Từ năm 1949, sau khi trở về Trung Quốc những ngày lễ 1-5 và quốc khánh 1-10 tôi thường xuyên đi dự ở quảng trường Thiên An Môn, đó là những ngày đầy tự hào, sung sướng. Dưới lễ đài, quần chúng hân hoan với rừng cờ, biểu ngữ, từng đoàn diễu hành, đoàn quân nhạc đi qua lễ đài. Ngắm nhìn các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước đứng trên lễ đài vẫy tay chào đón nhân dân, những ngày lễ khơi dậy trong tôi lòng tự hào dân tộc. Nhưng hôm nay không còn đứng dưới quảng trường, tôi được đứng trên lễ đài cùng với những nhà lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước chào đón, ngắm nhìn quần chúng hân hoan dưới quảng trường Thiên An Môn.
Tôi ngồi xe đầu tiên cùng La Thuỵ Khanh. Khi xe đến phía sau cổng Thiên An Môn, La Thuỵ Khanh xuống khỏi xe, chạy lại chiếc xe Mao ngồi, kính cẩn mở cửa, nâng tay lãnh tụ. Mao nhìn La với vẻ không hài lòng, tự xuống xe, cáu kỉnh nói:
- Đừng vô ý như thế, tôi không cần giúp, người cần giúp là phó chủ tịch Tống Khánh Linh.
Ngày lễ quốc tế Lao động 1-5, chính phủ cộng sản bề ngoài vẫn duy trì Mặt trận thống nhất liên hiệp giữa những người cộng sản với phong trào dân chủ và các đảng phái không cộng sản. Người đại diện và phát ngôn viên của chính sách đại đoàn kết thống nhất dân tộc là bà Tống Khánh Linh, phu nhân của cố tổng thống Tôn Trung Sơn. La Thuỵ Khanh chạy sang, nhưng bà đã ra khỏi xe.
Tống Khánh Linh khoảng sáu mươi tuổi, trông còn trẻ đẹp và duyên dáng, đây là lần đầu tiên tôi thấy bà trên lễ đài. Bà toát lên vẻ đôn hậu, dịu dàng, thân mật bắt tay từng người.
Một số người khác được mệnh danh nhân sĩ dân chủ lại hoàn toàn trái ngược, tất cả tỏ vẻ cao ngạo, lạnh nhạt chào mọi người, uể oải, bước từng bước chậm chạp như đã già cả, yếu sức. Mao chân thành chào họ, sau đó quay về phía Tống Khánh Linh, lịch thiệp nhường bà dẫn đầu lên phòng khách trên cổng Thiên Bình, giúp Tống Khánh Linh bước lên các bậc thềm đá thô nháp.
Khi chúng tôi lên đến trên, một tràng vỗ tay vang lên đón khách của nhiều người đã có mặt. Tôi không ngờ phía tiền sảnh và phòng tiếp khách rộng lớn đến thế, có nhiều ghế bành êm ái xếp theo hình giẻ quạt và bày rất nhiều thức ăn, đồ uống, hoa quả. Vì thế các nhà lãnh tụ tối cao có thể ngồi ở đây 5 đến 6 giờ liền để xem đoàn diễu hành nhưng không thấy thể hiện mệt mỏi.
Mao bắt tay tất cả khách mời, sau đó tiến về ban công của lễ đài nhìn xuống quảng trường. Ban công được trang hoàng bằng biểu ngữ, cờ đỏ rực rỡ, được ngăn với tiền sảnh phòng đón tiếp bằng một tấm rèm lớn, người ngoài không thể nhìn thấy bên trong. Tôi theo Mao lên lễ đài, nhìn mọi người ngưỡng mộ chào mừng, ông giơ tay vẫy chào, chậm rãi, nghiêm trang, đi dọc lễ đài, gửi lời chào tới tất cả mọi người có mặt ở dưới quảng trường Thiên An Môn rộng lớn. Vẻ mặt của lãnh tụ bình thản, nhưng tôi biết ông rất tự hào, tràn trề niềm vui. Tôi cũng cảm thấy hoàn toàn như thế. Quảng trường giống như một biển người dập rờn, nhấp nhô nhiều màu sắc. Trong đó có thể phân biệt được, áo trắng của hàng ngàn sinh viên, khăn quàng đỏ của thiếu nhi tiền phong, biểu ngữ đỏ của đại diện giai cấp công nhân và trí thức. Khi Mao xuất hiện trên lễ đài, đám đông ồn ào chuyển động, cờ hoa vẫy liên tục, khẩu hiệu hô vang ca ngợi đảng cộng sản, Trung Hoa mới và Mao chủ tịch.
Thị trưởng Bắc Kinh Bành Chân khai khai mạc buổi lễ. Sát dưới lễ đài, quân nhạc cử quốc ca. Đại bác bắn 21 phát chào mừng. Tiếp theo quân nhạc tiếp tục hoà tấu bản “Đông phương hồng”, “Quốc tế ca”, cuối cùng, bài “Hành quân ca”.
Buổi lễ bắt đầu.
Đầu tiên diễu binh. Các đại diện cho hải, lục, không quân trang phục chỉnh tề diễu qua quảng trường, rồi xe tăng và pháo binh. Quân nhạc vang những khúc quân hành, Mao chủ tịch và các vị lãnh đạo đứng trên lễ đài xem đoàn quân diễu binh. Sau đó, cuộc tuần hành trên Thiên An Môn. Dường như làn sóng người khổng lồ phủ lên là đội ngũ những người lao động, công nhân và sinh viên. Hàng đoàn người cờ hoa, biểu ngữ sặc sỡ. Quần chúng lao động chào mừng những người lãnh đạo đất nước đứng đầu với Mao.
Diễu binh và tuần hành kéo dài vài giờ, nhưng Mao rất xúc động gần như không rời lễ đài, chỉ thỉnh thoảng vào phòng uống nước cho đỡ khát.
Lúc gần kết thúc, hàng nghìn thiếu nhi sơ mi trắng, khăn quàng đỏ lên lễ đài. Chẳng có gì ngạc nhiên khi những người tuần hành tỏ lòng ngưỡng mộ Mao. Hình như người ta đã kiểm tra cẩn thận từng người.
Mao nói:
- Tham dự buổi lễ, đồng chí nhận thêm bài học tuyệt vời chủ nghĩa yêu nước, càng yêu tổ quốc mình hơn.
Ông nói đúng quá đi rồi. Trong ngày 1-5-1955 lần đầu tiên tôi đứng trên lễ đài cạnh lãnh tụ, nhìn xuống biển người mà lòng cảm thấy niềm tự hào lớn lao về tổ quốc vĩ đại, sẵn sàng cống hiến hết sức mình.
Cuộc tuần hành kết thúc khoảng 4 giờ rưỡi chiều, chúng tôi về Trung Nam Hải. Mao nghỉ ở phòng đọc Hương Cúc, La Thuỵ Khanh gặp Mao báo cáo, 7 giờ tối mọi người trở lại quảng trường Thiên An Môn dự lễ bắn pháo hoa.
La Thuỵ Khanh nói với tôi:
- Đồng chí rất mệt phải không, nhưng tôi sẽ chờ tất cả các đồng chí tại đây lúc 6h30. Đừng chậm đấy!
Tôi quay về nhà khu phía Nam của Trung Nam Hải. Vợ và con trong lúc chờ, chơi cờ tướng. Hôm ấy tôi đã hứa với gia đình đi công viên, sau đó rẽ vào thăm mẹ dự bữa cơm liên hoan, nhưng tất cả kế hoạch phải bỏ.
- Em biết nói với mẹ gì đây? – Lý Liên than thở.
Tôi bảo nhà tôi và cháu đến chỗ mẹ trước, hứa rằng xong việc, sẽ đến đó luôn, nhưng nếu không có mặt trước lúc 9 giờ tối, hai mẹ con cứ về nhà. Sau đó tôi quay về phòng làm việc với Nhóm Một, tranh thủ ăn bát mỳ.
