôi, có cái gì đó không đúng trong lời của ông. Nguyên nhân ăn mất ngon, vì hệ tuần hoàn vận chuyển máu bị chậm bởi tim bị yếu.
- Thân thể đồng chí bị phù nề, có lẽ, do một số cơ quan nội tạng chẳng hạn dạ dày và hệ tiêu hoá cũng phú nề do thiếu dưỡng khí, tất cả làm đồng chí chán ăn. Các thứ thuốc không đến kịp toàn thân vì hệ tuần hoàn trì trệ, từ đó gây ra cảm giác đau, ngứa ngáy
Nhưng Mao đâu có nghe. Ông lắc đầu, tay ông vỗ vỗ lên sofa.
- Giang Thanh, đám ngó sen bà biếu tôi, người ta đã đun lên lấy nước, tôi đã uống, rồi nôn hết. Thuốc của bà cũng vô dụng.
Ngó sen, một vị thuốc cổ truyền Trung Quốc, Khang Sinh nói với Giang Thanh chữa chứng mất ngủ.
Tôi suýt nữa bật cười khi nghe Mao đốp chát bà vợ. Giang Thanh ngồi, mặt cau có, thở nặng nhọc, day trán bằng mùi xoa.
Mao ngả đầu lên đi văng.
Sau đó quay sang phía tôi:
- Hãy ngừng tất cả các biện pháp chữa đi. Ai còn muốn tôi điều trị tiếp, hãy ra khỏi đây đi!
Tôi choáng váng. Mao bị bệnh. Không điều trị thì chết. Ông cần phải được khỏi bệnh
Mao quay lại Chu Ân Lai.
- Tôi khá yếu. Tôi không nghĩ là có thể sống lâu hơn. Tất cả giờ đây phụ thuộc vào anh…
Chu Ân Lai hoảng.
- Ồ! Không! Bệnh tật của đồng chí đâu có nặng đến thế - Chu bối rối. Tất cả chúng tôi vẫn trông đợi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch.
Mao lắc đầu một cách yếu ớt.
- Không. Tôi không sống được nữa đâu. Các đồng chí sẽ chăm lo tất cả mọi thứ sau khi tôi chết - giọng Mao mệt mỏi - Hãy xem điều này như là di chúc của tôi.
Giang Thanh thất kinh, mắt mở to, tay nắm chặt. Bà đang giận điên người.
Chu khép chân lại, để tay lên đầu gối, ngả người về phía Mao, đờ người. Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc trao quyền điều hành toàn bộ đất nước, đảng, chính phủ, quân đội cho thủ tướng, Mao lại giao quyền đó trước mặt vợ, ông muốn chính ông làm việc này. Tôi vẫn run rảy, mồ hôi vã ra như tắm từ những sự việc xảy ra. Tôi đã nhận thấy tín hiệu trong lời Mao. Bây giờ tôi cảm thấy rằng chính ở phút này lần đầu tiên Mao đã nhận ra cái chết của mình.
Cuối cùng Mao nói:
- Việc đã được quyết xong. Mọi người có thể đi được rồi đấy.
Ngay lúc chúng tôi đi vừa tới trạm gác, nơi Uông Đông Hưng, Trương Diêu Tự đợi, Giang Thanh quẳng chiếc mũ lưỡi trai quân đội xuống sàn.
- Xung quanh đây có bọn gián điệp! - Bà ta phun ra từng lời cay độc - Được, ta sẽ tìm ra bằng được.
Giang Thanh quay sang Chu Ân Lai:
- Triệu tập ngay Bộ chính trị, ở Hội trường Hoài Nhân.
Sôi tiết vì phẫn nộ, bà bỏ đi.
Tôi có thể đoán ai mà Giang Thanh cho là gián điệp, trong số đó có cả tôi. Tất nhiên bà ta cho Uông Đông Hưng là thủ lĩnh.
- Đồng chí Uông Đông Hưng! - Chu Ân Lai nói với người phụ trách công việc an ninh - Thông báo cho tất cả các Uỷ viên Bộ chính trị, hiện đang có mặt ở Bắc Kinh đến họp khẩn cấp.
Lúc ấy là 9 giờ tối.