Mao thường nói với tôi:
- Tôi tốt nghiệp Đại học Thảo khấu.
Mao chính là một phiến quân tài giỏi, nổi dậy chống lại chính quyền, kiểm soát tất cả, đoạt được mọi thứ. Điều này không chỉ có giá trị nắm quyền bính cao nhất trong chính trị mà còn ảnh hưởng lớn lao tới những hoạt động thường ngày. Tại Trung Nam Hải sẽ không có gì xảy ra nếu không được ông chuẩn y. Thậm chí ông còn quyết định cả việc vợ ông nên mặc y phục nào.
Đó là sự thật, Mao ít bạn, sống đơn độc, cách biệt với cuộc sống đời thường. Ông dành rất ít thời gian cho vợ và không quan tâm lắm đến con cái. Cho đến tận bây giờ, tôi có thể nói, tôi có ấn tượng không mấy cảm tình ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, cảm nhận Mao ít tình người, thiếu nhân hậu và thiếu sự thân thiện một các trung thực. Một lần, tôi ngồi kế bên Mao trong buổi xem biểu diễn nghệ thuật ở Thượng Hải, trong mục đi trên dây, cháu bé biểu diễn trượt chân ngã xuống sàn, bị thương rất nặng. Tất cả khán giả lặng người nghẹt thở, mẹ cháu bé than khóc thảm thiết. Nhưng Mao vẫn thản nhiên tán chuyện và cười vang coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi biết ông không hề hỏi han số phận cháu bé bất hạnh đó.
Tôi không thể hiểu nổi sự nhẫn tâm của Mao. Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều cảnh tang tóc, nên ông chai sạn với nỗi đau khổ của người khác. Người vợ đầu của ông, Đường Khai Tuệ và cả hai người em ruột của ông đều bị Quốc dân đảng sát hại. Con trai cả của ông cũng đã hy sinh trong cuộc chỉến ở Triều Tiên. Ông cũng đã mất những người con trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh vào giữa những năm 30. Nhưng không bao giờ tôi thấy ông để lộ bất cứ sự xúc động nào vì những mất mát này. Việc ông sống sót trong khi nhiều người khác đã hy sinh càng làm cho ông tin ông sẽ rất thọ. Ông nói, chính những người chết “đã phù hộ cho ông, cho cách mạng”.
Ấy thế Mao không bao giờ thờ ơ với những thông tin. Mặc dù suốt ngày nằm trên giường, không mặc quần áo, đọc sách nhưng thường xuyên được các cộng sự của ông báo cáo bằng văn bản hoặc bằng miệng về những sự kiện xảy ra ở Trung Quốc và thế giới, từ mưu mô lặt vặt ngay xung quanh ông, diễn biến tại những nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc cho đến những sự việc xảy ra ở những đất nước xa xôi khác.
Mao không ưa hình thức và nghi lễ. Sau khi Mao được bầu làm Chủ tịch nước năm 1949, vụ trưởng Vụ lễ tân Dư Tín Thanh đề nghị ông nên tuân theo lễ nghi quốc tế khi đón tiếp các đại sứ nước ngoài, như mặc âu phục màu sẫm, đi giày da đen. Mao đã nổi giận. Ông nói:
- Chúng ta là người Trung Quốc, có tập quán riêng. Tại sao lại phải theo phong tục tập quán người khác?
Từ đó ông thường mặc bộ đồng phục kiểu Tôn Trung Sơn, đi giày vải. Khi các chính trị gia hàng đầu khác noi gương vị Chủ tịch của họ, tên của bộ đồng phục đã thay đổi và bộ đồng phục màu xám “kiểu Mao” đã trở thành “mốt”. Vụ trưởng Vụ lễ tân, người dám cả gan khuyên Mao tuân theo nghi thứ quốc tế đã bị cách chức. Ông ta đã tự vẫn trong thời kỳ Cách mạng văn hoá.
Mao coi lịch trình công việc hàng ngày, nghi thức và lễ nghi như là phương tiện để kiểm tra chính mình, ông từ chối những quy định của cấp dưới. Ông thường vui chơi quá độ, không ai có thể đoán trước những gì ông sẽ làm tiếp theo. Khi đi dạo, ông thường về nhà bằng đường khác. Ông hay tìm tòi những cái mới, những điều chưa được thử nghiệm không những trong cuộc sống riêng tư, còn cả trong lĩnh vực chính trị.
