Đời tư Mao Trạch Đông

Chương 41

Docsach24.com
uối tháng 12-1959, tôi nhận được lệnh trở về Nhóm Một. Hứa Vân Bích, thứ trưởng Bộ y tế đến thăm, ông nói chuyện với bác sĩ điều trị Ngô Tiếp, về trường hợp của tôi. Khi Lý Ẩm Kiều định lôi tôi ra khỏi viện, Ngô Tiếp nói, tôi cần phải nghỉ thêm một thời gian nữa. Thứ trưởng Bộ y tế can thiệp, Ngô Tiếp buộc phải đồng ý cho tôi xuất viện.

Tôi muốn ở lại bệnh viện, nhưng Hứa không chịu. Mẹ của Hoàng Thụ Trạch, người thay thế tôi, vừa mới mất. Cho nên Hoàng phải về Thiên Tân lo mai táng. Vì thế Nhóm Một đang cần tôi.

Tôi vẫn tiếp tục khước từ.

Nhưng sự bình phục của tôi lại bao hàm một ý nghĩa chính trị. Hứa cảnh cáo:

- Chiến dịch chống bọn cơ hội hữu khuynh đang lan nhanh như cơn lốc. Nếu đồng chí thực sự chẳng bệnh tật gì nghiêm trọng, cứ ở trong bệnh viện thật khó coi.

Rõ ràng một vụ tống tiền chính trị. Trong thời gian bốn tháng tôi nằm viện, tình hình đã thay đổi khá nhiều. Bành Đức Hoài bị cách chức trong quân đội. Cấp phó của ông, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành cũng mất chức luôn. La Thuỵ Khanh được bổ nhiệm thay thế Hoàng. Lâm Bưu thay chỗ Bành Đức Hoài, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ tịch Quân uỷ trung ương, phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Nhiều người tự hỏi, tại sao Mao lại để cho một người già yếu như vậy đảm nhận quá nhiều trọng trách đến thế.

Công việc đầu tiên Lâm Bưu với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, công kích người tiền nhiệm trong cuộc họp của Quân uỷ lên án Bành “kẻ chống đảng” và “hữu khuynh”. Sau đó, quay sang tấn công Nguyên soái Chu Đức, ông mỉa mai nói về Chu, người đã từng cùng Mao sáng lập ra Hồng quân: “Với tư cách Tổng tư lệnh đồng chí Chu đã làm được những gì? Đồng chí ấy chưa tham gia một trận đánh lớn nào, cũng chẳng có được một thắng lợi lớn nào. Đồng chí ấy chẳng là gì ngoài chức “tổng tham mưu đen”. Bài phát biểu của Lâm đã được Mao cho phép. Chủ tịch đã quay lưng lại với Chu Đức, người bạn chiến đấu cũ của mình.

Nếu tôi cứ ở lại bệnh viện, có thể Hứa Vân Bích sẽ quy cho tôi ủng hộ Bành Đức Hoài. Biết đâu tôi lại là nạn nhân của chiến dịch chống bọn cơ hội hữu khuynh.

Tôi hứa với Hứa Vân Bích sẽ ra viện khi nào làm xong thủ tục giấy tờ. Nhưng Hứa bảo chẳng cần thiết, với tư cách Thứ trưởng bộ Y tế, lời của ông đủ điều kiện để bệnh viện đồng ý cho xuất viện.

Ngay ngày hôm sau tôi trở về Nhóm Một.

*

Mao đang ở Hàng Châu. Vương Kính Tiên đã được báo hai ngày trước khi tôi xuất viện, ông yêu cầu tôi phải tới đó càng sớm càng tốt.

Ngày 22-12-1959, tôi lên máy bay cùng với Lý Ẩm Kiều. Trên đường, chúng tôi gặp phải bão tuyết, máy bay bị rung, buộc phải hạ cánh ở Nam Kinh. Cơn bão di chuyển về hướng Nam, phía Hàng Châu, nếu tiếp tục bay sẽ rất nguy hiểm. Trưởng Ban An ninh tỉnh Giang Tô điều một chiếc ô tô chở chúng tôi đến chỗ Mao. Chúng tôi nghỉ đêm ở Nam Ninh, sáng hôm sau lên đường. Tuyết rơi dày đặc. Xe đi rất chậm về hướng Hàng Châu. Khoảng ba giờ chiều mới đến nơi. Mao vẫn ngủ. Mãi đến tối chúng tôi mới gặp nhau.

Mao nhìn tôi bằng cặp mắt ủ rũ, mệt mỏi. Ông ho liên tục kèm thêm chứng cảm lạnh. Ông hỏi:

- Tôi ốm từ mấy hôm nay. Còn đồng chí sức khỏe ra sao?

- Tôi đã khỏe, thưa Chủ tịch. Hình như Chủ tịch bị cảm lạnh.

- Tôi cũng chẳng biết. Có điều tôi thấy không được khỏe.

- Đế tôi khám cho Chủ tịch.

Mao sốt nhẹ, nhưng tim, huyết áp và mạch đập vẫn bình thường. Ông bị cảm và viêm phế quản nặng. Mao muốn bình phục sớm, vì sắp có một cuộc họp đảng. Tôi đề nghị Mao dùng kháng sinh chữa viêm phế quản và vài loại thuốc chống cảm lạnh. Mao đồng ý.