Mọi người đã tới. Các thư ký và bảo vệ than phiền chưa kịp ăn tối nữa. Uông Đông Hưng an ủi họ:
- Đừng lo, ở Thiên An Môn thừa đồ ăn cho tất cả mọi người. Chỉ đừng có tụ tập cả đống quanh bàn, để người ta khỏi xì xào, nhân viên của Mao được đối xử đặc biệt, ăn món ăn dành cho các lãnh tụ.
Đến 7 giờ, nhưng Mao vẫn chưa thấy đâu. Cuối cùng Uông Đông Hưng giải thích:
- Vương Gấu Lớn đang cắt tóc cho Chủ tịch.
Đến 7 rưỡi, La Thuỵ Khanh nhắc Uông Đông Hưng nói cho Mao biết đã đến giờ lên đường. Uông Đông Hưng biến vào phòng Mao. Tôi theo gót ông tới đó xem sao.
Mao ngồi ghế mây trong nhà ăn, khăn trắng quấn từ cổ trở xuống, tay cầm cuốn sách cũ mỏng, được đóng gáy bằng dây, đang mải mê đọc, lúc xoay bên người bên này, lúc bên kia chẳng hề để ý đến Vương Gấu Lớn, người phó cạo cao lớn đang xoay người theo Mao để cắt tóc. Người Vương đầm đìa mồ hôi.
Vương Gấu Lớn – cắt tóc cho Mao từ cuối những năm 30. Tên ông Vương Hoá, ông ngoài 60 tuổi. Khi đảng năm 1942 tiến hành chiến dịch thanh lọc hàng ngũ, Vương bị buộc tội thiếu lòng tin vào đảng. Vụ việc này được đem ra mổ xẻ, người ta tuyên bố, thợ cạo Vương Hoá tự thú nằm trong số những người mưu giết Mao bằng dao cạo.
Sau này Mao kể, bảo tôi:
- Tôi không tin về lời tự thú của Vương Gấu Lớn, chả lẽ tay phó cạo này cắt tóc, cạo râu cho mình từng ấy năm thậm chí chẳng có lần nào làm xước mặt bao giờ, nếu như muốn, anh ta giết tôi từ lâu. Tôi cho gọi Vương Gấu Lớn đến. Anh ta quỳ xuống, nước mắt đầm đìa thú tội, có ý định giết lãnh tụ.
Mao hỏi:
- Vì sao anh vẫn chưa giết tôi?
Vương trả lời rằng còn chờ quân Quốc dân đảng kéo tới. Mao nói:
- Nhưng nếu họ tới được thì họ giết tôi, cần gì đến anh!
Mao bắt Vương phải kể hết sự thật và ông phó cạo nói, trong khi hỏi cung người cán bộ điều tra không cho ông ta ngủ mấy hôm liền, bắt ông nhận tội chống Mao mới cho phép ngủ. Mao nói:
- Khi phát động chiến dịch, tôi đã nhấn mạnh, cần làm tìm rõ sự thật, chứ không được gán hay ép tội cho người lương thiện.
Vương Gấu Lớn, người thợ cạo to lớn trở thành người trung thành tuyệt đối của Chủ tịch. Thật kỳ lạ, phần đông những người phục vụ họ rất tin cẩn, tận tuỵ, trung thành tuyệt đối với Mao thời ấy, chính họ đã được Chủ tịch cứu sống khỏi sự trừng phạt.
La Thuỵ Khanh đi đến thì thào với Vương Gấu Lớn:
- Nhanh tay lên một tí được không?
Uông Đông Hưng cũng thì thào:
- Không được, nhỡ vội, vô tình gây tai nạn, có phải rách việc ra không.
Tóc cắt xong, Vương Gấu Lớn bắt đầu cạo râu. Công việc này té ra lại phức tạp hơn. Mao vẫn mải đọc, cằm của ông hạ thấp, má sát tập sách Vương buộc phải quỳ xuống để đưa dao cạo vào đúng chỗ, thời gian cứ trôi dần.