Ông mê nhất lịch sử Trung Hoa. Ông thường nói:
- Chúng ta phải nghiên cứu về quá khứ để phục vụ hiện tại.
Ông đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần cuốn lịch sử 24 triều đại – một bộ biên niên sử chính thống, từ cổ xưa đến các triều đại gần đây, trong khoảng thời gian từ năm 221 trước công nguyên đến năm 1644 sau công nguyên.
Tuy nhiên, quan điểm lịch sử của Mao khác cơ bản với những người bình thường khác ở Trung Quốc. Lĩnh vực đạo đức không có chỗ trong chính sách của Mao. Tôi hoảng sợ khi được biết, Mao không những tự ví mình với những vị hoàng đế Trung Hoa, còn tỏ ra khâm phục những tên bạo chúa bất nhân nhất trong lịch sử.
Mao đặc biệt khâm phục vua Trụ, một bạo vương trị vì triều đại nhà Thương thế kỷ thứ XI trước công nguyên. Dân tộc Trung Hoa ghê tởm và khiếp sợ trước sự tàn bạo của vị bạo chúa này. Đối với nhà vua, sinh mạng của bầy tôi chỉ là cỏ rác, nhà vua thích bêu xác những nạn nhân bị hành quyết, để cảnh cáo những người nổi loạn chống lại nhà vua. Bể tắm của nhà vua thường đổ đầy rượu thay cho nước lã.
Tuy vậy, Mao cho rằng, sự quá thái của vua Trụ không có nghĩa lý gì so với những việc làm của nhà vua. Vua Trụ đã mở rộng lãnh thổ Trung Hoa, kiểm soát cả một vùng duyên hải từ Bắc tới Nam, đã thống nhất được các bộ tộc quy về một mối, tuy nhà vua đã ra lệnh giết một số vị quan có tài và trung thành. Ví dụ điển hình là quan thượng thư Tỷ Can đã lập được nhiều công trạng, nhưng chỉ vì can ngăn hành động ngang ngược mà bị Trụ Vương xử trảm. Vua Trụ sống rất xa hoa, có hàng nghìn cung tần mỹ nữ, nhưng vua nào mà chẳng thế.
Tần Thuỷ Hoàng, 221-206 trước công nguyên, người lập nên triều đại nhà Tần, vương quốc Trung Hoa thống nhất cách đây gần hai nghìn năm, cũng là người được Mao hâm mộ. Ông thường ví mình với vị hoàng đế này. Giống như Trụ vương, Tần Thuỷ Hoàng cũng bành trướng mở rộng lãnh thổ, đã thống nhất các tiểu vương quốc khác thành một nước Trung Quốc rộng lớn. Ông đã đặt ra đơn vị đo lường và trọng lượng thống nhất, xây dựng hệ thống đường bộ. Nhưng người Trung Hoa khinh bỉ và căm ghét, vì ông đã tàn sát những người theo đạo Khổng và đốt sách. Mặc dù vậy, Mao biện hộ, cho rằng Tần Thuỷ Hoàng làm điều này chỉ để cố gắng thống nhất đất nước và xây dựng đế quốc Trung Hoa không bị ai ngăn cản. Ngoài ra, ông ta chỉ giết 260 người Khổng giáo thì có gì quá thảm khốc? Khi nhận xét về Tần Thuỷ Hoàng, người ta không được cường điệu những điều không quan trọng để rồi quên đi những điểm nổi bật.
Mao cũng rất khâm phục Hoàng hậu Võ Tắc Thiên (627-705), một trong số ít phụ nữ nắm giữ quyền lực ở Trung Quốc cái đích mà sau này Giang Thanh đã cố vươn tới. Khi Mao hỏi tôi nghĩ gì về Võ Tắc Thiên, tôi đã nói thẳng: “Bà ta là người đa nghi, gian giảo và đã giết quá nhiều người”. Mao nói:
- Đúng vậy, nhưng Võ Tắc Thiên cũng là một người cải cách xã hội. Bà ta đã bênh vực quyền lợi của địa chủ nhỏ và trung bình trong việc nộp tô cho giới quý tộc và những dòng họ lớn. Nếu bà ta không đa nghi, không tin vào những tay do thám, làm sao bà phát hiện được những âm mưu của giới thượng lưu và của những gia tộc lớn chống lại bà? Tạì sao bà không ra tay hạ thủ những kẻ âm mưu chống lại mới được cơ chứ?
Đối với vua Tuỳ Dạng Đế (604- 618) cũng vậy. Dưới con mắt của người Trung Quốc, vị hoàng đế này là tên bạo chúa xấu xa nhất. Ông mê gái và nghiện rượu, sống rất xa hoa, đồi truỵ, bắt những cô gái trẻ đẹp phải kéo con thuyền du ngoạn của ông ngược dòng bằng những sợi dây lụa. Biết bao người đã chết trong khi đào và xây tất cả kênh trong nước theo lệnh của nhà vua. Nhưng Mao lại liệt ông vào hàng những kẻ cai trị giỏi nhất. Tất cả các con sông ở Trung Quốc đều chảy từ Tây sang Đông, nhưng nhờ những dòng kênh đào của nhà vua đã nối miền Bắc với miền Nam. Vì vậy, theo Mao vua Tuỳ Dạng Đế cũng là người vĩ đại hiếm có.
Mao quan tâm đến lịch sử Trung Quốc hơn cả. Nhưng ông cũng đã đọc nhiều sách nói về một số nhân vật lịch sử phương Tây. Trước hết, ông đánh giá cao Napoleon. Theo Mao, sử dụng lực lượng pháo binh mạnh, Napoleon đã làm một cuộc cách mạng về chiến lược quân sự. Ngoài ra, vị tướng Pháp này đã ứng dụng khoa học vào chính sách mở mang đất nước. Ông không chỉ đưa quân đến Ai Cập, còn đưa cả các học giả, nhà khoa học đến đó để nghiên cứu nguồn gốc của nền văn minh phương Tây. Mao cũng muốn tổ chức một chuyến đi nghiên cứu như vậy trên đất nước Trung Hoa. Năm 1964 ông đã dự định thực hiện chuyến thám hiểm khoa học tìm hiểu về cội nguồn sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Thanh Hải xa xôi. Sông Hoàng Hà đã từ lâu gắn chặt với cái nôi của nền văn hoá Trung Hoa khiến Mao có ý định lần về quá khứ của nền văn hoá này và cả nguồn gốc của nó nữa.
Uông Đông Hưng được giao nhiệm vụ tập hợp và điều hành một nhóm những nhà sử học, trắc địa, địa chất và những chuyên viên thuỷ học và năng lượng học. Uông đã kiếm được những con ngựa vùng Nội Mông cũng như quân trang, quân dụng. Tôi và Mao cùng nhau tập cưỡi ngựa. Ngày 10-8-1964 chuyến đi bị hoãn lại, năm ngày trước Mao nhận được tin Mỹ định đổ thêm quân vào Việt Nam hòng làm chủ tình thế chiến trường. Ông quyết định bí mật đưa ra chiến trường những người lính Trung Quốc được cải trang bằng những bộ quân phục Việt Nam, để hỗ trợ cho đồng minh của ông đánh Mỹ.
Về chính bản thân ông, quan điểm lịch sử của Mao cũng có nhiều điểm không đúng. Những tài liệu về quá khứ của đất nước Trung Hoa đã giúp ông nắm được, điều hành được hiện tại và ông kết hợp điều đó với chính sách đối ngoại. Tôi biết, những mưu mô trong các triều đại vua chúa tác động đến tư tưởng của ông mạnh hơn cả chủ nghĩa Marx-Lenin. Dĩ nhiên, Mao vẫn là một người cách mạng. Mục đích của ông là thành lập nước Trung Quốc, mang lại sức mạnh và cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Thế nhưng ông lại học từ quá khứ để lãnh đạo, dùng những con bài đầy thâm hiểm để đạt được quyền lực tối cao.
Nhưng lịch sử cổ đại Trung Hoa không đóng góp được gì to lớn trong tư tường chuyển giao của Mao. Mao cho rằng nền văn minh Trung Hoa đã lụi tàn, trì trệ, mục tiêu của ông là thúc đẩy, đổi mới nền văn hoá đó bằng cách học hỏi tiếp thu tư tưởng mới lạ của nước ngoài vận dụng với điều kiện và tình hình thực tế của Trung Quốc. Ông thường nói, kết quả sẽ “không mang tính chất của Trung Quốc, cũng không mang tính ngoại lai, chẳng phải là lừa, cũng chẳng phải là ngựa, mà là con la”.
Mao cho rằng chủ nghĩa xã hội giúp ông khơi dậy tiềm năng sáng tạo của dân tộc Trung Hoa, đưa đất nước Trung Quốc trở lại thời hoàng kim trước đây. Ông cần sự ủng hộ cần thiết của Liên Xô, vì đó là một mẫu nhà nước xã hội chủ nghĩa hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Ngay từ khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Mao đã tâm niệm, Trung Quốc phải đi theo một hướng riêng. Liên Xô là một tấm gương đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Nhưng khi Mao nói về chủ nghĩa xã hội, ông thường đề cập đến một chủ nghĩa xã hội mang tính chất đặc thù của Trung Quốc, một chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước Trung Quốc hạnh phúc và phồn quang. Ông thường nói, việc nhập cảng ồ ạt tư tưởng và hàng hoá của nước ngoài mà không có sáng tạo của mình thật đáng lên án. Ông không bao giờ có ý định tiếp thu mô hình xô viết mà không có phê phán và bổ xung.
Ngay hôm đầu chúng tôi quen nhau, ông đã tỏ ra rất khâm phục công nghệ, sự năng động và nền khoa học kỹ thuật của Mỹ và phương Tây. Với quan điểm phát triển theo một hướng riêng, nhờ có kiến thức và không cường điệu, ông không coi Liên Xô, một tấm gương sáng duy nhất đối với việc xây dựng lại đất nước Trung Quốc.
Mao có một cách nhìn đặc biệt về vai trò của riêng ông trong lịch sử. Ông không nghi ngờ vai trò của mình, người lãnh đạo vĩ đại nhất, kẻ trị vì vĩ đại nhất trong tất cả những kẻ trị vì, người đã thống nhất đất nước Trung Quốc và muốn đưa đất nước này trở lại thành cường quốc như trước đây. Với tôi, Mao không bao giờ dùng chữ “hiện đại hoá”. Ông không phải là người hiện đại. Thay vì điều này, ông nói về việc làm cho đất nước phồn vinh và lấy lại được tầm vóc trước đây của nó. Là một kẻ nổi loạn, một kẻ bài trừ sùng bái cá nhân, ông mong muốn đưa Trung Hoa trở thành nước vĩ đại, nhưng ông lại muốn dựng lên Vạn lý trường thành của riêng ông. Sự vĩ đại của bản thân ông và nhân dân Trung Quốc đan xen vào với nhau. Cả đất nước Trung Quốc là của Mao và ông có thể thử nghiệm tuỳ thích. Mao là Trung Quốc và ông nghi ngờ bất cứ ai tỏ ý muốn bàn về vị trí của ông hoặc không chia xẻ quan điểm với ông. Ông đã loại những đối thủ của ông một cách không thương xót. Đối với ông, sinh mạng của những người dưới quyền hoàn toàn vô nghĩa.
Lúc đầu, tôi khó tin, Mao lại sẵn sàng hy sinh những công dân của nước ta đề đạt được mục đích riêng. Từ khi Mao gặp thủ tướng Ấn Độ, Jawaharlan Nehru, vào tháng 10-1954, tôi mới biết rằng Mao đã so sánh những quả bom nguyên tử chỉ là “con hổ giấy” và không ngần ngại sẵn sàng hy sinh hàng trìệu người Trung Quốc để chiến thắng chống “cái gọi là chủ nghĩa đế quốc”. Ông quả quyết với Nehru: “Đừng có sợ bom nguyên tử. Trung Quốc rất đông dân, chúng không thể thả bom nguyên tử xoá sổ tất cả chúng tôi được. Kẻ nào dám ném bom nguyên tử, thì tôi cũng có thể làm được điều đó. Dù phải hy sinh 10 hay 20 triệu nhân dân, tôi đâu có sợ”. Nghe đến đó, ông Nehru phát hoảng.
