Đọc Vị Bất Kỳ Ai - Để Không Bị Lừa Dối Và Lợi Dụng

Phần 2 - Chương 14: Ba Loại Tính Cách

 

“Sáng tạo đôi khi cũng có thể biến thành phá hoại. Nó phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách con người: ở mặt tốt hay xấu. Và nếu cả nhân cách cũng không có th. không người thầy nào có thể giúp học sinh tạo ra nó hay thay thế học sinh quyết định.”

Carl Jung (1875 – 1961)

Bạn có thể biết một người có lòng tự trọng thấp, nhưng điều đó không có nghĩa anh ta là người có “cái tôi” lớn. Sự tự tôn giảm đi sẽ dẫn tới hai trạng thái tâm lý. Một là nhận thức của người đó bị thay đổi và hai là phần “tính cách” trong con người anh ta sẽ trỗi dậy, thể hiện qua thái độ bất ổn của anh ta. Cùng là người không có nhiều sự tự tôn, hai người khác nhau sẽ có thái độ khác nhau đối với cùng một sự việc. Từ cả hai loại trạng thái tâm lý này, chúng ta sẽ đọc được vị của người đó: những suy nghĩ, cảm giác và thái độ của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Một kiểu sẽ giảm bớt “cái tôi” và biết tự tôn trọng mình hơn – đây là kiểu người lễ độ, biết nhún nhường; còn một kiểu, ngược lại, sẽ thổi phồng “cái tôi” của mình và quên mất tự trọng – đây là kiểu người kiêu ngạo. Ngoài ra còn có một khả năng nữa, đó là kiểu lòng tự tôn thấp và “cái tôi” cũng không lớn – đây là trạng thái tâm lý tự khinh khi, hạ thấp chính bản thân. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không có kiểu nào vừa có lòng tự tôn cao vừa có “cái tôi” lớn cả.

Kiểu người dễ gây nguy hiểm cho người khác nhất là kiểu có “cái tôi” quá lớn mà hầu như không có lòng tự trọng. Còn kiểu người nguy hiểm nhất với anh ta là kiểu vừa có lòng tự tôn thấp và cũng không có “cái tôi” lớn. Lí do là vì một kẻ kiêu ngạo sẽ dễ bộc phát cơn nóng giận ra ngoài hơn người tự coi mình là thấp kém. Những tên tội phạm có hành vi bạo lực thường là những kẻ thiển cận mà cứ cố tỏ vẻ mình mạnh bạo. Trong khi người không có cả lòng tự tôn lẫn “cái tôi” thường nín nhịn và tự trách mình là người vô dụng. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn cả ba loại tính cách này.

Loại tính cách LE-D – người tự coi mình là thấp kém

Những người thuộc loại này thường rất hay xin lỗi, thậm chí khi lỗi không phải do họ gây ra. Họ chấp nhận làm điều mình không mấy thích, không phải vì quý mến người ta mà vì sợ không được lòng họ. Người kiểu này rất hiếm khi biết đứng lên tự tranh đấu cho bản thân, vì họ thường tự coi những nhu cầu của mình là kém quan trọng hơn so với người khác, do đó chỉ biết suốt ngày tìm cách lấy lòng người khác. Rất dễ nhầm giữa một người chỉ biết “cho” để chiếm cảm tình của người khác với một người cho đi vì đơn giản họ muốn làm thế, hoặc vì cảm thấy đó là điều đúng đắn nên làm.

Cùng một sự việc có thể gây ra hai trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác nhau, tùy vào ý định ban đầu của bạn. Đó là sự khác biệt giữa cảm giác bị cướp và quyên góp làm từ thiện. Cả hai trường hợp đều là đem tiền cho người khác, nhưng một cái khiến bạn có cảm giác mình tốt đẹp lên, còn một cái khiến bạn cảm thấy mình bị kém đi; nghĩa là một trường hợp giúp củng cố thêm lòng tự tôn của bạn, trong khi trường hợp còn lại làm kiệt quệ tinh thần của bạn. Thực ra, bạn không hề cho, mà có người khác lấy của bạn. Bạn chấp nhận để bị lợi dụng. Chỉ khi lựa chọn của bạn là do tự bạn quyết định, cảm giác tự tôn mới xuất hiện và tồn tại lâu dài.

Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, khi có người cố lôi kéo bạn làm điều sai quấy nhưng bạn nói “không”, bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn sẽ cảm thấy mình tốt đẹp hơn. Điều này cũng tương tự như cảm giác mình mạnh mẽ hơn khi bạn nói “có” với một yêu cầu mà bản thân thấy nên thực hiện, dù khi đó bạn có không thích làm nó. Dù bạn có nói hay làm gì đi chăng nữa, miễn là nó xuất phát từ ý chí của bạn – nghĩa là bạn tự chọn lựa được quyết định cho mình – thì bạn đều có cảm giác tốt hơn. Ngược lại, khi tự thấy bản thân còn khiếm khuyết, bạn sẽ tự buông thả mình, để những suy nghĩ yếu kém làm khổ mình.