Tối hôm sau bệnh trạng của Mao khá hơn rõ rệt. Nhiệt độ của ông trở lại bình thường, không còn ho nữa. Ông tỏ ra vui vẻ, nói đùa:

- Đúng là ông bác sĩ tài hoa có thần dược.

Ngày sinh nhật lần thứ 66 của Chủ tịch sắp đến. Tôi báo tin cho Mao rằng Giang Hoa, bí thư thứ nhất tỉnh Triết Giang, mời Mao đến dự tiệc. Mao từ chối không muốn dự tiệc sinh nhật, cần nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe, ông đề nghị Nhóm Một đi dự tiệc, về báo cáo lại. Đồng thời, cảnh cáo chúng tôi không được lấy cớ mừng sinh nhật mà lãng phí, chỉ nên chuyện trò giải trí với nhau thôi. Vì nạn đói, Mao đang bị mất thể diện, không muốn sống an chơi xa xỉ trong khi nhân dân đang lầm than, khổ cực. Những cán bộ khác của đảng ít thông cảm với hoàn cảnh của nhân dân.

Diệp Tử Long, người đặc biệt thích ăn ngon, nghiện rượu nhân dịp này sẽ ăn chơi thoả sức. Diệp định sẽ chuốc rượu cho Vương Phương, trưởng Ban An ninh Triết Giang đến say mèm. Khi tôi đem giấy mời đến, ông nói có vẻ biết ơn: “Bác sĩ ạ, đồng chí đã quan tâm chu đáo đến tất cả chúng tôi quá”.

Hôm sau, 26-12 ngày sinh nhật Mao. Toàn bộ những người giúp việc của ông đã đến chúc mừng. Mao đã hoàn toàn bình phục, tỏ ra rất phấn khởi. Ông cảm ơn tôi vì đã chữa khỏi bệnh. Sau đó chúng tôi chụp ảnh chung.

Bữa tiệc tối hôm đó có cả thảy 8 bàn, mỗi bàn có 10 người. Toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp của tỉnh Triết Giang đã đến dự. Giang Hoa, bí thư thứ nhất, Vương Phương, trưởng Ban An ninh tỉnh thay mặt quan khách đến chỗ Mao chúc mừng sinh nhật.

Lời cảnh cáo đừng nên hưởng thụ quá đáng của Mao đã không được đếm xỉa. Bữa tiệc này tốn kém nhất so với những bữa tiệc tôi từng được tham dự trong. Người ta dọn ra bàn những món đặc sản đắt giá nhất, hiếm nhất, quí nhất mà Trung Quốc có. Chúng tôi được ăn món súp yến chính hiệu nấu với thịt chim bồ câu non, một trong những món ăn quí hiếm nhất, món súp vây cá mập nấu trong nồi đất đặc biệt, món đặc sản đắt tiền. Không có món ăn nào sánh được với hai món đặc sản này. Tuy nhiên, các món khác cũng không kém phần hấp dẫn. Cả rượu vang cũng là thứ tuyệt hảo, Diệp Tử Long chẳng cần cố gắng quá sức chuốc rượu, ấy thế mà Vương Phương say mèm.

Trong bữa tiệc, Vương Kính Tiên thì thầm với tôi: “Thật xấu hổ trong khi rất nhiều người đang chết đói, chúng ta lại tiệc tùng như thế này”.

Tôi tán thành ý kiến của ông. Bên ngoài bức tường bao bọc Nhóm Một và giới lãnh đạo cao cấp, có đặc quyền đặc lợi, rất nhiều nông dân Trung Quốc đang chết đói. Vụ mùa năm 1959 còn tệ hơn cả năm trước. Hàng triệu người chết, con số lên đến hàng chục triệu khi nạn đói tràn qua. Trong khi đó, tôi với Lâm Khắc, Vương Kính Tiên, Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều cùng toàn thể cán bộ lãnh đạo cao cấp của tỉnh Triết Giang lại đang ăn mừng ngày sinh lần thứ 66 của vị hoàng đế Mao vắng mặt tại đây. Những chiếc bàn nặng trĩu cong xuống bởi những món sơn hào, hải vị. Viên trưởng Ban An ninh tỉnh say khướt, ngã lăn quay ra đất. Tôi cảm thấy mình thật đáng trách.

Nhưng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Nếu từ chối không tham dự bữa tiệc, tôi sẽ gặp rắc rối về chính trị. “Kẻ nào đơn thương độc mã, kẻ đó sẽ bị bắn hạ”. Lâm Khắc thường trích dẫn câu đó của văn hào Lỗ Tấn. “Nếu muốn bảo toàn tính mạng trong Nhóm Một, chúng ta phải cưỡng lại lương tâm”. Nếu muốn được sống theo lương tâm, tôi chỉ có một cách duy nhất, rời khỏi Nhóm Một. Nhưng cứ lần nào định bỏ, lần đó tôi lại không thành.

Tôi sống trong một thế giói cách biệt. Trong Nhóm Một không hề có luật lệ, pháp luật. Đây là thiên đường, không bị một cái gì bó buộc ngoài việc bị phụ thuộc vào tâm trạng của Mao, với những người còn đôi chút lương tâm thường bị dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi.