Việc điều trị bằng trị xạ đã làm cho bà hoàn toàn khỏi bệnh ung thư.
Khi Giang Thanh sống cùng với Mao, tôi lại phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của bà, buộc phải khám, xem xét những lời phàn nàn về bệnh tật.
Qua nhiều lần xét nghiệm máu sau khi bà từ Liên Xô trở về, tôi phát hiện ra số lượng hồng bạch cầu hơi bất thường, tất nhiên không có gì đáng lo ngại, sau khi trị xạ bao giờ số lượng hồng bạch cầu cũng thay đổi. Thế nhưng Giang Thanh lo lắng đến phát cuồng, tôi đành trấn an bằng cách mời một số bác sĩ nổi tiếng nhất ở trong nước đến khám. Ngay sau khi tôi đi lao động, Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương, trực thuộc Bộ y tế, chuyên chăm sóc sức khỏe cho những chính trị gia cao cấp nhất, đã phái một số chuyên gia tiến hành một cuộc khám bệnh kỹ lưỡng đối với tất cả các căn bệnh khả nghi của Giang Thanh. Công việc này kéo dài suốt hai tuần liền, vì trong thời gian đó Giang Thanh đã tỏ ra ngang ngược, tự ý thay đổi lịch khám, trịch thượng đối với các bác sĩ, sai khiến họ như những kẻ tôi tớ. Sau khi việc chẩn bệnh kết thúc, tôi họp các bác sĩ, tất cả đều đi đến một kết luận: Giang Thanh không có bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn, số lượng hồng bạch cầu giảm không đáng kể. Thực tế, từ mùa Xuân 1957 cho đến 20 năm sau khi bị bắt giam bà vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Tất cả chúng tôi nhất trí kết luận nguyên nhân gây bệnh do tâm sinh lý của bà. Tôi hiểu, vấn đề này đã phát sinh như thế nào. Giang Thanh quá lo cho sức khỏe, ít hiểu biết về sự hoạt động của cơ thể con người. Thêm vào đó, bản tính đa nghi, hay lo, chẳng tin ai kể cả các bác sĩ riêng. Tôi không làm cách nào để bà xoá bỏ nỗi ám ảnh bệnh hoạn đó được. Cay độc, ích kỷ, tự bà làm khổ bản thân. Bà xua đuổi tất cả những người đáng lẽ có thể là bạn và người ta thấy mối quan hệ của bà với Mao không phải mối quan hệ vợ chồng thông thường. Cuộc sống đơn độc, lẻ loi càng làm bà thêm sợ hãi. Chúng tôi chỉ có thể gọi căn bệnh tâm sinh lý của bà, chứng suy nhược thần kinh, không thể gọi cách nào khác. Bởi vì chúng tôi là bác sĩ, chuyên chữa trị người bệnh thật nên không thể giải quyết nổi vấn đề tâm lý của Giang Thanh.
Chúng tôi viết báo cáo, gửi cho cả Mao lẫn Giang Thanh. Chúng tôi trình bày, đã kiểm tra toàn bộ tình trạng sức khỏe của đồng chí Giang Thanh, việc điều trị bằng cách trị xạ đã thành công và sức khỏe của đồng chí Giang Thanh hồi phục. Chúng tôi khuyên nên tăng thêm lượng vitamin để nâng cao tính đề kháng, khuyến khích bà hãy tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể thao. Bên cạnh đó, khuyên bà phải quan hệ xã hội nhiều hơn nữa, tham gia lao động cho khuây khoả. Lời khuyên sau cùng hoàn toàn nhã nhặn, vì Giang Thanh chẳng có gì để mà làm. Đó cũng là một nguyên nhân gây nên căn bệnh tâm lý của bà.
Giang Thanh bác bỏ bản báo cáo, vẫn khẳng định đang mắc bệnh nặng. Theo bà, các bác sĩ hoặc là những kẻ ngu dốt, hoặc là những tên lừa đảo. Bà ra lệnh cho chúng tôi phải viết lại bản báo cáo.
Chúng tôi lại họp lần nữa, tuy nhiên lần này không phải để bàn về sức khỏe. Chúng tôi phải viết một bản báo cáo, một mặt có thể cho Giang Thanh biết được những nhận định của chúng tôi, mặt khác bà có thể chấp nhận được. Cuối cùng, chúng tôi quyết định một phương án điều trị dần từng bước căn bệnh suy nhược thần kinh một cách thoải mái hơn. Những dấu hiệu khiến bà khó chịu là kết quả của việc gia tăng một cách tự nhiên căn bệnh suy nhược thần kinh.
Nhưng Giang Thanh cũng chẳng hài lòng bản báo cáo này. Bà yêu cầu: “Các đồng chí có thể đảm bảo trong tương lại tôi cũng không mắc bệnh chứ”. Thật phi lý, chẳng ai dám bảo đảm điều đó. Bà còn cho báo cáo này quá trừu tượng. Yêu cầu chúng tôi phải lập tức biến những đề nghị bà tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao thành một thời gian biểu với những quy định cụ thể.
Chúng tôi khuyên bà đi xem phim, đi nghe nhạc, trau dồi nghệ thuật nhiếp ảnh, tham gia các buổi khiêu vũ, hoà nhạc. Bà cũng nên tập Thái cực quyền, một môn võ cổ truyền. Thái cực quyền đòi hỏi sự tập trung cao, điều hoà nhịp thở, hoạt động cơ thể. Chúng tôi nghĩ môn thể thao này sẽ giúp Giang Thanh trầm tĩnh hơn.
Mao có vẻ hoài nghi, nhưng cũng đồng ý để bà thử tập Thái cực quyền xem sao. Ban Bảo vệ sức khỏe đã tìm được một sư phụ là ông Cố, người được Ban thể dục thể thao Thượng Hải giới thiệu. Ông bắt đầu bằng những buổi luyện tập hàng ngày các kỹ thuật cơ bản. Mao và vợ đến nghỉ vài tuần tại một nhà nghỉ ngoại ô phía tây thành phố Bắc Kinh. Khu nhà này dành cho các các bộ cao cấp của đảng, “Lục Tân Lầu”. Ở đó tôi cũng giúp Cố trong các buổi tập hàng ngày.
Giang Thanh thực sự tỏ ra cố gắng học Thái cực quyền nhưng là học trò tồi. Cố, một người rất thận trọng, kín đáo. Tuy nhiên, ông coi trọng môn võ của ông, yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt kể cả vợ Chủ tịch. Giang Thanh tỏ ra tức giận mỗi khi bị ông sửa tư thế đứng hoặc cách hít thở. Tôi đã phải khuyên can ông nên mềm mỏng hơn, bỏ qua sự chậm tiến của Giang Thanh.
Mùa hè đã đến. Tháng 7, tôi cùng với Mao và Giang Thanh trở về Bắc Đới Hà. Sau hơn một tháng hướng dẫn, Cố đi theo chúng tôi để tiếp tục chương trình luyện tập.
Ở Bắc Đới Hà, căn bệnh tâm lý của Giang Thanh lại đột ngột gia tăng. Bà luôn luôn than vãn. Vì sợ ánh sáng mặt trời, bà ra lệnh cho các cô y tá phải kéo rèm lại. Sau đó bà lại muốn có không khí trong lành nên ra lệnh mở cửa sổ, nhưng lại ghét khói bụi bay vào. Đóng cửa sổ lại kêu ngột ngạt. Chỉ một tiếng động nhẹ, thậm chí cả tiếng quần áo sột soạt của nhân viên phục vụ cũng làm bà khó chịu. Màu sắc cũng ca cẩm, kêu màu hồng, màu nâu làm mắt bà đau. Tất cả đồ đạc trong nhà, các bức tường cũng như đồ gỗ đều phải sơn một màu xanh lam.
Các y tá thường xuyên bị mắng mỏ, đến phàn nàn với tôi, vì chẳng có cách nào làm vừa ý vợ Chủ tịch. Trong vòng một tháng, bà đã đổi y tá tới năm hay sáu lần. Có lần khi đuổi một cô y tá bà đã nói: “Nếu ai không muốn phục vụ tôi, không sao, họ có thể rời khỏi đây. Trung Quốc có 600 triệu dân cơ mà, tha hồ lựa chọn”.
Tôi phụ trách nhân viên chăm sóc Giang Thanh, cũng chẳng biết phải làm gì nữa, đành trình bày với Thạch Chu Hàn và Hoàng Thụ Tắc, trưởng và phó Ban bảo vệ sức khỏe trung ương. Hy vọng, kinh nghiệm của họ có thể sẽ giúp được tôi. Nhưng đến họ cũng bất lực. Hoàng Thụ Trạch đưa tôi đến gặp Dương Thượng Côn. Sau khi nghe tôi trình bày, Dương Thượng Côn bảo: “Giang Thanh cũng không nể tôi, vậy biết làm thế nào?”