Cuối cùng mọi việc kết thúc, bầu đoàn kéo tới quảng trường. Tôi ngồi cùng xe với Uông Đông Hưng và La Thuỵ Khanh. Họ thảo luận vấn đề cắt tóc và cạo râu của Chủ tịch. La Thuỵ Khanh đề nghị mang một chiếc ghế cắt tóc từ khách sạn Bắc Kinh đặt vào phòng riêng cho Mao. Uông Đông Hưng nói, đã gợi ý từ lâu, nhưng Mao từ chối. Uông nói thêm:
- Chủ tịch thích ngồi như thế.
La Thuỵ Khanh tiếp tục:
- Nhưng Vương Gấu Lớn già quá rồi, tay thì run run, cái gì xảy ra nếu ông ta làm xước mặt Mao. Lúc ấy hơi ghê đấy!
Uông nói:
- Nhưng tìm được người thay Vương cũng chẳng đơn giản. Chủ tịch không muốn thay. Ông sợ, không thể tin một người ở đâu lạ hoắc, cứ quanh quẩn bên cạnh với con dao sắc trong tay.
La Thuỵ Khanh im. Tôi nghĩ đáng lẽ ông ta phải hiểu chuyện này hơn ai hết, phải hiểu tính đa nghi của Chủ tịch. La Thuỵ Khanh rất trung thành nhưng không thể và mãi mãi không hiểu Chủ tịch. Nghe hai người trao đổi, đột nhiên sợ rằng một ngày nào đó, khi tôi đến chữa bệnh đem theo bơm tiêm và tiêm vào người Mao. Chủ tịch cho phép tôi làm điều này chỉ khi nào ông tin tôi tuyệt đối. Tôi cần phải chiếm được niềm tin, nếu không chiếm được lòng tin, tôi không thể làm bác sĩ riêng của lãnh tụ trong tương lai. Tôi cần phải gần gũi Chủ tịch hơn nữa, để ông hiểu, phải cố gắng trở thành người bạn của ông.
Ngay lúc Mao lên ban công, pháo hoa bắt đầu bắn lên. Tất cả các toà nhà lớn bừng sáng bởi hàng nghìn bóng đèn nối liền đường dây điện các toà nhà với nhau. Phía dưới là quảng trường Thiên An Môn rộng lớn, hàng trăm nghìn người vui sướng, hạnh phúc, hớn hở quây quần nhảy múa.
Trong khi xem pháo hoa, Chu Ân Lai đến chỗ Mao đề nghị lãnh tụ chụp ảnh kỷ niệm với khách nước ngoài được mời đến dự lễ. Trong số khách có cả Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân Việt nam.
Ông Hồ năm ấy 65 tuổi, tuy gầy gò nhưng đầy sinh lực. Ông nổi bật ở bộ râu hoa râm, thưa và dài, ăn vận như một nông dân, chân đi đôi săng-đan. Một vệ sĩ nói với tôi, ông từng sống ở Trung Quốc nhiều năm và rất thích các đồ Trung Quốc từ thức ăn, quần áo đến nhà cửa, phương tiện đi lại. Ông nói tiếng Trung rất thạo, do nhiều năm sống ở Vân Nam và Quảng Đông, hai tỉnh giáp giới Việt nam. Người ta giới thiệu tôi với ông, tôi rất mến mộ ông. Mao, vị tư lệnh đầy uy quyền, còn Hồ Chí Minh tính tình chan hoà, cởi mở, dễ gần không làm người khác khiếp sợ.
Pháo hoa kết thúc lúc 10 giờ đêm. Tôi không biết phải chi phí hết bao nhiêu tiền cho vui chơi và phục vụ khách khứa, nhưng người ta kể, chỉ riêng tiền pháo hoa cũng hết nửa triệu nhân dân tệ. Năm ấy lương công nhân trung bình khoảng 30 nhân dân tệ một tháng. Về sau tôi coi tất cả những buổi lễ được tổ chức đều quá lãng phí và tội lỗi. Đặc biệt, những ngày lễ tổ chức trong thời kỳ “ba năm đói kém, mất mùa” hàng triệu người chết đói. Từ đó trở đi ngày lễ với tôi cũng mất ý nghĩa.
