Chiếc lò đầu tiên là một vật quái dị, được ngẫu hứng xây bằng gạch và vôi vữa, cao khoảng từ 4 đến 5 mét, tôi nhìn thấy ở sân sau của cơ quan đảng bộ của tỉnh An Huy. Trong ánh lửa sáng rực, tất cả những đồ dùng bằng sắt thép của gia đình như nồi, niêu, xoong chảo, tay nắm cửa, cuốc xẻng… được nấu chảy để sản xuất ra thép như Tăng đã quả quyết với Mao. Tăng Huy Sinh nhặt một mảnh sắt nóng dưới đất được cời từ trong lò ra để cho Mao xem kết quả của công việc. Bên cạnh đó là những thành phẩm được xếp thành hàng. Chúng là sản phẩm của lò luyện kim gia đình và làm cho người ta không còn nghi ngờ về hiệu quả của nó. Mao kêu gọi cả nước, bằng những biện pháp kinh tế có hiệu quả, trong vòng 15 năm phải vượt nước Anh về sản lượng sắt thép. Tại sao người ta phải bỏ ra hàng triệu đô la để xây dựng các nhà máy luyện kim hiện đại, trong khi sắt thép có thể luyện được ngay trong những lò để trên sân hay trên những cánh đồng mà hầu như chẳng tốn kém gì?
Tôi ngạc nhiên. Lò luyện kim này biến những dụng cụ gia đình thành sắt vụn, nấu chảy những con dao, rồi làm thành những thanh thép. Sau đó những thỏi thép này lại được rèn thành dao. Tôi chẳng biết những thanh thép đó có đạt chất lượng cao hay không, nhưng thấy thật khôi hài khi người ta nấu thép để sản xuất ra thép, nấu chảy dao để rèn thành dao. Khắp nơi ở An Huy đều có những lò luyện kim gia đình và tất cả những lò này đều sản xuất ra những thỏi thép chẳng theo một tiêu chuẩn nào.
Khi chuyến viếng thăm An Huy của Mao gần kết thúc, Trương Thế Trung đề nghị Mao nên đi qua khắp các phố phường trong một chiếc xe mui trần để dân chúng thành phố có thể chiêm ngưỡng tận mắt vị lãnh đạo vĩ đại. Kể từ khi giải phóng Bắc Kinh vào mùa hè năm 1949, khi Mao đi trên một chiếc xe Jeep mui trần giữa những dãy phố đông nghịt người xếp hàng hai bên đường vẫy chào, đến nay Mao không còn xuất hiện trước công chúng mà không được bảo vệ nữa. Những chuyến đi thị sát ở địa phương của Mao luôn luôn được giữ bí mật và được đảm bảo an ninh tuyệt đối.
Khi đến thăm các nhà máy, các cuộc gặp gỡ của ông với công nhân được kiểm soát chặt chẽ. Thường thường các cuộc gặp gỡ cá nhân chỉ được giới hạn trong phạm vi những vị lãnh đạo cao cấp của đảng và giới lãnh đạo của “các đảng dân chủ”. Việc Mao xuất hiện trên khán đài ở Thiên An Môn mỗi năm hai lần xem ra chỉ là trường hợp ngoại lệ. Ngay cả những người có mặt tại quảng trường rộng lớn đó trong hai ngày ấy cũng đã được chọn lọc. Nhưng không phải chỉ có vấn đề an ninh ngăn cản Mao xuất hiện trước công chúng. Chính Chủ tịch cũng không muốn mang tiếng đã cổ vũ cho sự tôn sùng cá nhân.
Tuy vậy. Mao cũng cho rằng quần chúng mong muốn có một nhân vật lãnh đạo vĩ đại và việc để cho họ tận mắt nhìn thấy ông sẽ có một tác dụng động viên họ rất lớn. Ông cần thực hiện một chiến thuật khiến cho quần chúng đòi hỏi sự lãnh đạo của ông một cách hoàn toàn tự nhiên. Nhà dân chủ Trương Thế Trung đã cảm nhận được trạng thái khó xử của Mao và ông đã chuẩn bị chu đáo để kéo Mao ra trước quần chúng. Trương nói: “Chủ tịch có vẻ e ngại về sự tôn sùng cá nhân ngày càng tăng”.