Kiểu tính cách này thường tạo nên người hướng nội. Khi có tâm trạng tốt, cảm thấy thoải mái và tự tin thì tận hưởng cuộc sống rất vui vẻ; nhưng đến khi không được như ý sẽ thường ém cảm xúc lại và chỉ bùng phát khi chắc chắn có cảm giác an toàn, được đảm bảo và có tâm trạng tốt mà thôi.

Những biểu hiện của loại tính cách LE-D

Hầu như mỗi người đều có biểu hiện riêng, nhưng nhìn chung có thể tổng kết lại các đặc điểm của loại tính cách LE-D như sau:

  • Không dễ dàng chấp nhận lời khen.
  • Không quyết đoán và dám nói ra chính kiến bảo vệ bản thân.
  • Nói những điều không tốt về mình.
  • Lúc nào cũng xin lỗi và tự cảm giác mình là người có lỗi.
  • Thường xuyên chịu đựng cảm giác không tốt về mặt tâm lý.
  • Thường có cảm giác lo lắng, bồn chồn khi phải rơi vào môi trường mới hoặc khi ở cạnh những người không quen; chỉ thích ở chỗ nào mà họ cảm thấy an toàn.
  • Sợ phải mạo hiểm, thậm chí kể cả khi đó là sự mạo hiểm có tính toán và khôn ngoan.

Loại tính cách LE-A – người kiêu ngạo

Kiểu người này thích được coi là trung tâm của sự chú ý và thường rất to tiếng, dễ nổi cáu, hay phàn nàn. Việc lúc nào cũng đòi hỏi được chú ý, được coi là quan trọng đã che giấu bản chất kém tự tôn của họ. Người dạng này lúc nào cũng tìm kiếm sự ủng hộ và những lời nịnh bợ từ người khác, khi không được thì rất dễ tức giận. Họ không ngại ngần xúc phạm hoặc la mắng người khác nếu việc đó làm họ có ảnh hưởng tốt hơn hoặc trở nên giỏi giang hơn trong mắt người khác.

Loại tính cách này tạo nên một kiểu thí sinh lúc nào cũng có máu ăn thua trong bất kỳ cuộc thi nào. Anh ta tự yêu, tự đề cao chính mình, lúc nào cũng nghĩ tới bản thân trước tiên và luôn giả vờ mình là người mạnh mẽ để che lấp cảm giác bất ổn bên trong. Khi đưa ra ý kiến của mình, anh ta thường rất dễ tức giận nếu nó không được chấp nhận. Dạng người này lúc nào cũng muốn mọi người hiểu mình, bất kể họ có thích hay không. Khi không được như ý, anh ta lại coi đó là sự ương ngạnh và rằng người khác không chịu nghe lời khuyên “lúc nào cũng đúng” của anh ta. Nếu người có lòng tự trọng cao để ý tới việc họ có thể xúc phạm, làm xấu hổ hay gây phiền hà, khó chịu cho người khác thì kiểu người LE-A hoàn toàn không để tâm tới chuyện đó, vì đơn giản là họ không thể. Một người tôn trọng người khác khi họ biết tự tôn trọng bản thân mình, còn khi họ không có điều đó thì họ làm sao biết tôn trọng người khác? Trên thực tế thì họ - tùy từng mức độ - thiếu hẳn khả năng để làm điều đó. Họ chỉ nghĩ đến người khác (dù có nhưng rất ít) khi sự quan trọng hóa bản thân trong họ vợi bớt. Một kẻ lúc nào cũng chỉ bo bo cho bản thân là kẻ không có khả năng yêu thương người khác. Không những thế, đó còn là kẻ nhạy cảm quá mức với từng lời chỉ trích và thường phản ứng lại bằng sự giận dữ.

Càng biết chấp nhận bản thân, chúng ta càng biết chấp nhận người khác. Còn đối với loại người này, anh ta cần “thấy” người khác ở vị thế yếu kém hơn mình để cảm thấy mình tốt đẹp hơn.

Trong cuộc sống, chúng ta có lẽ sẽ bắt gặp một vài người rất khó để hòa hợp. Họ lúc nào cũng có cảm giác những người xung quanh có vấn đề. Nhưng thực ra chính họ, chứ không phải ai khác, mới là người có vấn đề.

Khi biết tự tôn trọng bản thân, con người sẽ có cái nhìn hiền hòa hơn với môi trường và cuộc sống, trong khi kẻ kiêu ngạo chỉ biết đối xử thô bạo và bắt ép những vật vô tri phải theo ý mình. Cũng giống như việc cố làm người khác chú ý, anh ta áp đặt “mong muốn” của mình lên mọi thứ và yêu cầu người ta phải để mắt tới mình.

Những biểu hiện của loại tính cách LE-A

  • Rất dễ nổi cáu, tức giận và ra oai, lúc nào cũng cần được người khác chú ý. Có thể coi là người hung hăng, không chỉ trong quan hệ với người khác mà còn trong cả môi trường chung.