Đối với Mao cũng vậy, ông thấy không cần thiết tổ chức lễ hội. Một năm hai ngày, Quốc khánh và Quốc tế lao động đã làm ông kiệt sức. Vì thế Mao chỉ đến đúng giờ khai mạc, hơn nữa ông thường mất ngủ vào đêm trước buổi lễ vì quá lo lắng, càng làm bệnh mất ngủ của ông thêm tồi tệ. Trước sự quá hân hoan, hăng hái của quần chúng nhân dân làm ông vui vẻ đã tiếp sức mạnh giúp ông dự hết buổi. Nhưng thường sau những ngày ấy ông bị cảm, đôi khi chuyển sang viêm phế quản, ốm đến tuần lễ. Khi ông có tuổi, bệnh viêm phế quản thường xuyên bội nhiễm biến thành viêm phổi.
Mao rất ghét phải đóng bộ để dự lễ. Một trong những lý do ông từ chức chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa vì ông không muốn có mặt trên lễ đài những ngày lễ 1-5 và ngày Quốc khánh. Ông muốn bỏ bớt những buổi lễ mệt nhọc và các cuộc gặp gỡ ngoại giao. Giữa thập niên 1960, ông yêu cầu ngày 1-5 cứ 5 năm mới tổ chức một lần để giảm bớt lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân. Trong những năm cuối Cách mạng văn hoá, lúc cao trào đấu tranh giành quyền lực tăng cao, Mao xuất hiện trên quảng trường Thiên An Môn tám lần cả thảy. Ông chào mừng Hồng vệ binh từ khắp các ngõ ngách Trung Quốc, thổi vào họ những luồng khí lực kích thích mới. Đương nhiên, phí tổn cho cuộc biểu dương lực lượng vượt quá tiền chi cho buổi lễ do nhà nước tổ chức. Nhưng để giải quyết vấn đề quyền lực, Mao không ngần ngại chi phí. Sau âm mưu bất thành, Lâm Bưu bay sang Liên Xô tháng 9-1971, Mao cũng thôi tham dự các buổi lễ.
Tuy nhiên ngày 1-5-1955 Mao vẫn còn đang vui mừng thích thú, còn tôi hoan hỉ bên cạnh ông, chẳng quan tâm chuyện tốn kém tiền bạc.
Tôi đợi đến cuối buổi lễ để được quay về xum họp gia đình. Nhưng lại có vấn đề nảy sinh. Tôi ngạc nhiên khi biết Mao rất thích khiêu vũ một cách cuồng nhiệt. Sau cách mạng hơn chục năm, khiêu vũ bị cấm, các vũ trường bị đóng cửa, coi như đó là lối sống tư sản. Tuy nhiên đằng sau bức tường Trung Nam Hải, Mao hàng tuần đều bố trí khiêu vũ. Buổi khiêu vũ thường tổ chức ở phòng Liên Xuân, phía bắc tư dinh Mao. Ngay tối hôm ấy, sau khi bắn pháo hoa, Mao quyết định khiêu vũ và tôi, bác sĩ riêng phải ở lại với ông.
Tôi theo Mao vào đại sảnh. Tức khắc vây quanh Mao là những cô gái trẻ của nhóm khiêu vũ trong bộ phận bảo vệ Mao. Họ tán tỉnh ông và mời ông nhảy. Ban kèn hơi chơi những bài nhạc nhảy điệu foxtrots, van-xơ (waltzes) và tango, còn Mao nhảy với hết cô này đến cô khác. Ông nhảy chưa đẹp, nhưng đúng nhịp, khá tao nhã. Sau mỗi lần nhảy, ông thường nói chuyện với bạn nhảy đôi lời khoảng 5 phút sau đó đổi bạn nhảy. Những người còn lại cũng theo gương Mao vào nhảy. Giang Thanh đêm ấy vắng mặt. Đêm hôm trước bà bay đi Hàng Châu, tuy nhiên Chu Đức và Lưu Thiếu Kỳ có tham dự. Sàn nhảy có một chiếc bàn, Mao và hai lãnh đạo ngồi xung quanh. Hàng trăm người phục vụ và ca sĩ của ban nhạc ngồi ở ghế đặt quanh tường phòng nhảy. Đàn ông ít hơn phụ nữ, vì thế các cô gái xinh đẹp mời tôi nhảy.