Nhưng rồi ông ta lại viện cớ, Mao chủ tịch là Lenin của Trung Quốc chứ không phải là Stalin. Cũng giống như Lenin, Mao chủ tịch đã lãnh đạo đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc làm cách mạng thành công và hiện giờ Mao chủ tịch lại lãnh đạo công cuộc xây dụng chủ nghĩa xã hội. Khác với Lenin, người đã chết sau khi cách mạng thành công tám năm. Mao chủ tịch vẫn là người lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc hy vọng trong vòng ba bốn chục năm tới họ sẽ vẫn được ông dìu dắt. Sự khác biệt giữa Mao chủ tịch và Stalin ở chỗ Stalin luôn luôn tìm cách để người ta tôn sùng ông. Ngược lại, Mao chủ tịch không làm như vậy. Chủ tịch duy trì một tác phong lãnh đạo dân chủ, coi trọng ý kiến của quần chúng, bác bỏ sự chuyên quyền và độc đoán. Trương hỏi: “Như thế thì làm sao ở nước ta có sự tôn sùng cá nhân được? Những tiến bộ to lớn, cuộc sống hàng ngày của nhân dân được cải thiện rõ rệt đến nỗi quần chúng muốn chân thành bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch. Nhân dân ta thực sự yêu mến người lãnh đạo vĩ đại của mình”. Mao gật gù với những lời tâng bốc của Trương. Thật là kẻ tung người hứng. Mao đồng ý ra trước công chúng Hà Phi.
Ngày 19-9-1958, hơn 300 nghìn người đứng chen chúc hai bên lề đường ở các phố phường Hà Phi để tận mắt nhìn thấy Chủ tịch. Chiếc xe mui trần của Mao chầm chậm đi khắp thành phố. Ông thản nhiên giơ tay vẫy chào và ngập mình trong sự ngưỡng mộ. Tôi ngờ rằng không phải quần chúng ở Hà Phi tự nhiên kéo đến như quần chúng đã tập hợp lại quảng trường Thiên An Môn trước đây. Những người chào đón mặc những bộ quần áo sặc sỡ, vòng hoa đeo trên cổ, tung những dây hoa khi đoàn xe đi qua. Họ hát hò, nhảy múa và hô những khẩu hiệu: “Mao chủ tịch muôn năm!” “Công xã nhân dân muôn năm!” “Đại nhảy vọt muôn năm!” Tất cả những điều đó làm cho người ta nghĩ rằng Tăng Huy Sinh đã không để cho sự việc diễn ra một cách tự nhiên. Mặc dù vậy, đám đông vẫn nhao nhao vì kích động khi nhìn thấy Chủ tịch. Mao có ý định thiết lập một cơ cấu phân phối lương thực miễn phí cho các công xã nhân dân ở nông thôn, để ai cũng có thể ăn những gì người đó muốn mà không cần trả tiền. Ông nói về việc sẽ không trả lương cho cán bộ nữa, thay vào đó là quay lại chế độ bao cấp tương tự như chế độ đã từng tồn tại cho đến năm 1954 – một chế độ đã làm lụn bại dự trữ ngoại tệ của tôi. Các khoản lương sẽ không còn. Những nhu cầu cơ bản sẽ được nhà nước đáp ứng. Thêm vào đó, một khoản trợ cấp ít ỏi cho những chi tiêu bất thường. Theo Mao, chế độ này trước hết sẽ được áp dụng cho cơ quan trung ương ở Trung Nam Hải, bắt đầu từ Nhóm Một của chúng tôi.
Ở điểm này, suy nghĩ của Mao đã chịu tác động mạnh từ một bài báo ra ngày 15-9 do trưởng Ban tuyên huấn thành phố Thượng Hải Trương Xuân Kiều viết. Mao khoái bài viết này đến nỗi, đề nghị vị trưởng Ban tuyên huấn đến gặp ông trên đoàn tàu. Đó là lần đầu tiên tôi gặp người đàn ông này. Ông nổi tiếng rất nhanh trong thời kỳ Cách mạng văn hoá và sau này cũng là người bị nhiều tai tiếng nhất, một nhân vật trong Bè lũ bốn tên. Ông trầm lặng, không cởi mở, ít thân thiện, tuýp người thâm trầm, khó bắt chuyện. Ngay khi gặp ông trên tàu, tôi đã không có thiện cảm, đề xuất áp dụng chế độ bao cấp của ông khiến tôi lạnh cả xương sống. Tất cả số tiền tích được của tôi trong vòng hai năm sau khi tôi về nước đã bị chế độ này làm cho tan tành. Việc cung cấp lương thực và trợ cấp tài chính tối thiểu không đủ đề nuôi sống gia đình tôi. Ngoài vợ và mẹ, tôi còn phải nuôi hai đứa con nhỏ, đến nay tôi còn phải giúp đỡ họ hàng như bố mẹ vợ, hai bà cô và một người em họ. Không có lương, tất cả sẽ phải sống nhờ đồng lương rất ít ỏi của vợ tôi. Như vậy, sẽ chẳng đủ để chúng tôi rau cháo qua ngày.
Chẳng ai trong Nhóm Một muốn trở lại hưởng chế độ bao cấp. Cả Diệp Tử Long cũng tỏ ra lo lắng. Ông đang có một khoản thu nhập cao, hài lòng với cuộc sống xa hoa. Khi biết sáng kiến này động chạm đến tôi như thế nào, ông xúi tôi hãy nói cho Mao biết những suy nghĩ của mình. Một cách làm rất láu lỉnh, ma lanh. Vì nếu tôi thuyết phục được Chủ tịch huỷ bỏ kế hoạch, Diệp Tử Long vẫn giữ được lương bổng. Nếu Mao vẫn cứ đem cơ chế ra áp dụng, tôi sẽ bị quy là phần tử chống đối và Diệp tuy không được lĩnh lương nhưng chẳng bị quy tội gì hết, chỗ đứng vẫn an toàn.
Mao vẫn chưa quyết định, ông thực sự muốn nghe ý kiến từ các nhân viên của ông trước khi áp dụng cơ chế này. Nhưng chẳng ai muốn chuốc lấy cho mình nguy cơ bị coi là phần tử chống đối. Còn đối với tôi việc này là sự sống còn của gia đình tôi. Tôi phải nói chuyện với Mao. Lúc tôi vào phòng Mao, ông đang nằm trên giường đọc sách.
- Có gì mới không?
- Chúng tôi đã trao đổi về cơ chế bao cấp.
- Có sáng kiến nào hay không?
Tôi trình bày với Mao những khó khăn mà tôi và gia đình đông đúc đang trông chờ vào trợ cấp của tôi sẽ gặp phải, nếu tôi không được hưởng lương.
Mao cho rằng ở thành phố người ta cũng có thể thành lập công xã nhân dân. Dân thành thị, thậm chí cả thanh niên, cụ già và những người không có việc làm cũng có thể được công xã bao cấp. Trẻ em sẽ được gửi vào các nhà trẻ công cộng. Đó là con đường dẫn tới chủ nghĩa cộng sản. Ông hỏi:
- Như vậy, tất cả những vấn đề của đồng chí đã được giải quyết rồi chứ?
Tôi đáp, thân nhân của tôi toàn những người già cả, sức khỏe hạn chế, không thể đảm đương công việc của công xã, tuy rất muốn được làm việc, cũng chẳng muốn ăn bám vào người khác. Hơn nữa, nếu công xã bao cấp tất cả những người không làm việc và con tôi, chắc chắn những chi phí nhà nước gánh chịu sẽ nhiều hơn lương của tôi.
Mao thừa nhận điều đó:
- Trước khi quyết, chúng ta phải tính kỹ xem lực lượng lao động trong một công xã ở thành thị là bao nhiêu và công xã có thể giúp đỡ những người không có khả năng lao động hay không. Nếu đúng là có nhiều người già và trẻ em, thật khó đối với chúng ta.
Ông sẵn sàng chờ đợi khi thời cơ chín mùi.
Tiểu Chương, một người trong đám vệ sĩ đã nghe lỏm được câu chuyện, khi tôi rời khỏi phòng của Mao, anh ta ra hiệu tỏ vẻ đồng tình. Tôi cũng bằng lòng với cuộc đối thoại. Hồi đó, Mao còn có tinh thần trách nhiệm, chịu lắng nghe những lời góp ý, rồi cân nhắc thiệt hơn của những lời góp ý có tính chất xây dựng. Thậm chí ông còn nghi ngờ ý nghĩa của những lò luyện kim gia đình và hoài nghi rằng liệu những cơ sở sản xuất nhỏ có phải là phương thức để vượt nước Anh về sản xuất thép trong vòng 15 năm hay không. Ông muốn biết: “Nếu thực sự những lò nhỏ này có thế nấu được nhiều thép như vậy, tại sao những nước khác lại xây dựng những nhà máy luyện kim khổng lồ rất tốn kém. Chẳng lẽ các nước khác lại ngu dốt thế sao?”.
Điền Gia Anh lên tiếng cảnh báo. Ông rùng mình về lời kêu gọi thiết lập cơ chế bao cấp của Trương Xuân Kiều và lên án ông này vô trách nhiệm, để được lòng Mao. Điền lý luận: “Chúng ta không thể thực hiện khẩu hiệu này mà không suy xét. Chúng ta không thể đơn giản lờ đi tình trạng thấp kém trong sản xuất nông nghiệp và nhu cầu cấp thiết phải cung cấp cơm ăn, áo mặc cho hàng trăm triệu người. Thật vô lý khi chúng ta kéo nhân dân đói rách đi trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trước đây đảng ta luôn luôn đi tìm hiểu thực tế, nhưng bây giờ không làm như vậy. Nhiều người khoác lác và dối trá, họ đã mất hết liêm sỉ. Họ đã làm tổn hại đến truyền thống quí báu của đảng ta”.
Theo Điền, một vài báo cáo của các tỉnh hứa hẹn sản lượng thu hoạch ngũ cốc trung bình là 10 nghìn kg trên một mẫu Trung Quốc (mẫu Trung Quốc tương đương 660 m2, tức là khoảng 60 tấn/héc-ta – người dịch). Ông cho đó là “phi lý”, là “đáng xấu hổ”.