Cuối cùng Thạch Chu Hàn, Hoàng Thụ Tắc và tôi đã quyết định trình bày vấn đề này với thủ tướng Chu Ân Lai. Tất cả chúng tôi đều rất kính trọng Chu. Thạch Chu Hàn cũng đã từng gặp phải một vấn đề tương tự với Lâm Bưu, vị nguyên soái, phó chủ tịch Hội đồng Quân sự, như tôi với Giang Thanh bây giờ. Hồi đó Lâm Bưu chưa hoàn toàn nghỉ hưu. Lâm Bưu cũng mắc bệnh suy nhược thần kinh và không chịu làm theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Chu Ân Lai nói với ông, Mao chủ tịch và đảng hy vọng Lâm Bưu sẽ tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ít ra, Làm Bưu cũng đã nghe lời bác sĩ một thời gian. Chúng tôi nghĩ Chu cũng sẽ tìm ra được một giải pháp tương tự đối với Giang Thanh.
Nhưng chúng tôi đã lầm.
Chúng tôi xin yết kiến thủ tướng, trình bày lý do. Chu từ chối, lý do rất bận. Thay vào đó ông đề nghị chúng tôi đến gặp vợ ông, bà Đặng Dĩnh Siêu, cố vấn và là người tin cẩn nhất của ông. Bà cũng là một Uỷ viên trung ương đảng có uy tín. Từ xưa đến nay, tôi chưa một lần gặp bà, nhưng từ lâu vẫn ngưỡng mộ. Chúng tôi thường gọi bà là “Chị cả Đặng”, thật vinh hạnh nếu được làm quen với bà.
Nhiệm vụ của tôi, phải thuật lại vấn đề cho Đặng Dĩnh Siêu nghe. Tôi trình bày tường tận tình trạng của Giang Thanh, giải thích rằng những khó khăn mà Giang Thanh đang gặp chỉ là tâm lý, vì vậy không thể giải quyết được bằng y học. Theo đánh giá của tôi, vấn đề tâm lý của Giang Thanh là hậu quả của sự cách biệt với bên ngoài và chẳng tham gia vào một hoạt động xã hội nào. Có lẽ Giang Thanh sẽ thay đổi được cách sống và khắc phục được vấn đề tâm lý nếu được người hợp tính tình khuyên bảo. Chúng tôi đã bất lực nên phải nhờ đến Đặng Dĩnh Siêu.
Đặng Dĩnh Siêu chăm chú nghe tôi trình bày. Sau đó bà nói: “Chủ tịch đã cống hiến trọn đời cho cách mạng. Tám người trong gia đình Chủ tịch đã hy sinh cho cách mạng. Chúng ta phải hiểu rằng hiện giờ Mao chủ tịch chỉ còn có vợ là đồng chí Giang Thanh thôi. Người vợ cả của Chủ tịch, Dương Khai Huệ đã hy sinh cho cách mạng, người vợ thứ hai, Hạ Tứ Trân mắc bệnh tâm thần. Bây giờ cả Giang Thanh cũng lâm bệnh. Với tất cả khả năng của chúng ta, chúng ta phải giúp đỡ đồng chí Giang Thanh. Bởi vì như thế mới chứng tỏ được lòng biết ơn của chúng ta đối với Chủ tịch. Dù nhiệm vụ có khó khăn đến đâu cũng phải hết lòng chữa chạy cho Giang Thanh”.
Bà nói tiếp: “Đồng chí nói rằng ở đồng chí Giang Thanh có vấn đề về tâm lý. Điều đó làm chúng tôi rất buồn. Lẽ ra đồng chí không nên nói ra điều đó, như vậy không công bằng đối với Chủ tịch. Đảng giao cho đồng chí nhiệm vụ điều trị cho đồng chí Giang Thanh với những phương tiện y học tốt nhất, đồng chí không có quyền can thiệp vào những công việc khác”.
Tôi như bị dội một gáo nước lạnh. Đặng Dĩnh Siêu đã làm đảo ngược sự việc. Rõ ràng, bà đã trao đổi với Chu Ân Lai và được tán thành, nếu không bà không có thái độ như vậy. Bỗng nhiên, tôi hiểu, Chu Ân Lai là kẻ nô lệ của Mao, chỉ nhất nhất tuân theo từng lời của Chủ tịch. Cả ông lẫn vợ chẳng ai dám có một ý nghĩ độc lập nhỏ nào. Đặng Dĩnh Siêu, người phụ nữ khôn ngoan, tính toán. Tôi tìm đến bà với một vấn đề thực sự, nhưng bà lại muốn lợi dụng việc này để trở thành người tin cẩn của Mao bằng cách tố cáo chúng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ đối với vợ Chủ tịch, không cố gắng làm việc. Nếu Mao biết cuộc đối thoại này, vợ chồng bà sẽ được lòng Mao. Còn mối quan hệ của tôi với Mao chắc chắn sẽ xấu đi.