Dần dần người ta thay các điệu nhạc phương tây bằng nhạc kinh kịch Trung Quốc. Kinh kịch, môn nghệ thuật cổ điển truyền thống, thường là một chuyện tình sướt mướt, mưu mô, xảo quyệt, thậm chí đôi khi thiếu đứng đắn. Bản thân nhạc Trung Quốc người phương tây không thể hiểu được, chỉ toàn những tiếng kèn nghe chói tai, khác hẳn tiết tấu nhạc khiêu vũ Tây phương. Tôi ngạc nhiên đêm đó lại vang lên bản kinh kịch của Thục Sơn Khải Kiệt, kể về tình yêu của một cô gái điếm với chàng sinh viên trẻ. Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa mọi người chiều theo ý Chủ tịch ra sàn nhảy, nhạc kinh kịch nhưng khiêu vũ lối phương tây.
Khuya rồi, tưởng nhiệm vụ đã xong, tôi gặp Lý Ẩm Kiều báo cáo về nhà, nhưng anh ta nói:
- Đồng chí cần ở lại. Chủ tịch đang vui nhảy, nhưng vẫn quan sát tất cả chúng ta đấy. Nếu bây giờ đồng chí về, Chủ tịch đánh giá giữa chúng ta có cái gì trục trặc, tôi sẽ bị khiển trách.
Tôi ngạc nhiên:
- Thế là thế nào? Giữa chúng ta có mâu thuẫn gì đâu.
Lý trả lời:
- Đúng thế, nhưng đồng chí chưa hiểu Chủ tịch. Hãy nghe tôi, sau này sẽ hiểu.
Lý hoàn toàn đúng. Thậm chí khi Mao nghỉ ngơi, ông ta cũng biết người của ông ở đâu, bắt tất cả mọi người phải ở bên cạnh ông. Một năm sau, ở Hàng Châu, tôi mệt đến mức quyết định không đến khiêu vũ. Tôi quay về vào buồng mình, nghỉ một lát, nhưng tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa, tay vệ sĩ của Mao đứng ngay ngưỡng cửa:
- Có thật là người ta không báo cho đồng chí về buổi dạ hội không?
Anh ta nói thêm:
- Đồng chí nên đi ngay!
Sau này vào năm 1958 ở Hồ Nam, tôi quyết định phớt lờ cuộc vui ban đêm do trời mưa to. Tuy nhiên sau một giờ, tay phụ trách công an tỉnh Hồ Nam xuất hiện, nói, Mao chủ tịch trao cho anh nhiệm vụ đón tôi. Sau đấy, tôi hiểu, mình phải luôn có mặt bên Mao.
Phải vài năm sau tôi mới hiểu, Mao thu xếp các buổi khiêu vũ ban tối để làm gì. Các nhóm khiêu vũ thuộc bộ phận bảo vệ do Uông Đông Hưng xây dựng. Té ra, đội ngũ các cô gái nhẩy ấy không chỉ tiêu khiển các tay vệ sĩ và lính tráng, còn cho cả lãnh tụ. Trong nhóm có nhiều cô gái nhảy duyên dáng, thành thạo được trải qua thử thách lòng trung thành về mặt chính trị.
Năm 1961, người ta mang một trong những chiếc giường của lãnh tụ sang buồng bên cạnh phòng nhảy. Trong thời gian khiêu vũ, Mao không ít lần vào đó thư giãn cùng với các bạn nhảy xinh đẹp của mình.
Phó Chủ tịch Uỷ ban quân sự Bành Đức Hoài hai lần phê bình Mao về chuyện phiêu lưu tình ái với gái nhảy trong các cuộc họp Bộ chính trị. Bành, một Uỷ viên Bộ chính trị trung thực, thẳng thắn và người duy nhất thường phê bình Mao. Bành cũng tuyên bố, Mao sống như vua và chứa chấp khoảng ba nghìn tì thiếp. Ngoài ra, Bành buộc tội La Thuỵ Khanh và Uông Đông Hưng đã thoả mãn mọi ý thích của lãnh tụ. Kết quả nhóm gái nhảy bị giải tán, nhưng Mao chẳng thay đổi gì, tiếp tục kéo các cô gái trẻ vào giường mình. Ông tìm những cô gái này chủ yếu ở các đoàn văn công thuộc Giải phóng quân Trung Quốc, trong quân khu Bắc Kinh, trong các đơn vị không quân, đường sắt, pháo binh, cuối cùng là ở các tỉnh Triết Giang, Giang Tây và Hà Bắc. Nhưng lãnh tụ cũng chẳng từ cả các nữ nhân viên làm việc phục vụ Ban chấp hành trung ương.