Điền Gia Anh cho rằng Mao đã tạo ra thủ doạn lừa đảo này. Ông Điền nói: “Khi vua Trụ muốn kiếm một người vợ có thân hình nhỏ nhắn, xinh đẹp, tất cả tì thiếp của ông cố gắng làm giảm trọng lượng cơ thể và họ đã nhịn ăn đến chết”. Điền chỉ trích: “Một khi kẻ trị vì nói ra ý muốn của mình, tôi tớ gắng hết sức để thực hiện cho được ý muốn đó”.
Kế hoạch Đại nhảy vọt của Mao thật là viễn tưởng – vượt nước Anh trong vòng 15 năm, cải tạo sản xuất nông nghiệp và dùng công xã nhân dân làm phương tiện để chuyển từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cộng sản, chuyển từ nghèo đói sang dư thừa. Mao đã quen với những lời tâng bốc và xu nịnh, ông đã đưa giới lãnh đạo cao cấp của đảng chính phủ đến chỗ phải chấp nhận ảo tưởng vĩ đại của ông. Những cán bộ cao cấp nhất của nhà nước phải nịnh bợ Mao, chỉ vì tương lai chính trị của họ. Thế là họ lại gây sức ép đối với những cán bộ cấp dưới. Những người này, một mặt lại hành hạ nông dân không thương tiếc, mặt khác họ báo cáo cấp trên những điều mà cấp trên của họ muốn như thế. Người ta đã tạo ra những báo cáo tưởng tượng không thể tin được. Những số liệu về sản lượng ngũ cốc tăng từ 10 nghìn lên 20 nghìn thậm chí tới 30 nghìn cân một công mẫu.
Có lẽ những chuyên gia về tâm lý quần chúng mới có thể giải thích được những gì đã xảy ra ở Trung Quốc vào cuối mùa hè năm 1958. Căn bệnh lên đồng tập thể đang ngự trị cả nước. Cả Mao, tác giả của chiến dịch cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh này.
Chúng tôi trở về Bắc Kinh để kịp dự lễ kỷ niệm ngày 1-10-1958. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi lại lên đường về phương Nam. Những quang cảnh chúng tôi thấy được từ trên tàu thật khó tin. Trên cánh đồng, đông nghịt nông dân làm việc. Họ là phụ nữ, các em gái mặc quần áo xanh, đỏ, những ông già tóc bạc và những thiếu niên. Tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đã bị rút khỏi công việc đồng áng để làm việc ở những lò luyện kim gia đình. Những lò này đã làm quang cảnh nông thôn thay đổi. Chúng mọc lên ở khắp nơi và chúng tôi có thể nhìn thấy nông dân luôn vội vàng, chạy đi chạy lại để vận chuyển nguyên liệu và thổi lửa. Ban đêm, những lò luyện kim ở khắp nơi toả ra những ngọn lửa sáng cả bầu trời.
Mỗi công xã tới thăm đều cho thấy kết quả của một vụ mùa bội thu. Những thống kê về sản lượng ngũ cốc cũng như sản lượng thép đều đạt kết quả cao. “Những trạm thông tin phổ biến tin vui” được thành lập ở các nhà ăn của công xã. Cờ đỏ phất lên, chiêng trống khua vang và mỗi trạm thi dua đạt những con số cao nhất với các tổ đội và các công xã láng giềng.
Những nghi ngờ ban đầu của Mao biến mất và nhận thức lành mạnh của ông cũng biến theo luôn. Cứ theo thái độ của ông mà đánh giá, ông thực sự tin vào những con số về sản lượng nông nghiệp đã được phóng đại lên một cách đáng xấu hổ. Lòng phấn khởi của ông được tăng thêm, lây lan cả tôi. Tất nhiên tôi rất ngạc nhiên, làm sao nông nghiệp Trung Quốc lại có thể chuyển mình một cách nhanh chóng đến như vậy. Nhưng tôi vô tình nhìn thấy sự thay đổi này bằng con mắt của chính mình trong chuyến di và đã thoáng có những ý ngờ vực.
Một buổi tối trên tàu. Lâm Khắc tìm cách giải thích mọi việc cho tôi. Tôi vừa chuyện trò với Lâm Khắc và Vương Kính Tiên, vừa nhìn những ngọn lửa của những chiếc luyện kim kéo dài đến tận chân trời và bày tỏ sự kinh ngạc về việc những lò luyện kim lại có thể mọc lên nhanh chóng đến thế và sản lượng sản xuất bất ngờ tăng lên.
Lâm Khắc đáp lại rằng tất cả những thứ chúng tôi nhìn thấy qua cửa sổ đều là dàn dựng cả – một vở tuồng Trung Quốc vĩ đại có nhiều hồi được trình diễn trên khắp đất nước và chỉ dành riêng cho Mao. Các bí thư đảng đã ra lệnh khắp nơi dọc theo hai bên tuyến đường xe lửa, người ta phải dựng lên hàng chục nghìn những chiếc lò luyện kim gia đình, và phụ nữ phải mặc những bộ quần áo màu sặc sỡ. Ở Hồ Bắc, ông bí thư đảng đã ra chỉ thị mang lúa từ những cánh đồng xa đến trồng dọc theo đường tàu, tạo cho Mao cảm giác được mùa. Những cây lúa được trồng sát nhau đến nỗi người ta phải sử dụng quạt điện để tăng cường lưu thông không khí trên cánh đồng và để cho lúa khỏi úa vàng. Cả đất nước Trung Quốc là một sân khấu và toàn dân trình diễn một vở kịch cho Mao chủ tịch xem.
Lâm Khắc cho biết những con số thống kê sản xuất là giả tạo. Chẳng có loại đất trồng nào có thể thu hoạch được 20 hoặc 30 nghìn cân trên một mẫu cả. Và những thỏi thép do các lò luyện kim gia đình nấu được đều chẳng làm được gì. Thỏi thép bóng láng mà tôi nhìn thấy ở An Huy mà Tăng Huy Sinh quá quyết là sản phẩm của những chiếc lò này, thực ra là sản phẩm của một nhà máy luyện kim đồ sộ và hiện đại.
Tôi phản đối: “Nhưng báo chí đã nói khác”.
Lâm Khắc cam đoan rằng cả báo chí cũng chỉ là dối trá và chỉ in ra những gì được người ta chỉ thị. “Báo chí chẳng dám vạch cho công chúng biết những gì đang thực sự xảy ra”. Tôi kinh hoàng. Tờ Nhân dân Nhật báo là nguồn thông tin quan trọng nhất đối với chúng tôi, một tờ báo nghiêm chỉnh nhất trong nước. Nếu Nhân dân Nhật báo cũng dối trá, còn báo nào nói thật nữa. Cuộc đối thoại của chúng tôi thật nguy hiểm. Những câu hỏi tò mò và dồn dập của tôi làm cho Vương Kính Tiên lo ngại. Ông cắt ngang: “Chúng ta không nên nói chuyện này nữa. Đến giờ đi ngủ rồi”. Khi tôi tranh cãi với Lâm Khắc. Vương kéo tôi sang một toa bên và cảnh cáo tôi nói năng bừa bãi: “Đồng chí có thể sẽ gặp rắc rối đấy”. Tôi không thể tin Lâm Khắc. Tôi bị cuốn hút vào màn kịch của chiến dịch Đại nhảy vọt và đã bị lừa gạt. Tôi vẫn tin đảng, Mao và Nhân dân Nhật báo. Nhưng sự phanh phui này thật đáng lo ngại.
Nếu những lời nói của Lâm Khắc là đúng, tại sao không ai nói thật cho Mao biết? Các cố vấn của ông như Điền Gia Anh, Hồ Kiều Mục, Trần Bá Đạt, Vương Kính Tiên, Lâm Khắc hay Chu Ân Lai để làm gì? Nếu họ biết sự thật, tại sao họ không báo cáo với Mao? Nhưng chẳng ai, kể cả những nhân viên tin cẩn nhất của Mao dám mở miệng. Tôi tự hỏi, liệu Mao, mặc dù trông ông hăng hái ra mặt có hồ nghi gì không?
Tuy nhiên đến tháng 10-1958, mối quan tâm của Mao không phải là các con số thống kê hoặc sự gia tăng kỳ lạ của sản lượng ngũ cốc và thép. Có lẽ, đã có những con số phóng đại. Nhưng điều làm ông lo lắng là sự quả quyết rằng chủ nghĩa cộng sản đang ở trong tầm tay. Vấn đề của Mao, làm sao kiểm tra được độ tin cậy của sự việc này, mà vẫn không làm giảm lòng nhiệt tình gắn liền với nó. Một đêm, ông nói:
- Không ai có thể ngăn cản quyết tâm và nhiệt tình của quần chúng. Nhưng công xã nhân dân là hoàn toàn mới mẻ. Còn rất nhiều công việc khó khăn đến khi nó trở thành một cơ cấu thực sự hoạt động được. Nhiều đồng chí lãnh đạo muốn gấp rút triển khai công việc cũng chỉ với ý tốt. Họ hấp tấp muốn tiến ngay lên chủ nghĩa cộng sản. Một số người khác vẫn nghi ngờ con đường chính trị đã chọn, nghi ngờ Đại nhảy vọt và công xã nhân dân. Thậm chí, một vài kẻ bảo thủ còn ngấm ngầm gây khó khăn, bọn ấy kể cả khi gặp Chúa trời vẫn vác cái đầu bướng bỉnh, bảo thủ ấy đến.
Sự lạc quan vẫn còn khi Ban chấp hành trung ương đảng họp ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, từ ngày 2-11 đến 10-11-1958. Mao nhấn mạnh với những người tham dự, ông đã từng nói với tôi, đường lối chính trị chung – kế hoạch Đại nhảy vọt và công xã nhân dân – phải được củng cố vững chắc. Nhưng giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi chúng ta phải kiên trì. Trung Quốc không thể vội vã sa vào một tương lai vô định. Ngoài ra nông dân có thể buộc phải làm việc quá sức. Cán bộ ở tất cả các cấp phải quan tâm hơn nữa đến đời sống nhân dân. Vài tháng trước đây Mao đã gây sức ép với các cán bộ và thúc họ triển khai công việc. Bây giờ ông lại tìm cách ghìm họ lại. Ông hạn chế bớt những yêu cầu quá đáng, nhưng chẳng kêu ca về những con số thống kê sản lượng sản xuất và các lò luyện kim gia đình đã bị người ta thổi phồng.
Ở Trịnh Châu, rốt cuộc, bức màn che khiến tôi không nhận rõ Mao, đã được tháo ra. Trong khí thế sôi động của chiến dịch Đại nhảy vọt, Mao đã không giữ kín những hoạt động cá nhân. Ông sống trong con tàu hoả, nhưng tối nào cũng tham dự buổi dạ vũ mà người ta tổ chức để mời ông tại nhà khách ở Trịnh Châu. Tôi được biết rằng đêm nào Mao cũng ngủ với cô y tá Tiểu Lý – một trong những nhân viên của Mao và thường đi cùng với ông.
Mao đã đích thân đón tiếp đoàn văn công của quân đoàn 20 có mặt tại Trịnh Châu và đội chí nguyện quân Trung Quốc cuối cùng vừa từ Triều Tiên trở về. Những cô gái trẻ của đoàn vây quanh Mao. Ông ngập trong sự quan tâm của họ, còn họ thi nhau đoạt lấy vinh hạnh được nhảy cùng Mao. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ một phụ nữ trẻ nhảy với Mao rất đẹp, bạo dạn uốn éo, say mê quay cuồng theo tiếng nhạc. Mao cũng cảm thấy hứng thú đối với cô gái trẻ này và thường lưu lại nơi vui thú từ 9 giờ tối đến hai giờ sáng.
Sau khi họp xong ở Trịnh Châu, chúng tôi đi tàu đến Vũ Hán. Đoàn văn công của quân đoàn 20 cũng đi theo, kể cả cô y tá xinh đẹp Tiểu Lý. Mao rất phấn khỏi. Vương Nhiệm Trọng đã bố trí để từ trên tàu Mao chỉ nhìn thấy mùa màng bội thu, những lò “Mác-tanh” làm bằng tay và những phụ nữ áo quần sặc sỡ.
Một tâm trạng vui vẻ như thường trực ở mỗi người. Nhưng với tư cách là một bác sĩ, tôi làm Mao bối rối khi vạch ra rằng, phụ nữ dầm mình trong những ruộng lúa ngập nước đến ngang hông sẽ gây tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Mao không nói gì cả, đi khỏi cửa sổ lấy thuốc ra hút và xếp lại tranh cổ. Mao chẳng hề để ý đến những phụ nữ bất hạnh kia. Trồng lúa dưới nước sâu là một sáng kiến của tư tưởng Đại nhảy vọt.
Ở Vũ Hán, Mao đã triệu tập kỳ họp thứ 6 của Uỷ ban trung ương đảng khoá VIII. Vương Nhiệm Trọng điều động những nhân viên có khả năng nhất phụ trách an ninh, tiếp vận, và như thường lệ, cả việc thu xếp chỗ ở. Những đầu bếp nổi tiếng nhất vùng được mời đến để lo những bữa ăn với các món đặc sản hiếm có và tốn kém. Trong phòng chúng tôi lúc nào cũng có nước giải khát, hoa quả tươi. Mao từng cảnh cáo ý nghĩ cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã ở trong tầm tay. Nhưng đối với chúng tôi, những người đang hưởng một chế độ tương tự như ở thiên đường, kiểu cộng sản, thì chủ nghĩa cộng sản đúng là đã bắt đầu.
Tuy cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh ở Hồ Bắc cố gắng che giấu những sinh hoạt cá nhân của Mao ở trên tàu, nhưng chính Mao và các tì thiếp của ông ngày càng tỏ ra lộ liễu hơn. Các buổi dạ vũ, những đêm vui thú vẫn tiếp diễn. Mao hoàn toàn công khai đi lại với Tiểu Lý.
Mao cho tôi và tất cả nhân viên thân cận của ông nghỉ mấy ngày phép để về thăm gia đình ở Bắc Kinh. Đó là kỳ nghỉ phép duy nhất của tôi trong suốt 22 năm. Vì vậy tôi không có mặt ở Vũ Hán khi kỳ họp diễn ra từ ngày 28-11 đến 10-12-1958. Nhân dân và cán bộ lại được kêu gọi hãy suy nghĩ một cách thực tế hơn. Trung Quốc chưa đứng trước ngưỡng cửa của chủ nghĩa cộng sản và nhân dân phải tiếp tục hưởng lương theo hiệu quả lao động. Sự nhiệt tình bao trùm cả nước là một điều tốt, nhưng những phân tích chính trị phải hướng tới sự thật.
Mao đã biết những con số thống kê về sản xuất là phóng đại. Bởi vậy, những định mức kế hoạch trong tương lai được hạ thấp. Cuối cùng, việc Mao từ chức Chủ tịch nước đã được chính thức công bố, trung ương đảng đồng ý trong kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, Mao sẽ không còn là Chủ tịch nước nữa.
Nhưng việc Mao rời khỏi chức chủ tịch nước là để cuối cùng ông đoạt được độc quyền lãnh đạo. Bên trong ông vẫn luôn nắm quyền lãnh đạo tối cao. Ông đang được xem là người không thể thiếu được, mọi quyền lực đều ở trong tay. Bầu không khí ở Vũ Hán vẫn bình yên. Còn vấn đề hiện tại chỉ là một hình thức Mao ưa thích. Đó là sự lạc quan và nhiệt tình quá thái, những hành động quá táo bạo, quá tích cực. Lòng nhiệt tình của Mao đối với công xã nhân dân vẫn không thay đổi. Ông chỉ trích Liên Xô, vì họ cho rằng muốn tập thể hoá nông nghiệp có hiệu quả trước tiên phải cơ giới hoá nông nghiệp. Theo ông, công xã nhân dân là phương cách đúng đắn để đất nước tới thịnh vượng. Cuối cùng, quần chúng đã là người làm nên lịch sử. Nếu không tránh khỏi sai lầm, thà phạm phải khi tiến nhanh, tiến mạnh, còn hơn cứ khư khư giữ lấy những tư tưởng lỗi thời.
Những người đại diện cho những mang tính “hữu khuynh” đã bị sa thải, bị bắt giam, bị đày đi cải tạo lao động và đã bỏ mình trong đau đớn. Ngược lại những người tả khuynh, những người hấp tấp triển khai công việc chỉ bị khiển trách qua loa. Trước khi cuộc hợp kết thúc, tôi trở lại Vũ Hán, tham dự bữa tiệc bế mạc do Mao tổ chức, chiêu đãi các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình cũng như tất cả các bí thư tỉnh uỷ cũng đều có mặt. Hầu như mọi những lời chúc tụng đều dồn cho Mao. Vương Nhiệm Trọng, vẫn với vẻ xu nịnh như mọi khi đã cất lời đầu tiên. Ông ta kêu gọi:
- Những thông tri của kỳ họp này là bản Tuyên ngôn cộng sản ngày nay. Chỉ nhờ dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch, ở phương Đông mới có thể một mặt trời đỏ như vậy mọc lên.
Chu Ân Lai đứng dạy diễn tiếp màn bợ đỡ:
- Đồng chí Trần Bá Đạt nói, một ngày sống trong một xã hội cộng sản thực sự đáng giá bằng hai mươi năm sống trong một xã hội phi cộng sản. Tới hôm nay chúng ta đã có được sức sản xuất của chủ nghĩa cộng sản.
Kha Thanh Thế tiếp lời Chu:
- Người ta nói không thể vượt qua được Marx không đúng. Ngày nay, về lý thuyết và cả trong thực tế, chúng ta đã chẳng vượt ông sao?
Có cả những lời chúc tụng ngụ ý chỉ trích Liên Xô:
- Từ nhiều thập kỷ nay, Liên Xô đã tìm cách xây dựng một cơ chế tiên tiến cho một xã hội phát triển, nhưng không thành. Ngược lại, chưa đến 10 năm chúng ta đã làm được điều đó.
Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình tuy cùng uống với mọi người, nhưng hai ông chẳng chúc tụng gì Mao cả. Thông thường Mao uống rất ít. Nhưng trong lúc các cán bộ cao cấp của Trung Quốc cạn hết ly này đến ly khác để chúc tụng, mặt ông lại đỏ lựng. Sau đó Mao chuyển những lời nịnh bợ sang Chu Ân Lai, thuộc hạ tin cẩn nhất, người phụ tá trung thành nhất của ông:
- Thủ tướng Chu tửu lượng cao lắm, chúng ta hãy cụng ly với thủ tướng.
Tôi là người đầu tiên nâng ly cụng với Chu Ân Lai. Tôi nói:
- Xin chúc sức khỏe thủ tướng!
Khi những người khác đến cụng ly với Chu. Ông nói:
- Ồ! chúng ta phải ăn mừng chứ.
Tửu lượng của Chu thật đáng phục. Ông không hề đỏ mặt. Tuy vậy, trong buổi tối hôm ấy ông đã say và khi nửa đêm ông tỉnh dậy, đã bị chảy máu cam. Sáng hôm sau, La Thuỵ Khanh đổ lỗi cho tôi. Đáng lẽ tôi không được phép chúc rượu ông đầu tiên, vì tôi là bác sĩ, tôi phải biết rằng ép người khác uống rượu có hại như thế nào.