Trong bài diễn văn đọc ở Moscow năm 1957, Mao tuyên bố, ông sẵn sàng hy sinh 300 triệu dân Trung Quốc, một nửa dân số Trung Quốc. Ngay khi Trung Quốc có mất đi nửa số dân, đó cũng chưa phải là tốn thất lớn lao, vì đất nước này vẫn có thể sản sinh ra nhiều người nữa.
Riêng trong thời kỳ Đại nhảy vọt, đã có hàng trìệu người Trung Quốc chết đói, làm cho tôi thấy, Mao hệt như những tên bạo chúa mà ông vốn khâm phục. Ông thừa biết nhiều người đã chết ra sao, nhưng ông không hề mảy may động lòng.
Từ cuộc nói chuyện đầu tiên giữa chúng tôi về lịch sử Trung Quốc, tôi đã có thể rút ra những bài học cho bản thân. Quan điểm lịch sử của Mao rất bổ ích đối với tôi. Ông là trung tâm để vạn vật quay quanh. Mao phải nắm quyền lực tối cao.
Sự trung thành là yêu cầu cao nhất hơn cả về nguyên tắc. Ông đòi hỏi ở những người dưới quyền ông, vợ ông, bạn gái của ông, các cộng sự và nhưng người phục vụ ông, cũng như những người lãnh dạo chính trị ông đã chia xẻ quyền lực với họ là sự trung thành tuyệt đối và trọn vẹn dành cho ông.
Sự trung thành này dựa vào sự tin cậy ít hơn vào sự lệ thuộc. Vì Mao không có khả năng mang lại những tình cảm khác, nên ông cũng không thể trông chờ người ta dành cho ông mối thiện cảm. Trong tất cả những năm làm bác sĩ riêng của Mao, tôi thường chứng kiến việc Mao củng cố lòng trung thành của người khác cũng như của tôi đối với ông như thế nào.
Với vẻ dễ mến, ông đã chiếm được lòng tin của người khác, làm cho họ thú nhận những khuyết điểm, như Vương Gấu Lớn đã tự thú âm mưu giết Mao và Hứa Thế Hữu đã từng trung thành với Tưởng Giới Thạch và tôi cũng đã kể lại quá khứ của gia đình tôi. Mao đã bỏ qua lỗi lầm, cứu giúp và làm cho họ yên tâm. Bằng cách này, ông đã thâu nạp được những cộng sự trung thành nhờ sự bao dung bên ngoài của ông.
Bất cứ những ai trung thành với Mao, đều bị lệ thuộc vào ông, càng lệ thuộc, họ càng khó thoát khỏi sự khống chế. Không một ai ở Trung Quốc dám ủng hộ một người nào đó đã không trung thành với Chủ tịch. Chỉ một số ít không thật sự trung thành mới muốn thoát ra khỏi sự khống chế, nhưng ai không trung thành đều bị loại trừ. Không một ai ở Trung Quốc này dám bao che, ủng hộ kẻ chống lại Mao chủ tịch.
Một số người trung thành tuyệt đối, vì Mao đã cứu hoặc làm cho họ yên tâm, hoặc họ coi ông là vị cứu tinh của đất nước Trung Hoa. Bên cạnh đó nhiều người là kẻ xu nịnh. Mao cũng thích được xu nịnh, ngay cả khi ông thừa biết họ giả dối, vì ông hiểu, thời gian sẽ phân loại được những kẻ nịnh thần với những người thực sự trung thành. Rút cuộc, những kẻ nịnh bợ sẽ bị phế truất, nếu họ không còn tác dụng nữa.