Nhưng buổi khiêu vũ lần đầu đêm 1-5-1955 tôi vẫn còn chưa biết điều đó. Tôi rất muốn về nhà, nhưng phải chờ đến cuối buổi. Tôi khước từ buổi dạ tiệc của Uông Đông Hưng, ấy thế mãi đến gần hai giờ sáng tôi mới được về với vợ con.
Lý Liên đưa tôi bát cơm rang, rất thất vọng vì ngày vui của gia đình vắng tôi. Mẹ tôi chuẩn bị bữa cỗ ngon lành. Cả nhà chờ tôi đến 10 giờ tối mới ngồi vào bàn. Thằng con trai nhỏ của tôi mệt đến nỗi ngủ lại nhà bà nội.
Sau vài tuần kể từ buổi gặp Mao hôm đầu, cuộc sống của tôi đã ra khỏi tầm tay. Chế độ sinh hoạt hàng ngày đảo lộn, Lý Liên nhận xét:
- Anh đã nhiễm thói quen của Mao chủ tịch!
Từ lúc nhận việc bác sĩ riêng của lãnh tụ, cuộc sống của tôi và gia đình tôi trong suốt hai chục năm liền luôn luôn trong tình trạng bất ổn, khác trước hoàn toàn. Tôi rất yêu Lý Liên, nhưng hiếm khi có mặt ở nhà. Các buổi giỗ chạp ở nhà mẹ thường vắng mặt tôi. Trong 22 năm làm việc với Mao tôi chỉ có một tuần nghỉ phép.
Theo lịch công tác, Mao thường yêu cầu tôi phải có mặt vào sáng sớm, về nhà quá nửa đêm, Lý Liên vẫn thức chờ tôi và rất lo lắng.
Mao thường xuyên đi, tôi phải tháp tùng ông, đôi khi vắng nhà vài tháng, có một lần gia đình không nhìn thấy tôi cả năm. Lý Liên luôn trong tình trạng lo lắng cho tôi nên ăn ngủ kém. Thằng con thứ hai của tôi, Erchong sinh năm 1956, ngày sinh nó tôi cũng không có mặt ở nhà.
Không chỉ giữa tôi và Lý Liên thường xuyên xa cách, tôi còn bị cuốn vào vòng xoáy của Bắc Kinh, nhưng Lý Liên vẫn không được vào đảng. Người ta không thể tin về chính trị vợ tôi do thành phần xuất thân, do đã từng ở làm sở của Mỹ và Anh. Chỉ có chức vụ của tôi mới bảo vệ được Lý Liên trong những cuộc bão táp chính trị, gây ra bao cái chết của những người vô tội.
Trong những năm ấy, vợ tôi hy sinh tất cả cho gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc mẹ già. Lý Liên cố gắng xây dựng trong nhà bầu không khí ấm cúng hạnh phúc để trong những giờ hiếm hoi khi tôi ở nhà, giúp tôi cảm thấy sung sướng và yên tâm làm việc. Lý Liên trở về Trung Quốc khi còn trẻ, hiền lành và đầy nghị lực. Trong máu vợ tôi sôi lên nhiệt huyết, hăng hái. Nhưng năm tháng đã làm vợ tôi thay đổi đến mức tôi cảm thấy đau lòng và thất vọng. Sự sợ hãi vì tôi, không công việc ổn định trong cuộc sống mới ở Trung Quốc, khiến vợ tôi trầm cảm.
- Chúng ta sống như chiếc bè phiêu dạt. Có gia đình cũng như không.
Vợ tôi than thở trước khi nhắm mắt.