Vụ thu hoạch mùa thu năm 1958 được mùa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng ngay đến giữa tháng 12 lại xảy ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Trong khi cán bộ cấp cao của chính phủ đang ca tụng tài lãnh đạo của Mao chủ tịch, một tai hoạ bất ngờ vốn tích tụ từ hàng tháng nay ập tới.
Ở Vũ Hán, khi được Vương Nhiệm Trọng tiếp đãi linh đình, giới lãnh đạo không thể nhận ra cuộc khủng hoảng này. Nhưng trong khi đang diễn ra kỳ họp, tôi trở về Trung Nam Hải vài ngày, nhận ra ở Trung Nam Hải không có thịt và dầu ăn. Gạo, rau và các loại thực phẩm chủ yếu khác cũng khá khan hiếm. Hẳn có điều gì đó không ổn.
Thật vậy, phần lớn nông sản vẫn nằm ngoài đường và bị hư hỏng, vì những người đàn ông cường tráng đã phải bỏ công việc đồng áng để nấu thép ở những lò luyện kim. Còn lại đàn bà và trẻ em làm sao đủ sức thu hoạch mùa màng. Đây là công việc nặng nhọc, họ không thể cáng đáng nhiều ngày được. Và thế là khá nhiều thóc lúa bị mục nát ở ngoài đồng.
Lúc bấy giờ tôi không hề biết điều đó, nhưng Trung Quốc lại đang ở bên bờ vực thẳm. Các cán bộ lãnh đạo đảng, những bí thư thứ nhất ở các tỉnh chỉ biết nịnh bợ Mao, chẳng thèm quan tâm gì đến đời sống của hàng trăm triệu nông dân. Những lời quá quyết phi lý, sản xuất tăng vọt đã được ban lãnh đạo đảng cho là nghiêm túc. Nhưng làm sao một mẫu (Trung Quốc) đất trồng có thể đem lại 50 nghìn, 100 nghìn hoặc thậm chí 200 nghìn cân thóc được.
Các vùng nông thôn phải nộp cho nhà nước một số phần trăm nhất định những hoa màu thu hoạch được của họ, những người đã nói dối bội thu, bây giờ sẽ phải chịu một khoản nộp tô khổng lồ. Một số vùng đã phải nộp toàn bộ nông phẩm thu hoạch được cho nhà nước. Còn các vùng khác, số lương thực còn lại của họ không đủ để nuôi dân chúng. Nông dân bắt đầu bị đói và rồi sẽ chết đói. Ở đâu sự dối trá càng nhiều ở đó càng lắm nông dân phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Vậy mà thật là lạ đời, người ta lại xuất khẩu phần lớn những ngũ cốc nộp tô cho nhà nước sang Liên Xô để trả nợ, để khỏi mất mặt. Mao không thể thú nhận với Khrushchev – người đã kịch liệt phản đối việc thành lập công xã nhân dân, về những thất bại của công xã được.
Để giảm bớt khoản đóng góp cho nhà nước và giữ lại số lương thực để dùng, một số công xã đã báo cáo rằng họ gặp thiên tai. Vụ mùa của họ đáng lẽ đạt sản lượng cao, nhưng chỉ vì thời tiết quá xấu. Những công xã này được phép giữ lại số ngũ cốc lẽ ra họ phải nộp cho nhà nước, thậm chí một số nơi còn được nhà nước viện trợ lương thực.
Cả lò luyện kim cũng là tai hoạ. Vì không đủ than để nuôi ngọn lửa trong lò, nông dân đã phải tống vào lò cả những đồ đạc bằng gỗ của mình như bàn ghế, giường tủ. Sản phẩm của những lò luyện kim đó thật vô dụng, chẳng có gì khác ngoài những con dao, những cái nồi, cái chảo bị nấu chảy. Thế nhưng, Mao đã quả quyết rằng Trung Quốc vẫn chưa bước tới ngưỡng cửa của chủ nghĩa cộng sản, nhưng chúng ta đã vội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản theo một phương cách không hợp lý. Sở hữu cá nhân về tài sản đã bị loại bỏ, vì những tài sản đó đã bị những chiếc lò luyện kim nuốt chửng. Nhưng Mao vẫn còn phấn khích. Có lẽ cho đến lúc đó, ông vẫn không biết tai hoạ đang đến gần. Tôi cảm thấy tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhưng không dám nói cho ông biết. Trong số những nhân viên thân tín nhất của Mao, Điền Gia Anh, người am hiểu sự việc nhất, người hoài nghi nhất và cũng là người thẳng thắn nhất. Theo tôi, ông nên nói cho Mao. Nhưng Điền lại đang ở Hà Nam giám sát tình hình. Đến lúc ông trở về, mới có thể có những báo cáo trung thực được. Mao tin ông và Mao sẽ tin lời ông nói.