  • Có xu hướng phản ứng thái quá với bất kỳ sự đối xử nào (mà theo anh ta là) không công bằng, bất chấp việc đó nhỏ đến đâu chăng nữa.
  • Thường huênh hoang, khoác lác về thành công dù là nhỏ nhặt của bản thân.
  • Lúc nào cũng nghĩ về tài sản, vật chất; luôn tìm cách củng cố vị trí (mà anh ta tự cho là) quan trọng của mình. Trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào cũng cố áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác và cố lái sự chú ý về bản thân.
  • Cần được xem là đúng đắn, là kim chỉ nam hành động trong mọi trường hợp, muốn kiểm soát tất cả. Thường không biết tiếp thu ý kiến của người khác và nhanh chóng gạt bỏ những quan điểm đó.
  • Thường có thái độ say mê kiểu quá khích và lâm vào kiểu ứng xử có nguy cơ cao là lúc nào cũng cảm thấy mình là người “giàu sức sống”.

Những biểu hiện của loại tính cách kết hợp giữa LE-D và LE-A

  • Nhạy cảm quá mức cần thiết. Người theo kiểu LE-A sẽ có biểu hiện giận dữ và tự dựng lên cho mình một tấm chắn mạnh mẽ, trong khi những người LE-D trở nên buồn bã và thu mình lại.

  • Thường sử dụng những ngôn từ chán nản và hay sống với quá khứ, dù điều đó chẳng mang lại cảm giác dễ chịu chút nào cho anh ta.
  • Thường cố gắng trong vô thức để gây ấn tượng mình là người quyết đoán, dứt khoát. Hay nhìn đời bằng hai màu “trắng, đen”; trong trường hợp không phù hợp thì chuyển sang màu pha trộn giữa hai màu trên, tức là màu “xám”.
  • Tự dựng lên hình ảnh sai lệch về bản thân với thế giới xung quanh vì muốn được người khác nghĩ rằng mình tốt đẹp hơn bản thân trong thực tế.
  • Mọi chuyện đều có thể liên hệ đến bản thân, bởi vì có gì có thể quan trọng hơn bản thân họ – trung tâm của vũ trụ?
  • Thường tìm kiếm sự ủng hộ và cảm giác yên lòng nơi người khác.
  • Tràn ngập những niềm tin mù quáng, luôn có xu hướng hành động kiểu cảm tính, khi cần biện minh cho hành động của mình thì lại viện đến các suy nghĩ kiểu logic.
  • Dễ nổi nóng, tức giận; tâm trạng thay đổi thất thường hoặc dễ dàng buông xuôi khi gặp chuyện khó khăn.
  • Không giữ được mối giao hảo với nhiều người, thường có nhiều người không thể hòa hợp nổi.
  • Đổ lỗi cho tất cả trừ bản thân khi gặp chuyện và từ chối nhận trách nhiệm về mình. Lúc nào cũng coi mình là nạn nhân.
  • Dễ buồn chán, thất vọng, hoặc ít nhất thì lo lắng, bất an.
  • Gặp khó khăn trong việc ra quyết định. Nỗi lo lắng mình sẽ có quyết định sai khiến họ không thể quyết định được, đặc biệt trước những thay đổi trong hoàn cảnh không chắc chắn, khi họ không nắm quyền chủ động và điều này khiến họ rất sợ hãi.

Nên lưu ý rằng một người có lòng tự trọng thấp thường dao động giữa hai dạng: hoặc là người tự hạ thấp bản thân (dạng người tự cho là mình kém cỏi so với người khác) hoặc kiểu người tự đề cao mình (người kiêu ngạo). Dù trong trường hợp nào, kết quả cũng thường là những phản ứng tiêu cực: hoặc là nội tâm tự ém lại, gây cảm giác buồn chán và tổn thương; hoặc phản ứng ra ngoài thành sự tức giận. Một khi đã nắm bắt được dạng tâm lý nào đang chi phối đối phương trong thời điểm xác định, bạn sẽ phỏng đoán được khá chính xác thái độ và cách ứng xử của họ trong hầu hết mọi hoàn cảnh.

Từ đầu tới giờ, chúng ta đã hoàn thành sơ bộ quá trình phân tích tâm lý sử dụng phương pháp S.N.A.P. Với phương pháp này, giờ đây bạn hoàn toàn có khả năng đọc vị suy nghĩ và quá trình ra quyết định của đối phương, vì mỗi loại tính cách đều cung cấp cho chúng ta cách đọc vị rõ ràng và chính xác.

Giờ chỉ còn một vấn đề là làm thế nào để áp dụng hiệu quả nhất vào thực tế. Phần I đã đưa ra các thủ thuật chi tiết, Phần II giúp bạn đi sâu vào chi tiết hơn. Để áp dụng được các thủ thuật này hiệu quả nhất, bắt đầu từ đây chúng ta sẽ hệ thống lại từng chút, từng chút một, thông qua các ví dụ cụ thể, từ đó bạn có thể áp dụng dễ dàng trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của mình.