Phương châm của Mao: “Phục vụ nhân dân” và khắp đất nước Trung Quốc, đâu đâu lời hiệu triệu này cũng được quảng cáo bằng chữ trắng viết trên nền đỏ với bút tích của Mao. Đằng sau cánh cổng Tân Hoa (nước Trung Hoa mới) lối vào khu vực Trung Nam Hải ở phía Nam, có một tấm biển mang dòng chữ vàng cấm thường dân Trung Quốc ngó nghiêng vào bên trong khu Cấm Thành hiện đại, nơi những ngươi lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc sống và làm việc. Trong những buổi họp nghiên cứu chính trị định kỳ ở Trung Nam Hải, chúng tôi thường được nhắc nhở, phải phục vụ nhân dân và đảng thay vì phục vụ cá nhân mình. Lời hiệu triệu này luôn cổ vũ tôi, một trong những lý do khiến tôi cần phải gia nhập đảng cộng sản.
Nhưng sau khi bắt tay vào công việc ít lâu, tôi nhận thấy, Mao là trung tâm để vạn vật quay quanh, là một cái mỏ kim loại quí hiếm và cần được bảo vệ, được bợ đỡ và được nịnh hót. Mọi việc đều được làm vì Mao. Ông không bao giờ phải nhúng tay, không bao giờ tự xỏ tất đi giày, tự mặc quần áo hay tự chải đầu. Khi tôi lưu ý với Uông Đông Hưng, mọi việc hoạt động của Nhóm Một nhằm vào việc phục vụ Mao, chứ không phải “phục vụ nhân dân”, ông ta nói “phục vụ nhân dân” chỉ là một khái niệm trừu tượng. Uông giải thích:
- Chúng ta phải phục vụ một cá nhân cụ thể. Phục vụ Mao chủ tịch có nghĩa là chúng ta phục vụ nhân dân, không đúng sao? Đảng đã tin tưởng giao công việc cho đồng chí chủ tịch, tức là đồng chí ấy đã làm việc cho đảng hay không phải như vậy?
Thật non dại và thơ ngây làm sao khi tôi đã tin vào lời nói của Uông Đông Hưng là đúng.
Thế rồi sau này tôi đã hiểu rằng, ông hệt như các vị hoàng đế thời xưa đã ruồng bỏ không thương tiếc những thuộc hạ của mình, khi những người này không hoàn toàn đồng ý với sự nghĩ của các vị hoàng đế, Mao cũng có thể phế truất tất cả những cố vấn và cộng sự, nếu họ không hoàn toàn nhất trí với ông. Lúc đầu, người ta đã không trừng phạt các quan chức cao cấp vì đôi khi họ có những ý kiến khác với Mao. Nhưng Mao vẫn để bụng và một khi ông biết được ai đó dưới quyền không trung thành, đến khi thời gian chín muồi, ông có thể đánh gục cả những chiến sĩ cách mạng lão thành không hề đắn đo. Những người như Chu Ân Lai có vẻ biết được điều đó và hoàn toàn tuân phục Mao. Một số khác như Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu không thế, nên họ phải rút lui. Khi một người lãnh đạo cao cấp có tư duy độc lập, ông ta sẽ bị loại.
Một khi Mao nghi ngờ những ai trong ban tham mưu có quan hệ mật thiết với những quan chức cao cấp quan trọng khác, như Chu Ân Lai, Lâm Bưu hoặc Lưu Thiếu Kỳ, ông sẽ phế truất ngay. Mao cảnh cáo tôi: “Mọi tai hoạ đều do cái miệng”. Tôi biết số phận của tôi phụ thuộc vào sự nín lặng của chính mình. Trong khi xảy ra những trào lưu chính trị làm xáo trộn cả đất nước Trung Hoa trong hai thập kỷ liền, tôi đã ghi lòng tạc dạ lời giáo huấn của Mao chủ tịch và chỉ giới hạn mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho ông, vì tôi là bác sĩ riêng của Mao. Ngay cả khi biết được tính tàn nhẫn của ông, tôi đã nín lặng, để khỏi mang vạ vào thân và chỉ nói khi Mao muốn. Mặc dù vậy tôi vẫn kính trọng ông. Ông là ngôi sao chỉ đường, vị cứu tinh, đỉnh núi cao nhất, là vị lãnh tụ tối cao của đất nước Trung Hoa. Với tôi, Trung Quốc là một đại gia đình duy nhất và gia đình này cần có người đứng đầu, đó là Mao chủ tịch, vị tộc trưởng. Tôi nguyện phục vụ ông, thông qua ông cũng là phục vụ cho nhân dân Trung Hoa.