Tôi cảm thấy mình bị lừa dối. Bà ta thành công trong việc lợi dụng ý tốt của tôi để chống lại tôi, đẩy tôi vào thế thù. Bằng cách biến sự bất lực của tôi trong việc giải quyết vấn đề của Giang Thanh thành sự thử thách lòng trung thành đối với Mao. Đặng Dĩnh Siêu phản bội chúng tôi. Từ đó tôi không còn tin bà nữa. Tôi tức giận và rùng mình khi rời khỏi nhà bà.
Bây giờ tôi chẳng còn cách nào khác, đích thân nói thẳng với Mao nhưng không có mặt Giang Thanh. Cơ hội đã đến trong chuyến viếng thăm bí mật Trung Quốc của Khrushchev. Khrushchev đến Bắc Kinh vào ngày 31-7-1958. Mao đi tàu từ Bắc Đới Hà về Bắc Kinh để tiếp đón. Trên đường đi tôi đã nói chuyện với Mao về tình hình sức khỏe của Giang Thanh. Mao sửng sốt:
- Các đồng chí đã nộp báo cáo cho tôi rồi cơ mà? Lại xuất hiện vấn đề mới hay sao?
Tôi đáp:
- Tuy không có vấn đề mới nào cả, nhưng bản báo cáo không chứa đựng được tất cả những điều các bác sĩ muốn trình bày.
Mao dụi điếu thuốc và đề nghị tôi nói tường tận sự việc với ông.
Tôi bắt đầu:
- Các bác sĩ cho rằng đồng chí Giang Thanh không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Vấn đề của đồng chí ấy là tâm lý.
Tôi đưa cho Mao đọc bản hội chẩn khám cho Giang Thanh. Tôi nói tiếp:
- Ngoài ra, các bác sĩ còn cho rằng, đồng chí Giang Thanh thường lầm lẫn giữa cách đánh giá cái riêng với thực tế. Suy nghĩ của đồng chí ấy thường hay thay đổi. Tích cực hoạt động xã hội và tăng cường quan hệ có thể sẽ giúp được đồng chí ấy.
Mao im lặng.
- Tôi biết, nguyên soái Lâm Bưu khi bị mắc bệnh cũng đã cương quyết không nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Nhưng khi thủ tướng Chu Ân Lai yêu cầu đồng chí ấy nghe theo chỉ dẫn cũng đã làm theo và đồng chí ấy dần dần bình phục. Vấn đề là ở chỗ đồng chí Giang Thanh chẳng nghe lời một ai trong chúng tôi cả. Chúng tôi không biết làm thế nào.
Mao nhắm mắt lại, châm một diếu thuốc và rít một hơi dài. Ông chậm rãi nói: “Giang Thanh chỉ nghe theo chỉ thị của đảng”. Tôi biết ông ám chỉ chính ông khi nói tới “đảng”. Ông nói thêm, vợ ông thường nghĩ những chuyện quá vụn vặt, ngược lại chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề của bà mà chẳng để ý đến những chuyện khác. “Điều thực sự làm cho bà ấy lo nghĩ, một ngày nào đó tôi chán bà ấy. Tôi vẫn thường nói rằng bà không phải lo lắng gì”.
- Đồng chí hãy truyền đạt cho các y tá rằng tôi đánh giá cao những cố gắng của họ đối với Giang Thanh. Chắc chắn bà ấy chẳng dễ chịu chút nào đối với các y tá. Bảo họ đôi khi cũng cần phải từ chối những đòi hỏi của Giang Thanh.
Tôi nói:
- Điều đó họ chẳng dám đâu, thưa Chủ tịch. Làm sao họ có thể từ chối những yêu cầu của đồng chí Giang Thanh được? Nếu vậy, họ sẽ bị tố cáo là phản cách mạng. Các y tá cũng không thể làm cho đồng chí ấy hài lòng được, ngay cả khi họ đã cố hết sức.
Mao cười:
- Tôi đã nói với bà, cha mẹ ốm quá 100 ngày đến thằng con trưởng cũng hết tình thương. Bà ấy ốm đau đã quá lâu, bây giờ cũng phải niềm nở vui vẻ một chút chứ.
- Không phải các y tá mong muốn đồng chí ấy ân cần, niềm nở hơn, họ chỉ hy vọng rằng đồng chí Giang Thanh đừng hay mắng mỏ, đưa ra những đòi hỏi vô lý.
Mao nói:
- Tôi nghĩ bà ta đã qua khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của căn bệnh hiểm nghèo. Đồng chí hãy nhân danh tôi cám ơn các bác sĩ và y tá.
Tiếp đó, tôi nói với Mao là các bác sĩ mong rằng ông sẽ không cho Giang Thanh biết bản hội chẩn.
Mao đồng ý:
- Không, tôi sẽ không kể chuyện này cho bà ấy đâu. Tôi nghĩ Giang Thanh sẽ nghe theo chỉ thị của đảng. Nếu đồng chí có vấn đề gì với bà ấy đồng chí hãy nói thẳng với bà ấy và cả với tôi nữa. Nhưng đồng chí đừng có nói với những người khác sau lưng chúng tôi. Như vậy không tốt đâu.
Tôi trả lời:
- Tôi chưa bao giờ nói sau lưng Chủ tịch.
Tất nhiên, cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đặng Dĩnh Siêu đã diễn ra sau lưng Mao, nhưng tôi không dám thú nhận. Hơn nữa, đã từ lâu tôi lấy làm ân hận về cuộc gặp gỡ với vợ thủ tướng.
Mao lại cười:
- Tất cả hãy làm những việc mà chúng ta cần phải làm.
Tôi gặp Thạch Thụ Hán, Hoàng Thụ Tắc, những người lãnh đạo bộ phận bảo vệ sức khoẻ, báo cáo lại cuộc đối thoại giữa tôi và Mao. Họ có vẻ lo ngại nếu đến lúc nào đó Giang Thanh biết được chuyện này, các bác sĩ và Ban bảo vệ sức khỏe trung ương sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn lao. Họ cho tôi một lời khuyên hữu ích: đừng bao giờ nói với Mao về Giang Thanh.
Chắc Mao đã cảnh cáo vợ về thái độ của bà đối với các y tá. Giang Thanh đã cố gắng cư xử tốt hơn. Nhưng mặc dù vậy, trong mùa hè năm đó ở Bắc Đới Hà, cũng có vài y tá bị sa thải. Tôi bắt đầu đoán được, những xung khắc giữa Giang Thanh đối với các y tá không chỉ vì bà không hài lòng với công việc của họ, mà lo ngại về sức quyến rũ của các cô gái trẻ đối với Mao. Giang Thanh có thói quen bắt chuyện với các cô y tá mới từ bệnh viện Bắc Kinh được cử đến chỗ bà trong các buổi khiêu vũ. Theo bà lúc đó thoái mái hơn. Cả Mao cũng có mặt, còn các cô gái trẻ chìm ngập trong sự kính cẩn khi họ nhìn thấy Mao. Có lần bà vô cùng bực tức khi một cô y tá trẻ ngừng lấy thuốc cho bà để bắt tay Mao, chào đón ông rất nồng nhiệt. Tôi cố gắng giải thích, thái độ quá lố đó của các cô y tá trẻ là điều hoàn toàn tự nhiên, vì họ đang đối diện với một vị lãnh tụ vĩ đại.
Nhưng Giang Thanh lại nghĩ khác:
- Bác sĩ không hiểu Chủ tịch đâu. Ông ấy phóng đãng lắm. Lối sống và lao động trí tuệ của ông ấy là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Lúc nào có những người đàn bà đẹp ông ấy chỉ muốn chiếm đoạt. Đồng chí có hiểu ý tôi không? Đồng chí phải bảo các cô bé hãy tỏ ra có đạo đức một chút. Họ phải lễ độ đối với vị lãnh tụ, nhưng cũng phải thận trọng khi tiếp xúc với ông ấy.
Sự nhắc nhở của Giang Thanh làm tôi bối rối. Hồi đó tôi vẫn chưa biết tí gì về sự vô độ trong tình dục của Mao, tôi chỉ nhớ rằng, trong cuộc nói chuyện giữa tôi và Mao, đã nói cho tôi biết nỗi lo sợ của vợ ông và cam đoan sẽ không bao giờ bỏ bà. Tôi vẫn chưa nhận thức được rằng trong một số điểm, Giang Thanh có thể tinh tường hơn tôi. Ham muốn tình dục của Mao thật vô cùng. Đối với ông, tình dục và tình yêu là hai vấn đề khác hẳn nhau.